Monday, April 12, 2010

Chùa Long Khánh Quy Nhơn

Chùa LONG KHÁNH là một ngôi Tổ Đình danh lam thắng cảnh lịch sử của tỉnh Bình Định, được xây dựng năm 1700, do Tổ sư Đức Sơn người Trung Quốc khai sơn đến nay được 300 năm, truyền thừa được 14 đời chủ trì. Ngôi chùa nằm trên một khu đồi cao của TP Quy Nhơn. Diện tích trên 1 ha, toạ lạc tại số: 141 Trần Cao Vân, phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, hiện nay là Văn phòng Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Định.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những biến thiên của thời đại và bao cuộc chiến tranh tàn phá, nên những bút ký, di tích ghi về sử liệu của chùa bị tiêu huỷ và thất lạc. Hôm nay ghi lại lịch sử của ngôi Tổ Đình này, chúng tôi dựa theo một số Tự Tích, Long vị còn lưu lại và xin được ghi vài nét lịch sử như sau:


Picture101.jpg

Tượng Phật A Di Đà lộ thiên trước chánh điện chùa Long Khánh

1. TỔ SƯ KHAI SƠN:

Chùa Long Khánh được khai sáng bởi Tổ sư Đức Sơn, Huý Hải Khiển, dòng pháp Lâm Tế đời thứ 35. Ngài là người Trung Hoa, sinh năm Kỷ Mùi (1679) và viên tịch ngày mồng 2 tháng 12 năm Tân Dậu (1741). Ngài sang Việt Nam đến thôn Vĩnh Khánh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh. Nơi đây Ngài đã dừng chân và kiến lập ngôi chùa này. Dựa trên năm sinh và năm viên tịch của Ngài, chúng ta có thể đoán được Ngài sang Việt Nam và lập cảnh chùa này, lúc Ngài khoảng 30 tuổi, tức thời vua Lê Dụ Tông đời Hậu Lê (1706 - 1729). Trong thời gian này, cũng có nhiều nhà sư Trung Quốc sang Việt nam và vào thẳng Miền Trung lập chùa truyền đạo như Tổ sư Nguyên Thiều, khai sáng chùa Thập Tháp (Bình Định), Ngài Minh Hoằng Tử Dung khai sáng chùa Ấn Tôn (Từ Đàm - Huế), Ngài Minh Hải Pháp Bảo chùa Chúc Thánh Hội An, Ngài Tế Viên chùa Hội Tôn Phú Yên...Sự nghiệp khai sáng ngôi chùa Long Khánh do Tổ sư Đức Sơn đã truyền bá đạo pháp trong quần chúng bằng đức độ và sức học thuyết uyên bác của Ngài. Sau khi Ngài viên tịch, sự nghiệp được truyền trao cho HT Tế Thành thừa kế.

2.HT TẾ THÀNH: (đời thứ 36, dòng Lâm Tế)

Ngài hiệu là Lộc Kỳ, đệ tử của Tổ sư Đức Sơn dòng pháp Lâm Tế đời thứ 36.

3.VỊ TRỤ TRÌ ĐỜI THỨ 3: (đời thứ 38, dòng Lâm Tế), hoàn toàn mất di tích, không rõ họ tên

4.HT TỊCH THỌ: (đời thứ 38, dòng Lâm Tế)

Ngài tên thật là Nguyễn Trinh Tường, thời Ngài làm trụ trì đã làm nhiều Phật sự đáng kể, như trùng tu chùa và đúc Đại Hồng Chung tên THÁI BÌNH HỒNG CHUNG vào năm Ất Sửu (1805) và từ năm Gia Long thứ 9 đến 14 (1811 - 1816), Ngài đã khia khẩn thêm 8 mẩu ruộng.

5.HT TÁNH TÔN: (đời thứ 39, dòng Lâm Tế)

Ngài hiệu Thiên Khánh, sinh năm 1768, thừa kế sự nghiệp Ngài Tịch Thọ, Ngài xây thêm Đông và Tây đường để dung nạp Tăng chúng thường trụ tu học.

6.HT HẢI HUỆ: (đời thứ 40, dòng Lâm Tế)

Ngài hiệu Ngài Chánh Đạo, thừa kế sự nghiệp của Ngài Thiên Khánh.

7.HT CHÁNH NGUYÊN: (đời thứ 40, dòng Lâm Tế)

Ngài thừa kế Ngài Chánh Đạo, Ngài đã có công tu bổ và giáo Tăng Tín đồ tu học.

8.HT CHÁNH NGUYÊN: (đời thứ 40, dòng Lâm Tế)

Ngài hiệu là Chí Thanh, Ngài cũng thuộc dòng pháp thứ 40, sanh năm 1818 và viên tịch năm 1886, trụ trì thừa kế sự nghiệp của HT Chánh Nguyên.

9.HT THANH CẦN: (đời thứ 41, dòng Lâm Tế)

Ngài hiệu Quảng Diễn, sinh năm 1849, uy tín và đạo đức của Ngài rất nổi tiếng, lúc HT Phước Huệ có Phật sự đi xa, Chư Sơn trong tỉnh công cử Ngài xử lý trụ trì trông coi Tổ Đình Thập Tháp trong 2 năm, Ngài đã tận tuỵ giáo dục Chư Tăng của 2 ngôi Tổ Đình đều viên mãn.

10.HT CHÁNH NHƠN: (đời thứ 42, dòng Lâm Tế)

Ngài huý Trừng Chấn, sinh năm 1874 và viên tịch năm 1948, thế thọ 74 tuổi, hạ lạp 54. Sự nghiệp của Ngài rất đáng kể và nổi tiếng như:

- Trùng tu Đông và Tây đường.

- Mở Trường hương 3 tháng vào năm 1920, giảng dạy cho Chư Tăng Ni và truyền trao giới pháp (Giới đàn). Lúc đó có HT Tuyên Linh (Khánh Hoà) và sư Thiện Chiếu, quý Ngài đều là người Miền Nam ra Bắc tu học, trên đường trở về các Ngài vận động và truyền bá tư tưởng Chấn hưng Phật Giáo theo đường hướng mới của Ngài Thái Hư Đại Sư.

- Năm 1934 - 1940, Hội An Nam Phật học ra đời, cơ quan diễn giảng và thi hành Phật sự của Hội được chọn tại chùa Long Khánh, Hội đã hướng dẫn và đào tạo quần chúng tu học đông đảo.

- 1939 - 1940, mở Phật học đường, cung thỉnh HT Phước Huệ, trụ trì chùa Thập Tháp làm chủ giảng. Chư Tăng ở Miền Nam, như HT Thiện Hoà, HT Huyền Tân, ở Phan Rang có HT Hành Trụ, HT Hành Long, Phú Yên có TT Phước Trí cùng về tu học. Các tỉnh lân cận, như Phú Yên, Khánh Hoà, Quảng Ngãi cũng đều đến tham học. Sau đó Ngài tiếp tục theo học Phật học đường tại Huế.

- Năm 1946, cuộc chiến ác liệt giữa Pháp Việt, Chư Tăng cả bản tự, cũng như đồng bào đều tản cư về thôn quê tạm lánh bom đạn. Đầu năm 1948, mới về hồi cư. Cũng rằm tháng 7 năm ấy, HT Chánh Nhơn viên tịch, Tăng Tín đồ chịu tang Ngài trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng đau đớn, chiến tranh lại tiếp diễn, lệnh tản cư được ban hành, chúng Tăng lại tiếp tục tản cư một lần nữa.

Trước cảnh ra đi, ai ai cũng bùi ngùi xót xa, vội vàng di tản mà chẳng mang theo vật gì, dù đó là Phật tượng pháp khí hay vật phòng thân.

11.TT HUỆ PHƯỚC: (đời thứ 43, dòng Lâm Tế)

Khi HT Chánh Nhơn viên tịch, thầy Huệ Phước hiệu Tâm Không kế vị trụ trì, được một thời gian, thầy truyền lại cho TT Tâm Luật.

12.TT TÂM LUẬT: (đời thứ 43, dòng Lâm Tế)

Ngài hiệu Huệ Lãng (thường gọi là Thầy Na), là vị kế tục trụ trì chùa Long Khánh từ năm 1952 - 1962, đình chiến chúng Tăng trở về thì cảnh chùa đã điêu tàn hoang phế, chỉ còn những đống gạch vụn, Phật tượng bị đập bể, tài sản pháp khí đều mất hết, đến nổi phải lượm chai để cắm hoa cúng Phật, dùng lon sữa thay lư hương, chén bát, lấy cành cây làm đũa và không một chiếc chiếu lót nằm, thật là tiêu điều cho cảnh người về.

13.HT TÂM HOÀN: (đời thứ 43, dòng Lâm Tế)

Ngài huý Tâm Hoàn hiệu Huệ Long tự Giải Qui, Người có công lớn trong việc kiến thiết trùng tu Tổ Đình và giáo dục Tăng Ni tỉnh nhà.

- Ngày 24.9.1957, HT Huệ Chiếu, trưởng Môn Phái hiệp cùng Bổn tự quyết trùng tu lại ngôi Tổ Đình bằng cách bán ruộng chùa (tất cả 10 mẫu 7 sào, 6 thước 3 tấc), cùng sự hoan hỷ đóng góp công đức của chư Thiện tín để sử dụng trong việc trùng tu này. Kể từ năm 1957 - 1976, tất cả quang cảnh Phật tượng Pháp khí đều hoàn toàn mới tạo lập, đó là công trình xây cất, kiến thiết liên tục trong vòng 20 năm qua. Công đức xây dựng này đều do HT Tâm Hoàn. Suốt 20 năm dài, ngoài việc lo giáo dục chúng Tăng tại bản tự, làm giáo thọ các Phật học viện trong tỉnh, lại thêm gánh nặng cùng Chư Tôn giáo phẩm lo chèo lái con thuyền Giáo Hội vững bền trong những thời điểm khó khăn của Phật giáo

- Chánh điện và toàn bộ các khu nhà hiện tại, các chuông trống đều do Ngài xây dựng. Tượng A DI ĐÀ lộ thiên cao 17 mét được xây dựng năm 1972, do công đức HT - trong thời gian xây dựng là lúc chiến tranh tại Miền Nam leo thang nặng nề, nhưng với sự quyết tâm và sự gia bị của 10 phương Chư Phật, Long Thiên Hộ Pháp đã thành tựu viên mãn. Cũng trong thời gian ấy Ngài đã vào Nha Trang đúc Đại Hồng Chung cao 1m6, nặng 700 kg, tên GIÁC THẾ MỘNG CHUNG. Với ý nghĩa như bài thơ chính Ngài đã cảm tác sau đây:

Thức tỉnh non sông một tiếng hoà,
Hồng chung vang dội khắp gần xa,
Ngân lên tiếng nói tình huynh đệ,
Gà gáy tin vui đến mọi nhà.

Suốt cuộc đời Ngài hiến dâng cho Đạo Pháp và dân tộc, cơ duyên giáo hoá đã mãn, Ngài đã viên tịch vào ngày 07.3 năm Tân Dậu (1981), trụ thế 58 tuổi, hạ lạp 38. Ngài ra đi để lại cho môn đồ Phật Tử sự thương tiếc khôn nguôi.

14.HT NGUYÊN PHƯỚC: (đời thứ 44, dòng Lâm Tế)

HT hiệu Minh Đức, năm 1981, đã thừa kế sự nghiệp của bổn sư truyền lại. HT đã cùng với TT Thích Nguyên Chơn hiệu Minh Quả cố gắng duy trì và tiếp tục xây dựng những công trình phụ còn dang dở.

Năm 1989 đến nay, đã xây dựng thêm các nhà Tăng ngõ hầu để phục vụ khách Tăng và làm nơi sinh hoạt tu học cho Tăng chúng. Tương lai còn dự định xây thêm nhà Đông - Đông đường, xây dựng quá lâu, nay đã xuống cấp nặng nề, nhưng cơ duyên chưa đủ, nên việc trùng tu chưa thực hiện. Quang cảnh chùa Long Khánh nay khác hẳn ngày xưa, nhưng vẫn còn những đường nét cơ bản để đánh dấu một ngôi Tổ Đình, đã trải qua những cơn thăng trầm thay đổi của thế cuộc. Ngày nay những di tích còn sót lại để chứng minh rằng chùa đã kiến tạo từ lâu.

- Những ngôi tháp của các HT viên tịch còn hiện diện với những nét cũ kỹ lâu đời qua thời gian: phía Tây có tháp Ngài Viên Khánh, HT Chí Thanh, HT Chánh Nhơn, phía Đông só tháp HT Quảng Diễn, Đông Bắc có tháp quý HT, TT trong bản tự từ các đời trước.

- Trong Tổ đường có các Linh vị của các HT nối tiếp trụ trì và chư Tăng trong bản tự viên tịch.

- Thái Bình Hồng Chung do Ngài Tịch Thọ kiến tạo năm 1805 còn đó.

- Tấm bản đề "LONG KHÁNH TỰ" năm Quý Dậu, đời Gia Khánh (1813).

- Tấm Khánh dùng để khai hiệu lệnh được đúc năm Kỷ Mùi (1739), thuộc đời Ngài Đức Sơn.

- Kỷ niệm Vua phong ban hiệu ngôi chùa là năm Bảo Đại thứ 16, có 2 tấm Liễng treo ở Tổ đường.

- Hai tấm biển kỷ niệm mở Trường hương và trùng tu ngôi chùa đời Ngài Chánh Nhơn.

Những câu đối tôn trí tại chùa Long Khánh:

Photobucket Photobucket

Photobucket Photobucket

TRỜI TRONG MUÔN SẮC, ĐÂU NGẠI CÓ KHÔNG, XE PHÁP MÃI QUAY ĐƯỜNG PHẬT ĐẠO.
NƯỚC BIẾC NON XANH CHẲNG HỀ ĐỘNG TỊNH, PHÁP MÔN VANG DỘI TIẾNG TRIỀU ÂM.

ĐỨC TỐT TỪ TÂM SANH, MUÔN LOẠI HÀM LINH, NƠI NƠI ĐỀU BỦA KHẮP.

MÂY LÀNH THEO PHƯỚC TRỤ, BA NGÀN THẾ GIỚI, CHỐN CHỐN THẢY MÂY CHE.

(Sưu tầm)

No comments:

Post a Comment