Wednesday, July 2, 2014

Tìm hiểu nét đặc trưng của tôn giáo bản địa ở Việt Nam

Trong những thập niên cuối của thế kỉ XX, khi nghiên cứu về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo một số nhà khoa học của Viện nghiên cứu tôn giáo đã đề xuất và chỉ ra 3 yếu tố căn bản để xác định nội hàm tín ngưỡng – tôn giáo, là: niềm tin (tín ngưỡng), nội dung (tín lí) và hành vi (lễ nghi).
  Vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là tôn giáo bản địa nó gắn chặt với đời sống tinh thần và văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung, quá trình tiếp biến tự nhiênvăn hóa vùng miền là yếu tố căn bản, dẫn đến một số hệ quả mang tính tích cực,là lối mở để nghiên cứu, tìm hiểu nét đặc trưng của tôn giáo bản địa ở nước ta, nhằm hóa giải cái tôn giáo tính trong tâm lí và đời sống của người Kinh ở vùng đất Nam bộ, tức hóa giải mối liên hệ giữa “cỏi thiêng” và “cỏi Phàm”. Những hệ quả đó là:
  - Trước hết, Cho ta một cách nhìn mới khi xem xét vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để phân định đâu là tín ngưỡng, đâu là tôn giáo. Ở đây, tín ngưỡng phiếm thần, tín ngưỡng nhân thần và đạo thờ Tổ tiên nó chiếm một vị trí và có ảnh hưởng sâu sắc trong văn hóa truyền thống, trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Và, vì thế khi nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta không nhất thiết nhận thức hay úp chụp một cách máy móc theo cách nhìn nhận tôn giáo ở phương Tây, bởi nước ta là một nước với nhiều loại hình tín ngưỡng truyền thống và có nhiều tôn giáo, nhất là ở vùng đất Nam bộ. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi nghiên cứu các loại hình tín ngưỡng truyền thống và đặc trưng tôn giáo bản địa;
 
   - Thứ hai, Từ gốc độ tâm lí học dân tộc và tâm lí học tôn giáo, ta thấy dòng chảy văn hóa truyền thống trong các loại hình tín ngưỡng và tôn giáo, đặc biệt là tôn giáo bản địa nó có vai trò quan trọng trong nhân sinh quan và trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Kinh trên vùng đất mới. Chính nét văn hóa truyền thống ấy là nền tảng làm “linh hóa” cái phàm, dẫn đến sự xuất hiện nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo trên vùng đất Nam bộ, đặc biệt là Phật giáo Hòa hảo và đạo Cao đài. Ông Đoàn Minh Huyên đã hóa giải đặc điểm này bằng việc đưa ra giáo thuyết “Học phật, tu nhân” và báo đáp “tứ ân”[1],với mục đích “hành Đạo” để “xây Đời” và là tiền đề dẫn tới sự ra đời của Phật giáo Hòa hảo ở vùng đất Nam bộ;
 
   - Thứ ba, Tín ngưỡng truyền thống là một yếu tố sâu xa, mang tính đặc trưng trong đời sống tinh thần của dân tộc và là một trong các yếu tố cấu thành nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, do đó việc cách tân và phát huy nó cũng có ý nghĩa bảo tồn. Điều này, càng có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế, gìn giữ và bảo vệ những tinh hoa văn hóa truyền thống – bản sắc văn hóa vốn có của nước nhà. 
 
   Như đã nói, là một đất nước vốn có nhiều loại hình tín ngưỡng – tôn giáo, trong phạm vi của bài viết này, điều quan trọng trước hết là cần có sự phân biệt, làm rõ hai khái niệm “tín ngưỡng” và “tôn giáo”. Theo đó, làm rõ nét đặc trưng của tôn giáo bản địa, tức là làm rõ cái tôn giáo tính trong tâm lí và đời sống của người Kinh ở vùng đất Nam bộ.
 
   Về khái niệm tín ngưỡng, nó vừa như một yếu tố chung thuộc về nội hàm của cả tín ngưỡng và tôn giáo vừa là một hiện tượng xã hội và tinh thần, là một hình thái ý thức xã hội liên quan, nó gần với tôn giáo nhưng chưa phải là một tôn giáo và là yếu tố để phân biệt giữa nó với tôn giáo. Như vậy, tín ngưỡng là một phạm trù rộng có tính bao quát, còn tôn giáo là một phạm trù hẹp nó nằm trong tín ngưỡng.
 
 
   Về khái niệm tôn giáo. Theo nhiều nghiên cứu, khái niệm về tôn giáo rất đa dạng và phong phú, như:Tôn giáo là sự ảo ảnh về thế giới, là sự tưởng tượng của con người, là sự hoang tưởng của mỗi người; Tôn giáo là niềm tin vào lực lượng siêu nhiên ngoài con người; là niềm tin tinh thần của con người. Có một nhà sử học đã viết: “Theo nghĩa rộng nhất, từ “tôn giáo” có nghĩa là sự trung tín với một tập hợp các niềm tin hay lời giảng dạy về những điều huyền bí và sự sống sâu xa nhất và khó hiểu nhất”. Thêm nữa, Tín ngưỡng – tôn giáo, “là ý chỉ về nhiều hệ thống niềm tin và các giá trị khác nhau để xoay quanh đó các cộng đồng những người tin tôn giáo định hình suốt lịch sử và ngang qua trần thế này”. Ông ta còn viết: Tôn giáo còn “có nghĩa dấn bước trên con đường truy tìm những giải đáp vượt quá những vẻ ngoài của sự vật, nhưng chất lượng của sự truy tìm đòi hỏi con người nổ lực”… Và, tôn giáo “là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của một trạng thái xã hội không có tinh thần”. Trong chống Duhring, Angels viết: “Mọi tôn giáo chỉ là sự phản ảnh vào đầu óc con người những sức mạnh bên ngoài, thống trị đời sống hàng ngày của con người. Một sự phản ảnh trong đó các sức mạnh nơi trần thế mang sức mạnh siêu trần”.
 
 
    Đúng vậy, theo những khái niệm đó, thực tiển xã hội chỉ nhìn nhận hiện tượng của một loại hình tín ngưỡng là tôn giáo, khi loại hình tín ngưỡng đó đã hình thành một cộng đồng có tổ chức (Giáo hội). Điều này nói lên sự khác biệt giữa tín ngưỡng với tôn giáo, sự khác biệt đó ở chổ là có hay không có tổ chức Tôn giáo (còn gọi là Giáo hội)[2]. Nếu một hiện tượng tín ngưỡng chỉ dừng lại ở trạng thái niềm tin, giáo thuyết và nghi lễ thì đó là tín ngưỡng. Ở cả góc độ xã hội và triết học, có bốn vấn đề được rút ra từ các khái niệm trên đây về tôn giáo:
 
 
   Một là, đặc điểm của tôn giáo là “tín ngưỡng” và  “sùng bái” vào những lực lượng siêu tự nhiên chi phối thế giới; Tôn giáo là hành vi hoạt động của con người thể hiện bằng đức tin và niềm tin vào thế giới siêu nhiên;
 
  Hai là, tôn giáo không phải là cái tự có mà là sản phẩm của con người, là niềm tin tinh thần của con người;
 
  Ba là, tôn giáo chỉ là sự phản ảnh xã hội con người vào ý thức con người; là sự phản ảnh phi lí hoang đường để rồi đem cái “phi lí hoang đường” ấy làm chuẩn mực để giải thích và chi phối cái hiện thực.
   Bốn là, tôn giáo còn là khía cạnh đạo đức, văn hóa và cả lịch sử nữa. Nhiếu vấn đề về đạo đức và văn hóa được tích tụ và đọng lại trong tôn giáo, bởi tôn giáo và văn hóa luôn tác động lẫn nhau, quyện chặt vào nhau tạo nên nội năng trong đời sống mọi mặt của con người và xã hội.
 
   Những khái niệm và đặc điểm ấy, càng làm nổi bật dòng chảy văn hóa truyền thống là điểm tựa, là yếu tố căn bản cỏi thiêng vốn có trong tâm thức của mỗi con người và trong tâm hồn dân tộc. Đó cũng là quá trình “linh hóa” cái phàm, là yếu tố động lực làm xuất hiện nhiều loại hình tín ngưỡng và xa hơn, nó dẫn tới sự ra đời của các tôn giáo bản địa ở vùng đất Nam bộ.
 
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, ngay từ khi xuất hiện xã hội loài người thì tôn giáo cũng xuất hiện mầm móng của nó, có nghĩa là tôn giáo là một sinh hoạt có mặt từ thời kì sơ khai của mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, tôn giáo cũng bắt đầu rất sơ khai và cùng tồn tại với sự tồn tại của con người. Trong nghiên cứu, chúng ta đã nhận ra một trong những đặc trưng con người về tín ngưỡng, tôn giáo là sự “hướng thiêng” (biết thờ cúng; có niềm tin vào sự cứu độ của trời, Phật, thánh thần; tin vào số phận và sự may rủi) trong cuộc sống thường ngày. Một đặc trưng nữa của con người gắn liền với tôn giáo, là con người khi chết biết chôn cất và biết thờ cúng đồng loại, trong khi bất kì một sinh vật nào, dù khôn đến mấy cũng không có biểu hiện đó. Và, duy nhất chỉ có con người mới có đặc trưng này. Từ đây nó có thể dẫn đến một nhận định, rằng: tôn giáo tính có thể được coi là bản tính của con người.
 
   Nói về bản năng nội tại của con người, Tiến sĩ Phạm Bích Hợp, viết “tôn giáo tính là một bản tính của con người, vốn có trong cấu thành tâm lí của mỗi cá nhân, giống như cảm tính, lí tính và những thuộc tính bẩm sinh khác. Đó là một bản năng nội tại của con người, không có gì có thể loại bỏ nó, bởi nếu loại bỏ nó thì bản chất người sẽ thay đổi”. Bà viết tiếp “Tôn giáo tính là một phần của nhân tính, cũng giống như tình yêu, tình thương là những cái cần có cho sự cân bằng nội tại cả về sinh lí và tâm lí cho mỗi con người”. Bởi mọi dấu hiệu của tôn giáo đích thực là giải thoát khỏi sự sợ hãi, đem đến cho con người cái hài hòa, sự cân đối để thích ứng một cách hoàn hảo giữa thân xác với tâm hồn. Và, thực tiển cho thấy, sở dĩ tôn giáo tồn tại vì chính con người chúng ta đã tự đánh mất sự hài hòa bản nhiên vốn có của chính mình, rồi phải lầm lũi đi truy tìm lại cái hài hòa đã mất ấy. Và như vậy, tôn giáo tính là một yếu tố đảm bảo sự hài hòa bản nhiên trong một con người, dù con người đó bất luận có tin theo một tôn giáo nào hay không, thì yếu tố ấy vẫn cứ tồn tại.
 
   Từ đây, chúng ta bắt đầu việc tìm kiếm và nghiên cứu đặc trưng các tôn giáo bản địa trong các cộng đồng cư dân ở Nam bộ. Như đã nói, các tôn giáo bản địa đều xuất hiện trong lòng các cộng đồng cư dân của trên vùng đất Nam bộ, từ những thập niên 20, 30 của thế kỉ trước, vùng đất mà cộng đồng dân cư có đặc điểm “dung hợp” nhiều thành phần. Nhìn nhận đặc điểm về dân cư ở vùng đất Nam bộ xưa, một nhà sử học đã viết: “Đó là một cộng đồng phức hợp, một tập hợp những mãng vỡ của các cộng đồng cư dân truyền thống lâu đời của người Kinh, người Hoa (ở phương Bắc), cả người Chăm và người Kh’mer. Phần lớn trong số họ là những binh lính, những tù nhân bị lưu đày, những người di cư tị nạn chính trị, những kẻ tội phạm bị truy nã hoặc những người bất đồng chính kiến bị o ép đến mức phải rời bỏ bản xứ của mình để đến đây. Vì vậy, để muốn được tồn tại và phát triển, những lớp cư dân này đã phải chung lưng đấu cật, sát cánh cùng nhau, vượt qua những phong ba bảo táp để mở đất, lập làng; cuộc sống của họ đã phải trải qua, đối phó và chống chọi với đói khát, bệnh tật và thú dữ cùng những tai họa khác mà không lường trước được… kể cả cái chết. Cùng với việc xuất hiện cộng đồng cư dân thì những tiếp biến văn hóa ở vùng đất phương nam theo dòng chảy của truyền thống văn hóa dân tộc”. Tuy nhiên, cho mãi đến đấu thế kỉ XIX, trên vùng đất này mới nổi lên một dạng phức thể văn hóa vùng mà văn hóa Đại Việt chủ lưu, tiếp biến tự nhiên với văn hóa bản địa, tạo nên một bản sắc và giá trị văn hóa với một sắc thái mới. Người ta gọi đó là văn hóa Đại Nam hay còn gọi là văn hóa Lục Vân Tiên.
 
    Chính những điều kiện về tự nhiên, lịch sử và xã hội ấy, đã hình thành nên tâm lí và tính cách con người Nam bộ là: giản dị, thẳng thắn mà phóng khoáng cởi mở, nhưng lại giàu lòng nhân nghĩa, vị tha, biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau trong khát vọng vươn tới tự do; yêu nước và bất khuất trong dấu tranh chống cường quyền, bất công; hài hòa trong quan hệ xã hội và gia đình, bởi bản sắc văn hóa dân tộc đã thắm sâu vào tâm thức của mỗi con người lưu dân. Ở đó nó thiết thực, sâu đậm và gắn bó hơn nên đã trở thành tâm lí chính yếu của những lưu dân tha phương trên vùng đất mới, là tố chất tiếp biến quá trình hướng thiêng và linh hóa cái phàm trong tâm thức con người và trong xã hội trên vùng đất Nam bộ. Họ có những mong ước chính đáng về cuộc sống, mong ước đó luôn luôn mang đậm màu sắc tôn giáo, tin vào sự che chở, cứu vớt của thần linh và trời phật. Trong số họ dần dần xuất hiện những con người ưu tú, có uy tín với cộng đồng, có khả năng tổ chức chiêu dân để khẩn hoang, lập làng và khả năng trị bệnh cứu người… Những con người đó đã trở thành những thủ lĩnh, những ông Đạo đứng ra giúp dân, cứu đời.
 
   Có thể thấy, từ những đặc điểm về tự nhiên, lịch sử và xã hội trên vùng đất mới mở, nên những lưu dân “tha phương” dù đến từ đâu trên vùng đất phương Nam, họ đều vừa lưu truyền truyền thống Đạo Nhà (Thờ cúng Ông bà) – một nét văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa chịu ảnh hưởng của nền tín ngưỡng Phật – Nho –  Lão… Thêm nữa, họ lại tin thờ thần linh và tục thờ Cô – Cậu, Tổ nghề, Bà mụ sanh, Bà chúa hoặc thờ các loài vật cùng các lễ hội truyền thống dân gian khác… Tuy nhiên, niềm tin đó nó mờ nhạt và không sâu đậm mấy, do vậy trong cuộc sống và tâm thứccủa người dân trên vùng đất Nam kì ngày ấy luôn bị hụt hẫng và khủng hoảng. Đó là điều lí giải vì sao vùng đất Nam kì xưa, là mảnh đất màu mỡ cho các nền tín ngưỡng, tôn giáo bản địa ra đời và tồn tại cho dến ngày nay. Nói về lĩnh vực tín ngưỡng – tôn giáo của Việt Nam, một nghiên cứu gia đã viết: “Nếu cho rằng, đất nước Việt Nam là một kho tàng tôn giáo, thì vùng đất Nam bộ là trung tâm của kho tàng đó”. Và, thực tiễn trong các cuộc đấu tranh chống áp bức và cường quyền người Nam bộ thường sử dụng hình thức tín ngưỡng, tôn giáo để bảo tồn sự sống và nền độc lập của dân tộc.
 
    Theo một số nghiên cứu về sự xuất hiện các nền tín ngưỡng, tôn giáo ở đồng bằng sông Cửu long, cho thấy dòng tư tưởng Phật đạo Bửu Sơn Kì Hương do cụ Đoàn Minh Huyên sáng lập theo giáo thuyết “Học phật tu nhân”. Ở thời kì đầu, nó “xuất hiện như là một hiện tượng mê tín thường thấy ở vùng đồng bằng Nam bộ – nơi mà người dân rất tin vào sức mạnh huyền bí, hiện thân của thần linh và trời phật” và nó chỉ mang yếu tố một loại hình tín ngưỡng truyền thống, đến khi điều kiện xã hội phát triển, yếu tố tín ngưỡng đó mới dần dần hình thành một tôn giáo.Môn phái này, được truyền thừa lại cho các môn đệ của Ngài, là: các ông Đạo Lạp, Đạo Ớt, đạo Đèn (Phật Trùm) và các ông Quản Thành (Trần Văn Thành), Ngô Lợi, Cử Đa… và sau cuối là Ông Huỳnh Phú Sổ – người khai sáng nền tín ngưỡng Phật giáo Hòa Hảo. Mặt nữa, từ bản sắc văn hóa Đại Nam chúng ta cũng nhìn ra một điều nữa, là: Nếu dòng tư tưởng Phật đạo Bửu Sơn Kì Hương do Ông Đoàn Minh Huyên sáng lập (1849), theo giáo thuyết “Học phật tu nhân”. Theo dòng chảy của Giáo thuyết này[3], cho đến cuối thập niên 30 của thế kỉ trước, ông Huỳnh Phú Sổ đã khai sáng nền tín ngưỡng Phật giáo Hòa hảo (1939), thì cũng như Phật giáo Hòa Hảo, nền Đại đạo Tam kì Phổ độ (gọi tắt là đạo Cao đài) do Ông Ngô văn Chiêu (Ngô Minh Chiêu) mở giềng mối đạo, vào ngày 23/8 năm Bính dần (1926), từ bối cảnh của một xã hội đương thời, mà trong đó sự suy thoái và sa sút của các tôn giáo và đạo lí sống đã tạo ra một khoảng trống về tâm linh và tư tưởng là điều kiện cho một nền tín ngưỡng mới thâm nhập. Từ đặc điểm và tâm lí của con người và xã hội ở vùng đất Nam bộ lúc bấy giờ, đạo Cao đài ra đời cũng hướng tới một trào lưu tư tưởng mới: tự do – công bằng – bác ái, biểu hiện của một xã hội tự do và công bằng.
 
   Mặt dù mỗi một nền đạo mang sắc thái giáo thuyết riêng, nhưng nó đều hướng tới cái Chân - Thiện – Mĩ và một sự giải thoát. Ta thấy, nếu Phật giáo Hòa Hảo với giáo thuyết “Học phật tu nhân” và thực hành tứ trọng ân – tức đạo làm người, coi báo đáp tứ ân như là một đạo lí không chỉ của những người tín đồ, mà là đạo lí của cư dân vùng đất này. Bởi báo đáp tứ ân là đạo lí được nối tiếp và phát huy từ truyền thống hiếu nghĩa dân tộc, bởi tu là phải dựa trên nền tảng đạo đức xã hội, trước tiên là đạo làm người, như các bậc tiền nhân đã dạy:
 
                   “Thiên kinh vạn điễn, hiếu nghĩa vi tiên”.
 
                     Hoặc là:
        
         “Dục tu tiên đạo, Tiên tu nhân đạo,
           Nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn kí”.
                           
thì đạo Cao đài bằng giáo thuyết “Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi hiệp nhất”[4], thể hiện sự hòa đồng tư tưởng hợp nhất tôn giáo, đã nhìn nhận một  trào lưu tôn giáo suy thoái, phản ảnh nỗi lo ngại sâu xa của con người đứng trước những biến động xã hội vào cuối mỗi thời kì – một thời kì mạc pháp bởi sự đối lập cùng cực giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Điều đó đã đưa con người tới điểm tựa về đức tin Cao đài. Theo đó, đạo Cao đài thực hành Tam công (Công phu, công quả, công trình) để “tiến tới một Thế đạo Đại đồng và Thiên đạo giải thoát. Giáo thuyết ấy, đã hầu như làm thỏa mãn hoàn toàn chiều kích xã hội của tôn giáo, trong đó đồng nhất mục tiêu xã hội với mục tiêu cá nhân. Sự cứu rỗi và giải thoát chúng sanh là ân huệ của Thượng đế”.
 
   Cũng như giáo thuyết của nền Đại đạo, giáo pháp “Học phật tu nhân” của Phật giáo Hòa hảo, mà trọng tâm là tứ trọng ân nó thể hiện tính nhân văn sâu sắc, là triết lí cơ bản nó đã hòa nhập vào tâm lí, tình cảm của cư dân vùng đồng bằng Nam bộ ở nước ta, mặt nữa là biểu hiện về niềm tin vào sức mạnh huyền bí của thần linh và trời Phật, làm cho tâm thức và tính cách của người dân ở vùng đất này gắn bó sâu đậm với nền tín ngưỡng, tôn giáo bản địa. Có thể nói, đây là quá trình tôn giáo hóa tín ngưỡng thần linh dẫn tới sự ra đời của các tôn giáo bản địa. Các tôn giáo này, như một bức tranh nó phản ánh một cách chân thực và sâu đậm nhu cầu về tôn giáo, về tâm lí, tình cảm và tính cách con người trong đời sống xã hội ở vùng đất này trong những thập niên đầu của thế kỉ XX. Từ đây ta thấy, niềm tin tôn giáo mang lại cho người nông dân Nam bộ một nghị lực và sức sống đã trợ giúp tinh thần đủ để họ có thể cân bằng bản thể giữa thế tục và tâm linh trong một con người, để vượt qua mọi áp lực, trong bối cảnh cuộc sống xã hội bị bế tắt, không lối thoát của ngày ấy.
                                                                                                                             
     Sự ra đời của các nền tín ngưỡng và tôn giáo bản địa ở nước ta, chủ yếu là ở đồng bằng Nam bộ, trước tiên phải nói đến những nguyên nhân về chính trị – xã hội, vì đây vừa là một yếu tố đặc trưng nó xuất phát từ bối cảnh xã hội ở Nam bộ lúc bấy giờ, vừa là nguồn gốc sản sinh ra tâm lí, tình cảm và niềm tin vào “thần linh” của cư dân vùng đồng bằng Nam bộ. Tiếp đó, là  một thực trạng suy thoái, sa sút trong các tôn giáo và đạo lí sống của xã hội đương thời, đã tạo ra một khoảng trống về tinh thần và tư tưởng là điều kiện đưa đẩy những người nông dân Nam bộ tìm đến sự an ủi, che chở của thần linh và trời phật.
 
 
   Như chúng ta biết, do đặc điểm địa lí, lịch sử – xã hội và văn hóa của cư dân Nam bộ có sắc thái, tâm lí và tính cách riêng, đặc biệt là nhu cầu về đời sống tâm linh. Điều đó, có thể cho ta một nhận xét, rằng: tôn giáo với tính cách là một trong số định chế xã hội, đã nói lên vai trò hai mặt trong đời sống xã hội, nó giữ vị trí quan trọng ngay cả khi nó tiếm quyền cái thiêng với mục đích để duy trì sự sống ở thế tục. Thế nhưng, cũng chính nó có thể xâm phạm vào bản nhiên của con người, tự nó làm lu mờ và trở nên sai lệch và theo dòng chảy đó, người có niềm tin tôn giáo nhận thức rằng: Sự “giải thoát” không phải được tìm kiếm trong các lĩnh vực của quan hệ xã hội, mà nó được nằm lẫn trong đời sống tâm linh của con người. Ở bình diện này, sự giải thoát chỉ đạt được khi con người có niềm tin và biết tự chủ bản thân. Và như vậy, tự chủ bản thân là bản nhiên và điều kiện cần thiết để thiết lập mối quan hệ đúng đắn giữa bản nhiên con người hiện thực với bản nhiên con người tâm linh.
 
 Từ những điều đã được lí giải, phân tích trên đây, chúng ta có thể đi tới một kết luận, rằng: Các tôn giáo bản địa ở nước ta ra đời từ nguyên nhân về tiền đề kinh tế – chính trị – xã hội và tư tưởng của xã hội ở vùng đất Nam bộ, vào thập niên 20 và 30 của thế kỉ XX. Vì vậy, các tôn giáo bản địa có bốn đặc trưng cơ bản, sau:   
 
  + Là một hình thái tôn giáo, vừa thừa kế và phát huy bản sắc văn hóa bản địa trên vùng đất mới trong dòng chảy của nền văn hóa dân tộc, vừa chịu ảnh hưởng của các nền tín ngưỡng truyền thống khác và tục tin thờ các thần linh;
 
   + Có cùng một phương pháp lập đạo, là thông quaphương pháp “huyền linh học” để gieo sâu vào lòng người niềm tin ở “thần linh”, đến khi có đông người tin theo, thì mới đi tới khai mở một giềng mối đạo và có cùng một phương thức hành đạo là hành Đạo để xây Đời. Mặt nữa, là tín đồ của các tôn giáo bản địa hầu hết là người nông dân tay lấm chân bùn, có ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước;
 
    + Giáo lí của các tôn giáo bản địa được phỏng theo tín ngưỡng dân gian truyền thốngvà tinh hoa văn hóa dân tộc, nó bao hàm cả hai mặt “xuất thế” và “nhập thế” nên nó rất gần và phù hợp với hiện thực xã hội, gắn bó và thích ứng với đặc điểm và tính cách của người nông dân Nam bộ. Theo đó, tôn giáo bản địa mang tính cứu thế cao và sự ra đời của các tôn giáo này là tiền đề mở ra một kỉ nguyên mới – kỉ nguyên thế tục hóa trong các tôn giáo.
 
  Tóm lại,Sự xuất hiện các cộng đồng dân cư trên vùng đất Nam bộ đã trải dài một thời kì hơn 300 năm, mặt dù đời sống tín ngưỡng – tôn giáo của các cộng đồng cư dân trên vùng đất này vẫn giữ và thừa kế một số yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng đồng thời nó cũng xuất hiện yếu tố “canh tân” – lượt bỏ một phần không còn phù hợp với các hình thái tín ngưỡng – tôn giáo trong hoàn cảnh và môi trường mới và mở ra một hình thái tín ngưỡng – tôn giáo mới thích ứng với tâm lí và tính cách con người ở vùng đồng bằng Nam bộ, tự do hơn và bình đẵng hơn. Đó là tôn giáo bản địa – sản phẩm hàm chứa tố chất của con người và xã hội trên vùng đất Nam Kỳ ngày ấy./.
 
Trần Tiến Thành
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/4045/Tim_hieu_net_dac_trung_cua_ton_giao_ban_dia_o_Viet_Nam
 
 Lưu để tham khảo

[1]. Tứ ân, gồm: Ân tổ tiên, cha mẹ; Ân đất nước; Ân Tam bảo và Ân đồng bào và nhơn loại.
 
[2]. Giáo hội là một cộng đồng tín ngưỡng có tổ chức được tập hợp theo cùng một niềm tin chung, có cùng một giáo thuyết, một nghi thức hành lễ.
 
[3]. Giáo thuyết “Học phật tu nhân” được truyền thừa qua nhiều môn đệ (Ông Đạo)… đến thời kì Đức Bổn Sư Ngô Lợi, lập ra đạo Tứ ân Hiếu nghĩa (còn gọi là Đạo Lành) vào năm 1878.Vẫn theo dòng chảy của tư tưởng này, vào khoảng thời gian cuối thập niên 30 của thế kỉ trước, ông Huỳnh Phú Sổ tự xưng là bậc “sanh như trí”, được Phật Thầy Tây An thọ mạng giáng trần ban thiên khải cho Ông sứ mạng cứu nhân, độ thế nối tiếp dòng tư tưởng Bửu Sơn Kì Hương. Và, Ông đã trở thành người khai sáng nền tín ngưỡng Phật giáo Hòa hảo, vào ngày 18 tháng 5 năm Kĩ Mão (1939), với mục đích tiếp tục truyền thừa giáo pháp “Học phật tu nhân” để thắp sáng ngọn đuốc “Từ bi, chí thiện” cứu độ chúng sanh.
 
[4]. Ngũ chi là năm ngành đạo và ý nghĩa của từng ngành, là: Phật đạo – Vì thương đời mà tìm cơn giải khổ; Tiên đạo – Vì thương đời mà bày cơ thoát khổ; Thánh đạo – Vì thương đời mà dạy cơ thọ khổ; Thần đạo – Vì thương đời mà lập cơ thắng khổ; Nhơn đạo – Vì thương đời mà đoạt cơ tùng khổ.

No comments:

Post a Comment