Saturday, April 17, 2010

Tình yêu quê hương

Ai sinh ra trên cõi đời này ắt hẳn có ít nhất một quê hương, nơi để lại bao kỉ niệm, bao giá trị tinh thần khó quên. Dòng đời nổi trôi đã khiến bao người phải tìm đến những phuơng trời xa lạ để tiếp tục duy trì cuộc sống và nơi đó hiển nhiên trở thành quê hương thứ hai, hay thứ ba. Tuy nhiên, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi còn lưu lại những mồ mả linh thiêng của tổ tiên sẽ không bao giờ có thể tìm được ở nơi đâu khác. Đó là một trong vô vàn lý do khiến bao người xa quê luôn hoài vọng, mong mỏi ít nhất một lần được thăm lại quê hương. May mắn và bất hạnh cho những ai được và không được cơ hội đó. Chúng ta có thể làm gì để góp phần đem lại sự may mắn cho tất cả mọi người. Có lẽ cũng không khó mà cũng không phải dễ.

Mỗi người khi sinh ra đều có một số phận và bao con người thì chừng ấy số phận. Theo đạo Phật, số phận ấy không phải là gì khác mà chính là nghiệp, kết quả tất yếu mà mỗi người phải nhận từ những hành động chính mình đã tạo bao kiếp quá khứ. Thế nên, xã hội thật đa dạng và cũng thật phức tạp. Sự đa dạng và phức tạp ấy đã khiến không ít người trầm tư và tìm lời giải đáp thoả đáng. Sự phức tạp là một phần nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của rất nhiều người để tìm cuộc sống mới ở những vùng đất mới.

Nhưng có lẽ hầu như ai cũng muốn gắng bó cuộc sống của mình nơi quê hương thân yêu, nơi có tất cả những giá trị tinh thần và đạo đức. Bất hạnh thay, vì cuộc sống sinh nhai, vì biến cố xã hội…đã khiến nhiều người phải ra đi tìm cuộc sống mới ở những nơi mà đôi khi họ chưa hề biết ở đó ra sao. Có thể đó là một sự lựa chọn sống còn mà có lẽ trong hoàn cảnh đặc thù nào đó mới có thể xảy ra. Những khổ đau cơ cực ở nhân gian họ đều nếm trải để hy vọng một ngày tươi đẹp ở tương lai. Trời cao có mắt, thế là những người may mắn còn sống, được sự ưu đãi của thiên nhiên và lòng bao dung của tha nhân đã không ngừng tự vươn lên để khẳng định giá trị của mình. Kết quả đạt được phần nào làm nguôi đi những đắng cay quá khứ.

Cho dù, cuộc sống vất vả hay sung túc ở những nơi văn minh phồn hoa đầy đủ tiện nghi vật chất cũng không thể làm thoả mãn nhu cầu tâm linh của nhân loại. Vật chất ấy không thể làm cho con người hoàn toàn hạnh phúc nếu không muốn nói là đôi khi chính nó gây khổ đau cho con người. Do đó, giá trị tâm linh bao giờ cũng cao đẹp, trân quý và được hướng đến. Sự hoài vọng hay mong ước được trở lại quê xưa có lẽ không ngoài ý niệm giá trị ấy. Nó là một động lực thúc đẩy, một mầm sống ẩn tàng trong mỗi con người chúng ta.

Trong số đông những người ra đi ấy, tất nhiên cũng có những hoàn cảnh khác nhau khiến cho họ không thể thực hiện được ước mơ. Có thể là do khó khăn về cuộc sống mang lại, có thể là do họ chưa đủ niềm tin, nhưng trên hết vẫn là do nổi ám ảnh đau thương của quá khứ dẫn đến lòng hận thù không xoá bỏ được. Từ đó, những quan điểm ngờ vực xuất hiện như là một hệ quả tất yếu xuất phát từ lòng thù hận. Bên cạnh đó, sự thật về những thay đổi nơi quê hương chưa đủ cơ sở cho họ có niền tin để có thể quay về hội ngộ. Đó là sự bất hạnh nhìn từ mọi góc độ.

Chúng ta không bàn về quan điểm đúng sai ở đây mà chỉ nói về một nỗi đau không chỉ riêng cho chính họ mà là chung cho cả cộng đồng. Một dân tộc luôn tự hào tình anh em gắn bó “như thể tay chân”, thương yêu nhau như câu nói “bầu ơi thuơng bí lấy cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” lẽ nào nhìn nhau và đối xử nhau như hai thái cực. Trước cuộc sống đầy bất an và đau khổ do chiến tranh, khủng bố, do thiên tai thảm khốc… gây nên, không lẽ chúng ta lại tự hào với những ý thức hệ vốn đã gây khổ đau cho dân tộc bấy lâu nay. Trong thế giới tương quan mật thiết, cái này là hệ quả của cái kia thì không ai có quyền tự cho phép mình tách ra mà tìm được sự bình an. Cả thế giới như nhỏ lại thì việc cùng nhau ngồi lại để nói tiếng nói yêu thương, vị tha và hỷ xả là cơ hội trong tầm tay để tất cả chúng ta thể hiện tình anh em bị lãng quên bấy lâu nay.

Phật giáo tiếng nói của từ bi và trí tuệ xuất phát từ đất nước Ấn Độ nhưng được toàn thế giới biết đến, chấp nhận như là tôn giáo của mình và duy trì cho đến ngày hôm nay. Giáo lý ấy chắc chắn không thể đem so sánh với những hệ tư tuởng triết học chỉ mang tính thỏa mãn tri thức hay mục đích nào đó. Chúng ta hãy nhìn nhận một cách công bằng để có thể áp dụng những tinh tuý của nhân loại vào cuộc sống nhằm đem đến an vui và hạnh phúc cho dân tộc.

Việt Nam là một trong số nước may mắn được thừa hưởng sớm một nền giáo lý độc đáo như thế. Sự áp dụng nền giáo lý ấy rộng rãi trên khắp năm châu có thể nói lên được giá trị giải thoát của nó. Vậy thì, tại sao chúng ta không vận dụng cái đã có sẵn để xây dựng một đất nước ôn hoà thịnh trị như bao thế hệ ông cha ta đã từng làm. Để từ đó, anh em cho dù ở khắp năm châu cũng có thể nói với nhau bằng những tiếng nói thương yêu và cùng hỗ trợ nhau đưa đất nước nghìn năm văn hiến phát triển ngang tầm thế giới.

Tài nguyên Việt Nam phong phú, nhân lực dồi dào và tân tiến. Điều quan trọng là giáo dục cho họ có ý thức tốt về cuộc sống, về cái nhìn từ, bi, hỷ, xả mà đạo Phật đã dạy mấy ngàn năm nay. Nhớ về quê hương là nhớ về giá trị tinh thần cần cù trong lao động, yêu thương giúp đỡ nhau giữa cộng đồng, đoàn kết giữ non sông độc lập, không thù hận lẫn nhau của cha ông ta; là nhớ về những đổi mới đem đến hạnh phúc ấm no thật sự cho dân tộc; là sự lớn mạnh của một đất nước mà đàn hậu học có trình độ và lấy đạo đức làm tiêu chí…

Những người Việt chân chánh bao giờ cũng có ý nghĩ như vậy và dù họ có ở chân trời góc biển nào thì tinh thần dân tộc cũng không cho phép họ đi ra ngoài ý niệm ấy. Do đó, biết bao kiều bào đã về nước để được thăm quê hương, để thấy tận mắt những đổi thay của đất nước. Thật hạnh phúc khi nhìn thấy đất nước mình phát triển ngang tầm với năm châu, để khi ra đi họ có thể ngẩn cao đầu với bè bạn. Quá khứ đã đi qua để lại vết thương quá lớn cho dân tộc. Vết thương ấy sẽ mãi mãi là bài học quý giá cho chúng ta để không giẫm đạp trở lại và không ngừng nổ lực để thay da đổi thịt cho thế hệ tương lai được bình yên.

Việc lớn bao giờ cũng bắt đầu từ việc nhỏ. Ý thức của mỗi cá nhân sẽ góp phần quan trọng để xây dựng xã hội. Giáo dục ý thức đạo đức từ bi kèm với trí tuệ là mục đích tối hậu đem đến hoà bình và thịnh trị. Những người con Việt nam trong và ngoài nước cùng nhau chuyển tâm theo chiều hướng tích cực như thế thì cơ hội gần nhau của những người anh em cùng dòng máu Lạc Hồng sẽ không quá xa. Có lẽ, đó cũng là ý muốn của bao thế hệ chúng ta vậy.

No comments:

Post a Comment