Wednesday, August 21, 2013

Thế nào là Tự Tứ ?


Hằng năm sau 3 tháng kiết hạ an cư, chư tăng làm lễ tự tứ vào dịp Vu lan. Rằm tháng 7. Vậy Tự Tứ là gì ? Tự Tứ là dịch nghĩa chữ Phạn "Paravarana" phiên âm là "Bát hòa la" Từ này còn được dịch là tùy ý, thỉnh thỉnh. Nghĩa là sau khi kết thúc an cư, mỗi vị tỳ kheo phải tự nguyện đưa mình ra trước đại chúng, nhờ các vị đồng phạm hạnh chỉ cho biết những lỗi lầm ta đã phạm phải mà các vị ấy đã thấy, nghe hoặc nghi. Nếu tự mình kiểm điểm thấy đúng sự thật, ta sẽ thành khẩn sám hối để được thanh tịnh. Nhờ vậy, mọi người đều trở nên hoàn thiện, xứng đáng là hàng trưởng tử của Như Lai. Phương thức xây dựng này hơi khác với thế thường. Bởi vì, thường tình chúng ta rất giàu lòng tự ái, không mấy ai muốn người khác biết khuyết điểm của ta, chứ đừng nói là có thể chấp nhận để cho họ nêu ra những lỗi lầm mà ta đã phạm. Giả sử có ai đó động đến tên tuổi, tự ngã của ta thì ta sẽ phản ứng lại bằng nhiều hình thức "ăn miếng trả miếng" ngay lập tức, vì kẻ khác chạm đến nhược điểm của ta, đó là một sự xúc phạm khó mà tha thứ được. Thế nên, phương Tây có câu châm ngôn : "Người ta có thể tha thứ cho kẻ thù của mình, chứ không ai có thể tha thứ cho kẻ làm nhục mình". Điều đó đủ nói lên thiện chí xây dựng và phục thiện là những gi hiếm có trên cõi đời này. Vì vậy, để tránh những rắc rối phiền toái khi chung sống với xã hội, có một số người đã chủ trương một cực đoan khác, tức là chỉ đề cao việc tốt của thiên hạ mà không đá động gì đến việc xấu của tha nhân, bằng một thái độ tỏ ra rất cao thượng, như nói : "Người quân tử chỉ ca ngợi những đức hạnh của người, chứ không đề cập đến lỗi lầm của họ" (Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác). Từ quan điểm đó, họ rút ra một nguyên tắc sống : "mình tự quét xong sương trước cửa, mặc ai để đọng tuyết trên nhà" (các nhân tự tảo môn tiền tuyết, mạc quản tha nhân ốc thượng sương), chủ trương này mới nghe qua thật cao thượng và hấp dẫn, nhưng lại dễ rơi vào tình trạng cầu an và tiêu cực. Vì hành vi đó chỉ nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho bản thân mình, còn trách nhiệm đối với nhân quần xã hội, cùng xây dựng cho nhau, giúp nhau tiến bộ, thì hoàn toàn chưa ổn.
Vượt lên trên những cách xử trí của thế thường, hàng xuất gia áp dụng phương thức Tự Tứ một cách tinh tế và đầy lòng vị tha. Tự tứ là nhằm mục đích xây dựng Tăng đoàn có một đời sống cao khiết, thanh tịnh và an lạc thực sự. Bởi vì, Tăng đoàn là một tập thể sống hòa hợp, vô ngã, theo duổi một mục đích tối thượng là giác ngộ và giải thoát. Mà muốn thực sự giải thóat giác ngộ thì nỗ lực đọan trừ tận gốc ngã chấpba độc tham sân si. Vì ba độc và ngã chấp vốn là những trở lực chủ yếu trên tiến trình hướng đến giác ngộ. Điều đó bất cứ người xuất gia nào cũng đều quán triệt.
Thế nên 3 tháng an cư là khỏang thời gian lý tưởng nhất để tu tập, dẹp trừ các chướng ngại ấy. Và nếu như chưa dẹp trừ tận gốc, thì ít nhất cũng trấn áp được chúng đến một mức độ nào đó để giành lấy quyền tự chủ. Khi đã có tự chủ, ta sẽ dễ dàng hành động theo một chiều hướng vô ngã, không cố chấp, với một tấm lòng vị tha, có trí tuệ sáng suốt soi đường.
Do đó, khi tự tứ, mọi người điều có chung một niềm tin : tin mình tin người. Tin mình nghĩa là trãi qua ba tháng tu học, mình tiến bộ chứ không thoái hóa, nghiêm túc chứ không buông lung, tinh chuyên chớ không biếng nhác. Chân thực chứ không hư dối... Còn tin người là tin các vị dồng phạm hạnh là những người vị tha chứ không ích kỷ, vô tư chứ không thiên vị, từ mẫn chứ không ác ý, xây dựng chứ không đả kích...
Cụ thể là người đứng ra cử tội (chỉ lỗi của người khác) phải hội đủ năm đức tính :

  • 1- Nói đúng lúc, không nói phi thời.

  • 2- Thành thực, không gian dối.

  • 3- Vì lợi ích, không phải vì tổn hại.

  • 4- Vì từ tâm, chứ không có ác ý.

  • 5- Nói năng nhã nhặn, không nói thô lỗ. Đó là những điều kiện cần thiết của người đứng ra cử tội. Còn người nhận tự tứ, tức là người mà mình tin cậy nhờ họ chỉ giáo, cũng phải hội đủ năm đức tính :

  • 1- Không thiên vị.

  • 2- Không nổi nóng.

  • 3- Không si mê.

  • 4- Không sợ sệt.

  • 5- Biết ai tự tứ rồi, ai chưa tự tứ. Đó là những nguyên tắc do luật định, nhằm bảo đảm cho việc tự tứ đạt đến kết quả mỹ mãn nhất.
    Hơn nữa, luật còn quy định người đang bệnh không được ngăn cản sự tự tứ của một bệnh nhân khác. Người đang bệnh cũng không được ngăn cản sự tự tứ của một người khỏe mạnh. Và trái lại, người khỏe mạnh cũng không được ngăn cản sự tự tứ của một bệnh nhân. Nếu ai vi phạm các cấm chế trên thì phạm tội Đột cát la, tức hành vi xấu (Tứ Phần Luật, quyển 38, Đ22, tr.800a). Đó là những biện pháp chế tài cần thiết liên quan đến trường hợp những người bệnh. Ngoài ra, một người khi muốn cử tội hay ngăn cản người khác tự tứ, thì ba nghiệp thân, khẩu ý phải thanh tịnh. Nếu một trong ba nghiệp không thanh tịnh, thì không có quyền cử tội bất cứ ai. Và nếu có cử tội, thì lời cử tội ấy được coi như vô giá trị. Do đó, chỉ có những người ba nghiệp thanh tịnh mới được phép cử tội người khác. Nhưng khi cử tội ai về các trường hợp hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc nghi, phải trình bày rành mạch, có chứng cứ xác thực, thì sự cử tội ấy mới có giá trị. Trái lại, nếu trình bày không rõ ràng, khi bị chất vấn mà trả lời ấp úng, không trôi chảy, thì bấy giờ vị luật sư sẽ kết tội ngược trở lại vị ấy. Nghĩa là, nếu vị ấy tố cáo người khác phạm tội Tăng tàn, thì sẽ kết vị ấy tội Thâu lan giá v.v... tức là kết ông ta phạm một tội danh thấp hơn một bậc đối với tội mà ông đã tố cáo người khác (Luật Tứ Phần Đ22, tr839c) Những quy định này nhằm ngăn chặn trường hợp tố cáo vu vơ, bảo đảm thiện chí xây dựng một cách vô tư, khách quan, đạt đến hiệu quả tốt nhất, tránh tối đa những lục đục xáo trộn không hay có thể xảy ra trong nội bộ Tăng đoàn.
    Một điểm đáng bàn nữa là vấn đề bất hồi tố trong việc tự tứ. Khi tự tứ nếu có một tỷ kheo nào đó đã phạm tội mà đại chúng không hay biết, đến khi tự tứ xong, Tăng chúng mới phát hiện tội phạm của vị ấy, thì bấy giờ tội phạm đó coi như thông qua, không ai được phép khơi trở lại. Nếu ai còn khơi lại lỗi lầm của vị ấy, thì Tăng chúng sẽ căn cứ theo luật mà trừng trị kẻ sinh sự này; trừ trường hợp tội phạm mà người kia gây ra còn di hại nặng nề đến hiện tại. Như vậy, việc tự tứ mang một ý nghĩa chân thành xây dựng và khuyến khích, chứ không nhằm mục đích trách phạt hay chế tài.
    Vã lại, đặc tính của Tăng đoàn là thống nhất, thanh tịnhhòa hợp. Nếu thiếu các yếu tố này thì ý nghĩa của Tăng bảo sẽ không còn trọn vẹn. Thế nên, người xuất gia ngoài bổn phận nỗ lực tu học, hoàn thiện nhân cách của chính mình, còn có trách nhiệm bảo vệ thanh danh cho tập thể, trong tinh thần xây dựng, tôn trọng, nâng đỡ với ý thức "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ".
    Ngày Tự Tứ thường nhằm đúng dịp lễ Vu Lan báo hiếu. Đó là một ngày lễ truyền thống trọng đại của cả dân tộc, mọi người điều có cơ hội tốt để báo đáp bốn ân sâu nặng. Riêng các Tỳ kheo còn được thêm một tuổi đạo, gọi là tuổi hạ. Tuổi hạ khác với tuổi đời; tuổi đời được tính bằng chiều dày của thời gian, còn tuổi hạ là do kết tinh những công hạnh cao đẹp, những thành quả do chuyên tâm tu học suốt 3 tháng hạ, khiến cho lòng từ trải rộng, trí tuệ mở mang, thế nên khi giải hạ, có người đã có thể đạt đến đích cứu cánh, còn lại phần đông đang tiến gần đến mục tiêu đã định hướng, với những hành trang cần thiết. Hành trang đó là niềm tin, đạo lực, sự quyết tâm và trí tuệ soi đường.
    Trong dịp này, người xuất gia cảm thấy hân hoan đã đành mà các phật tử tại gia cũng vô cùng phấn khởi. Vì trãi qua 3 tháng hạ, họ đã hoàn thành trọng trách hộ trì Tăng bảo, giúp đỡ chư tăng tu học. Do đó, họ cũng có quyền chia sẻ một phần nào thành quả mà chư Tăng đã gặt hái được. Hơn nữa, chính bản thân các phật tử cũng thu họach nhiều lợi ích qua sự gần gũi chư Tăng trong mùa Hạ để học hỏi chánh pháp và vun bồi giới hạnh. Nhờ vậy mà phiền não mỗi lúc dần vơi, ánh đạo ngày thêm bừng sáng. Ngày Tự Tứ cũng là ngày chư Phật hoan hỷ. Bởi vì các trưởng tử Như Lai đã vâng hành Thánh Giáo, để trau giồi thân tâm, tịnh tu phạm hạnh, nổ lực thành tựu mục đích cao cả mà đấng Đại Giác Thế Tôn đã bi mẫn dạy truyền. Khi mà cuộc đời này còn có những người xả thân hành đạo, hy sinh mọi hưởng thụ phù hoa, quyết tâm truy tìm chân lý, đạt đến chiến thắng, ca khúc khải hoàn, thì quả thật trần gian này vẫn vô cùng tốt đẹp, đáng cho ta trân trọng và yêu quý biết bao./.
    Thích Phước Sơn

    No comments:

    Post a Comment