Friday, June 14, 2013

Thơ mộng những bãi biển Quy Nhơn

Cập nhật 08:44, Thứ Bảy, 15/06/2013 (GMT+7)
Quy Nhơn có nhiều bãi biển đẹp, ví dụ như bãi biển Chính, bãi Bầu, bãi Dại, bãi Dài, bãi Nhơn Lý, bãi Quy Hòa, bãi Xép, bãi Bàng...
Ngoài bãi Chính chạy dọc theo thành phố có bờ cát rất lài, có lưới bảo vệ, tắm được, sóng luôn mạnh và gió thật trong lành... thì những bãi khác đều là những bãi đá và cát hoang sơ chỉ để ngắm nhìn và tận hưởng gió mát chứ ít có công trình du lịch, do vậy mà biển Quy Nhơn như những thiên đường của tạo hóa. Bài viết xin đề cập tới hai bãi biển là bãi Bàng và bãi Xép.
Bãi Bàng


Nằm nép mình dưới chân đường Quy Nhơn - Sông Cầu, ở vị trí giáp ranh giữa thành phố Quy Nhơn và huyện Sông Cầu (Phú Yên). Cách TP Quy Nhơn 12km, khu du lịch Bãi Bàng như một cái gạch nối gắn liền giữa núi và biển.

Núi xanh, biển xanh và rừng cây xanh đã làm nên sự dịu mát của mùa hè ở biển. Những ngày nghỉ cuối tuần, Bãi Bàng thu hút nhiều khách du lịch ở TP Quy Nhơn đến nghỉ ngơi, giải trí, tắm biển, câu cá...
Được bao bọc bởi những dãy núi chạy dài uốn hình cánh cung vươn ra biển và những hòn đảo ngoài khơi, biển Bãi Bàng sạch đẹp, xanh mát, hiền hòa, là nơi tắm biển lý tưởng. Những ngôi nhà sàn nho nhỏ, những chiếc võng đong đưa dưới tán cây xanh, hàng dừa trĩu quả, rặng phi lao lả lơi, những chậu cây kiểng cổ thụ được cắt tỉa công phu... đã góp phần làm nên nét thi vị cho khu du lịch mini này.

Sau khi tắm biển hoặc câu cá, dạo rừng, leo núi, leo gành, tham quan làng chài Bãi Bàng... du khách có thể thưởng thức đặc sản gà chỉ, các loại hải sản tươi sống được chế biến khéo léo, ngon miệng nhưng giá cả rất bình dân.
Khu du lịch Bãi Bàng không thu tiền vé vào cổng. Tại đây có cho thuê nhà chòi, đồ tắm, phao bơi, kính lặn...
Bãi Xép

Từ thành phố Quy Nhơn, ta theo đường Quy Nhơn - Sông Cầu hướng về phía Nam. Chạy xe máy đúng 10km sẽ đến cầu Bãi Xép, rẽ vào con đường bê tông đổ xuống con dốc ngắn vài chục mét là đến điểm du lịch sinh thái Bãi Xép - nơi giao hòa giữa trời mây non nước, bốn mùa ngát xanh.


Từ một vùng đất vốn là triền núi hoang sơ, bên rừng bên biển, 6 năm qua, theo cùng với sự hình thành con đường Quy Nhơn - Sông Cầu, chủ nhân nơi đây đã dành nhiều thời gian, kinh phí và công sức, để từng bước xây dựng vùng biển - núi rộng 4 ha này thành một điểm Du lịch sinh thái đầy hấp dẫn, nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, thư giãn cuối tuần của nhân dân Tp. Quy Nhơn.
Nhiều du khách trong và ngoài nước, trên đường du lịch xuyên Việt, cũng đã ghé lại nơi này để đắm mình trước cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Đặc biệt, du khách ở các tỉnh Tây Nguyên xuống Quy Nhơn hầu hết đều chọn Bãi Xép để nghỉ ngơi, tắm biển, câu cá suốt cả ngày.


Ở Bãi Xép, vườn cây ăn quả, rừng dừa, rừng dương, bãi cỏ xanh, biển xanh và núi xanh... tất cả đều là một màu xanh làm dịu mát những ngày hè nắng gắt. Lợi thế của điểm du lịch sinh thái này là tuy nằm sát bãi biển nhưng lại ở trên một khu đất cao, từ đây có thể mở tầm mắt hướng về dãy Phương Mai, hòn Ngang, hòn Đất và vịnh biển Quy Nhơn xinh đẹp.

Đặc biệt, về ban đêm, ngồi ở nhà vọng cảnh của điểm du lịch Bãi Xép, du khách có thể ngắm nhìn thành phố Quy Nhơn rực rỡ ánh đèn màu cùng hàng trăm bè khai thác tôm hùm giống với những ngọn đèn như sao sa trên biển, thật thơ mộng và huyền ảo.

Đến với điểm Du lịch sinh thái Bãi Xép, du khách sẽ được thư giãn trước cảnh quan thiên nhiên được tôn tạo, chăm sóc bởi bàn tay con người, đi kèm với những dịch vụ phục vụ du khách vui chơi, giải trí, dạo rừng, tắm biển, câu cá (khách tự mang theo cần câu)...
Nếu có một chút máu phiêu lưu, mạo hiểm, du khách có thể đi theo dòng suối, ngược về phía tây khoảng hơn 1 km, đến địa điểm suối Vàng, sẽ bắt gặp một thiên nhiên hoang dã với rừng cây, thác nước... đầy hấp dẫn.

Ở nơi này có phục vụ đầy đủ thức ăn như cơm, bún, phở... Trong đó có đặc sản biển, gà thả vườn với giá cả phải chăng. Có phòng nghỉ, nhà sàn với giá mềm và không thu tiền vé vào cổng. Ngoài ra còn có các dịch vụ khác như cho thuê phao bơi, đồ tắm, kính lặn...
Báo Bình Định

Sunday, June 9, 2013

Lễ hằng thuận: nét đẹp văn hóa

Lể cưới được tổ chức tại chùa theo nghi thức Phật giáo được gọi là Lễ Hằng thuận. Người khởi xướng ra nghi lễ Hằng thuận là ông Đồ Nam Tử. Ông tên thật là Nguyễn Trọng Thuật (1883 - 1940) quê ở Hải Dương. Ông vốn là một nhà nho, sau ông chuyển qua đạo Phật và là người cổ vũ phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà.
Ông Đồ Nam Tử cho rằng đạo Phật nên được dấn thân và hoà hợp vào quần chúng. Vào năm 1930, bác sỹ Tâm Minh -  Lê Đình Thám là một trong những cư sĩ tiên phong và có công rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo vào những thập niên đầu thế kỷ XX, người sáng lập nên Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục - Gia đình Phật hóa phổ (1940), tiền thân của Gia đình Phật tử (1951) đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm - Huế. Có thể nói đây là lễ cưới đầu tiên trước cửa Phật được chư Tăng chứng minh. Hưởng ứng theo lời kêu gọi của ông Đồ Nam Tử, vào năm 1971 Hoà thượng Thích Thiện Hoa đã dùng hai chữ Hằng thuận để chỉ việc kết hôn trước cửa Phật.
Hằng là luôn luôn, thuận là hòa thuận. Muốn luôn luôn hòa thuận với nhau, thì cả hai đều phải biết tương kính nhường nhịn nhau. Đó cũng là ý nghĩa của chiếc nhẫn mà tổ tiên ta đã bày ra cho mọi người noi theo. Người Phật tử muốn tìm lại cái không khí mái ấm gia đình của quê hương thân thiết ngày nào trong tình tự hài hòa của một dân tộc, thì không đâu hơn bằng mái ấm đầy tình người của một ngôi chùa.          
“Mái chùa che chở hồn dân tộc,
 Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Do đó, mà sự tổ chức một lễ cưới tại chùa cũng mang lại nhiều ý nghĩa cho đời sống tâm linh của chú rể và cô dâu sau này.
Buổi lễ diễn ra trước sự chứng kiến của hai họ và trước Tam Bảo chứng minh, nhứt là lại được nghe những điều giảng dạy về đạo đức làm người trong đời sống hôn nhân theo tinh thần Phật dạy trong kinh Thiện Sanh của chư Tăng Ni. Từ đây, sẽ gây một ấn tượng sâu đậm thêm trong việc đối xử của đôi nam nữ sau nầy, nhứt là, ý nghĩa rất sâu xa của chiếc nhẫn.
Khi chú rể và cô dâu trao nhẫn cưới cho nhau, điều đó nói lên, biểu trưng cho việc cư xử trong tinh thần nhường nhịn yêu thương tương kính lẫn nhau của hai người.Cuộc sống lứa đôi nếu thiếu đi yếu tính này, thì khó có thể xây dựng được hạnh phúc lâu bền. Do đó, khi hai bên trao nhẫn cho nhau, dưới sự chứng minh của Tam Bảo và hai họ, thì đây quả là một điều mang ý nghĩa thật hết sức quan trọng. Vì thế mới gọi đây là lễ hằng thuận.
Việc tổ chức một nghi thức đơn giản cho lễ cưới của người Phật tử trong chùa, mặc dù, đây không phải là một truyền thống của Phật giáo, nhưng nó cũng nói lên một ý nghĩa đặc thù trong chiều hướng xây dựng hạnh phúc gia đình trong tinh thần yêu thương qua nếp sống cư xử hòa kính của người Phật tử. Những lời phát nguyện trước Tam Bảo của cô dâu và chú rễ,  có một tác động rất mạnh mẽ cho đời sống tâm linh về sau. Vì thế, mà việc tổ chức lễ cưới trong chùa, nó cũng mang lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp và rất là hữu ích vậy.
Hằng thuận là một nét đẹp trong đời sống lứa đôi. Trước Tam bảo, đôi bạn phát nguyện sống chung hạnh phúc theo 5 nguyên tắc đạo đức cơ bản của Phật giáo, một mặt, tạo nền tảng tâm linh hướng thượng cho đời sống gia đình, mặt khác, "lời hứa" trước Tam bảo sẽ có sức mạnh nâng đỡ cho đôi bạn vượt qua những trắc trở trong đời sống sau hôn nhân.
Đứng trên bình diện nào đó, việc làm này cần nên khuyến khích và các chùa cũng nên tạo điều kiện cho Phật tử đến chùa làm lễ hằng thuận. Tôn giáo hợp thức hóa đời sống lứa đôi, tôn giáo giúp cân bằng đời sống tâm linh và vật chất, tạo nên một đời sống hướng thượng. Trong khi gia đình là một tế bào của xã hội - Một tế bào tốt sẽ là điều kiện tốt để cấu tạo nên một cơ thể lành mạnh.
Tuy nhiên, hằng thuận chỉ thật sự có ý nghĩa khi đôi bạn trẻ cùng muốn hướng đến một đời sống hôn nhân tốt đẹp. Cùng với tình yêu thương, ý thức trách nhiệm và mục đích sống, đôi bạn trẻ cùng nhau xây đắp ngôi nhà hạnh phúc trên nền tảng đạo đức Phật giáo cho hạnh phúc được bền lâu.
Xuất phát từ mục đích tốt đẹp đó, lễ hằng thuận là một cầu nối giữa đạo và đời, giữa hạnh nguyện giải thoát và ước nguyện xây dựng một xã hội tốt đẹp của chư Tăng và hàng Phật tử tại gia.

Giác Hoa (Tổng hợp)

Lễ hằng thuận

Lễ hằng thuận là một "thuật ngữ" khá thông dụng dùng để chỉ cho nghi thức tổ chức lễ cưới ở chùa. Tại buổi lễ, nếu đôi bạn trẻ được vị chủ lễ trao truyền Tam quy, Ngũ giới thì buổi lễ sẽ được gọi thêm là Lễ hằng thuận quy y. 

Hiện nay, đám cưới ở chùa không còn là một "hiện tượng lạ" khi ngày càng có nhiều bạn trẻ muốn khởi sự đời sống lứa đôi của mình bằng một lễ thức thiêng liêng thay vì một lễ hội. Hôn nhân, vì vậy, đã trở thành một lời phát nguyện dưới sự chứng minh của chư Phật và chư Tăng: một đời sống chung với ý thức và trách nhiệm được bắt đầu bằng hai chữ "hằng thuận"...
 Lên chùa làm lễ thành hôn...
"Đây là điều rất mới đối với đạo Phật!", TT Thích Viên Giác, trụ trì chùa Từ Tân, khẳng định. "Từ ngày chấn hưng Phật giáo, một số Phật tử đã nghĩ đến việc lên chùa tổ chức lễ cưới cho con em mình dưới sự chứng minh của Tam bảo. Thế nhưng, cho đến nay, trải qua hai phần ba thế kỷ, có người vẫn cho rằng việc cử hành hôn lễ ngay trước bàn Phật là đi ngược lại với mục đích giải thoát của đạo Phật", TT cho biết thêm. 
Tuy nhiên, trên thực tế, những suy nghĩ như thế không nhiều, vì vậy, nhiều Phật tử đã nghĩ đến việc lên chùa cung thỉnh chư Tăng hộ niệm cho hôn lễ của mình. Trong khói trầm ngào ngạt, trong lời kinh nhiệm mầu, trong sắc y vàng rực rỡ và lời khuyến nhủ của chư Tăng, hôn lễ diễn ra với tất cả sự trang nghiêm, thành kính - chắp cánh cho đời sống hôn nhân bay bổng giữa đôi bờ thiêng liêng và trần tục. "Hôn nhân là một bước ngoặt lớn trong đời; hạnh phúc là sự hòa hợp giữa đời sống tâm linh và vật chất, giữa tình thương yêu và sự hướng thượng… nên một buổi lễ phát nguyện hằng thuận tại chùa là điều cần thiết đối với một Phật tử", một bạn trẻ cho biết.
Quả thật, ngày càng có nhiều Phật tử lên chùa xin tổ chức lễ thành hôn. Đám cưới tại chùa trở thành một nét văn hóa đối với Phật giáo nói riêng và xã hội nói chung. "Chúng ta không nên áp đặt giới luật của người xuất gia lên hàng cư sĩ tại gia. Khi Đức Phật còn tại thế, chính Ngài cũng đã nhiều lần khuyến nhủ hàng Phật tử tại gia sống đời sống gia đình theo đúng Chánh pháp cũng như đạo đức xã hội qua qua các bài kinh Thiện Sanh, kinh Đảnh lễ sáu phương…", nhiều vị trụ trì cho biết như vậy khi chúng tôi đặt vấn đề: nên hay không việc cử hành hôn lễ cho Phật tử tại chùa? Các ngài còn cho biết: "Chứng minh và hộ niệm cho hôn lễ của Phật tử là việc làm tùy thuận của chư Tăng. Hơn nữa, việc làm này cũng chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho người Phật tử tại gia Phật hóa gia đình, xây dựng đời sống gia đình hướng thiện".
Nghi thức hôn lễ tổ chức tại chùa được tiến hành như một buổi lễ cầu an với những tên gọi như: Nghi thức cầu an lễ thành hôn; Nghi thức lễ thành hôn; Nghi thức hộ niệm hôn lễ…; đơn giản hơn, nhiều người gọi là lễ thành hôn hay lễ đám cưới tại chùa. Trong nghi thức này, phần "lễ thức" thường được chú trọng hơn phần "nghi lễ" - phần chính của lễ hằng thuận chính là bài pháp ngắn của vị chủ lễ trước khi trao nhẫn cho cô dâu chú rể, khuyên đôi bạn trẻ sống đúng với Chánh pháp và đạo lý ở đời…
Thử truy tìm nguồn gốc và tên gọi của lễ hằng thuận
Ai cũng biết rằng nghi thức hằng thuận ra đời trong khoảng sáu, bảy mươi năm gần đây. Nhưng cụ thể, đó là vào thời điểm nào, do ai đặt ra, ai là người đầu tiên đến chùa làm lễ hằng thuận… thì điều đó, ngay cả những nhân vật gắn liền với Phong trào Chấn hưng Phật giáo như cư sĩ Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm,… vẫn không thể trả lời chính xác. Phải chăng, đó chỉ là những sự kiện nhỏ trong một thời kỳ đầy biến động nên đã mờ đi trong ký ức của mọi người? 
… Trong số những người con của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, hiện chỉ còn duy nhất người con trai út là bác Lê Đình Lực, 72 tuổi, sống tại số 194, đường Giải Phóng, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Trò chuyện với chúng tôi, bác cho biết: "Vào khoảng năm 1939 hay 1940 gì đấy, lúc đó tôi còn quá nhỏ, gia đình tôi ở Bến Ngự, tôi nhớ bố tôi đã tổ chức lễ cưới cho chị Lê Thị Hoành, chị đầu của tôi, tại chùa Từ Đàm. Nhưng bây giờ chị ấy mất rồi, chỉ còn lại anh Hoàng Văn Tầm, anh rể tôi, đang ở đường Trung Liệt, TP.Hà Nội…". Cụ Hoàng Văn Tầm, rể cả của cụ Lê Đình Thám, năm nay cũng đã 90. Hiện cụ rất yếu, giao tiếp khá khó khăn, nhưng trí nhớ của cụ vẫn còn khá tốt. Cụ cho biết: "Đó là ngày 3-3-1940, lễ cưới của tôi và cô Hoành được tổ chức ở chùa Từ Đàm. Tôi không khẳng định được chúng tôi có phải là người đầu tiên lên chùa làm lễ cưới vào thời ấy hay không, nhưng… có lẽ chúng tôi là người đầu tiên thật, bởi trước đó, tôi chưa nghe ai lên chùa làm lễ cưới cả!".
Là một trong những cư sĩ tiên phong và có công rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo vào những thập niên đầu thế kỷ XX, người sáng lập nên Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục - Gia đình Phật hóa phổ (1940), tiền thân của Gia đình Phật tử (1951), phải chăng bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám cũng chính là người nghĩ đến việc Phật hóa gia đình bằng cách cung thỉnh chư Tăng cho phép những cận sự nam, nữ được tổ chức lễ cưới tại chùa với sự chứng minh của Tam bảo, và người con gái đầu lòng của bác sĩ chính là người Phật tử đầu tiên thực hiện lễ thức này?
Riêng đối với hai chữ "hằng thuận", tuy được sử dụng khá rộng rãi, nhưng qua tìm hiểu từ sách vở cũng như tham vấn trực tiếp chư tôn đức và những cư sĩ lớn tuổi, chúng tôi vẫn chưa xác định được "hằng thuận" nguyên nghĩa là gì, do ai đặt ra? Bởi theo cụ Hoàng Văn Tầm và Lê Đình Lực thì: "Tôi chưa nghe đến hai chữ hằng thuận như thế bao giờ!". Cư sĩ Võ Đình Cường và cư sĩ Tống Hồ Cầm cũng cho rằng: "Tôi không nhớ rõ lắm… nhưng hình như vào thời điểm chấn hưng Phật giáo, chúng tôi chưa từng nghe đến hai chữ hằng thuận…".
Trong ba bản: Nghi thức lễ thành hôn của HT Thích Thiện Hòa, Nghi thức cầu an lễ thành hôn của HT Thích Trí Thủ và Nghi thức hộ niệm hôn lễ của HT Thích Nhất Hạnh mà chúng tôi hiện có được, bản của HT Thiện Hòa được viết và in thành sách sớm nhất, năm 1971, trong đó, hai chữ "hằng thuận" được HT nhắc đến một lần duy nhất ở phần hồi huớng: "Hằng thuận công đức thù thắng hạnh…", hai bản còn lại không hề nhắc đến chữ này. Vậy phải chăng HT Thiện Hòa là người đầu tiên xác nhận "hằng thuận" chính là nghi thức cử hành hôn lễ tại chùa bằng văn bản? 
Về ý nghĩa của hai chữ "hằng thuận", qua tham vấn chư vị tôn túc, chúng tôi ghi nhận được hai quan điểm: 1. Hằng thuận nghĩa là tùy thuận chúng sanh mà thực hiện (theo hạnh Bồ tát của chư Tăng); 2. Hằng thuận nghĩa là thường sống với nhau hòa thuận (theo đạo vợ chồng). Trong Hoa ngọc lan, HT Thích Chơn Thiện viết: "nhà chùa đã phương tiện thực hiện theo yêu cầu của các gia chủ, và gọi đó là lễ hằng thuận. Hằng thuận vừa mang ý nghĩa phương tiện "hằng thuận chúng sanh" của nhà chùa, vừa mang ý nghĩa hướng dẫn người đời sống hằng thuận". Riêng TT Viên Giác còn đặt vấn đề: "Chữ hằng trong quẻ dịch là đạo vợ chồng. Hằng thuận, nếu hiểu theo nghĩa ấy chính là sống thuận theo đạo vợ chồng, một đạo lý sống chung hòa hợp. Đạo lý sống chung đó nhà Phật thiết lập để cung cấp cho những cặp vợ chồng sống chung hạnh phúc theo năm nguyên tắc đạo đức của người Phật tử (5 giới cấm). Tuy nhiên, theo tôi được biết, nhiều vị trụ trì vẫn ngại dùng chữ hằng thuận vì hiện nay từ ngữ này vẫn chưa được đặt một cơ sở lý giải vững vàng để trở thành thuật ngữ của Phật giáo".
Đôi điều suy nghĩ
Hằng thuận là một nét đẹp trong đời sống lứa đôi. Đối trước Tam bảo, đôi bạn phát nguyện sống chung hạnh phúc theo 5 nguyên tắc đạo đức cơ bản của Phật giáo, một mặt, tạo nền tảng tâm linh hướng thượng cho đời sống gia đình, mặt khác, "lời hứa" trước Tam bảo sẽ có sức mạnh nâng đỡ cho đôi bạn vượt qua những trắc trở trong đời sống sau hôn nhân. Đứng trên bình diện nào đó, việc làm này cần nên khuyến khích và vị trụ trì cũng nên tạo điều kiện cho Phật tử đến chùa làm lễ hằng thuận. Tôn giáo hợp thức hóa đời sống lứa đôi, tôn giáo giúp cân bằng đời sống tâm linh và vật chất, tạo nên một đời sống hướng thượng. Trong khi gia đình là một tế bào của xã hội - một tế bào tốt sẽ là điều kiện tốt để cấu tạo nên một cơ thể lành mạnh.
Tuy nhiên, hằng thuận chỉ thật sự có ý nghĩa khi đôi bạn trẻ cùng muốn hướng đến một đời sống hôn nhân tốt đẹp. Cùng với tình yêu thương, ý thức trách nhiệm và mục đích sống, đôi bạn trẻ cùng nhau xây đắp ngôi nhà hạnh phúc trên nền tảng đạo đức Phật giáo cho hạnh phúc được bền lâu. Nếu không như vậy, quả thật, hằng thuận chỉ là một việc làm "tùy thuận" theo xu thế thời đại, đánh mất đi tinh thần và trí tuệ của Phật giáo - hằng thuận, như thế, quả thật, không nên tổ chức ngay trước bàn Phật!
Xuất phát từ mục đích tốt đẹp đó, lễ hằng thuận là một cầu nối giữa đạo và đời, giữa hạnh nguyện giải thoát và ước nguyện xây dựng một xã hội tốt đẹp của chư Tăng và hàng Phật tử tại gia.

 
Khi Tây đám cưới ở chùa Ta! 
Đó là buổi lễ hằng thuận của anh John Matthews (người Canada) và chị S.R. Mills (người Anh) tại Ni viện Vạn Hạnh ngày 4-12-2004. Anh là giáo viên Trường Korea International và chị là giáo viên Anh văn Hội Việt-Mỹ, TP.HCM. Lễ cưới của John Matthews và S.R. Mills diễn ra tuy đơn giản nhưng rất trang nghiêm, đúng theo nghi thức lễ hằng thuận của Phật giáo dưới sự chứng minh của Ni sư trụ trì và Ni chúng Ni viện Vạn Hạnh cùng sự có mặt của khá nhiều bạn bè đồng nghiệp. Tuy không rành tiếng Việt lắm và cần phải có người phiên dịch những lời khuyến nhủ của Ni sư, nhưng anh chị vẫn cảm nhận được tất cả niềm hạnh phúc thiêng liêng trong một không gian ấm áp. Sau buổi lễ, anh cho biết: "Mặc dù tại quê nhà, tôi cũng đã nhiều lần đến chùa và đọc sách Phật, nhưng khi đến Vạn Hạnh, tôi mới thật sự thấy mình có duyên đối với Phật pháp. Ban đầu, tôi không nghĩ rằng chùa sẽ tổ chức lễ cưới và lại tổ chức tốt như vậy. Tôi thật sự xúc động và mong rằng sau lễ cưới này, chúng tôi sẽ trở thành những Phật tử thật sự".
Lễ cưới chín trăm nghìn!
Tức 900.000đ cho một lễ cưới với đầy đủ phần "lễ" và "tiệc" và cả một ban nhạc… sống! Đó là lễ hằng thuận của đôi bạn trẻ Vinh và Tuyết được tổ chức tại chùa Từ Tân (Q.Tân Bình). Rất có thể đây là đám cưới ít tốn kém nhất thành phố nhưng vẫn hiện diện đông đủ bà con hai họ cùng bạn bè thân hữu. Đôi bạn trẻ là thành viên của Gia đình Phật tử chùa Từ Tân, là những công nhân từ miền Trung xa xôi vào thành phố lập nghiệp. Chùa đã tạo điều kiện cho đôi Phật tử thuần thành này làm lễ hằng thuận với một bữa chay thân mật tại chùa - tất cả chỉ tốn kém 900.000đ. Ban nhạc của GĐPT cũng giúp vui cho buỗi lễ bằng những bài nhạc đạo và bài hát về lễ hằng thuận do các anh chị em Phật tử tự sáng tác. Thân mật, ấm áp, thiêng liêng nhưng vẫn không quá sơ sài cho một đám cưới nghèo - bởi vì đó là một lễ hằng thuận!
Quảng Kiến

Saturday, June 8, 2013

Vài suy nghĩ về nguyên nhân Phật giáo thịnh suy



Là người học Phật, ai cũng biết vô thường là một trong ba pháp thuộc giáo lý Tam Pháp Ấn (Vô thường, Khổ, Vô ngã theo Phật giáo nam truyền hay Vô thường, Vô ngã, Niết bàn). Nói đến vô thường là nói đến sự thay đổi hoặc là tốt hơn hay xấu hơn, phát triển hay suy vong, tiến bộ hay lạc hậu…Khi mọi sự vật hiện tượng tồn tại khách quan đều không thể thoát ra khỏi quy luật vô thường thì sự thịnh suy của một tổ chức như Phật giáo cũng là tất yếu. Theo Phật giáo, sự thay đổi nào cũng đều có thể truy về quy luật nhân quả. Do đó, truy tìm nguyên nhân đưa đến sự thịnh suy và tìm kiếm giải pháp để duy trì sự cường thịnh và tránh sự suy vong của Phật giáo là một việc đáng làm, nhất là trong giai đoạn Phật giáo đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Trên tinh thần đó, người viết sẽ dựa vào phần trích dẫn của bài Kinh Đại Bát Niết Bàn trong Kinh Trường Bộ để phân tích lời Phật dạy về vấn đề liên quan. Bài viết cũng sẽ trích dẫn nguyên nhân đưa đến sự tiêu vong của Phật giáo ở Ấn Độ, sự suy yếu của Phật giáo Việt Nam sau thời Lý Trần. Qua đó, một số đề xuất sẽ được đưa ra để tham khảo và thảo luận cùng với chư thiện hữu tri thức có ưu tư về vấn đề này trên tinh thần chia sẻ, học hỏi.
Sự thịnh suy theo Kinh Đại Bát Niết Bàn
Bài kinh mở đầu bằng việc đại thần của vua Ajatasattu (A-xà-thế) nước Magadha (Ma-kiệt-đà) tuân lệnh quốc chủ đến đảnh lễ đức Thế Tôn và trình bày ý vua muốn chinh phục và tiêu diệt dân chúng Vajji, nhằm lắng nghe tôn ý của đức Thế Tôn như thế nào. Đức Phật không trả lời trực tiếp cho vị đại thần mà khéo léo hỏi thị giả A-nan đang hầu một bên về sinh hoạt của dân chúng Vajii. Bảy điều được đức Phật nêu ra và khẳng định nếu chúng được tuân thủ thì sự cường thịnh sẽ có mặt. Nhân đó, đức Phật dạy cho các thầy tỳ kheo bảy pháp làm cho chúng tỳ kheo cường thịnh, không bị suy giảm. Bảy pháp ấy gồm “(1) thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo; (2) tụ họp, giải tán và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết; (3) không ban hành những luật lệ trái giới luật, không hủy bỏ những luật lệ phù hợp giới luật, và sống đúng với những học giới đã được ban hành; (4) tôn kính, đảnh lễ, cúng dường các bậc tỳ kheo trưởng thượng và nghe theo lời dạy của họ; (5) không bị chi phối bởi tham ái đưa đến tái sanh; (6) thích sống những nơi nhàn tịnh; (7) tự thân an trú chánh niệm khiến các bạn đồng tu chưa đến muốn đến và đã đến được sống an lạc.” Bảy điều kiện trên có thể rút ngắn là thực hiện đời sống đoàn kết trong chúng, tôn trọng và sống đúng giới luật, tôn kính cúng dường bậc trưởng lão và thường tham vấn họ, xa lìa tham ái đưa đến tái sanh và luôn sống chánh niệm để làm cho bạn đồng tu được sống an lạc. Nói một cách khác, chúng tỳ kheo sẽ cường thịnh khi tập thể ấy sống theo giới luật, biết học hỏi bậc minh sư và có an lạc do hành trì lời Phật dạy. Ngược lại, sự suy giảm sẽ xuất hiện.
Sự thịnh suy của Phật giáo hầu như phụ thuộc vào hàng Tăng bảo. Trong giai đoạn kinh điển được lưu truyền bằng con đường truyền khẩu thì sự sống còn của Phật pháp hoàn toàn do Tăng bảo quyết định. Muốn tìm hiểu, học hỏi chánh pháp tức nội dung tam tạng kinh điển, người ta phải tìm đến các tăng ni. Bởi vì, chính họ là những người thông thuộc kinh điển, người có hành trì và do đó là nguồn độc quyền và đáng tin cậy nhất. Cùng quan điểm này, Giáo sư Gombrich, một nhà nguyên cứu Phật giáo nổi tiếng nhận định: “người ta chỉ có thể tiếp cận lời Phật dạy thông qua Tăng già, những người duy trì và giảng giải lời dạy ấy.”[1] Khi kinh điển được biên tập và lưu truyền bằng văn bản, người ta có thể tiếp cận giáo pháp bằng cách tự đọc kinh sách hay tìm học nơi các tăng ni. Tuy nhiên, hàng Tăng bảo, những người có học và có hành trì lời Phật dạy vẫn là nơi đáng tin cậy nhất. Sự hiện diện của những người xuất gia có hành trì đóng vai trò quan trọng và quyết định sự sinh tồn của Phật giáo bởi vì dù kinh điển vẫn còn nhưng không còn hàng Tăng bảo thì Phật giáo vẫn bị tiêu vong, ít nhất là đúng trong trường hợp ở Ấn Độ. Ta có thể nói rằng kinh điển không hoàn toàn bị tiêu hủy ở Ấn Độ ít nhất cho đến khi không còn bóng người xuất gia. Kinh điển tại đại học Na-lan-đa bị đốt cháy hoàn toàn không có nghĩa là không còn kinh điển bởi không có chứng cứ nào cho rằng chỉ có Na-lan-đà độc quyền chứa kinh điển. Còn bao nhiêu trường đại học khác và nhiều tự viện cũng như hàng triệu gia đình Phật tử. Không lẻ tất cả họ không giữ một số kinh sách. Chắc chắn là kinh điển vẫn còn sau biến cố đau thương ấy nhưng không còn người kế thừa lưu giữ, tu tập, và giảng dạy nên dần dần chúng bị hủy hoại theo thời gian. Như vậy theo nội dung trên, Phật giáo thịnh khi chúng tỳ kheo thịnh, Phật giáo suy giảm và tiêu vong khi chúng tỳ kheo suy và biến mất. Một câu hỏi đặt ra là tại sao Phật giáo có hai chúng gồm xuất gia và tại gia nhưng khi chúng xuất gia mất thì Phật pháp không được duy trì? Phật giáo là độc quyền của hàng xuất gia chăng? Trước khi trả lời câu hỏi, chúng ta hãy tìm hiểu nguyên nhân Phật giáo suy vong ở Ấn Độ.
Nguyên nhân Phật giáo suy vong ở Ấn Độ
Trong bài “Vì sao Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ”[2] do D.C Ahir một học giả người Ấn Độ viết và Trần Đức Phi Bằng dịch phổ biến, tác giả đã đưa ra một số nguyên nhân sau:
Nguyên nhân bên ngoài gồm: Một là sự xung đột giữa Bà-la-môn giáo và Phật giáo. Hai là sự thù giận và ghét bỏ của các Bà-la-môn hành nghề tế lễ. Ba là Phật giáo không những bị mất sự ủng hộ của nhà cầm quyền mà còn bị đàn áp, phá hủy. Bốn là âm mưu tiêu diệt Phật giáo của người Hồi giáo. Năm là Phật giáo bị đồng hóa.
Nguyên nhân bên trong: Thứ nhất tăng sĩ xao lãng việc tu tập, thờ ơ với sứ mệnh truyền chánh pháp phụng sự xã hội, đánh mất sự giao hảo gần gũi với quần chúng. Thứ hai, Phật giáo không có tổ chức cư sĩ để giảng dạy, truyền bá và bảo vệ tôn giáo của mình. Do đó, họ chỉ đứng nhìn mà không giúp được gì khi các tu viện bị cướp phá, xúc phạm và các tăng sĩ bị trục xuất hay giết hại. Thứ ba, thiếu vắng những nghi thức cho các sinh hoạt liên quan đến đời sống văn hóa, tập tục xã hội như hôn nhân, tang tế. Và cuối cùng là tín đồ mê tín dị đoan.
Theo tác giả, những nguyên nhân làm Phật giáo bị suy vong tại Ấn Độ không phải bên trong mà là bên ngoài. Chính sự đàn áp, giết hại, và phá hoại của Ân Độ giáo và sau đó là Hồi giáo khiến cho tăng sĩ bị giết, chùa chiền bị san bằng, kinh điển bị tiêu hủy đưa đến Phật giáo bị xóa sổ. Ông cũng bác quan điểm cho rằng Phật giáo suy tàn là do Tăng già suy đồi vì điều đó chỉ ảnh hướng đến việc truyền bá và duy trì Phật pháp hơn là suy vong. Người viết cũng đồng ý với quan điểm này. Tổ chức Phật giáo cho dù có suy đồi vẫn có những bậc chân tu, đạo đức cho quần chúng nương tựa. Nếu không có sự phá hoại của bên ngoài thì Phật giáo chỉ có thể thịnh hoặc suy giảm mà không thể suy tàn được.
Cũng theo Từ điển bách khoa toàn thư Phật giáo (Encyclopaedic Dictionary of Buddhism) xuất bản năm 1998, Samir Nath đưa ra 12 nguyên nhân làm cho Phật giáo suy vi. Trong đó, ông cũng chỉ liệt kê 3 nguyên nhân bên trong là sự suy thoái trong Tăng già, sự chia rẻ trong Phật giáo, và thần tượng thờ phụng đức Phật. Ba nguyên nhân này cũng chỉ làm cho Phật giáo thịnh hoặc suy giảm chứ không thể suy vong. Như vậy, quan điểm của Ahir được củng cố thêm. Để làm rõ hơn quan điểm này, ta tiếp tục xem trường hợp Phật giáo suy yếu ở Việt Nam.
Nguyên nhân Phật giáo Việt Nam suy yếu sau thời Lý, Trần
Phật giáo Việt Nam cũng trải qua thăng trầm, thịnh suy theo quy luật. Theo sử liệu, Phật giáo dưới hai triều đại Lý và Trần được thừa nhận là cực thịnh và được gọi là thời vàng son của Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, điều không may mắn là Phật giáo đã không thể duy trì vị thế ấy. Từ cuối đời trần trở đi, Phật giáo suy đồi và có lúc phục hưng nhưng chưa thể so bằng với Phật giáo dưới hai triều đại ấy. “Sự suy đồi ở đây không phải là Phật giáo đánh mất ảnh hưởng trong quần chúng mà là đánh mất vai trò lãnh đạo trí thức, văn hóa và chính trị.” Nguyên nhân ở đây cũng bao gồm bên ngoài và bên trong nhưng chủ yếu là từ bên trong. Nguyên nhân bên ngoài là vua chúa hết ủng hộ Phật giáo như trước và các nhà Nho trí thức công kích Phật giáo. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do chùa chiền nhiều nên không thể quản lý tốt; tăng chúng đông nhưng thiếu học; thành phần bất hảo trà trộn vào tăng đoàn làm mất thanh danh; tăng sĩ kiêu hãnh khi được cúng dường hậu hĩnh; chùa tượng quá nhiều gây lãnh phí và gây ác cảm đối với các Nho gia; và do Phật giáo ỷ lại quá nhiều vào sự ủng hộ của thế quyền.[3] Như vậy, tình trạng nội bộ của Phật giáo ở Việt Nam cũng có phần giống như tình trạng ở Ấn Độ nhưng Phật giáo Việt Nam không bị suy vong vì Phật tử Việt Nam đã thành công trong việc bảo vệ và chống lại sự đàn áp và âm mưu tiêu diệt của ngoại đạo cuồng tín và quá khích. Đó là điều may mắn và cũng là bổn phận của Phật tử Việt Nam. Có thể Phật tử Ấn Độ cũng đấu tranh bảo vệ Phật giáo nhưng họ đã không thành công.
Nhận xét và đề xuất
Từ những dẫn chứng trên, ta có thể suy ra rằng Phật giáo thịnh hay suy yếu và cuối cùng suy vong là do những nguyên nhân từ bên ngoài lẫn bên trong. Trong khi nguyên nhân bên trong chỉ có thể làm cho Phật giáo suy yếu thì nguyên nhân bên ngoài có thể làm Phật giáo suy vong. Khi đã xác định được nguyên nhân rõ ràng cụ thể rồi, người Phật tử cần phải tìm kiếm giải pháp thích hợp. Một câu hỏi lớn là tại sao tín đồ Phật giáo không thể bảo vệ tôn giáo cao quý của mình trước kẻ ngoại đạo tấn công và phá hoại?
Phật giáo được hiểu tổng quán bao gồm Phật, Pháp và Tăng gọi là Tam bảo. Tăng già nếu hiểu rộng ra phải bao gồm cả quần chúng cư sĩ vì ý nghĩa của chữ Tăng là hòa hợp chúng. Khi hàng Tăng bảo suy đồi tức đánh mất vai trò của họ về lãnh đạo văn hóa, chính trị xã hội và đánh mất sự ảnh hưởng đối với quần chúng thì ít ra Phật và Pháp bảo vẫn còn nguyên vẹn, nhất là thời văn bản đã lưu truyền. Tuy nhiên với Phật giáo, hàng Tăng bảo không còn đồng nghĩa với Pháp bảo không còn và dẫn đến Phật bảo cũng mất. Phật giáo là tài sản chung của mọi người nhưng rõ ràng chính hàng Tăng bảo độc quyền quyết định sự tồn vong của Phật giáo. Do đó, trước nhất và trên hết để bảo vệ Phật giáo và làm cho nó cường thịnh thì phải xây dựng hàng Tăng bảo cường thịnh theo tinh thần kinh đã nên ở trên.
Tăng bảo cường thịnh là điều kiện cần, Phật tử cư sĩ phát tâm hộ trì Phật giáo mới là điều kiện đủ. Hàng tăng bảo có thể làm cho Phật giáo thịnh hay suy nhưng họ không bao giờ làm cho Phật giáo biến mất. Nói cụ thể, họ không bao giờ tự đánh mất quyền lợi của họ. Vậy thì chỉ có kẻ bên ngoài làm Phật giáo suy vong trong đó có chính người Phật giáo. Thói thường, khi Tăng bảo suy đồi thì hàng cư sĩ quay lưng với Phật giáo và có thể theo đạo khác. Quần chúng Phật tử cư sĩ là lực lượng hộ trì quan trọng mà quay lưng thì Phật giáo suy yếu. Lúc ấy, ngoại đạo tấn công phá hoại, nhất là bằng vũ trang, thì Phật giáo không đủ nội lực chống trả để bảo vệ tôn giáo của mình. Ngày nay, các tôn giáo cạnh tranh khốc liệt để thu nhận tín đồ. Họ không từ thủ đoạn, thậm chí sát hại tín đồ đạo khác. Do vậy, hướng dẫn hàng cư sĩ tu học và có trách nhiệm với tôn giáo của mình là nhiệm vụ cần phải thực hiện ngay.
Như học giả Ahir đã nêu, “Phật giáo không có tổ chức cư sĩ để giảng dạy, truyền bá và bảo vệ tôn giáo của mình. Phật giáo cũng thiếu vắng những nghi thức cho các sinh hoạt liên quan đến đời sống văn hóa, tập tục xã hội như hôn nhân, tang tế….” Do không có kế hoạch bài bản, cụ thể để đào tạo hàng cư sĩ cũng như không thiết lập nghi thức mang đậm nét Phật giáo để giáo hóa quần chúng, Phật giáo tự đánh mất vai trò của mình trong xã hội. Vì vậy, tạo dựng nét văn hóa Phật giáo trong tất cả các tập tục, lễ hội…cũng là điều cấp bách.
Kỷ niệm ngày đản sinh của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni không gì hơn là duy trì và truyền bá lời dạy của Ngài đến với mọi người. Bên cạnh tổ chức các hình thức kỷ niệm mang nét văn hóa Phật giáo, Phật tử cũng cần có chiến lược lâu dài. Xây dựng hàng tăng bảo vững mạnh, đào tạo hàng cư sĩ có thể hoằng pháp và có trách nhiệm bảo vệ Phật giáo, và thiết lập nền văn hóa Phật giáo trong tất cả các tập tục sinh hoạt cộng đồng là những hành động thiết thực cúng dường Đức Phật. Chiến lược này thành công, chắc chắn ngày Phật đản nơi nơi rợp cờ Phật giáo.




[1] Richard, F. Gombrich, Theravada Buddhism: a Social History from Ancient Benares to Modern Colombo, (New York: Routledge, 2006), p. 72.
[2] http://quangduc.com/lichsu/90visaopgsuytan.html
[3] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, (Hà Nội: NXB Văn Học, 2000), tr. 479 – 482.

Ý NGHĨA DUY NGÃ ĐỘC TÔN

Ngày lễ Phật đản, chúng ta thường được nghe nhắc đến hình ảnh đức Phật mới ra đời đi bảy bước, tay chỉ trời tay chỉ đất nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, đa số ai cũng thuộc lòng như thế. Ngày trước khi tôi còn trẻ, có một vị Phật tử thắc mắc hỏi: “Bạch Thầy, thường bài kệ phải đủ bốn câu, sao bài kệ này có hai câu, còn hai câu nữa ở đâu?” Nghe hỏi vậy, tôi chỉ còn cách là xin hẹn về tìm lại, vì thật ra lúc đó tôi cũng chỉ thuộc có hai câu.
Sau này đọc kinh A-hàm, tôi mới giật mình thực tình mình dốt rõ ràng. Trong A-hàm có ghi bốn câu đàng hoàng, chớ không phải chỉ hai câu. Bốn câu đó nguyên văn chữ Hán là:
Thiên thượng thiên hạ,
Duy ngã độc tôn.
Nhất thiết thế gian,
Sinh lão bệnh tử.

Chính bốn câu này mới nói lên hết ý nghĩa thâm trầm về câu nói của đức Phật khi mới ra đời. Chúng ta sẽ thấy tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo phát triển sai biệt ở chỗ nào? Gần đây Phật tử hay hỏi: “Đạo Phật là đạo vô ngã, tại sao đức Phật mới ra đời một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói “Duy ngã độc tôn”, như vậy Ngài đề cao cái ngã quá mức rồi, thế thì việc này có mâu thuẫn với giáo lý vô ngã không?”
Đó là vấn đề mà tất cả huynh đệ cần phải nắm cho vững. Tra cứu lại tôi thấy rõ ràng, nếu xét về bốn câu kệ đó với tinh thần Nguyên thủy thì dẫn đủ bốn câu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”, nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết. Tại sao ta hơn hết? Vì trong tất cả thế gian, ta đã vượt khỏi sanh già bệnh chết. Phật hơn tất cả thế gian vì Ngài đã qua khỏi sanh già bệnh chết. Đó là cái hơn theo tinh thần Nguyên thủy. Như vậy câu nói đó không phải đề cao cái ngã.
Tại sao chư Tổ Việt Nam không dùng hết bốn câu, lại dùng hai câu thôi, có ý nghĩa gì? Đâu phải các Ngài không đọc qua bài kệ đó, nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ có thể bị nghi ngờ ở điểm này. Bởi vì tinh thần Phật giáo Phát triển đi thẳng vào ngã của Pháp thân, chớ không phải cái ngã của thân này. Nên nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là chỉ cho ngã Pháp thân.
 Như chúng ta đã biết ngã của thân tứ đại ngũ uẩn này vô thường sanh diệt, không có nghĩa gì nên giáo lý nói vô ngã. Vô ngã là vô cái ngã tứ đại ngũ uẩn, nhưng Pháp thân là thể bất sanh bất diệt, nó trên hết. Vì vậy Phật nói “Duy ngã độc tôn”. Trong kinh Kim Cang có bài kệ “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, tức là nếu dùng sắc thấy ta, dùng âm thanh cầu ta, người đó hành đạo tà, không thể thấy Như Lai. Như vậy chữ Ngã này chỉ cho ngã gì? Ngã của Pháp thân nên không thể dùng sắc tướng, âm thanh mà cầu. Nếu ai dùng sắc tướng âm thanh mà cầu Pháp thân, đó là tà.
 Giáo lý Phát triển đề cao ngã là cái ngã Pháp thân. Theo tinh thần Phật giáo Phát triển, chúng ta tu phải giác ngộ được pháp thân, mới giải thoát sanh tử. Từ đó ta thấy tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và tinh thần Phật giáo phát triển có chỗ khác nhau. Phật giáo Nguyên thủy nhắm vào điểm Phật đã vượt qua sanh tử của chúng sanh nên nói Ngài hơn hết. Phật giáo Phát triển nhắm vào Pháp thân của chúng ta, là cái không sanh không diệt nên nói hơn hết. Hiểu như vậy mới có thể trả lời câu hỏi trên của Phật tử mà không bị lúng túng.
 Có một Phật tử hỏi chúng tôi: “Thưa Thầy, Phật tử tu theo đạo Phật, hiện tại bản thân, gia đình, xã hội có lợi ích gì?” Câu hỏi này rất thực tế, chúng ta không thể lơ là được. Thật ra vấn đề được nêu lên không phải quá khó, nhưng chúng tôi muốn dẫn lại để Tăng Ni ý thức trách nhiệm của người giảng dạy giáo lý. Chúng ta giảng dạy giáo lý phải làm sao cho Phật tử thâm hiểu, ứng dụng tu hành có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội, đó là trọng tâm của việc truyền bá chánh pháp. Chính nhờ những câu hỏi này làm cho chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng về giáo lý nhà Phật, dạy thế nào cho có lợi ích thiết thực, chớ không thể nói suông được.
 Tôi thường dạy Phật tử tu là cốt chuyển đổi ba nghiệp thân, khẩu, ý. Cho nên nói tới tu là nói tới sự chuyển hóa, biến cái dở xấu trở thành cái hay tốt. Nói cụ thể hơn về tu ba nghiệp nghĩa là ngày xưa chưa biết tu vị đó sát sanh, trộm cắp, tà dâm v.v... Bây giờ biết tu rồi thì không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Nếu tích cực hơn, hồi xưa vị đó sát sanh, bây giờ biết tu rồi chuyển lại chẳng những không sát sanh mà còn phóng sanh, không phạm tội trộm cắp mà còn tập hạnh bố thí, không tà dâm mà còn khuyến khích những người chung quanh giữ hạnh trinh bạch. Hồi xưa chưa biết tu ta nói dối, nói hai lưỡi, nói hung dữ, nói thêu dệt vô nghĩa. Bây giờ chặng đầu của sự tu là bớt nói dối, bớt nói hai lưỡi, bớt nói hung dữ, bớt nói thêu dệt. Qua chặng thứ hai phải tiến lên, khi xưa mình nói dối thì bây giờ luôn luôn nói lời chân thật; khi xưa nói hai lưỡi tức nói ly gián, bây giờ nói lời hòa hợp; khi xưa nói lời hung dữ ác độc, bây giờ nói lời hiền hòa nhã nhặn, khi xưa nói lời thêu dệt vô nghĩa, bây giờ nói lời hợp lý.
 Ngày xưa tâm ý nhiều tham, nhiều sân, nhiều si, bây giờ bớt tham, bớt sân, bớt si, đó là chặng số một. Qua chặng thứ hai, chẳng những bớt tham mà còn tập thương người cứu vật, chia xẻ giúp đỡ kẻ cơ hàn. Chẳng những bớt sân mà còn tập trải lòng từ bi đến khắp mọi người. Chẳng những bớt si mà còn tập mở mang trí tuệ theo chánh pháp. Như vậy thay vì tham sân si, bây giờ đổi lại thành bố thí, từ bi, trí tuệ. Đó là tu.
Nếu một Phật tử, bản thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, bớt tham sân si, như vậy có lợi ích chưa? Bản thân có lợi ích cụ thể rồi. Nếu một thành viên trong gia đình tốt như vậy, tự nhiên gia đình cũng an vui, xã hội cũng tốt theo. Rõ ràng việc tu có lợi ích thiết thực cho mọi người và xã hội.
 Lúc tôi đi giảng ở Rạch Giá với thầy Huyền Vi, đề tài giảng là giáo lý Nhị thừa. Trong đó nói về tứ thiền, bát định cho tới tứ quả Thanh văn. Vì thuộc bài nên tôi giảng tương đối cũng rõ. Sau khi giảng xong, có một Phật tử quì thưa: “Thưa Thầy, Thầy giảng về tứ thiền, bát định và tứ quả Thanh văn, chúng con nghe hiểu rồi, nhưng xin hỏi thật trong các tầng thiền định và quả vị đó, Thầy đã chứng được cái nào rồi?” Lúc đó tôi ngớ ngẩn, không trả lời được. May nhờ thầy Huyền Vi ngồi bên cạnh lanh trí, trả lời dùm tôi: “Đạo hữu quên rồi sao, trong kinh thường nói người tu chứng giống như kẻ uống nước nóng lạnh tự biết, làm sao nói cho đạo hữu nghe được”. Lần đó Thầy Huyền Vi đã trả lời cứu bồ tôi. Nhưng thật tình, khi ấy tôi rất đau. Tại sao?
 Chúng tôi cứ quen học hiểu, mà không có thì giờ tu. Một đêm nhiều lắm là tụng kinh đủ hai thời, đôi khi thiếu nữa. Nhất là làm Giảng sư được quyền nghỉ để nghiên cứu bài vở, nên tu lếu lếu thôi, chẳng có tới đâu. Chừng khi giảng mình học bài kỹ, nói cho người ta nghe hiểu, Phật tử tưởng mình đã chứng khá khá rồi, khi hỏi lại mình chới với không giải quyết được. Gặp phải câu hỏi trên, lòng tôi bất an vô cùng, vì thấy mình giống như cái máy thâu thanh. Thu lời của những bậc thầy đi trước, rồi phát ra y như vậy, chớ bản thân chưa có gì hết. Do đó tôi thầm nguyện, lúc nào đủ duyên mình phải tìm chỗ tu để yên lòng một chút, chớ nói hay mà làm không được, thật khổ tâm quá. Đó là lý do sau này tôi tìm lên núi tu thiền.
 Tôi kể lại những điều này cho Tăng Ni thấy bổn phận của một người Thầy không giản đơn như mình tưởng. Ta phải nói thế nào cho người hiểu, kế họ hỏi tới công phu tu hành mình cũng phải biết, không thể lúng túng được. Muốn thế chúng ta phải có tu. Tu thế nào? Trong các thời khóa tụng của nhà thiền, thường nhất là kinh Bát-nhã. Bát-nhã là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch trí tuệ, loại trí tuệ siêu xuất thế gian, chứ không phải trí tuệ thường. Muốn bước vào cửa thiền trước tiên phải thâm nhập lý Bát-nhã.
 Lý Bát-nhã còn được gọi là cửa Không. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Tại sao chúng ta tu thiền phải đi từ cửa Không? Vì nếu thấy thân này thật, đối với ngoại cảnh, từ con người cho tới muôn vật, chúng ta đều thấy thật hết thì tâm sẽ chạy theo nó. Bây giờ, muốn tâm không chạy theo, chúng ta phải quán sát kỹ tất cả sự vật ở ngoài cũng do duyên hợp, không thật. Cái nhà từ khoảnh đất trống, ta dựng cây cối, gạch ngói v.v… để thành cái nhà. Do vậy cái nhà là tướng duyên hợp. Do duyên hợp nên có ngày nó phải bại hoại, tường vách đổ sụp. Những gì duyên hợp đều hư dối. Từ cái nhà cho đến mọi sự mọi vật, có thứ nào không phải duyên hợp đâu, nên chúng sẽ đi đến bại hoại. Biết rõ như vậy mới không dính mắc với cảnh bên ngoài. Không dính mắc ngoại cảnh thì tâm mới an định được, còn dính mắc thì không bao giờ an định.
 Thí dụ như quý Phật tử vừa mới to tiếng với ai đó chừng nửa giờ, bây giờ vô ngồi thiền có yên không? Vừa ngồi vừa tiếp tục cãi, không cãi bằng miệng mà cãi bằng tâm. Họ nói câu đó là sao, mình phải trả lời thế nào cho xứng v.v… cứ ôn tới ôn lui hoài. Vì chúng ta thấy câu nói thật nên không bỏ được. Nếu ta quán con người đó không thật thì lời nói của họ có thật đâu, tất cả là chuyện rỗng, có gì quan trọng. Thấy vậy liền buông nhẹ. Buông được thì ngồi thiền mới yên. Cho nên trước tiên bước vào cửa thiền, chúng ta phải đi từ lý Bát-nhã, dẹp bỏ tất cả những cố chấp của mình.
 Kinh Bát-nhã nói “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc” nghĩa thế nào? Bây giờ tôi dẫn câu chuyện xưa thế này. Đời Đường, có hai vị thiền sư trẻ Trí Tạng và Huệ Tạng, đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất. Một hôm hai huynh đệ ra ngoài vườn chơi. Ngài Trí Tạng hỏi ngài Huệ Tạng:
 - Sư đệ biết bắt hư không chăng.
 Ngài Huệ Tạng trả lời:
 - Biết.
- Làm sao bắt ?
 Ngài Huệ Tạng liền đưa tay ra ôm hư không. Ngài Trí Tạng quở:
 - Bắt như vậy làm sao được hư không ?
 Ngài Huệ Tạng hỏi:
 - Huynh làm sao bắt ?
 Ngài Trí Tạng liền nắm lấy lỗ mũi Huệ Tạng lôi đi. Ngài Huệ Tạng la:
 - Nắm như vậy chết người ta, buông ra !
 Ngài Trí Tạng nói:
 - Bắt như vậy mới được hư không.
 Câu chuyện này có đạo lý gì? Lỗ mũi tuy là hình thức vật chất, nhưng bên trong trống rỗng. Nắm cái sắc thì trong đó đã có cái không rồi. Đây là nghĩa sắc tức thị không. Nếu ôm hư không bên ngoài thì làm sao nắm được hư không? Như bình hoa trước mắt chúng ta, nếu bỏ mấy cọng hoa mỗi nơi mỗi cái thì bình hoa không còn. “Bình hoa” là giả danh, do đủ duyên hợp lại mới có, nếu thiếu duyên bình hoa không còn nữa. Nên nói thể bình hoa là không, do duyên hợp tạm có. Ngay nơi bình hoa chúng ta biết tánh nó là không. Tuy tánh không nhưng đủ duyên hợp lại thì thành bình hoa.
 Như vậy lý không ở đây không phải không ngơ, mà là không có chủ thể cố định. Duyên hợp tạm có, duyên ly tán trở về không. Hoa khi phân tán khắp nơi, chỉ còn lại bình không, nếu ta cặm vào đó các hoa khác thì có bình hoa trở lại, nên nói “không tức là sắc”. Rõ ràng sắc và không đều không thật. Nói sắc nói không nhằm chỉ ra lý duyên hợp, đủ duyên thì không biến thành sắc, thiếu duyên thì sắc biến thành không. Nên ngay khi duyên hợp, tánh nó vẫn là không. Vì vậy kinh Bát-nhã nói “không” tất cả: không nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, không sắc, thanh, hương… Không là nói đến thể của tất cả các pháp. Tất cả pháp chỉ có giả danh, không có thật thể.
 Từ đó chúng ta dùng trí quán xét hết các sự vật bên ngoài, đều là duyên hợp tánh không. Biết như thế là tỉnh, hết mê. Cho nên biết được lý tánh không rồi, chúng ta mới bỏ được vọng tưởng điên đảo, các vị Bồ-tát mới có thể tu hành tiến lên thành Phật. Dùng trí tuệ Bát-nhã tức là dùng thanh kiếm bén ruồng hết sáu trần, không chấp không kẹt. Không chấp thì ngồi thiền êm ru, không nghĩ, không tính. Vừa chợt nhớ gì liền tự nhắc “Nó giả dối, có thật đâu mà nhớ”.
Thế nên bước vào cửa Không phải thấy rõ: Một, tất cả cảnh sắc đều hư dối, tự tánh là không. Hai, thân tứ đại duyên hợp hư dối, tự tánh là không. Ba, tâm vọng tưởng sanh diệt hư dối, tự tánh là không. Biết ba cái đó không thật rồi, chúng ta phải tìm cho ra cái chân thật. Đây là chỗ thiết yếu hành giả tu thiền cần phải biết. Cái thật đó lâu nay chúng ta không nhớ không biết nên chạy theo trăm thứ đảo điên. Bây giờ ta phải nhớ để nhận ra và sống lại với cái chân thật của chính mình, thì mới chấm dứt sanh tử và đau khổ.
 Hiểu rõ và thực hành đúng lời Phật dạy mới xứng đáng là đệ tử của Phật, mới có thể đền ân Phật Tổ và đầy đủ tư lương để trả nợ đàn na tín thí.
HT. Thích Thanh Từ