Hàng năm, ở nước ta có rất nhiều lễ hội được tổ chức với những đặc điểm và ý nghĩa đặc thù. Phật giáo một tôn giáo tồn tại xuyên suốt cùng với sự tồn vong của lịch sử dân tộc đã đóng góp vai trò nhất định trong nền văn hoá dân tộc. Những lễ hội Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hoá nên được quần chúng nhân dân hưởng ứng. Vu Lan là một lễ hội vừa mang tinh thần hiếu hạnh của Phật giáo vừa có ý nghĩa giáo dục đạo đức rất cao. Cho nên nó không còn là lễ hội của riêng Phật giáo mà đã trở thành lễ hội của dân tộc. Tại sao lễ hội này lại có ảnh hưởng lớn như vậy. Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của nó như thế nào?
Vu lan là một lễ hội bắt nguồn từ Phật giáo Đại thừa. Theo kinh Vu Lan Bồn, Ngài Mục – kiền - liên vì lòng hiếu thảo muốn cứu mẹ ra khỏi chốn u đồ nên đã tha thiết thỉnh Phật dạy phương pháp báo hiếu. Từ đó về sau, mỗi năm cứ đến rằm tháng bảy là tất cả các tòng lâm tự viện đều tổ chức lễ Vu Lan để cho tín đồ và dân chúng noi gương hiếu hạnh của Ngài mà thực hành theo hầu báo đáp phần nào ân giáo dưỡng.
Vu Lan nói đủ là Vu Lan Bồn có nghĩa là giải đảo huyền, là giải cứu những người bị treo ngược, tức là cứu độ những người đang chịu đau khổ nơi ngã quỷ hay chốn địa ngục. Phàm là con người khi còn sống đều tạo nghiệp hoặc lành hoặc dữ. Nghiệp lành thì ít mà nghiệp dữ quá nhiều nên phần lớn bị đoạ lạc, chịu nhiều khổ đau. Trước cảnh đau thương của những người thân, chúng ta không ai không động lòng để làm điều gì đó cứu họ. May mắn thay, nhờ Ngài Mục -kiền- liên mà chúng ta biết được cách báo hiếu đúng đắn theo tinh thần Phật giáo mà đức Phật đã dạy.
Như vậy, lễ hội Vu Lan cũng có thể nói là lễ hội của lòng hiếu hạnh. Nó không dành riêng cho ai và không chỉ khi nào cha mẹ mất mới báo đáp. Trong kinh đức Phật dạy: “Điều thiện tối cao không gì bằng có hiếu, điều ác tột cùng không gì bằng bất hiếu”. Đạo hiếu được Phật dạy là đứng đầu trong các điều thiện, cho nên phàm là người ai cũng phải hành theo. Như Ngài Mục – kiền - liên là một bậc thánh còn thể hiện lòng hiếu bằng cách cung thỉnh chư tăng chú nguyện cho cha mẹ mình để được siêu thoát thì phàm phu há không noi gương theo sao. Lại nữa, trong kinh đức Phật cũng dạy cách báo hiếu cho cha mẹ khi còn hiện tiền thât rõ ràng. Đó là phụng dưỡng đầy đủ vât chất và hướng cha mẹ quy y Tam bảo, làm các điều thiện để khi lâm chung được nhẹ nhàng.
Từ ý nghĩa Vu Lan, ta thấy đây không phải là lễ hội chỉ dành riêng cho những người theo đạo Phật mà là của tất cả mọi người. Đạo hiếu đã trở thành một chuẩn mực đạo đức, người mà không có hiếu thì không thể làm gì cho xã hội. Do đó mà lễ hội Vu Lan đã ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng và trở thành lễ hội của cả dân tộc. Không ai bảo ai, hàng năm cứ đến dịp này tất cả mọi người như đều hướng tâm mình đến hai đấng song thân và tất cả những người thân quá cố. Có thể nói đây là một nét văn hoá rất đẹp và mang tính nhân văn cao.
Đạo hiếu vốn là đã là truyền thống của dân tộc. Trong thời đại đạo đức đang xuống dốc thì việc đưa con người quay về với cội nguồn tâm linh để ý thức được trách nhiệm và bổn phận của mình đối với đấng sanh thành dưỡng dục là việc hết sức cần thiết trong xã hội. Những cảnh tượng đau lòng từ đây sẽ giảm thiểu thay vào đó là hình ảnh kính trên nhường dưới của nếp sống lành mạnh vốn được trân trọng. Đó là nét đẹp trong một xã hội gọi là văn minh như hiện nay.
Để lễ hội Vu Lan nói riêng và tất cả các lễ hội khác được quần chúng tiếp nhận thì một mặt chính nó phải có ý nghĩa thiết thực, mặt khác cần có sự hỗ trợ của tất cả mọi thành phần, mọi giới trong xã hội, nhất là công tác truyền thông. Có như vậy thì mới mong rằng văn hoá nước nhà sẽ càng đa dạng hơn và cuộc sống con người càng có ý nghĩa hơn. Có lẽ những ai mang trong mình dòng máu lạc hồng thì tất nhiên không thể thờ ơ trước lễ hội mang ý nghĩa thiêng liêng này.
No comments:
Post a Comment