Là người học Phật, ai cũng biết vô thường là một trong ba pháp thuộc
giáo lý Tam Pháp Ấn (Vô thường, Khổ, Vô ngã theo Phật giáo nam truyền hay Vô thường,
Vô ngã, Niết bàn). Nói đến vô thường là nói đến sự thay đổi hoặc là tốt hơn hay
xấu hơn, phát triển hay suy vong, tiến bộ hay lạc hậu…Khi mọi sự vật hiện tượng
tồn tại khách quan đều không thể thoát ra khỏi quy luật vô thường thì sự thịnh
suy của một tổ chức như Phật giáo cũng là tất yếu. Theo Phật giáo, sự thay đổi
nào cũng đều có thể truy về quy luật nhân quả. Do đó, truy tìm nguyên nhân đưa
đến sự thịnh suy và tìm kiếm giải pháp để duy trì sự cường thịnh và tránh sự
suy vong của Phật giáo là một việc đáng làm, nhất là trong giai đoạn Phật giáo
đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Trên tinh thần đó, người viết sẽ dựa vào
phần trích dẫn của bài Kinh Đại Bát Niết Bàn trong Kinh Trường Bộ để phân tích
lời Phật dạy về vấn đề liên quan. Bài viết cũng sẽ trích dẫn nguyên nhân đưa đến
sự tiêu vong của Phật giáo ở Ấn Độ, sự suy yếu của Phật giáo Việt Nam sau thời
Lý Trần. Qua đó, một số đề xuất sẽ được đưa ra để tham khảo và thảo luận cùng với
chư thiện hữu tri thức có ưu tư về vấn đề này trên tinh thần chia sẻ, học hỏi.
Sự thịnh suy theo Kinh Đại Bát
Niết Bàn
Bài kinh mở đầu bằng việc đại thần của vua Ajatasattu (A-xà-thế) nước Magadha
(Ma-kiệt-đà) tuân lệnh quốc chủ đến đảnh lễ đức Thế Tôn và trình bày ý vua muốn
chinh phục và tiêu diệt dân chúng Vajji, nhằm lắng nghe tôn ý của đức Thế Tôn
như thế nào. Đức Phật không trả lời trực tiếp cho vị đại thần mà khéo léo hỏi
thị giả A-nan đang hầu một bên về sinh hoạt của dân chúng Vajii. Bảy điều được
đức Phật nêu ra và khẳng định nếu chúng được tuân thủ thì sự cường thịnh sẽ có
mặt. Nhân đó, đức Phật dạy cho các thầy tỳ kheo bảy pháp làm cho chúng tỳ kheo
cường thịnh, không bị suy giảm. Bảy pháp ấy gồm “(1) thường hay tụ họp và tụ họp
đông đảo; (2) tụ họp, giải tán và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết; (3) không
ban hành những luật lệ trái giới luật, không hủy bỏ những luật lệ phù hợp giới
luật, và sống đúng với những học giới đã được ban hành; (4) tôn kính, đảnh lễ,
cúng dường các bậc tỳ kheo trưởng thượng và nghe theo lời dạy của họ; (5) không
bị chi phối bởi tham ái đưa đến tái sanh; (6) thích sống những nơi nhàn tịnh; (7)
tự thân an trú chánh niệm khiến các bạn đồng tu chưa đến muốn đến và đã đến được
sống an lạc.” Bảy điều kiện trên có thể rút ngắn là thực hiện đời sống đoàn kết
trong chúng, tôn trọng và sống đúng giới luật, tôn kính cúng dường bậc trưởng
lão và thường tham vấn họ, xa lìa tham ái đưa đến tái sanh và luôn sống chánh
niệm để làm cho bạn đồng tu được sống an lạc. Nói một cách khác, chúng tỳ kheo
sẽ cường thịnh khi tập thể ấy sống theo giới luật, biết học hỏi bậc minh sư và
có an lạc do hành trì lời Phật dạy. Ngược lại, sự suy giảm sẽ xuất hiện.
Sự thịnh suy của Phật giáo hầu như phụ thuộc vào hàng Tăng bảo. Trong
giai đoạn kinh điển được lưu truyền bằng con đường truyền khẩu thì sự sống còn
của Phật pháp hoàn toàn do Tăng bảo quyết định. Muốn tìm hiểu, học hỏi chánh
pháp tức nội dung tam tạng kinh điển, người ta phải tìm đến các tăng ni. Bởi
vì, chính họ là những người thông thuộc kinh điển, người có hành trì và do đó
là nguồn độc quyền và đáng tin cậy nhất. Cùng quan điểm này, Giáo sư Gombrich,
một nhà nguyên cứu Phật giáo nổi tiếng nhận định: “người ta chỉ có thể tiếp cận
lời Phật dạy thông qua Tăng già, những người duy trì và giảng giải lời dạy ấy.”[1] Khi
kinh điển được biên tập và lưu truyền bằng văn bản, người ta có thể tiếp cận
giáo pháp bằng cách tự đọc kinh sách hay tìm học nơi các tăng ni. Tuy nhiên,
hàng Tăng bảo, những người có học và có hành trì lời Phật dạy vẫn là nơi đáng
tin cậy nhất. Sự hiện diện của những người xuất gia có hành trì đóng vai trò
quan trọng và quyết định sự sinh tồn của Phật giáo bởi vì dù kinh điển vẫn còn
nhưng không còn hàng Tăng bảo thì Phật giáo vẫn bị tiêu vong, ít nhất là đúng
trong trường hợp ở Ấn Độ. Ta có thể nói rằng kinh điển không hoàn toàn bị tiêu
hủy ở Ấn Độ ít nhất cho đến khi không còn bóng người xuất gia. Kinh điển tại đại
học Na-lan-đa bị đốt cháy hoàn toàn không có nghĩa là không còn kinh điển bởi
không có chứng cứ nào cho rằng chỉ có Na-lan-đà độc quyền chứa kinh điển. Còn
bao nhiêu trường đại học khác và nhiều tự viện cũng như hàng triệu gia đình Phật
tử. Không lẻ tất cả họ không giữ một số kinh sách. Chắc chắn là kinh điển vẫn
còn sau biến cố đau thương ấy nhưng không còn người kế thừa lưu giữ, tu tập, và
giảng dạy nên dần dần chúng bị hủy hoại theo thời gian. Như vậy theo nội dung
trên, Phật giáo thịnh khi chúng tỳ kheo thịnh, Phật giáo suy giảm và tiêu vong
khi chúng tỳ kheo suy và biến mất. Một câu hỏi đặt ra là tại sao Phật giáo có
hai chúng gồm xuất gia và tại gia nhưng khi chúng xuất gia mất thì Phật pháp
không được duy trì? Phật giáo là độc quyền của hàng xuất gia chăng? Trước khi
trả lời câu hỏi, chúng ta hãy tìm hiểu nguyên nhân Phật giáo suy vong ở Ấn Độ.
Nguyên nhân Phật giáo suy vong ở
Ấn Độ
Trong bài “Vì sao Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ”[2] do
D.C Ahir một học giả người Ấn Độ viết và Trần Đức Phi Bằng dịch phổ biến, tác
giả đã đưa ra một số nguyên nhân sau:
Nguyên nhân bên ngoài gồm: Một là sự xung đột giữa
Bà-la-môn giáo và Phật giáo. Hai là sự thù giận và ghét bỏ của các Bà-la-môn
hành nghề tế lễ. Ba là Phật giáo không những bị mất sự ủng hộ của nhà cầm quyền
mà còn bị đàn áp, phá hủy. Bốn là âm mưu tiêu diệt Phật giáo của người Hồi
giáo. Năm là Phật giáo bị đồng hóa.
Nguyên nhân bên
trong: Thứ nhất tăng sĩ xao lãng việc tu tập, thờ ơ với sứ mệnh truyền chánh
pháp phụng sự xã hội, đánh mất sự giao hảo gần gũi với quần chúng. Thứ hai,
Phật giáo không có tổ chức cư sĩ để giảng dạy, truyền bá và bảo vệ tôn giáo của
mình. Do đó, họ chỉ đứng nhìn mà
không giúp được gì khi các tu viện bị cướp phá, xúc phạm và các tăng sĩ bị trục
xuất hay giết hại. Thứ ba, thiếu vắng những nghi thức cho các sinh hoạt
liên quan đến đời sống văn hóa, tập tục xã hội như hôn nhân, tang tế. Và cuối
cùng là tín đồ mê tín dị đoan.
Theo tác giả, những
nguyên nhân làm Phật giáo bị suy vong tại Ấn Độ không phải bên trong mà là bên
ngoài. Chính sự đàn áp, giết hại, và phá hoại của Ân Độ giáo và sau đó là Hồi
giáo khiến cho tăng sĩ bị giết, chùa chiền bị san bằng, kinh điển bị tiêu hủy
đưa đến Phật giáo bị xóa sổ. Ông cũng bác quan điểm cho rằng Phật giáo suy tàn
là do Tăng già suy đồi vì điều đó chỉ ảnh hướng đến việc truyền bá và duy trì
Phật pháp hơn là suy vong. Người viết cũng đồng ý với quan điểm này. Tổ chức
Phật giáo cho dù có suy đồi vẫn có những bậc chân tu, đạo đức cho quần chúng
nương tựa. Nếu không có sự phá hoại của bên ngoài thì Phật giáo chỉ có thể
thịnh hoặc suy giảm mà không thể suy tàn được.
Cũng theo Từ điển bách khoa toàn
thư Phật giáo (Encyclopaedic Dictionary
of Buddhism) xuất bản năm 1998, Samir Nath đưa ra 12 nguyên nhân làm cho Phật
giáo suy vi. Trong đó, ông cũng chỉ liệt kê 3 nguyên nhân bên trong là sự suy
thoái trong Tăng già, sự chia rẻ trong Phật giáo, và thần tượng thờ phụng đức
Phật. Ba nguyên nhân này cũng chỉ làm cho Phật giáo thịnh hoặc suy giảm chứ
không thể suy vong. Như vậy, quan điểm của Ahir được củng cố thêm. Để làm rõ
hơn quan điểm này, ta tiếp tục xem trường hợp Phật giáo suy yếu ở Việt Nam.
Nguyên nhân Phật giáo Việt Nam
suy yếu sau thời Lý, Trần
Phật giáo Việt Nam cũng trải qua
thăng trầm, thịnh suy theo quy luật. Theo sử liệu, Phật giáo dưới hai triều đại
Lý và Trần được thừa nhận là cực thịnh và được gọi là thời vàng son của Phật
giáo Việt Nam. Tuy nhiên, điều không may mắn là Phật giáo đã không thể duy trì
vị thế ấy. Từ cuối đời trần trở đi, Phật giáo suy đồi và có lúc phục hưng nhưng
chưa thể so bằng với Phật giáo dưới hai triều đại ấy. “Sự suy đồi ở đây không
phải là Phật giáo đánh mất ảnh hưởng trong quần chúng mà là đánh mất vai trò
lãnh đạo trí thức, văn hóa và chính trị.” Nguyên nhân ở đây cũng bao gồm bên
ngoài và bên trong nhưng chủ yếu là từ bên trong. Nguyên nhân bên ngoài là vua
chúa hết ủng hộ Phật giáo như trước và các nhà Nho trí thức công kích Phật
giáo. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do chùa chiền nhiều nên không thể quản lý
tốt; tăng chúng đông nhưng thiếu học; thành phần bất hảo trà trộn vào tăng đoàn
làm mất thanh danh; tăng sĩ kiêu hãnh khi được cúng dường hậu hĩnh; chùa tượng
quá nhiều gây lãnh phí và gây ác cảm đối với các Nho gia; và do Phật giáo ỷ lại
quá nhiều vào sự ủng hộ của thế quyền.[3]
Như vậy, tình trạng nội bộ của Phật giáo ở Việt Nam cũng có phần giống như tình
trạng ở Ấn Độ nhưng Phật giáo Việt Nam không bị suy vong vì Phật tử Việt Nam đã
thành công trong việc bảo vệ và chống lại sự đàn áp và âm mưu tiêu diệt của ngoại
đạo cuồng tín và quá khích. Đó là điều may mắn và cũng là bổn phận của Phật tử
Việt Nam. Có thể Phật tử Ấn Độ cũng đấu tranh bảo vệ Phật giáo nhưng họ đã
không thành công.
Nhận xét và đề xuất
Từ những dẫn chứng trên, ta có thể
suy ra rằng Phật giáo thịnh hay suy yếu và cuối cùng suy vong là do những nguyên
nhân từ bên ngoài lẫn bên trong. Trong khi nguyên nhân bên trong chỉ có thể làm
cho Phật giáo suy yếu thì nguyên nhân bên ngoài có thể làm Phật giáo suy vong. Khi
đã xác định được nguyên nhân rõ ràng cụ thể rồi, người Phật tử cần phải tìm kiếm
giải pháp thích hợp. Một câu hỏi lớn là
tại sao tín đồ Phật giáo không thể bảo vệ tôn giáo cao quý của mình trước kẻ
ngoại đạo tấn công và phá hoại?
Phật giáo được hiểu tổng quán bao
gồm Phật, Pháp và Tăng gọi là Tam bảo. Tăng già nếu hiểu rộng ra phải bao gồm cả
quần chúng cư sĩ vì ý nghĩa của chữ Tăng là hòa hợp chúng. Khi hàng Tăng bảo
suy đồi tức đánh mất vai trò của họ về lãnh đạo văn hóa, chính trị xã hội và đánh
mất sự ảnh hưởng đối với quần chúng thì ít ra Phật và Pháp bảo vẫn còn nguyên vẹn,
nhất là thời văn bản đã lưu truyền. Tuy nhiên với Phật giáo, hàng Tăng bảo
không còn đồng nghĩa với Pháp bảo không còn và dẫn đến Phật bảo cũng mất. Phật
giáo là tài sản chung của mọi người nhưng rõ ràng chính hàng Tăng bảo độc quyền
quyết định sự tồn vong của Phật giáo. Do đó, trước nhất và trên hết để bảo vệ
Phật giáo và làm cho nó cường thịnh thì phải xây dựng hàng Tăng bảo cường thịnh
theo tinh thần kinh đã nên ở trên.
Tăng bảo cường thịnh là điều kiện
cần, Phật tử cư sĩ phát tâm hộ trì Phật giáo mới là điều kiện đủ. Hàng tăng bảo
có thể làm cho Phật giáo thịnh hay suy nhưng họ không bao giờ làm cho Phật giáo
biến mất. Nói cụ thể, họ không bao giờ tự đánh mất quyền lợi của họ. Vậy thì chỉ
có kẻ bên ngoài làm Phật giáo suy vong trong đó có chính người Phật giáo. Thói
thường, khi Tăng bảo suy đồi thì hàng cư sĩ quay lưng với Phật giáo và có thể
theo đạo khác. Quần chúng Phật tử cư sĩ là lực lượng hộ trì quan trọng mà quay
lưng thì Phật giáo suy yếu. Lúc ấy, ngoại đạo tấn công phá hoại, nhất là bằng vũ
trang, thì Phật giáo không đủ nội lực chống trả để bảo vệ tôn giáo của mình. Ngày
nay, các tôn giáo cạnh tranh khốc liệt để thu nhận tín đồ. Họ không từ thủ đoạn,
thậm chí sát hại tín đồ đạo khác. Do vậy, hướng dẫn hàng cư sĩ tu học và có
trách nhiệm với tôn giáo của mình là nhiệm vụ cần phải thực hiện ngay.
Như học giả Ahir đã nêu, “Phật giáo không có tổ chức cư sĩ để giảng dạy, truyền bá và bảo vệ
tôn giáo của mình. Phật giáo cũng thiếu vắng những nghi thức cho các sinh hoạt
liên quan đến đời sống văn hóa, tập tục xã hội như hôn nhân, tang tế….” Do không
có kế hoạch bài bản, cụ thể để đào tạo hàng cư sĩ cũng như không thiết lập nghi
thức mang đậm nét Phật giáo để giáo hóa quần chúng, Phật giáo tự đánh mất vai
trò của mình trong xã hội. Vì vậy, tạo dựng nét văn hóa Phật giáo trong tất cả
các tập tục, lễ hội…cũng là điều cấp bách.
Kỷ niệm ngày đản
sinh của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni không gì hơn là duy trì và truyền bá lời
dạy của Ngài đến với mọi người. Bên cạnh tổ chức các hình thức kỷ niệm mang nét
văn hóa Phật giáo, Phật tử cũng cần có chiến lược lâu dài. Xây dựng hàng tăng
bảo vững mạnh, đào tạo hàng cư sĩ có thể hoằng pháp và có trách nhiệm bảo vệ
Phật giáo, và thiết lập nền văn hóa Phật giáo trong tất cả các tập tục sinh
hoạt cộng đồng là những hành động thiết thực cúng dường Đức Phật. Chiến lược
này thành công, chắc chắn ngày Phật đản nơi nơi rợp cờ Phật giáo.
No comments:
Post a Comment