Đạo Phật từ khi được khai sanh cho đến nay không ngừng phát triển vì đã đem lại lợi ích thiết thực cho nhân loại. Thành quả ấy là do công lao của biết bao thế hệ tổ đức dày công vun đắp. Bên cạnh sự hy sinh cao cả của chư tôn đức tăng ni thì công lao hộ trì của hàng cư sĩ cũng không nhỏ. Sự đóng góp của hàng cư sĩ thể hiện qua rất nhiều cách thức khác nhau. Do đó, việc tạo điều kiện để hàng cư sĩ phát huy vai trò của họ trong sự nghiệp phổ biến Phật pháp trong nhân gian, có lẽ, là một vấn đề lớn cần quan tâm trong xã hội ngày nay.
Như chúng ta biết, đệ tử của Phật gồm hai chúng xuất gia và tại gia. Chúng xuất gia thì thừa hành sứ mạng hoằng pháp để làm lợi ích cho chúng sanh và duy trì mạng mạch Phật pháp. Còn hàng cư sĩ tại gia vì còn bận buộc thế sự nên có vai trò chính là hộ trì chánh pháp. Điều đó cho thấy ngôi nhà Phật pháp không thể tồn tại nếu thiếu một trong hai. Vai trò của hàng đệ tử xuất gia thì đã rõ. Còn vai trò hộ trì của hàng cư sĩ trong ngôi nhà Phật pháp xưa nay thế nào?
Vào thời đức Phật, có hai vị đệ tử tại gia nổi tiếng là trưởng giả Cấp Cô Độc và nữ thí chủ Visakha. Trưởng giả Cấp Cô Độc tên thật là Tu Đạt (Sudatta). Vì ông thường săn sóc, giúp đỡ, cung cấp phẩm vật cho những người nghèo khổ, cô đơn nên ông được gọi với biệt danh là trưởng giả Cấp Cô Độc. Trưởng giả đã bỏ vàng ra lót cả khuôn viên của thái tử Kỳ-đà để mua khu đất này xây dựng tịnh xá Kỳ Hoàn dâng cúng đức Phật và Tăng đoàn. Tịnh xá Kỳ Hoàn là nơi Phật và chư tăng lưu trú nhiều nhất trong thời gian Phật hành đạo nơi nhân gian. Trong các kinh điển, tên tịnh xá này thường được nhắc đến như là một xác chứng về địa điểm đức Phật thuyết pháp. Ngoài ra ông còn thường xuyên cúng dường Phật và chư tăng, và thỉnh Phật chỉ dạy những pháp tu cho hàng cư sĩ tại gia khi ông có những thắc mắc từ cuộc sống. Còn nữ thí chủ Visakha thường cúng dường thức ăn cho Phật và tăng đoàn, cúng dường thuốc men, y áo cho cả tăng và ni. Cả hai vị này đều có lòng tin kiên cố nơi Phật pháp và đạt được kết quả tu tập khá cao. Sự hộ trì của hai vị này không chỉ cúng dường phẩm vật mà còn đề nghị nhiều ý kiến hay liên quan đến việc bảo vệ tăng đoàn và thường xuyên phổ biến chánh pháp cho cộng đồng. Đó chỉ là hai vị cư sĩ tiêu biểu nhất thời đức Phật.
Như vậy, mặc dù còn phải lo toan nhiều việc gia đình và xã hội nhưng các vị cư sĩ vẫn đóng góp được rất nhiều cho Phật pháp. Ngày nay, trong xã hội có nhiều biến đổi và phức tạp thì vai trò của hàng cư sĩ càng quan trọng hơn. Hàng cư sĩ không chỉ hộ trì chánh pháp bằng hỗ trợ vật chất mà còn bằng sự hành trì của chính bản thân và phổ biến chánh pháp đến người khác. Chính họ là sợi dây liên kết quan trọng giữa ngôi chùa và xã hội, là yếu tố không thể thiếu để phổ biến và làm cho chánh pháp hòa nhập vào gia đình và xã hội.
Theo lời Phật dạy, hàng xuất gia chuyên tâm lo trau dồi trí tuệ và phẩm hạnh để làm những bậc mô phạm hướng dẫn cho hàng tại gia tu tập. Do đó, đời sống hằng ngày của hàng xuất gia đều trông nhờ vào sự phát tâm cúng dường từ hàng cư sĩ. Vậy thì, điều đầu tiên mà hàng cư sĩ đóng góp là cung dưỡng cho chư tăng ni an tâm tu học. Bằng sự tiết kiệm chi tiêu gia đình, hàng cư sĩ đem tài sản ấy để cúng dường chư tăng nhằm hồi hướng phước báu ấy cho gia đình và thực hành hạnh tu bố thí cúng dường. Đồng thời, cũng nhân đó, họ học hỏi giáo pháp để biết cách tu tập, phát triển tâm linh đúng cách. Như vậy, sự đóng góp này là có mục đích đúng đắn nhằm lợi lạc cho bản thân và mọi người. Đối với bản thân là tu hạnh bố thí cúng dường để xả bỏ bớt lòng tham lam bỏn xẻn, từ đó làm nhân lành để tiến bước trên con đường học và hành theo giáo pháp của đức Phật trong đời sống hằng ngày. Đối với tha nhân, đó là một việc làm tốt để mọi người noi theo và cộng hưởng. Noi theo là học theo hạnh xả bớt xan tham và cộng hưởng là cùng hưởng những hoa quả của việc làm thiện này. Hoa quả là những bậc tăng ni tài đức để hướng dẫn mọi người tu tập, là những ngôi già lam trang nghiêm cho mọi người lễ bái và tu học, là những giá trị tinh thần cho cộng đồng v.v. Với sự hiểu biết như vậy thì việc cúng dường sẽ có nhiều ý nghĩa và nó biểu hiện mối quan hệ lợi ích đa chiều trong khi chúng ta tu tập hạnh này.
Kế đến, hàng cư sĩ có thể hộ trì bằng chính công sức của mình. Có rất nhiều Phật tử đến chùa để làm công quả tức là làm việc mà không đòi hỏi trả lương. Ở chùa, có rất nhiều việc cần sự trợ giúp của hàng cư sĩ như xây dựng, sửa chữa vật dụng, làm thức ăn v.v… Sự đóng góp này sẽ góp phần tiết kiệm rất nhiều về thời gian và tài chánh cho chùa. Lại nữa, có những vị hàng tháng đi vận động bạn bè thân quen tiết kiệm tài vật để ủng hộ cho công tác Phật sự hay ủy lạo. Công sức ấy cũng không phải nhỏ vì nó đòi hỏi một người có lòng tin kiên cố và nhẫn nại, hết lòng vì Phật pháp. Bởi vì đâu phải ai cũng dễ cảm thông việc làm quảng đại này và bởi thiện tâm thường hay đổi thay. Tuy nhiên, việc làm này dễ đưa đến tâm ngã mạn, khoe khoan nên sự thận trọng là rất cần thiết để cho phước báo được trọn vẹn.
Hàng cư sĩ cũng đóng góp đáng kể trong việc hướng dẫn tăng ni những kiến thức về xã hội hay chuyên môn. Có rất nhiều giáo sư đứng lớp để truyền lại cho tăng ni những kinh nghiệm và kiến thức xã hội. Ngoài ra, họ cũng là những người nghiên cứu và đóng góp rất nhiều ấn phẩm có giá trị tạo điều kiện rất tốt cho những người học Phật. Sự đóng góp ấy thật đáng trân trọng bởi nó đã vun thêm những duyên lành cho hạt giống tốt. Những hạt giống ấy có thể đem đến nhiều kết quả trong hiện tại và tương lai cho Phật pháp và xã hội.
Nhưng có lẽ sự đóng góp rất cần hiện nay của hàng cư sĩ là đem giáo pháp của đức Phật phổ biến cho gia đình và xã hội. Hàng cư sĩ là người gắn bó mật thiết với gia đình và xã hội nên có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những người xung quanh. Đối với gia đình, cha mẹ là yếu tố quyết định đến việc giáo dục con cái tốt hay xấu. Cha mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo từ mọi lĩnh vực và có trách nhiệm hướng chúng đến những môi trường tốt để học tập. Khi cha mẹ là Phật tử thì phải hướng dẫn con em đến chùa học đạo đức và giáo lý đạo Phật. Nhờ sự hiểu biết đó chúng sẽ nhận thức được giá trị của giáo pháp khi tiếp cận với cuộc sống thực tế. Đó là cách tốt nhất để phổ biến và phát triển chánh pháp một cách chân chánh. Đó cũng là cách các bậc cha mẹ bảo vệ con em mình tốt nhất.
Ngày nay, với sự phát triển công nghệ truyền thông hiện đại, bên cạnh sự hữu ích thì sự tác hại của nó cũng không nhỏ. Làm sao để cho mọi người nhất là giới trẻ có hứng thú tìm đến những chương trình đạo đức hữu ích, nhất là các sinh hoạt Phật giáo? Thứ nhất cần có những chương trình bổ ích cho giới trẻ tham gia và được tổ chức thường xuyên khắp nơi. Kế đến là Phật tử phải biết hướng dẫn con em tham gia học tập và giải trí từ những chường trình này. Thông qua những băng giảng pháp hay truyện sách, chúng ta giới thiệu đạo đức Phật giáo đến giới trẻ để tạo tiền đề cho chúng học tập một cách có hiểu biết. Do vậy, mỗi Phật tử cũng là một nhà hoằng pháp tích cực, đem chánh pháp đi vào cuộc sống hàng ngày. Công đức của việc làm này thật là vô lượng.
Đối với xã hội, Phật tử có cơ hội tiếp xúc với mọi thành phần nên dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm tu học qua sự hành trì của bản thân. Thông qua công việc xã hội mà bản thân đang làm, người Phật tử thấy rõ được những thuận lợi và khó khăn trong cuộc sống và nhu cầu cần thiết của chánh pháp; từ đó, giới thiệu những pháp môn tu tập phù hợp cho những đối tượng đang mong mỏi. Sự giới thiệu kinh sách, băng đĩa thuyết pháp, các trang thông tin về giáo lý hay phương pháp tu tập; sự giới thiệu các đạo tràng thực tập hiệu quả v.v…là những cách mà Phật tử đều có thể làm được. Tuy nhiên, để việc chia sẻ kinh nghiệm có hiệu quả và để người nghe có thể chấp thuận thì chính bản thân hành giả phải đạt được sự an lạc nhất định nhờ thực hành chánh pháp. Đây là yêu cầu quan trọng quyết định sự thành tựu của hành giả tu tập và hoằng truyền chánh pháp.
Để cho sự hộ trì của hàng cư sĩ được phát huy đúng mức, việc hỗ trợ từ phía tăng ni là hết sức cần thiết. Như đôi cánh của thiên nga, thiếu một trong hai thì chúng không thể bay xa được. Cũng vậy, Phật pháp không thể trường tồn nếu thiếu một trong hai giới hay thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau. Tăng già là điểm tựa tâm linh, là cội gốc để từ đó cành lá xanh tươi phát triển. Do đó, cội gốc trước hết phải được củng cố cho vững để có thể hỗ trợ tích cực cho cành lá mãi xanh tươi. Cội gốc tâm linh vững sẽ nuôi dưỡng cho những cành lá tinh thần tươi tốt. Trách nhiệm của cội gốc là không ngừng sản xuất dinh dưỡng đạo đức để cung cấp cho cây và nó không được phép quên vai trò chính của mình cũng như không được làm thay các chức năng khác của cây. Nếu có sự hài hòa như thế thì sẽ tạo nên một môi trường tâm linh lành mạnh cho xã hội, một môi trường cần thiết để che mát và làm dịu cái không khí bất an bởi phiền não, vô minh đang gia tăng.
Sự đóng góp của hàng cư sĩ suy cho cùng là sự tu tập tự thân của mỗi người nhằm lợi ích cho bản thân và tha nhân. Ngôi nhà Phật pháp sẽ vững hơn khi tứ chúng cùng tu tập, cùng hỗ trợ nhau bằng tinh thần và vật chất. Hiểu như thế sẽ không có thái độ phân biệt, chia rẻ do bản ngã chi phối, mà thay vào đó là thái độ tích cực hợp tác xây dựng vì một mục tiêu chung là sự giác ngộ giải thoát cho bản thân và tha nhân. Đó là những điều đức Phật đã dạy hơn 25 thế kỷ qua cho nhân loại.
No comments:
Post a Comment