Niềm tin là một nhu cầu không thể thiếu đối với những người có ý thức. Nó là hiện tượng tâm lý có thể nhìn thấy được qua hình thức thể hiện giữa chủ thể và đối tượng. Niềm tin diễn ra trong thế giới hữu hình như là những quy ước giữa con người với nhau để cùng nhau hợp tác làm ăn hay chung sống. Khi niềm tin diễn ra trong thế giới vô hình thì nó trở thành ý chí, động lực hay thậm chí ma lực thôi thúc con người hành xử hoặc đi lên theo chiều hướng thiện hay đi xuống theo chiều hướng bất thiện. Do sự phức tạp của niềm tin nơi thế giới vô hình, tín ngưỡng tôn giáo bắt đầu xuất hiện như là một quy luật tất yếu để đáp ứng nhu cầu cần thiết của con người. Nhu cầu về niềm tin của con người trong thế giới hiện đại ngày nay không hề thuyên giảm mà còn có chiều hướng gia tăng nhiều hơn. Đó là hệ quả tất yếu của một thế giới mà lòng tham con người chưa bao giờ biết dừng, và sự bất an từ thiên nhiên và chính con người tạo ra luôn luôn rình rập khiến con người đang sống trong lo âu sợ sệt. Tìm hiểu và đánh giá đúng đắn về gốc rễ niềm tin sẽ giúp con người tìm ra những giải pháp thích hợp để hạn chế những tiêu cực mà chính niềm tin mang lại cũng như lành mạnh hóa môi trường sinh hoạt văn hóa tâm linh, phi vật thể trong xã hội con người. Có lẽ đó là vấn đề lớn mà các nhà văn hóa, tâm linh đã và đang dày công nghiên cứu. Nơi đây, người viết chỉ trình bày một số khía cạnh về cách nhìn nhận và đánh giá hiện tượng niềm tin qua các hoạt động được xem là ‘mê tín’ phổ biến trong xã hội Việt nam hiện nay.
Để hiểu rõ hiện tượng mê tín, chúng ta cần lược qua những giải thích về khái niệm này. Theo từ điển wikipedia, “Mê tín là một niềm tin không dựa trên lý do, kiến thức, kinh nghiệm gì cả. Nó thường dùng để chỉ các tín ngưỡng và thực tiễn xung quanh sự may mắn, lời tiên tri và các lực lượng thần linh, đặc biệt là niềm tin vô lý rằng các sự kiện trong tương lai có thể bị ảnh hưởng hoặc báo trước bằng các sự kiện xảy ra trước không liên quan.”[1] Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Mê tín là lòng tin không căn cứ, cho rằng có những sự việc nhất định đem lại hạnh phúc hoặc gây ra tai họa.”[2] Hòa thượng Thanh Từ thì giảng giải: “Mê tín là lòng tin mù quáng, sai lầm, không có lẽ thật. Việc mê tín không chỉ có người nhà quê dốt nát, mà cả giới trí thức cũng có như thường. Gốc rễ của mê tín là do lòng tham, sự sợ hãi và si mê.”[3] Qua sự giải thích và định nghĩa trên, mê tín có thể hiểu là niềm tin sai lầm không có căn cứ, mù quáng không có kiến thức, không đúng lẽ thật. Nguyên nhân gốc rễ của nó được đưa ra là do lòng tham, sợ hãi và si mê. Trên cơ sở khái niệm này, chúng ta hãy tìm hiểu một số sinh hoạt tiêu biểu được cho là mê tín đang phổ biến trong xã hội hiện nay thông qua ba nhóm hiện tượng như sau:
Hiện tượng xin xăm, xem quẻ, xem tướng số, xem ngày giờ tốt xấu, bói toán…
Hiện tượng cầu tài, cầu lộc, vay tiền …
Hiện tượng tế lễ, cầu cơ, lên đồng, đốt vàng mã, chữa bịnh bằng bùa chú…
Nhóm thứ nhất đánh vào tâm lý sợ sệt những người tin vào số kiếp do tiền định an bày, tin vào sự chi phối của các lực lượng thiên nhiên như tinh tú, thần núi, sông v.v…. Ở đây không nên nhầm lẫn giữa mê tín do các thầy bói bày ra và niềm tin dựa vào môn khoa học đông phương do các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm lập ra. Các thầy bói phần lớn dựa trên tâm lý và những sự kiện đã xảy ra để phán đoán sự việc cho tương lai, trong khi đó môn khoa học phương đông dựa trên chu kỳ tuần hoàn của thuyết âm dương với những tính toán có cơ sở khoa học. Thật ra, ngày giờ không phải tốt hay xấu mà là thích hợp hay không thích hợp cho công việc này hay công việc khác. Việc vận dụng đúng nguyên tắc thời gian hỗ trợ rất tích cực cho ngành y học phương đông, nhất là khoa châm cứu. Điểm hạn chế của môn này là chỉ trình bày những sự kiện xảy ra trong quá khứ đến hiện tại, và có thể phỏng đoán tương lai nhưng không thể nói đúng hoàn toàn cho tương lai, và đặt biệt không đề cập đến lộ trình phát triển tâm linh. Đó là lý do tại sao thầy bói toán nào cuối cùng đều có chung lời khuyên là hãy tu tâm, tích đức, tránh ác, làm thiện.
Nhóm thứ hai là biểu hiện của lòng tham con người. Lòng tham là động cơ thúc đẩy nhiều người đến các miếu, đền, đình và thậm chí các chùa nơi thờ các thần thánh như Bà Chúa Xứ, Bà Đen (ở miền nam), Bà Chúa Kho (ở miền bắc), v.v... Mục đích của những người tới những nơi này là cầu xin làm ăn phát đạt, mau chóng phát tài, thăng quan tiến chức...
Nhóm thứ ba vừa thể hiện lòng tham, tâm lý lo sợ, vừa mong mỏi báo đáp công ơn theo quan niệm tín ngưỡng dân gian. Tế lễ là một loại mê tín nếu nó mang tính chất sát hại giáo điều cho dù nó được xã hội hóa trở thành các lễ hội văn hóa của một số dân tộc hay nhóm người. Trong nhóm này, đốt vàng mã ảnh hưởng người Việt nhiều nhất và cũng là điều bị phản ánh nhiều nhất trong xã hội.
Còn một nhóm thứ tư cũng có thể bị xem là mê tín nếu mục đích giống như ba nhóm trên, nhưng nó lại là pháp môn tu tập nếu người hành trì đúng cách với mục đích thanh tịnh hóa thân tâm và lòng mong mỏi an lạc hạnh phúc cho mọi người. Đó là sự lễ bái, cúng kiến, cầu nguyện. Ranh giới của nó nằm ở tâm suy nghĩ người hành trì. Do đó, nhóm này thường dễ bị nhầm lẫn và dễ bị lạm dụng nhất.
Sau khi tìm hiểu sơ lược các dạng mê tín và nguyên nhân căn bản dẫn đến sự tồn tại của chúng, vấn đề quan trọng đặt ra là làm thế nào để đánh giá đúng những tiêu cực và những giá trị nếu có thông qua các hiện tượng này. Cho đến nay, chúng ta chỉ lên án mà chưa tìm ra giải pháp thay thế hữu hiệu vì thực tế hoạt động này càng ngày gia tăng. Hơn nữa, dựa vào tiêu chí nào để đánh giá tính tiêu cực của những hiện tượng này xem ra chưa có câu trả lời xác đáng. Chưa có một nghiên cứu nào chứng minh hậu quả tiêu cực nghiêm trọng do những hiện tượng được cho là mê tín đem lại trừ việc chữa bịnh bằng bùa chú.
Trước hết, ta thử làm một bài toán so sánh giữa hậu quả của các hiện tượng này với hậu quả của các hoạt động giải trí được cho là tiến bộ để thấy kết quả thế nào? Mục đích của sự so sánh này là để tìm ra những tiêu cực do mê tín đem lại so với các hoạt động khác. Có thể đưa ra 5 điểm như sau:
Tốn kém: Chi phí cho các hoạt mê tín như cầu tài, đốt vàng mã, xem tướng số…sẽ không thể nào vượt qua các chi tiêu cho các hoạt động của những người đến những nơi giải trí như vũ trường, casino…
Tội phạm: Số tội phạm nếu có trong những người hoạt động mê tín sẽ không thể nào nhiều hơn so với tội phạm xuất phát từ những người sinh hoạt ở những nơi ăn chơi giải trí.
Đạo đức: Những người mê tín cho dù phạm tội thì việc lễ bái, cầu xin vẫn là cơ hội để họ ăn năn tội lỗi, nó vẫn tốt hơn là những tội phạm dùng tiền để ăn chơi xa xỉ.
Văn hóa: Có những sinh hoạt mê tín nhưng vẫn để lại nét văn hóa cho cộng đồng xã hội nơi mọi người đến chia sẻ tín ngưỡng như lễ hội Bà Chúa Xứ - An Giang, Bà Đen Tây Ninh, Bà Chúa Kho Bắc Ninh, v.v…
Giáo dục: Dù bị cho là mê tín, những hoạt động ấy vẫn có giá trị góp phần giáo dục con cháu hướng đến điều thiện vì những người bị cho là mê tín vẫn còn biết tránh ác, làm lành, còn biết dạy con cháu noi theo phong tục tốt.
Như vậy, tiêu cực của những hoạt động mê tín chưa cho thấy dấu hiệu nào quá đáng để dẫn đến tội phạm trừ một số trường hợp do những người trục lợi xúi giục gây nên. Do đó, có lẽ chưa công bằng khi chúng ta dùng tư duy chủ quan để đánh giá, phê phán hoạt động tín ngưỡng (được cho là mê tín) mà chưa tìm ra giải pháp thay thế thiết thực nào. Mỗi người là mỗi hoàn cảnh và một học giả chưa hẳn là không mê tín bởi cái mê tín của họ vi tế và khó nhận ra. Ta cứ thử điều tra về niềm tin của các học giả ngay cả những nơi được cho là văn minh nhất thì sẽ rõ. Hơn nữa, một người có điều kiên thuận lợi không thể so sánh với người đang gặp nghịch cảnh để đánh đồng sự sinh hoạt của họ. Nếu ta đặt vị trí mình vào hoàn cảnh của những người dân lam lũ, khổ cực, luôn lo sợ những bất an xảy ra thì hy vọng ta sẽ hiểu rõ họ hơn và có thể giúp họ nhiều hơn.
Cuộc sống không đơn thuần diễn ra theo đường thẳng trên một mặt phẳng nên không thể đánh giá đơn thuần là đúng hay sai rồi phê phán chỉ trích. Mỗi hoạt động trong xã hội là một biểu hiện của xã hội. Nếu ta nghiên cứu kỹ các hiện tượng trên sẽ thấy những điểm tiêu cực và giá trị của nó để từ đó điều chỉnh, uyển chuyển sao cho nó thay đổi dần theo chiều hướng tích cực. Có lẽ đó là điều chúng ta mong muốn.
Muốn đạt được mục tiêu ấy không có gì khác hơn là phải có phương thức giáo dục con người về nhận thức. Hiện nay, khi ta chưa thể thực hiện ở phạm vi rộng vì nền giáo dục chưa ổn định thì ít nhất việc giáo dục văn hóa ứng xử ở những nơi diễn ra lễ hội là điều có thể thực hiện được. Ở những nơi tôn nghiêm thuộc Giáo hội quản lý thì chính các tăng ni và nhân viên phục vụ phải là những người có trách nhiệm hướng dẫn khách hành hương lễ bái, cầu nguyện và thể hiện cách ứng xử có văn hóa. Thay vì để khách hành hương cầu nguyện theo cách bị cho là mê tín thì tăng ni hãy làm các bài sám nguyện hay sớ để phát cho khách biết phương pháp thực hành. Cách làm như thế vừa giúp tín đồ hành trì đúng vừa không cần phải e ngại và lên án việc viết sớ mướn mà các báo đề cập. Sự hướng dẫn về các lễ phẩm dâng cúng, cách lễ bái cầu nguyện và thái độ hành xử nơi tôn nghiêm như cúng dường, xử lí rác thải, bảo vệ môi trường, v.v…. là việc không phải là quá khó. Những thiền viện của Hòa thượng Thanh Từ xây dựng chẳng phải là những minh chứng cụ thể về cách quản lý sao?!
Đối với những nơi thờ ông, thờ bà, thờ thánh mẫu; những nơi thờ các vị có công với đất nước, hay những nơi diễn ra các lễ hội thì chính những người quản lý phải hiểu rõ về giá trị văn hóa và tâm linh ở những nơi ấy. Họ cần phải biết cách ứng xử có văn hóa và là người hướng dẫn khách ứng xử như vậy. Những nơi cúng tế có ý nghĩa biết ơn tổ tiên, người có công với đất nước thì phải có sử liệu phổ biến về lịch sử công lao của các vị ấy. Những bài văn cúng tế các vị ấy cũng nên được soạn và phổ biến cho khách hành hương. Đó là trách nhiệm không thể thiếu của những người quản lý. Thực hiện được điều ấy sẽ giảm thiểu tồn tại bấy lâu nay là ‘người quản lý chưa có ý thức về những giá trị văn hóa, sự biết ơn đến những bậc được tôn thờ nhưng lại đòi hỏi khách hành hương, lễ bái có ý thức về điều đó.’
Sở dĩ việc giáo dục ý thức chưa thực hiện có hiệu quả là do chúng ta đặt nặng về lợi ích vật chất, tranh đua vì lợi nhuận hơn là bảo vệ và phát triển giá trị tinh thần. Một khi vấn nạn này chưa được giải quyết thì sự hô hào hay lên án chỉ có tác động dư luận trong khoảnh khắc nào đó rồi sự việc đâu cũng vào đó. Để chỉnh đốn vấn nạn này thì không gì khác hơn là phải tuyển chọn đúng nhân sự vào bộ máy quản lý từ trực tiếp đến gián tiếp. Những người được tuyển chọn phải được đào tạo, phải hiểu và thể hiện sự hiểu về giá trị văn hóa qua cách hành xử chính họ. Khi ấy may ra sự tuyên truyền có thể đem đến kết qủa nào đó.
Riêng về Phật giáo, do quá trình tiếp biến văn hóa và ảnh hưởng qua lại giữa các phong tục tập quán, đạo Phật từ chỗ chỉ là con đường tâm linh thuần túy, trở thành tôn giáo tín ngưỡng. Dù chúng ta có phủ nhận quan điểm này thì thực tại những gì xảy ra đối với đạo Phật vẫn cho ta thấy là như thế. Không chỉ Phật giáo phát triển bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa mà ngay cả Phật giáo nguyên thủy cũng vậy. Sự thật Phật giáo ở các nước Nam tông chứng minh rất rõ quan điểm này. Từ cơ sở này chúng ta sẽ dễ dàng nhìn nhận tình trạng Phật tử sinh hoạt như thế nào hiện nay.
Đa số Phật tử có lòng tin Tam bảo và hiểu nhân quả nhưng những gì xảy ra trong thực tế đôi khi là sự đấu tránh khốc liệt giữa cái thiện và cái ác, cái đúng là cái sai. Sự khó khăn của cuộc sống và lòng tham của con người đã thúc đẩy họ đi cầu xin. Đạo Phật thì luôn khuyến khích con người tự lực, tin sâu nhân quả nhưng con người thì luôn cảm thấy yếu đuối và cần nương tựa, cầu nguyện, che chở. Nếu Phật không ban lộc thì họ tự tìm đến những nơi khác để cầu xin thần thánh ban cho. Lòng tin của họ thúc đẩy họ đi dù họ vẫn biết và hiểu những lời khuyên không quy y thiên thần quỷ vật. Đó là nhu cầu bức thiết của con người và xét cho cùng cũng không phải là tội ác hay xấu xa nếu như chỉ là cầu xin.
Sự tiếp biến văn hóa cùng với nhu cầu tín ngưỡng của những người bình dân đã thôi thúc các vị tổ sư phương tiện đưa ra nhiều cách giáo hóa. Sự ra đời của nhiều vị Phật, nhiều vị Bồ tát thần thông với hạnh nguyện cứu khổ độ sanh là sản phẩm tất yếu trong một xã hội nặng về tín ngưỡng. Đó là một sự sáng tạo rất tinh tế vừa đáp ứng cho số đông quần chúng vừa là pháp tu cho những hành giả tu tập. Hiểu được những ẩn ý của các vị tổ thì chúng ta không còn suy nghĩ cứng nhắc và đánh giá theo cảm tính chủ quan. Những người làm công việc hoằng pháp thiết nghĩ cũng nên hiểu rõ điều này.
Ngày xưa, người ta theo đức Thế Tôn không phải chỉ vì giáo pháp Ngài hay mà chính vì Ngài là người đủ năng lực che chở và đem hạnh phúc đến cho họ. Chỉ cần ở cạnh bên Ngài là họ đủ thấy an ổn và hạnh phúc rồi. Vậy thì họ đâu cần cầu xin ai làm gì nữa. Những vị tổ kế tiếp cũng thể hiện được đều đó. Cho đến ngay nay, những vị đạo cao đức trọng, những vị lãnh đạo Giáo hội có đức độ trực tiếp hướng dẫn tín đồ thì số người tham gia cầu đảo cũng ít hơn nhiều so với tín đồ ở những chùa thiếu thầy hướng dẫn. Xét cho cùng những người lãnh đạo, những bậc đạo sư thật là quan trọng và là yếu tố giúp giảm đi mê tín. Giáo pháp có hay thế nào đi nữa mà không có người hiểu và hướng dẫn đúng thì nó cũng như xác chết quý giá. Cũng như có nhiều thuốc tốt mà không có bác sĩ giỏi thì thuốc cũng chỉ là thuốc quý mà thôi. Do đó, trách nhiệm của chúng ta là tạo ra được những con người lãnh đạo như thế tốt hơn là phê phán và chỉ trích những hiện tượng xảy ra mà không có giải pháp hữu hiệu, cụ thể nào.
No comments:
Post a Comment