Thursday, July 3, 2014

Đôi điều tìm hiểu về bàn thờ gia tiên (Phần II)

Kích thước bàn thờ:
Bàn thờ không phải thích đặt kích thước bao nhiêu thì đặt mà phải tùy vào gia chủ định chọn chữ gì để đặt cho bàn thờ nhà mình, nhưng phải theo sách xưa là kích thước mặt bàn thờ và vị trí đáy bàn thờ xuống đến đất phải theo kích thước Lỗ Ban. Trên thước Lỗ Ban có các kích thước rộng hẹp khác nhau tương ứng với những cung chữ trên đó như: Linh, sinh khí, phúc, an ấm hay họa hại, ngũ quỷ, lục sát... tất nhiên phải chọn cung cát như. Phúc lộc, gia đinh, tài vượng, sinh khí, thiên y với kì vọng gia đình mình sẽ nhận được những điều tốt đó.

Về vị trí đặt bàn thờ:
Với người Việt, trong mỗi khuôn viên bao giờ cũng có một ngôi nhà chính dùng vào việc quan trọng nhất là thờ phụng, chính phía trong của gian giữa bao giờ cũng được dành làm nơi thờ, đây là trung tâm của nội thất, chỗ trang trọng nhất, các sinh hoạt khác có diễn ra ở gian bên cũng đều hướng về đấy. Bàn thờ Tổ tiên của người Việt cũng đa phần hướng Nam, hàm ý con cháu tôn vinh Tổ tiên là những bậc hiền tài theo tinh thần “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Bậc thánh nhân ngồi ngoảnh mặt hướng Nam mà nghe thiên hạ tâu bày), và theo đạo Phật thì hướng nam là nơi của Bát Nhã, tức là trí tuệ, hướng của sự sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí. Tuy nhiên, cũng có quan điểm đặt bàn thờ hướng tây vì cho rằng hướng này hợp với sự đối đãi của âm dương, nên yên ổn và phát triển, nghĩa là vị thần được an tọa[1]. Nhưng trong thời điểm hiện nay, cũng tùy theo vị trí ngôi nhà, tuổi gia chủ mà ta có thể đặt bàn thờ theo những cách khác nhau và hướng khác nhau nhưng có nguyên tắc chung là: Tả cầu tài - hữu bản mệnh tức là đặt bên trái để cầu tài và bên phải thờ bản mệnh, hiểu rộng ra là đối với các tín chủ thờ đức thần tài thì nên đặt ban thời bên trái tính theo hướng của ngôi nhà chứ không phải tính từ cửa đi vào. Cũng từ quan điểm này thì bàn thờ gia tiên không nhất thiết phải quay theo hướng nhà mà gia chủ có thể tự đặt hoặc nhờ thầy phong thủy đặt.
Nhưng phải nhất nhất theo nhưng nguyên tắc chung:
Thứ nhất, không được lộ thiên, tức là phía trên, phía sau bàn thờ có cửa sổ hoặc cửa chính đi hoặc trên nóc bàn thờ có ống thông gió.
Thứ hai, bàn thờ tối kị để các vật nặng như đầu dư nhà hay các vật sắc nhọn như: góc tủ, góc cánh cửa chọc thẳng vào mặt bàn thờ hoặc đầu hồi của nhà hàng xóm chĩa vào.
Thứ ba, phải tránh những nơi bẩn tạp như nhà tắm, nhà vệ sinh, hay giường ngủ của vợ chồng. Nếu tầng dưới đặt bàn thờ thì tầng trên cũng không được đặt bếp hoặc phòng ngủ, nhà tắm nhà vệ sinh.
         Về chất liệu gỗ làm bàn thờ:
Bàn thờ đựơc sử dụng chủ yếu là gỗ Mít, Vàng Tâm, Thị, hay Dổi. Nhiều nhất vẫn là gỗ Mít, Vàng tâm:

Ban thờ bằng chấ liệu gỗ mít
Theo tiền lệ của người Việt ta từ lâu năm, được các nghệ nhân ở những làng nghề lâu đời nhất của Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc mà tiêu biểu nhất là ở Hà Tây, Bắc Ninh cho rằng: Bàn thờ đựơc sử dụng chủ yếu là gỗ Mít, Vàng Tâm, Thị, hay Dổi. Nhiều nhất vẫn là gỗ Mít, Vàng tâm. Điều này có lẽ căn cứ vào tính chất gỗ của nó: gỗ Mít dễ tìm, cây mít ở nước ta gần như vùng miền nông thôn nào cũng có trồng tương đối lớn, bàn thờ ở quê gần như gia đình nào cũng có, tất nhiên đa số dân ta vẫn khó khăn nên dùng những loại cây có sẵn lại đủ lớn để dùng. Dễ chạm khắc, lại nhẹ dễ treo hay ít cong vênh và không bị mối mọt. Mít và vàng tâm thì mùi thơm nhẹ, hương của nó cũng có phần nào đó gần mùi trầm, mùi hương nên nó cũng phù hợp với việc dùng làm bàn thờ. Vàng tâm thì đựơc màu vàng đẹp, mùi hương nhẹ. Còn dổi thì nhẹ nên dễ vận chuyển, dễ treo. Ưu điểm nhất và thông dụng nhất vẫn là gỗ mít vì gỗ mít dễ tìm, dễ chạm khắc, lại ít bị cong vênh trong khi độ bền có thể đên trên dưới 200 năm. Gỗ mít lại có màu vàng sang, khi để lâu có màu sẫm đỏ, gỗ có mùi thơm nhẹ, gỗ nhẹ lại mềm dẻo, có tính chất cơ lí khá ổn định, không mối mọt, ít cong vênh mà mặt gỗ lại mịn….
Bên cạnh đó cũng có người làm bằng táu vì cho rằng nó có tính chắc chắn, vĩnh viễn, hay là dùng gỗ gụ nhưng vẫn không phổ biến bằng gỗ các loại gỗ dổi, vàng tâm nhất là mít. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt từ xưa đến nay.
Khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thầy Thích Tiến Thịnh cũng đưa ra những quan điểm cho rằng, đặc trưng cơ lý của những thứ gỗ phổ dụng làm bàn thờ là mít hay vàng tâm có tính bền, dẻo, gỗ lại có vân giống mây và màu vàng linh thiêng, còn thêm sơn thiếp vàng là thể hiện ánh hào quang của Đức Phật, mang tính trang nghiêm lộng lẫy. Khi nói về kích thước, Thượng tọa cho rằng việc chọn kích thước thì tuỳ theo không gian cũng như ý thích của từng người, có thể căn cứ vào thước Lỗ Ban cung cát hay không thì nó chỉ mang tính chất quan niệm mà thôi, kể cả hoa văn trên bàn thờ có thể chạm khắc tứ linh, có quan niệm dòng dõi quý tộc thì chạm trổ rồng, còn nhà dân thường thì chạm phượng thôi. Nhưng đó chỉ là quan điểm, còn thực tế người ta vẫn làm theo ý thích là nhiều.
Bàn thờ gia tiên hay bất kì bàn thờ nào cũng vậy, tùy những điều kiện và thời kì khác nhau thì giá trị vật chất của những vật thờ khác nhau nhưng một bàn thờ đúng luôn phải tuân thủ những quy định trên. Đó là một bộ phận trong không gian gia đình, nó tham gia vào nội thất với tính chất trang nghiêm, tôn kính và thẩm mỹ. Mỗi gia đình tuỳ không gian cho phép, tuỳ tương quan với tiện nghi sinh hoạt khác có thể làm những bàn thờ thích hợp và đồ tế khí phù hợp, làm sao cái đẹp ở đây phải đảm bảo văn hóa cả chiều sâu tâm linh và mặt bằng mỹ thuật.
Bàn thờ ấy luôn gợi lên một chiều sâu tâm linh “cây có gốc, nước có nguồn” vừa nhân bản vừa vun đắp truyền thống, đồng thời là niềm tự hào của gia chủ về tổ tiên và về cách dạy con cháu.

Yên Sơn - Nguyễn Đức Bá
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/3672/Doi_dieu_tim_hieu_ve_ban_tho_gia_tien_Phan_II_
Tài liệu tham khảo:
  1. Đất lề quê thói, phong tục Việt Nam, Nhất Thanh;
  2. Kinh Dịch, Ngô Tất Tố, NXB Văn Học;
  3. Lễ kinh tập thuyết, Trình Hạo chú;
  4. Nếp cũ, tín ngưỡng Việt Nam, Toan Ánh;
  5. Ngữ Văn Hán Nôm, Ngũ Kinh, NXB KHXH, 2004;
  6. Phương Pháp đặt bàn thờ cúng của người Việt, Minh Đường, NXBTĐ;
  7. Phong tục lễ nghĩ cổ truyền Việt Nam, TT Thích Thanh Duệ, Nguyễn Bích Hằng, NXB VHTTT;
  8. Thọ mai gia lễ, Túy Lang Nguyễn Văn Toàn, NXBLĐ 2007.




[1] Theo “Phương pháp đặt bàn thờ cúng của người Việt”, Minh Đường, NXBTĐ

No comments:

Post a Comment