Sunday, May 30, 2010

Sự kiêu hãnh của đại học Việt Nam

Khi đọc bản báo cáo về kết quả đại học Việt Nam không nằm trong top 200 đại học hàng đầu châu Á đuợc đăng tải trên các mặt báo, những người quan tâm về nền giáo dục nước nhà không khỏi băn khoăn và đặt ra nhiều câu hỏi. Phải chăng trình độ giáo dục của các đại học Việt Nam còn yếu kém? Phải chăng Việt Nam không đủ giáo sư có năng lực để giảng dạy, nghiên cứu và công bố công trình khoa học? Phải chăng còn điều khúc mắc nào đó khiến cho đại học Việt Nam không thể phát huy vai trò của mình để khẳng định vị trí và tầm vóc trên trường quốc tế?... Những câu hỏi xem ra quá cũ rích vì đã được đặt ra bàn luận với nhiều hướng giải pháp khác nhau nhưng rốt cuộc chưa có lời giải đáp thật sự thuyết phục nào từ các nhà chức trách cả. Dường như sự bền vững đáng sợ của nó là một trong những nguyên nhân đưa đến kết quả không thể tránh khỏi như trên chăng?! Là một học sinh đúng ra theo cách giáo dục ở Việt Nam thì không dám hay nói đúng hơn là không được phép nói những vấn đề to tát như thế này vì luôn được khuyến khích lo học những gì đã được dạy, còn những chuyện to lớn có các ‘quan’ lo rồi. Học đòi phong cách học tập của các sinh viên ở các nước tiến bộ, người viết làm liều viết vài sự thật đang vẫn tồn tại ở Việt Nam hiện nay. Qua đó có thể suy ra phần nào nguyên nhân dẫn đến kết quả đã đề cập ở trên.

Hệ thống giáo dục ở Việt Nam xem qua có vẻ thật chặt chẽ và bài bản từ cấp thấp nhất đến đại học. Học sinh phải gồng mình học tập cả ngày lẫn đêm, cả chính quy và phụ đạo để có thể theo kịp chương trình bộ đã đề ra. Khi hết một cấp học, học sinh phải chạy tìm những trường chất lượng với những điều kiện nhập học rất ‘tiêu chuẩn’ để mong có thể phát huy năng lực của mình. Cho đến trước khi vào đại học, học sinh lại một phen khổ luyện ‘tụng những kinh điển bảo bối’ để có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh mà hiên ngang bước vào cổng trường đại học. Nhìn thấy thời lượng học tập và quá trình phấn đấu như thế các nhà giáo dục trên thế giới không khỏi thán phục và thậm chí bái phục vì họ còn lâu mới theo kịp lịch học dày đặc và sự cạnh tranh khắc khe như thế. Thế thì tại sao đại học Việt Nam lại tụt hậu? Câu trả lời dành cho các quan giải quyết.

Một hiện tượng nữa làm đau đầu không biết bao nhiêu sinh viên và các nhà giáo dục. Ở Việt Nam, quy định của bộ giáo dục về quản lý các trường đại học theo một kiểu mẫu sáng tạo theo phong cách Việt Nam. Ở đó, các trường đại học được nổi tiếng nhờ cái tên và sự bảo trợ của ‘bậc cha mẹ’ và do đó nó luôn tự hào là vượt trội hơn các trường, viện khác. Sự vượt trội dễ thấy nhất của nó là nó không chấp nhận bất cứ một cái gì mà các trường, viện khác đào tạo nhưng nó có quyền đòi tất cả trường, viện khác chấp nhận cái sản phẩm của nó. Kết quả là các sinh viên từ các trường, viện chưa có chương trình mà sinh viên ưa thích, hay chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ muốn học lên tiếp thì chỉ biết ngậm ngùi vì quyền sinh viên của mình bị tước đoạt. Cùng một hệ thống giáo dục nhưng tại sao lại có sự nghịch lý như thế và cái nghịch lý này sao bao nhiêu năm nay vẫn tồn tại vững chắc vậy?! Nghịch lý hơn là các sinh ấy lại được các trường đại học ở các nước như Ấn độ, Thái Lan, Úc, và một số nước ở châu Âu, châu Mỹ chấp nhận đào tạo tiếp tục. Phải chăng vị trí các trường đại học ấy ở Việt Nam có chất lượng quá cao? Thế thì tại sao kết quả vừa qua lại không chịu đánh giá đúng cái giá trị ấy nhỉ!

Lại nữa, quy trình để các đại học, học viện ở Việt Nam được chấp nhận đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thật là khắc khe đến mức việc xin giấy phép mất thời gian 5 đến 10 năm mà vẫn còn phải xếp hàng chờ đợi. Mặc dù có những trường, viện đáp ứng tiêu chuẩn quy định về số lượng tiến sĩ - những giảng viên giảng dạy tại trường nhưng cũng vẫn chưa được cấp giấy phép đào tạo. Nếu quy trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ta nghiên túc và khó như thế thì lẽ ra phải sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước và các trường đại học tất nhiên phải nổi tiếng như là một hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, một thực tế hơi thất vọng là trong khi các trường đại học được cho là nghiêm khắc đào tạo cấp sau đại học sản sinh ra nhiều thành quả chưa đạt chất lượng thì bộ lại hạn chế cơ hội cho các trường viện khác được phép tham gia đào tạo cấp sau đại học một cách công bằng như quyền của nó được hưởng. Đây là một sự lãng phí của ngành giáo dục, một sự oan ức của sinh viên không có cơ quan nào giải đáp thỏa đáng.

Những trăn trở trên là của cá nhân và cũng là của nhiều sinh viên trong cùng cảnh ngộ - những người mong muốn nâng cao tri thức để phát huy khả năng của mình nhằm đóng góp cho xã hội nhưng không có được cơ hội để thực hiện uớc mơ ấy ở trong nước. Uớc mơ ấy chỉ có thể thực hiện ở nước ngoài nhưng khổ nổi ‘cơm, áo, gạo tiền’ đâu phải ai cũng có thể kiếm được. Mong rằng một ngày rất gần ‘các bậc cha mẹ’ (bộ giáo dục) rũ lòng thương xót, quan tâm đồng đều các đứa con của mình (các trường đại học, học viện) thì may ra phận sinh viên bớt vất vả.


Friday, May 28, 2010

Thiên đường mong manh

Được may mắn tháp tùng cùng đoàn Phật tử Việt Nam, tôi có dịp tham quan Pattaya, Thái Lan lần thứ hai. Lần này đoàn đến sớm nên chúng tôi có dịp xem show diễn của những người chuyển giới tính và dạo khu phố walking street nơi diễn ra các hoạt động vui chơi giải trí suốt đêm. Thành phần đến Pattaya có rất nhiều hạng nhưng đa phần là giới trẻ và là những người từ phương tây. Vấn đề đặt ra là tại sao họ lại tìm đến nơi này? Phải chăng họ xem nơi đây như là thiên đường ăn chơi và nếu như tạm được gọi cái tên như thế thì đây thật sự là một ‘thiên đường mong manh’.

Là con người thì ai cũng mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc được hiểu và cảm nhận khác nhau tùy theo mỗi người nhưng tựu trung đó là những cảm thọ lạc của con người. Hạnh phúc hiện hữu khắp nơi trên cõi đời này nhưng đa phần không thấy và không thể thấy. Do đó, họ đi tìm hạnh phúc ở những nơi được gọi là thiên đường. Thiên đường vật chất theo đúng chữ nghĩa thì nó ở cõi trời xa xôi nào đó và khó có thể đến được ngay trong kiếp sống này. Do vậy, thứ thiên đường ấy chỉ giành cho những người mong ước kiếp sau và là nơi xa hoa hưởng thụ cho những giới thượng lưu cấp bậc cao hơn con người.

Không chấp nhận phấn đấu để đạt đến những tiêu chuẩn lý tưởng của thiên đường xa xôi, con người sáng tạo ra những thiên đường ngay trên trần gian này. Những thiên đường trên trần gian có mục đích là phục vụ cho những ai mong muốn thỏa mãn khoái lạc vật chất hay tìm vào lãng quên thế giới bên ngoài bằng vật dục. Sự hấp dẫn của nó được chứng minh bằng những dòng người khắp nơi trên thế giới lũ lượt kéo về vui chơi, sinh hoạt.

Được mệnh danh là thiên đường nhưng nó không bền bỉ mà bao trùm một sự chóng tàn mong manh. Như trên đã đề cập, nói đến thiên đường là nói đến hạnh phúc, là cảm giác lạc thọ. Cái cảm thọ lạc thú, thỏa mãn diễn ra dọc theo hai bên con đường đi bộ biểu hiện bên trong một sự mất phương hướng hay nói cách khác là sự khủng hoảng về lối sống. Họ lao vào công việc bằng cách dùng thân thể để phô diễn những màn nhảy múa, kết hợp với công nghệ âm thanh ánh sáng hiện đại, tạo ra một không khí sôi động nhưng cũng không kém phần ồn ào và chói tai.

Hàng đêm cùng với những âm thanh khuếch đại và ánh sáng nhấp nháy, họ bị quay cuồng trong những trò chơi dục lạc. Đầu đêm, nhìn ai cũng có vẻ vui tươi, sung sức nhảy múa. Khi đêm càng khuya và tàn dần thì vẻ mệt mỏi, bơ phờ cũng lộ trên gương mặt mỗi người. Lúc trời gần sáng, khi mà mọi người bắt đầu một ngày mới thì những người này chìm vào giấc ngủ vì quá mỏi mệt.

Thiên đường của giới ăn chơi thỏa mãn vật dục có vẻ hấp dẫn và hào nhóa nhưng chỉ xảy ra trong khoảnh khắc vào lúc đêm khuya. Sự tồn tại ngắn ngủi là biểu hiện của sự mong manh. S mong manh còn biểu hiện qua hình ảnh mệt mỏi và chán chường lộ ra trên gương mặt mỗi người sau một đêm sống hết mình. Mặc dù sự mong manh là thế, con nguời cũng không thể dễ dàng vượt qua sự quyến rũ của nó để tìm cái chân thật hơn. Do đó, thiên đường mong manh vẫn tồn tại khi mà nhu cầu tìm đến cái mong manh ấy vẫn ngày càng tăng gia tăng.

Tuesday, May 18, 2010

Nghèo có phải là có tội?

Tình hình xảy ra ở Thái Lan thời gian qua khiến cho nhiều người đặt những câu hỏi khác nhau. Tôi không đặt những câu hỏi liên quan đến chính trị mà chỉ hỏi một câu dường như là ngớ ngẫn. Tuy nhiên khi nghĩ kỹ thì nó là vấn đề cuả cuộc sống, vấn đề mà con người đang sống và đang đối mặt với nó. Đó là vấn đề nghèo có tội không?

Dường như ai cũng trả lời là không mà không cần phải tốn thời gian suy nghĩ. Bởi vì nghèo đâu gây nên tội tình gì. Điều đó trong những trường hợp thì hợp lý nhưng có những trường hợp dường như cần phải suy nghĩ lại.

Tôi không đưa một câu trả lời nào cụ thể cho câu hỏi này mà chỉ lấy một ví dụ cụ thể từ hoàn cảnh cụ thể, ngay ở bangkok, Thái Lan này. Nếu đọc tin tức chúng ta đều biết rằng khi bên áo vàng thuộc những nguời thân hoàng gia và giai cấp thượng trung lưu biểu tình, chỉ cần có 1 hay 2 người chết là vấn đề trở nên trầm trọng và các thành viên trong chính phủ không dám làm gì mạnh tay hơn. Thế nhưng tình thế hiện nay lại hoàn toàn khác. Số người bên phía áo đỏ gồm những người nghèo chết vì biểu tình lên đến con số vài chục thì tình hình cũng cứ tiếp tục gia tăng đàn áp.

Phải chăng vì cái tội nghèo của họ mà họ phải chịu cảnh tang thương như thế? Có lẽ ở đâu ngừoi nghèo cũng luôn bị thiệt thòi và câu giải đáp là gì nếu không phải là cái tội nghèo? Mong rằng bậc cao minh nào giải đáp cho dân nghèo hiểu với.

Monday, May 10, 2010

Những kỷ niệm ngày tốt nghiệp

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè nơi đất Thái, từng đoàn xe và người lần lượt đổ về nơi campus của đại học Mahachulalongkorn. Họ về đây để chia vui và chúc mừng những người học trò, những con em của họ tốt nghiệp sau thời gian miệt mài học tập. Trên khuôn mặt của họ biểu hiện niềm tự hào và vẻ hân hoan khi có những người học trò, những con em có những bước tiến mới.

Nói đến niềm vui ngày tốt nghiệp thì không thể không đề cập đến những nhân vật chính của ngày này. Đó là những sinh viên tốt nghiệp các cấp học từ cử nhân đến tiến sĩ.

Có thể nói rằng, một trong những niềm vui lớn nhất của sinh viên là ngày được nhận bằng tốt nghiệp bởi nó là kết quả của một quá trình nỗ lực và phấn đấu học tập. Tuy nhiên, kết quả ấy không phải là mục đích cuối cùng mà là bước ngoặt để cho sinh viên có thể tiếp tục tiến lên hay bước sang ngã rẻ để cống hiến cho cuộc đời. Dẫu sao, ngày ấy vẫn là ngày mà bao sinh viên mong ước và hân hoan khi bước lên nhận tấm bằng biểu trưng cho thành quả của họ.

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, không mang nhiều hình thức nhưng thật có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao. Một sự giáo dục thực tế được biểu hiện qua lời nói và hành động cụ thể có thể nghe, thấy và học tập một cách trực tiếp. Truyền thống giáo dục trực tiếp này đã và đang có hiệu quả rất cao nhất là về nhân cách và đạo đức trong xã hội phương đông.

Sự hiện diện của vị lãnh đạo trung ương đại diện cho tăng già đến chúc phước và trực tiếp trao phát văn bằng cho sinh viên thể hiện một sự hòa hợp, thống nhất trong tổ chức Phật giáo và làm tăng thêm tính chất giáo dục gương mẫu. Đó là hình ảnh đẹp đáng để suy gẫm.

Hòa trong niềm vui chung của hơn 2000 sinh viên, tôi cũng hân hoan có mặt trong buổi lễ tốt nghiệp. Để chia sẻ với bạn bè và người thân, những tấm hình dưới đây được ghi trong khung cảnh vui tươi của ngày tốt nghiệp, nơi campus của Đại học Mahachulalongkorn, Wangnoi, Ayutthaya, Thái Lan.