Friday, July 18, 2014

Vấn Đề Quy Y Lại

Có một Phật tử gửi thư cho tôi và đặt câu hỏi về vấn đề quy y. Tôi xin ghi lại và trả lời, mong rằng có thể giải tỏa khúc mắc cho những người cùng cảnh ngộ.

Nguyên văn lá thư:
Kính bạch thầy,
Đây là câu chuyên có thật 100% nơi con ở, nhưng con xin phép dấu tên những nhân vật trong câu chuyện.
Có hai vợ chồng Phật tử A lớn tuổi, đã đi chùa lâu năm tại một ngôi chùa B lớn nhất nơi con ở. Họ đã quy y Tam Bảo với HT trụ trì C, và tro cốt của cha mẹ họ cũng được thờ tại ngôi chùa nầy. Anh chị A là người bình dân, mặc dù đi chùa lâu năm nhưng không biết nhiều giáo lý đạo Phật, một phần khác vì HT trụ trì C không giảng dạy giáo lý cho Phật tử. Sinh hoạt chính của chùa là lễ lạc, tụng niệm, và cúng tế.
Có lần nọ anh chị A đi đến một chùa D trong một dịp lễ lớn. Chùa D là một ngôi chùa mới do một Đại Đức trẻ thành lập. Trong ngày lễ ấy, có vị HT E từ Cali đến thuyết giảng.
Vài tuần sau đó, khi anh chị A trở lại đi lễ ngày chủ nhật ở chùa B, khi gặp anh chị vào chùa, HT C bảo anh chị: "Anh chị đi lộn chùa rồi, đây không phải là chùa D". Anh chị tưởng là HT nói đùa nên bỏ qua và vẫn đến chùa sinh hoạt bình thường như trước.

Nhưng vài tuần sau đó HT B vẫn nói cùng một câu ấy với thái độ không hài lòng và cuối cùng bảo: "Anh chị có ra đi thì nhớ đem theo tro cốt của cha mẹ anh chị đi luôn" !!!
Thế rồi anh chị A đã mang tro cốt của cha mẹ mình ra khỏi chùa B với sự đau khổ và thắc mắc "Đi chùa khác là một trọng tội lớn như vậy sao?". Từ trước anh chị A đã không mấy thích pháp danh của mình (vì không hiểu được ý nghĩa của nó), nay lại càng không thích hơn nữa vì có xích mích với vị Thầy đặt ra pháp danh ấy. Mỗi khi nghe ai gọi mình bằng pháp danh là anh chị không vui, có khi bực bội nữa.
Sau đó anh chị chuyển qua đi chùa D. Chùa này có HT E thường đến thuyết giảng một năm đôi ba lần. Anh chị A rất quý kính HT E và ngỏ lời xin quy y lại, vì anh chị cảm thấy như mình là những đứa con lạc loài, không nơi nương tựa. Ngoài việc muốn có một thầy Bổn sư khác, anh chị còn muốn có pháp danh khác, bởi vì mỗi khi nghe bạn đạo gọi mình bằng pháp danh cũ thì nó khơi lại lại niềm đau.
Nhưng lời cầu xin của anh chị đã bị HT E từ chối, mặc dù biết hoàn cảnh của anh chị A đã bị thầy Bổn sư đuổi đi trong oan ức. HT E từ chối và ngài dạy: "Quy y là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng chứ không phải quy y vị Thầy làm lễ quy y cho mình. Vị thầy ấy chỉ đại diện Phật để truyền tam quy ngũ giới cho mình thôi. Vả lại thầy Bổn sư của quý vị còn đó, thầy không thể nhận lời. Nếu muốn thì thầy chỉ có thể làm Y chỉ sư cho quý vị mà thôi".

Anh chị A đã cầu xin HT E nhiều lần nhưng HT vẫn từ chối.
Anh chị A vẫn kính trọng HT E như xưa nhưng không còn tha thiết đến việc đi chùa nữa, vì trong lòng họ cảm thấy như mình là con không Cha. Mặc dù Phật vẫn ngồi đó trong mỗi ngôi chùa mà họ bước đến, nhưng họ cảm giác đức Phật quá xa vời đối với họ, bởi vì họ bị đuổi xô, bị bỏ rơi, không có nơi nương tựa.
Nghe xong câu chuyện con rất bùi ngùi cho hoàn cảnh của anh chị A vì chính bản thân con, con cũng thấy vai trò của người THẦY trong lòng Phật tử rất là quan trọng. Vị Thầy như người cha đang cầm ngọn đuốc dẫn đường cho các con đi theo trong màn đêm dày đặc bóng tối.

Mặc dù Phật có dạy: "Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi". Nhưng với con thì con không thể lấy lửa để mồi cho ngọn đuốc của con từ hư không. Phật thì ngồi đó nín thinh, con ngồi đối diện với Ngài mỗi ngày, nhìn Ngài và hít thở ra vô hoài mà không thấy được chút ánh sáng
(trí tuệ) nào.

Kinh Phật con thỉnh về đầy kệ sách, con có tụng, có đọc nhưng cũng không mồi được ngọn đuốc của con từ kinh sách. Con cần một vị Thầy soi đường chỉ lối, vì người ta vẫn thường nói: “Không thầy đố mày làm nên” hoặc “Tầm thầy học đạo”. Con cần một vị Thầy có ngọn đuốc trí tuệ để cho con mồi lấy ánh sáng, rồi từ đó con mới có được ngọn đuốc của riêng con để soi đường cho chính cuộc hành trình của mình như lời Phật dạy.
Chính cái ý nghĩ về "Ngọn Đuốc" này, làm con có vài câu hỏi qua câu chuyện trên:
1/ Có một quy luật nào trong đạo Phật, quy định cho người Phật tử không được quy y lại hay không?
2/ Một Phật tử khi quyết định quy y lại là vì họ có riêng một lý do nào đó và họ là những người tha thiết tìm cầu học đạo (nếu không họ chẳng màng gì đến việc quy y hay không quy y). Vậy thì quý Thầy có nên tùy thuận chúng sinh để chấp nhận cho họ xin quy y lại hay không?


Xin trả lời:
1/ Trong giới luật, từ giới Sa di, giới Tỳ Kheo, đến giới Bồ Tát, và các bộ luật Tứ Phần, luật Ngũ Phần, Yết Ma Yếu Chỉ, Giới Đàn Tăng, v.v… không có quy luật nào cấm không cho Phật tử quy y lại.
2/ Trong các buổi lễ quy y, vị thầy truyền giới thường nhắc nhở cho Phật tử biết là quy y Tam Bảo tức là “quy y Phật, Pháp, Tăng chứ không phải quy y vị Thầy làm lễ quy y cho mình”. Vì sao cần phải nhắc như thế? Có hai lý do:

· Bởi vì có những vị thầy dùng lễ quy y để khiến Phật tử trở thành đệ tử của riêng mình, lệ thuộc mình, và không muốn họ đi tu học với quý thầy ở chùa khác.
· Nhắc nhở Phật tử không nên dính mắc, ái luyến với vị thầy Bổn sư, chỉ biết cung phụng, tôn sùng thầy mình mà lơ là không chịu học hỏi với quý thầy khác.
Nhắc nhở như trên không có nghĩa là người Phật tử không được quyền quy y lại.
Giới luật của Phật chế ra không bao giờ có những điều luật cứng ngắt. Giới có “khai, giá, trì, phạm”, tức là có những trường hợp cần phải uyển chuyển thay đổi cho phù hợp hoàn cảnh (khai), có trường hợp phải ngăn cản (giá), có trường hợp phải giữ gìn bằng mọi giá (trì), có trường hợp phải làm, nếu không làm là phạm.
Thí dụ như giới thứ năm của ngũ giới là “Không được uống rượu”. Nhưng nếu gặp trường hợp đặc biệt như bị bệnh nặng cần phải uống thuốc có chất rượu thì đức Phật cũng khai cho, tức là cho phép uống đến khi lành bệnh.

Giới “Không được uống rượu” do chính đức Phật chế ra mà Ngài còn uyển chuyển thay đổi tùy trường hợp, huống chi “không cho quy y lại” không phải là giới do đức Phật chế ra !
Mục đích của giới là “phòng phi chỉ ác”, tức là đề phòng không làm điều sai quấy. Theo Đại thừa với tinh thần Bồ Tát đạo thì quý thầy thường tạo mọi phương tiện giúp người Phật tử phát tâm bồ đề, tăng trưởng niềm tin nơi Tam Bảo, có lý đâu lại câu nệ những điều tiểu tiết không cho quy y lại, khiến họ mất tín tâm, oán ghét chư tăng, bỏ đi chùa. Làm như thế là vô tình phá mất hạt giống bồ đề của họ.
Còn chuyện Bổn Sư và Y Chỉ Sư thường chỉ áp dụng cho giới xuất gia, chứ không phải cho hàng tại gia. Trong sách Giới Đàn Tăng
(HT Thích Thiện Hòa, trang 193) nói: “Có Tỳ Kheo mới thọ giới, Hòa thượng (Bổn sư) mạng chung, không người dạy bảo, nên không giữ oai nghi làm các việc phi pháp.

Các Tỳ Kheo bạch Phật, Phật cho lập A-xà-lê” (Acarya) có nghĩa là Giáo thọ sư hay Y chỉ sư. Trong sách Yết Ma Yếu Chỉ (HT Thích Trí Thủ, trang 178) nói: “Thông thường, vị Y chỉ sư chính là Bổn sư thế độ cho xuất gia, và cũng là Hòa thượng truyền giới cụ túc.

Tuy nhiên có những trường hợp đặc biệt, hoặc Hòa thượng tịch hoặc bãi đạo, thì phải tìm đến một vị Thượng tọa đủ các đức tính, thỉnh cầu làm Y chỉ sư, sống nương theo vị này mà học đạo”.

Trong luật Tứ Phần, đức Phật chế, tỳ kheo xuất gia chưa đủ 5 tuổi hạ thì không được phép rời thầy Y chỉ mà sống riêng biệt một mình, vì mới xuất gia cần phải nương theo thầy mà học đạo. Nếu học chưa xong mà thầy viên tịch thì phải đi tìm thầy khác mà y chỉ.
Người tại gia cư sĩ không sống với thầy Bổn sư mà sống với gia đình nên không bị lệ thuộc vào quy luật trên, tức là không cần phải có Y chỉ sư. Họ muốn đi chùa nào hay học đạo với bất cứ thầy nào cũng đều được cả.
Vẫn biết quy y Tam Bảo là quy y Phật, Pháp, Tăng, chứ không phải quy y vị thầy làm lễ, nhưng vị thầy làm lễ là người đại diện cho Tam Bảo, cần phải có đạo đức, tài đức để gây một ấn tượng tốt trong tâm của giới tử (trong đạo gọi là đắc giới). Thiết nghĩ một vị thầy truyền giới có đầy đủ đức hạnh thì ít khi nào người Phật tử lại bỏ đi và muốn quy y lại.

Tuy nhiên cũng có một số Phật tử muốn quy y lại vì những lý do sau đây:

  1. Hồi nhỏ được cha mẹ dẫn đi chùa, làm lễ quy y mà không hiểu gì nhiều. Ngày nay lớn lên được học đạo, hiểu đạo nên muốn quy y lại để ý thức được sự thiêng liêng của lễ quy y.
  2. Trước kia theo bạn đi chùa, mọi người rủ quy y thì làm theo. Nhưng sau một thời gian thì xảy ra chuyện phiền não với chùa, với thầy và mất tín tâm. Đến khi có duyên đi chùa khác gặp được một vị thầy khai mở tâm trí, nên họ muốn quy y lại với vị thầy này.
  3. Có những người đã quy y và không có gì phiền não với thầy Bổn sư, nhưng khi gặp cơ hội các vị tôn túc lớn như quý Hòa thượng đạo cao đức trọng truyền lễ quy y thì họ muốn quy y lại để gieo duyên với quý ngài.
Cả ba lý do quy y lại như trên đều là điều tốt, không có gì trở ngại.
Ngày nay, các bậc tôn túc trưởng thượng như Đức Dalai Lama, Hòa Thượng Tịnh Không, Hòa Thượng Thanh Từ, Thiền Sư Nhất Hạnh đều cho các Phật tử quy y lại.

Các buổi lễ quy y có hàng trăm người, quý ngài đâu có dò hỏi hay tuyên bố không cho những ai đã quy rồi thì không được quy y lại! Ngoài ra, quý thầy Trung Hoa, và Tây Tạng thường khuyến khích Phật tử quy y lại mỗi khi có dịp, để củng cố giới thể hoặc phục hồi giới thể trong trường hợp đã phạm giới.

Thích Trí Siêu
Theo quangduc.com

Monday, July 7, 2014

Sự tích bài Bắc kim thang


"Bắc kim thang cà lang bí rợ" có thể được coi là câu hát cửa miệng của tất cả chúng ta thời thơ ấu, thế nhưng mấy ai hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó, thậm chí tôi dám cam đoan đến hơn 90% chúng ta hát sai câu hát này.

Trước khi tìm hiểu thế nào là “bắc kim thang, cà lang bí rợ”, tôi xin kể lại một câu chuyện cổ tích mà mình nghe được trong chuyến đi công việc tại Long Xuyên khoảng 5 năm trước. Người kể câu chuyện này là một cụ bà khoảng gần 80 tuổi, tụ tập cháu chắt lại rồi vừa ngồi bỏm bẻm nhai trầu vừa kể chuyện. Chắc hẳn rằng nghe xong mọi người sẽ hiểu thêm về việc mà chúng ta đang bàn tới ở đây. Chuyện kể như sau:
“Ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nọ, có hai người bạn làm nghề buôn bán cùng nhau. Một người đi soi đèn bắt ếch về đêm, còn anh kia thì chuyên đi bán dầu thắp đèn vào rạng sáng. Nhà họ dựng trên một cù lao nhỏ ven sông, tách biệt với làng xóm, muốn đi vào chợ làng phải đi ngang một cây cầu khỉ vắt vẻo. Do hoàn cảnh đơn chiếc, nên hai anh cũng thân thiết với nhau. Có lần vì mẹ già của anh bán ếch bệnh mà không có tiền chạy chữa nên qua đời, anh bán dầu liền bỏ tiền ra giúp đỡ ma chay mà không hề tính toán, vì thế mà anh bắt ếch càng quý trọng tình bạn của anh bán dầu.
Một đêm nọ, trong lúc đi làm việc, anh bắt ếch nghe tiếng kêu thảm thiết phát ra từ một cái bẫy trên đồng. Tính tò mò, anh lại mở ra coi thì phát hiện ra hai con chim le le và bìm bịp nằm trong bẫy, do chúng giành ăn với nhau mới bất cẩn rơi vào bẫy của con người. Hai con chim ra sức năn nỉ anh bắt ếch mở bẫy tha cho mình, rồi hứa sẽ đền ơn báo đáp. Vốn là người có tính nhân từ, anh bắt ếch cũng xuôi lòng rồi giải thoát cho chúng.
Vài ngày sau, hai con chim cùng bay đến nhà anh bắt ếch để cảnh báo cho anh biết tai ương sắp đến. Chúng nghe được hai con ma da ở sông bàn với nhau rằng sẽ kéo chân anh bán dầu và anh bắt ếch, cho hai anh chết, thế mạng cho chúng để chúng được đầu thai. Vì hai con ma này chết đã lâu, nếu trong 7 ngày không bắt được người thay thế sẽ bị hồn phách tứ tán, không được đầu thai nữa. Thêm vào đó, ma da cũng chỉ có thể bắt hai anh khi trời vừa rạng sáng, lúc anh bán dầu ra chợ và lúc anh bắt ếch về nhà, bởi vì khi mặt trời lên thì chúng không còn ma phép.
Ban đầu anh bắt ếch đem cớ sự nói anh cho bán dầu nghe, khuyên anh nên ở nhà, nghỉ bán một tuần lễ, nhưng anh bán dầu lại không tin, cho rằng đấy là mê tín vớ vẩn, trên đời không có ma, quỷ. Theo lời le le và bìm bịp, anh bắt ếch viện cớ đến ngày cúng mẹ, gọi anh bán dầu qua nhà tiệc tùng ăn nhậu, chuốc cho anh say mèm đến mức sáng hôm sau không ra chợ bán được. Ngày kia lại lấy cớ sang nhà cảm ơn anh bán dầu đã giúp đỡ, lại bày tiệc ăn uống no say, trì hoãn việc đi ngang cây cầu kia.
Hôm ấy là ngày cuối cùng của thời hạn 7 ngày ma da bắt hồn, do say xỉn nhiều ngày liền nên anh bắt ếch ngủ quên. Anh bán dầu sực tỉnh vào sáng sớm, nhận ra mình đã bỏ buôn bán mấy ngày liền bèn nhanh chóng quẩy hàng ra chợ. Do bước vội vàng qua cầu khỉ cheo leo, lại bị bọn ma da biến phép cho cầu trơn trượt nên sẩy chân rơi xuống nước mà chết. Anh bắt ếch vì tiếc thương bạn nhưng do còn sợ bọn ma da nên phải đợi hết một ngày sau mới dám vớt xác bạn lên mà làm ma chay. Thấy ân nhân của mình đau lòng, le le và bìm bịp cũng bay đến, cất tiếng kêu thảm thiết như tiếng kèn trống đám ma để tiễn biệt một người chết oan.”
Bạn có bất ngờ khi biết sự thật chứ (ảnh minh họa)
Bạn có bất ngờ khi biết sự thật chứ (ảnh minh họa)
Đọc hết truyện cổ tích này thì có lẽ mọi người đều sáng tỏ vì sao trong bài đồng dao “Bắc kim thang” có 4 câu cuối là:
Chú bán dầu, qua cầu mà té.
Chú bán ếch, ở lại làm chi.
Con le le đánh trống thổi kèn,
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te.
Thực chất là để diễn tả lại câu chuyện cổ tích đề cao tình bạn và tính chất cứu vật vật trả ơn của người xưa.
Thế nên vấn đề còn lại nằm ở hai câu:
Bắc kim thang, cà lang bí rợ
Cột qua kèo, là kèo qua cột.
Ở câu đầu tiên, “cà, lang, bí rợ” là để chỉ cho 3 loại củ, quả có cùng một đặc tính là thuộc họ dây leo, trái cà, khoai lang và bí rợ. Đặc biệt với từ bí rợ, là một từ thuần chất của miền Nam, cũng đã nói lên xuất xứ của bài đồng dao này là từ miền Tây Nam bộ.
Nói đến “bắc kim thang” thì phải hiểu hơi “hàn lâm” một chút, là từ kim thang ở đây hiểu cho đúng phải là cái thang hình chữ KIM -金- tức là hình tam giác cân. Từ “kim tự tháp” cũng là bắt nguồn từ chữ “kim” này mà có, do chỉ hình dạng cái tháp của người Ai Cập cổ là hình tam giác cân.
Còn cái “kim thang” của con nít ngày xưa là do người lớn dùng hai thanh tre dài, bắt chéo vào nhau tạo thành một hình tam giác cân rồi cắm trên mặt đất, cách vài mét lại đặt một cái như vậy, tạo thành một hàng dài. Bản thân của cái kim thang này trở thành một cái cột (do không có cây cột dựng đứng giữa nên hai thanh tre chéo vào trở thành cột luôn). Những cái kim thang được nối vào nhau bởi cái “vì kèo” là những thanh tre chạy dọc theo giàn, cứ như thế tạo thành một giàn cốt là để cho cà, lang, bí rợ leo lên mà sinh sôi, phát triển.
Vậy “cột qua kèo, kèo qua cột” là chỉ mối quan hệ gắn bó vào nhau của hai vật thể. Cả câu “bắc kim thang, cà lang bí rợ, cột qua kèo, là kèo qua cột” cốt để miêu tả mối quan hệ keo sơn, quấn quít, gắn bó vào nhau của anh bán dầu và anh bán ếch ở bốn câu sau.
Cả bài đồng dao này được viết lại dựa trên câu chuyện cổ tích kia, nên cách lý giải cũng vì thế mà nên hiểu cho đúng. Tuy nhiên trải qua thời gian dài, người lớn không còn kiên nhẫn để giải thích cho con trẻ hiểu về truyện cổ tích kia, thế nên bài đồng dao “bắc kim thang” cứ thế mà lưu truyền, gây ra sự hoang mang, khó hiểu cho người nghe.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều lời bàn, tranh cãi xung quanh việc lý giải ý nghĩa cho bài đồng dao này. Điển hình là ông Nguyễn Hữu Hiệp ở An Giang đã phát biểu trong hội thảo khoa học tại trường Đại học Cần Thơ năm 2003, rằng hiểu cho đúng thì bài đồng dao này phải được hát là:
Bắt kim than, cà lang bí rợ
Cột quai chèo, chèo qua chèo lại,
Bắt ngựa ô, chạy vô vườn mít,
Hái lá mít, chùi đít ngựa ô.
Tuy nhiên cách giải thích này lại khập khiễng và vô cùng tối nghĩa, khó hiểu.
Vậy nên tôi mới mạn phép truy tìm nguồn gốc, đọc và thẩm định rồi giải thích để mọi người hiểu hơn về bài đồng dao này. Nếu mọi người thấy cách lý giải này là hợp lý thì nhớ đặng mà con cháu có hỏi, thì ta biết trả lời rằng vì sao trẻ con hay hát:
Bắc kim thang, cà lang bí rợ,
Cột qua kèo, là kèo qua cột…
Sưu Tầm (Theo Báo Đất Việt)

Thursday, July 3, 2014

Đôi điều tìm hiểu về bàn thờ gia tiên (Phần II)

Kích thước bàn thờ:
Bàn thờ không phải thích đặt kích thước bao nhiêu thì đặt mà phải tùy vào gia chủ định chọn chữ gì để đặt cho bàn thờ nhà mình, nhưng phải theo sách xưa là kích thước mặt bàn thờ và vị trí đáy bàn thờ xuống đến đất phải theo kích thước Lỗ Ban. Trên thước Lỗ Ban có các kích thước rộng hẹp khác nhau tương ứng với những cung chữ trên đó như: Linh, sinh khí, phúc, an ấm hay họa hại, ngũ quỷ, lục sát... tất nhiên phải chọn cung cát như. Phúc lộc, gia đinh, tài vượng, sinh khí, thiên y với kì vọng gia đình mình sẽ nhận được những điều tốt đó.

Về vị trí đặt bàn thờ:
Với người Việt, trong mỗi khuôn viên bao giờ cũng có một ngôi nhà chính dùng vào việc quan trọng nhất là thờ phụng, chính phía trong của gian giữa bao giờ cũng được dành làm nơi thờ, đây là trung tâm của nội thất, chỗ trang trọng nhất, các sinh hoạt khác có diễn ra ở gian bên cũng đều hướng về đấy. Bàn thờ Tổ tiên của người Việt cũng đa phần hướng Nam, hàm ý con cháu tôn vinh Tổ tiên là những bậc hiền tài theo tinh thần “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Bậc thánh nhân ngồi ngoảnh mặt hướng Nam mà nghe thiên hạ tâu bày), và theo đạo Phật thì hướng nam là nơi của Bát Nhã, tức là trí tuệ, hướng của sự sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí. Tuy nhiên, cũng có quan điểm đặt bàn thờ hướng tây vì cho rằng hướng này hợp với sự đối đãi của âm dương, nên yên ổn và phát triển, nghĩa là vị thần được an tọa[1]. Nhưng trong thời điểm hiện nay, cũng tùy theo vị trí ngôi nhà, tuổi gia chủ mà ta có thể đặt bàn thờ theo những cách khác nhau và hướng khác nhau nhưng có nguyên tắc chung là: Tả cầu tài - hữu bản mệnh tức là đặt bên trái để cầu tài và bên phải thờ bản mệnh, hiểu rộng ra là đối với các tín chủ thờ đức thần tài thì nên đặt ban thời bên trái tính theo hướng của ngôi nhà chứ không phải tính từ cửa đi vào. Cũng từ quan điểm này thì bàn thờ gia tiên không nhất thiết phải quay theo hướng nhà mà gia chủ có thể tự đặt hoặc nhờ thầy phong thủy đặt.
Nhưng phải nhất nhất theo nhưng nguyên tắc chung:
Thứ nhất, không được lộ thiên, tức là phía trên, phía sau bàn thờ có cửa sổ hoặc cửa chính đi hoặc trên nóc bàn thờ có ống thông gió.
Thứ hai, bàn thờ tối kị để các vật nặng như đầu dư nhà hay các vật sắc nhọn như: góc tủ, góc cánh cửa chọc thẳng vào mặt bàn thờ hoặc đầu hồi của nhà hàng xóm chĩa vào.
Thứ ba, phải tránh những nơi bẩn tạp như nhà tắm, nhà vệ sinh, hay giường ngủ của vợ chồng. Nếu tầng dưới đặt bàn thờ thì tầng trên cũng không được đặt bếp hoặc phòng ngủ, nhà tắm nhà vệ sinh.
         Về chất liệu gỗ làm bàn thờ:
Bàn thờ đựơc sử dụng chủ yếu là gỗ Mít, Vàng Tâm, Thị, hay Dổi. Nhiều nhất vẫn là gỗ Mít, Vàng tâm:

Ban thờ bằng chấ liệu gỗ mít
Theo tiền lệ của người Việt ta từ lâu năm, được các nghệ nhân ở những làng nghề lâu đời nhất của Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc mà tiêu biểu nhất là ở Hà Tây, Bắc Ninh cho rằng: Bàn thờ đựơc sử dụng chủ yếu là gỗ Mít, Vàng Tâm, Thị, hay Dổi. Nhiều nhất vẫn là gỗ Mít, Vàng tâm. Điều này có lẽ căn cứ vào tính chất gỗ của nó: gỗ Mít dễ tìm, cây mít ở nước ta gần như vùng miền nông thôn nào cũng có trồng tương đối lớn, bàn thờ ở quê gần như gia đình nào cũng có, tất nhiên đa số dân ta vẫn khó khăn nên dùng những loại cây có sẵn lại đủ lớn để dùng. Dễ chạm khắc, lại nhẹ dễ treo hay ít cong vênh và không bị mối mọt. Mít và vàng tâm thì mùi thơm nhẹ, hương của nó cũng có phần nào đó gần mùi trầm, mùi hương nên nó cũng phù hợp với việc dùng làm bàn thờ. Vàng tâm thì đựơc màu vàng đẹp, mùi hương nhẹ. Còn dổi thì nhẹ nên dễ vận chuyển, dễ treo. Ưu điểm nhất và thông dụng nhất vẫn là gỗ mít vì gỗ mít dễ tìm, dễ chạm khắc, lại ít bị cong vênh trong khi độ bền có thể đên trên dưới 200 năm. Gỗ mít lại có màu vàng sang, khi để lâu có màu sẫm đỏ, gỗ có mùi thơm nhẹ, gỗ nhẹ lại mềm dẻo, có tính chất cơ lí khá ổn định, không mối mọt, ít cong vênh mà mặt gỗ lại mịn….
Bên cạnh đó cũng có người làm bằng táu vì cho rằng nó có tính chắc chắn, vĩnh viễn, hay là dùng gỗ gụ nhưng vẫn không phổ biến bằng gỗ các loại gỗ dổi, vàng tâm nhất là mít. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt từ xưa đến nay.
Khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thầy Thích Tiến Thịnh cũng đưa ra những quan điểm cho rằng, đặc trưng cơ lý của những thứ gỗ phổ dụng làm bàn thờ là mít hay vàng tâm có tính bền, dẻo, gỗ lại có vân giống mây và màu vàng linh thiêng, còn thêm sơn thiếp vàng là thể hiện ánh hào quang của Đức Phật, mang tính trang nghiêm lộng lẫy. Khi nói về kích thước, Thượng tọa cho rằng việc chọn kích thước thì tuỳ theo không gian cũng như ý thích của từng người, có thể căn cứ vào thước Lỗ Ban cung cát hay không thì nó chỉ mang tính chất quan niệm mà thôi, kể cả hoa văn trên bàn thờ có thể chạm khắc tứ linh, có quan niệm dòng dõi quý tộc thì chạm trổ rồng, còn nhà dân thường thì chạm phượng thôi. Nhưng đó chỉ là quan điểm, còn thực tế người ta vẫn làm theo ý thích là nhiều.
Bàn thờ gia tiên hay bất kì bàn thờ nào cũng vậy, tùy những điều kiện và thời kì khác nhau thì giá trị vật chất của những vật thờ khác nhau nhưng một bàn thờ đúng luôn phải tuân thủ những quy định trên. Đó là một bộ phận trong không gian gia đình, nó tham gia vào nội thất với tính chất trang nghiêm, tôn kính và thẩm mỹ. Mỗi gia đình tuỳ không gian cho phép, tuỳ tương quan với tiện nghi sinh hoạt khác có thể làm những bàn thờ thích hợp và đồ tế khí phù hợp, làm sao cái đẹp ở đây phải đảm bảo văn hóa cả chiều sâu tâm linh và mặt bằng mỹ thuật.
Bàn thờ ấy luôn gợi lên một chiều sâu tâm linh “cây có gốc, nước có nguồn” vừa nhân bản vừa vun đắp truyền thống, đồng thời là niềm tự hào của gia chủ về tổ tiên và về cách dạy con cháu.

Yên Sơn - Nguyễn Đức Bá
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/3672/Doi_dieu_tim_hieu_ve_ban_tho_gia_tien_Phan_II_
Tài liệu tham khảo:
  1. Đất lề quê thói, phong tục Việt Nam, Nhất Thanh;
  2. Kinh Dịch, Ngô Tất Tố, NXB Văn Học;
  3. Lễ kinh tập thuyết, Trình Hạo chú;
  4. Nếp cũ, tín ngưỡng Việt Nam, Toan Ánh;
  5. Ngữ Văn Hán Nôm, Ngũ Kinh, NXB KHXH, 2004;
  6. Phương Pháp đặt bàn thờ cúng của người Việt, Minh Đường, NXBTĐ;
  7. Phong tục lễ nghĩ cổ truyền Việt Nam, TT Thích Thanh Duệ, Nguyễn Bích Hằng, NXB VHTTT;
  8. Thọ mai gia lễ, Túy Lang Nguyễn Văn Toàn, NXBLĐ 2007.




[1] Theo “Phương pháp đặt bàn thờ cúng của người Việt”, Minh Đường, NXBTĐ

Đôi điều tìm hiểu về bàn thờ gia tiên (Phần I)


Thiên “vi chính” sách Luận Ngữ có viết “sinh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ; tế, chi dĩ lễ[1] có nghĩa lã: Khi cha mẹ sống thì theo lễ mà phụng sự cha mẹ, khi cha mẹ chết thì theo lễ mà an táng, khi cúng tế cũng phải theo đúng lễ. Từ ngàn xưa, người dân Việt ta vẫn luôn coi trọng Hiếu Lễ, chẳng thế mà cổ nhân đã đúc kết “tứ thời xuân tại thủ, bách hạnh hiếu vi tiên”( bốn mùa thì mùa xuân là đầu, trăm đức hạnh thì hiếu là trước nhất).

 
[1] Luận Ngữ, thiên Vi chính
Việc hiếu lễ thể hiện việc cung dưỡng bố mẹ lúc tại thế và lại càng nghiêm cẩn hơn lúc họ đã khuất với tinh thần “sự tử như sự sinh” vậy. Dù biết là sự tử như sự sinh nhưng hiện nay có nhiều người chưa hẳn đã hiểu thờ người đã khuất như thế nào cho đúng lễ. Với đạo lý uống nước nhớ nguồn nên thờ cúng tổ tiên thành cẩn là xuất phát từ lòng hiếu kính nhớ ân thâm nghĩa trọng, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người ngay từ lúc còn thơ bé:
Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.
Người ta nguồn gốc từ đâu?
Có cha có mẹ rồi sau có mình.
Trong khuôn khổ bài viết này, người viết muốn đề cập đến vấn đề thờ cúng tổ tiên, và nói rộng hơn về những vấn đề liên quan đến bàn thờ gia tiên.
Tài liệu nói đến vấn đề này cũng khá nhiều, có thâm viễn và cũng có nông cạn máy móc thiếu hiểu biết. Người viết muốn mang cái sở kiến, sở văn của mình để tổng hợp lại và kiến giải thêm một số vấn đề xung quanh bàn thờ gia tiên. Với hai phạm trù cụ thể là vật thể và phi vật thể.
Vấn đề là phải thờ phụng như thế nào và cách bài trí ra sao và tại sao lại có quan niệm này.
Những đồ vật bài trí thờ trên bàn thờ:
 
 
Cách bài trí bàn thờ truyền thống
Quan trọng nhất của bàn thờ là bát hương. Nó được ví như ngôi nhà để các cụ trong gia đình đi về vậy. Bát hương trên bàn thờ có nhiều cách đặt và thờ khác nhau, nhưng theo cổ lễ thì bát hương trên ban thờ thường ứng với các số lẻ. Bát hương tối kỵ dùng màu vàng thờ gia tiên vì màu vàng là màu hoàng đế chỉ dành thờ quân, thần hoặc các vị thời trước có tước vị trong hoàng tộc. Trong bát hương nên dùng tro sạch đốt từ rơm rạ thơm phủ đầy lòng bát hương. Quan trọng nhất trong bát hương là cốt bát hương: nó gồm một túi giấy nhỏ có ghi tên tuổi, năm mất, nơi mất và những câu thần chú, chỉ ngũ sắc được thầy pháp thụ lý vào và coi như sổ đỏ của người trần giới vậy.

 
Bài vị thờ và thần chủ thờ trong khám
Thứ nữa là đến thần chủ (cũng gọi là bài vị) trong nhà thờ đại tông cũng như nhà thờ tư chi là “bách thế bất dao chi chủ” nghĩa là bất di bất dịch với tính cách vĩnh cửu. Bài vị bao giờ cũng làm bằng gỗ bạch đàn trắng viết chữ lên thì rất dễ trông, lại thơm được coi là tôn quý, thích hợp với việc thờ phụng. Không có gỗ bạch đàn thì dùng gỗ cây đại hay cây táo, mít…ngày nay chẳng hiểu được vì lí do gì những thứ này không đắt không quý mà chẳng bền hơn gỗ mít, gỗ vàng tâm là hai thứ gỗ chuyên dùng làm đồ thờ (tượng Phật, Thần bao giờ cũng tạc bằng gỗ mít, vàng tâm, bền hơn tất cả các thứ gỗ khác để sơn). Tại các nhà thờ tư gia hay các bàn thờ mỗi gia đình ít khi có thờ thần chủ, chỉ những nhà có quan tước khoa bảng, nề nếp hay những nhà hào trưởng giàu có mới thờ thần chủ. Vì theo đúng cổ lễ thì thờ thần chủ phải theo lễ nghi phiền phức: phải làm nhà trạm bên cạnh huyệt, mời quan đến đấy đề chủ trước khi hạ huyệt chôn cất. Tục lệ chuộng việc mời quan to, nhất là có chân khoa bảng, đến đề chủ và một vị quan kém phẩm trật đến phủng chủ, nghĩa là bưng thần chủ đặt lên linh xa. Phải tổ chức đám rước quan cho nghi vệ, xếp đặt nơi hành lễ có quy củ, tiếp đãi quan khách trọng thể, sau khi đã tiễn đưa quan về còn phải đem lễ vật và tiền tạ ơn.
 
 
Bàn thờ với kỷ và đài thờ truyền thống
Phần nhiều gia đình, bàn thờ gia tiên có cỗ kỷ để trong cùng. Kỷ là cái ghế ngồi, tượng trưng cho sự hiển hiện, ngự giám của người đã khuất, chiếc kỷ nhỏ, cao độ 30 phân, dài 50 phân, rộng 25 phân. Đặt ba chiếc đài có nắp và trên nắp có núm cầm lên trên chiếc kỷ nhỏ này. Khi mở nắp đài ra nắp kê xuống dưới, đài đặt lên trên. Đài làm bằng gỗ được tiện rỗng dưới để khi đặt lên trên nắp đài, đài sẽ ăn khớp với nắp. Ba đài này dùng đựng chén rượu nhỏ lúc cúng giỗ, còn ngày thường đài được đậy nắp để tránh bụi bặm, kỷ và khám nhà thường dân cũng như các đồ thờ cúng khác không được chạm vẽ rồng hay tứ linh mà chỉ chạm vẽ hình tượng biến hóa con vật ấy.
Bàn thờ kê kỷ và bày cỗ cúng cũng không được sơn son mà chỉ sơn then hay cánh gián thếp chỉ bạc, trừ hương án cao ở mặt tiền được sơn son thếp bạc thếp vàng[1].
Những gia đình giàu sang thì đồ thờ bày rộng hết cả gian giữa: trong cùng là bàn cao chừng một thước 20 phân trên để khám gian không thờ bài vị thì trong khám để một cỗ ỷ trên bệ khám phía ngoài cánh cửa khám để hộp đựng bằng sắc của tiền nhân.
Phía trước kê một sập tôn cao chừng 75 phân (cao hơn sập ngồi thường), trên mặt sập phía trong để một khay đài, phía trước để hai mâm xà mặt 80 x 60 phân, một mâm để bày cỗ (đồ mặn), một mâm để xôi chè (đồ ngọt).
Trên mặt sập hai góc ngoài để hai bình sứ cao 60, 70 phân, cắm hoa. Bên ngoài cùng là chiếc hương án cao gần ngang vai, ngắn hơn sập, đứng ngoài trông thấy đủ rõ cả hai bình sứ.
Trên giữa hương án là bát hương công đồng, phía sau là chiếc mâm bồng để bày ngũ quả hoặc chiếc tam sơn để nước và hoa.
 
Bộ Tam sự và tam sơn
Hai bên bát hương là hai chiếc đài lớn để cơi trầu và nậm rượu. Phía ngoài đằng trước để bộ đồ tam sự hay ngũ sự, hay thất sự bằng đồng; tam sự là một cái đỉnh và hai cây cắm nến, ngũ sự thì thêm hai cây để đĩa dầu thắp đèn, thất sự thì thêm một ống hạp hương để đựng trầm với một ống cắm đôi đũa và một dụng cụ đều bằng đồng để đốt trầm. Hai cây đèn bộ đồ thất sự để hai góc trong trên hương án.
Giá đèn nến: thường bằng đồng hoặc gỗ, tốt nhất là đồng. Cây vàng khối: là vàng mã có đủ 5 màu dành cho bàn thờ gia tiên nên dùng màu xanh, đỏ, mua về bọc băng dính lại cẩn thận (băng dính trắng để thờ được lâu) và cây đặt bên trái bát hương (tính theo hướng bàn thờ) phải cao hơn cây bên phải vì: Tả Thanh Long - Hữu bạch Hổ - có câu ca rằng: Thà cho Long cao ngàn trượng chứ không để hổ ngẩng cao đầu.
Lọ lộc bình: Thường thờ 1 lọ để cắm hoa vào ngày mùng 1 và rằm, ngày thường để không, nên xưa gọi là Độc bình. Nay người hiện đại mua 2 lọ thờ đối xứng là không đúng, 02 lọ mua chỉ để chơi trong nhà ko được đặt lên ban thờ. Lọ lộc bình thường đặt bên tay trái - hướng đông - theo quan niệm: đông bình tây quả.
Khay cốc đựng nước thờ: nước thanh tịnh được thay vào mỗi lần thắp hương: nén nhang chén nước.
Lọ đựng hương: đặt bên phải bàn thờ, làm bằng gốm... Tùy theo kinh tế của gia chủ mà có những vật thờ khác nhau nhưng nhất thiết trên ban thờ phải đảm bảo 05 yếu tố: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Đỉnh đồng, đôi hạc, giá nến đồng, tượng trưng cho Kim. Bàn thờ, ngai hay bài vị tượng trưng cho Mộc. Rượu, chai nước, chén nước thờ tượng trưng cho Thủy. Ngọn đèn dầu hoặc nến thờ trên ban thờ và là hương khi thắp lên tượng trưng cho Hỏa. Còn bát hương làm từ đất sét nung lên, hay sành sứ có nghĩa là Thổ.
(Còn nữa)
 
Yên Sơn - Nguyễn Đức Bá 
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/3646/Doi_dieu_tim_hieu_ve_ban_tho_gia_tien_Phan_I_
 
Tài liệu tham khảo:
  1. Đất lề quê thói, phong tục Việt Nam,  Nhất Thanh;
  2. Kinh Dịch, Ngô Tất Tố, NXB Văn Học;
  3. Lễ kinh tập thuyết, Trình Hạo chú;
  4. Nếp cũ, tín ngưỡng Việt Nam, Toan Ánh;
  5. Ngữ Văn Hán Nôm, Ngũ Kinh, NXB KHXH, 2004;
  6. Phương Pháp đặt bàn thờ cúng của người Việt, Minh Đường, NXBTĐ;
  7. Phong tục lễ nghĩ cổ truyền Việt Nam, TT Thích Thanh Duệ, Nguyễn Bích Hằng, NXB VHTTT;
  8. Thọ mai gia lễ, Túy Lang Nguyễn Văn Toàn, NXBLĐ 2007.


[1] Dẫn theo “Đất lề quê thói, phong tục Việt Nam” của tác giả Nhất Thanh

Wednesday, July 2, 2014

Tìm hiểu nét đặc trưng của tôn giáo bản địa ở Việt Nam

Trong những thập niên cuối của thế kỉ XX, khi nghiên cứu về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo một số nhà khoa học của Viện nghiên cứu tôn giáo đã đề xuất và chỉ ra 3 yếu tố căn bản để xác định nội hàm tín ngưỡng – tôn giáo, là: niềm tin (tín ngưỡng), nội dung (tín lí) và hành vi (lễ nghi).
  Vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là tôn giáo bản địa nó gắn chặt với đời sống tinh thần và văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung, quá trình tiếp biến tự nhiênvăn hóa vùng miền là yếu tố căn bản, dẫn đến một số hệ quả mang tính tích cực,là lối mở để nghiên cứu, tìm hiểu nét đặc trưng của tôn giáo bản địa ở nước ta, nhằm hóa giải cái tôn giáo tính trong tâm lí và đời sống của người Kinh ở vùng đất Nam bộ, tức hóa giải mối liên hệ giữa “cỏi thiêng” và “cỏi Phàm”. Những hệ quả đó là:
  - Trước hết, Cho ta một cách nhìn mới khi xem xét vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để phân định đâu là tín ngưỡng, đâu là tôn giáo. Ở đây, tín ngưỡng phiếm thần, tín ngưỡng nhân thần và đạo thờ Tổ tiên nó chiếm một vị trí và có ảnh hưởng sâu sắc trong văn hóa truyền thống, trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Và, vì thế khi nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta không nhất thiết nhận thức hay úp chụp một cách máy móc theo cách nhìn nhận tôn giáo ở phương Tây, bởi nước ta là một nước với nhiều loại hình tín ngưỡng truyền thống và có nhiều tôn giáo, nhất là ở vùng đất Nam bộ. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi nghiên cứu các loại hình tín ngưỡng truyền thống và đặc trưng tôn giáo bản địa;
 
   - Thứ hai, Từ gốc độ tâm lí học dân tộc và tâm lí học tôn giáo, ta thấy dòng chảy văn hóa truyền thống trong các loại hình tín ngưỡng và tôn giáo, đặc biệt là tôn giáo bản địa nó có vai trò quan trọng trong nhân sinh quan và trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Kinh trên vùng đất mới. Chính nét văn hóa truyền thống ấy là nền tảng làm “linh hóa” cái phàm, dẫn đến sự xuất hiện nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo trên vùng đất Nam bộ, đặc biệt là Phật giáo Hòa hảo và đạo Cao đài. Ông Đoàn Minh Huyên đã hóa giải đặc điểm này bằng việc đưa ra giáo thuyết “Học phật, tu nhân” và báo đáp “tứ ân”[1],với mục đích “hành Đạo” để “xây Đời” và là tiền đề dẫn tới sự ra đời của Phật giáo Hòa hảo ở vùng đất Nam bộ;
 
   - Thứ ba, Tín ngưỡng truyền thống là một yếu tố sâu xa, mang tính đặc trưng trong đời sống tinh thần của dân tộc và là một trong các yếu tố cấu thành nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, do đó việc cách tân và phát huy nó cũng có ý nghĩa bảo tồn. Điều này, càng có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế, gìn giữ và bảo vệ những tinh hoa văn hóa truyền thống – bản sắc văn hóa vốn có của nước nhà. 
 
   Như đã nói, là một đất nước vốn có nhiều loại hình tín ngưỡng – tôn giáo, trong phạm vi của bài viết này, điều quan trọng trước hết là cần có sự phân biệt, làm rõ hai khái niệm “tín ngưỡng” và “tôn giáo”. Theo đó, làm rõ nét đặc trưng của tôn giáo bản địa, tức là làm rõ cái tôn giáo tính trong tâm lí và đời sống của người Kinh ở vùng đất Nam bộ.
 
   Về khái niệm tín ngưỡng, nó vừa như một yếu tố chung thuộc về nội hàm của cả tín ngưỡng và tôn giáo vừa là một hiện tượng xã hội và tinh thần, là một hình thái ý thức xã hội liên quan, nó gần với tôn giáo nhưng chưa phải là một tôn giáo và là yếu tố để phân biệt giữa nó với tôn giáo. Như vậy, tín ngưỡng là một phạm trù rộng có tính bao quát, còn tôn giáo là một phạm trù hẹp nó nằm trong tín ngưỡng.
 
 
   Về khái niệm tôn giáo. Theo nhiều nghiên cứu, khái niệm về tôn giáo rất đa dạng và phong phú, như:Tôn giáo là sự ảo ảnh về thế giới, là sự tưởng tượng của con người, là sự hoang tưởng của mỗi người; Tôn giáo là niềm tin vào lực lượng siêu nhiên ngoài con người; là niềm tin tinh thần của con người. Có một nhà sử học đã viết: “Theo nghĩa rộng nhất, từ “tôn giáo” có nghĩa là sự trung tín với một tập hợp các niềm tin hay lời giảng dạy về những điều huyền bí và sự sống sâu xa nhất và khó hiểu nhất”. Thêm nữa, Tín ngưỡng – tôn giáo, “là ý chỉ về nhiều hệ thống niềm tin và các giá trị khác nhau để xoay quanh đó các cộng đồng những người tin tôn giáo định hình suốt lịch sử và ngang qua trần thế này”. Ông ta còn viết: Tôn giáo còn “có nghĩa dấn bước trên con đường truy tìm những giải đáp vượt quá những vẻ ngoài của sự vật, nhưng chất lượng của sự truy tìm đòi hỏi con người nổ lực”… Và, tôn giáo “là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của một trạng thái xã hội không có tinh thần”. Trong chống Duhring, Angels viết: “Mọi tôn giáo chỉ là sự phản ảnh vào đầu óc con người những sức mạnh bên ngoài, thống trị đời sống hàng ngày của con người. Một sự phản ảnh trong đó các sức mạnh nơi trần thế mang sức mạnh siêu trần”.
 
 
    Đúng vậy, theo những khái niệm đó, thực tiển xã hội chỉ nhìn nhận hiện tượng của một loại hình tín ngưỡng là tôn giáo, khi loại hình tín ngưỡng đó đã hình thành một cộng đồng có tổ chức (Giáo hội). Điều này nói lên sự khác biệt giữa tín ngưỡng với tôn giáo, sự khác biệt đó ở chổ là có hay không có tổ chức Tôn giáo (còn gọi là Giáo hội)[2]. Nếu một hiện tượng tín ngưỡng chỉ dừng lại ở trạng thái niềm tin, giáo thuyết và nghi lễ thì đó là tín ngưỡng. Ở cả góc độ xã hội và triết học, có bốn vấn đề được rút ra từ các khái niệm trên đây về tôn giáo:
 
 
   Một là, đặc điểm của tôn giáo là “tín ngưỡng” và  “sùng bái” vào những lực lượng siêu tự nhiên chi phối thế giới; Tôn giáo là hành vi hoạt động của con người thể hiện bằng đức tin và niềm tin vào thế giới siêu nhiên;
 
  Hai là, tôn giáo không phải là cái tự có mà là sản phẩm của con người, là niềm tin tinh thần của con người;
 
  Ba là, tôn giáo chỉ là sự phản ảnh xã hội con người vào ý thức con người; là sự phản ảnh phi lí hoang đường để rồi đem cái “phi lí hoang đường” ấy làm chuẩn mực để giải thích và chi phối cái hiện thực.
   Bốn là, tôn giáo còn là khía cạnh đạo đức, văn hóa và cả lịch sử nữa. Nhiếu vấn đề về đạo đức và văn hóa được tích tụ và đọng lại trong tôn giáo, bởi tôn giáo và văn hóa luôn tác động lẫn nhau, quyện chặt vào nhau tạo nên nội năng trong đời sống mọi mặt của con người và xã hội.
 
   Những khái niệm và đặc điểm ấy, càng làm nổi bật dòng chảy văn hóa truyền thống là điểm tựa, là yếu tố căn bản cỏi thiêng vốn có trong tâm thức của mỗi con người và trong tâm hồn dân tộc. Đó cũng là quá trình “linh hóa” cái phàm, là yếu tố động lực làm xuất hiện nhiều loại hình tín ngưỡng và xa hơn, nó dẫn tới sự ra đời của các tôn giáo bản địa ở vùng đất Nam bộ.
 
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, ngay từ khi xuất hiện xã hội loài người thì tôn giáo cũng xuất hiện mầm móng của nó, có nghĩa là tôn giáo là một sinh hoạt có mặt từ thời kì sơ khai của mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, tôn giáo cũng bắt đầu rất sơ khai và cùng tồn tại với sự tồn tại của con người. Trong nghiên cứu, chúng ta đã nhận ra một trong những đặc trưng con người về tín ngưỡng, tôn giáo là sự “hướng thiêng” (biết thờ cúng; có niềm tin vào sự cứu độ của trời, Phật, thánh thần; tin vào số phận và sự may rủi) trong cuộc sống thường ngày. Một đặc trưng nữa của con người gắn liền với tôn giáo, là con người khi chết biết chôn cất và biết thờ cúng đồng loại, trong khi bất kì một sinh vật nào, dù khôn đến mấy cũng không có biểu hiện đó. Và, duy nhất chỉ có con người mới có đặc trưng này. Từ đây nó có thể dẫn đến một nhận định, rằng: tôn giáo tính có thể được coi là bản tính của con người.
 
   Nói về bản năng nội tại của con người, Tiến sĩ Phạm Bích Hợp, viết “tôn giáo tính là một bản tính của con người, vốn có trong cấu thành tâm lí của mỗi cá nhân, giống như cảm tính, lí tính và những thuộc tính bẩm sinh khác. Đó là một bản năng nội tại của con người, không có gì có thể loại bỏ nó, bởi nếu loại bỏ nó thì bản chất người sẽ thay đổi”. Bà viết tiếp “Tôn giáo tính là một phần của nhân tính, cũng giống như tình yêu, tình thương là những cái cần có cho sự cân bằng nội tại cả về sinh lí và tâm lí cho mỗi con người”. Bởi mọi dấu hiệu của tôn giáo đích thực là giải thoát khỏi sự sợ hãi, đem đến cho con người cái hài hòa, sự cân đối để thích ứng một cách hoàn hảo giữa thân xác với tâm hồn. Và, thực tiển cho thấy, sở dĩ tôn giáo tồn tại vì chính con người chúng ta đã tự đánh mất sự hài hòa bản nhiên vốn có của chính mình, rồi phải lầm lũi đi truy tìm lại cái hài hòa đã mất ấy. Và như vậy, tôn giáo tính là một yếu tố đảm bảo sự hài hòa bản nhiên trong một con người, dù con người đó bất luận có tin theo một tôn giáo nào hay không, thì yếu tố ấy vẫn cứ tồn tại.
 
   Từ đây, chúng ta bắt đầu việc tìm kiếm và nghiên cứu đặc trưng các tôn giáo bản địa trong các cộng đồng cư dân ở Nam bộ. Như đã nói, các tôn giáo bản địa đều xuất hiện trong lòng các cộng đồng cư dân của trên vùng đất Nam bộ, từ những thập niên 20, 30 của thế kỉ trước, vùng đất mà cộng đồng dân cư có đặc điểm “dung hợp” nhiều thành phần. Nhìn nhận đặc điểm về dân cư ở vùng đất Nam bộ xưa, một nhà sử học đã viết: “Đó là một cộng đồng phức hợp, một tập hợp những mãng vỡ của các cộng đồng cư dân truyền thống lâu đời của người Kinh, người Hoa (ở phương Bắc), cả người Chăm và người Kh’mer. Phần lớn trong số họ là những binh lính, những tù nhân bị lưu đày, những người di cư tị nạn chính trị, những kẻ tội phạm bị truy nã hoặc những người bất đồng chính kiến bị o ép đến mức phải rời bỏ bản xứ của mình để đến đây. Vì vậy, để muốn được tồn tại và phát triển, những lớp cư dân này đã phải chung lưng đấu cật, sát cánh cùng nhau, vượt qua những phong ba bảo táp để mở đất, lập làng; cuộc sống của họ đã phải trải qua, đối phó và chống chọi với đói khát, bệnh tật và thú dữ cùng những tai họa khác mà không lường trước được… kể cả cái chết. Cùng với việc xuất hiện cộng đồng cư dân thì những tiếp biến văn hóa ở vùng đất phương nam theo dòng chảy của truyền thống văn hóa dân tộc”. Tuy nhiên, cho mãi đến đấu thế kỉ XIX, trên vùng đất này mới nổi lên một dạng phức thể văn hóa vùng mà văn hóa Đại Việt chủ lưu, tiếp biến tự nhiên với văn hóa bản địa, tạo nên một bản sắc và giá trị văn hóa với một sắc thái mới. Người ta gọi đó là văn hóa Đại Nam hay còn gọi là văn hóa Lục Vân Tiên.
 
    Chính những điều kiện về tự nhiên, lịch sử và xã hội ấy, đã hình thành nên tâm lí và tính cách con người Nam bộ là: giản dị, thẳng thắn mà phóng khoáng cởi mở, nhưng lại giàu lòng nhân nghĩa, vị tha, biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau trong khát vọng vươn tới tự do; yêu nước và bất khuất trong dấu tranh chống cường quyền, bất công; hài hòa trong quan hệ xã hội và gia đình, bởi bản sắc văn hóa dân tộc đã thắm sâu vào tâm thức của mỗi con người lưu dân. Ở đó nó thiết thực, sâu đậm và gắn bó hơn nên đã trở thành tâm lí chính yếu của những lưu dân tha phương trên vùng đất mới, là tố chất tiếp biến quá trình hướng thiêng và linh hóa cái phàm trong tâm thức con người và trong xã hội trên vùng đất Nam bộ. Họ có những mong ước chính đáng về cuộc sống, mong ước đó luôn luôn mang đậm màu sắc tôn giáo, tin vào sự che chở, cứu vớt của thần linh và trời phật. Trong số họ dần dần xuất hiện những con người ưu tú, có uy tín với cộng đồng, có khả năng tổ chức chiêu dân để khẩn hoang, lập làng và khả năng trị bệnh cứu người… Những con người đó đã trở thành những thủ lĩnh, những ông Đạo đứng ra giúp dân, cứu đời.
 
   Có thể thấy, từ những đặc điểm về tự nhiên, lịch sử và xã hội trên vùng đất mới mở, nên những lưu dân “tha phương” dù đến từ đâu trên vùng đất phương Nam, họ đều vừa lưu truyền truyền thống Đạo Nhà (Thờ cúng Ông bà) – một nét văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa chịu ảnh hưởng của nền tín ngưỡng Phật – Nho –  Lão… Thêm nữa, họ lại tin thờ thần linh và tục thờ Cô – Cậu, Tổ nghề, Bà mụ sanh, Bà chúa hoặc thờ các loài vật cùng các lễ hội truyền thống dân gian khác… Tuy nhiên, niềm tin đó nó mờ nhạt và không sâu đậm mấy, do vậy trong cuộc sống và tâm thứccủa người dân trên vùng đất Nam kì ngày ấy luôn bị hụt hẫng và khủng hoảng. Đó là điều lí giải vì sao vùng đất Nam kì xưa, là mảnh đất màu mỡ cho các nền tín ngưỡng, tôn giáo bản địa ra đời và tồn tại cho dến ngày nay. Nói về lĩnh vực tín ngưỡng – tôn giáo của Việt Nam, một nghiên cứu gia đã viết: “Nếu cho rằng, đất nước Việt Nam là một kho tàng tôn giáo, thì vùng đất Nam bộ là trung tâm của kho tàng đó”. Và, thực tiễn trong các cuộc đấu tranh chống áp bức và cường quyền người Nam bộ thường sử dụng hình thức tín ngưỡng, tôn giáo để bảo tồn sự sống và nền độc lập của dân tộc.
 
    Theo một số nghiên cứu về sự xuất hiện các nền tín ngưỡng, tôn giáo ở đồng bằng sông Cửu long, cho thấy dòng tư tưởng Phật đạo Bửu Sơn Kì Hương do cụ Đoàn Minh Huyên sáng lập theo giáo thuyết “Học phật tu nhân”. Ở thời kì đầu, nó “xuất hiện như là một hiện tượng mê tín thường thấy ở vùng đồng bằng Nam bộ – nơi mà người dân rất tin vào sức mạnh huyền bí, hiện thân của thần linh và trời phật” và nó chỉ mang yếu tố một loại hình tín ngưỡng truyền thống, đến khi điều kiện xã hội phát triển, yếu tố tín ngưỡng đó mới dần dần hình thành một tôn giáo.Môn phái này, được truyền thừa lại cho các môn đệ của Ngài, là: các ông Đạo Lạp, Đạo Ớt, đạo Đèn (Phật Trùm) và các ông Quản Thành (Trần Văn Thành), Ngô Lợi, Cử Đa… và sau cuối là Ông Huỳnh Phú Sổ – người khai sáng nền tín ngưỡng Phật giáo Hòa Hảo. Mặt nữa, từ bản sắc văn hóa Đại Nam chúng ta cũng nhìn ra một điều nữa, là: Nếu dòng tư tưởng Phật đạo Bửu Sơn Kì Hương do Ông Đoàn Minh Huyên sáng lập (1849), theo giáo thuyết “Học phật tu nhân”. Theo dòng chảy của Giáo thuyết này[3], cho đến cuối thập niên 30 của thế kỉ trước, ông Huỳnh Phú Sổ đã khai sáng nền tín ngưỡng Phật giáo Hòa hảo (1939), thì cũng như Phật giáo Hòa Hảo, nền Đại đạo Tam kì Phổ độ (gọi tắt là đạo Cao đài) do Ông Ngô văn Chiêu (Ngô Minh Chiêu) mở giềng mối đạo, vào ngày 23/8 năm Bính dần (1926), từ bối cảnh của một xã hội đương thời, mà trong đó sự suy thoái và sa sút của các tôn giáo và đạo lí sống đã tạo ra một khoảng trống về tâm linh và tư tưởng là điều kiện cho một nền tín ngưỡng mới thâm nhập. Từ đặc điểm và tâm lí của con người và xã hội ở vùng đất Nam bộ lúc bấy giờ, đạo Cao đài ra đời cũng hướng tới một trào lưu tư tưởng mới: tự do – công bằng – bác ái, biểu hiện của một xã hội tự do và công bằng.
 
   Mặt dù mỗi một nền đạo mang sắc thái giáo thuyết riêng, nhưng nó đều hướng tới cái Chân - Thiện – Mĩ và một sự giải thoát. Ta thấy, nếu Phật giáo Hòa Hảo với giáo thuyết “Học phật tu nhân” và thực hành tứ trọng ân – tức đạo làm người, coi báo đáp tứ ân như là một đạo lí không chỉ của những người tín đồ, mà là đạo lí của cư dân vùng đất này. Bởi báo đáp tứ ân là đạo lí được nối tiếp và phát huy từ truyền thống hiếu nghĩa dân tộc, bởi tu là phải dựa trên nền tảng đạo đức xã hội, trước tiên là đạo làm người, như các bậc tiền nhân đã dạy:
 
                   “Thiên kinh vạn điễn, hiếu nghĩa vi tiên”.
 
                     Hoặc là:
        
         “Dục tu tiên đạo, Tiên tu nhân đạo,
           Nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn kí”.
                           
thì đạo Cao đài bằng giáo thuyết “Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi hiệp nhất”[4], thể hiện sự hòa đồng tư tưởng hợp nhất tôn giáo, đã nhìn nhận một  trào lưu tôn giáo suy thoái, phản ảnh nỗi lo ngại sâu xa của con người đứng trước những biến động xã hội vào cuối mỗi thời kì – một thời kì mạc pháp bởi sự đối lập cùng cực giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Điều đó đã đưa con người tới điểm tựa về đức tin Cao đài. Theo đó, đạo Cao đài thực hành Tam công (Công phu, công quả, công trình) để “tiến tới một Thế đạo Đại đồng và Thiên đạo giải thoát. Giáo thuyết ấy, đã hầu như làm thỏa mãn hoàn toàn chiều kích xã hội của tôn giáo, trong đó đồng nhất mục tiêu xã hội với mục tiêu cá nhân. Sự cứu rỗi và giải thoát chúng sanh là ân huệ của Thượng đế”.
 
   Cũng như giáo thuyết của nền Đại đạo, giáo pháp “Học phật tu nhân” của Phật giáo Hòa hảo, mà trọng tâm là tứ trọng ân nó thể hiện tính nhân văn sâu sắc, là triết lí cơ bản nó đã hòa nhập vào tâm lí, tình cảm của cư dân vùng đồng bằng Nam bộ ở nước ta, mặt nữa là biểu hiện về niềm tin vào sức mạnh huyền bí của thần linh và trời Phật, làm cho tâm thức và tính cách của người dân ở vùng đất này gắn bó sâu đậm với nền tín ngưỡng, tôn giáo bản địa. Có thể nói, đây là quá trình tôn giáo hóa tín ngưỡng thần linh dẫn tới sự ra đời của các tôn giáo bản địa. Các tôn giáo này, như một bức tranh nó phản ánh một cách chân thực và sâu đậm nhu cầu về tôn giáo, về tâm lí, tình cảm và tính cách con người trong đời sống xã hội ở vùng đất này trong những thập niên đầu của thế kỉ XX. Từ đây ta thấy, niềm tin tôn giáo mang lại cho người nông dân Nam bộ một nghị lực và sức sống đã trợ giúp tinh thần đủ để họ có thể cân bằng bản thể giữa thế tục và tâm linh trong một con người, để vượt qua mọi áp lực, trong bối cảnh cuộc sống xã hội bị bế tắt, không lối thoát của ngày ấy.
                                                                                                                             
     Sự ra đời của các nền tín ngưỡng và tôn giáo bản địa ở nước ta, chủ yếu là ở đồng bằng Nam bộ, trước tiên phải nói đến những nguyên nhân về chính trị – xã hội, vì đây vừa là một yếu tố đặc trưng nó xuất phát từ bối cảnh xã hội ở Nam bộ lúc bấy giờ, vừa là nguồn gốc sản sinh ra tâm lí, tình cảm và niềm tin vào “thần linh” của cư dân vùng đồng bằng Nam bộ. Tiếp đó, là  một thực trạng suy thoái, sa sút trong các tôn giáo và đạo lí sống của xã hội đương thời, đã tạo ra một khoảng trống về tinh thần và tư tưởng là điều kiện đưa đẩy những người nông dân Nam bộ tìm đến sự an ủi, che chở của thần linh và trời phật.
 
 
   Như chúng ta biết, do đặc điểm địa lí, lịch sử – xã hội và văn hóa của cư dân Nam bộ có sắc thái, tâm lí và tính cách riêng, đặc biệt là nhu cầu về đời sống tâm linh. Điều đó, có thể cho ta một nhận xét, rằng: tôn giáo với tính cách là một trong số định chế xã hội, đã nói lên vai trò hai mặt trong đời sống xã hội, nó giữ vị trí quan trọng ngay cả khi nó tiếm quyền cái thiêng với mục đích để duy trì sự sống ở thế tục. Thế nhưng, cũng chính nó có thể xâm phạm vào bản nhiên của con người, tự nó làm lu mờ và trở nên sai lệch và theo dòng chảy đó, người có niềm tin tôn giáo nhận thức rằng: Sự “giải thoát” không phải được tìm kiếm trong các lĩnh vực của quan hệ xã hội, mà nó được nằm lẫn trong đời sống tâm linh của con người. Ở bình diện này, sự giải thoát chỉ đạt được khi con người có niềm tin và biết tự chủ bản thân. Và như vậy, tự chủ bản thân là bản nhiên và điều kiện cần thiết để thiết lập mối quan hệ đúng đắn giữa bản nhiên con người hiện thực với bản nhiên con người tâm linh.
 
 Từ những điều đã được lí giải, phân tích trên đây, chúng ta có thể đi tới một kết luận, rằng: Các tôn giáo bản địa ở nước ta ra đời từ nguyên nhân về tiền đề kinh tế – chính trị – xã hội và tư tưởng của xã hội ở vùng đất Nam bộ, vào thập niên 20 và 30 của thế kỉ XX. Vì vậy, các tôn giáo bản địa có bốn đặc trưng cơ bản, sau:   
 
  + Là một hình thái tôn giáo, vừa thừa kế và phát huy bản sắc văn hóa bản địa trên vùng đất mới trong dòng chảy của nền văn hóa dân tộc, vừa chịu ảnh hưởng của các nền tín ngưỡng truyền thống khác và tục tin thờ các thần linh;
 
   + Có cùng một phương pháp lập đạo, là thông quaphương pháp “huyền linh học” để gieo sâu vào lòng người niềm tin ở “thần linh”, đến khi có đông người tin theo, thì mới đi tới khai mở một giềng mối đạo và có cùng một phương thức hành đạo là hành Đạo để xây Đời. Mặt nữa, là tín đồ của các tôn giáo bản địa hầu hết là người nông dân tay lấm chân bùn, có ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước;
 
    + Giáo lí của các tôn giáo bản địa được phỏng theo tín ngưỡng dân gian truyền thốngvà tinh hoa văn hóa dân tộc, nó bao hàm cả hai mặt “xuất thế” và “nhập thế” nên nó rất gần và phù hợp với hiện thực xã hội, gắn bó và thích ứng với đặc điểm và tính cách của người nông dân Nam bộ. Theo đó, tôn giáo bản địa mang tính cứu thế cao và sự ra đời của các tôn giáo này là tiền đề mở ra một kỉ nguyên mới – kỉ nguyên thế tục hóa trong các tôn giáo.
 
  Tóm lại,Sự xuất hiện các cộng đồng dân cư trên vùng đất Nam bộ đã trải dài một thời kì hơn 300 năm, mặt dù đời sống tín ngưỡng – tôn giáo của các cộng đồng cư dân trên vùng đất này vẫn giữ và thừa kế một số yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng đồng thời nó cũng xuất hiện yếu tố “canh tân” – lượt bỏ một phần không còn phù hợp với các hình thái tín ngưỡng – tôn giáo trong hoàn cảnh và môi trường mới và mở ra một hình thái tín ngưỡng – tôn giáo mới thích ứng với tâm lí và tính cách con người ở vùng đồng bằng Nam bộ, tự do hơn và bình đẵng hơn. Đó là tôn giáo bản địa – sản phẩm hàm chứa tố chất của con người và xã hội trên vùng đất Nam Kỳ ngày ấy./.
 
Trần Tiến Thành
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/4045/Tim_hieu_net_dac_trung_cua_ton_giao_ban_dia_o_Viet_Nam
 
 Lưu để tham khảo

[1]. Tứ ân, gồm: Ân tổ tiên, cha mẹ; Ân đất nước; Ân Tam bảo và Ân đồng bào và nhơn loại.
 
[2]. Giáo hội là một cộng đồng tín ngưỡng có tổ chức được tập hợp theo cùng một niềm tin chung, có cùng một giáo thuyết, một nghi thức hành lễ.
 
[3]. Giáo thuyết “Học phật tu nhân” được truyền thừa qua nhiều môn đệ (Ông Đạo)… đến thời kì Đức Bổn Sư Ngô Lợi, lập ra đạo Tứ ân Hiếu nghĩa (còn gọi là Đạo Lành) vào năm 1878.Vẫn theo dòng chảy của tư tưởng này, vào khoảng thời gian cuối thập niên 30 của thế kỉ trước, ông Huỳnh Phú Sổ tự xưng là bậc “sanh như trí”, được Phật Thầy Tây An thọ mạng giáng trần ban thiên khải cho Ông sứ mạng cứu nhân, độ thế nối tiếp dòng tư tưởng Bửu Sơn Kì Hương. Và, Ông đã trở thành người khai sáng nền tín ngưỡng Phật giáo Hòa hảo, vào ngày 18 tháng 5 năm Kĩ Mão (1939), với mục đích tiếp tục truyền thừa giáo pháp “Học phật tu nhân” để thắp sáng ngọn đuốc “Từ bi, chí thiện” cứu độ chúng sanh.
 
[4]. Ngũ chi là năm ngành đạo và ý nghĩa của từng ngành, là: Phật đạo – Vì thương đời mà tìm cơn giải khổ; Tiên đạo – Vì thương đời mà bày cơ thoát khổ; Thánh đạo – Vì thương đời mà dạy cơ thọ khổ; Thần đạo – Vì thương đời mà lập cơ thắng khổ; Nhơn đạo – Vì thương đời mà đoạt cơ tùng khổ.

HẠNH BÁO HIẾU QUA HAI MẪU CHUYỆN


Hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng Bảy, khi trời đất chuyển sang Thu, thì trong mỗi trái tim của người con Phật thường in đậm bằng hai dấu ấn. Đó là ngày lễ Tự tứ, kết thúc ba tháng an cư kiết hạ của chư Tăng và dịp lễ báo hiếu đối với ân đức sinh thành. Nói đến sự báo hiếu chúng ta không thể không nhớ đến hình ảnh hiếu thảo chấn động thiên địa của Tôn giả Đại hiếu Mục Kiền Liên. Đề cập đến Tôn giả Mục Kiền Liên, chúng ta không thể không nhớ đến kinh Vu Lan Bồn –một áng văn thiên cổ bất hủ. Thế nhưng ngoài áng văn diễm lệ này – mà mọi người chúng ta đều biết –còn một mẫu chuyện báo hiếu khác khá lý thú tương tự như thế, mà có lẽ nhiều người chưa được rõ lắm. Đó là điều mà người viết muốn giới thiệu cùng quý độc giả kính mến nhân dịp lễ Vu Lan báo hiếu này vậy .
I. NỘI DUNG HAI TƯ LIỆU :
Để hiểu rõ nội dung của hai tư liệu này chuyên chở những gì, chúng ta có thể tóm tắt đại khái như sau :
1/ Nội dung kinh Vu Lan Bồn (1)
Kinh này do Phật thuyết cho đại chúng, tại tịnh xá Kỳ Viên, được Tôn giả A Nan (Ananda) thuật lại như sau :
Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục Kiền Liên vừa thành tựu 6 pháp thần thông, muốn báo đáp ân đức sinh thành của cha mẹ, bèn dùng thiên nhãn quan sát khắp thế giới, thì thấy mẹ mình hiện sinh trong loài ngạ quỷ, không được ăn uống, da bọc lấy xương. Tôn giả liền dùng bát đựng cơm, đem hiến cho mẹ. Nhưng mẹ Ngài do tội chướng quá nặng, cơm biến thành than lửa không thể ăn được. Tôn giả liền trở về thống thiết bạch lại tình cảnh đó với Đức Phật. Phật dạy rằng muốn cứu được mẹ Tôn giả phải nhờ đến hợp lực chú nguyện của chư Tăng trong 10 phương. Nhân dịp Rằm tháng Bảy, ngày chư Tăng Tự tứ, nên sắm các phẩm vật thiết dụng, hiến cúng cho Thập phương Đại đức chúng Tăng. Vì ngày nay chư hiền Thánh tăng đều bình đẳng thọ cơm Tự tứ. Nương nhờ giới thể thanh tịnh pháp lực nhiệm màu của thánh chúng mà cha mẹ hiện tại của thí chủ được trường thọ hạnh phúc; cha mẹ quá khứ trong 7 đời thoát khỏi khổ thú, sinh về cảnh giới an lành .
Vâng lời Phật dạy Tôn giả Mục Kiền Liên sắm sửa đủ các phẩm vật , thành kính dâng cúng chư Tăng trong dịp Tự tứ. Thế rồi, chư Tăng thọ lễ cúng dường, thành tâm chú nguyện. Chính nhờ sức chú nguyện này mà thân mẫu của Ngài ngay trong ngày ấy thoát được nỗi thống khố của kiếp ngạ quỷ. Hân hoan trước thành tích cứu được mẹ mình thoát khỏi khổ đau, nên Tôn giả thỉnh cầu Phật chỉ giáo thêm về cách thức báo hiếu. Nhân đây, Phật dạy rằng tất cả mọi người, trong hiện tại cũng như trong đời vị lai, ai muốn chu toàn hiếu hạnh, báo đáp ân đức sinh thành của cha mẹ, thì hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng Bảy, đem lòng hiếu thảo tưởng nhớ song thân, sắm các phẩm vật hiến cúng Phật cùng thánh chúng, để báo đáp ân đức từ ái nuôi dưỡng của cha mẹ. Là con Phật, thì ai cũng nên tuân giữ truyền thống báo hiếu này .
Đại khái đó là tóm lược nộâi dung của kinh Vu Lan Bồn .
2/ Nội dung chuyện "Mẹ trưởng lão Xá lợi Phất" (2)
Chuyện này do Đức Đạo sư kể lại với đại chúng tại tịnh xá Trúc Lâm :
Thuở xưa, tại Ba La Nại có một gia đình Bà la môn đại phú. Bản tính ông chồng hiền đức, chăm làm việc phước thiện, nhưng tính tình người vợ thì keo kiệt ác độc. Một hôm ông có công việc phải đi xa, căn dặn vợ ở nhà khi nào có Sa môn hay bất cứ du khách nào đến nhà thì tuỳ theo khả năng mà bố thí cho chu tất. Nhưng khi ông đi rồi, bà vợ cắt đứt phần cúng dường cho Sa môn, đối xử tệ bạc với các lữ khách khác, và buông lời nhục mạ, nguyền rủa họ. Do ác nghiệp ấy, bà tái sinh làm thân nữ ngạ quỷ, chịu đủ muôn phần khốn khổ. Bấy giờ, bà nhớ lại những quyến thuộc xa xưa, biết được con trai của bà thời quá khứ hiện nay là một trong hàng đại đệ tử của Phật, có danh tiếng và uy đức lớn. Bà liền thân hành tới đó xin gặp Tôn giả. Vừa trông thấy mặt nữ ngạ quỷ xấu xí gầy gò ấy, Tôn giả đã động lòng thương cảm, hỏi bà là ai, cần đến việc gì mà thân hình tiều tụy khốn khổ như thế, thì bà cho biết : trong tiền kiếp bà là mẹ của Tôn giả, do ác hạnh hủy nhục những người đến cầu xin vật thực mà phải đọa vào cảnh giới ngạ quỷ, chịu mọi nỗi đói khát, thống khổ. Nay đến cầu xin Tôn giả làm phước bố thí, để hồi hướng công đức cứu bà thoát khỏi u đồ .
Thế là ngày hôm sau Tôn giả cùng với 3 pháp hữu khác là Đại Mục Kiền Liên (Mahàmoggallàna), A Na Luật Đà (Anuruddha) và Kiếp Tân Na (Kappina) đi đến Đại vương Tần Bà Ta La (Bimbisàra), rồi Tôn giả Mục Kiền Liên trình bày lại sự việc đã xảy ra cho vua nghe và thỉnh cầu vua giúp đỡ để Tôn giả Xá Lợi Phất hoàn thành nghĩa vụ báo hiếu. Nghe vậy, nhà vua hoan hỷ hứa khả, rồi sai cận thần xây cất am thất và sắm sửa các thức cúng dường, đoạn nhà vua thân hành đem chúng hiến dâng cho trưởng lão Xá Lợi Phất. Sau đó, trưởng lão thiết lễ trai tăng, đem các phẩm vật ấy cúng dường lên Tăng chúng khắp thế gian do Đức Phật làm thượng thủ và hồi hướng công đức này cho nữ ngạ quỷ .
Nữ ngạ quỷ nhờ hưởng được công đức ấy, liền tái sinh lên cõi trời. Ở đây, bà có đủ mọi thứ cần thiết của một thiên nữ, hưởng mọi lạc thú của cảnh giới chư Thiên. Rồi một hôm bà đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục Kiền Liên, kể lại cho Tôn giả nghe tất cả mọi chi tiết trong hai kiếp tái sinh làm ngạ quỷ và thiên nữ của mình .
Đó là đại ý câu chuyện "Mẹ trưởng lão Xá Lợi Phất" mà trong "Ngạ quỷ sự " đã trình bày .
II. SO SÁNH HAI MẪU CHUYỆN :
Xuyên qua nội dung của hai mẫu chuyện vừa được tóm tắt ở trên, ta có thể rút ra một số điểm dị đồng giữa chúng như sau :
1/ Những điểm giống nhau :
Trọng tâm câu chuyện của hai tư liệu trên xoay quanh sự kiện một bà mẹ trong tiền kiếp gây nên ác nghiệp, do đó hiện kiếp bị đọa làm nữ ngạ quỷ, chịu đủ mọi nỗi đói khát, thống khổ. Thế rồi nhờ người con trong đời trước của mình hiện là đại đệ tử của Đức Phật có danh tiếng, và đức hạnh, sắm sửa lễ vật cúng dường cho Thánh Tăng trong 10 phương do Đức Phật lãnh đạo. Chính nhờ công đức cúng dường ấy, mà nữ ngạ quỷ kia thoát khỏi thân quỷ đói, sinh về cảnh giới an lành .
Tóm lại, đây là câu chuyện nhiệt thành báo hiếu của một người xuất gia đệ tử của Phật đối với thân mẫu trong đời quá khứ. Và nhờ sức chú nguyện của thập phương hiền Thánh tăng mà hoá giải được ác báo chuyển thành thiện quả. Đó là tóm tắt những điểm tương đồng giữa hai mẫu chuyện. Và sau đây là vài chi tiết dị biệt .
2/ Những điểm khác nhau
Về chỗ khác nhau có mấy chi tiết sau đây :
-Trong kinh Vu Lan Bồn (VLB) cho biết nữ ngạ quỷ ấy là mẹ quá khứ của Tôn giả Mục Kiền Liên (MKL), còn chuyện "Mẹ trưởng lão Xá Lợi Phất" (MTLXLP) thì nữ ngạ quỷ ấy là mẹ quá khứ của Tôn giả Xá LơÏi Phất (XLP) .
-Kinh VLB nói chính Tôn giả MKL đi tìm mẹ, còn chuyện MTLXLP thì nữ ngạ quỷ kia đi tìm Tôn giả XLP.
-Kinh VLB nói rõ ngày tổ chức cúng dường là Rằm tháng Bảy, nhân dịp thập phương Tăng Tự tứ; còn chuyện MTLXLP không xác định rõ thời điểm cúng dường .
-Kinh VLB cho biết phẩm vật cúng dường do chính Tôn giả MKL sắm sửa; còn chuyện MTLXLP thì nói rằng vua Tần Bà Ta La đã hiến dâng phẩm vật để Tôn giả XLP chu toàn phận sự cúng dường .
-Kinh VLB chỉ nói nữ ngạ quỷ thoát khỏi cảnh khổ của cõi ngạ quỷ; còn chuyện MTLXLP thì cho biết vị ấy sau khi được sinh lên thiên giới bèn trở lại trần gian kể cho Tôn giả MKL nghe về tình trạng hiện tại của mình .
-Kinh VLB chủ yếu Phật trao đổi với Tôn giả MKL và nhắc nhở chúng Tăng khi thọ trai phải chú nguyện cho thí chủ, đồng thời khuyên mọi người con Phật nên noi gương báo hiếu của Tôn giả MKL; còn chuyện MTLXLP thì Phật không khuyên bảo việc đó. Ở đây, ngoài Tôn giả XLP còn có sự hiện diện của 3 pháp hữu của Tôn giả và vua Tần Bà Ta La .
-Kinh VLB Phật thuyết tại tịnh xá Kỳ Viên ; còn chuyện MTLXLP Phật thuyết tại tịnh xá Trúc Lâm .
-Kinh VLB không có trong Đại tạng Nam truyền, cũng như chuyện MTLXLP chưa được dịch sang Hán tạng .
Trên đây, là tóm lược vài nét giống và khác nhau giữa hai mẫu chuyện, còn những chi tiết nhỏ nhặt khác thì không cần phải đề cập đến. Thế nhưng, có một điểm khá nổi bật mà chúng ta cần tìm hiểu, đó là vấn đề ngạ quỷ trong kinh điển Phật giáo.
III. SỰ TÍCH NGẠ QUỶ :
Thông thường nhân gian Aán Độ có hai hình thức tín ngưỡng rất phổ biến, đó là tín ngưỡng chư Thiên và ngạ quỷ. Các chúng sanh này thường ở cách xa trú xứ của chúng ta, như ở những nơi ven núi, bờ sông, chỉ khi nào chúng ta đi lạc đường mới gặp được họ. Theo truyền thuyết của Bắc phương thì Tăng hộ (Sangharaksita) sau khi đi tham học trở về nước theo đường biển, do bị lạc đường mà trông thấy ngạ quỷ" (3). Trường hợp Ức Nhĩ (Srona –Kotikotikama) cũng do lạc đường mà gặp ngạ quỷ giống như Tăng Hộ (4). Đồng thời trong "Ngạ quỷ sự" thuộc Nam truyền cũng nói trường hợp vua Pingala do lạc đường mà thấy ngạ quỷ (5)
Ngòai ra chuyện ngạ quỷ còn được ký tải ở các chỗ khác, như :-Phật thuyết quỷ vấn Mục Liên kinh, gồm 17 chuyện, theo truyền thuyết thì do An Thế Cao dịch, nhưng được ghi nhận là thất dịch, thuộc đời lưỡng Tấn (6).- Phật thuyết Tạp tạng kinh, một quyển, do Pháp Hiển đời Tấn dịch, khoảng năm 416 TL. Phần đầu quyển này trình bày việc quỷ hỏi và MKL đáp, gồm 17 chuyện tương đương với bộ kinh kể trên. Kế đến bốn chuyện cuối nói về Thiên sự: chuyện 1 và 3 thì Mục Liên hỏi, Thiên đáp. Chuyện 2 và 4 thì thể tài không đồng nhất (7)- Ngạ quỷ báo ứng kinh, gồm 35 chuyện, thuộc về loại kinh thất dịch (mất tên người dịch) đời Đông Tấn. 17 chuyện của 2 bộ kể trên phần lớn đều bao hàm trong kinh này (8).- Trong kinh Tạp A Hàm có nói về trường hợp MKL từng thấy nhiều quỷ, rồi nhân La sát (Laksana) hỏi, thầy trình bày lại nghiệp nhân của ngạ quỷ trước Đức Phật (9).- Điều Ba la di thứ tư của kinh Phân Biệt thuộc Đồng Diệp luật cũng nói đến ngạ quỷ (10).
Chung quy, các sự tích ngạ quỷ trong hệ thống kinh điển Bắc truyền thường được trình bày theo thể văn xuôi, còn chuyện ngạ quỷ trong kinh điển Nam truyền thì chủ yếu được trình bày theo lối vấn đáp bằng kệ tụng.
Theo Đại sư Aán Thuận thì diễn tiến hình thành Ngạ quỷ sự có trước Thiên cung sự, và hai vấn đề này liên quan mật thiết với nhau. Như các chuyện 17, 37 và 39 của Ngạ quỷ sự và các chuyện 83, 84 và 52 của Thiên cung sự thuộc kinh điển Nam truyền là hoàn toàn tương đồng với nhau (11).
Xuyên qua những gì được trình bày trên đây gợi cho chúng ta nhớ đến một vấn đề rất hệ trọng, đó là sự tri ân, báo hiếu. Vì các loài động vật khác chỉ có thiên tính nuôi con mà không có ý thức báo hiếu. Chính cái đức báo hiếu mẹ cha, tôn kính sư trưởng mới khẳng định được phẩm giá và địa vị của con người là cao quý và tốt đẹp hơn tất cả mọi sinh vật thấp kém khác đang hiện hữu trên hành tinh này.
_________
Chú thích: (1) Kinh Vu Lan Bồn, HT Trí Quảng dịch giải, PL 2515; (2) Chuyện "Mẹ trưởng lão Xá Lợi Phất" trong Ngạ quỷ sự, do GS. Trần Phương Lan phiên dịch (sắp xuất bản) ; (3) Nhân duyên Tăng Hộ kinh, Đ.17, tr. 565c-572b ; (4) Thập tụng luật, quyển 25, Đ.23, tr.178a-180b. Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ Tì nại da, Bì cách sự, quyển thượng, Đ.23, tr.1048c-1051b; (5) Ngạ quỷ sự, Tạng Nam truyền, tập25, tr.87-94; (6) Phật thuyết quỷ vấn Mục Liên kinh, Đ.17, tr.535b-536b; (7) Phật thuyết Tạp Tạng kinh, Đ.17, tr.557b-560b; (8) Ngạ quỷ báo ứng kinh, Đ.17 tr.560b-562b; (9) Tạp A Hàm kinh quyển 19, Đ.2, tr.135a-139a. Tương Ưng bộ, Lặc Xoa Na Tương Ưng, Nam truyền, tập 13, tr.377-387; (10) Đồng Diệp luật, kinh Phân Biệt, Nam Truyền tập 1, tr.575-580; (11) Nguyên thỉ Phật giáo thánh điển chi tập thành, Aán thuận trước, Đài Bắc xb.1998, tr.851.
Thích Phước Sơn
(Tuần báo Giác Ngộ số 176 tháng 8/1999)