Xuất gia là một hạnh nguyện cao quý được đức Phật dạy cho hàng đệ tử khi họ muốn bước vào con đường của các bậc thánh, con đường giải thoát. Xuất gia mang ý nghĩa trọng đại quyết định giá trị giải thoát khổ đau của một con người trong hiện tại và tương lai. Do đó, khi đến với con đường này đòi hỏi vị ấy phải phát tâm bồ đề dõng mãnh và một chí nguyện mạnh mẽ để vượt qua những chướng ngại, chứng quả bồ đề. Tuy nhiên, khi Phật giáo bị ảnh hưởng bởi những tín ngưỡng dân gian thì bên cạnh ý nghĩa xuất gia như đã đề cập còn có những mục đích khác. Trong bài này, người viết xin giới thiệu về những trường hợp xuất gia ở Thái Lan – một đất nước Phật giáo, một đất nước của những chiếc y vàng.
Đến với đất nước nước Thái Lan, hình ảnh quen thuộc mà bất cứ ai cũng có thể thấy vào mỗi buổi sáng là từng đoàn các sư đang đi khất thực trong bộ y vàng truyền thống của Phật giáo
Trước hết, nói về trường hợp các sư là những người xuất gia theo ý nghĩa đức Phật dạy – vì mục đích giải thoát khổ đau. Họ đến với con đường xuất gia bằng sự phát tâm bồ đề mong cầu sự an lạc giải thoát khi sống đời sống ấy. Do đó, họ chuẩn bị hành trang tư lương cho mình bằng việc học kinh điển và các phương pháp hành trì. Họ chú trọng đến những môn học và pháp môn có tính chất quan trọng và có lợi lạc trên con đường tịnh hoá thân tâm. Tất nhiên, họ cũng tham gia nhiều sinh hoạt xã hội nhưng có lẽ đó là yếu tố phụ, bổ sung thêm kinh nghiệm. Việc quan trọng là họ dành hầu hết thời gian cho việc thực tập thiền và các nghi thức cần thiết. Do đó, họ đạt được nhiều an lạc.
Bên cạnh xuất gia với mục đích cao cả như trên thì vẫn có những hình thức xuất gia theo truyền thống. Ở Thái Lan, xuất gia là một nhiệm vụ thiêng liêng mà hầu như tất cả những thanh thiếu niên Thái đều thực hành một lần trong đời. Họ có thể chọn cho mình một dịp nào thuận lợi nhất rồi đến thưa với các sư trưởng để xuống tóc cho mình. Thông thường, vào mùa an cư có rất nhiều thanh thiếu niên đến xin xuất gia trong ba tháng. Thời gian ấy, họ ở chùa học tập kinh điển, giáo lý, đạo đức Phật giáo và tập hành trì theo nội quy thiền môn. Đó là cơ hội tốt để họ rèn luyện thân tâm, chuẩn bị cho cuộc sống thế tục sau này. Vì thế, sau khi mãn khoá tu xuất gia, họ trở về nhà trong sự đón mừng và kính trọng hơn. Vị thế của họ được nâng lên và là tâm điểm để các cô để mắt?
Tuy nhiên, không phải ai cũng tu hết ba tháng mà có rất nhiều người tu một tháng hay một tuần. Do đó, họ chọn một thời gian thích hợp nào đó để đến chùa tu tập. Hình thức cũng giống như trên nhưng thời gian hành trì ít hơn thôi. Thành phần này đa số là con nhà khá giả. Khi xuất gia và hoàn tục, họ đều làm lễ linh đình như là lễ hội ăn mừng. Có lẽ đó cũng là dịp họ làm phước, gieo duyên với Tam bảo.
Trường hợp xuất gia có thời hạn, bên cạnh mục đích học tập đạo đức còn có mục đích khác nữa là báo hiếu. Theo truyền thống người Thái, người con trai đi xuất gia quấn được chiếc y vàng để cho cha mẹ nhìn thấy là họ đã báo hiếu một phần rồi. Vì người Thái tin rằng y vàng là ruộng phước nên khi có người con đi tu là họ tạo được phước báo để hồi hướng cho cha mẹ hiện tại và sau khi qua đời. Do đó, cha mẹ cảm thấy vui và mãn nguyện khi thấy con mình xuất gia dù chỉ trong thời gian ngắn. Lâu ngày, hình thức này trở thành phong tục và phổ biến.
Một hình thức xuất gia báo hiếu nữa cũng rất “phong tục” là khi có người thân trong gia đình mất, con trai hay cháu trai có thể xuất gia để báo hiếu. Vì theo người Thái, khi xuất gia là tạo phước báo và công đức nên người này dùng hình thức xuất gia như kết quả đạt được để dâng cho người thân đã mất. Lại nữa, ngay khi quan tài vẫn còn đặt tại chùa (ở Thái Lan, đám tang hầu như được tổ chức ở các chùa) thì người con hay cháu đó xuống tóc, đắp y vàng ngồi một chỗ phía trước quan tài. (Cũng cần nói thêm là theo phong tục
Ngày nay, xã hội Thái ngày càng bị Tây phương hoá nên phong tục phần nào cũng mai một. Mục đích xuất gia cũng có phần thay đổi. Xuất gia với mục đích chân chính cũng có mà xem xuất gia như cơ hội tiến thân cũng không hiếm. Quá trình đô thị hoá khiến cho sự phân hoá giàu nghèo ngày càng lớn. Do đó, ở nông thôn, một số mong được xuất gia để được có cơ hội lên các thành phố học, nâng cao kiến thức. Đó là một điều hiển nhiên ở bất cứ lĩnh vực nào. Nếu họ tiếp tục con đường xuất gia làm vị sư thì rất được kính trọng ở xứ Thái. Tuy nhiên, nếu họ không tiếp tục nữa thì có thể hoàn tục và việc hoàn tục ở Thái là một chuyện bình thường, thậm chí những người hoàn tục còn được xem trọng hơn những người khác không xuất gia. Do đó, sau khi học xong có nhiều vị không ở chùa nữa. Đó là sự khác biệt của Phật giáo Thái so với các nước Phật giáo khác.
Nhìn nhận và đánh giá truyền thống này tốt hay xấu là không thể chính xác được vì đó là truyền thống văn hoá tâm linh có giá trị riêng của nó. Về mặt khách quan mà nói, việc các sư có trình độ, sau khi hoàn tất các chương trình đào tạo, lại hoàn tục là một mất mát cho việc bổ nhiệm nhân sự điều hành công tác giáo hội và hoằng pháp. Cho dù, những vị cư sĩ ấy cũng rất tích cực nhưng không thể đóng góp nhiều cho giáo hội như họ là một vị sư. Tuy nhiên, việc Phật giáo đào tạo ra những con người có trình độ và đạo đức để phục vụ ngoài xã hội cũng là một điều rất quý chứ không phải vô ích như nhiều người nghĩ. Với những gì học được từ môi trường đạo đức Phật giáo, tất nhiên họ sẽ phục vụ xã hội với thái độ tốt hơn, hiền hoà và lịch sự hơn. Do đó, theo luật bão hoà, không có gì mất và chỉ là sự chuyển đổi vai trò xã hội. Đào tạo được những con người có trình độ và đạo đức không bao giờ thừa cả và điều quan trọng nhất là làm sao đào tạo được những con người như thế.
No comments:
Post a Comment