Saturday, October 30, 2010

Vai trò của Phật giáo trong việc giáo dục nhân cách con người ở Thái Lan

Thái Lan là một nước Phật giáo nam truyền có tín đồ chiếm khoảng 95% dân số. Do đó, từ lâu Phật giáo đã trở thành như là quốc giáo trên xứ sở được gọi là “xứ chùa tháp” này. Với vai trò như là quốc giáo, hẳn nhiên Phật giáo phải có những đóng góp xứng đáng cho nền văn hóa dân tộc và nhất là trong nền giáo dục đời sống tâm linh hay tinh thần cho tín đồ của mình. Vậy thì Phật giáo đã sinh hoạt như thế nào để có thể hòa nhập và phát triển trong lòng dân tộc Thái cũng như góp phần tạo nên nhân cách người Thái lịch sự, và hiền hòa đáng được ghi nhận như hiện nay.

Như chúng ta biết, nhân cách con người được hình thành ngoài yếu tố chính là tự thân của chủ thể thì yếu tố khách quan đóng vai trò không ít quan trọng. Có thể nói rằng yếu tố khách quan có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình tạo nên nhân cách con người và nó được biết qua các mối quan hệ cơ bản là xã hội, nhà trường, và gia đình. Thông qua các mối quan hệ này, giáo lý Phật đà được áp dụng vào nhằm góp phần xây dựng một xã hội văn minh mang đậm nét đạo đức truyền thống Phật giáo nam truyền. Sự sáng suốt áp dụng Phật giáo vào các lãnh vực đời sống xã hội đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc giáo dục nhân cách con người và điều đó cũng khẳng định được vai trò cần thiết của đạo Phật trong đời sống tâm linh của con người. Sự đóng góp của Phật giáo trải rộng rất nhiều lãnh vực, do đó, ba yến tố nền tảng được chọn giới thiệu dưới đây như là sự tham khảo.

Ngôi chùa là biểu tượng cho nếp sống tâm linh chung của cộng đồng

Đối với dân Thái, ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh chung của cộng đồng. Do đó, mọi người dân đều biết nghĩa vụ đóng góp xây dựng để cho ngôi chùa nơi họ sinh hoạt trang nghiêm và thanh tịnh. Điều này được chứng minh qua hình ảnh các ngôi chùa nguy nga, rộng lớn với những nét kiến trúc đặc trưng của Thái nhằm phục vụ nhu cầu của tín đồ Phật tử từ khi sinh ra cho đến khi mãn phần. Hầu như sự kiện quan trọng nào trong đời sống của người dân đều diễn ra tại ngôi chùa. Ngôi chùa lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu cho dù khi cuộc sống gia đình của tín đồ gặp bận rộn.

Để cho ngôi chùa có hồn thì chư Tăng là thành phần không thể thiếu. Quý sư ở Thái sống hoàn toàn phụ thuộc vào sự cúng dường của tín đồ thông qua hình thức ‘dâng bát’ mỗi buổi sáng khi quý sư đi khất thực hay thỉnh thoảng dâng cúng ở chùa. Sự cúng dường này được tín đồ Phật tử xem như là bổn phận thiêng liêng và là việc làm được nhiều phước báo theo truyền thống nam truyền nói chung và Phật tử Thái nói riêng. Hơn nữa, những ngày lễ lớn của Phật giáo hay của dân tộc Thái đều có tổ chức ở chùa với sự tham dự của chư tăng và tín đồ. Thông qua những hình thức sinh hoạt này, giáo lý Phật giáo trở nên sống động và đi vào tâm trí tín đồ một cách có ý thức. Có lẽ đây là hình thức thân giáo hiệu quả và phát huy rõ ràng ở các nước nam truyền. Sự sinh hoạt mang tính cộng đồng được thực hiện ở nơi biểu trưng cho văn hóa tâm linh – ngôi chùa – có tác động tốt đến tư duy hành vi của tín đồ. Sinh hoạt này có ý nghĩa khuyến khích tín đồ biết giữ gìn văn hóa và nhắc nhở những ai vô tình hay cố ý đi lệch truyền thống văn hóa ấy.

Những hành động dường như rất bình thường nhưng phản ảnh ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc rất cao. Ở Thái, Phật tử không được ngồi ăn chung với quý sư. Nếu như ai đó không biết hay cố ý vi phạm điều này thì sẽ có người đến nhắc nhở ngay. Một điều khác cũng rất thú vị nữa là người nữ không được chạm vào áo của quý sư. Nếu có người nữ nào đứng gần hay vô tình chạm đến thì tự động có người nhắc nhở cho dù người nữ đó là người ngoại quốc. Ở đây, nếu chúng ta nhìn ở góc độ ý thức bảo vệ văn hóa và khuyến khích người bảo vệ thì ta thấy được hiệu quả giáo dục khá cao mà Phật giáo đã đem lại cho người dân Thái. Từ đó, chúng ta có thể suy rộng ra những lĩnh vực khác có liên quan đến đời sống đạo đức của con người.

Trường học là nơi giáo dục đạo đức

Sự ý thức bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa một phần lớn bắt nguồn từ sự giáo dục mà học đường là nơi đóng góp đáng kể. Cho nên, trường học trở thành nơi vừa dạy văn hóa mà cũng là nơi rèn luyện đạo đức và ý thức xã hội cho các thế hệ. Với vai trò quan trọng mà xã hội đã giao phó, các trường học ắt phải được đưa vào dạy các chương trình đạo đức phù hợp và có tính lâu dài. Trường hợp ở Thái Lan, chương trình đạo đức Phật giáo được ưu tiên áp dụng vì tính khả thi và vượt trội của nó chứ không phải chỉ là áp đặt theo cảm tính.

Cũng như những nơi khác, hệ thống trường học được thành lập rải đều khắp nơi phù hợp với mật độ dân số. Điều đáng nói là các trường tiểu học và phổ thông hầu như được xây dựng bên cạnh những ngôi chùa thuộc công viên đất chùa, và được quản lý chặt chẽ bởi ngành giáo dục. Chủ đích này cho thấy rằng giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ được đặt lên hàng đầu và đạo đức Phật giáo vốn từ bi và nhân bản được chọn làm môn học nền tảng để giảng dạy tại tất cả các trường này. Ngay từ cấp tiểu học, học sinh đã thấm nhuần tư tưởng từ bi, hiếu hòa qua những giáo lý cơ bản của đức Phật. Khi vào trường đại học, hạnh kiểm đạo đức là một trong những tiêu chuẩn quan trọng quyết định cho phép sinh viên được tiếp tục sự học vấn của họ. Nhờ sự giáo dục này mà tất cả Phật tử Thái đều thuộc danh hiệu đức Phật, biết những lời kinh hướng dẫn quay về nương tựa tam bảo, hiểu những giới căn bản của người cư sĩ tại gia và những lời kinh cầu phúc hằng ngày để có thể áp dụng những lời dạy ấy vào cuộc sống hằng ngày của họ. Từ đó, nhân cách con người từng bước cũng được hình thành và phát triển. Có thể nói đây là một thành công của nền giáo dục khi biết ứng dụng những lời dạy về đạo đức của đức Phật đưa vào học đường để giảng dạy cho con em họ.

Cũng cần nên nhắc lại rằng, hình thức giáo dục này đã từng tồn tại ở miền nam Việt Nam trước năm 1975. Với hệ thống ‘Tư Thục Bồ Đề’, do nhà chùa phụ trách đã đóng góp không nhỏ trong việc giáo dục thế hệ trẻ về đạo đức. Đáng tiếc là hình thức này sau đó không được thừa nhận và bị chìm vào quên lãng cho đến ngày nay.

Gia đình là nơi nuôi dưỡng đạo đức

Nếu như nhà trường là nơi giáo dục và rèn luyện đạo đức thì gia đình lại là nơi nuôi dưỡng đạo đức tốt nhất. Như một hạt giống được gieo trồng xuống đất, những điều kiện như chăm sóc, tới tẩm giúp cho cây phát triển tốt nhưng yếu tố trực tiếp nuôi dưỡng phải là đất. Cũng vậy, nhà trường và xã hội có thể giáo dục cho con người phương thức phát triển nhân cách nhưng chính gia đình mới đóng vai trò quan trọng để nuôi dưỡng nhân cách ấy tồn tại lâu dài. Thông qua hành vi của từng cá nhân trong gia đình, người ta có thể đánh giá được một gia đình có văn hóa và an lạc.

Với truyền thống gia đình Thái rất được chú trọng xưa nay, việc tôn kính kẻ trên người trước rất nghiêm khắc. Mỗi thành viên trong gia đình tùy theo địa vị lớn nhỏ đều được dạy rất cụ thể. Những cung cách cúi đầu xá mức độ cao thấp, cách thức quỳ gối khi lễ ông bà cha mẹ, cách cúi đầu khi đi ngang qua người lớn …được dạy rất kỹ ở nhà trường cũng như trong gia đình và gia đình là nơi để thực hành trọn vẹn nhất. Người lớn luôn là tấm gương cho thế hệ sau noi theo nên họ đóng vai trò rất quan trọng trong gia đình. Với những điều đạo đức học được từ Phật giáo và từ truyền thống tốt đẹp, các thành viên trong gia đình đã áp dụng và chỉ bảo nhau cùng thực hành nhằm bảo vệ tốt những giá trị ấy.

Mặc dù truyền thống gia đình Thái rất lễ nghi nhưng cá nhân luôn được coi trọng ngay từ khi còn nhỏ. Biểu hiện của sự coi trọng là người lớn luôn quan tâm và dạy các thế hệ con cháu được phép tham gia các sinh hoạt mà chúng nên biết để thực hành. Những hành vi này đôi khi chúng ta xem thường nhưng chúng lại có ảnh hưởng và góp phần rất lớn trong việc hình thành nhân cách các thế hệ sau. Theo truyền thống Phật giáo thì Phật tử đều phải biết danh hiệu Phật và những giáo lý căn bản. Khi người lớn thực hành, họ thường dạy con cháu tập làm theo. Những việc làm như tập con biết chắp tay lễ Phật khi còn rất nhỏ, biết niệm danh hiệu đức Phật, biết chào các sư, chào các bậc lớn tuổi…được các bậc cha mẹ rất quan tâm chỉ dạy. Ở Thái, việc cúng dường thường xuyên được tổ chức. Khi cúng dường, nhận phước báo hay dâng hương … thì tất cả con cháu đều được tham gia như người lớn tức là cũng được trực tiếp cùng dâng phẩm vật, dâng hương, hay nhận ‘nước phước’ (nước sau khi đã tụng kinh mà ở Việt Nam hay gọi là nước cam lộ). Những việc làm trên là sự giáo dục thế hệ trẻ một cách cụ thể qua việc làm cụ thể. Sự giáo dục như thế sẽ có hiệu quả gấp nhiều lần so với sự giáo dục lý thuyết suông. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy giới trẻ ở Thái Lan ngoan hơn nhiều nơi khác trong đó có Việt Nam.

Đạo Phật từ khi được khai sáng đến ngày nay đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân loại và được công nhận là tôn giáo của hòa bình và đạo đức tâm linh. Sự nhận xét ấy phản ảnh giá trị thiết thực của đạo Phật đã lan rộng khắp thế giới. Do đó, việc áp dụng đạo Phật vào cuộc sống của tín đồ sẽ đem lại nhiều lợi ích nhất là về mặt đạo đức và tâm linh. Thái Lan được may mắn thừa hưởng một nền đạo đức Phật giáo và biết áp dụng để xây dựng đất nước và con người hòa bình, hạnh phúc. Điều đó cũng nói lên được giá trị thiết thực cũng như vai trò cần thiết của đạo Phật trong cuộc sống nhân loại. Ở đâu đạo Phật được áp dụng ở đó sẽ có hạnh phúc và an lạc. Hy vọng trong thế kỷ 21 này khi mà những cuộc khủng hoảng về nhiều mặt đang diễn ra nghiêm trọng thì việc áp dụng Phật giáo vào cuộc sống càng được mọi người quan tâm nhiều hơn.

Friday, October 1, 2010

Sao lại háo danh

Trong thời đại nào, háo danh cũng trở thành một hiện tượng mà nhiều người theo đuổi nhưng cũng bị nhiều người chỉ trích, lên án. Dù rằng, xã hội luôn phê phán bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, mạnh mẽ hay tế nhị căn bịnh di căn này nhưng xem ra nó đâu dễ dàng thuyên giảm, lắm khi còn nhiễm nặng thêm. Thế thì, nhân tố nào làm chất liệu dinh dưỡng để nuôi nó, làm cho nó không thể bớt đi mà lại tăng thêm. Phải chăng là xã hội không có thuốc thích hợp cho ‘tật này’ hay là ngừơi ta không thích sử dụng hay thậm chí dại gì sử dụng. Vậy là, không phải là không có thuốc mà là vì thuốc có mà những đứa con ‘nhõng nhẽo’ không thích uống và cha mẹ chúng cũng không nỡ trách phạt chúng. Chỉ có những bạn bè chúng đôi khi vì ganh tỵ, khó chịu hay thương hại mà lên tiếng thôi. Chất liệu nuôi dưỡng nó là gì mà làm cho nó luôn lớn mạnh như thế và nó có tác hại gì đến môi trường xung quanh chăng?!

Bản năng con người luôn đòi hỏi thỏa mãn theo nhu cầu tự nhiên và xã hội của nó. Nhu cầu tự nhiên là cái có thể thấy được và hạn lượng được. Vì nó hữu hình nên người ta có thể biết được mức độ tối đa của nó. Ngược lại, nhu cầu mang tính xã hội lại là cái vô hình nên nó không tính đếm được dù rằng người ta vẫn có thể nhận ra nó. Mà ai cũng biết, hễ cái gì hư hư thật thật thì dễ làm người ta tham đắm vào nó. Huống chi cái hư hư thật thật này lại làm cho con người có cảm giác hân hoan và bay bỗng thì tham đắm là điều mấy ai tránh khỏi. Vậy thì háo danh làm người ta bay bỗng chăng?! Câu trả lời chắc ai cũng có thể đoán ra nhỉ! Vì rằng, có danh thì trước nhất và trên hết là được nhiều người khen ngợi và ca tụng cơ mà. Nhiều người không màn đến danh ấy là thật hay giả, là hữu ích hay là rỗng không, cứ hễ có danh thì nghiễm nhiên đòi hỏi phải được ca ngợi, kính trọng. Cái áo khoác ‘danh’ có phép thuật như thế thì làm sao mà không mê hoặc nhiều người nhất là trong một môi trường đa số thích khoác cái áo ấy. Trừ phi họ là những người chân chính thì may ra không bị ma thuật ‘danh’ mê ám.

Cái hấp dẫn cao hơn của danh là nó mang lại lợi cho người mê nó. Cái lợi không phải chỉ là vật chất mà nó ẩn hiện trong muôn hình vạn trạng. Cái lợi vật chất là dành cho những người thiếu nó và cần nó, trong khi cái lợi khác thì cao cấp hơn, tế nhị hơn nên chỉ dành cho những bậc dư ăn, dư mặc. Cái lợi ấy là được ăn trên ngồi trước, đi sau về trước, đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, và vô vàn hình thức khác. Cái lợi ấy không chỉ người mang danh thừa hưởng mà trong nhiều trường hợp cả gia đình, dòng họ cùng hưởng nữa chứ. Chính cái hấp lực ấy cũng góp phần tác động đến nhu cầu tìm danh của không ít người trong xã hội.

Hình trạng của ‘sự háo danh’ biểu hiện thế nào và có tác hại ra sao? Ta hãy quan sát những điều hiện thực xảy ra trong xã hội được phơi bày trên các phương tiện truyền thông, hay thông qua các hội nghị, đại hội, lễ nghi, và rất nhiều kênh khác nữa sẽ thấy bóng dáng của nó. Đời xưa, người ta mua chức, mua quan để bóc lột thiên hạ thì đời nay cũng không phải là hiếm thấy. Ngày xưa, người ta mua bằng cấp để khoe khoan thì ngày nay nguời ta mua bằng cốt không phải để khoe khoan mà quan trọng là để hợp thức hóa địa vị đang có hay tìm cơ hội thăng chức. Dẫu biết rằng đó là hành vi bất chánh, nhưng có mấy người thắng được lương tâm, thắng được sự áp lực của môi truờng xung quanh đầy khắc nghiệt. Sự khó khăn âu cũng tại môi trường!

Nhưng mà, bằng cấp chỉ là cơ hội để có địa vị và chức tước. Bằng cấp cao chức tước sẽ càng nhiều. Rất nhiều người có hàng chục chức danh, đọc cho hết cũng mất gần vài phút. Thì ra, họ xuất sắc vô cùng. Vừa là chủ tịch tỉnh, vừa kiêm hiệu trưởng; vừa làm giáo sư, vừa là nhà chính trị thiên tài? Bao chức tước họ sẵn sàng ôm ẵm hết, vì họ cho rằng không ai đủ khả năng. Thế rồi, khi có họp hay lễ lộc gì đó, họ được mời đến dự cho oai. Chức tước bao nhiêu cứ giới thiệu hết một lần, dẫu ai chờ ai đợi mặc người ta. Khổ nỗi, có những chức không hề cần trong buổi họp hay buổi lễ, mà sao phải bắt giới thiệu hoài cho tốn thời gian. Nhưng, nếu giới thiệu thiếu một chức là bề trên sẽ tỏ ra giận dữ, nặng thì ra tay ngay, mà nhẹ thì sẽ bị khiển trách, nhắc nhở lần sau xin chừa nhé. Vậy là, đố ai dám cắt ‘danh’ ông, thà rằng (giới thiệu) dư dã hơn là bị la và bị mất chức nữa là khác.

Vậy đấy, hành trạng của ‘sự háo danh’ ẩn hiện như thế. Như quy luật bất thành văn, nó nghiễm nhiên tồn tại, gây tốn thời gian và công sức của bao người để chỉ vì ca ngợi cái ‘danh’ của một số cá nhân. Mà sao xã hội bây giờ lại thích kính bạch, kính thưa dài dòng như thế. Cái nội dung chính cần làm thì thường bị xem nhẹ qua loa, trong khi cái lễ nghi phụ trợ thì đề cao quá mức. Đành rằng lễ nghi không thể thiếu nhưng đâu thể vì thế mà lạm dụng quá liều. Ôi! biết nói làm sao, thói quen như vậy dễ gì bỏ ngay. Vả lại, không tài thì được cái danh, chứ ai lại nỡ, lại đành tay không.

Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên nhầm lẫn và đánh đồng giữa ‘háo danh’ với ‘hữu danh’. Hữu danh là cái mà người ta đổ mồ hôi nước mắt có được, là tài năng thực sự của người đó và được cộng đồng xã hội trân trọng đề cử, tôn vinh. Nó không xuất phát từ bất cứ ý niệm nào về chạy chức tước, địa vị, không vì tiếng khen lợi dưỡng…. Nó là kết quả của một chuỗi nhân duyên tốt đẹp mà người ấy đã cống hiến và đóng góp. Sự vinh danh những người như thế là một sự tôn vinh, khuyến khích học tập hơn là sự khoe khoan, nịnh hót. Những người hữu danh như thế sẽ rất khiêm tốn và biết làm gì với trách nhiệm mà xã hội trân trọng giao cho.

Cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ, vàng thau lẫn lộn. Chỉ có điều nên tịnh tâm sáng suốt, dùng kính trí tuệ của mình để thấy rõ thật hư, để phân rõ trắng đen. Có như thế, dẫu vẫn còn trong danh lợi, ta gắng lòng sống với đạo thánh nhân.