Sunday, June 12, 2016

Thực hành pháp an cư theo lời Phật dạy


An cư là truyền thống bắt buộc đối với hàng xuất gia vào thời Đức Phật. Sau khi thành đạo không lâu, Đức Thế Tôn và tăng đoàn mỗi năm đều an cư một chỗ trong những tháng mùa mưa. Mục đích, như các kinh ghi chép, là để tăng đoàn tránh đi lại trong mùa mưa và để cho tăng chúng trau giồi phạm hạnh, tu tập thiền định, phát triển trí tuệ, gọi tắc là tu tập giới định tuệ. Đồng thời, đây cũng là dịp quý báu để chư tăng học hỏi trực tiếp từ Đức Thế Tôn.
Trải qua hơn 2500 năm, truyền thống an cư vẫn được các đệ tử của Đức Phật duy trì. Chư tăng ni dù theo truyền thống nam truyền hay bắc truyền và dù thời gian tổ chức có khác nhau tùy theo vùng miền cũng đều thực hành pháp an cư hằng năm.
Thời gian an cư là dịp quý báu để chư tăng ni sống chung theo tinh thần lục hòa và học hỏi, hỗ trợ nhau trong đời sống tu học. Việc an cư rất có ý nghĩa trong thời đại ngày nay khi mà phần lớn các chùa chỉ có vài vị tăng ni hay mỗi chùa chỉ có vị trụ trì và thậm chí nhiều chùa do một vị tăng ni đảm trách. Do đó, chỉ thời gian an cư là dịp tốt nhất để tăng ni, các vị trụ trì tập trung về một trú xứ cùng sinh hoạt tu học chung.
Theo thông sự hướng dẫn của các cấp giáo hội, tổ đình Minh Tịnh thành phố Quy Nhơn năm nay tiếp tục tổ chức an cư kiết hạ cho chư tăng ni trong môn phái tổ đình nói riêng và chư tăng trong thành phố quy nhơn nói chung.
Với tinh thần thống nhất của chư tôn đức trong ban chức sự, trường hạ quy định các hành giả an cư phải thực hiện đầy đủ các thời khóa tụng kinh, niệm Phật, quá đường …từ 4 giờ sáng cho đến 22 giờ tối. Mục đích giúp cho các hành giả an cư đạt được kết quả nhất định sau ba tháng tinh tấn tu tập.
Trường hạ xin thành kính tri ân chư tôn hòa thượng chứng minh, chư tôn đức tăng đã trợ duyên cho trường hạ và cảm niệm tri ân quý Phật tử xa gần đã hỗ trợ cho chư tăng an cư trong ba tháng. Kính chúc quý tôn đức và quý Phật tử vô lượng an lạc, vô lượng cát tường.
Sau đây là một số hình ảnh sinh hoạt của chư tăng và đạo tràng bát quan trai.
 










Friday, August 15, 2014

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bản sắc văn hóa của người Việt


Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ quát của người Việt Nam. Là người Việt Nam thì " mọi người đều thờ cúng tổ tiên, mọi người đều thờ ông bà”.
Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên rất giản dị: tin rằng tổ tiên mình là thiêng liêng, họ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu, họ phù hộ cho con cháu khi gặp tai ách, khó khăn; vui mừng khi con cháu gặp may mắn, khuyến khích cho con cháu khi gặp điều lành và cũng quở trách con cháu khi làm những điều tội lỗi...

Ở nước ta, thờ cúng tổ tiên không chỉ là tín ngưỡng phổ biến ở người Việt - tộc người đa số - mà còn lưu giữ ở một vài tộc người khác như người Mường, người Thái... Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, trong khi nhiều tôn giáo, tín ngưỡng dân gian khác đã phải chịu cảnh long đong, bị kết tội “mê tín dị đoan” nhưng tín ngưỡng thờ tổ tiên đã và vẫn chiếm được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Ý thức “con người có tổ, có tông” được bảo tồn trong cõi tâm linh và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, dù họ sống trên tổ quốc mình hay lưu vong nơi xứ người. Đặc biệt đây là hình thức tín ngưỡng được các thể chế chính trị (Nhà nước) từ xưa đến nay trân trọng thừa nhận, dù rằng với những mức độ khác nhau. Cùng với tiến trình lịch sử của dân tộc, nó là sự bồi lắng, kết tụ những giá trị đạo đức quý báu của con người Việt Nam.

1. Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên xuất hiện từ khi nào? Cho đến nay có khá nhiều các giả thuyết, nó được hình thành vào thời Bắc thuộc, cùng với những ảnh hưởng của văn hóa Hán. Nhưng một số vấn đề được trao đổi: liệu thời điểm ra đời có thể sớm hơn không, mối quan hệ giữa yếu tố bản địa và yếu tố du nhập trong việc hình thành tín ngưỡng này diễn ra như thế nào? chúng ta hãy tìm hiểu từ nền tảng văn hóa - xã hội của cộng đồng cư dân Việt.

Cơ sở quan trọng đầu tiên cho việc hình thành bất cứ tôn giáo tín ngưỡng nào cũng là quan niệm tâm linh của con người về thế giới. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Việt xuất phát từ nhận thức “vạn vật hữu linh” - mọi vật đều có linh hồn, và bắt đầu từ giới tự nhiên xung quanh mình. Vì thế, loại thần cổ sơ nhất được người ta sùng là các nhiên thần, đặc biệt là thần cây, thần núi, thần sông.... Bằng cách huyền thoại hóa, các vị nhiên thần đã được mang khuôn mặt của con người (hiền hậu hay dữ tợn), tâm lý của con người (vui mừng hay giận giữ). Có thể nói việc nhân hóa các thần tự nhiên đã tạo ra một bước chuyển cho việc hình thành hệ thống nhân hóa. Đây cũng chính là giai đoạn con người bắt đầu khám phá về bản thân mình. Đến một thời điểm nào đó, mối quan hệ giữa cái hữu hình và cái vô hình, nhất là cái sống và cái chết đã làm con người bận tâm. Vẫn với quan niệm vật linh kể trên, họ tin rằng trong mỗi con người đều có phần “hồn” và “vía”.

Không có ý thức cao siêu về thiên đàng hay địa ngục của Kitô giáo hay thuyết luân hồi chuyển kiếp đầu thai của đạo Phật, trong nhận thức dân gian, thể xác và linh hồn vừa gắn bó, vừa tách biệt. Chúng gắn bó khi sống và tách biệt khi chết, thể xác đã hòa vào cát bụi nhưng phần hồn vẫn tồn tại chuyển sang sống ở một thế giới khác. Cõi âm ấy cũng có mọi nhu cầu như cuộc sống dương gian. Theo quan niệm dân gian, chết cũng là một dạng “sống”trong một môi trường khác.

Người ta cho rằng nếu người chết không được cung cấp đầy đủ sẽ trở thành “ma đói” lang thang, quấy nhiễu người sống. Các am chúng sinh lập ở cuối làng, hay lễ Vu lan (rằm tháng bẩy) dành cho “thập chúng sinh” là những biểu hiện mong muốn chia sẻ, an ủi những linh hồn bơ vơ, thiếu đói không có người cúng tế. Một hiện tượng khá bí ẩn nhưng rất được con người tin tưởng, đó là âm phủ, người chết phù trợ cho người sống

Mối quan hệ giữa những người sống và những người chết cùng chung huyết thống lại càng gắn bó hơn. Trong vòng hai, ba đời thì đó còn là những kỷ niệm rất cụ thể và sâu sắc. Ông bà, cha mẹ dù qua đời nhưng vẫn luôn hiện diện trong tâm tưởng của con cháu, và con cháu luôn cảm thấy trách nhiệm cả về vật chất lẫn tinh thần đối với họ. Niềm tin vào cái chết chẳng qua là một cuộc trở về gặp tổ tiên, ông bà và tổ tiên có thể sẽ dõi theo, phù hộ độ trì cho con cháu, đã là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Ở Việt Nam, mặc dù tất cả các tộc người đều có quan niệm tổ tiên và một số tộc người có những hình thức tôn thờ ở những mức độ khác nhau, theo nhiều nhà nghiên cứu, các hình thức này, hoặc tục cúng người chết trong tang lễ, cung cấp vật dụng khi chôn người chết, thờ một vài năm, hay lễ bỏ mả... không đồng nhất với hình thức thờ cúng tổ tiên truyền thống của người Việt (thờ cúng nối tiếp, lâu dài). Vì vậy, những nét tương đồng của hình thức tín ngưỡng này chỉ nhận thấy rõ nhất ở một vài nước Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Xã hội cổ truyền của người Việt cũng có những cơ sở kinh tế nhất định cho việc hình thành và duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trước hết đó là nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện tín ngưỡng đa thần. Xét về phương diện kinh tế, làng xã Việt Nam đã gần như một đơn vị độc lập và tương tự như thế, là tế bào của nó - hộ gia đình nhỏ. Đây là nhân tố quan trọng gắn bó các thành viên của gia đình cùng một thế hệ và giữa các thế hệ. Mở rộng ra, các gia đình cư trú quần tụ theo họ, và nhiều họ tập hợp thành làng. Trước làng, con người không tồn tại với tư cách cá nhân mà dưới danh nghĩa gia đình dòng họ - những đơn vị huyết thống. Có thể nói nền kinh tế tiểu nông ấy là mảnh đất thuận lợi cho việc củng cố và phát triển ý thức dân tộc cũng như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở làng xã.

Trong khía cạnh kinh tế có một điểm quan trọng tạo nên nét khác biệt trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam và Trung Hoa. Do đặc trưng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, gió mùa nên Việt Nam sản xuất lúa nước theo truyền thống tiểu canh kết hợp với nuôi gia súc. Vì vậy sản xuất không đòi hỏi tập trung nhân công theo quy mô lớn như ở nơi sản xuất lúa mỳ khô, công cụ xản xuất cũng nhỏ, gọn, nhẹ, mọi thành viên trong gia đình từ phụ nữ, trẻ em đều sử dụng dễ dàng. Kết hợp tất yếu của quy trình này khiến người Việt gắn bó với gia đình, thường là gia đình hạt nhân chặt hơn với dòng họ. Hầu như gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên (dù thờ chính hay thờ vọng) nhưng không phải dòng họ nào cũng có từ đường.  

Hình thức tổ chức xã hội cũng là một yếu tố quan trọng cho việc hình thành tín ngưỡng. Ở giai đoạn thị tộc phụ quyền, người đàn ông bắt đầu nắm giữ quyền hành quản lý gia đình do họ đã có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế, vợ và con cái họ tuyệt đối phục tùng và tôn trọng cái uy quyền đã được xác lập ấy, không chỉ khi họ còn sống mà cả khi họ đã qua đời. Những đứa con mang họ cha đã kế tiếp ý thức về uy quyền, và phải chăng các nghi thức ma chay, cúng tế tổ tiên cũng chính là “hình thức phản ánh hoang đường quyền hành gia trưởng trong một gia đình”.

Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ra đời và duy trì trong những điều kiện lịch sử - xã hội nhất định. Từ hình thức liên minh cộng đồng nguyên thủy đến hình thức liên kết gia đình sơ khai theo trục huyết thống nam đã là một chặng đường lịch sử khá dài. Theo con đường “ chung tộc danh về phía bố”, các gia đình nhỏ liên kết lại với nhau thành họ. Đây là loại đơn vị ngoại hôn vì các thành viên trong họ liên kết với nhau bằng sợi dây huyết thống và cùng chung một vị thủy tổ.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở người Việt đã hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan niệm tâm linh và một nền tảng kinh tế xã hội tư tưởng khá bền vững. Có thể nói những yếu tố tâm linh có tính bản địa và mộc mạc đã được thể chế hóa, hợp pháp hóa nhờ hệ tư tưởng Nho giáo và sự ủng hộ của các vương triều. Chính vì vậy, tín ngưỡng này đã được bảo tồn qua suốt tiến trình lịch sử nhiều biến động.

2. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là gì?

Tín ngưỡng của tục thờ cúng tổ tiên là quan niệm về sự tồn tại của linh hồn và mối liên hệ giữa người đã chết và người sống (cùng chung huyết thống) bằng con đường hồn về chứng kiến, theo dõi hành vi của con cháu, quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của họ. Trong tín ngưỡng này đạo lý là nội dung nổi trội.

Đạo lý uống nước nhớ nguồn, một mặt con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, lúc họ đã chết cũng như khi còn sống. Mặt khác, nó cũng thể hiện trách nhiệm liên tục và lâu dài của con cháu đối với nhu cầu của tổ tiên. Trách nhiệm được biểu hiện không chỉ trong các hành vi sống (giữ gìn danh dự và tiếp tục truyền thống của gia đình, dòng họ, đất nước) mà còn ở trong các hành vi cúng tế cụ thể. Một học giả nước ngoài khi nghiên cứu về tín ngưỡng này ở nước ta đã nhận xét: “Các thành viên trong gia đình kính dâng các đồ cúng lễ là tuyệt đối cần thiết để cho linh hồn tổ tiên có được sự yên nghỉ thanh thản ở thế giới bên kia”.

Ở đây cũng cần nhắc tới đặc trưng “duy tình” hơn “duy lý” của người Việt. Mặc dù nhiều dân tộc phương Đông có tâm lý ứng xử duy tình, nhưng ở người Việt, thái độ này biểu hiện rất rộng và thể hiện rất sâu sắc ( không chỉ đối với người đang sống mà cả với những người sắp chào đời hoặc đã chết). Người ta luôn luôn chịu sự chi phối của quan niệm vừa mong được nhận “phúc ấm của tổ tiên”, “sống vì mồ mả, ai sống vì bát cơm”, vừa lo trách nhiệm để phúc lộc cho con cháu “phúc đức tại mẫu”, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Khi cúng lễ tổ tiên, một mặt con người hướng về quá khứ, định hướng cho hiện tại (giáo dục truyền thống gia đình, đạo lý làm người cho con cháu) và mặt khác đã chuẩn bị cho tương lai. Đường dây thế hệ mà cũng là đường dây đạo lý sẽ luôn liên tục nối tiếp, phát triển.

Thờ cúng tổ tiên còn là hình thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Sống trong xã hội, xét theo cả trục dọc và trục ngang, con người không thể sống biệt lập, đơn độc. Theo trục dọc phụ hệ, thờ cúng tổ tiên là sự nối tiếp liên tục các thế hệ: ông bà - cha mẹ - bản thân. Mỗi con người phải có trách nhiệm thờ phụng bốn đời trước: cao, tằng, tổ, khảo (kỵ, cụ, ông, bố) và họ cũng tin rằng sẽ được con cháu bốn đời kế tiếp cúng giỗ. Theo trục ngang, thờ cúng tổ tiên đã gắn bó con người trong mối liên kết dòng họ: họ cha, họ mẹ, họ vợ (hoặc chồng). Với tư cách một tập thể - gồm cả người đang sống và người đã chết gắn bó với nhau về huyết thống và thờ chung một thủy tổ, dòng họ có sức mạnh đảm bảo giá trị tinh thần cho mỗi thành viên của nó trong làng xã
Vai trò tổ chức liên kết cộng đồng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn rõ hơn khi ta xem xét vấn đề thờ quốc tổ. Cả cộng đồng cư dân Việt Nam được củng cố bởi niềm tin chung một cội nguồn “đồng bào”, đều là “con Lạc cháu Hồng”. Và đó cũng chính là sức mạnh giúp cho dân tộc ta vững vàng trước mọi sự đe dọa của giặc ngoại xâm “các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.(Hồ Chủ Tịch). Suốt từ thế kỷ XV, XVI đến nay, khi Hùng Vương được coi là quốc tổ, ý thức này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống tâm linh của dân tộc.


Thờ 18 vị Vua Hùng theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có nội dung bình dị và giàu tính thực tiễn, không cực đoan như nhiều tôn giáo khác. Bởi thế nó dễ dàng được thế tục hóa trở thành nếp sống, phong tục, bám rễ sâu trong tiềm thức của mỗi người. Bằng việc thờ cúng tổ tiên, thế hệ trước nêu gương cho thế hệ sau không chỉ vì trách nhiệm đối với các bậc sinh thành mà còn để giáo dục dạy dỗ con cháu lưu truyền nòi giống. Giáo sư Đào Duy Anh cho rằng: “tế tự tổ tiên là lấy sự duy trì chủng tộc làm mục đích”. Trong khi tế lễ, lời khấn vái của họ cũng thật giản dị, rất thực tiễn: lời cầu xin che chở, phù trợ cho cuộc sống hàng ngày của họ được bình yên, suôn sẻ. Không biết sự cầu xin ấy hiệu quả như thế nào, nhưng trước hết, con người cảm thấy thanh thản về mặt tâm linh, điểm tựa tinh thần quan trọng cho cuộc sống. Trong sự thờ cúng này đã thực sự nảy sinh mối quan hệ hai chiều: người chết cần đến sự cúng lễ của người sống để có thể yên ổn ở thế giới bên kia, không thành “ma đói” lang thang, còn người sống chỉ có thể an bình, thanh thản khi được che chở, phù trợ một cách bí ẩn của người chết. Linh hồn các bậc tiền bối luôn luôn bên cạnh con cháu, mách bảo cho họ và giúp đỡ họ có một cuộc sống tốt đẹp thuận hòa. Với những mong muốn bình dị và niềm tin nguyên thủy chất phát, thờ tổ tiên được coi là thứ tín ngưỡng “vừa tầm” với mọi lớp người cả về mặt nội dung đạo lý và nghi thức thực hiện. Do đó, khả năng phổ biến trong không gian và thời gian của tín ngưỡng này cũng là một điều dễ hiểu.

Các tôn giáo ngoại lai, để tồn tại được ở Việt Nam, đã buộc phải dung hòa với thứ tín ngưỡng bản địa cắm rễ sâu trong tâm thức người Việt – thờ cúng tổ tiên. Còn các tôn giáo xuất hiện nội sinh trong nước như Cao Đài, Hòa Hảo ở miền Nam cũng đã biết dựa trên cơ sở của đạo thờ cúng ông bà. Không chỉ các tôn giáo, mà ngay cả trong các tín ngưỡng dân gian khác như tín ngưỡng thờ thành hoàng, thờ Mẫu…, ta cũng thấy dấu vết tác động của tín ngưỡng thờ tổ tiên ở sự biết ơn cội nguồn, biết ơn các đấng sinh thành. Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ thần, người dân Việt thờ Mẫu (thờ mẹ) với mong muốn kéo vị thần này gần với tín ngưỡng gia tộc, từ đó có mối đồng cảm gắn bó như giữa người mẹ luôn che chở với đàn con của mình.

Có thể nói, thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng dân gian của dân tộc có nguồn gốc từ xa xưa và mang đạo lý nhân ái uống nước nhớ nguồn trong tiến trình lịch sử, nó đã được các hệ tư tưởng tôn giáo khác bổ sung hoàn chỉnh để thể chế hóa thành một thứ đạo: Đạo tổ tiên - Đạo Ông Bà.

3. Nghi thức thờ cúng tổ tiên

Tổ tiên theo quan niệm của người Việt Nam, trước hết là những người cùng huyết thống, như cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ v.v... là người đã sinh ra mình. Tổ tiên cũng là những người có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại như các vị "Thành hoàng làng" các "Nghệ tổ". Không chỉ thế, tổ tiên còn là những người có công bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước khỏi nạn ngoại xâm như Trần Hưng Đạo đã thành "Cha" được tổ chức cúng, giỗ vào tháng 8 âm lịch hàng năm. "Tháng 8 giỗ cha" ở rất nhiều nơi trong cộng đồng người Việt. Ngay cả "Thành hoàng" của nhiều làng cũng không phải là người đã có công tạo dựng nên làng, mà có khi là người có công, có đức với nước được các cụ xa xưa tôn thờ làm "thành hoàng". Tổ tiên trong tín ngưỡng của người Việt Nam còn là "Mẹ Âu Cơ", còn là "Vua Hùng", là người sinh ra các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.


Sự biết ơn và tưởng nhớ công lao là thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" đối với tổ tiên.
Ảnh du khách đến dâng hương tại Đền Hùng

Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập "mối liên hệ" giữa người sống với người chết, giữa người ở thế giới hiện tại và thế giới tâm linh. Là sự thể hiện quan niệm về nhân sinh của người Việt Nam: "sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn". Với người Việt Nam, chết chưa phải là hết, tổ tiên lúc nào cũng ở bên cạnh người sống, "như tại" trên bàn thờ mỗi gia đình, động viên, trợ giúp cho con cháu trong cuộc sống thường ngày. Nếu như tôn giáo thường tuyệt đối hóa đời sống tinh thần, hướng con người về thế giới siêu thoát, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tuy có hướng con người về với quá khứ, song lại rất coi trọng hiện tại và tương lai.

Đạo lý biết ơn và tiếp tục nối dõi truyền thống tổ tiên chỉ trở thành nội dung bên trong của tín ngưỡng khi đạo lý được bộc lộ thông qua các nghi thức có tính chất huyền bí, thiêng liêng. Các nghi thức thờ cúng tổ tiên ở nước ta tuy phần lớn phỏng theo nghi lễ Nho giáo, nhưng lại có những yếu tố rất gần gũi với Phật giáo hay Đạo giáo. Mặt khác với tính chất một tín ngưỡng dân dã, các hành vi lễ thức thường được thực hiện theo tâm thức dân gian và cũng không hoàn toàn thống nhất ở các gia đình, các địa phương.

Thời gian cúng giỗ là những ngày húy kỵ của tổ tiên, những ngày lễ, tết trong năm. Ngoài ra, việc cúng giỗ tổ tiên cũng được tổ chức vào những ngày trong gia đình có sự kiện quan trọng như lấy vợ, làm nhà, tậu trâu, thi cử, đi xa, nhà có người ốm đau... Thông qua nghi lễ thờ cúng, người Việt Nam gửi gắm tình cảm biết ơn đối với tổ tiên. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" và vì "Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu". Trong mỗi gia đình tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dần dần trở thành đạo lý "uống nước nhớ nguồn", thành "đạo hiếu". Đạo hiếu là cái gốc của mỗi con người. Công cha, nghĩa mẹ như núi cao, nước nguồn cho nên phải hiếu thảo với cha, mẹ khi còn sống, thành kính, biết ơn, tiếc thương khi cha, mẹ khuất núi về với tổ tiên. Lòng hiếu thảo là giá trị đạo đức quý báu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.

Thờ cúng tổ tiên trong gia đình và gia tộc

Mang đặc tính của cư dân nông nghiệp đa thần giáo, trong gia đình người ta thường thờ phụng nhiều vị thần. Bên cạnh việc thờ tổ tiên, thờ Phật, người ta còn thờ bà Cô, ông Mãnh (ông Hoàng) là những người thân thích, chết trẻ, hoặc chết vào giờ linh thiêng. Ở một số gia đình, vị trí bàn thờ được sắp xếp theo quy định, ví dụ thờ Thánh sư ở góc nhà, thờ Tiền chủ ở bàn thờ đặt ngoài sân, thờ bà Cô, ông Mãnh ở cạnh thấp hơn bàn thờ tổ tiên.... Trong các vị thần được thờ tại gia, thường không có vị thần nào được sắp xếp ngang hàng với tổ tiên. Thông thường ban thờ được đặt cao ở vị trí trang trọng nhất, gian chính giữa của nhà trên. Đây là điểm khác biệt với một số dân tộc khác ở Đông Á. Ở Hàn Quốc người ta chỉ lập bàn thờ và dán bài khi có việc cúng giỗ, ở Nhật Bản, vị trí trang trọng nhất trong nhà dành thờ Thần đạo (Shinto) còn ban thờ tổ tiên lại lập ở gian phụ.


 Bàn thờ gia tiên được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà

Việc bài trí bàn thờ gia tiên thường không giống nhau, điều này phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và cả điều kiện kinh tế của gia chủ. Nhìn chung bàn thờ gia tiên nào cũng có một số đồ thờ chủ yếu sau: bài vị, bát hương, đĩa đèn, bình hoa, chén rượu, mâm đựng hoa quả…. Các gia đình bình dân, đồ thờ thường được làm bằng gỗ hoặc sành sứ, còn các gia đình giàu có thế nào cũng có đồ thờ tự bằng đồng. Bàn thờ gia tiên của ngành trưởng phức tạp hơn ngành thứ, của chi trưởng phức tạp hơn chi thứ, gia đình con thứ, con út chỉ thờ vọng nên bài trí bàn thờ cũng đơn giản hơn con trưởng.

Với trách nhiệm thờ phụng nhiều đời: cao, tằng, tổ, khảo, bàn thờ các gia đình chi trưởng, ngành trưởng có đặt các tấm thần chủ được làm bằng gỗ táo (với ý nghĩa cây táo sống nghìn năm) ghi rõ tên tuổi các vị tổ. Trên bàn thờ ở các từ đường dòng họ còn có bài vị Thủy tổ của họ, bài vị có sự chuyển dịch. Khi thờ cúng đến đời thứ năm thì thần chủ của đời này được đem chôn, vì thế mới có câu “Ngũ đại mai thần chủ”. Các thần chủ đời sau được chuyển lên bậc trên, và tấm thần chủ của ông mới nhất được thay vào vị trí “khảo”. Như vậy, các gia đình chi thứ, ngành thứ, các vị tổ đời thứ tư, thứ ba chỉ được thờ vọng, mà chủ yếu thờ hai đời gần nhất (ông bà, cha mẹ).

Việc thờ cúng tổ tiên tại gia đình thường được tiến hành quanh năm, xuất phát từ quan niệm dù đã khuất nhưng linh hồn họ vẫn luôn ở bên cạnh con cháu. Không chỉ cúng lễ trong các dịp quan trọng như tang ma, giỗ chạp, cưới xin…, không chỉ trong những ngày lễ tiết như Tết nguyên đán, Thanh minh, Hàn thực, Đoan ngọ…, các ngày Sóc(ngày mồng một), Vọng (ngày rằm) theo chu kỳ tuần trăng, mà các vị tổ tiên còn được con cháu kính cáo mọi chuyện vui buồn: sinh nở, ốm đau, thi cử, đỗ đạt, kiện cáo, bất hòa, dựng vợ gả chồng… Con cháu còn kính mời các vị về hưởng thụ hoa trái đầu mùa, lễ tạ tổ tiên khi có phúc, có lộc. Có thể nói trong tâm thức những người sống tổ tiên là bất tử. Người Việt dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.

Đồ lễ trên bàn thờ cũng không quy định chặt chẽ lắm, tùy tâm nhưng điều cơ bản phải là những thứ thanh khiết và được dành riêng. Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt ở trên cao, tại nơi trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đối với nhà tầng). Trên bàn thờ bày bát hương, chân đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố.Bàn thờ được coi là những dấu vết còn lại của tín ngưỡng thờ mặt trời và thần lửa. Chén nước trắng tinh khiết cũng được giải mã từ tục thờ thần nước xa xưa. Có thể một triết lý quen thuộc của phương Đông cũng đã xuất hiện ở đây: sự giao hòa âm dương. Bên cạnh chén nước, bình rượu (âm) cần đến sự có mặt của hương lửa (dương). Cũng như khi hóa vàng (đốt mã), người ta cho rằng phải đổ chén rượu hoặc nước lên đống tro thì người âm mới nhận được lễ. Theo quan niệm dân dã, nén hương là chiếc cầu nối giữa tổ tiên và con cháu, nó có khả năng chuyển tải lời thỉnh cầu của những người sống và chính mùi thơm thanh cao của hương, hoa đã tạo ra được sự giao hòa giữa người hai cõi.


Mâm ngũ quả và bánh trưng ngày tết thờ cúng tổ tiên (ảnh minh họa)

 Sau khi cúng giỗ, gia đình thường dọn thức ăn vừa cúng xong để cùng ăn, coi như hưởng lộc của tiền nhân. Bạn bè thân thuộc cũng được mời đến dùng bữa, tức là đi ăn giỗ.

Lễ thức trong tang ma được coi là lễ thức quan trọng bậc nhất để đưa ông bà, cha mẹ vừa mất về gặp tổ tiên và gia nhập vào hàng các vị tổ tiên (những người vừa mới mất được lập bàn thờ riêng cho tới khi giỗ hết, cải táng sạch sẽ mới được phép thờ chung với tổ tiên. Sau lễ tang ma, lễ giỗ là nghi thức rất được chú trọng trong tâm lý người Việt.

Một biến thể của việc cúng giỗ là tục thờ "hậu" do nhà chùa hay đình làng đảm nhiệm. Trong trường hợp này người quá cố đã cúng tiền hay ruộng vào chùa hay đình để được hưởng lễ vật vào những ngày kỵ nhật.

Vì kính trọng tổ tiên, người Việt coi việc tang ma là trọng sự, gắn liền với việc thờ cúng tổ tiên.

Ngày giỗ (kỵ nhật) là ngày kỷ niệm ngày mất của người thân trong gia đình hàng năm thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Trong các ngày giỗ có ba ngày chú ý nhất: tiểu tường (giỗ đầu), đại tường (giỗ hết), trừ phục (lễ cởi bỏ đồ tang). Các ngày giỗ thường kỳ trong các năm sau được coi là cát kỵ (giỗ lành).

Trước lễ Tiểu tường, nhiều gia đình còn làm lễ Tiên thường (cáo giỗ) nhằm xin phép Thổ công để linh hồn người đã mất trở về gia đình nhận giỗ. Đồ lễ cúng trong giỗ đầu và giỗ hết phải chuẩn bị rất chu đáo. Theo quy định xưa, vào ngày giỗ đầu, trang phục tang lễ mũ gậy, áo xô lại được con cháu mang ra mặc. Đồ mã được gửi cho người chết cũng theo quy định: ở lễ tiểu đường đó là “mã biếu” vì người chết phải sử dụng để biếu các ác thần mong tránh sự quấy nhiễu (dân gian quan niệm cõi âm như cõi trần), ở lễ Đại tường và lễ Trừ phục (một ngày tốt được chọn sau lễ Đại tường để đốt bỏ tang phục) đồ mã còn cần nhiều hơn: mọi vật dụng sinh hoạt cho người chết ( quần áo, giầy dép, xe cộ), thậm chí cả các hình nhân bằng giấy để xuống cõi âm phục vụ cho họ. Sau khi hóa (đốt) những đồ mã này, đổ một chén rượu lên đống tàn vàng để vật mã trở thành vật thật, tiền thật dưới cõi âm. Người ta còn hơ một chiếc đòn gánh, gậy trên ngọn lửa hóa vàng, hoặc dựng một cây mía bên cạnh với lời giải thích “để các cụ gánh vác về”.

Gia tộc cũng có những qui định tín ngưỡng cho việc thờ cúng Thủy tổ dòng họ. Mặc dù đã qua nhiều đời nhưng ngày giỗ họ vẫn được lưu truyền nhờ việc ghi chép gia phả. Trong ngày giỗ Thủy tổ, tất cả con cháu trưởng các chi, ngành, nhánh buộc phải có mặt. Các con cháu khác tùy vào hoàn cảnh mà mang đồ tới góp giỗ. Lễ giỗ Tổ được tổ chức chu đáo và duy trì đều đặn hàng năm.

Bên cạnh các nghi lễ cúng tế trong gia đình và gia tộc còn phải kể thêm vào hệ thống nghi thức tế lễ tổ tiên một hình thức Tảo mộ. Ngoài việc đắp thêm mộ trong ba ngày (sau khi người thân chết), các gia đình, dòng họ thường đi thăm mộ, cúng tế sửa sang mồ mả vào dịp Tết Thanh minh tháng ba. Việc cúng tế tại mộ thường diễn ra đơn giản hơn nhiều so với cúng tại nhà, nhưng trước khi cúng trước mộ người thân người ta phải khấn cáo xin phép thổ công. Thăm nom sang sửa mồ mả tổ tiên, một mặt là hình thức thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu, mặt khác bởi quan niệm mồ mả vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của cả gia đình, gia tộc. Người Việt cho rằng, nếu vị trí đặt mồ mả không tốt, hướng không đúng thì con cháu làm ăn sẽ lụi bại, không thể nào phát triển được.

Lễ giỗ tổ Hùng vương

Nghi thức tế tự của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gồm ba bộ phận, thứ nhất là tế tự tại gia đình, thứ hai tế tự tại làng xóm (chủ yếu là tín ngưỡng thờ Thành hoàng) và thứ ba tế tự quốc gia. Người Việt luôn tôn thờ công đức của cha ông, tộc họ, những người đã khuất cùng huyết thống, đồng thời tôn thờ tất cả những người có công với nước, với xóm làng, những anh hùng dân tộc, anh hùng văn hóa. Cũng trong hệ thống ấy, với người Việt Nam tự bao đời nay ngày giỗ tổ Hùng vương luôn được coi trọng, đó là sự tưởng nhớ, là sự trở về với cội nguồn của dân tộc. Từ truyền thuyết bào thai trăm trứng đến sự tích Hùng Vương, người Việt đã dựng lên cho ông Tổ của mình một lý lịch hoàn chỉnh, có cả ngày mất (kỵ). Theo Toan Ánh, “trước đây hàng năm tại đền vua Hùng ở làng Cổ tích, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, có tổ chức quốc tế và có đại diện của triều đình tới đứng chủ tế trong ngày giỗ. Dân chúng các nơi kéo về đền Hùng lễ tổ và ngay cả các tỉnh cũng có tế vọng vua Hùng”. Vì thế, đó là ngày giỗ quan trọng nhất của người Việt Nam:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba


Lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Đền Hùng năm 2010 

Mùng Mười tháng Ba hàng năm đã trở thành ngày giỗ của vua Hùng, thành ngày hội tụ con cháu khắp mọi miền đất nước hướng về đất Tổ. Có thể nói ngày giỗ tổ Hùng Vương là sự phát triển cao có tính chất trìu tượng hóa ý thức về cội nguồn, bắt rễ sâu xa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở làng xã, trong gia đình và gia tộc. Triết lý cội nguồn trên phạm vi quốc gia ấy cũng đã đóng góp một phần quan trọng trong việc củng cố về mặt lý luận cho sự liên kết các quan hệ máu mủ thân tộc. Nhà và nước, nước và nhà, nước mất thì nhà tan, nước giàu thì dân mạnh. Chính vì thế tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ gia đình, dòng họ đến Tổ quốc đã không ngừng được giữ gìn bảo tồn qua các bước thăng trầm của lịch sử, bất chấp mọi mưu đồ, xâm lược đồng hóa của giặc ngoại xâm.
Trong các hệ thống tín ngưỡng tôn giáo bản địa của nước ta thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được coi là quan trọng bậc nhất. Ở đó ta thấy được niềm tin của con người vào một thế giới bên kia, nơi có một cuộc sống giống như thế giới mà chúng ta đang sống. Thông qua các nghi lễ thờ cúng con người mong muốn có được sự che trở, giúp đỡ của tổ tiên, lúc nào trong tâm tưởng họ tổ tiên cũng luôn theo sát. Chính niềm tin đó đã giúp họ sống tốt hơn, có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, đồng thời cũng giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Mỗi dịp giỗ chạp là lúc những người trong gia đình dòng họ có điều kiện để gặp gỡ thăm hỏi nhau, tạo thêm sự thân thiết đoàn kết, gắn bó.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam trong quá trình hình thành, tồn tại của nó đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo, lòng hiếu học, lòng yêu nước. Vì thế tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như đã khái quát trên có thể nói là vĩnh hằng cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Hiếu với tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ còn được nâng lên cao hơn, đẹp hơn, đó là "hiếu với dân, với nước". Trong đời sống xã hội hiện đại, đã có thời kỳ người ta nghĩ đơn giản rằng xã hội càng phát triển, khoa học kỹ thuật càng tiến bộ thì con người càng bớt đi niềm tin vào thế giới vô hình, con người sẽ sống tỉnh táo hơn, khoa học hơn. Có lẽ điều này chỉ đúng một phần, vì thế khi thế giới càng chia nhỏ rành mạch, con người càng mở rộng tầm nhìn thì những khoảng trống, những điều chưa thể giải thích càng lớn. Đó là điều bí ẩn của thế giới tâm linh, đặc biệt là mối liên hệ ràng buộc vô hình nào đó giữa những người cùng dòng máu. Vì thế càng ngày tín ngưỡng thờ cũng tổ tiên càng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi người Việt Nam, nó là một trong những nhân tố góp phần quan trọng để bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tập tục mang đậm nét văn hoá của người Việt.

Tài liệu tham khảo
1. Trương Thìn, Nghi lễ thờ cúng tổ tiên đền chùa miếu phủ, Nxb Hà Nội
2. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP Hồ Chí Minh
3. Linh mục Vũ Kim Chính, SJ Giáo sư Đại học Công giáo Phụ nhân, Đài loan, Ông bà tổ tiên

Đinh Kiều Nga
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1426/Tin_nguong_tho_cung_to_tien_ban_sac_van_hoa_cua_nguoi_Viet

Wednesday, August 13, 2014

Sư tử trong mỹ thuật Đại Việt khác gì với sư tử đá Trung Quốc?

Việt Nam không phải là môi trường “sinh sống” của sư tử đá. So với các nước trong khu vực, đồ án sư tử Việt Nam xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình tương đối muộn. Sư tử Việt chủ yếu xuất hiện thời Lý-Trần và gần như vắng bóng trong các triều đại sau đó, ngay cả trong những giai đoạn văn hóa cung đình Trung Hoa có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới mỹ thuật Việt Nam như thời Lê Sơ và thời Nguyễn.

Li Zhigang (Lý Chi Cương) là tác giả của công trình nghiên cứu công phu về sư tử đá từ cổ tới kim trong mỹ thuật Trung Hoa. Ông đúc rút những đặc điểm tiêu biểu về hình tượng sư tử đá trong nền mỹ thuật nước này như sau: “Tạo hình của sư tử đá Trung Hoa là đầu to, thân vạm vỡ, tỷ lệ ước 1:3, ngực nở, chân mập, móng có vuốt sắc nhọn, lông đỉnh đầu nổi khối, mắt tròn miệng vuông, mũi cao răng sắc, tai nhỏ xếch ngược như chiếc lá, ức có lông, hàm có râu, con đực đầu có bờm. Lưng có dải băng hoặc lông dài phủ kín, đuôi cũng có nhiều dạng hoặc hình chiếc lá, hình như bàn tay hoặc như búi sợi tơ, lông trước cổ xoăn, giữa ức đeo lục lạc, điểm xuyết sợi anh lạc, có đai gấm. Sư tử đực đạp cầu, sư tử cái nô đùa với con”.

Sư tử Đại Việt chủ yếu trong không gian tín ngưỡng Phật giáo, thể hiện những triết lý nhà Phật. Có thể tóm tắt những đặc điểm của hình tượng sư tử Đại Việt khác với sư tử đá Trung Hoa như sau: Chân sư tử không đạp cầu mà chân đạp lên ngọc; Miệng sư tử răng không sắc nhọn, hàm răng có số lượng lớn, trong miệng thường ngậm viên ngọc lớn.

Sư tử Trung Hoa không kể lớn hay bé thường có hàm răng to và sắc nhọn, đặc biệt là răng nanh; Trán sư tử Đại Việt thường có chữ Vương, đặc điểm này gần như không phổ biến ở Trung Quốc, ngay cả những con sư tử ở các vương phủ, hoàng cung như Tử Cấm Thành, Bắc Kinh; Đầu sư tử thường ngẩng lên cao, trong tư thế gầm bờm lông có thể dựng hết ngược lên như có gió thổi.

Sư tử Trung Hoa thường cúi đầu xuống, miệng tuy há nhưng không phải là tư thế để sư tử có thể gầm vang; Mình sư tử Đại Việt thường phủ kín bằng những khoáy lông xoáy, đây là đặc điểm ảnh hưởng từ mỹ thuật Chăm Pa; Một đặc điểm khá lý thú là trong mỹ thuật Đại Việt chỉ có hình tượng sư tử đực chứ không có sư tử cái, không có hình ảnh sư tử nô đùa với con.

Đây cũng là điểm rất khác với Trung Hoa; Sư tử Việt không đặt trên những bệ cao, mà rất thấp, tỷ lệ các bệ không quá 1/5 chiều cao cả thân, trong khi đó tỷ lệ này ở tượng sư tử đá Trung Hoa thường là 1/3. Việc đặt sư tử lên các bệ cao cộng với dáng cúi xuống hăm dọa luôn tạo cho người ta cảm giác chột dạ, kinh hãi. Đặc điểm này hoàn toàn không có ở những hình tượng truyền thống của sư tử Việt.

Sư tử Việt - Sư tử đá chùa Phật Tích


Sư tử Càn Lăng / Trung Quốc

Như đã nói ở trên, sự khác biệt này có liên quan đến quan niệm Phật giáo về sư tử. Sư tử Trung Hoa chủ yếu dùng trấn yểm các lăng mộ, giương oai ở các đền đài, thành quách, không chịu chi phối bởi những ý niệm tôn giáo nào. Ngược lại, sư tử Đại Việt, liên quan đến đức Phật, đến văn hóa Ấn Độ. Kinh Phật nói rằng khi sư tử gầm thì ngọc Mani xuất hiện. Thuật ngữ Sư Tử Vương là nói đến Đức Phật và các vị Bồ Tát nên từ quan niệm này dẫn đến việc trên trán sư tử có chữ Vương. Vì cũng là biểu hiện có Đức Phật nên phải là sư tử đực để thể hiện sự uy dũng vô song của Phật pháp. Trong nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa cũng chỉ có hình ảnh sư tử đực mà không có sư tử cái.

Tư thế oai phong của sư tử được coi là nguyên do của thuật ngữ Sư tử phấn tam muội. Thám huyền kí, q.18 viết: “ nói như sư tử khi hiên ngang chồm dậy móng vuốt răng sắc mở ra, lông bờm dựng ngược, hiện tướng gào thét dũng mãnh, khiến cho các loài thú khác sợ oai lẩn trốn, giúp cho sư tử con tăng thêm dũng mãnh, thân lớn nhanh chóng.

Chư Phật cũng như vậy. Một là phấn chấn thân đại bi pháp giới, hai là mở rạ căn môn đợi bi, ba là dựng ngược lông đại bi, bốn là hiện oai ứng cơ, hét pháp môn pháp giới, khiến cho bậc nhị thừa và các loài thú đều như điếc mù mà lẩn trốn cả, Bồ-tát và chư Phật tử thì tăng trưởng thêm ngàn vạn Tam-muội và Đà-la-ni nhiều như biển.”- Từ điển Phật giáo Hán Việt, Nxb Khoa học xã hội, tr.1081.

Sư tử Đại Việt hiện còn đến nay như ta thấy ở chùa Bà Tấm, chùa Hương Lãng, chùa Thầy, chùa Phật Tích, chùa Thông… Tuy ít ỏi nhưng đều là những báu vật di sản còn sót lại sau 20 năm đô hộ giặc Minh. Trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa hôm nay, chính sự đặc sắc của văn hóa mỗi dân tộc đã góp phần làm nên sự đa dạng sinh quyển văn hóa nhân loại, tạo dựng vị thế cho hình ảnh quốc gia.
Theo Nhà nghiên cứu Mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế
http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/su-tu-trong-my-thuat-dai-viet-khac-gi-voi-su-tu-da-trung-quoc-n20140813114148468.htm 

Friday, August 8, 2014

Lời Phật dạy về công ơn cha mẹ

Trong hệ thống giáo điển Phật đà, cả Nam truyền và Bắc truyền đều có những bài kinh, đoạn kinh nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ rất là cảm động.

Cũng như có những trang kinh đức Phật chỉ dạy phương pháp báo đáp ân đức sâu dày đối với song thân một cách thiết thực nhất. Có nghĩa là đức Phật đã chỉ bày cách báo ân chơn chánh, hợp đạo lý, có lợi ích trong hiện đời và mai sau.

Hay nói rõ hơn, đức Phật đã đưa ra tiêu chuẩn đối với một người con được gọi là hiếu đạo thì phải hội đủ cả hai mặt sự và lý. Sự là hình thức báo đáp bên ngoài, là lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm cho cha mẹ phiền lòng. Lý là chăm lo đời sống tâm linh cho cha mẹ. Hướng cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phước lành, tu theo chánh đạo; là làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhơn quả, thoát ngoài vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai.

Nói cách khác, một đời sống hiền thiện chính là hiếu hạnh, là phát tâm báo ân. Còn như làm điều tà ác, không tu dưỡng đạo đức là bất hiếu.

Theo quan điểm của Phật giáo, thiện là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham, không sân, không si, có chánh kiến. Ngược lại là bất thiện. Mà tham, sân, si chính là gốc rễ của bất thiện.

Cho nên người tu học Phật pháp phải thấy rõ điều này để biết cách áp dụng lời Phật dạy vào đời sống sinh hoạt của chính mình, để mỗi ngày bớt tham, sân, si, thăng tiến trên đường đạo. Được như vậy mới thật sự là người con hiếu đạo.
 
Trong đạo Phật, vấn đề hiếu đạo được đề cập trong nhiều trong Kinh tạng Pali của Phật giáo Nguyên Thủy và Hán tạng của hệ phái Bắc tông như: kinh Trường Bộ, kinh A Hàm, kinh Báo Ân, kinh Vu Lan Bồn, kinh Hiếu Tử, kinh Tâm Địa Quán…

Ở đây, chúng tôi sưu tập lại một số ít trong rất nhiều pháp thoại đức Phật thuyết về công ơn cha mẹ và cách thức đáp đền của con cái đối với cha mẹ hầu chia sẻ cùng các bạn.

Phật dạy:

“Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu
Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”.
(Kinh Nhẫn Nhục)

“Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sinh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển”.
(Kinh Tương Ưng)

“Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:

- Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm tin tưởng tam bảo.
- Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm bố thí.
- Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyết khích cha mẹ hướng về đường thiện.
- Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyết khích cha mẹ trở về với chánh kiến.

Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai”.
(Kinh Tăng Nhất A Hàm)

“Cung kính và vâng lời cha mẹ.
- Phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu.
- Giữ gìn thanh danh truyền thống gia đình.
- Bảo vệ tài sản cha mẹ để lại.
- Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời”.
(Kinh Trường Bộ)

“Vô thỉ là luân hồi. Này các tỳ kheo, không dễ gì tìm được một chúng sanh trong một thời gian dài này lại không một lần nào làm mẹ, làm cha”.
(Kinh Tương Ưng)

“Tất cả người nam là cha ta , tất cả người nữ là mẹ ta . Bao nhiêu đời kiếp ta từ đó mà sanh ra , nên chúng sanh trong sáu đường là cha mẹ của ta cả” .
(Kinh Phạm Võng)

“ Này các Thầy Tỳ Kheo! Nếu người nào biết ơn và đền ơn cho dù ở cách xa Ta ngàn dặm , nhưng ta vẫn xem người đó như đứng hầu gần bên Ta . Còn nếu như người nào không biết ơn và đền ơn , cho dù người đó có đứng hầu gần bên Ta nhưng Ta vẫn xem họ cách xa ngàn dặm”.
(Kinh Tăng Nhất A Hàm)

“ Nếu có người muốn được vua Phạm Thiên ở trong nhà , hãy hiếu dưỡng cha mẹ , vua Phạm Thiên đã có ở trong nhà . Muốn có Đế Thích ở trong nhà , hãy hiếu dưỡng cha mẹ , Đế Thích sẵn ở trong nhà . Muốn được tất cả thiên thần ở trong nhà , chỉ cúng dường cha mẹ , tất cả thiên thần đều ở trong nhà . Cho đến muốn cúng dường Thánh Hiền và Phật , chỉ cúng dường cha mẹ , các vị Thánh Hiền và Phật đều ở trong nhà”.
(Kinh Tạp Bảo Tạng)

“Phật hỏi các Thầy Sa môn: Con nuôi cha mẹ, lấy cam lồ trăm vị làm thức ăn, dùng thiên nhạc làm vui tai, sắm y phục hảo hạng mặc nơi thân, vai cõng cha mẹ đi khắp bốn phương, suốt đời phụng dưỡng như vậy, đáng gọi là hiếu chăng?

Các Thầy Sa môn thưa: Người này là đại hiếu.

Phật dạy: Chưa gọi là hiếu.

Phật bảo các Thầy Sa-môn : Xem người thế gian không có hiếu thảo, chỉ thế này mới gọi là hiếu: Hãy khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, thọ tam Quy giữ ngũ Giới. Dù cha mẹ sớm mai thọ trì quy giới , chiều về cõi chết , đối với ơn nặng cha mẹ nuôi dưỡng , cũng gọi tạm đền”.
(Kinh Hiếu Tử)

Mẹ hiền còn sống là mặt trời giữa trưa chói sáng
Mẹ hiền khuất bóng là mặt trời đã lặn
Mẹ hiền còn sống là mặt trăng sáng tỏ
Mẹ hiền khuất rồi là đêm tối âm u.
(Kinh Tâm Địa Quán)

Vui thay hiếu kính Mẹ
Vui thay hiếu kính Cha
Vui thay kính Sa môn
Kính bậc Thánh vui thay.
(Kinh Pháp Cú)

“Có hai hạng người , này các Tỳ kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai. Là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng cha , một bên vai cõng mẹ, làm vậy cho đến trăm tuổi, nếu đấm bóp, thoa nước tắm rửa , thoa gội , và dầu tại đấy có vãi tiểu tiện , đại tiện như thế , này các Tỳ Kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái , nuôi nấng , nuôi dưỡng con khôn lớn, giới thiệu con vào đời”.
(Kinh Tăng Chi I)

“ Làm con đối với cha mẹ đem chút lễ mọn cúng dường thì được phước vô lượng , trái lại làm ít điều bất thiện đối với cha mẹ tội cũng vô lượng”.
(Kinh Tạp Bảo Tạng)

“ Thế Tôn lấy một ít đất để trên đầu ngón tay rồi hỏi các Thầy Tỳ kheo, đất trên đầu ngón tay ta nhiều hay đất trên quả địa cầu này nhiều?

Bạch Đức Thế Tôn! Đất trên đầu ngón tay Như Lai so với đất trên quả địa cầu thì quá ít.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, những chúng sanh hiếu kính với cha mẹ thì quá ít , như đất trên đầu ngón tay của ta, còn những chúng sinh không hiếu kính với cha mẹ lại quá nhiều như đất trên địa cầu”.
(Kinh Tương Ưng)

“ Những đứa con bất hiếu , sau khi chết bị đọa vào địa ngục A tỳ , lửa dữ thiêu đốt , ăn hoàn sắt nóng , uống nước đồng sôi , gươm đao đâm chém …. ngày đêm chết sống muôn lần , đến trăm ngàn kiếp không ngừng một giây , sự hình phạt tại A tỳ ngục , rất nặng nề ngỗ nghịch song thân”.
(Kinh Báo Hiếu)

“ Ta trong nhiều kiếp quá khứ , nhờ từ tâm hiếu thuận , cúng dường cha mẹ , do công đức đó , nên sinh lên các từng trời thời làm Thiên đế , xuống nhân gian thì làm Thánh Vương”.
(Kinh Hiền Ngu)

“ Thuở Phật còn tại thế có một vị chư Thiên đến hỏi : “ Bạch Đức Thế Tôn , làm sao để có được vận may ?”

Phật đáp :
“ Phụng dưỡng cha và mẹ là vận may tối thượng”.
(Kinh Hạnh Phúc)

“ Ta trải qua nhiều kiếp tu hành thành đạo là nhờ công ơn của cha mẹ nuôi dưỡng”.
(Kinh Phân biệt)

“ Thờ trời đất quỷ thần không bằng có hiếu với cha mẹ , vì cha mẹ là hai vị thần minh cao nhất trong các thần minh”.
(Kinh Tứ Thập Nhị Chương)

“ Hiếu hạnh đứng đầu trăm hạnh tốt . Hiếu cảm đến trời thì mưa hòa gió thuận , hiếu cảm đến đất thì muôn vật hóa sinh , hiếu cảm đến người thì mọi phúc tăng trưởng”.
(Khế kinh)

“Ơn cha lành như núi Thái , nghĩa mẹ hiền sâu hơn biển cả . Nếu ta ở trong đời một kiếp , nói công ơn cha mẹ không thể hết” .
“Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế , gặp thời không có Phật , khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy”.\
(Kinh Tâm Địa Quán)

“Cha mẹ là Phạm Thiên
Bậc đạo sư đời trước
Xứng đáng được cúng dường
Vì thương đến cháu con
Do vậy bậc hiền trí
Đảnh lễ và tôn trọng
Dâng thức ăn nước uống
Vải mặc và giường nằm
Thoa bóp cùng tắm rửa
Với sở hành như vậy
Đời này người hiền khen
Đời sau hưởng Thiên lạc”.
(Kinh Hạnh Phúc)

“Thế Tôn lại bảo A Nan
Ơn cha nghĩa mẹ mười phần phải tin
Điều thứ nhất giữ gìn thai giáo
Mười tháng trường chu đáo mọi bề
Thứ hai sanh đẻ gớm ghê
Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần
Điều thứ ba thâm ân nuôi dưỡng
Cực đến đâu, bền vững chẳng lay
Thứ tư ăn đắng uống cay
Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con
Điều thứ năm lại còn khi ngủ
Ướt mẹ nằm khô ráo phần con
Thứ sáu sú nước nhai cơm
Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê
Điều thứ bảy không chê ô uế
Giặt đồ dơ của trẻ không phiền
Thứ tám chẳng nở chia riêng
Nếu con đi vắng cha phiền mẹ lo
Điều thứ chín miễn con sung sướng
Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam
Tính sao có lợi thì làm
Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm
Điều thứ mười chẳng ham trao chuốt
Dành cho con các cuộc thanh nhàn
Thương con như ngọc như vàng
Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái sơn”.
(Kinh Báo Ân)

“ Này các Tỳ Kheo , sữa mẹ mà các Thầy thọ nhận nơi người mẹ từ vô lượng kiếp đến nay còn nhiều hơn nước của đại dương . Quý Thầy nên biết sữa của người mẹ là những giọt máu kết tinh thành những dòng sữa ngọt truyền đạt qua cho con , mỗi ngày đứa con bụ bẫm lớn lên đã rút tỉa tàn phá thân hình của người mẹ khô gầy héo mòn , chết sớm cũng vì con”. (Kinh Tương Ưng)

“Người con nào giàu có mà không biết hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ đó là cửa ngõ đưa đến bại vong”. (Kinh Đại Vân)

“Người nào muốn báo ơn nghĩa to lớn cả cha mẹ , không có cách nào hơn là phát tâm Bồ đề cầu giác ngộ , rồi tìm cách hướng dẫn người thân của mình và chúng sanh đồng phát tâm Bồ đề , đó là cách báo ân rốt ráo”. (Kinh Phương Tiện Phật Báo Ân)

“ Người con chí hiếu dù có gặp đại nạn như tai trời , ách nước , địa chấn…. sẽ thoát hiểm một cách an toàn. Nếu giàu thì được hưởng trọn vẹn gia tài không bị nghịch cảnh, chướng duyên , nội nghịch ngoại thù , luật vua phép nước , trộm cướp mất mùa… Nếu nghèo thì đời sống trong sạch thanh nhàn, trời người yêu thương, danh thơm xông khắp , không bị cảnh nợ nần khổ sở , ít bịnh tật , được tăng tuổi thọ… Sau khi chết đuợc sanh Thiên”. (Kinh Hạnh Phúc)

“Giữa các loài hai chân
Chánh giác là tối thắng
Trong các loài con cái
Hiếu thuận là tối thắng”.
(Kinh Tăng Chi I)

Như bài viết: “Lời Phật dạy về công ơn cha mẹ“, chúng ta đã thấy đức Phật nói thật cụ thể, rõ ràng về ơn cha nghĩa mẹ và những phương cách báo hiếu thông thường mà ai cũng có thể làm được.

Rất mong rằng tất cả chúng ta đều ghi lòng tạc dạ, luôn nhớ nghĩ đến ân nghĩa sinh thành sâu dày thâm trọng của cha mẹ để tìm cách đáp đền trong muôn một.

Tâm Chơn
Nguồn: http://loiphatday.org/loi-phat-day-ve-cong-on-cha-me

Friday, July 18, 2014

Vấn Đề Quy Y Lại

Có một Phật tử gửi thư cho tôi và đặt câu hỏi về vấn đề quy y. Tôi xin ghi lại và trả lời, mong rằng có thể giải tỏa khúc mắc cho những người cùng cảnh ngộ.

Nguyên văn lá thư:
Kính bạch thầy,
Đây là câu chuyên có thật 100% nơi con ở, nhưng con xin phép dấu tên những nhân vật trong câu chuyện.
Có hai vợ chồng Phật tử A lớn tuổi, đã đi chùa lâu năm tại một ngôi chùa B lớn nhất nơi con ở. Họ đã quy y Tam Bảo với HT trụ trì C, và tro cốt của cha mẹ họ cũng được thờ tại ngôi chùa nầy. Anh chị A là người bình dân, mặc dù đi chùa lâu năm nhưng không biết nhiều giáo lý đạo Phật, một phần khác vì HT trụ trì C không giảng dạy giáo lý cho Phật tử. Sinh hoạt chính của chùa là lễ lạc, tụng niệm, và cúng tế.
Có lần nọ anh chị A đi đến một chùa D trong một dịp lễ lớn. Chùa D là một ngôi chùa mới do một Đại Đức trẻ thành lập. Trong ngày lễ ấy, có vị HT E từ Cali đến thuyết giảng.
Vài tuần sau đó, khi anh chị A trở lại đi lễ ngày chủ nhật ở chùa B, khi gặp anh chị vào chùa, HT C bảo anh chị: "Anh chị đi lộn chùa rồi, đây không phải là chùa D". Anh chị tưởng là HT nói đùa nên bỏ qua và vẫn đến chùa sinh hoạt bình thường như trước.

Nhưng vài tuần sau đó HT B vẫn nói cùng một câu ấy với thái độ không hài lòng và cuối cùng bảo: "Anh chị có ra đi thì nhớ đem theo tro cốt của cha mẹ anh chị đi luôn" !!!
Thế rồi anh chị A đã mang tro cốt của cha mẹ mình ra khỏi chùa B với sự đau khổ và thắc mắc "Đi chùa khác là một trọng tội lớn như vậy sao?". Từ trước anh chị A đã không mấy thích pháp danh của mình (vì không hiểu được ý nghĩa của nó), nay lại càng không thích hơn nữa vì có xích mích với vị Thầy đặt ra pháp danh ấy. Mỗi khi nghe ai gọi mình bằng pháp danh là anh chị không vui, có khi bực bội nữa.
Sau đó anh chị chuyển qua đi chùa D. Chùa này có HT E thường đến thuyết giảng một năm đôi ba lần. Anh chị A rất quý kính HT E và ngỏ lời xin quy y lại, vì anh chị cảm thấy như mình là những đứa con lạc loài, không nơi nương tựa. Ngoài việc muốn có một thầy Bổn sư khác, anh chị còn muốn có pháp danh khác, bởi vì mỗi khi nghe bạn đạo gọi mình bằng pháp danh cũ thì nó khơi lại lại niềm đau.
Nhưng lời cầu xin của anh chị đã bị HT E từ chối, mặc dù biết hoàn cảnh của anh chị A đã bị thầy Bổn sư đuổi đi trong oan ức. HT E từ chối và ngài dạy: "Quy y là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng chứ không phải quy y vị Thầy làm lễ quy y cho mình. Vị thầy ấy chỉ đại diện Phật để truyền tam quy ngũ giới cho mình thôi. Vả lại thầy Bổn sư của quý vị còn đó, thầy không thể nhận lời. Nếu muốn thì thầy chỉ có thể làm Y chỉ sư cho quý vị mà thôi".

Anh chị A đã cầu xin HT E nhiều lần nhưng HT vẫn từ chối.
Anh chị A vẫn kính trọng HT E như xưa nhưng không còn tha thiết đến việc đi chùa nữa, vì trong lòng họ cảm thấy như mình là con không Cha. Mặc dù Phật vẫn ngồi đó trong mỗi ngôi chùa mà họ bước đến, nhưng họ cảm giác đức Phật quá xa vời đối với họ, bởi vì họ bị đuổi xô, bị bỏ rơi, không có nơi nương tựa.
Nghe xong câu chuyện con rất bùi ngùi cho hoàn cảnh của anh chị A vì chính bản thân con, con cũng thấy vai trò của người THẦY trong lòng Phật tử rất là quan trọng. Vị Thầy như người cha đang cầm ngọn đuốc dẫn đường cho các con đi theo trong màn đêm dày đặc bóng tối.

Mặc dù Phật có dạy: "Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi". Nhưng với con thì con không thể lấy lửa để mồi cho ngọn đuốc của con từ hư không. Phật thì ngồi đó nín thinh, con ngồi đối diện với Ngài mỗi ngày, nhìn Ngài và hít thở ra vô hoài mà không thấy được chút ánh sáng
(trí tuệ) nào.

Kinh Phật con thỉnh về đầy kệ sách, con có tụng, có đọc nhưng cũng không mồi được ngọn đuốc của con từ kinh sách. Con cần một vị Thầy soi đường chỉ lối, vì người ta vẫn thường nói: “Không thầy đố mày làm nên” hoặc “Tầm thầy học đạo”. Con cần một vị Thầy có ngọn đuốc trí tuệ để cho con mồi lấy ánh sáng, rồi từ đó con mới có được ngọn đuốc của riêng con để soi đường cho chính cuộc hành trình của mình như lời Phật dạy.
Chính cái ý nghĩ về "Ngọn Đuốc" này, làm con có vài câu hỏi qua câu chuyện trên:
1/ Có một quy luật nào trong đạo Phật, quy định cho người Phật tử không được quy y lại hay không?
2/ Một Phật tử khi quyết định quy y lại là vì họ có riêng một lý do nào đó và họ là những người tha thiết tìm cầu học đạo (nếu không họ chẳng màng gì đến việc quy y hay không quy y). Vậy thì quý Thầy có nên tùy thuận chúng sinh để chấp nhận cho họ xin quy y lại hay không?


Xin trả lời:
1/ Trong giới luật, từ giới Sa di, giới Tỳ Kheo, đến giới Bồ Tát, và các bộ luật Tứ Phần, luật Ngũ Phần, Yết Ma Yếu Chỉ, Giới Đàn Tăng, v.v… không có quy luật nào cấm không cho Phật tử quy y lại.
2/ Trong các buổi lễ quy y, vị thầy truyền giới thường nhắc nhở cho Phật tử biết là quy y Tam Bảo tức là “quy y Phật, Pháp, Tăng chứ không phải quy y vị Thầy làm lễ quy y cho mình”. Vì sao cần phải nhắc như thế? Có hai lý do:

· Bởi vì có những vị thầy dùng lễ quy y để khiến Phật tử trở thành đệ tử của riêng mình, lệ thuộc mình, và không muốn họ đi tu học với quý thầy ở chùa khác.
· Nhắc nhở Phật tử không nên dính mắc, ái luyến với vị thầy Bổn sư, chỉ biết cung phụng, tôn sùng thầy mình mà lơ là không chịu học hỏi với quý thầy khác.
Nhắc nhở như trên không có nghĩa là người Phật tử không được quyền quy y lại.
Giới luật của Phật chế ra không bao giờ có những điều luật cứng ngắt. Giới có “khai, giá, trì, phạm”, tức là có những trường hợp cần phải uyển chuyển thay đổi cho phù hợp hoàn cảnh (khai), có trường hợp phải ngăn cản (giá), có trường hợp phải giữ gìn bằng mọi giá (trì), có trường hợp phải làm, nếu không làm là phạm.
Thí dụ như giới thứ năm của ngũ giới là “Không được uống rượu”. Nhưng nếu gặp trường hợp đặc biệt như bị bệnh nặng cần phải uống thuốc có chất rượu thì đức Phật cũng khai cho, tức là cho phép uống đến khi lành bệnh.

Giới “Không được uống rượu” do chính đức Phật chế ra mà Ngài còn uyển chuyển thay đổi tùy trường hợp, huống chi “không cho quy y lại” không phải là giới do đức Phật chế ra !
Mục đích của giới là “phòng phi chỉ ác”, tức là đề phòng không làm điều sai quấy. Theo Đại thừa với tinh thần Bồ Tát đạo thì quý thầy thường tạo mọi phương tiện giúp người Phật tử phát tâm bồ đề, tăng trưởng niềm tin nơi Tam Bảo, có lý đâu lại câu nệ những điều tiểu tiết không cho quy y lại, khiến họ mất tín tâm, oán ghét chư tăng, bỏ đi chùa. Làm như thế là vô tình phá mất hạt giống bồ đề của họ.
Còn chuyện Bổn Sư và Y Chỉ Sư thường chỉ áp dụng cho giới xuất gia, chứ không phải cho hàng tại gia. Trong sách Giới Đàn Tăng
(HT Thích Thiện Hòa, trang 193) nói: “Có Tỳ Kheo mới thọ giới, Hòa thượng (Bổn sư) mạng chung, không người dạy bảo, nên không giữ oai nghi làm các việc phi pháp.

Các Tỳ Kheo bạch Phật, Phật cho lập A-xà-lê” (Acarya) có nghĩa là Giáo thọ sư hay Y chỉ sư. Trong sách Yết Ma Yếu Chỉ (HT Thích Trí Thủ, trang 178) nói: “Thông thường, vị Y chỉ sư chính là Bổn sư thế độ cho xuất gia, và cũng là Hòa thượng truyền giới cụ túc.

Tuy nhiên có những trường hợp đặc biệt, hoặc Hòa thượng tịch hoặc bãi đạo, thì phải tìm đến một vị Thượng tọa đủ các đức tính, thỉnh cầu làm Y chỉ sư, sống nương theo vị này mà học đạo”.

Trong luật Tứ Phần, đức Phật chế, tỳ kheo xuất gia chưa đủ 5 tuổi hạ thì không được phép rời thầy Y chỉ mà sống riêng biệt một mình, vì mới xuất gia cần phải nương theo thầy mà học đạo. Nếu học chưa xong mà thầy viên tịch thì phải đi tìm thầy khác mà y chỉ.
Người tại gia cư sĩ không sống với thầy Bổn sư mà sống với gia đình nên không bị lệ thuộc vào quy luật trên, tức là không cần phải có Y chỉ sư. Họ muốn đi chùa nào hay học đạo với bất cứ thầy nào cũng đều được cả.
Vẫn biết quy y Tam Bảo là quy y Phật, Pháp, Tăng, chứ không phải quy y vị thầy làm lễ, nhưng vị thầy làm lễ là người đại diện cho Tam Bảo, cần phải có đạo đức, tài đức để gây một ấn tượng tốt trong tâm của giới tử (trong đạo gọi là đắc giới). Thiết nghĩ một vị thầy truyền giới có đầy đủ đức hạnh thì ít khi nào người Phật tử lại bỏ đi và muốn quy y lại.

Tuy nhiên cũng có một số Phật tử muốn quy y lại vì những lý do sau đây:

  1. Hồi nhỏ được cha mẹ dẫn đi chùa, làm lễ quy y mà không hiểu gì nhiều. Ngày nay lớn lên được học đạo, hiểu đạo nên muốn quy y lại để ý thức được sự thiêng liêng của lễ quy y.
  2. Trước kia theo bạn đi chùa, mọi người rủ quy y thì làm theo. Nhưng sau một thời gian thì xảy ra chuyện phiền não với chùa, với thầy và mất tín tâm. Đến khi có duyên đi chùa khác gặp được một vị thầy khai mở tâm trí, nên họ muốn quy y lại với vị thầy này.
  3. Có những người đã quy y và không có gì phiền não với thầy Bổn sư, nhưng khi gặp cơ hội các vị tôn túc lớn như quý Hòa thượng đạo cao đức trọng truyền lễ quy y thì họ muốn quy y lại để gieo duyên với quý ngài.
Cả ba lý do quy y lại như trên đều là điều tốt, không có gì trở ngại.
Ngày nay, các bậc tôn túc trưởng thượng như Đức Dalai Lama, Hòa Thượng Tịnh Không, Hòa Thượng Thanh Từ, Thiền Sư Nhất Hạnh đều cho các Phật tử quy y lại.

Các buổi lễ quy y có hàng trăm người, quý ngài đâu có dò hỏi hay tuyên bố không cho những ai đã quy rồi thì không được quy y lại! Ngoài ra, quý thầy Trung Hoa, và Tây Tạng thường khuyến khích Phật tử quy y lại mỗi khi có dịp, để củng cố giới thể hoặc phục hồi giới thể trong trường hợp đã phạm giới.

Thích Trí Siêu
Theo quangduc.com