Saturday, May 28, 2011

Trở lại Thái Lan

Lâu nay nghe bạn bè nói đi từ Việt Nam đến Thái Lan qua đường bộ Campuchia cũng dễ dàng nên tôi thử một chuyến xem thế nào. Mục đích của chuyến đi là để biết lộ trình đường bộ và cũng để quan sát sơ qua hoàn cảnh đất nước và đời sống sinh hoạt của người Campchia thế nào.

Khởi hành từ đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, Sài Gòn xe đi đến cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh khoảng gần 11 giờ trưa. Sau khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hai nước khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, xe tiếp tục đi và ghé vào quán cho hành khách dùng cơm. Ấn tượng để lại trong tôi tại cửa khẩu của Việt Nam là sự chậm chạp và lộn xộn như các bến xe. Hành khách không xếp hàng theo thứ tự mà đứng chen nhau. Những hành khách đi theo đoàn thì có trưởng đoàn vào làm thủ tục xuất cảnh nhưng cách làm thì khá chậm chạp vì một phần do thiếu phương tiện như ở các sân bay. Những hành khách đi riêng nếu quen hay có người quen với nhân viên thì có thể làm thủ tục nhanh hơn vì có chút chất ‘bôi trơn’. Phía bên xuất nhập cảnh của nước bạn thì có khá hơn nên thời gian làm thù tục cũng ít hơn.

Qua đất nước Campuchia, cảnh vật không khác mấy so với cảnh vật thuộc các tỉnh biên giới của Việt Nam. Nếu không có những dòng chữ bằng tiếng khmer hay âm thanh phát ra từ những người bản địa thì có lẽ tôi nghĩ mình đang ở trên đất Việt. Từ biên giới đến thủ đô Phnom Penh, đường xá cũng tốt nhưng chật hẹp và dơ. Đời sống của người dân vẫn còn nghèo nàn và lối sống của họ cũng lộn xộn không khác gì ở Việt Nam. Xe 2 bánh chiếm đa số và ý thức chấp hành luật lệ của họ cũng còn kém. Do đó, người bạn Campuchia than rằng lái xe 2 bánh nguy hiểm lắm, ngày nào cũng có tai nạn chết người vì người dân lái xe thiếu ý thức và bất cẩn. Tôi cũng chia sẽ nỗi lo của tôi với người bạn vì ở Việt Nam tình trạng ấy cũng không khá hơn, không chừng còn tồi hơn nữa.

Lối sinh hoạt, đi lại, nói năng, quán xá, giao thông…hầu như giống ở Việt Nam. Vừa đến bến xe là có những tài xế xe tuktuk, xe ôm đến chào hỏi để đưa khách đi nhưng có vẻ họ không tranh giành khốc liệt như ở Việt Nam. Dọc theo các con đường, các hàng quán bày bán đủ thứ cũng như Việt Nam. Các quán ăn cũng khá nhiều trên các ngã đường. Tuy nhiên, giá cả sinh hoạt ở đây đắt hơn ở Việt Nam và ngay cả Thái Lan. Một người Campuchia mà tôi quen trên chuyến xe giải thích là giá cả đắt vì hầu như tất cả mọi thứ đều phải nhập vào từ các nước. Ở Campuchia, tiền dollar Mỹ trở thành đồng tiền thứ hai mà người dân sử dụng. Bất cứ người dân buôn bán nào, ngay cả bán hàng rong cũng có tiền đô trong túi. Cho nên, khách du lịch khỏi phải lo chuyện đổi tiền, cứ mang tiền dollar Mỹ thì mua bao nhiêu họ thối lại, hoặc tiền đô hoặc tiền Campuchia (Riel) tùy số lượng.

Ở lại một đêm nơi nhà khách, sáng hôm sau mua vé từ Phnom Penh đi tới cửa khẩu Poipet rồi qua Bangkok. Đoạn này khá xa nên mất nhiều thời gian. Từ thủ đô xe chạy đón khách dọc các trạm của công ty và nghỉ ăn uống, khoảng 2 giờ 30 chiều là xe đến Poipet. Trên đoạn đường khoảng 400 km, vì đường nhỏ nên xe không thể chạy nhanh. Khi xe ngừng dọc các trạm, những người bán hàng rong ở dưới hay có khi lên xe rao bán. Có một bé trai khoảng trên dưới 10 tuổi người Việt bán bánh mời tôi mua. Nghe em nói tiếng Việt nên tôi hỏi vài câu và mua giúp em mấy cái bánh. Tôi đã nghe từ lâu là có rất nhiều người Việt sinh sống trên đất Campuchia và hôm nay tình cờ tôi gặp được em. Mặc dù cũng có rất nhiều em bé đồng lứa với em bán hàng rong nhưng chỉ có em làm tôi nhớ về thời thơ ấu của mình. Có lẽ vì em nói tiếng Việt vậy. Tuổi thơ của tôi cũng từng có thời gian bán như em bây giờ. Thứ mà tôi bán là nước đun sôi và bánh tráng hay bánh đa. Lúc ấy, tôi chỉ bán cho hành khách đi tàu khi những chuyến tàu ngừng lại chờ đường đi.

Sau khi làm thủ tục tại cửa khẩu Poipet xong, khoảng hơn 3 giờ chiều, chúng tôi ngồi chờ cho đủ khách nên đến 4 giờ xe mới chạy. Đường xá ở Thái Lan rất tốt nên xe chạy rất nhanh trừ trường hợp kẹt xe. Tốc độ có khi lên đến 130 km/h là bình thường. Dọc đường xe ghé siêu thị mini 7 Eleven để hành khách nghỉ và ăn chiều rồi tiếp tục về Bangkok. Đến khoảng 8 giờ tối là xe đến Bangkok và tôi đón xe về chùa.

Hành trình đi cũng suông sẻ và thoải mái, chỉ có ngồi lâu một chút. Tiền chi tiêu cho suốt lộ trình cũng chấp nhận được. Từ Sài Gòn đến Phnom Penh đi xe Mai Linh giá vé 11 dollar Mỹ. Nghỉ nhà khách có máy lạnh khoảng 10 dollar. Vé của hãng Capitol Tours từ Phnom Penh đi Bangkok giá 16 dollar. Phía bên Campuchia thì đi xe bus của hãng, khi qua bên Thái thì sang xe mini bus 15 chỗ của Thái. Hành khách không phải trả thêm chi phí gì nữa ngoại trừ ăn uống, mua sắm. Nếu các bạn muốn thử nghiệm thì đi chuyến cho biết. Trong tương lai, tôi sẽ thử nghiệp một chuyến qua Siêm Riệp để thưởng thức khu chùa cổ Angkor. Vài thông tin chia sẻ cùng các bạn.

Friday, May 27, 2011

Chánh kiến về giới thứ bảy

Theo giới luật, tất cả những người xuất gia trọn đời hay một ngày một đêm (tức thọ giới Bát quan trai) đều lãnh thọ giới thứ bảy (theo giới bản Sa di) hay giới thứ sáu (Bát quan trai). Nội dung của giới này là không cho phép người xuất gia ‘múa hát và đi xem nghe’. Nhiều lời bàn giải về giới này nhưng tựu trung vẫn chưa có sự thống nhất chung nào. Trong khi có một số ý kiến cho rằng phải tuân thủ nghiêm mật theo giới văn thì cũng có những ý kiến cấp tiến tán thành với cách nhìn ‘phương tiện hoằng pháp’. Để hiểu và hành trì đúng lời Phật dạy và để có thể đem lại lợi lạc cho bản thân và tha nhân, chúng ta không thể không tìm hiểu bối cảnh xuất xứ và mục đích chính của nó. Do đó, chánh kiến về giới thứ bảy là điều cần thiết.

Theo giới bản của Sa di, nội dung của giới thứ bảy là : ‘Không được ca, vũ, hòa tấu, biểu diễn, hay đi xem nghe’ (HT Trí Quang dịch). Đối với người tu Bát quan trai thì giới này được gọp chung thành giới thứ sáu là ‘Không được trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và đi xem múa hát’ (HT Thiện Hoa). Căn cứ vào nội dung trên thì đối tượng bị hạn chế tham gia là người xuất gia. Giới này không thấy ghi trường hợp nào được ‘mở’ như ở một số giới khác (nói dối, uống rượu…)

Xét về tính chất quan trọng của giới thì giới này không phải là tánh giới tức bốn giới căn bản (sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói dối) nên vì thế thứ tự của nó không được đặt hàng đầu. So với giới thứ năm (không được uống rượu nhưng có sự khai mở) thì giới này cũng đứng sau tức mức độ quan trọng kém hơn nhưng lại nghiêm khắc hơn (không khai mở).

Vấn đề đặt ra là tại sao các giới quan trọng hơn lại có sự khai mở mà giới này thì không. Lời giải thích cho rằng sự khai mở của các giới quan trọng là để cứu người hay chữa bịnh trong khi giới này không có mục đích ấy. Cũng có ý cho rằng nếu nhìn sâu ta sẽ thấy sự khai mở đối với giới này vẫn có thể đem lại lợi ích lâu dài cho người khác vì đó là một hình thức truyền bá Phật pháp. Do vậy, trước khi bàn về sự khai mở, cần thiết phải hiểu đúng xuất xứ và mục đích của nó.

Theo phẩm Ngày Trai Giới, chương thứ 8, kinh Tăng Chi, đức Phật dạy: ‘Này các Tỳ-kheo, ngày trai giới thực hành thành tựu tám chi phần thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn, có biến mãn lớn.’ Trong chi phần thứ bảy đức Phật dạy: ‘Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang.’ (Bản dịch của HT Thích Minh Châu). Như vậy, lợi ích lớn ở đây là do hành trì tám chi phần (bao gồm giới không sát sanh, không trộm cắp…) chứ không phải chỉ chi phần thứ bảy mà thành tựu. Hơn nữa, thời gian đề cập ở đây chỉ là vào các ngày trai giới.

Mặc dù đức Phật nói tám pháp này với các thầy Tỳ-kheo nhưng đối tượng và mục đích là dành cho hàng cư sĩ tại gia thọ giới Bát quan trai một ngày một đêm. Lý do là hàng xuất gia thì phải hành trì tám pháp cả đời, ngày nào cũng như ngày nấy, chứ không thể chỉ hành trì vào ngày trai giới. Với hàng tại gia, trong một ngày một đêm, nếu giới tử nào phát tâm thọ trì thì phải giữ gìn giới pháp cho trọn vẹn. Điều này không quá khó vì thời gian thọ trì chỉ một ngày một đêm và chắc rằng tín tâm cần cầu giới pháp của giới tử rất mạnh nên mới phát nguyện thọ giới tu tập.

Theo giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa thì giới ‘không được múa hát và đi xem nghe’ không được đề cập. Tuy nhiên, ‘nội dung của giới này có ghi trong những điều có liên quan đến tội tác ác’ (theo tác giả Bình Anson trích dẫn). Nguyên nhân được ghi trong Tiểu phẩm của Luật tạng là do nhóm Lục sư đi xem lễ hội và ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát nên bị dân chúng phàn nàn, chê bai. Do đó, Phật chế giới này cho các Tỳ-kheo và đồng thời nói về sự tác hại của nó như làm say đắm âm điệu, bị chê cười, và mất chánh định.[1] Như vậy, xuất xứ của giới này là do dân chúng chê bai nhóm Lục sư đi xem nghe và tự ca ngâm; và mục đích của nó là để tránh tiếng xấu và hỗ trợ tu tập.

Ta biết rằng thời đức Phật còn tại thế không có nhiều Tinh xá hay chùa chiền; không có việc thờ cúng bất cứ một vị Phật quá khứ nào; không có hình thức tụng kinh như hiện nay (ngay cả tụng kinh tiếng Pali); không có các hình thức tán tụng, xướng bạch.... và chắc chắn không có văn nghệ dù đó là văn nghệ Phật giáo. Từ bối cảnh đó, chúng ta có thể suy luận rằng việc múa hát hay xem nghe chỉ có thể xảy ra bên ngoài chốn thiền môn và chỉ phục vụ cho mục đích vui chơi hay thỏa mãn sở thích ham muốn của một số vị nào đó trong chúng xuất gia. Cho nên, Phật chế giới là điều hợp lý và không có lý do gì để khai mở cả.

Trong bối cảnh thời hiện đại thì tất cả những hình thức không có thời đức Phật lại xuất hiện. Đặc biệt trong Phật giáo đại thừa, nghi lễ rất được xem trọng; trong đó, các hình thức tán tụng, lễ nhạc...chiếm một vị trí nhất định trong các sinh hoạt thiền môn. Như vậy là tăng già đã vi phạm vào giới này chăng?! Lại nữa, trong hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay có Ban văn hóa và trong ban này có nhiều chư tôn đức đảm trách các vị trí chủ chốt. Một trong những sinh hoạt nổi bậc của ban này là tổ chức các chương trình văn nghệ Phật giáo vào các ngày lễ lớn của Phật giáo. Tổ chức văn nghệ mà không xem nghe thì làm sao thưởng thức hay dỡ; tổ chức văn nghệ mà không động viên tăng ni, Phật tử và quần chúng xem nghe thì xem như thất bại; tổ chức văn nghệ mà không chọn địa điểm ở các nơi công cộng, thuận lợi thì hiệu quả xem ra không đạt. Vậy thì giới này có giữ được chăng?!

Để giải quyết khúc mắc này, thiền sư Nhất Hạnh đã viết lại giới này với nội dung như sau:

Giới thứ bảy là không vướng mắc vào các lối tiêu khiển trần tục: Ý thức được những ca khúc, phim truyện, sách báo và các trò giải trí của thế gian có thể có tác dụng độc hại cho thân tâm người xuất gia và làm mất thì giờ cho công phu tu học của mình, con nguyện không để bị chìm đắm theo những sản phẩm ấy...Thực tập giới này, vị Sa di (người xuất gia) biết rằng những bài xướng tán, thi kệ và những khúc đạo ca có công dụng chuyên chở đạo pháp giải thoát đều có thể là những phương tiện thực tập chánh niệm và vun trồng đạo tâm’

Với cách nhìn của thiền sư thì khúc mắc trên đã được giải quyết ổn thỏa. Người xuất gia không múa hát và xem nghe những sản phẩm có thể dẫn đến bị chìm đắm và sanh phiền muộn nhưng được phép sử dụng nó như là phương tiện để đưa Phật pháp vào đời. Chư tăng ni hành trì các nghi thức tán tụng...đã hóa độ rất nhiều tín đồ vào đạo và sau đó trở thành Phật tử. Các chương trình văn nghệ Phật giáo có ảnh hưởng nhất định trong việc truyền bá Phật giáo đến quần chúng.

Hơn nữa, việc tham đắm (nếu có) vào việc tán tụng kinh điển thì sao lại thị chê cười và khi hành trì đúng pháp thì sao có thể dẫn đến mất chánh định. Về múa hát và xem nghe, người ta thường bị tham đắm nơi vũ trường hay dạ hội nơi thu hút sở dục của con người chứ mấy ai mê đắm nhạc thiền Phật giáo. Nếu mọi người đều mê đắm và hát nhạc Phật giáo thì đó lại là điều phước báo cho Phật giáo và nhân loại. Do vậy, vị trí giới này trong Phật giáo xem như đã rõ.

Tinh thần ‘tùy duyên bất biến’ của Phật giáo thật vi diệu. Các giới pháp Phật chế nhằm mục đích đem đến an vui và giải thoát nên luôn phải được hiểu và hành trì đúng đắn theo bối cảnh xã hội đương thời. Phật không hề khuyến khích phải hành trì cứng nhắc các giới pháp nên chánh kiến về giới này là điều thiết thực. Có như thế, việc phổ biến Phật pháp thông qua hình thức văn nghệ và lễ nhạc mới không bị hạn chế hay trì trệ. Hy vọng văn nghệ Phật giáo phát triển mạnh hơn và có bài bản hơn để đáp ứng như cầu ngày càng nhiều của tín đồ Phật tử.



[1] http://www.tangthuphathoc.com/nghiencuuph/conencahatkhong.htm

Wednesday, May 4, 2011

Trà đạo - Họp mặt

Trong dịp hè về thăm quên hương, thăm chùa và bạn bè, tôi lại được dịp gặp lại những gương mặt thân thương – những tăng ni sinh lớp Hán văn nâng cao mà tôi có một thời cùng chung học tập. Lớp chúng tôi khởi đầu với số lượng khá đông hơn 50 vị nhưng dần dần con số ‘tốt nghiệp sớm’ đã tăng nhanh nên sĩ số cứ thế giảm dần. Mặc dù cũng có những khuôn mặt mới được bổ sung vào nhưng con số ấy cũng không làm tăng thêm là bao. Những vị ‘tốt nghiệp sớm’ là vì họ đi theo con đường khác hoặc là du học nước ngoài hoặc là đảm trách công tác Phật sự nơi các tự viện trong cũng như ngoài nước.

Một sự trùng hợp khá vui là dịp nghỉ này cũng có một sư cô bạn đồng môn từ Mỹ trở về chăm nom thầy tổ. Thế là, vào một ngày mát mẻ và đẹp trời, lớp chúng tôi có dịp gặp mặt nơi quán trà với tên gọi khá thiền vị ‘Hiện Quán’. Nơi tọa lạc của ‘Hiện Quán’ gần Đài truyền hình thành phố, trong một con hẻm khá lớn đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1.

Sau màn ăn sáng với các loại bánh truyền thống do một sư cô từ ngoại quốc trở về cúng dường là chương trình trà đạo do chủ quán đạo diễn. Chị Viên Trân – một bạn học đồng thời là chủ quán có nhiều kinh nghiệm về trà. Chị đã viết nhiều bài giới thiệu về nguồn gốc trà Việt và chị cũng khá am tường về các loại trà cũng như cách giới thiệu, cách pha và uống trà khá ấn tượng. Ngoài ra, chị còn có tài biết đàn những bài dân ca trầm bổng, du dương để tạo không khí thiền vị cho quán trà. Nếu một lần đến quán trà của chị, các bạn sẽ thưởng lãm được nhiều hơn những gì vừa đọc.

Trong hơn mười loại trà mà chị giới thiệu và sẽ phục vụ trong buổi trà đạo – họp mặt, chúng tôi chỉ mới thưởng thức được 6 loại. Trong 6 loại mà chúng tôi thưởng thức, có một loại trà nghe tên rất ấn tượng là ‘bách tuế trà’ tức là trà 700 năm. Bách tuế trà là tên gọi của nó hay nó đã trải qua 700 năm hay là uống vào sẽ trường thọ hay gì gì đó thì tùy sự thưởng thức của quý vị. Chỉ khi nào thưởng thức nó thì sự cảm nhận mới có thể đầy đủ được, phải không thưa các bạn!

Vài dòng cảm nhận nơi đây là sự bày tỏ niềm tri ân, trước hết là thầy giáo thọ, kế đến là bạn bè đã tham dự buổi họp mặt, và nhất là chủ quán đã dành cho chúng tôi thời gian thật ấm cúng và đầy tình đạo vị. Vài hình ảnh ghi lại trong buổi trà đạo xin chia sẻ cùng các bạn thưởng lãm.

Chị Viên Trân chủ quán và cô Nguyên Nhuận


Tập thể lớp Hán văn nâng cao

Thầy Minh Quang - giáo thọ của lớp Hán văn nâng cao
(ngồi bên phải từ trong nhìn ra)

Sunday, May 1, 2011

Mừng Phật Đản

Tháng tư ngày hội đản sinh

Người người con Phật đinh ninh nhớ ngày

Tam quy tự tánh tròn đầy

Vầng trăng tuệ giác đêm ngày nào vơi

Dẫu rằng vật đổi sao dời

Mừng ngày Phật đản đời đời không quên

Tin yêu vững chãi móng nền

Bốn lời nguyện lớn đáp đền viên dung

Thời gian vô thủy vô chung

Ưu Đàm hoa vẫn vô cùng tỏa hương

Bước chân xuôi ngược dặm trường

Mừng ngày khánh đản trọn thường niềm vui

HT Thích Trí Giác Trụ trì Tổ đình Minh Tịnh cảm tác

Sống! Sống! sống!

Sống không giận, không hờn, không oán trách

Sống mỉm cười với thử thách chông gai

Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai

Sống an hòa với những người chung sống

Sống là động nhưng tâm luôn bất động

Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương

Sống yên vui danh lợi mãi coi thường

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến


Sưu tầm