Tuesday, March 22, 2011

Tưởng niệm GS Trần Phương Lan: Học hành chi lạ rứa

Vào những giờ học Anh văn Phật pháp tại Học viện Phật giáo Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh từ khóa I cho đến khóa V, nếu ai tình cờ đi ngang qua lớp học chắc sẽ nghe được giọng đọc đậm chất Huế vang lên và tiếp theo là âm vang đồng thanh của cả lớp. Đó là những âm thanh thực hành quen thuộc trong giờ học Anh văn Phật pháp của Giáo sư Phương Lan và những học trò của Cô. Là một nhà giáo mẫu mực và nổi tiếng với sự nghiêm khắc nhưng lại rất có tâm và có tình, Cô đã để lại trong lòng các thế hệ học trò của mình những kỷ niệm thật ấn tượng và khó quên.

Hai tiếng gọi ‘Madam’ Phương Lan dường như đã trở nên quen thuộc với anh em tăng sinh chúng tôi khi còn ngồi trên ghế Học viện và cũng quen thuộc ngay cả với Cô giáo nữa. Nó là biệt hiệu mà chúng tôi đặt để tặng cho Cô bởi Cô vừa là người dạy tiếng Anh, vừa là người đặc biệt làm chúng tôi không thể nào quên vì sự nghiêm khắc và sự tận tâm của Cô. Mỗi khi nghe gọi hai tiếng ‘Madam’ cô mỉm cười từ ái bởi Cô cũng hiểu những người học trò của mình cũng có chút tinh nghịch khi phải đối mặt với môn học ‘khó nuốt’ mà Cô đảm trách. Và rồi, hai tiếng ‘Madam’ trở thành thuật ngữ riêng, thân mật cho tình Cô trò chúng tôi.

Có lẽ, ai cũng biết rằng học thêm một ngoại ngữ nhất là ngoại ngữ chuyên môn là một sự nỗ lực rất lớn bởi nó đòi hỏi khả năng sử dụng trí nhớ rất cao. Không nhớ từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc câu thì không tài nào có thể diễn đạt ý tưởng của mình được. Hơn nữa thuật ngữ chuyên môn, ngay cả ngôn ngữ mẹ đẻ cũng vất vả lắm mới có thể nhớ hết, huống gì là ngoại ngữ. Tuy nhiên, hiểu được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ chuyên môn và ý nguyện phụng sự Phật pháp mai sau, Cô trò không còn cách nào khác hơn là mỗi bên đều làm tốt công việc của mình. Cô đã làm rất tốt vai trò khi chính Cô đã biên soạn bộ giáo trình giảng dạy Anh văn Phật pháp rất công phu và chuẩn cho những sinh viên của Cô và cho cả những ai có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu Phật pháp bằng Anh ngữ. Đó là một nỗ lực rất lớn và cũng là tấm lòng tận tụy, mong mỏi những người học trò của mình học tốt hơn khi có bộ giáo án này. Còn phần chúng tôi, thật là khó nói quá!

Cứ trước mỗi buổi học, Cô đều căn dặn thật kỹ mỗi chúng tôi chuẩn bị bài vở trước khi đến lớp. Cô mở sách ra và chỉ từng phần cụ thể để không bị chúng tôi ‘chối cãi’. Và trước giờ học khá sớm, khi những sinh viên chúng tôi chưa đến hay đang đến thì Cô đã đón xe đến trước và ngồi chờ sẵn ở văn phòng rồi. Cô làm việc rất đúng giờ khi vào cũng như khi ra lớp dù cho có những lúc chúng tôi rất mong muốn về sớm. Đó là một trong những tính cách chuẩn mực của Cô.

Trong giờ học, Cô hướng dẫn phát âm chính xác từng chữ, từng câu và sẵn lòng gọi bất cứ ai trong lớp lập lại điều Cô dạy. Cây thước kẻ thon thon, nho nhỏ mà Cô thường dùng để gõ vào bàn làm hiệu lệnh sinh viên đọc theo, có lẽ là vật kỷ niệm một đời dạy học của Cô. Những lúc Cô kiểm tra bài hay trắc nghiệm khả năng học hành của học trò, Cô cười thật tươi như mãn nguyện khi thấy các trò của mình có nhiều tiến bộ hay chăm chỉ học hành; nhưng Cô lại buồn khi thấy các trò chưa đạt yêu cầu hay nói đúng hơn là còn giãi đãi. Những lúc buồn bực vì các trò ‘hơi bị lười biếng’, Cô thường nói những câu khuyên răn vừa như trách cứ nhưng lại thấy đáng thương làm sao! Một trong những câu nói đậm chất Huế của Cô làm cho tất cả chúng tôi đều nhớ mãi là ‘học hành chi lạ rứa’.

Ở trong một căn nhà nằm trong một con hẻm nhỏ yên tĩnh ở quận Gò vấp, Cô sống một mình với niềm vui phiên dịch kinh điển và hành trì Phật pháp. Cách đây vài năm, có dịp chúng tôi được ghé thăm và được Cô đón tiếp rất tận tình. Cô đưa chúng tôi tham quan ngôi nhà của mình với những tài sản quý giá là các bộ từ điển, những quyển sách tiếng Anh và các công trình phiên dịch của Cô. Ngoài ra, Cô cũng giới thiệu thêm tài sản tự nhiên của Cô gồm các loại bonsai và hoa được Cô chăm sóc trên sân thượng. Khi đàm đạo với chúng tôi, Cô luôn bày tỏ những ưu tư về thế hệ kế thừa làm công tác phiên dịch, nhất là chuyên ngành tiếng Anh Phật pháp. Cô trao đổi những kinh nghiệm quý báu cho chúng tôi về việc nghiên cứu và phiên dịch kinh điển. Với Cô, để cho việc nghiên cứu có kết quả đáng tin cậy, phải tìm đọc và học những bộ từ điển, những bộ sách chuẩn và đáng tín cậy. Thật ra, đó là điều không mới lạ nhưng ở môi trường Việt Nam, lời khuyên ấy thật có ý nghĩa với chúng tôi. Trong nụ cười rạng rỡ, Cô cũng không quên ‘khoe’ với chúng tôi về những thầy cô tăng ni đang du học các nước như Miến Điện, ấn Độ…với tâm trạng thật hoan hỉ. Cô nói họ là những bông hoa tương lai của Phật giáo Việt Nam và Cô mong mỏi tất cả chúng tôi đều như thế.

Với lối sống giản dị và mang nhiều chất thiền, trong suốt quảng đời từ khi biết đạo và có nhân duyên phụng sự đạo pháp qua con đường giảng dạy và phiên dịch kinh điển, người đệ tử tận tâm, tận tụy của Hòa thượng nguyên Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam chứng tỏ là một trong những vị giáo sư Phật tử hiếm thấy, người đã có nhiều đóng góp cho Phật giáo Việt Nam thời hiện tại. Viết lại những dòng chữ này như là một sự ôn lại những kỷ niệm khó quên của một thời được ‘thọ giáo’ với vị giáo sư mẫu mực và cũng là để tỏ lòng tưởng niệm và tri ân sâu sắc. Thân tứ đại thuận lẽ vô thường hòa vào dòng chảy của chúng nhưng những công hiến của Giáo sư Phương Lan vẫn còn hiển hiện nơi đây và tồn tại về sau. Xin được đốt nén tâm hương kính cầu nguyện Hương linh Giáo sư Cao đăng Phật quốc.

Người đi, tứ đại người đi

Âm vang bài giảng vẫn còn đâu đây

Trở về quê cũ trời Tây

Công trình nghiên cứu đựng đầy tủ kinh

No comments:

Post a Comment