Sunday, January 17, 2010

Văn Hóa Xe Ôm


Văn hóa là khái niệm rất rộng bao hàm tất cả những hoạt động của con người trong xã hội. Do đó, mọi sinh hoạt của con người trong một xã hội đều góp phần phản ảnh nếp sống văn hóa và nền văn minh của xã hội ấy. Ở Việt Nam, có một hoạt động mà hầu như tất cả người Việt trong nước đều biết, đó là ‘xe ôm’. Hoạt động của dịch vụ này (tiếng Anh gọi là motorbike taxi) như thế nào hiện nay ở Việt Nam.

Như chúng ta biết, mô tô hai bánh là phương tiện đi lại chủ yếu ở Việt Nam. Nó trở thành nhu cầu thiết yếu trong việc đi lại của những người bình dân. Từ đó, dịch vụ xe ôm để phục vụ cho những hành khách ở những cự li ngắn cũng hình thành. Dịch vụ này rất phù hợp với người dân vì đường xá ở Việt Nam chật hẹp và giá đi xe ôm rẻ hơn nhiều so với giá taxi. Vì thế, theo quy luật cung cầu, đội ngũ chạy xe ôm cũng tự nhiên xuất hiện ở khắp các nẻo đường, nhất là bến xe hay nơi công cộng. Đội ngũ lao động này đóng góp một phần rất quan trọng trong việc phục vụ hành khách đi lại, và có thể nói họ tạo nên một hình ảnh văn hóa riêng của những xứ sở có nhiều mô tô hai bánh. Hình ảnh văn hóa ấy được đội ngũ này thể hiện thế nào ở Việt Nam ta.

Nói một cách thực tế thì đội ngũ xe ôm ở Việt Nam dù nơi thôn quê hay thành phố lớn đều thiếu tổ chức theo luật lệ chung. Nó thể hiện qua hình ảnh và phương tiện họ sử dụng. Họ không được trang bị những đồng phục, địa điểm hay phương tiện trợ giúp cần thiết. Tùy theo từng nhóm mà họ tự quy định và bảo vệ nhau. Tuy nhiên, vì không có luật quy định cụ thể nên sự cạnh tranh không lành mạnh là điều không thể tránh khỏi. Sức mạnh giành giựt và thủ thuật kéo khách là nhân tố làm nên hình ảnh cạnh tranh không được đẹp mắt, nếu không muốn nói là thiếu văn hóa.

Khi có khách, dường như tất cả đội ngũ xe ôm trong một nhóm xúm lại, tranh thủ nhanh tay lẹ mắt để giành được khách ấy cho mình. Cảnh tượng này trở nên quen thuộc và làm cho hành khách cảm thấy khó chịu và lo sợ thay vì an tâm thoải mái như mong muốn. Hơn nữa, vì sự cạnh tranh không lành mạnh nên xảy ra tình trạng giá cả không thống nhất và chênh lệch rất cao. Những khách nào ở quê lên thành thị hay những người khách nước ngoài không biết giá thì thường bị ‘chặt đẹp’. Hoặc nếu khách lạ đi không trả giá trước thì cũng có thể trở thành nạn nhân. Tình trạng này thường dẫn đến mâu thuẫn và dẫn đến những hành động hay lời lói rất thiếu văn hóa giữa đôi bên. Đó là chưa nói đến những bất cập xảy ra đối với tính mạng của những người làm nghề này.

Nói về sự bất cập, tôi liên tưởng đến bài viết ‘xe ôm đêm’ trên trang báo điện tử Bình Định. Những nỗi lo âu về cướp và sát hại luôn là nỗi ám ảnh và là sự cảnh giác cao độ của những người làm nghề này. Mặc khác, chính những người hành nghề này cũng tạo ra không ít bất cập cho hành khách. Sự thiếu trung thực trong nghề nghiệp dẫn đến tình trạng ‘chặt đẹp’ không phải là cách làm ăn lâu dài và tất nhiên không phải là văn hóa nghề nghiệp. Nếu phục vụ tốt và nhờ sự rộng rải của khách, tiền ‘bo’ có thể được biếu. Thứ tiền ấy được xem là công bằng và hợp lý vì nó xuất phát từ tấm lòng của hai bên. Có thể nói, làm nghề gì cũng có rủi ro của nó. Nhưng nếu được sự quan tâm hỗ trợ của các nhà chức trách và sự trung thực trong lao động thì sự lo âu có thể được giảm và hình ảnh văn hóa trong khi hành nghề xe ôm sẽ đẹp lên.

Thử nhìn qua đội ngũ xe ôm của nước bạn - Thái Lan, ta cũng dễ bắt gặp những hình ảnh phục vụ này nhưng cung cách và thái độ của họ hoàn toàn khác. Đội ngũ xe ôm của họ nhìn không hơn gì ta về vật chất nhưng họ được trạng bị đồng phục và có tổ chức. Họ sinh hoạt theo luật lệ rõ ràng và rất lịch sự. Có nơi, họ treo bảng giá quy định tới các địa điểm với những mức giá cụ thể. Khi có khách, khách muốn đi xe nào thì chủ của xe đó chở đi. Trong nhóm, họ biết chia sẻ, nhường khách cho nhau nên không có sự cạnh tranh chụp giựt. Điều này rất đáng suy ngẫm vì họ vừa có thể sinh sống vừa tạo được tình đồng nghiệp lẫn nhau qua cách phục vụ này. Nếu trong một ngày có nhiều khách thì thu nhập nhiều, được chia nhau nhiều và ngược lại. Do đó, sự mâu thuẫn vì lợi ích sẽ được giảm thiểu và tình đoàn kết giữa những đồng nghiệp được nâng cao.


Photo courtesy of blog.motorcycle.com

Ai cũng cần có nguồn kinh tế để sinh sống và chăm lo cho gia đình nhưng ai cũng cần có thứ cao quý hơn. Đó là tình bạn bè, tình đồng nghiệp hay tình người. Nếu trong một tổ chức dịch vụ có sự thỏa thuận với nhau, sống chia sẻ nhau thì ngoài việc có được thu nhập ta còn có thêm được sự hạnh phúc khi hành nghề. Nếu được như vậy, chính họ đang góp phần tạo nên văn hóa xe ôm và văn hóa ứng xử của người Việt. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải chỉ từ bản thân họ mà nó bắt nguồn từ môi trường sống thiếu sự cạnh tranh lành mạnh. Vấn đề này đặt ra cho tất cả chúng ta nhiều suy nghĩ.

No comments:

Post a Comment