Hàng năm, cứ mỗi độ tháng 9 Âm lịch về, du khách đến Thái Lan đều có thể thấy cảnh các biểu ngữ lớn và vô số cờ trang trí màu vàng rực dễ gây sự chú ý được treo dọc đường nơi có các hàng quán bán thức ăn hay ngay trước các nhà hàng. Cảnh tượng này có nghĩa là Lễ Hội Ăn Chay hàng năm một lần nữa đến với mọi người trên đất Thái. Lễ hội này có nguồn gốc khi nào, hình thức tổ chức ra sao và nó mang ý nghĩa gì mà nhiều người hưởng ứng tham gia như thế? Nhận thấy đây là một lễ hội mang đậm nét văn hoá nên người viết mạo muội tìm kiếm và tổng hợp những thông tin về lễ hội này để giới thiệu đến cùng độc giả.
Lễ Hội Ăn Chay hay “Cửu Hoàng Thắng Hội” là một lễ hội của người Thái độc nhất có nguồn gốc từ một hải đảo phía nam của tỉnh Phuket khoảng 180 năm trước và dần dần lan rộng ra hầu hết tất cả các tỉnh thành trên đất Thái. Điều khá ngạc nhiên hơn là lễ hội này thật sự có nguồn gốc từ người Hoa chứ không phải từ người Thái. Lễ hội bắt nguồn từ những người Hoa nhập cư tập trung đến Phuket vào đầu thế kỉ 19 để làm việc ở các mỏ thiết, nguồn cung cấp kinh tế cho đảo. Theo các nhà sử học địa phương, và khoảng năm 1825, một bịnh dịch huyền bí đã tấn công những người thợ mỏ gốc Hoa và do đó những vị lãnh đạo đã phải họp để tìm nguyên nhân gây bịnh. Họ nhận thấy rằng các lễ nghi truyền thống của họ bị sao lãng. Do đó, họ ra lệnh cộng đồng thợ mỏ phải thực hành một kì hạn ăn chay như là một hình thức sám hối. Sau 9 ngày, bịnh tự nhiên hết một cách huyền bí như khi nó xuất hiện.
Lúc bấy giờ, không ai muốn sống đói khổ trong những ngày liền như vậy nữa nên các vị trưởng lão trong làng quyết định chọn một sự thoả hiệp. Họ phát nguyện mỗi năm vào ngày kỉ niệm này, người Hoa trên đảo sẽ thực hành một kì hạn thanh tịnh bằng cách ăn chay. Họ dâng các lễ vật cúng các vị thần và tuân giữ các điều luật một cách nghiêm ngặt bao gồm ăn thức ăn chay tịnh, không dâm dục, không uống rượu.
Cách tự khắc khổ này giống Ấn giáo nên một cách tự nhiên nó cuốn hút du khách Thái đến đảo và chính họ mang ý tưởng Lễ Hội Ăn Chay này về các tỉnh thành nơi họ sinh sống.
Theo một thuyết khác nói rằng Lễ Hội Ăn Chay là lễ kỉ niệm của những người theo Đạo giáo ở những thế kỉ trước có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc. Huyền thoại kể rằng lễ hội bắt nguồn từ thời kì dân làng bị nạn lụt lội, hoả hoạn, đói khát và Bồ Tát Quan Âm đã ứng hiện cứu dân chúng thoát khỏi nạn đó. Để tạ ơn Ngài, người dân đã thỉnh 9 vị Thần Hoàng tham gia cùng với họ để tổ chức lễ hội thanh tịnh, nhờ đó mà tội của họ và của tổ tiên họ sẽ được tiêu trừ. Như là một phần của sự thanh tịnh, các vị tham gia lễ hội phải nghiêm túc thực hành việc ăn chay. Trong 10 ngày, việc ăn thịt, trứng hay các thứ hành hẹ đều bị cấm.
Ngày nay, Lễ Hội Ăn Chay được tổ chức ở hầu hết mọi tỉnh thành trên cả nước Thái Lan. Lá cờ trang trí màu vàng rực mà ta nhìn thấy có chữ 齋 [1] màu đỏ thật lớn ở giữa. Chữ này có nghĩa là chay tịnh. Những người bán thức ăn dọc những con đường có treo cờ đều chỉ bán thức ăn chay và các nhà hàng cũng phải điều chỉnh cách thức để chế biến các món ăn không có thịt.
Ở Phuket, lễ hội được tổ chức khắp các miếu, đền, hội quán, chùa người Hoa và ngay cả các nhà hàng lớn. Những người tham gia tin rằng Lễ Hội Ăn Chay và những lễ nghi thiêng liêng sẽ đem lại cho họ nhiều may mắn. Trong thời gian 10 ngày, họ thực hành ăn chay với mục đích thanh lọc thân tâm và tạo phước. Đồng thời họ phải tuân theo 10 điều luật sau đây:
1. Giữ thân thanh tịnh trong suốt lễ hội
2. Rửa sạch các dụng cụ nhà bếp và dùng riêng biệt với các thứ khác
3. Mặc đồ trắng trong suốt lễ hội
4. Giữ thân tâm đúng phép
5. Không ăn thịt
6. Không dâm dục
7. Không uống rượu
8. Người có tang không được tham dự lễ hội
9. Phụ nữ có thai không đuợc xem các lễ nghi
10. Phụ nữ trong thời hành kinh không được tham gia các lễ nghi
Ở
Ở một số nơi, nhất là ở Phuket bên cạnh việc thực hành các lễ nghi và ăn chay tịnh như truyền thống, họ còn tổ chức các hình thức vui chơi giải trí như hát nhạc kịch, múa lân, múa rồng. Đặc biệt, hình thức lễ hội có tên gọi là “Ma Song” với những trò biểu diễn thật rùng mình. Họ dùng vật nhọn đâm qua mặt, mũi v.v. mà không bị thương tích gì cả. Các hình thức này chì mang tính dân gian giải trí.
Lễ Hội Ăn Chay không chỉ giới hạn ở khu người Hoa mà nhiều người Thái và ngay cả người ngoại quốc cũng vui thích thay đổi để ăn chay. Thật sự thì các du khách được thông tin trước về lễ hội để họ có thể lên chương trình tham quan Thái Lan trùng với dịp này.
Trước ngày lễ hội, người ta đã chuẩn bị đồ chay thay cho thịt. Thông thường họ chuẩn bị các sản phẩm làm từ đậu hủ giàu chất protein. Trong suốt 10 ngày lễ hội, ước tính việc bán thịt giảm 70% so với ngày thường.
Các món ăn trong suốt lễ hội không thiếu món gì và rất thú vị. Tất cả các món ăn Thái đuợc ưa chuộng đều có sẵn nhưng chỉ thay đổi khác một chút. Thay vì súp tôm cay thì có súp chay cay, thay vì cà ri gà thì có cà ri đậu hủ…
Lễ Hội Ăn Chay là một trong những dịp cho du khách tham quan Thái Lan tốt nhất mặc dù nó rơi vào mùa mưa. Vào dịp này các tiệm ăn và nhà hàng thi nhau trổ tài nấu các món ăn Á châu quen thuộc và hấp dẫn vốn có của nó. Nhìn chung lễ hội vừa mang tính lễ hội vui chơi sinh hoạt vừa mang tính văn hoá giáo dục nhất là trong xã hội Á châu.
Hạnh Chơn (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment