Ngày nay, thế giới như nhỏ lại nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Ngồi một chỗ, chúng ta có thể biết được những gì đang xảy ra trên thế giới. Sự kỳ diệu của khoa học ví như một loại thần thông đang được sử dụng để làm cho con người gần lại nhau hơn, sống đầy đủ hơn. Tuy nhiên, thật trớ trêu là mặc dù thừa hưởng thành quả ngoạn mục ấy, con người ngày càng khủng hoảng về mặt đời sống tinh thần. Thực trạng ấy khiến nhân loại đang lẩn quẩn đi tìm những giải pháp để giải quyết nó. Và rồi nhiều người đã tìm đến những trò chơi giải trí, hưởng thụ dục lạc, theo đuổi lý tưởng siêu nhiên và đặc biệt là tìm đến các tôn giáo như là giải pháp đáng tin cậy nhất. Được xem như là một tôn giáo, Phật giáo đã đóng vai tích cực trong việc hướng con người đến một đời sống tâm linh lành mạnh trên toàn cầu từ xưa đến nay. Vai trò này đang phát triển rất mạnh ở các nước tiên tiến nhưng lại có phần chậm lại ở những nơi đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta thử tìm hiểu vài nguyên nhân về vấn đề này như thế nào?
Có lẽ ai cũng thừa nhận rằng xã hội Âu - Mỹ là nơi phát triển đỉnh cao về khoa học và hưởng thụ vật chất nhưng cũng là nơi có nhiều nỗi bất an nhất về tinh thần. Nhờ khoa học phát triển, đời sống vật chất của cư dân ở đây đã đạt mức sống khá cao. Tuy nhiên, khoa học chưa thể làm họ thỏa mãn về đời sống tâm linh bởi sự giới hạn của nó. Vả lại, đa số họ theo truyền thống tôn giáo đặt trọn niềm tin vào một vị thượng đế tối cao có thể ban phước hay giáng họa cho nên họ cũng không có nhiều cơ hội để được hướng dẫn những giải pháp cho những vấn đề mà họ thắc mắc. Do đó, mặc dù đời sống vật chất dồi dào, tri thức được nâng cao nhưng họ lại thấy bất an về đời sống tinh thần. Họ nhận thấy rằng vật dục vẫn không thể phủ lấp những lo âu và chỉ có niềm tin vào thượng đế không thể nào thỏa mãn nhu cầu tìm tòi và giải quyết những khủng hoảng mà họ thường đối mặt. Để thỏa mãn sự đam mê nghiên cứu cũng như giải quyết những bất an hằng ngày, họ đã tìm học triết lý, học thuyết, tôn giáo cả Tây lẫn Đông. Sau những năm nghiên cứu và thực nghiệm, các nhà trí thức đã tìm thấy ở Phật giáo một kho tàng văn hóa tâm linh quý giá. Chính giá trị tâm linh này đã đáp ứng sự tìm cầu của họ cũng như có thể giúp họ giải quyết triệt để những bất an mà họ đang đối mặt trong cuộc sống. Do đó, họ đã đến với đạo Phật như là một truyền thống tôn giáo thứ hai, thậm chí chuyển hẳn thành Phật tử. Hiện tượng này đã rất phổ biến khắp các nước phương Tây trong thời đại ngày nay.
Ngược lại, xã hội Á đông hạn chế về phát triển khoa học kỹ thuật nhưng phát triển rất đa dạng về tín ngưỡng và tôn giáo có giá trị tinh thần rất cao. Trong các tôn giáo tồn tại hiện nay, có thể nói Phật giáo có sự ảnh hưởng sâu rộng khắp các nước Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam, Phật giáo đã du nhập và phát triển hơn 20 thế kỷ qua và đóng góp rất nhiều giá trị văn hóa, đạo đức, tâm linh cho dân tộc. Chỉ cần đọc lại lịch sử dân tộc thì chúng ta có thể thấy rõ được điều đó một cách cụ thể và rõ ràng. Do đó có thể nói rằng Phật giáo không ngừng đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào của đất nước cho đến thời đại hiện nay.
Song song với sự phát triển xã hội hiện đại trong thời hội nhập, các nền văn hóa ngoại lai được tự do giao lưu và có tầm ảnh hưởng nhất định đối với đời sống người Việt. Văn hóa vật chất, hưởng thụ vốn là ước mơ của những xã hội chậm phát triển đã từng bước thâm nhập vào các tầng lớp xã hội, nhất là giới trẻ Việt Nam. Hệ quả của nó đã làm thay đổi cách sống, lối suy nghĩ và niềm tin của giới trẻ một cách nhanh chóng. Những giá trị truyền thống trong đó có giá trị đạo Phật cũng ít nhiều bị trầm xuống bởi sự hào nhoáng, hấp dẫn của vật chất, điều mà giới trẻ đang quan tâm, mong ước; và bởi sự thiếu hiểu biết hay thiếu thông tin thiết thực về những giá trị ấy. Điều mâu thuẫn là trong khi chúng ta hô hào quay về giá trị truyền thống mà lại thiếu phương tiện thông tin hay cách truyền bá, giáo dục; còn khuyến khích hạn chế sự tai hại của vật dục thì chính chúng được quảng bá nhang nhảng suốt ngày đêm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là một trong những mặt trái của nền kinh tế thị trường mang lại.
Chúng ta có thể tự hỏi rằng tại sao trong xã hội văn minh lại có nhiều người bất an về tinh thần như thế? Trong khi các nhà khoa học miệt mài làm việc để phát minh ra những điều mới nhằm phục vụ cho con người và giúp cho nhân loại có cuộc sống tốt hơn thì nhu cầu thỏa mãn của con người cũng không ngừng gia tăng. Do đó, mặc dù nhiều tiện nghi vật chất được đưa vào sử dụng và đời sống con người cũng không ngừng được cải thiện nhưng khoảng trống về tinh thần dường như ngày càng rộng thêm. Càng thỏa mãn đời sống vật dục con người càng cảm thấy khủng hoảng về đời sống tâm linh. Sự khủng hoảng ấy không thể giải quyết nếu như tiếp tục theo đuổi vật dục và không có sự quay về với sự bất an nội tâm. Ý thức được nỗi bất an, nhiều người đã tìm chỗ nương tựa và tôn giáo là chỗ đáng tin cậy nhất. Khác với những tôn giáo hữu thần dạy con người đức tin mãnh liệt vào thượng đế, đạo Phật dạy họ con đường đưa đến chấm dứt khổ đau có thể đạt được ngay trong hiện tại bằng cách thực hành “bát chánh đạo”. Giáo lý này càng được khẳng định giá trị khi văn minh khoa học càng phát triển. Đây là nền tảng khiến cho các học giả trí thức tìm đến đạo Phật ngày càng đông ở các nước phương tây.
Xã hội Việt Nam đa phần phụ thuộc vào nông nghiệp và thiên nhiên. Sự ảnh hưởng của nền văn hóa nông nghiệp khiến nhiều người tìm đến tín ngưỡng, tôn giáo phần lớn là để cầu nguyện, van xin. Trong quá trình hội nhập, Phật giáo cũng bị ảnh hưởng và cũng phải sử dụng các yếu tố tín ngưỡng, văn hóa bản địa để hướng con người đến với giáo lý chính thống. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, những người đến với Phật giáo để học hỏi giáo lý và tu tập thật là hiếm trong khi phần lớn là lễ bái và cầu xin. Giá trị cao tột của Phật giáo ít được quan tâm trong khi những hình thức lễ nghi, huyền bí thì lại thu hút rất nhiều người. Những hình thức thu hút quần chúng không phải là không tốt nhưng nó chỉ là bề mặt nổi, bề ngoài của vấn đề. Nó không thể giúp cho con người vượt qua khổ đau hay bất cứ điều gì bất an mà con người có thể đối mặt xét về lâu dài.
Trước hiện trạng đạo Phật đang bị hình thức hóa quá nhiều, các nhà chức trách phải lựa chọn hình thức nào cho thích hợp nhất và phải đề xuất hướng đưa đạo Phật về đúng vị trí của nó. Bên cạnh phục vụ nhu cầu lễ bái, cầu xin bình an của người dân, Phật giáo cần hạn chế những hình thức tín ngưỡng bị ảnh hưởng bởi văn hóa bản địa và cúng cấp những hình thức mới phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Vè trước mắt có thể nhiều người chưa quen với cái mới nhưng trải qua một thời gian chúng sẽ trở thành nề nếp. Để thực hiện vần đề lớn này, không thể là các cá nhân mà phải là toàn thể Phật giáo mà trước hết là cơ quan lãnh đạo. Nếu không thì các đoàn thể cá nhân chỉ như con én mùa xuân, có thể làm cho con người nghĩ về Phật giáo thuần túy nhưng vĩnh viễn không thể đưa Phật giáo về giá trị thực của nó.
No comments:
Post a Comment