Sunday, June 20, 2010

Lược sử Sắc tứ Tổ đình Thiện Hòa, Bình Định

LƯỢC SỬ SẮC TỨ TỔ ĐÌNH THIÊN HOÀ

chuathienhoa.jpg

Sa Môn Thích Đỗng Quán

I. VỊ TRÍ, ĐỊA THẾ

Chùa Thiên Hoà tuy đã trùng tu, tái thiết và cải hiệu nhiều lần nhưng vẫn toạ lạc trên vị trí từ xưa đến nay.
Nguyên địa danh lúc Tổ khai sơn là: Ấp Tri Thiện, thôn Hoa Tây, tổng Vân Dương, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nay là thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Vị trí chùa về hướng Đông Nam thị trấn Bình Định, cách cầu Tân An 1 cây số về hướng Đông.
Địa thế vùng này thuộc bình địa. Nhờ phù sa của lưu vực sông Côn, thuộc nguồn La vĩ bồi đắp hàng năm nên đất đai rất màu mở. Vườn chùa hình chữ nhật 40m X 65m.
Xưa kia chùa đứng độc lập, chung quanh không có nhà cửa đồng bào áp gần. Nay trong tình trạng nhân mãn, cộng vào đấy vị trú trì tiền nhiệm (Thích Quảng Nguyên) đã nhân khi tu bổ chùa, bán hết ¼ đất vườn chùa phía Đông và Đông Nam. Nên nay nhà cửa của đồng bào cất chen chúc chung quanh vườn chùa làm mất sự yên tĩnh và trang nghiêm.
Đối diện chùa Thiên Hoà là Tháp Bánh Ít, nơi toạ lạc Tu Viện Nguyên Thiều với Phật Đài lộ thiên uy nghiêm. Án ngữ mặt tiền là sông Tân An (Côn) cùng đường liên hương. Mặt hậu chùa là nhà cửa của nhân dân thôn Tri Thiện. Áp vách hậu Tổ là vườn chùa với không gian thoáng mát.

II. KHAI SÁNG, CẢI HIỆU, TRÙNG TU

Nguyên có một phật tử thọ Ưu bà di giới pháp danh Toàn Đức tên Trần Thị Thìn cúng dường Đức Tổ Viên Quang, tự Luật Phong, huý Pháp Tịnh 2 sào đất trồng dâu (chưa tìm được tài liệu tra cứu để biết thên về thân thế, sự nghiệp và sinh quán của cụ bà ở đâu, chỉ căn cứ vào cựu khế của chùa). Đầu tiên Tổ Pháp Tịnh đến lập một thiền thất hiệu là Khánh Thiện để tu và truyền bá Thiền tông. Ngài Pháp Tịnh lập thiền thất vào năm nào ta chưa có sử liệu tra cứu để biết chắc chắn. Nhưng căn cứ vào những thế hệ tương đương và những tự viện Chư Tổ sáng lập cùng đời hiện còn đầy đủ tài liệu chứng minh, ta được phép dự đoán Thiền thất Khánh Thiện (tiền thân chùa Thiên Hoà) sáng lập vào những năm của niên hiệu Vĩnh Thạnh – từ năm 1705 đến năm 1719 – Sau đó phật tử Toàn Đức cúng cho Ngài một Đại Hồng Chung, đồng thời phát nguyện tái thiết Thiền thất Khánh Thiện và cải hiệu là Hưng Thiện tự. Khi phật sự viên hoàn Ngài phi tích vào Nam hoá đạo.

Đến đời Tổ Chánh Trực, húy Hải Yến, Ngài được thiện tín cung thỉnh về trú trì chùa Hưng Thiện. Đến năm Giáp Ngũ (1774), niên hiệu Cảnh Hưng, năm thứ 35, Ngài tái thiết chùa Hưng Thiện và cải hiệu thành Thiên Hoà tự cho đến ngày nay.
Đến năm Mậu Tuất (1778) từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 4, Ngài Chánh Trực cùng thiện tín, sắc hào, binh sĩ, cung thỉnh Hoà thượng Thiên Khánh, huý Tánh Tôn, đương kim trú trì Tổ Đình Long Khánh, Quy Nhơn, quang lâm chứng minh Đại lễ Trai đàn 3 ngọ, đúc lại quả Đại Hồng Chung, hiện còn tại chùa. ( Qủa Đại Hồng Chung do phật tử Toàn Đức cúng bị vỡ trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn).
Đến năm Bính Tý (1816) niên hiệu Gia Long thứ 15 – Sử thường gọi thời kỳ Gia Long phúc quốc – Có phật tử thọ Ưu Bà Di giới pháp danh Thanh Quang (thường gọi là bà Điêu) tên là Lê Thị Viên, phát Bồ đề tâm tài trợ kinh phí để Ngài Chánh Trực tái thiết quy mô ngôi Tam bảo Thiên Hoà, bắng vật liệu nhẹ, theo kiểu chữ môn.
Đến năm Tân Mão (1891) niên hiệu Thành Thái thứ 3, dưới sự chứng minh của Tổ Chương Hiệp, Ngài Ấn Bình đã tái thiết lại ngôi Tam Bảo Thiên Hoà. Nước gỗ của chùa hiện nay và toàn bộ hoành, liễn, trướng, đối đều do Ngài Ấn Bình hiệu Bửu Quang sáng tạo.
Trong đời trú trì của Hoà thượng Trí Thắng, huý Chơn Cảnh, vào năm Nhâm Tuất (1922) chùa bị hoả hoạn. Khi đó Ngài đứng ra xin đơn phổ khuyến. Đến ngày 15 tháng 4 năm Quý Hợi (1923) khởi công tái thiết lại toàn bộ ngôi Tam Bảo Thiên Hoà, bằng vật liệu nhẹ, đượm vẻ trang nghiêm cổ kính. Ngoài ra các đời thừa kế như: Đời thầy Chơn Huệ thay tranh lợp ngói vào năm Kỷ Hợi (1959). Trong dịp trùng tu này thầy đã bán 2 mẫu 6 sào ruộng của chư Tổ mua để lại cho chùa (thiên thu hương yên kỵ lạp) và ¼ vườn chùa. Toàn bộ pháp khí , tự vật cũng đều thất thoát, có lẽ vị duyên cớ giặc giả ?

III. PHỔ HỆ TRUYỀN THỪA

1. Tổ khai sáng: Khai sáng chùa Thiên Hoà là Ngài Viên Quang, tự Luật Phong, huý Pháp Tịnh, đời 36. Ngài là đệ tử Tổ Ân Triêm, tự Chánh H iển, huý Thiệt Dinh, sáng lập Tổ Đình Phước Lâm tại Hội An, Quảng Nam. Ngài Viên Quang đến lập Thiền Thất tính đến nay (1986) gần 300 năm. Rất tiếc không có sử liệu để biết thân thế, sự nghiệp, tánh danh và sanh chánh quán của Ngài.
Theo Long vị thờ Ngài tại chùa Thiên Hoà, không ghi năm sinh, thị tịch, chỉ ghi kỵ Ngài ngày mùng 8 tháng 2 hàng năm và bảo tháp cung phụng Ngài hiện ở chùa nào trong Nam chưa truy tầm.

2. Kế thừa: Tổ Chánh Trực, huý Hải Yến, đời 40 (Theo Pháp phái Tổ Thiệt Diệu, Tổ Đình Thiền Tôn, Huế). Ngài là đệ tử của Tổ Thiên Khánh, huý Tánh Tôn, đời 39, Tổ Đình Long Khánh, Quy Nhơn. Ngài Chánh Trực là vị Tổ đóng góp nhiều công đức nhất. Ngoài công đức tái thiết, trùng tu, cải hiệu, đúc Đại Hồng Chung, Ngài còn mua 1 mẫu 5 sào 7 thước 5 tất đất trồng dâu, theo cựu khế ghi Thiên Hoà Tam Bảo tự điền.
Long vị thờ Ngài tại chùa không ghi rõ ngày tháng năm sanh và thị tịch, nên hằng năm kỵ Ngài vào ngày kỵ Tổ Khai sơn.
3. Kế thừa: Ngài Tịnh Quang – đệ tử cầu pháp của Tổ Chánh Trực- theo cựu khế , Ngài có công khai phá bãi sa bồi trước mặt chùa thành đất sản xuất hoa màu (tục gọi soi chùa). Trong đời trú trì của Ngài, có phật tử thọ Ưu bà di giới pháp danh Chương Lạc, tên là Lê Thị Thường, sinh quán ấp Luật Chánh, huyện Tuy Phước cúng 7 sào 8 thước đất trông dâu và 2 phật tử Bùi Văn Nguyện, Lê Thị Điền cúng 10 thước 5 tất đất vườn chùa - theo cựu khế ghi niên hiệu Minh Mệnh thứ 21, Canh Tý (1840) – Long vị Ngài thờ tại chùa.

4. Kế thừa: Ngài Chánh Nhơn, huý Ấn Bảo, đời 39. Ngài trú trì dưới sự giám hộ của Bổn sư là Tổ Chương Hiệp. Đời Ngài không có tự tích, công đức đặc biệt. Ngài sinh năm Kỷ Hợi (1889) thị tịch giờ Hợi, ngày 26 tháng 3 năm Nhâm Ngũ (1932), thọ 44 tuổi, tháp Ngài hướng Tây Bắc chùa.

5. Kế thừa: Ngài Bửu Quang, huý Ấn Bình, tự Như Cẩn. Sinh chánh quán ấp Lương Lộc, huyện Tuy Phước. Thế danh Nguyễn Như Cẩn, dòng dõi của Ngài đều tôn sùng Đạo Phật. Ngoài công đức trùng tu, tái thiết. Năm Mậu Tuất (1898) niên hiệu Thành Thái thứ 10, Ngài mua 5 sào 5 thước đất trồng dâu – Theo cựu khế ghi Thiên Hoà Tam Bảo tự điền – Ngài rất rành y dược, dịch lý, toán số, Ngài mở trường gia giáo. Đồng sư của Ngài có: Ngài Chí Thành, huý Ấn Phước sáng lập chùa Tây Thiên, huyện An Nhơn, Ngài Ấn Sinh, Ấn Đoan trú trì chùa Phổ Bảo. Quý Ngài chữ Ấn đều là đệ tử của Tổ Chánh Trì (Tổ Chánh Trì là đệ tử Tổ Toàn Ý đời 37, sáng lập Tổ Đình Phổ Bảo). Trong thời gian Ngài Ấn Bình trú trì, Ngài cung thỉnh Ngài Chương Hiệp về an dưỡng tại chùa Thiên Hoà. (Ngài Chương Hiệp khai sơn chùa Huỳnh Long, ấp Huỳnh Mai. Ngài sinh năm Quý Tỵ (1833) tịch ngày 4 tháng 10 năm Mậu Ngọ (1911) thọ 78 tuổi. Tháp Ngài hướng Đông Nam chùa Thiên Hoà.
Ngài Ấn Bình sinh năm Quý Hợi (1863), tịch giờ Tỵ ngày 27 tháng Giêng năm Tân Dậu (1921) thọ 58 tuổi. Tháp Ngài hướng Đông Nam chùa Thiên Hoà.

6. Kế thừa: Ngài Trí Thắng, húy Chơn Cảnh, đời 40, đệ tử Tổ Ấn Bình, thế danh Nguyễn Khắc Đôn. Ngài sinh chánh quán ấp Lương Lộc. Trong đời trú trì của Ngài, năm 1922 chùa bị hỏa hoạn, năm 1923 Ngài phổ khuyến và tái thiết toàn bộ chùa. Năm Bính Dần (1926) Quản Đạo tỉnh Ninh Thuận thỉnh Ngài đứng sáng lập chùa Thiên Hưng, ấp Văn Sơn, Phan Rang. Ngài rành Hán, Việt, Pháp, Y dược, Dịch lý. Ngài sinh năm Tân Mão (1891), tịch giờ Ngọ, ngày 13 tháng 5 năm Ất Mão (1975) thọ 85 tuổi. Tháp Ngài ở hướng Đông Bắc chùa Thiên Hưng, Phan Rang.

7. Kế thừa: Đại Đức Thích Vĩnh Thạnh, tự Cát Bảo, húy Như Tuyên, đời 41, đệ tử Ngài Chơn Diệp chùa Thiên Trúc, huyện Tuy Phước. Thầy trú trì nổi tiếng vì sản xuất kinh tế tự túc, không có tự tích tái thiết, tạo mãi gì lưu lại. Long vị thờ của Thầy cũng không ghi năm tháng ngày giờ thị tịch. Tháp Thầy hướng Đông Nam vườn chùa.

8. Kế thừa: Đại Đức Thích Quảng Nguyên, huý Chơn Huệ (sau cầu pháp với Ngài Chơn Tịnh, hiệu Cao Minh, sáng lập chùa Tịnh Liên, An Nhơn), đời 41, thế danh Phạm Thông, sinh chánh quán tại thôn Tri Thiện, xã Phước Quang. Đại Đức trú trì năm Quý Dậu (1933), năm Kỷ Hợi (1959) thay tranh lợp ngói. Đến ngày 20 tháng 11 năm Nhâm Tý (25-12-1972) vì tuổi già cáo bệnh, mời Chư tăng Môn phái về giao Tổ Đình Thiên Hoà lại để Môn phái trạch cử trú trì khác. Môn phái đã mời Đại Đức Thích Đỗng Quán về trú trì, kế thừa Tổ Đình Thiên Hoà.
Đại Đức Quảng Nguyên sinh năm Giáp Thìn (1904) tịch giờ Sửu ngày 26 tháng 3 năm Quý Sửu thọ 70 tuổi. Tháp ở phía Đông Nam chùa Thiên Hoà.

9. Kế thừa: Hoà thượng Thích Đỗng Quán, tự Hạnh Nhơn, huý Thị Quảng, đời 42, đệ tử Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Tân, huý Như Thọ, trú trì chùa Thiền Lâm, Phan Rang.
Tổ Đình Thiên Hoà từ nội viện cho đến ngoại viện được chỉnh đốn khang trang như ngày nay đều do công đức lớn lao của Hoà thượng.
Hoà thượng Thích Đỗng Quán sinh năm Bính Dần (1926) tại thôn Quan Quang, xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hoà thượng là người quảng bát, hoạt động phật sự không biết mệt mõi, danh tiếng trong và ngoài nước biết đến.
Hoà thượng thị tịch ngày 26 tháng Giêng năm Kỷ Sửu (2009), thọ 84 tuổi, tháp Ngài toạ lạc trước mặt chùa về hướng Đông Nam. (Đoạn này mới thêm vào sau ngày Hoà thượng viên tịch).

Tổ Đình Thiên Hoà từ Tổ Pháp Tịnh khai sơn cho đến nay, Tổ Tổ tương truyền, hiện còn tự tích minh bạch. Trải qua các thế hệ đều được sự hỗ trợ của hương quyền, tộc thuộc các phái với tư cách là những phật tử thuận thành.

Cung lục Xuân Ất Sửu 1985.
Sa Môn Thích Đỗng Quán

No comments:

Post a Comment