Thursday, April 26, 2012

Phần thưởng nào khuyến khích Phật tử


Sẽ là một thực tế khi có ai đó đặt câu hỏi trở thành Phật tử (gồm cả tại gia và xuất gia nhưng ở đây dùng cho người Phật tử tại gia) sẽ được gì hay nói cách khác là sẽ được phần thưởng nào? Thế nhưng, có lẽ ít ai đặt câu hỏi ấy trực tiếp hay gián tiếp trong quá trình trở thành Phật tử, thậm chí trước hay sau khi trở thành Phật tử bởi dường như Phật tử nào ít nhiều đều hiểu giá trị đạt được khi là Phật tử. Lại nữa, cũng sẽ là thiết thực hơn nếu có ai hỏi rằng Phật tử phải làm gì để được nhận phần thưởng? Hai vấn đề quyền lợi (phần thưởng) và trách nhiệm (bổn phận) luôn song hành và có tác động lẫn nhau. Hỏi phần thưởng tức bao gồm bổn phận.
Được gì hay phần thưởng nào ở đây có thể được hiểu ở hai khía cạnh là quả - phước báu hay sự an lạc và cao tột là giác ngộ, giải thoát do thực hành giáo pháp và quả - phần thưởng khích lệ bằng vật chất hay tinh thần do tổ chức Phật giáo hay chùa chiền nơi vị ấy sinh hoạt ban tặng. Trong khi khía cạnh một là mục tiêu hàng đầu bất cứ Phật tử nào cũng cầu mong và phấn đấu để đạt được nhưng ít người đạt được hay đạt được mà chưa cảm nhận hay chưa thỏa mãn về nó, thì khía cạnh thứ hai lại rất dễ dàng cho tất cả mọi người thấy được. Rõ ràng phần thưởng luôn có thật nhưng làm cách nào để nhận được phần thưởng xứng đáng lại là vấn đề mỗi người Phật tử cần phải suy nghĩ.
Trước hết, chúng ta hãy tạm chấp nhận khái niệm Phật tử qua hai quan điểm. Thứ nhất, Phật tử chính thức tức là những người đã quy y (nương tựa) Tam Bảo và phát nguyện thực hành năm giới (năm điều đạo đức Phật giáo). Thứ hai, Phật tử tự nhận tức là những người không quy y Tam Bảo nhưng thực hành lời dạy của đức Phật như hành thiền, tụng kinh, v.v…(nói cho đúng thì họ đã quy y Nhị Bảo vì họ nương vào giáo pháp do đức Phật dạy mà thực hành).
Theo truyền thống Phật giáo, một người trở thành Phật tử chính thức khi vị ấy lập lại ba lần trước vị thầy rằng: ‘con xin quy y Phật/Bụt, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng’ trừ trường hợp hai vị Phật tử đầu tiên tên Tapassu va Bhallika chỉ quy y Phật và Pháp (vì lúc ấy chưa thành lập Tăng già). Nghi thức này cũng ví như nghi thức nhập môn của các tín đồ các tôn giáo khác. Sau khi đã quy y Tam Bảo xong, vị ấy sẽ được giảng giải về năm giới và được khuyến khích phát nguyện thực hành càng nhiều càng tốt năm giới ấy.
Thật là ngạc nhiên khi không có điều luật nào trong Phật giáo bắt buộc người đã quy y phải tuân thủ thực hành đầy đủ năm giới. Nói cách khác, không có điều luật nào trong Phật giáo quy định nếu không giữ đủ năm giới thì sẽ không được công nhận là Phật tử hay có hình thức kỷ luật tương xứng. Như vậy, trở thành Phật tử là một sự tự nguyện tích cực sau khi nhận thấy được giá trị thiết thực của chánh pháp. Do đó, quy y là nền tảng đầu tiên và cũng là con đường phải nương tựa suốt cuộc đời của người Phật tử thực hành chánh pháp. Phần thưởng cao quý nhất tất yếu có được sẽ bắt đầu từ nền tảng ấy.
Phần thưởng theo khía cạnh một:
Ngược thời gian trở về thời đức Phật, chúng ta biết được câu chuyện hai vị cư sĩ cúng dường đức Phật ngay sau khi Ngài chứng ngộ đạo giải thoát và cầu xin Phật để được quy y Ngài và giáo pháp; hay chuyện chàng cư sĩ Thiện Sinh xin quy y Tam Bảo sau khi được đức Phật giảng dạy về ý nghĩa lễ lạy sáu phương và các điều đạo đức có thể đưa đến an lạc, hạnh phúc đời này và đời sau nếu được thực hành….Tại sao họ lại quy y và họ đạt được điều gì? Rất dễ dàng nhận ra là họ bị thuyết phục bởi năng lực phi thường cũng như trí tuệ siêu phàm của đức Phật và phần thưởng dành cho họ là phước báu do cúng dường và sự hiểu biết phương cách đưa đến hạnh phúc đời này và đời sau.
Trải qua hơn 2500 năm lịch sử, số người tìm đến quy y do kính trọng Tam Bảo cũng có, mà do niềm tin sẽ được Phật gia hộ bình an, khỏi đọa tam đồ, siêu sanh cõi lành cũng không thiếu. Quy y do kính trọng Tam Bảo diễn ra khi vị ấy thấy được tấm gương vĩ đại của đức Phật và kính phục xin noi theo Ngài; khi vị ấy hiểu được giá trị thiết thực của giáo pháp là có thể đem đến an lạc, hạnh phúc hiện tại và tương lai; và khi vị ấy chứng kiến sự an lạc thật sự của tăng đoàn và tin tưởng khả năng hướng dẫn của họ. Sau khi quy y chính thức hay không chính thức, người Phật tử tiếp tục học hỏi và không ngừng hành trì chánh pháp thông qua sự hướng dẫn của tăng đoàn và sự soi sáng từ những đức tính của đức Phật. Những người theo con đường này hiện có mặt khắp Đông Tây và phần thưởng thiết thực mà họ nhận được biểu hiện qua đời sống an lạc hằng ngày của họ. Mối quan hệ tương duyên nhân - quy y, hành trì chánh pháp và quả - sự an lạc được chứng minh rõ ràng qua nỗ lực tự thân của họ.
Ngược lại, quy y do niềm tin sẽ được Phật gia hộ và sẽ được phước báu vãng sanh cõi lành phần lớn dựa vào niềm tin và tha lực. Đa số Phật tử hiện nay đi theo con đường này. Họ quy y bởi họ tin rằng đức Phật là bậc cao tột có năng lực vượt hẳn tất cả các thần linh và luôn từ bi ban phước và gia hộ; tin rằng chánh pháp là điều nhiệm mầu có thể làm tăng phước báu và sự linh thiêng khi trì tụng; và tin rằng tăng đoàn có thể giúp họ đạt được ý nguyện nhờ phước đức của Tăng và các nghi lễ cầu nguyện mà họ thực hiện. Phần thưởng cho những người trong trường hợp này là không thể xác định cụ thể vì nó còn phụ thuộc vào chánh nhân mà họ thực hiện. Tùy theo chánh nhân có tu tập hành trì, hoặc chỉ dừng lại ở niềm tin và cầu nguyện hay thậm chí không theo chánh pháp mà kết quả sẽ đến tương xứng. Những người thuộc nhóm này thường dễ dao động bởi các yếu tố linh thiêng mầu nhiệm và huyền bí siêu hình. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là nhờ đức tin vào sự phù hộ của đức Phật và chư vị Bồ tát mà nhiều người tìm đến đạo Phật và phát tâm làm việc thiện.
Phần thưởng theo khía cạnh hai:
Khi chưa phải thánh nhân sống đời tự tại, thoát vòng đối đãi, thì yếu tố ngoại duyên mang tính khích lệ tinh thần tu học của người Phật tử rất cần được chú trọng. Sự khen tặng bằng món quà tinh thần hay sự giúp đỡ bằng phương tiện vật chất cho những Phật tử trong các trường hợp như tinh tấn tu tập, có nhiều đóng góp, gặp hoàn cảnh thiếu thốn là điều không quá khó khăn để thực hiện. Ta hãy tìm hiểu, xưa và nay, những phần thưởng dạng này được áp dụng như thế nào trong Phật giáo?
Có thể nói Phật giáo là một tôn giáo không có chủ trương phát triển tín đồ, đặt biệt là không thấy đề cập vai trò và bổn phận truyền bá chánh pháp của người Phật tử. Trong khi mỗi tín đồ của các tôn giáo lớn khác dù là tu sĩ hay thế tục đều có bổn phận bắt buộc phải là nhà truyền giáo, thì Phật giáo chỉ thấy đề cập vai trò và bổn phận này đối với người xuất gia ngay sau khi Tăng đoàn được thành lập. Phải chăng đức Phật không xác nhận vai trò này đối với người Phật tử hay vì Phật chưa nói vì nhân duyên chưa đủ? Phải chăng Phật tử chỉ làm công việc “thiền môn hưng thịnh do đàn việt pháp tâm” như chư tăng ni thường lập lại trong các lễ trai tăng cúng dường? Sự thờ ơ của Phật tử trước sự tăng giảm tín đồ Phật giáo, có thể nói, là hậu quả của việc độc quyền vai trò truyền bá chánh pháp. Sự thật có đúng như vậy không và phần thưởng nào dành cho họ trong trường hợp này?
Đọc trong kinh sử Phật giáo, ta thấy rằng, mặc dù đức Phật không giao phó bổn phận truyền bá chánh pháp cho hàng tại gia nhưng Phật cũng không phủ nhận vai trò của họ đối với công việc này. Nữ cư sĩ Visakha khéo léo đưa cả gia đình nhà chồng theo Phật giáo, bác sĩ Jivaka khéo đưa vua A-xà-thế đến với đức Phật sau khi vua đã phạm tội lớn, v.v.. là những ví dụ cho thấy Phật tử tại gia đóng vai trò quan trọng, trực tiếp trong việc phổ biến đạo Phật và làm tăng thêm bạn tu. Phần thưởng họ có được trong trường hợp này là được Phật tán thán và tất nhiên là tăng trưởng phước báu theo đúng tinh thần nhân quả. Như vậy, ngay thời Phật tại thế, phần thưởng – sự tán thán khích lệ tinh thần cho người tu gồm cả xuất gia và tại gia khi họ phổ biến chánh pháp đã được thực hiện và mang lại kết quả thiết thực. Số người tu chứng và số lượng Phật tử không ngừng gia tăng.
Ngày nay, những người cư sĩ làm công việc truyền bá chánh pháp không phải là hiếm thấy. Điều đó có nghĩa là nhiều người Phật tử vẫn tự ý thức được vai trò của họ trong việc tu tập và hộ trì Phật giáo. Điều đáng nói là các tổ chức Phật giáo dường như quên lãng việc tán thán khích lệ những người Phật tử làm công tác truyền bá đạo Phật. Hiếm có chùa nào thống kê số lượng Phật tử quy y hàng năm và tổng số tín đồ gia tăng trong 5 năm, 10 năm…. Hiếm có chùa nào hướng dẫn Phật tử kỹ năng truyền bá chánh pháp cho những người chưa là Phật tử. Càng hiếm thấy chùa nào quan tâm tán thưởng những người có đóng góp trong việc giới thiệu nhiều người vào đạo tu tập.
Như vậy, phần thưởng khích lệ tinh thần cho những người cư sĩ hoằng pháp chưa được thực hiện bởi Phật giáo chưa có chương trình đề cập vai trò và trách nhiệm hoằng pháp của mỗi người Phật tử. Kết quả là đa số Phật tử không biết hay biết mà không có kỹ năng thực hiện vai trò truyền bá chánh pháp của mình. Cho nên, nhiều gia đình cha mẹ là Phật tử nhưng không hướng được con cháu đến với đạo Phật để trở thành Phật tử mà để chúng theo các tôn giáo khác hay không theo tôn giáo cụ thể nào. Phật giáo vì vậy trở nên thiếu sức sống và người Phật tử trở nên thờ ơ với sự sống còn của đạo Phật.
Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng thiếu sức sống của Phật giáo và sự thờ ơ của Phật tử. Một trong những nguyên nhân phổ biến hiện nay là sự lý tưởng hóa đạo Phật và thiếu sự tương trợ trong tổ chức Phật giáo. Các nhà hoằng pháp thường hay lý tưởng hóa Phật giáo bằng cách trích dẫn, giảng giải những giáo lý từ bi, vô ngã, tinh thần bồ tát…nhưng thực tế chẳng mấy ai đủ năng lực thực hành được một phần những giáo lý ấy. Do đó, Phật giáo trở thành huyền bí, linh thiêng hơn là mang tính thực tế.
Về sự tương trợ, tổ chức Phật giáo thiếu hẳn chương trình và mục tiêu này từ cấp cao nhất cho đến cấp cơ sở. Về mặt hình thức, các ban ngành đều có đầy đủ nhưng trên thực tế thì mạnh ai nấy làm. Kết quả là Phật giáo đóng góp rất nhiều (chứ không phải là thiếu tài chánh) nhưng chính những người Phật tử nghèo thiếu không được hưởng, những cơ sở Phật giáo thiếu thốn (các chùa ở thôn quê) không được hỗ trợ, chương trình hoằng pháp xa xôi bế tắt vì không có kinh phí…Phật giáo không có khả năng tổ chức để giúp đỡ con em Phật tử nghèo thì làm sao họ mang ơn Phật để mà theo Phật. Trong khi đó, các tôn giáo khác nhân danh đấng tối cao đem đến cho họ cuộc sống khá hơn thì lẽ nào họ từ chối?!
Tóm lại, Phật tử tinh tấn tu tập thì tất nhiên nhận phần thưởng an lạc giải thoát; Phật tử đóng góp vật chất thông qua bố thí cúng dường hay truyền bá chánh pháp thì tất nhiên hưởng phước báu và đáng được nhận sự khích lệ tinh thần từ các tổ chức Phật giáo; và Phật tử nghèo thiếu, bịnh tật, gặp khó khăn thì cũng đáng được nhận sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện Phật giáo. Khi Phật tử được sự quan tâm, trợ duyên thì họ sẽ gắn bó với Phật giáo, sẽ có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ Phật giáo. Sự trợ duyên lẫn nhau giữa người xuất gia và tại gia; giữa Phật tử giàu và nghèo sẽ tạo mối liên kết, gắn bó trong cộng đồng Phật giáo. Đó là điều kiện quan trọng làm cho Phật giáo tồn tại lâu dài và lớn mạnh.

Tuesday, April 10, 2012

Chân lý nào có dễ theo?!


Con người được tôn vinh là động vật bậc cao nhất bởi con người có trí tuệ. Nhờ trí tuệ mà những phát minh khoa học ra đời và đỉnh cao của nó là chân lý. Thế nhưng một điều nghịch lý là chân lý dù rất hy hữu có người tìm thấy nhưng khi nó được tìm thấy và công bố rộng rãi, nó vẫn không dễ gì được nhìn nhận và đi theo. Nguyên nhân vì sao lại có sự nghịch lý? Do con người không đủ trí tuệ để nhận ra nó hay do yếu tố tập quán, siêu hình nào đó thống trị trí tuệ đến nỗi phớt lờ chân lý. Hãy đọc và chiêm nghiệm những chuyện đang diễn ra khắp đông tây, lời giải phần nào sẽ hiển lộ.
Chuyện nơi đất Phật
Ngày nay, trong các tôn giáo lớn trên thế giới thì chỉ có Phật giáo được Liên hiệp quốc công nhận là tôn giáo có đóng góp to lớn nhất cho nhân loại về trí tuệ, từ bi, hòa bình…. Tôn giáo ấy do đức Phật Thích Ca Mâu Ni – người con thân yêu của Ấn Độ sáng lập ra. Công trình Phật khám phá và công bố cho nhân loại về bốn sự thật, về mối quan hệ tương liên (duyên khởi), về nhân quả… mãi mãi là chân lý dù con người có nhìn nhận hay không. Lẽ ra, người dân Ấn phải rất tự hào về đức Phật – người đồng hương thân yêu vì sự đóng góp vĩ đại của Ngài. Lẽ ra, người Ấn Độ phải biết tôn trọng và giữ gìn di sản chân lý do chính tiền bối vĩ đại của mình khám phá và cống hiến.
Vậy mà, điều nghịch lý đã xảy ra. Người Ấn vẫn thích cầu nguyện thần linh và rửa tội nơi các dòng sông được cho là linh thiêng mấy ngàn năm qua cho đến bây giờ, bất cần chân lý nhân quả đức Phật đưa ra và chứng minh bằng thực nghiệm. Đáng buồn hơn, tôn giáo thực hành theo chân lý ấy bị đánh bậc khỏi mảnh đất linh thiêng – nơi sản sinh ra con người vĩ đại của nhân loại từ thế kỷ thứ 13 bởi những thế lực đối lập thần quyền và thế quyền. Cho đến hiện tại, trải qua hơn 600 năm vắng bóng và chỉ mới được thắp sáng lại từ thế kỷ 19, chân lý một thời lừng danh nơi đất Ấn và hiện tại khắp thế giới, mới có cơ hội le lói sáng lại. Tại sao điều nghịch lý như thế lại xảy ra? Có thể do hai nguyên nhân chủ yếu là chân lý không được giữ gìn đúng cách bởi những người yêu chân lý và nó bị đánh phá bởi những thế lực phủ nhận chân lý ấy.
Chuyện ở xứ Tây
Khi ánh sáng trí tuệ chưa tỏa sáng thì bóng tối thần quyền ngự trị và tìm cách ngự trị. Những gì con người chưa lý giải được bằng thực nghiệm khoa học thì nó thường bị suy diễn và thậm chí bị gắn yếu tố thần quyền vào để tạo độ tin cậy, phục tùng. Những chuyện đại loại như thần linh sáng tạo, thiên đường, tịnh độ…luôn hấp dẫn con người bởi nó đánh đúng vào tâm lý bất an và ước mơ của con người. Thế nhưng, nếu có một chút trí tuệ để tư duy thì ai cũng có thể thấy được vạn vật hiện tượng đều do tâm sinh ra hay nói cách khác là nhận thức về chúng. Mối quan hệ tương liên là chân lý hóa giải mọi nghi vấn về sự hình thành, tồn tại và tan hoại của vạn loại hữu tình và vô tình; dù nó được khoa học chứng minh là đúng (ít nhất về phần vật chất) nhưng đâu phải ai cũng chấp nhận. Vì vậy mà sự dựa vào thần quyền để tồn tại vẫn được nhiều tổ chức phương Tây ủng hộ. Dù rằng ngày càng nhiều giới trí thức và những người yêu chân lý tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành chúng nhưng xem ra chân lý vẫn còn bị lấn át trước sức mạnh thần quyền!
Chuyện xứ Ta
Nói về con người thì vấn đề sống chết là quan trọng nhất, chí ít là đại đa số đồng ý. Theo đạo Phật, kiếp người là vô thỉ, vô chung nghĩa là không thể tìm thấy nguyên nhân đầu tiên hay cuối cùng mà nó tồn tại theo thuật ngữ Phật học gọi là “trùng trùng duyên khởi”. Đối với bậc Thánh chứng Niết-bàn và được đức Phật ví như ‘củi hết lửa tắt’ thì cũng không thể cho là cuối cùng bởi năng lượng của ‘củi hết lửa tắt’ vẫn tiếp tục vận hành theo duyên kế tiếp (nguyện lực). Đối với phàm phu, sự tái sanh trong các cõi lành, dữ theo nghiệp lực là điều không thể tránh khỏi dù muốn hay không.
Dẫu là người con Phật, học và hành theo lời Phật dạy nhưng xem ra những người con Phật cũng chưa thật sự chấp nhận chân lý tái sanh này. Hàng ngày ta vẫn thấy các nơi chùa chiền, tăng ni vẫn theo tập tục tổ chức lễ cầu siêu cho những người đã chết từ lâu và mời gọi các hương linh ấy về hưởng hương hoa, vật thực. Vậy là, chân lý nghiệp và tái sanh đành phải nhường đất cho tập tục văn hóa sinh trưởng.
Không biết là đáng thương cho các hương linh mỗi năm mới được hưởng một lần (thật ra đã tái sanh còn đâu mà về hưởng) hay đáng tội cho những người cứ phải đọc tên cầu siêu hoài mỗi năm. Ngay cả các vị Hòa thượng cao tăng mà mỗi năm cũng được hàng đệ tử tiến giác linh và cầu nguyện ‘cao đăng Phật quốc’ thì nói gì hàng Phật tử bình dân.
Phải chi truyền thống văn hóa (dù không phải của Phật giáo) được thực hành đơn giản và đúng cách tức là cử hành lễ tưởng niệm công hạnh các bậc tiền bối để ôn cố tri tân, để giáo dục con cháu và đặc biệt chú trọng thực hành pháp chuyển hóa tâm thức thay vì cúng bái giác linh, hương linh mang nặng tín ngưỡng cầu nguyện, thì sự lợi ích có được đáng khích lệ biết chừng nào!
Không ai phủ nhận sự an tâm khi thực hành tín ngưỡng cúng bái, nhưng ủng hộ sự an tâm nhất thời ấy tức là đã phủ nhận chân lý của Phật dạy rồi. Chân lý ơi! xin an ủi cùng ngươi!

Monday, April 2, 2012

Những ấn tượng từ chuyến du hành


Trong cuộc đời, nếu ai có ý định du lịch, hành hương hay một chuyến tham quan xa có lẽ điều mong muốn ưu tiên là có những ấn tượng đẹp về chuyến đi ấy. Tuy nhiên, không phải ai cũng được diễm phúc thưởng thức những ấn tượng đẹp từ những miền đất xa lạ bởi những điều bất như ý vẫn luôn xảy ra nhất là những nơi có nền văn hóa, tập tục khác biệt với thế giới du khách đang sống và cộng thêm tâm lý chuẩn bị để thích ứng chưa chu đáo hay chưa sẵn lòng chấp nhận sự khác biệt. Những tâm trạng hài lòng hay không hài lòng, thuận duyên hay trắc trở, vui sướng hay lo lắng, thỏa chí hay sợ hãi… là những yếu tố đem đến cho mỗi du khách những ấn tượng khó phai về chuyến đi của mình. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh từ ấn tượng bởi nó vừa mang tính tích cực cũng có thể mang tính chưa tích cực. Riêng quan điểm người viết, ấn tượng là những gì đem đến cho mình những kỷ niệm khó quên.
Có lẽ ai thích hành hương Ấn độ đều ít nhiều tìm hiểu về văn hóa Ấn trước khi khởi hành. Tôi cũng thế. Tuy nhiên, cái biết qua tìm hiểu thông tin kiến thức chắc chắn không thể nào diễn tả được hết hiện thực cuộc sống ở Ấn. Do vậy, ‘đi rồi sẽ biết’ là tiêu chí mà tôi nghĩ là cách hay nhất để khám phá nền văn minh, văn hóa nổi tiếng về nhiều khía cạnh, nhiều tầng nghĩa vào hàng bậc nhất thế giới của xứ sở đặc biệt này.
Khởi hành từ Bangkok trên chuyến bay của hãng Air Asia đến Delhi lúc 11h 10 tối giờ địa phương, tôi được người bạn – đang là nghiên cứu sinh của trường đại học Delhi đón để đưa về ký túc xá sinh viên nghĩ qua đêm. Công việc check in trước đó cũng tương đối nhanh mặc dù phương tiện máy móc không sánh bằng ở sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan.
Sân bay Delhi cũng khá rộng lớn và theo lời của bạn tôi thì nó xếp vào hành tầm cỡ quốc tế về quy mô rộng và lượng du khách ra vào. Ra khỏi sân bay, chiếc xe mà bạn tôi thuê để chở chúng tôi về là loại taxi nhưng có lẽ chỉ có ở Ấn độ vì nó không giống như những taxi mà tôi đã từng thấy. Đoạn đường từ sân bay về Old Delhi – Delhi cũ khoảng hơn 30 km. Đường thì không sạch đẹp nhưng có sự phân làn rõ ràng và chất lượng ắt hẳn là không thua các con đường hạng nhất ở Việt Nam. Giá cho đoạn đường trên vào khoảng 500 – 600 rupees tức khoảng 250 ngàn đồng Việt Nam. Vì xe ở Ấn rẻ và chạy bằng gas nên giá cước rẻ hơn giá taxi của Việt Nam rất nhiều (nếu ở Việt Nam đi taxi phải mất 450 ngàn đồng). Tài xế chạy xe nhanh và lạng lách nhưng có lẽ tay nghề chuyên nghiệp nên ít thấy tai nạn xảy ra.
Ký túc xá tôi ở tạm thuộc loại trung bình dành cho khoảng 100 sinh viên. Mỗi sinh viên 1 phòng sinh hoạt theo quy định. Hàng ngày có người phục vụ ăn uống tại nhà ăn và phải ký tên mỗi ngày khi ăn xong. Ngoài ra, ai muốn ăn gì thì tự túc ở trong phòng, điện dùng thoải mái. Một đặc trưng không thể không đề cập đến là yếu tố vệ sinh. Bạn tôi kể ở Ấn độ có 8 không trong đó có ‘không vệ sinh’ – tức không có ý niệm về dơ sạch một cách rõ ràng. Do vậy, tìm một chỗ tương đối sạch nơi đất Ấn là hơi hiếm trừ các nhà hàng, khách sạn sang.
Ngày tôi đến Delhi nhằm vào lễ Holi – một trong những ngày lễ lớn của dân Ấn. Lễ Holi nhằm vào ngày trăng tròn 16 tháng 2 âm lịch và là ngày được quy định cho phép toàn quốc được nghỉ lễ trong vài ngày. Tất cả các cửa hiệu buôn bán, siêu thị, chợ búa, các phương tiện giao thông công cộng đều nghỉ cho đến 4 giờ chiều mới bắt đầu hoạt động trở lại. Điều làm tôi ngạc nhiên là xã hội Ấn tuy rất lộn xộn nhưng lại rất đồng bộ. Vào ngày lễ thì họ đồng loạt nghỉ chứ không có ý niệm tranh thủ làm kiếm tiền như ở các nơi khác. Đáng ngạc nhiên nhất là các phương tiện công cộng như taxi, tàu metro đều đồng loạt nghỉ lễ. Đây thật sự là một điều hiếm thấy, ngay cả bạn tôi ở Ấn gần 5 năm cũng chưa hề biết phong tục này cho đến khi chúng tôi đến ga metro.
Theo tôi được biết, ngày lễ Holi rất có ý nghĩa. Đây là ngày hòa giải, yêu thương và làm mới. Không có khoảng cách chia rẻ giữa cha mẹ - con cái, các thành viên trong gia đình…. Tất cả những mâu thuẩn, buồn giận …giữa các thành viên trong gia đình đều được xóa bỏ thay vào đó là tình yêu thương lẫn nhau. Vì ý nghĩa thiêng liêng này mà hầu như mọi người đều hạn chế đi lại để danh thời gian sum họp gia đình và thực hiện tinh thần làm mới.
Tại các ngôi đền hindu, các tín độ tập trung trước đó rất đông để chuẩn bị nghe vị chủ giáo phái tuyên bố khai mạc theo giờ quy định. Truyền hình trực tiếp phát đi những âm thanh và hình ảnh diễn ra tại ngôi đền chính cho các tín đồ toàn quốc theo dõi. Đặc trưng của lễ hội này là tạt nước và rảy hay trét màu đỏ vào người khác. Màu đỏ là màu biểu trưng của Hindu. Tạt nước và trét màu là hành động biểu trưng tẩy rửa tội lỗi. Vào ngày này, không có sự phân biệt thân sơ, quen lạ. Do đó, ai cũng có quyền trét màu hay tạt nước vào người khác bất luận tuổi tác, dân tộc…nếu ai chưa biết phong tục này để tránh thì sẽ bị bạn bè lôi ra tạt nước bôi màu lấm lem như anh hề trong kịch vui. Đối với người Ấn thì đó là niềm vui, hạnh phúc; còn đối với người ngoại quốc không thích thì đó là sự phiền tối dễ gây bực tức vì họ hy sinh một bộ đồ và một thời gian dài để tảy rửa tấm thân cho hết màu. Bạn tôi đã từng trải nghiệm đau thương nên có kinh nghiệm hoặc là đóng cửa trốn cho đến hết giờ, hoặc là tránh khu người dân vui chơi tạt nước màu với nhau. Lễ hội này quy định bởi tôn giáo bất kể là dơ sạch, đúng sai.
Vòng quanh Delhi
Được sự hướng dẫn của bạn, tôi đi tham quan Delhi gate nằm trên một khu đất rộng chạy dài vài km đến nhà quốc hội. Nơi đây thường diễn ra các cuộc diễu binh hay meeting lớn. Kế đến, chúng tôi đến thăm khu tưởng niệm Mahatma Gandhi nơi ông bị ám sát vào năm 1948. Khu tưởng niệm xây dựng thành hình vuông bao quanh bởi bốn bức thành dày 4m, cao 4m. Từ trung tâm nhìn ra bốn hướng là bốn dãy bậc tam cấp dẫn lên trên thành. Từ trên bờ thành nhìn xuống là  khu trung tâm hình vuông, ở giữa là bệ tưởng niệm Gandhi. Nơi đây các cánh hoa được đặt thành vòng tròn trên bệ đá để dâng cúng ông. Đặc biệt, ngọn đèn thắp sáng nơi đây được xem là ngọn lửa linh thiêng và vào dịp các sự kiện quan trọng diễn ra, ngọn lửa đều lấy từ đây đem đi. Các ngày lễ lớn, chính phủ đều đến đây để dâng hoa tưởng niệm. Xung quanh bốn tường thành được thiết trí ghi chép lại những lời vàng của Gandhi bằng chữ Hindi nhằm lưu truyền cho dân Ấn.
Địa điểm kế tiếp là nhà cầu nguyện của đạo Bahai. Ngôi nhà màu trắng có kết cấu hình hoa sen. Bên trong không thờ bất cứ hình ảnh của vị giáo chủ tôn giáo nào mà chỉ có các dãy ghế để cho du khách hay tín đồ đến ngồi cầu nguyện trong im lặng. Đạo Bahai thừa nhận sự tồn tại thượng đế, và thượng đế truyền qua ba đấng tiên tri Bab, Bahaullah, Abdulbaha và các sứ giả. Nền quản trị của đạo Bahai gồm ba cấp quốc tế, quốc gia và địa phương. Đạo Bahai có thành viên đại diện trong tổ chức liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế khác. Nói chung, sự quản trị của đạo khá chuyên nghiệp, có nhiều tình nguyện viên được đào tạo bài bản. Khi vào viếng nhà thờ và phòng triển lãm, du khách sẽ được các tình nguyện viên phục vụ tận tình. Đạo này chủ trương dung hòa tất cả các tôn giáo, trưng bày hình ảnh tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới.
Địa điểm cuối cùng tôi đến là viện bảo tàng Delhi nơi trưng bày một trong những xá lợi thật của đức Phật. Tháp thờ xá lợi hiện tại do Thái Lan cúng dường. Xá lợi Phật là miếng xương nhỏ đặt bên trong tháp nhỏ. Những hình ảnh du khách có thể nhìn thấy là hình phóng đại từ miếng xá lợi bên trong. Tại đây, Phật tử có thể đảnh lễ xá lợi và tụng kinh. Viện bào tàng lớn và chia nhiều khu nhưng chúng tôi chỉ viếng khu thờ xá lợi Phật. Trong phòng còn có rất nhiều tượng Phật và các kiểu kiến trúc từ thời kỳ Mauryan – thời vua Asoka. Từ những hình ảnh này, ta có thể nhận định về hình ảnh đức Phật được tôn thờ hiện nay tại khắp nơi trên thế giới.
Thứ nhất, những gì trưng bày trong bảo tàng phản ảnh nền văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc đặc trưng của thời vua Asoka và các đời sau đó đến thế kỷ 12 TL. Hình ảnh đức Phật cũng không ngoại lệ, nghĩa là hình tượng đức Phật cũng thuộc các thời văn hóa này. Ta không dám chắc rằng những hình tượng đức Phật này giống nguyên hình đức Phật khi còn tại thế.
Tượng Phật để tóc quăn/hình xoắn ốc là hình gốc của đức Phật hay là sản phẩm của những thế hệ sau là câu hỏi chưa ai xác chứng. Ngay cả 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp cũng không hẳn là chủ trương của Phật vì tiêu chuẩn nào để đánh giá là tốt, là đẹp thuộc hình tướng bên ngoài thì khó ai xác thực. Những chi tiết kể ra chỉ là tượng trưng và không hẳn ai cũng đồng ý cho là đẹp. Cái tốt, cái đẹp mang tính hạn hẹp của nền văn hóa bản địa thì ắt rằng Phật không chủ trương và nếu có thì đó chỉ là mang tính đối phó với ngoại đạo thịnh hành lúc bấy giờ.
Thứ ba, nhiều tượng Phật bị ảnh hưởng và mang dáng dấp của nền văn hóa Hindu giáo vì những tư thế và cách ăn mặc của Phật không bao giờ kỳ cục như vậy.
Có thể nói, tượng Phật là do các nghệ nhân sáng tạo ra chứ không theo một mẫu nhất định nào như công nghệ sao chép ngày nay. Từ đó, chúng ta dễ hiểu khi thấy tượng Phật Ấn Độ hoàn toàn khác tượng Phật của Trung Quốc, Thái Lan…vì nghệ nhân ở đâu thì sáng tạo Phật giống ở đó. Đây cũng là nét thích nghi của Phật giáo xưa và chúng ta nên tiếp tục phát huy.
Hình tượng làm tôi đặt câu hỏi nhiều nhất là tượng Phật Di Lặc. Ngài chưa xuất hiện nhưng đã có các kiểu tượng rất khác nhau. Ở Ấn Độ tượng Ngài giống kiểu tượng Tây tạng màu mè; trong khi đó tượng Di Lặc ở Trung Quốc, Việt Nam thì phỏng theo vị Hòa thượng Bố Đại bụng bự, miệng luôn cười rất dễ thương và gần gũi.
Thế thì, vấn đề cần quan tâm là nền văn hóa và sự sáng tạo. Đạo Phật là đạo tùy duyên bất biến nên sự khác nhau là sự phản ảnh tinh thần này. Trong khi Phật giáo ở các nước Ấn, Hoa, Thái…chủ động thích nghi và sáng tạo nên những nét riêng của họ thì Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ dám táo bạo làm công việc này. Phật, Bồ tát, và ngay cả tăng ni Việt Nam cũng chỉ là bản sao của Trung Quốc. Cho rằng ta phải nhớ ơn và theo chư tổ Trung Quốc thì tại sao ta không trực tiếp theo đức Phật Ấn Độ - Đức bổn sư của ta. Phải chăng đây là kết quả của ý thức tự ty, tiểu nông hay là ý thức xu nịnh, xính ngoại của dân tộc Việt?! Đây vẫn còn là vấn đề tranh luận.
Sau một ngày ở Delhi, tôi tiếp tục đáp chuyến bay đến Bodhgaya (Bồ đề đạo tràng). Đến phi trường Gaya, tôi được người quen đưa về chùa Viên Giác (Vien Giac institute) – một trong các ngôi chùa Việt Nam tại Bồ đề đạo tràng. Có thể nói, đây là một trong các ngôi chùa được biết nhiều nhất ở khu này. Bởi vì, chùa này ở vị trí gần Bồ đề đạo tràng (đi bộ chỉ gần 10 phút); chùa có biểu tượng chùa một cột bên trong; chùa có mục đích rõ ràng là phục vụ khách hành hương lưu trú. Du khách hay Phật tử muốn ở thì đăng ký và đóng phí quy định. Tăng ni thì có thể miễn phí. Ở đây, khách chỉ lo việc hành trì tu tập, mọi thứ đều được nhân viên phục vụ gồm cả ăn uống ngày 3 bữa.
Ta biết rằng khí hậu ở Ấn Độ khắc nghiệt, lúc quá nóng, lúc quá lạnh. Khách hành hương thường chọn đến Ấn vào mùa từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau vì thời tiết mùa này là thích hợp nhất. Hơn nữa, mùa này các hãng hàng không mở chuyến bay để đưa khách đi lại nên việc di chuyển dễ dàng hơn, giá cả rẻ hơn. Vì điều kiện khách quan, các chùa ở đây chỉ hoạt động mạnh vào thời gian như đã đề cập. Hết mùa, chùa vắng vẻ, hiếm người lui tới.
Theo tôi biết, dân Ấn Độ hiện tại khoảng 70% theo Ấn giáo, gần 30% theo Hồi giáo, số theo Phật giáo, Thiên chúa giáo…chưa tới 1%. Đến Ấn tôi học được câu châm ngôn vui là dân Ấn “hiền hiền nhưng hay làm tiền”. Dân Ấn tương đối hiền và so với dân Việt thì hẳn là hiền hơn nhưng phổ biến là hay làm tiền và xin tiền. Ở đâu cũng có thể gặp tình trạng này. Nó trở thành sản phẩm đặc trưng của Ấn Độ.
Các trẻ em 2-3 tuổi đã biết xin ăn. Nhìn chúng và cha mẹ chúng không thể tưởng tượng làm sao họ sống được. Điều kiện sống của họ thật khủng khiếp, có lẽ còn thua xa đều kiện sống của các dân tộc thiểu số nghèo nhất ở Việt Nam. Nói về ở dơ thì không có từ nào miêu tả, mỗi người tự cảm nhận thôi. Dân Ấn xin tiền và nhận tiền trợ giúp của các đoàn từ thiện hay từ các chùa nhưng họ không đi chùa tu tập. Họ chỉ biết xin, nhận vật chất mà thôi. Cho nên, chùa xây lên không phải là để hướng dẫn tu tập cho người bản địa.
Khi nghe một vị nói xây chùa ở Ấn để mở khóa tu thì tôi nghĩ là không thực tế hay nói chỉ để khoe thiên hạ. Lý do đơn giản là mở khóa tu cho ai. Người Ấn thì không tu, người Việt thì ai tới. Nếu tham dự khóa tu thì họ có thể chọn ở trong nước hay nơi họ cư trú cho tiện lợi và đủ điều kiện về giảng dạy và hành trì. Người Việt chỉ có thể đến Ấn hay nơi xa nào đó tham dự khóa tu khi nơi đó mở pháp hội và phải có vị nổi tiếng về như Ngài Đạt lai lạt ma, chẳng hạn. Nếu không như thế thì ta có mở khóa tu cũng không ai tới vì không ai đánh đổi thời gian và chi phí cao để lấy lại chút xíu kết quả. Kinh doanh như thế là lỗ nặng!
Hầu hết Phật tử hành hương Ấn Độ là để chiêm bái và đảnh lễ Phật tích. Mỗi nơi họ chỉ dành thời gian ngắn đủ để chiêm bái. Trừ Bồ đề đạo tràng – nơi đức Phật giác ngộ và là nơi nhiều người quan niệm là linh thiêng và hay cầu nguyện – là nơi nhiều người dành thời gian nhiều nhất để hành trì tụng kinh, lạy Phật, ngồi thiền. Ai đã đến Bồ đề đạo tràng thì đều ra ngoài đại tháp hành trì chứ không phải ở trong chùa. Có hai lý do.
 











 
Theo quan điểm mang chút mê tín thì cho rằng hành trì ở đại tháp – nơi Phật giác ngộ sẽ được Phật và chư thiên gia hộ nên tu tập mau đạt kết quả, cầu gì được nấy. Còn theo quan điểm nhân quả thì giải thích rằng tu tập tại đại tháp dễ thành tựu hơn do nhận được lực tu của đại chúng tỏa ra. Tất nhiên, nơi mà tất cả mọi người đến chỉ với mục đích hành trì thì năng lượng tỏa ra là thiện và những ai trong đó ít nhiều đều được hưởng tùy theo cảm ứng. Còn vấn đề đất linh thiêng là do quan niệm thần bí bởi nếu thật là do đất linh thiêng tại sao Phật không cho xây tinh xá nơi đây và tại sao dân Ấn nơi đây muôn đời vẫn cứ nghèo khổ. Theo tôi, hành trì tu tập chính là sự linh thiêng nhất cũng như Phật đã dạy phép mầu nhiệm bậc nhất là giáo dục.

 

Đi rồi sẽ biết!


Varanasi là địa danh sở hữu một trong bốn Phật tích và cũng là địa điểm linh thiêng, huyền bí vào hàng bậc nhất thế giới với dòng sông hằng – còn gọi là dòng sông Mẹ. Để đến thành phố cổ này, từ Bodhgaya tôi mua vé xe đò (coach) - một loại xe mà ở Việt Nam vào thập niên 80 dùng để chở khách đi liên tỉnh – để bắt đầu hành trình khoảng hơn 250 km. Xe khởi hành 7h sáng và phụ xe bắt đầu đón khách.
Trên đường đi xe liên tục dừng để đón khách và chất hàng hóa. Chiếc xe đò liên tỉnh nhưng phục vụ không khác nào những chiếc xe bus nội thành tức là có bao nhiêu khách cũng đón đến khi nào hết chỗ đứng thì thôi. Cũng may là chiếc xe này chỉ chất hàng trên mui chứ chưa có người ngồi (những xe nội tỉnh thì người ngồi trên mui là chuyện thường ở Ấn Độ). Xe chạy từ từ thoải mái cho đến hơn 4h chiều mới đến nơi. Phải nói rằng tài xế xe ở Ấn Độ cũng thuộc hàng cao thủ vì giao thông ở Ấn Độ thật lộn xộn nhưng cũng may là không quá nhiều xe 2 bánh như ở Việt Nam.
Con đường liên tỉnh thì tương đối tốt, có sự ngăn cách hai bên, mỗi bên 2 làn xe. Tuy nhiên, khi vào thành phố thì các con đường thật là tệ, vừa nhỏ, vừa ổ gà ổ trâu, vừa dơ bụi. Xe cộ thì đông đúc chạy lộn xà ngầu, kèn xe liên tục kêu đến nỗi inh tai, điếc óc. Những chiếc xe ba bánh cũ kỹ nhưng cũng rất mạnh đưa tôi vào ký túc xá trường đại học. Sau đó, tôi tiếp tục đi xe đạp thồ 3 bánh – một dạng xe như xe lôi ở miền tây nam bộ Việt Nam. Campus trường đại học nào của Ấn cũng rất rộng, có nhiều cây xanh, và có đủ phương tiện cho việc học tập, thể dục thể thao. Lưu nghỉ lại ở ký túc xá trường một đêm, tôi lại có dịp đối mặt với muỗi (chắc Ấn Độ là đất nước nuôi muỗi vì khắp Ấn Độ đâu đâu cũng nhiều muỗi).
Ban đêm đi dọc bờ sông hằng để cảm nhận vẻ linh thiêng huyền bí mà bấy lâu nay được nghe và xem. Đi vào dịp ít du khách nên không gian đi lại rất thoải mái. Dọc bờ sông, có vài chỗ người ta thực hành nghi lễ cầu nguyện theo đạo Hindu với những sắc thái đủ kiểu. Nhạc mở hết cỡ không ai phàn nàn gì cả. Dọc bờ sông cũng có các con thuyền lớn nhỏ để cho du khách thuê đi lại trên dòng sông ngắm cảnh. Du khách có thể thuê thuyền đi lúc nào thích với giá cả khác nhau tùy loại thuyền và thời gian đi lại. 
Tại một nơi trên bờ sông hằng, các xác chết liên tục đem ra để làm lễ rồi sau đó thiêu tại chỗ. Khi tôi đến thì có 3 xác đang thiêu, 2 xác đang chuẩn bị thiêu. Dường như không có từ đám chết hay đám tang ở Ấn thì phải. Khi người thân chết, người ta quấn vào tấm vải, cột lại rồi để lên tấm ván hay đồ khiên (đại loại như băng ca) có 2 cây đòn tay hai bên dài ra để có chỗ cầm khiên đi. Các xác chết ở xa thì được để trên trần xe chở ra bờ sông rồi người ta khiên xuống chỗ thiêu. Trước khi thiêu họ nhúng xác xuống dòng sông cho ướt như là một nghi lễ rồi vớt lên chờ thiêu. Khi thiêu xác, họ không cho chụp hình vì họ quan niệm rằng linh hồn sẽ về trời Phạm thiên, bất cứ điều gì xen vào làm ô uế thì linh hồn không đi được. Mùi khét của xác chết bị đốt bay khắp nhưng với dân Ấn thì dường như quen thuộc. Không có ai khóc lóc, thương tiếc gì hết. Xác thiêu xong sẽ cho xuống sông, không có chuyện đem tro cốt về nhà hay thờ ở đền chùa. Đặc biệt, chỉ có đàn ông mới thực hiện công việc này.
Chúng tôi nói đùa rằng nếu mà ở Việt Nam cũng làm tương tự thì chắc quý thầy cô thất nghiệp dài dài vì đám ma đâu mà cúng. Các chùa cũng thất thu vì không ai gởi cốt hay linh thờ. Suy ra, phong tục rờm rà ở Việt Nam lại là cơ hội tốt cho Phật giáo tín ngưỡng có đất sinh hoạt. Tuy nhiên, chính lễ nghi rờm rà cũng là tác nhân gây bao phiền toái và khổ đau cho người sống.
Buổi sáng đi thuyền trên dòng sông Hằng ngắm mặt trời vừa mọc in hình trên mặt nước thật là thú vị. Chúng tôi có dịp nhìn dân chúng sinh hoạt thường nhật như vừa tắm, vừa giặt, vừa dùng nước cùng lúc trên dòng sông. Thỉnh thoảng xác chết thiêu chưa hết trôi trên sông hay dạt vào bờ. Tôi nhìn thấy một bộ xương chưa lâu trên bờ và các con chó thi nhau gặm ăn. Thật là ghê rợn và kinh khủng đối với những du khách nhưng với người Ấn, nó trở nên bình thường đến lạ lùng. Sống và chết trên cùng dòng sông!?
Tại sao người Ấn lại xem cái chết rất nhẹ nhàng như thế? Tôi được nghe rằng, với họ khi sống thì sống cho hết mình và trọn vẹn ý nghĩa (theo quan niệm của họ có lẽ là cầu nguyện) thì khi chết linh hồn về trời, thân xác ô uế vứt bỏ không có gì tiếc rẻ. Cho nên, họ không có những tiếc mục than van khóc lóc, hay tệ hơn là khóc mướn và nhiều thứ lễ nghi khác như ca hát, nhậu trong đám tang….Đặc biệt, những niềm tin mê tín về trùng tang, kỵ tuổi, kỵ ngày, động mồ mã… mặc nhiên không tồn tại nơi đất Ấn. Chúng tôi nói đùa, chắc cô hồn đói ở Ấn rất nhiều vì chẳng có thầy cúng nào cúng cơm hay chẩn tế cho chúng cả.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến khu Phật tích ở Sanarth, Banares (vườn Lộc Uyển, Ba la nại). Đây là nơi đức Phật thuyết bài kinh đầu tiên có tên gọi là kinh Chuyển Pháp Luân. Nội dung bài kinh nói về bốn sự thật: khổ, nguyên nhân của khổ, sự an lạc hạnh phúc hay Niết bàn và con đường đưa đến Niết bàn. Di tích còn lại mà du khách có thể nhìn thấy là công trình của các triều đại sau Phật tạo nên, đặc biệt là của vua Asoka. Trụ đá của vua Asoka bị phá gãy nhưng vẫn còn giữ lại phần gốc. Các nền móng của các đền thờ, phòng ốc vẫn còn trong khu đất này. Hiện tại, còn một cái tháp tròn cao mới được xây dựng vào thế kỷ thứ 11. Trong khu bảo tồn này, ban quản lý dành một khu riêng để nuôi các con hươu, nai như là để nhắc lại dấu tích vườn nai ngày xưa. 
Xung quanh khu di tích, dần hình thành các ngôi chùa Phật giáo của các nước như Tibet, Trung Quốc, Cam pu chia, Miến Điện….Cách xa khoảng 1 km, một ngôi chùa Việt Nam do sư Tường Quang đang xây dựng với mô hình là một tượng Phật chuyển pháp luân lớn bằng đá ở giữa, phía trước hai bên là chùa một cột và văn miếu, phía sau là hai dãy phòng 4 tầng có thể dung chứa khoảng 200 khách. Khi hoàn thành, đây là ngôi chùa Việt Nam duy nhất ở Phật tích này và có thể phục vụ Phật tử Việt Nam đến nghỉ ngơi khi chiêm bái.
Sau một ngày tham quan, tôi về lại Bodhgaya cũng bằng xe đò. Phương tiện đi lại từ Varanasi – Bodhgaya thật hiếm. Du khách sang thì có thể chọn taxi với giá hơn 50 USD, nếu chọn tàu hỏa thì mỗi ngày có 1-2 chuyến vào giờ khuya đến sáng sớm, còn xe đò thì một ngày chỉ có 1 chuyến khởi hành vào lúc 12h30 khuya đi Gaya. Tôi chọn đi xe đò vì bến xe gần Bodhgaya và thời gian hợp lý theo như đại lý bán vé nói.
Lúc mua vé, đại lý bán vé bảo là 9h tối xe chạy nhưng khi tới nơi thì mới vỡ lẽ là 12h30. Vì lạ và lần đầu tiên đi nên chúng tôi ai cũng hơi sợ khi phải đứng 1 mình chờ ở bến xe. Hơn nữa, xe thì không đậu tại bến mà lại đậu cách đó 1km. Khoảng 9h tối, có hai người (sau mới biết là tài xế) tới đón chúng tôi đưa tới chỗ xe rồi bảo trả tiền xe. Vừa thấy xe lạ, vừa nghĩ họ lừa nên chúng tôi cãi với họ rồi bỏ đi lại chỗ cũ. Thế là chúng tôi phải trả tiền xe đi về bến. Lúc này cảm thấy hơi lo âu vì trời càng về khuya, không quen biết ai.
Chúng tôi tiếp tục điện thoại tới đại lý phàn nàn, rồi nhờ người Ấn nói tiếng của họ cho dễ. Lúc ấy, bạn tôi bảo ra đứng bên ngoài chặn họ lại chứ rủi họ cầm điện thoại chạy mất. Vừa lo mà cũng vừa mắc cười. Không lẽ Ấn Độ tệ vậy sao! Bạn tôi còn bồi thêm vài câu chuyện là nhiều người bị giết rồi vứt xác làm tôi sợ thêm. Nói một hồi lâu rồi chúng tôi cũng phải đón xe tới chỗ họ xe đậu và tiếp tục trả tiền xe. Thành ra, chúng tôi tốn thêm tiền xe và con bị tài xế dọa không cho đi. Nguyên nhân một phần là do đại lý báo giờ sai, một phần là tài xế không biết tiếng Anh nên không bắt máy trong khi khách chờ xác định có chính xác không.
Ở lại một mình để chờ xe chạy, tôi lại gặp mấy thằng thanh niên nói tiếng Hindi chẳng hiểu gì cả. Thế mà chúng cứ hỏi hoài làm tôi phải tránh xa chúng và cũng thêm lo sợ. Sau đó, thấy xe bậc điện nên tôi lên xe ngồi chờ và bị thằng tài xế cự nự nhưng tôi chỉ hiểu qua thái độ thôi.
Ngồi trên chiếc xe cũ kỹ, nhảy như ngựa mong cho mau tới nơi. Tưởng tối nó chạy mau, ai dè nó cũng đón khách và dừng nghỉ lâu nên đến gần 7h sáng tới. Một đêm trên xe để có dịp nếm thêm hương vị du lịch bụi nơi đất Ấn.