Trong sự nghiệp của một người, sự thành tựu hay thất bại ngoài yếu tố chính là sự nỗ lực của bản thân người đó, còn có vô số những yếu tố phụ khác góp phần cho ra kết quả. Những yếu tố phụ tùy mỗi người, mỗi trường hợp có khác nhau. Gia đình bạn bè, người thân, tiền bạc v.v. là những yếu tố phụ mà ai cũng trải qua trong cuộc sống. Chính những yếu tố ấy tác động và góp phần làm thăng hoa hay tha hóa cuộc sống con người.
Câu nói gần mực thì đen gần đèn thì sáng của người xưa phản ánh đúng với phần lớn những người phàm tình chúng ta. Những yếu tố vừa nêu nếu là “thiện” thì sẽ tác động tích cực hướng chúng ta đến con đường thiện dù đó là con đường nào, phương diện nào, phạm vi nào, vị trí hay địa vị nào. Còn ngược lại thì kết quả sẽ hướng theo chiều xấu ác, sa đọa, tiêu cực, chán đời yếm thế.
Vậy thì, ngoài yếu tố chính là nỗ lực của bản thân của mỗi người, những yếu tố phụ ảnh hưởng như thế nào? Có lẽ cụ thể và thiết thực nhất là lấy đời sống xuất gia làm ví dụ bởi đó là những kinh nghiệm mà chúng tôi đã ít nhiều trải nghiệm qua. Trong Phật giáo có câu nói rất hay “hổ ly sơn hổ bại, tăng ly chúng tăng tàn”. Hổ dù là một loài chúa tể sơn lâm nhưng khi rời khỏi địa bàn của chúng là nơi núi rừng thì dù có sức mạnh, có vũ khí lợi hại chúng vẫn bị thảm bại trước những đối thủ yếu hơn. Ý nghĩa này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ để không rơi vào trường hợp tự cao, tự mãn, ỷ lại, chủ quan… Đối với loài hổ thì vậy còn đối với người xuất gia thì như thế nào?
Ca dao Việt Nam có câu: ‘một cây làm chẳng nên non ba cây chụm lại thành hòn núi cao’. Ba cây tượng trưng cho số nhiều thì có thể làm nên ngọn núi, làm nên một sự vững chắc mà không dễ phá hoại được. Vậy thì chữ Tăng với ý nghĩa là sự hòa hợp thanh tịnh của một đoàn thể tỳ kheo Tăng hay Ni gồm ít nhất bốn người thì sức mạnh có lẽ chúng ta có thể suy ra được vậy.
Ba cây mà mất một thì sẽ không vững, chư Tăng, Ni mà sống rời rạc không giữ được sự đoàn kết hòa hợp thì đó là biểu hiện sự suy tàn, thất bại. Nhưng như thế nào là ly chúng? Phải chăng mỗi chùa ít nhất phải bốn thầy sống chung với nhau? Tất nhiên là không thể đáp ứng yêu cầu đó nhất là ở những nơi xa xôi không đủ ‘túc số’. Vậy thì từ trên phải được hiểu như thế nào cho đúng ý nghĩa. Như đã đề cập, Tăng là sự hòa hợp thanh tịnh. Cho nên, ly sự hòa hợp, đoàn kết và thanh tịnh là ly chúng vậy.
Một vị có thể sống trong cộng đồng tăng chúng gồm nhiều người nhưng nếu sống không phù hợp với tinh thần “Tăng” thì vị ấy cũng đang ly chúng. Tuy nhiên, vị ấy sẽ có may mắn là được tác động bởi những yếu tố phụ “thiện” nên ít nhiều có thể giúp vị ấy quay về con đường mà vị ấy chọn một cách đúng đắn. Ngược lại, nếu một vị sống một mình trong một ngôi chùa dù không kề cận chúng nhưng nếu vị ấy sống phù hợp với ý nghĩa chữ Tăng thì vẫn là người bất ly chúng. Tuy nhiên, nếu không may vị ấy có tư tưởng sai lệch thì dễ đi lạc đường hơn vì các yếu tố phụ giờ đây thường hướng theo chiều “ác” và tất nhiên đưa vị ấy càng lúc càng xa lý tưởng.
Trở lại sự tác động của yếu tố phụ, với người xuất gia thì Thầy Tổ, Đàn Na là yếu tố phụ tác động dễ thấy nhất. Thầy Tổ tức những bậc đạo sư dẫn đường có vai trò quyết định rất lớn sự thành tựu của học trò và hướng họ đến con đường đúng đắn. Sự ‘giãi đãi’ nếu có của đệ tử nếu được kịp thời can thiệp động viên và giáo dục của Thầy Tổ có thể đem đến kết quả tốt. Đàn Việt những người trực tiếp hay gián tiếp trợ duyên Tam Bảo cũng đóng góp không nhỏ cho sự thành tựu của chư Tăng. Khi thọ nhận từ Đàn Việt người nhận thấy được trách nhiệm nặng nề của mình phải làm gì trước thái độ cung kính và tin tưởng của họ. Nếu khước từ thì không hợp lẽ đạo, còn thọ nhận mà không hoàn thành bổn phận thì là một sự mắc nợ khó đền. Điều đó đặt ra cho người xuất gia sự lựa chọn tiếp tục hay từ bỏ con đường của mình và khi đã chọn thì tất nhiên phải nỗ lực đi cho đúng.
Sự trợ duyên của Đàn Việt, với một số cá nhân thì coi đó là sự hãnh diện, là điều tất yếu được hưởng. Từ suy nghĩ đó, có người tỏ ra thờ ơ với trách nhiệm của mình nên sự thiệt hại dễ dàng xảy đến. Tuy nhiên, nếu vị nào ý thức rằng được sự tin tưởng và cúng dường của Đàn Việt là kết quả của sự tu tập tốt và từ đó nỗ lực phát huy thêm nhân lành thì vị ấy sẽ tiến bộ và sự trợ duyên của Đàn Việt có ý nghĩa quan trọng. Sự trợ duyên ấy một mặt là tạo điều kiện cho người xuất gia đủ duyên lành để tiếp tục mục đích hướng đạo, một mặt là nguồn động viên, là sự nhắc nhở cho vị ấy nhìn lại chính mình với những gì đã và đang xảy ra. Từ đó, vị ấy sẽ điều chỉnh thái độ, thói quen…để phù hợp với vai trò vốn phải có của mình.
Ở điểm này, người viết xin phép được nói lời tri ân đến các bậc tôn sư, những ân nhân Phật tử, những người đã tạo ra những yếu tố phụ tích cực giúp cho bản thân đi vững vàng hơn. Thái độ và sự tin yêu của quý Phật tử là món quà vô giá mà các vị đã ban tặng. Nó sẽ là hành trang để người xuất gia chúng tôi có thêm sức mạnh đi hết con đường của mình. Tất nhiên, đó cũng là quy luật nhân quả và trùng trùng duyên khởi. Do đó, không nên hiểu tu là để cầu điều đó nhưng không cầu chúng vẫn đến như trường hợp chư tôn túc trưởng thượng vì đó là nhân quả và cũng là sự mầu nhiệm của sự tu tập vậy.
No comments:
Post a Comment