Sunday, March 17, 2013

PHÁP ẤN PHẢI CÓ NIẾT BÀN

Điều thứ hai đại chúng được học là trong ba Pháp ấn của đạo Bụt phải có Pháp ấn Niết bàn. Nhiều vị kinh sư của Thượng tọa bộ đã bị ám ảnh bởi ý niệm về khổ cho nên đã thay thế Pháp ấn Niết bàn bằng Pháp ấn Khổ. Kinh Chiên Đà (Channa), kinh 262 của bộ Tạp A Hàm, còn giữ lại được nguyên vẹn công thức của ba Pháp ấn: chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh (anityāh sarvasamskārāh, nirātmānah sarvadharmāh, santam nirvānam). Công thức này được lặp lại tới năm lần trong kinh này. Kinh Channa của tạng Pāli cũng nói tới chuyện thầy Channa đi cầu Pháp, nhưng đã bỏ mất Pháp ấn thứ ba là Niết bàn, tuy nhiên không dám thêm vào pháp ấn Khổ, sợ nói nếu tất cả các pháp đều là Khổ thì như thế là vơ đũa cả nắm, cho các pháp Tứ diệu đế, Bát chánh đạo v.v... của Bụt cũng là Khổ. Đó là lời giải thích về sau của các tổ Thượng tọa bộ.
Tam Pháp ấn là ba dấu ấn rất quan trọng trong Phật pháp. Thiếu Pháp ấn thứ ba là Niết bàn thì giáo lý không thể đích thực là giáo lý của Bụt.
Trên bình diện Tích môn ta thấy có sinh diệt, không, có người tạo nghiệp người thọ báo, có pháp hữu vi pháp vô vi, nhưng trên bình diện Bản môn thì ta phải thấy được tự tính của các pháp là không sinh không diệt, không có, không không, không tác giả không thọ giả, không hữu vi cũng không vô vi. Đó là lời Bụt dạy trong các kinh Ưu Đà Na và Như Thị Ngữ: có cái vô sinh, vô hữu, vô tác và vô hành. Thật tướng của các pháp là vô thường và vô ngã nhưng thật tướng của các pháp cũng là Niết bàn, do đó Niết bàn có thể tìm thấy trong sinh tử chứ không phải ngoài sinh tử. Truyền thống Bắc tông còn giữ lại được ba pháp ấn nguyên vẹn, và chính bộ Đại Trí Độ Luận của thầy Long Thọ cũng xác nhận ba pháp ấn là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Chính công phu quán chiếu về Vô thường và Vô ngã đưa tới sự tiếp cận Niết bàn tức là thể tính bất sinh bất diệt của vạn pháp.
Vô thường không làm ra khổ
Tứ diệu đế bắt đầu bằng xác nhận sự có mặt của khổ đau, nhưng không phải Tứ diệu đế chỉ nói về khổ đau. Sự thực (đế) thứ ba là Diệt, có nghĩa là sự vắng mặt của khổ đau (nirodha) cũng có nghĩa là sự có mặt của sự lắng dịu và của hạnh phúc, kể cả hạnh phúc của Niết bàn. Nhưng cái ám ảnh về Khổ đã làm khuất lấp sự thực ấy, cho đến nỗi người ta có khuynh hướng cho tất cả là Khổ, quên mất trong cái tất cả ấy có Bụt, có Pháp, có Tăng, có con đường đi về Niết bàn an lạc. Những cái ấy đâu phải là khổ cho nên nói tất cả là vô thường vô ngã thì đúng mà nói tất cả là Khổ là không đúng. Cái ám ảnh này do thái độ giáo điều cố chấp mà có. Nó đi cả vào trong kinh văn và trong phép hành trì. “Đạo nhân thanh cố khởi” nghĩa là nếu thành đạo được cũng do mình lặp đi lặp lại cái công thức “idam dukkhan ti”, “cái này là khổ, cái này là khổ.” Phải than khổ như thế nhiều lần trong ngày thì mới mong thấy được con đường Bát chánh đạo. Vì vậy khổ là thức ăn nuôi Bát chánh đạo (dukkhāhāro maggangam maggapariyantanti).
Đoạn kinh sau đây, được lặp lại cả mấy trăm lần trong các bộ Nikaya và A hàm, là một chứng tích của cái ám ảnh đó được đưa vào trong kinh tạng, chỉ một vài trăm năm sau khi Bụt nhập diệt:
- Này các thầy Khất sĩ! Các thầy nghĩ sao? Sắc là thường hay vô thường?
- Bạch đức Thế Tôn, vô thường.
- Thọ, tưởng, hành và thức là thường hay vô thường?
- Bạch đức Thế Tôn, vô thường.
- Vậy thì những gì vô thường là khổ hay là lạc?
- Bạch đức Thế Tôn, khổ.
- Vậy thì những gì vô thường, khổ, luôn luôn biến dịch ấy, mình có thể nói rằng: cái này là của tôi, tôi là cái này, cái này là cái ngã của tôi không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.
(Tương Ưng Bộ, 22.59)
Theo tinh thần của đoạn kinh văn này, vô thường là nguyên do của khổ đau. Sự thực không phải như vậy. Vô thường có thể là nguyên do của giải thoát, của an lạc, của hạnh phúc. Thử hỏi: nếu không có vô thường thì hạt bắp làm sao trở thành được cây bắp cho ta có trái ăn? Nếu không vô thường thì một người có bệnh không bao giờ được chữa lành, một chế độ độc tài không bao giờ được trở nên dân chủ, một phiền não không bao giờ được chuyển hóa để trở thành một bồ đề.
Nguyên do của cái khổ không phải là vô thường mà là cái tri giác sai lầm của ta về sự vật: sự vật vô thường mà ta cứ cho chúng là thường cho nên ta khổ. Uẩn, xứ và giới là vô thường và vô ngã, nhưng vì chúng ta cho chúng là thường, vì chúng ta vướng mắc vào chúng cho nên chúng ta khổ. Nói vô thường là nguyên do của khổ đau là vu oan cho Bụt. Vô thường là một cái thấy giúp ta tiếp cận được với vô ngã, với duyên sinh và sau đó với Niết bàn. Vô thường rất mầu nhiệm. Đó là một ngón tay chỉ cho ta thấy mặt trăng. Nó là cứu tinh của ta.
Thấy được như thế, ta có thể phục hồi được nguyên ý của Bụt, bằng đoạn kinh văn sau đây:
- Này các vị khất sĩ! Các thầy nghĩ sao? Sắc là thường hay vô thường?
- Bạch đức Thế Tôn, vô thường.
- Thọ, tưởng, hành và thức là thường hay vô thường?
- Bạch đức Thế Tôn, vô thường.
- Vậy thì những gì vô thường ấy, luôn luôn biến diệt trong từng sát na ấy, ta có thể gọi chúng là những cái ngã không? Ta có thể nói rằng: “cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là cái tôi của tôi” không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.
- Này các vị khất sĩ! Quán chiếu về vô thường, về vô ngã, người hành giả sẽ đạt tới cái thấy duyên sinh, trung đạo, không sinh diệt, không có không, không tới đi, không thường đoạn, đó là Niết bàn, là sự lắng dịu, là giải thoát mọi niềm đau, là niềm vui cứu cánh.
Đọc đoạn kinh văn tân tu này ta thấy mọi chữ mọi câu đều có tính liễu nghĩa, không đưa lại cảm giác tiêu cực, bi quan và sự hiểu lầm như khi ta đọc đoạn trước. Vì vậy phục hồi được tam Pháp ấn rất quan trọng. Với sàng lọc tam Pháp ấn ta có thể tóm bắt được rất nhiều con sâu rọm từ bên ngoài đưa vào và từ sự bất cẩn trong quá trình truyền thừa đưa xuống. Hễ trùng tụng sai lầm một lần là sự sai lầm trở thành đồng bộ, giống như trong máy tính. Cho nên có không biết bao nhiêu là sai lầm và mâu thuẫn trong đại tạng. Vì thế chư tổ đã căn dặn: y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan. Bụt đã bị oan nhiều rồi, ta phải sử dụng những phương pháp khoa học như khảo cổ học và văn bản học để minh oan bớt cho Ngài.
 TS Thích Nhất Hạnh
(Trích Lá Thư Làng Mai 36- 2013)

Monday, March 4, 2013

Thiếu trí tuệ, con người nhìn nhận méo mó về lễ hội

Lễ hội không phải để vui chơi hay cầu xin, cúng bái

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, lễ hội ngày nay đã bị biến tướng, mất đi nhiều giá trị tốt đẹp vốn có.

“Con người đang nhìn nhận sai lầm về lễ hội, dẫn đến những ứng xử sai lầm” – ông khẳng định.

Theo phân tích của ông, lễ hội gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Cái lễ mà rất nhiều người đang hiểu, thực sự không phải là lễ mà là cúng bái. Thực tế lễ hội không phải hướng đến cúng bái. Cúng bái chỉ là thuộc tính của một lĩnh vực thuộc lễ chứ không phải chiếm toàn bộ của lễ. Vì lễ hội đã bị người ta hiểu lầm giữa “lễ” là cúng bái” và “hội” là vui chơi nên dẫn đến hành xử sai lầm.

Không có một nghĩa nào của chữ “hội” là vui chơi cả. Chữ hội chỉ mang một nghĩa “là tập hợp một cộng đồng nhất định nào đó”. Lễ hội là tập hợp một cộng đồng để thực hiện những điều về lễ. Vậy thì “lễ” là vấn đề chính trong “lễ hội” chứ không phải là cái “hội”.

“Suy cho cùng, lễ hội là giáo dục con người đi đến đích là yêu thiên nhiên đồng nội, yêu cộng đồng và đỉnh cao là tinh thần yêu. Lễ hội kéo con người ra khỏi tính cá nhân để trở về với cộng đồng, cho nên mới có câu “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc nhà…. “Thánh” ở đây là văn hóa, là tinh thần chung chứ không phải là một ông thần vu vơ ban lộc theo cách nhìn hèn hạ bây giờ” – ông chia sẻ.

Chứng kiến việc người dân lên chùa, đi lễ hội để cầu cúng, ông khẳng định tất cả đều do họ không hiểu được bản chất của lễ hội, không tìm hiểu về những thứ mà mình đang tin, đang hướng đến.

Ông giải thích: “Rõ ràng, lễ hội không phải là dịp để con người cúng bái, cầu xin. Chính vì không hiểu được bản chất lễ hội nên người ta còn coi hội là trò chơi. Ít ai chịu tìm để hiểu được, thực ra những trò diễn trong lễ hội đều gắn với thiên nhiên vũ trụ bảo vệ con người. Sự thiếu hiểu biết khiến nhiều lễ hội biến tướng, méo mó như hội trọi trâu, trọi gà đều nhuốm màu trần tục.

Cái lễ, ít nhất trong lễ hội, nổi bật lên 4 ứng xử cơ bản: Một là ứng xử với thần linh, theo nhận thức rõ ràng của người Việt: Thần linh là một thứ công cụ tinh thần cao cả, vì con người mà tồn tại, là điển hình của Chân – Thiện – Mỹ. Hai là ứng xử với cộng đồng. Ba là ứng xử với tông tộc họ hàng và thứ Tư, là ứng xử với chính mình.

Qua lễ hội, con người tự nguyện thoát thân phận cố hữu của mình là tính cá nhân, đi làm việc làng, tìm lấy chỗ đứng của mình trong cộng đồng, tìm vinh quang ở làng xã. Không có vinh quang ấy, ko có hoạt động ấy thì cuộc sống của con người trở nên tẻ lạnh vô cùng. Con người sẽ cô đơn giữa rừng người, trở thành bơ vơ trong một tế bào lớn là cộng đồng làng xã. Ngoài ra còn có những mối quan hệ khác như là quan hệ với thiên nhiên, vũ trụ và nhiều lĩnh vực văn hóa khác nữa…”

Đừng “đem rác rưởi của trần gian ùa vào cõi thiêng liêng”

Cho rằng, bằng những hành xử thiếu hiểu biết của mình, một bộ phận người dân đang “đem rác rưởi của trần gian vào cõi thiêng liêng”, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền khẳng định: “Nếu không dùng trí tuệ để hiểu thì con người chỉ nhìn thấy trong lễ hội những trò chơi và gắn với mê tín dị đoan, mọi ước vọng đều gắn với cá nhân, tầm thường. Những giá trị tinh thần trong lễ hội bị méo mó dẫn đến nhiều sai trái, tai họa”.

Sai trái, tai họa này chủ yếu đến từ những bộ óc thực dụng, hèn kém vật chất hóa lễ hội, làm mất đi tinh thần cao đẹp vốn có của lễ hội.

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhấn mạnh, những bộ óc thực dụng kiểu này thường phổ biến ở những thành phần có tiền, “phất” lên nhờ khủng hoảng tất yếu trên con đường phát triển của xã hội. Chính những kẻ có tiền, với niềm tin mê muội, hèn kém và không có trí tuệ làm bệ đỡ đã đua nhau bôi nhọ thần linh bởi sự mù quáng của họ.

“Người ta lấy cúng bài để cầu xin làm trọng, dẫn đến nảy sinh, phát triển ý thức “trần sao âm vậy”, “tốt lễ dễ thưa”, cúng đồ mặn, thắp hương vô tội vạ, gài cả tiền vào tay, nhét cả tiền vào mồm Phật, bẻ tay bụt, cướp đồ lễ làm của riêng cầu những điều xấu xa, ẩn thiện của riêng mình.

Suy cho cùng, đó chính là việc đem rác rưởi của trần gian ùa vào cõi thiêng liêng. Thần linh nào chịu được hàng trăm bài khấn của hàng trăm gia đình đều giống nhau? Thần linh nào chịu được cả bó hương đốt sặc sụa, nghi ngút?”
Theo vietnamnet.vn