Trong giấc mơ, hình ảnh đức Phật đưa cành hoa sen lên và Ngài ca diếp mỉm cười bổng hiện ra trước mắt con.
Hình ảnh độc nhất vô nhị này đã làm cho không biết bao nhiêu người từ thiền sư, học giả cho đến những ai quan tâm về thiền tốn không biết bao nhiêu thời gian và giấy mực để suy ngẫm và diễn giải. Tại sao đức Phật đưa cành hoa mà không nói và tại sao ta phải mất công tìm hiểu và lý giải hình ảnh ấy?!
Hình ảnh vô tiền khoáng hậu ấy là tiền đề để có khái niệm về ‘giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật’ sau này trong nhà thiền. Khái niệm này một lần nữa thể hiện sự độc đáo của thiền Phật giáo nhưng cũng làm khốn khổ không biết bao nhiêu người đi tìm nghĩa lý của con chữ.
Một sự ngạc nhiên đến không ngờ khác đến với những người tôn thờ con chữ là lời tuyên bố cuối cùng của đức Phật trước khi niết bàn: ‘suốt 49 năm Như Lai không nói một lời’. Câu nói kinh ngạc ấy lại là một thông điệp khác về ‘sự vô ngôn’ trong giáo pháp của Phật.
Trong các bộ kinh đại thừa, không thiếu những câu nói tương tự như thế được đề cập như là sự khẳng định giáo lý ‘vô ngôn, tùy duyên bất biến’ của Phật giáo.
Tưởng chừng như Phật đùa với đệ tử để thử lòng tinh thông của chúng. Ai dè, đó lại là chân lý chỉ có thể phát ra từ bậc giác ngộ hiểu thấu mọi vấn đề.
Sự thật đã chứng minh khi các con của Ngài bắt đâu phân chia phe phái mà nguyên nhân là không nghe lời Ngài đi chấp mắc chữ nghĩa.
Vì không nghe lời Ngài, các con của Ngài phân chia nhiều tông phái khác nhau rồi chống đối nhau, không nhìn nhau, nhưng cũng may là chưa giết hại nhau.
Cốt lõi điều Ngài dạy là sự thực chứng chứ không phải danh ngôn, khái niệm thông qua con chữ. Các con của Ngài dù dưới danh xưng nào nếu chứng ngộ chân lý thì đều là con Ngài cả, ngược lại các con của Ngài dù có dùng danh xưng mỹ miều cỡ nào mà không chứng ngộ chân lý thì cũng không phải là con của Ngài. Có phải không thưa Như Lai?!
Sự chứng ngộ cũng thật đơn giản và thực tế qua những gì mà con người có thể thấy được, học được, và hưởng được chứ không phải thông qua nghe nói, hay đọc được từ những mỹ từ được trau chuốt, đánh bóng mà không có nội dung gì cả. Sự chứng ngộ ấy thật mộc mạc nhưng ai cũng thích, cũng kính mến. Nó không cần tuyền truyền, phát động phong trào gì cả nhưng cũng có khối người xếp hàng xin theo. Sự mầu nhiệm của nó là như vậy.
Lời Ngài dạy không chỉ đúng trong lĩnh vực tâm linh mà nó đúng cả những lĩnh vực khác nữa. Ngài biết không, ngày nay người ta dùng rất nhiều khái niệm rất kiêu để đánh bóng thể chế, tổ chức như là triết học, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, thâm chí chủ nghĩa cộng sản. Nghe qua cái tên thật kiêu với những mỹ từ được đánh bóng và tuyên truyền, ai cũng như đang sống trên mây.
Nhưng trên mây thì làm sao sống được thưa Như Lai. Vậy là con người phải trở về với cuộc sống thực tế, về với những thực tại đang xảy ra như chính nó là. Con người trở nên thất vọng, buồn tủi nhưng cũng không thể nói được bởi những mỹ từ đánh bóng kia nó mạnh quá, nó lấn át hết rồi. Cho nên, rất nhiều người không thể kham nổi dưới ánh hào quang sáng chói đành phải tìm tới những nơi bị cho là xấu xa để thử một phen. Mà lạ thật, ở những nơi bị cho là xấu xa sao con người ta cứ thích tới và cứ muốn ở luôn cũng không biết nữa!
Điều này Như Lai hiểu ro hơn ai hết, và chính vì thế Như Lai chỉ mỉm cười mà không nói gì. Thực tại là như thế các con ạ. Thực tại không cần ngôn ngữ!
No comments:
Post a Comment