Khi nói đến tôn giáo người ta thường định nghĩa và hiểu đó là hữu thần giáo. Còn về vô thần giáo (hay thuyết vô thần) thì dường như ít hay thậm chí không được thừa nhận là tôn giáo. Tôn giáo hữu thần gồm có nhứt thần giáo và đa thần giáo. Những ai theo tôn giáo hữu thần thì thường thừa nhận là người có tôn giáo. Ngược lại, những người theo vô thần thì không thừa nhận mình thuộc tôn giáo, và thường được biết qua danh từ người không tôn giáo. Trong một số xã hội, dường như từ tôn giáo gợi lên một ý niệm xa lạ và tách biệt nào đó với phần còn lại của xã hội – phần được cho là văn minh tiến bộ, khoa học và thực tiễn. Do vậy, không tôn giáo trở thành mốt thời thượng, nhất là mốt ấy được xã hội nhiệt liệt ủng hộ và tiến dụng. Cũng vì theo mốt ấy, có nhiều người vẫn có tôn giáo, vẫn sinh hoạt tôn giáo nhưng bề ngoài vẫn phải nói rằng không tôn giáo. Đó là điều có thật xảy ra trong một số xã hội trong thế kỷ 21 này.
Tôn giáo là gì? Và con người có tôn giáo hay không? Nếu hỏi tôn giáo là gì thì khó có câu trả lời nào thỏa mãn. Tôn giáo có thể hiểu theo nghĩa linh thiêng huyền bí, nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa những giá trị của nhân loại. Nếu tôn giáo hiểu như là một phần sinh hoạt của đời sống tinh thần hay cao hơn là đời sống tâm linh không thể thiếu của con người thì không ai là không có tôn giáo. Tôn giáo như thế là cách ứng xử của con người trong đời sống tinh thần, hay đời sống văn hóa tâm linh. Một từ tương đương và dễ hiểu hơn là ‘đạo’ tức bổn phận, cách sống.
Tôn giáo, hiểu một cách tổng quát, là hệ thống những giáo điều (theo một số tôn giáo) hoặc giáo pháp do các bậc tiền bối hay những đấng giáo chủ truyền dạy lại. Những lời dạy ấy là những chân lý do các vị ấy khổ công tu luyện chứng ngộ được, là những lời hướng dẫn cách sống đạo đức mà những vị ấy trải nghiệm trong cuộc đời, là những mẫu chuyện ngụ ngôn mang tính giáo dục v.v…. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là sản phẩm của những tưởng tượng, của những người có quyền bính, của những triết gia duy tâm duy vật nào đó. Nói chung, có rất nhiều hệ tư tưởng mà từ đó hình thành nên tôn giáo dù người ta có chính thức công nhận hay từ chối.
Trong những vị giáo chủ của các tôn giáo, có vị thực chứng và thừa nhận là ‘thầy của trời người’ như Đức Phật Gotama, nhưng cũng có những vị vì không đủ tự tin đã không thừa nhận tư cách của mình, hay do các môn đệ ‘hạ bệ’ không thừa nhận tư cách ấy. Thay vào đó, một đấng tối cao nào đó được tôn xưng như là một ‘kẻ cướp công’. Đấng tối cao này con người không được quyền biết và cũng không thể nào biết ngoại trừ những người sáng tạo ra vị ấy. Con người đã không được quyền biết thì làm gì có quyền để đạt được địa vị như vị ấy. Điều này có vẻ giống như thời phong kiến phương bắc, thần dân không được quyền nhìn mặt vị ‘thiên đế’ huống gì trở thành ‘thiên đế’. Đây thật là một cách an toàn để bảo vệ những lời dạy trong một số tôn giáo khi cho rằng chúng được sáng tạo, truyền xuống và chỉ việc tuân theo, chỉ việc lựa chọn hoặc thiên đường hay địa ngục.
Dẫu sao, những gì là tinh hoa đưa đến đời sống hướng thượng luôn được loài người tiếp nhận và phát huy. Tôn giáo hữu thần bên cạnh sự hạn chế về đức tin mù quáng và mặc khải vẫn đóng góp nhiều về chức năng xây dựng cộng đồng hòa hợp, đoàn kết, nhất là những tổ chức tôn giáo dựa trên yếu tố xã hội nhân sinh đáp ứng nhu cầu cần thiết của con người. Cách tổ chức tốt và hiểu được tâm lý con người đã giúp nhiều tổ chức tôn giáo thành công trong việc phục vụ lợi ích nhân sinh. Những mục đích như thế đáng trân trọng và khuyến khích. Đáng tiếc là những mục đích như thế thường bị những yếu tố khác lấn át và làm xấu đi bản chất của tôn giáo.
Những ai nương theo học tập và được hướng dẫn bởi những giáo thuyết có chính danh tôn giáo thì được gọi là người có tôn giáo. Những người còn lại thì sao? Những người cho rằng ‘không tôn giáo’ có thể chỉ là trên hình thức chứ thật ra họ cũng đang thực hành đời sống tâm linh của họ đấy chứ. Họ không theo giáo thuyết tôn giáo có sẵn nhưng họ cũng đang theo ý thức hệ nào đó, và đôi khi còn trung thành sống chết vì nó nữa là khác. Tất nhiên, khi đi theo hệ tư tưởng đó, họ đâu tránh khỏi sùng bái vị tạo ra nó dù thật hay chỉ là hình thức. Hơn nữa, cho dù họ không biểu lộ qua hình thức tôn giáo phổ biến nhưng chúng ta vẫn thấy được sự kính cẩn của họ không thua gì những người có tôn giáo hữu thần. Đó là chưa kể những mối quan hệ tổ tiên, ông bà, những truyền thống văn hóa tâm linh mà con người trong một xã hội nhất định phải tuân theo để một mặt ổn định xã hội, và một khác nâng cao đời sống tinh thần. Vậy thì, việc thừa nhận có tôn giáo hay không chỉ là cách hình thức, còn bản chất vẫn là như nhau.
Thật ra, trên hình thức việc thừa nhận hay không thừa nhận có tôn giáo không làm ảnh hưởng gì đến đời sống tâm linh của con người. Nhưng có một nghịch lý rằng, tôn giáo vô thần - cái mốt thời thượng được kèm theo lợi dưỡng đã ảnh hưởng không nhỏ đến cái quyết định thừa nhận quyền thiêng liêng của con người. Sức mạnh của tôn giáo vô thần không phải là thượng đế ở nơi xa xôi mà chính là những gì con người có thể nhìn thấy được trên trái đất này. Những thứ ấy có sức mạnh đến nỗi ảnh hưởng cả những người dù có tôn giáo hữu thần cũng phải dối mình để thốt lên là vô thân. Sức mạnh của thượng đế vô thần thật là nể phục.
No comments:
Post a Comment