Sunday, December 22, 2013

10 quy trình của GS Châu

Chiều 16/12, GS Ngô Bảo Châu, GĐ khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã có buổi trò chuyện với với hơn 500 nhà khoa học trẻ, SV các chương trình chiến lược của ĐH Quốc gia Hà Nội xung quanh chủ đề “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học”.
 GS Ngô Bảo Châu-cố vấn chiến lược của ĐHQG Hà Nội cho rằng tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học (NCKH) được thể hiện ở hai điểm chính đó là quy trình và phẩm chất.
Từ kinh nghiệm, GS đúc rút và chia sẻ 10 quy trình chuyên nghiệp.
1. Xác định phạm vi, lĩnh vực nghiên cứu. Điều này phụ thuộc vào khả năng chuyên môn. Thường là lĩnh vực nghiên cứu mà người đó được coi là chuyên gia, có thành tích trong lĩnh vực đó.
Một sinh viên, người nghiên cứu mới vào nghề phải có người hướng dẫn. Cũng có trường hợp người đó có chuyên môn nhất định trong lĩnh vực khác với lĩnh vực anh ta lựa chọn. Nhưng cả 2 trường hợp đều phải có hành trang: có người hướng dẫn, xác định được hành trang để tự tin chứ không phải đi tay không đến xứ sở mới.
2. Xác định vấn đề nghiên cứu. Theo đó tìm ra câu hỏi ban đầu là chốt quan trọng.
Để tìm ra câu hỏi đúng thì cần có kinh nghiệm nghiên cứu.
Trong môi trường hiện đại, tính chuyên nghiệp cao, sinh viên tự xác định được câu hỏi là việc khó vì chưa có kinh nghiệm thì khó xác định đó có phải vấn đề thời sự không, có trong khả năng giải quyết không. Vấn đề trong khả năng giải quyết thì không còn thời sự, vấn đề thời sự thì nằm ngoài khả năng. 
Cách nhanh nhất để xác định những vấn đề nóng hổi và không tưởng là phải tham gia các hội thảo khoa học, nghe báo cáo để nắm vững các vấn đề khoa học, xem khoa học đang đi về đâu, vấn đề gì mấp mé mà sinh viên có thể làm được. 
3. Cập nhật thông tin bằng việc tìm 1cuốn sách và 10-20 bài báo xuất hiện trong 2-3 năm gần đây có liên quan đến vấn đề đặt ra, trong đó có 5 bài báo kinh điển.
Quy trình này là bước quan trọng là nên có một nhóm bạn/đồng nghiệp tham gia theo hướng tự nguyện phi vụ lợi, cùng người nghiên cứu khám phá vấn đề mới sẽ tạo nên môi trường NCKH và gắn kết mọi người với nhau.
4 Xác định hướng giải quyết vấn đề, gồm lập kế hoạch về nhân sự, tài chính bằng việc sử dụng phương pháp đương đại. Ở bước này rất cần sự minh bạch trong việc hợp tác số người cùng NCKH ngay từ đầu.
5. Giải quyết. Làm khoa học thì có rủi ro nhưng trong đầu người leader (dẫn đầu) phải lường trước những khó khăn.
6. Gói lại công việc. Ít khi thực hiện được 100%, đến 1 mức nào đó cần gói ghém lại, làm rõ những việc làm được và chưa làm được. Quan trọng là thực sự bàn về cái gì đó mới. Bước này cũng phải chỉ ra những cái chưa làm được. Đó là tiền đề cho khoa học tiếp theo.
7. Viết bài báo khoa học. Kinh nghiệm của tôi là chọn 2 - 3 bài báo cảm thấy chuẩn thì chép tay lại, mình sẽ hiểu phong cách trình bày bài báo như thế nào. 
8. Viết xong thì có thể luân chuyển, gửi bạn bè, đồng nghiệp, xin ý kiến, trình bày ở hội nghị để nhận phản hồi. Sau đó viết lại bài báo.9. Chỉnh sửa bài báo.
10. Gửi bài báo cho tạp chí. Ở quy trình này, GS Châu đưa ra lời khuyên, nên chọn ban biên tập có quan tâm và thực sự hiểu đề tài mình thực hiện. Không nên vì bài báo của mình phù hợp được dùng ở tạp chí được xếp hạng số 10 nhưng lại gửi ở tạp chí số 3 như thế sẽ mất công và mất thời gian.
Cùng với 10 quy trình, 3 phẩm chất của công trình NCKH được GS Ngô Bảo Châu đúc kết đó là: đúng và trung thực; mới; hay, quan trọng.
Trong phẩm chất mới, điều quan trọng nhất là kết quả mới và tiếp đó là phương pháp mới. Phương pháp mới được đánh giá cao khi nó tìm ra được kết quả mới.
Theo GS Châu, điều quan trọng đối với người làm nghiên cứu khoa học đó là sự liêm chính. 

Theo vietnamnet.vn

Tuesday, December 17, 2013

Tổ đình Sắc tứ Minh Tịnh (Quy Nhơn)


Trí bửu
Sắc tứ Minh Tịnh tự thuộc hệ phái Bắc tông, do Đại lão Tăng cang Hòa thượng Thích Huệ Pháp (1887 – 1975) khai sơn sáng lập vào năm 1917, tại thảo am của hai Phật tử Trừng Quế, Trừng Qui cúng cho Ngài trên đồi cát ở khu 6, thành phố Quy Nhơn để tu học. Hòa thượng đã cải tạo thảo am, xây cất thành chùa Minh Tịnh (Quy Nhơn) và hành đạo. Tổ Khai sơn là vị Pháp sư, Tuyên Luật sư bậc danh tăng thạc đức, nổi tiếng ở miền Trung, Nam phần.
Minh tư Đạo, giác tư dân, trực chỉ vân phi thiên, nguyệt lãng.
Tịnh bổn Tâm, chương bổn Phật, viên âm lôi hưởng hải, phong triều. 

image

Tổ đình Sắc tứ Minh Tịnh tọa lạc tại số 35 đường Hàm Nghi, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Sắc tứ Minh Tịnh tự thuộc hệ phái Bắc tông, do Đại lão Tăng cang Hòa thượng Thích Huệ Pháp (1887 – 1975) khai sơn sáng lập vào năm 1917, tại thảo am của hai Phật tử Trừng Quế, Trừng Qui cúng cho Ngài trên đồi cát ở khu 6, thành phố Quy Nhơn để tu học. Hòa thượng đã cải tạo thảo am, xây cất thành chùa Minh Tịnh (Quy Nhơn) và  hành đạo. Tổ Khai sơn là vị Pháp sư, Tuyên Luật sư bậc danh tăng thạc đức, nổi tiếng ở miền Trung, Nam phần.
Năm 1944, triều đình nhà Nguyễn (Huế) ban Sắc tứ biển ngạch chùa  Minh Tịnh và sắc chỉ khâm ban đao điệp Tăng cang cho Hòa thượng Thích Huệ Pháp. Chính tại Tổ đình Sắc tứ Minh Tịnh, Quy Nhơn vào ngày mồng một tháng 7 năm Quý Mão, Giáo Hội Phật giáo Cổ Truyền Trung phần đã tổ chức Đại giới đàn MINH TỊNH, cung thỉnh Tăng cang Hòa thượng Thích Huệ Pháp đăng đàn tái thí Đường đầu Hòa thượng truyền giới, tấn dẫn hậu lai báo Phật ân đức.
Từ sau năm 1963, do yêu cầu mở rộng sân bay Quy Nhơn, được sự đồng thuận của Tổ Khai sơn, Hòa thượng Thích Trí Giác đã cho dời chùa và xây ngôi chùa khang trang ở vị trí hiện nay.tại số 35 đường Hàm Nghi, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, trên diện tích khoảng một ha.
Sau khi Tổ Khai sơn viên tịch, ngày 11 tháng 11 năm Ất Mão (1975), thừa kế đệ nhị trụ trì Tổ đình Sắc tứ Minh Tịnh, Quy Nhơn (Bình Định) là Hòa thượng Thích Trí Giác, Phó Trưởng Ban Nghi lễ Trung Ương GHPGVN, Trưởng Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Bình Định, trụ trì từ năm 1975 đến nay. Kể từ khi Hòa thượng Thích Trí Giác thừa kế trụ trì, Hòa thượng đã đại trùng tu phạm vũ huy hoàng, trang nghiêm tú lệ. Tổ đường được tái thiết vào năm 1995.
Tổ đình Sắc tứ Minh Tịnh, Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Quy Nhơn hiện nay không chỉ  là nơi chư tăng Phật tử tu học, hành đạo mà còn là địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh của thành phố cảng Qui Nhơn, tỉnh Bình Định.
Thật đúng như ý nguyện của Tổ khai sơn:
 Minh tư Đạo, giác tư dân, trực chỉ vân phi thiên, nguyệt lãng.
Tịnh bổn Tâm, chương bổn Phật, viên âm lôi hưởng hải, phong triều.
Tạm dịch là:
Hiểu Đạo và làm được Đạo, ấy là ánh sáng trăng, sao đêm Rằm.
Tâm ta vượt khỏi mê lầm, rõ bày tâm Phật viên âm khắp truyền.

Đệ tử Trí Bửu lược soạn theo thư tịch Tổ đình Sắc tứ  Minh Tịnh, Quy Nhơn- tháng 12.2013


Monday, December 16, 2013

Tăng Cang Hòa Thượng Thích Huệ Pháp (1887 – 1975)

image
Trí Bửu

Đại lão Tăng cang Hòa thượng Thích Huệ Pháp, húy thượng Chơn hạ Phước, tự Đạo Thông hiệu Huệ Pháp. Thế danh Nguyễn Lộ, sinh ngày 13 tháng 8 năm Đinh Hợi (1887), tại thôn Bồ Đề, xã Đức Quang, nay là xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Thân sinh là cụ ông Nguyễn Vĩnh, một bậc lão nho tinh thông cả Dịch lý, toán số, suốt đời mở lớp gia giáo phổ biến Nho học, cả vùng Mộ Đức – Đức Phổ có đến hàng trăm môn đệ của Người, người dân Quảng Ngãi đương thời không ai là không nghe đến tên cụ; Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Long, con của một lão nho trong làng. Ngài là con trai thứ trong gia đình bốn anh chị em, trưởng huynh mất sớm, chị cả là thân mẫu Hòa thượng Khánh Anh, bậc cao Tăng lương đống của Phật giáo Việt Nam, em gái út lập gia đình.
Thiếu thời Ngài học chữ nho với thân sinh. Ngài thường được cụ bà dắt đi chùa Cảnh Tiên gần nhà để lễ Phật và nghe Đại lão Hòa thượng Hoằng Thanh giảng đạo. Ngài cũng được cụ Nguyễn Vĩnh dắt về Tổ đình Thiên Ấn – Thạch Sơn học hỏi giáo lý của quý Đại lão Hòa thượng Hoằng Tịnh, Hoằng Thạc, Hoằng Đức. Từ nhân duyên này, Ngài được gặp và tham gia chống Pháp với nhóm cách mạng do nhà chí sĩ Trần Cao Vân và cụ Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo.
Năm Kỷ Dậu (1909), lúc 22 tuổi, Ngài xin phép song thân cho xuất gia với Đại lão Hòa thượng Hoằng Thanh tại chùa Cảnh Tiên, được Bổn sư cho thọ giới Sa di và ban pháp danh là Chơn Phước. Ngài tinh cần chấp tác học tập qui tắc thiền môn, ngõ hầu làm long tượng Phật pháp cho tương lai.
Năm Tân Hợi (1911), Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Tổ đình Thiên Ấn và là Thủ Sa di tại giới đàn này. Năm ấy Ngài 24 tuổi, được truyền Tổ ấn với pháp tự là Đạo Thông. Sau khi đắc giới, Ngài tiếp tục tu học tại Tổ đình Thiên Ấn – Thạch Sơn.
Năm Giáp Dần (1914), Ngài đi vào Bình Định để tham học với Quốc sư Phước Huệ và Pháp sư Phổ Huệ. Duyên lành đã đến, Ngài gặp hai Phật tử Trừng Quế, Trừng Qui cúng cho Ngài một thảo am tại đồi cát ở khu 6, thành phố Qui Nhơn để tu học.
Năm Đinh Tỵ (1917), Ngài được chư Sơn thỉnh làm Đệ nhất Tôn chứng Giới đàn chùa Trừng Giác, Tuy Phước, Bình Định. Uy tín và đạo hạnh của Ngài lan rộng, nhờ sự phát tâm của tín đồ nên từ một thảo am, Ngài đã xây dựng thành ngôi Tam bảo Minh Tịnh được trang nghiêm vào năm Mậu Ngọ (1918).
Năm Giáp Tý (1924), Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê tại Giới đàn chùa Linh Phong, Phù Cát, Bình Định. Đến năm Bính Dần (1926), Giới đàn chùa Phước Quang, Quảng Ngãi cung thỉnh Ngài làm Yết Ma A Xà Lê.
Năm Đinh Mão (1927), Ngài được thỉnh làm Chánh Ký trường Hương chùa Long Khánh, Qui Nhơn, kiêm Giáo thọ Sư cùng quý Ngài : Trí Hải chùa Bích Liên; Như Phước chùa Liên Tôn; Hoằng Thông chùa Bạch Sa, dưới quyền Chủ giảng của Quốc sư Phước Huệ. Cùng năm này, Lưỡng Xuyên Phật học đường miền Nam thỉnh Ngài vào làm Chủ giảng, Ngài đã cho Pháp sư Khánh Anh là một học trò ưu tú nhất vào đó để thay Ngài.
Năm Nhâm Ngọ (1942), Ngài được chư Sơn thiền đức tỉnh Bình Định cung thỉnh vào ngôi Yết Ma A Xà Lê trong Đại giới đàn chùa Thiên Đức, huyện Tuy Phước.
Năm Giáp Thân (1944), tức năm Bảo Đại thứ 19, Ngài được triều đình nhà Nguyễn (Huế) sắc chỉ khâm ban đạo điệp Tăng Cang và sắc tứ Biển Ngạch chùa Minh Tịnh.
Năm Ất Dậu (1945), hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Ngài tham gia mặt trận kháng chiến và được bầu làm Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định.
Năm Đinh Hợi (1947), Ngài được cung thỉnh làm Chứng minh giới đàn chùa Thiên Bình, An Nhơn, Bình Định.
Năm Đinh Dậu (1957), tại Đại giới đàn Tổ đình Nghĩa Phương – Nha Trang (Khánh Hòa), Ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới. Cùng năm, Hội Phật giáo Tịnh độ Tông thỉnh Ngài ngôi vị Chứng minh Đại Đạo sư Trung phần.
Năm Kỷ Hợi (1959), Hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thỉnh Ngài làm Chứng minh Đạo sư Trung phần.
Năm Nhâm Dần (1962), chư Sơn thiền đức tỉnh Bình Định tổ chức Đại giới đàn tại Tổ đình Minh Tịnh, cung thỉnh Ngài tái thí Hòa thượng Đường đầu truyền giới.
Ngài là vị Pháp sư, Tuyên Luật sư chuyên giảng kinh, luật, luận cho các trường Giới, trường Hạ, trường Hương và được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê, Yết Ma A Xà Lê và Đường đầu Hòa thượng cho nhiều giới đàn khắp nơi Trung, Nam phần.
Ngài đã khai sơn và chủ trương tái thiết, trùng tu hàng trăm tự viện. Đệ tử xuất gia hàng trăm vị, có nhiều vị xuất chúng là bậc long tượng Phật pháp, lãnh đạo Giáo hội. Đệ tử tại gia của Ngài có đến hàng vạn người.
Một phần ba cuộc đời của Ngài tuy có nhiều ảnh hưởng chính trị trong công cuộc chống thực dân Pháp giành độc lập, nhưng nhờ giáo lý Phật đà thấm sâu, Ngài đã hiến trọn vẹn cuộc đời phục vụ cho đạo pháp.Công hạnh viên mãn, tâm ý hoan hỷ, thân không bệnh tật, Ngài viên tịch lúc 11 giờ ngày 11 tháng 11 năm Ất Mão (1975), trụ thế  89 năm, đạo thọ 65 Hạ lạp. Tháp tàng nhục cốt của Ngài ở hướng Nam Tổ đình Sắc tứ Minh Tịnh, thành phố Qui Nhơn.
Sau khi Tổ Khai sơn viên tịch, thừa kế đệ nhị trụ trì Tổ đình Sắc tứ Minh Tịnh, Quy Nhơn (Bình Định) là Hòa thượng Thích Trí Giác, Phó Trưởng Ban Nghi lễ Trung Ương GHPGVN, Trưởng Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Bình Định, trụ trì từ năm 1975 đến nay.
Đệ tử Trí Bửu cung kính đảnh lễ lược soạn theo thư tịch Tổ đình Sắc tứ Minh Tịnh.
Tưởng niệm húy nhật lần thứ 38 Tổ Huệ Pháp (11.11.Ất Mão, 1975 – 11.11.Quý Tỵ, 2013)