Wednesday, February 29, 2012

Đừng nghĩ quá khứ, đừng nghĩ tương lai?

Năm cũ trôi qua, năm mới bắt đầu... Đừng nên nghĩ nhớ chuyện cũ, và đừng nên mơ tưởng suy tính chuyện tương lai, và chỉ nên sống với hiện tại thôi. Có thực rằng sống đạo phảỉ là sống “một kiểu hiện sinh” như thế và cần phải xóa sổ những ngày hôm qua, và phải dẹp hết những bữa hôm kia trong đầu... mới gọi là tu?

Năm cũ trôi qua, năm mới bắt đầu... Đầu xuân là những ngày ông bà mình gọi là thời điểm cần để “ôn cố tri tân” – nghĩa là ôn lại các chuyện cũ và tìm biết cái mới, hay nói bằng ngôn ngữ thời nay là, để rút kinh nghiệm năm cũ và vạch hướng đi cho năm mới.

Chuyện đời thì như thế, nhưng trong chuyện đạo thì nghe âm vang nhiều người nói rằng đừng nên nghĩ nhớ chuyện cũ, và đừng nên mơ tưởng suy tính chuyện tương lai, và rằng chỉ nên sống với hiện tại thôi. Có thực rằng sống đạo phảỉ là sống “một kiểu hiện sinh” như thế? Có thực rằng cần phải xóa sổ những ngày hôm qua, và phải dẹp hết những bữa hôm kia trong đầu... mới gọi là tu? Có thực rằng cần phảỉ dẹp bỏ mọi suy tính về ngày mai, về tuần sau, về năm sau... mới gọi là tu?

Người ta có thể dẫn ra bản Kinh Nhất Dạ Hiền Giả do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch... và nói rằng thôi hãy bỏ hết chuyện của hôm qua và ngày mai đi, và chỉ nên sống với hiện tại thôi.

Trong nhiều diễn đàn Phật Giáo và tuổi trẻ cũng nghe âm vang những lời khuyên tương tự. Cách viết tuy khác biệt chút ít, nhưng tư tưởng kể như là một. Sau đây là cách diễn đạt ở ba diễn đàn tuổi trẻ Phật Giáo:

- Đừng nhớ chuyện quá khứ, đừng mơ chuyện tương lai, hãy sống vì hiện tại.

- Đừng gặm nhấm quá khứ. Đừng vọng tưởng tương lai. Hãy sống tốt ở hiện tại.

- Đừng nuối tiếc quá khứ, đừng quá lo lắng cho tương lai, và hãy sống tốt ở hiện tại.

Có thực rằng Đức Phật đã dạy đơn giản như thế không? Chắc chắn là có những gì nhầm lẫn nơi đây.

Nếu không nghĩ nhớ quá khứ, tại sao nhiều lần Đức Phật kể chuyện tiền thân của ngài và của nhiều vị tăng ni?

Nếu không nghĩ nhớ quá khứ, tại sao Đức Phật nhớ tới 5 người bạn đồng tu ở vườn Lộc Uyển, nên đã tìm lại để thuyết Tứ Diệu Đế và đưa 5 vị trở thành các đệ tử đầu tiên?

Nếu không nghĩ nhớ quá khứ, vậy thì những gì thuộc về ký ức và trí nhớ để làm chi?

Nếu không nghĩ nhớ chuyện quá khứ, tại sao chư vị A La Hán hơn hai ngàn năm trước đã mấy lần kết tập kinh điển, đã cùng vận dụng trí nhớ để tụng đọc lại lời Đức Phật dạy trong quá khứ và bây giờ chúng ta còn có giáo pháp là nhờ khả năng “nhớ chuyện quá khứ” tuyệt vời của các vị Thánh Tăng thuở đó?

Mặt khác, nếu không bàn chuyện tương lai, tại sao Đức Phật tiên tri về Đức Di Lạc sẽ lên cõi trời Đâu Suất, tiên tri về các thời mạt pháp tương lai, tiên tri về tuổi thọ chúng sanh đời vị lai

Nếu không dặn dò chuyện tương lai, tại sao Đức Phật dạy trong Kinh Di Giáo: “Các thầy Tỳ kheo, sau khi Như Lai diệt độ phải trân trọng tôn kính tịnh giới...” (bản dịch của Hòa Thượng Trí Quang).

Có thực rằng Đức Phật dạy là chỉ nên tập trung vào giây phút hiện tạị hay không?

Câu trả lời nên là: Không đúng hoàn toàn như thế.

Đọc lại Trung Bộ Kinh, trong kinh thứ 131, đúng là Đức Phật có nói gần gần như thế. Bản dịch từ tiếng Pali sang Anh ngữ của đại sư Thanissaro Bhikkhu dịch với nhan đề là “Bhaddekaratta Sutta: An Auspicious Day,” và Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là “Kinh Nhất Dạ Hiền Giả.”

Bản Anh ngữ của đại sư Nanananda lại dịch là “Bhaddekaratta Sutta: The Discourse on the Ideal Lover of Solitude.” Cả hai đều là một kinh thôi.

Đây là một kinh dạy pháp thiền quán tuyệt vời. Khi đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Phật nơi đây đã dạy pháp an tâm, trong đó tâm sẽ hoàn toàn không dính mắc, không trụ vào bất kỳ pháp nào – cho dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại.

Trong kinh, Đức Phật dạy, “Quý vị không nên theo đuổi quá khứ và mơ tưởng tương lai.”

Bản của đại sư Thanissaro dịch là, “You shouldn't chase after the past or place expectations on the future.”

Bản của đại sư Nanananda dịch là, “Let one not trace back the past or yearn for the future-yet-to-come.”

Bản HT Minh Châu dịch là, “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng.”

Tất cả chỉ có một nghĩa: giữ tâm vô sở trụ, đừng dính mắc tâm vào quá khứ hay tương lai.

Hoàn toàn không có nghĩa là đừng nghĩ tới quá khứ hay đừng nghĩ tới tương lai. Thực tế, ngay khi bạn suy nghĩ tới quá khứ thì lập tức hành động suy nghĩ là việc của hiện tại; tương tự, ngay khi nghĩ chuyện tương lai, hành động nghĩ đó chính là cái hiện tiền trước mắt và trong thân mình.

Bản kinh này ghi rõ thêm lời Đức Phật rằng học nhân đừng nên để tâm nuối tiếc các niềm vui gì về sắc, về thọ, về tưởng, về hành, về thức của quá khứ.

Kế tiếp, kinh này ghi lời Đức Phật dạy rằng, học nhân đừng nên mơ tưởng các niềm vui gì về sắc, về thọ, về tưởng, về hành, về thức của tương lai.

Bản Kinh Nhất Dạ Hiền Giả trong khi dạy pháp an tâm, sau khi phá bỏ các trường hợp học nhân dính mắc tâm vào pháp quá khứ, và sau khi phá bỏ cách dính mắc pháp tương lai, liền tiếp theo là yêu cầu phá bỏ luôn các tâm dính mắc vào pháp hiện tại.

Đặc biệt, đây cũng là một pháp đốn ngộ: có một trường hợp tích truyện Pháp Cú, sau khi nghe Đức Phật nói là hãy buông “bỏ quá, hiện, vị lai...” chàng diễn viên nghề xiếc có tên là Uggasena còn đang lơ lửng đứng trên đầu cột hát xiếc giữa phố đã lập tức đắc quả A La Hán và được thần thông, khi chưa hết màn biểu diễn xiếc. Không hề trải qua thời gian tu học hay ngồi thiền nào? Đúng vậy, theo kinh thì như thế. Có nghĩa rằng Đức Phật đã dạy pháp môn phá bỏ tâm quá khứ, phá bỏ tâm vị lai, phá bỏ tâm hiện tại. Hoàn toàn không có nghĩa gì như chúng ta thường nghe là đừng nghĩ quá khứ, đừng nghĩ tương lai và hãy nghĩ hiện tại...

Như thế, Kinh này cũng gợi nhớ tới một công án về Thiền Sư Đức Sơn (782-865) chuyên giảng Kinh Kim Cang, không tin chuyện các sư dạy pháp thiền đốn ngộ, nên đã về phương Nam để tìm tranh luận. Khi tới Lễ Châu, gặp một bà già bán bánh rán, mới hỏi mua cho đỡ đói. Thấy sư gánh bộ Thanh Long Sớ Sao, bà già nói là sẽ hỏi một câu, nếu sư trả lời được thì sẽ được cúng bánh.

Sư Đức Sơn đồng ý, bà liền hỏi: “Trong kinh Kim Cương có nói ‘Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc.’ Vậy thầy muốn điểm tâm nào?”

Sư Đức Sơn lặng thinh, không đáp được. Bà già mới chỉ Sư đến tham vấn Thiền sư Long Đàm.

Câu chuyện về Sư Đức Sơn cho thấy các thiền sư cổ thời đã không để dính mắc một tâm nào hết, dù là tâm hiện tại. Trong khi đa phần lời khuyên thời nay lại bảo là chỉ nên nghĩ chuyện hiện tại; rõ ràng là ngộ nhận lớn.

Nơi đây, chúng ta sẽ trích bản Kinh Nhất Dạ Hiền Giả do ngài Thích Minh Châu dịch, các đoạn văn Đức Phật dạy về ba tâm này:

“... Và này các Tỷ-kheo, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: "Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là hành của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy, "Như vậy, là thức của tôi trong quá khứ", và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là truy tìm quá khứ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: "Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ", và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ", và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Như vậy là tưởng của tôi... Như vậy là hành của tôi... Như vậy là thức của tôi trong quá khứ"; và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không truy tìm quá khứ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào ước vọng tương lai? Vị ấy nghĩ: "Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai", và truy tìm sự hân hoan trong ấy; "Mong rằng như vậy là tưởng của tôi... là hành của tôi... Như vậy là thức của tôi trong tương lai", và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ước vọng trong tương lai.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: "Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai", và không truy tìm hân hoan trong ấy; "Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai", và không truy tìm hân hoan trong ấy; "Mong rằng như vậy sẽ là tưởng... sẽ là hành... sẽ là thức của tôi trong tương lai, "và không truy tìm hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ước vọng trong tương lai.

Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc, hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ; hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ, hay vị ấy quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có vị Ða văn Thánh đệ tử đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ... không quán tưởng... không quán hành... không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại...”(hết trích).

Trong Kinh Pháp Cú, nơi kệ ngôn 348, Đức Phật cũng đã dạy cho chàng cư sĩ Uggasena tương tự. Và ngay khi vừa nghe, trong còn lơ lửng trên đầu cột biểu diễn xiếc, chàng Uggasena lập tức đắc quả A La Hán và được thần thông.

Bản dịch từ Tạng Miến Điện bởi ngài Daw Mya Tin là: “Verse 348: Give up the past, give up the future, give up the present. Having reached the end of existences, with a mind freed from all (conditioned things), you will not again undergo birth and decay.”

Có thể dịch là: “Bài kệ 348: Buông bỏ quá khứ, buông bỏ tương lai, buông bỏ hiện tại. Đạt tới bờ bên kia (Pali: bhavassa paragu: người qua bờ bên kia, kết thúc sanh hữu, tức A La Hán), với tâm giải thoát mọi pháp dính mắc, con sẽ không còn sinh tử nữa.”

Bài kệ này trong bản Hán văn của Pháp sư Thường Bàn Ðại Ðịnh là: “Xả tiền, xả hậu, Xả gian-việt hữu. Nhất-thiết tận xả, Bất thụ sinh tử.” (Nguồn: phapluan.com)

Trong cuốn Tích Truyện Pháp Cú Tập 3, xuất bản bởi Thiền viện Viên Chiếu, câu chuyện “Chàng Trai Có Cô Vợ Diễn Viên Nhào Lộn,” đã kể về trường hợp Đức Phật dạy pháp buông bỏ cho chàng trai Uggasena, trích:

“...Hôm ấy, từ sớm đức Thế Tôn quan sát thế gian và Uggasena xuất hiện trong tầm quán sát của Ngài. Thế Tôn tự nghĩ: "Người thanh niên ấy sẽ ra sao?” Ngay sau đó, Ngài biết được: "Con trai quan Chưởng khố sẽ đứng lơ lửng trên đầu sào kia để biểu diễn màn xiếc của chàng và đông đảo khán giả sẽ tụ tập xem. Vào thời điển ấy ta sẽ đọc bài kệ bốn câu. Nghe xong tám vạn bốn ngàn người sẽ được Pháp nhãn thanh tịnh, còn Uggasena thì đắc quả A la hán.”

Ngày hôm sau, lựa đúng giờ thích hợp, đức Thế Tôn cùng các Tỳ kheo lên đường vào thành Vương Xá khất thực.

Trước khi Phật đặt chân vào thành, tại chỗ biểu diễn, Uggasena đưa tay ra dấu chào trả tiếng vỗ tay của khán giả. Và giữ thăng bằng trên đầu cột, chàng bay lộn bảy vòng trong không, đặt chân trở lại trên đầu cột và đứng giữ thăng bằng ở đấy. Ðúng lúc này, đức Thế Tôn vào thành, và do sự xếp đặt của Ngài, khán giả quay nhìn Ngài thay vì nhìn Uggasena biễn diễn. Thấy khán giả không còn quan tâm đến mình nữa, Uggasena vô cùng thất vọng. Chàng nghĩ: "Ta phải mất một năm mới luyện được màn biểu diễn này. Thế mà đức Thế Tôn vừa đặt chân đến thành, khán giả đã bỏ ta quay lại chiêm ngưỡng Ngài. Buổi biểu diễn của ta thế là hoàn toàn thất bại. "Phật đọc được tư tưởng của chàng liền bảo Trưởng lão Mục- kiền liên:

- Ông hãy đến bảo con viên Chưởng khố ta muốn xem chàng biểu diễn tài nghệ.

Tôn giả đến bên cây cột nói với chàng diễn viên:

Này, Uggasena.
Diễn viên xiếc tài ba!
Hãy phô trương tài nghệ,
Cống hiến dân thành ta.

Uggasena nghe vậy vô cùng hoan hỉ: "Chắc đức Thế Tôn muốn xem tài năng của ta.” Nghĩ vậy, chàng liền đáp, trong lúc vẫn đứng lơ lửng trên đầu cột:

Hãy xem tôi, Mục Kiền Liên Tôn giả!
Bậc đại trí, bậc đại thần thông!
Tôi trổ tài cống hiến đám đông
Và làm họ cười reo thỏa thích

Từ trên đầu cột chàng tung mình lên không, quay lộn mười bốn vòng rồi đặt chân trở lại, giữ thăng bằng trên đầu cột.

Ðức Thế Tôn bảo:

- Này Uggasena, người trí phải biết cởi bỏ buộc ràng của thân ngũ uẩn trong quá khứ, hiện tại và vị lại. Như vậy, người ấy mới thoát được sanh, già, bệnh, chết.

Ngài nói kệ:

(348) Bỏ quá, hiện, vị lai,
Ðến bờ kia cuộc đời,
Ý giải thoát tất cả,
Chớ vướng lại sanh già.

Phật nói xong, tám vạn bốn ngàn người được pháp nhãn thanh tịnh, con trai quan Chưởng khố đắc quả A la hán và được thần thông ngay khi chàng còn đứng lơ lửng đầu cột.

Chàng tụt xuống, tiến tới trước đức Thế Tôn, năm vóc gieo xuống đất đảnh lễ Phật và xin được gia nhập Tăng đoàn. Phật đưa tay nói: "Hãy đến, Tỳ kheo!" Chàng liền biến thành một vị Trưởng lão chừng sáu mươi tuổi, với đầy đủ tám vật dụng tùy thân. Các Thầy Tỳ kheo hỏi Trưởng lão:

- Này huynh Uggasena, huynh leo từ cây cột ba chục thước xuống mà không sợ sao?

Uggasena đáp:

- Chư huynh đệ, tôi chẳng sợ chút nào. Chúng Tỳ kheo bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, Uggasena nói "Tôi chẳng sợ chút nào" là nói điều không thật. Ông ấy phạm việc dối trá.

Phật bảo:

- Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo như Uggasena đã diệt trừ tham ái, không còn lo âu sợ hãi gì nữa.”(Nguồn: thuvienhoasen.org).

Tới đây, chúng ta có thể thắc mắc, rằng vì sao trong các bản kinh xưa, Đức Phật dạy xả ly tất cả các pháp dính mắc ở ba thời quá, hiện, vị lai... mà bây giờ bỗng nhiên trở thành cách nói đầy hiện sinh kiểu như “đừng nghĩ chuyện quá khứ, đừng nghĩ chuyện tương lai, chỉ nên nghĩ tới hiện tại tuyệt vời...”

Ai đã biến hóa lời dạy của Đức Phật trở thành lời khuyên kiểu thế gian như thế? Ai đã xóa đi lời dạy của Đức Phật rằng phải qua bờ bên kia, rằng phải xả ly buộc ràng ngũ uẩn (trong quá, hiện, vị lai), rằng phải thoát khỏi sanh già bệnh chết... để rồi dính mắc vào cái hỷ lạc của tâm hiện tại?

Mới biết, không dễ gặp những bà già bán bánh như thời Thiền Sư Đức Sơn.



Cư sĩ Nguyên Giác

Đầm ấm các ngôi chùa gốc Việt Nam trên đất Thái

Người Việt Nam luôn tự hào về nền văn hóa và truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc, trong đó hình ảnh quê nhà với ngôi chùa thân thuộc không thể nào thiếu trong cuộc sống hằng ngày.

Đối với cộng đồng Việt kiều đang sống xa Tổ quốc thì tập tục đi lễ và chiêm bái chùa chiền ngày Xuân càng mang nhiều ý nghĩa, nhất là tại Thái Lan - nơi có số chùa đã hay đang hành trì các nghi lễ theo truyền thống Phật giáo Việt Nam nhiều nhất ở nước ngoài.

“Mái chùa che chở hồn dân tộc”

Các ngôi chùa gốc Việt tại xứ “chùa Vàng” chính là nơi bà con kiều bào giao lưu, gặp gỡ và thăm hỏi lẫn nhau, nhất là trong những dịp lễ tết. Đó cũng là không gian để mọi người có thể bộc bạch và gửi gắm tình cảm đối với quê hương đất tổ, là địa chỉ văn hóa tâm linh của những người con xa xứ.

Thời gian đã góp thêm những giá trị tâm linh cao cả và cũng tô điểm đẹp hơn cho một nét văn hóa của người Việt ở nơi “đất khách quê người.”

Một số tài liệu cho biết kể từ những ngày đầu tiên có mặt tại Thái Lan khoảng 200-250 năm trước, Annamnikaya hay còn gọi là An Nam tông luôn là một chỗ dựa tinh thần của bà con người Việt, vốn vì những lý do khác nhau mà phải di cư tới để làm ăn sinh sống.

Từ một hai ngôi chùa ở thủ đô Bangkok trong thời kỳ đầu, đến nay có tới 18-19 chùa An Nam tông phái trên toàn nước Thái, nơi chùa có tên gọi là Wat Yuon nghĩa là chùa của người Việt.

Trong đó riêng ở Bangkok có bảy ngôi chùa gốc Việt đặc trưng là Wat Kusol Samakorn (Chùa Phổ Phước - trụ sở của tông phái Annamnikaya), Wat Ananamnikayaram (Quảng Phước), Wat Samanamboriharn (Cảnh Phước, đã do Hòa thượng Bảo Ân là người Việt yêu nước chủ trì một thời gian khá dài), Wat Uphai Ratchabamrung (Khánh Vân), Wat Lokanukhroo (Từ Tế, từng là nơi tụ họp của bà con Việt kiều trong nhiều năm), Wat Mongkornsamakom (Hội Khánh) và Wat Chaiyapummikaram (Tỉ Ngạn).

Một ngôi chùa khác đang trong quá trình xây và cũng sẽ trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh của những người con thành tâm xa xứ.

Kiến trúc chùa có mái cong, hoa văn, màu sắc đỏ và nhất là hình tượng rồng ở đó khác hẳn con rồng Thái Lan. Các bảng hiệu, hoành, đối được viết bằng chữ nho, các quyển kinh Phật đều được in chép bằng chữ nho và có phiên âm ghi bằng tiếng Thái bên cạnh. Hầu hết tên chùa đều được ghi khắc bằng chữ nho, chữ Thái và được phiên âm sang tiếng Ạnh.

Riêng cổng chùa Hội Khánh có cả chữ Việt và tấm biển bên trong ngôi chùa ghi rõ hàng chữ “Chùa Hội Khánh Lạc Thành,” với chữ “Phật” được ghi khắc nổi bật bằng cả tiếng Thái, tiếng Việt và chữ nho. Bên dưới là hàng chữ tiếng Việt “Kiều bào đồng kính cúng” và có ghi năm 1956. Có tài liệu nói ngôi chùa được lập dựng lên vào thời Vua Taksin và Dhonburi (1768-1782).

Do bị xuống cấp với các gian thờ cũ đã bị tạm dỡ và đến giờ vẫn chưa được phục dựng lại, nên tác giả bài viết chưa thể cung cấp thêm thông tin về ngôi chùa ở khu phố Yawarat có đông kiều dân người Hoa làm ăn buôn bán.

Rất hy vọng chùa Hội Khánh sẽ được mọi người quan tâm để không bị tác động bởi quá trình đô thị hóa, hoạt động kinh doanh hay thời gian làm hư hại, hoặc bị thương gia xâm lấn.

Giá trị văn hóa cao cả

Đa số những ngôi chùa gốc Việt đều được thiết kế đầy đủ các ban thờ, với cách bài trí “tiền Phật, hậu Thánh” giống như ở quê nhà. Hàng năm có hai lễ lớn vào tháng Giêng đầu năm và rằm tháng Bảy âm lịch, là cơ hội quý báu nhằm kết nối tình thâm của những người con Việt Nam xa xứ.

An Nam tông là một trong hai tông phái Phật giáo đại thừa duy nhất được các vị sư tổ người Việt Nam du nhập vào xứ “chùa Vàng”, nhận được những sự bảo trợ của các đời Vua Thái Lan và sự quan tâm nể trọng của người dân địa phương.

Chẳng hạn như trong tên Wat Uphai Ratchabamrung (Khánh Vân) thì cụm từ Uphai Ratchabamrung có nghĩa là được hai quốc vương (Thái) bảo trợ. Một số nghi lễ của An Nam tông đã trở thành một trong những nghi thức không thể thiếu được trong đời sống của người dân Thái, như lễ Cúng sao giải hạn và lễ Cúng rằm tháng Bảy xá tội vong ân.

Sư thầy Thích Hạnh Chơn, một trong số trên 10 quý sư thầy đang du học ở Thái Lan, cho biết thờ nhiều tượng là đặc trưng các chùa Việt ở Thái Lan, nơi người Thái thường chỉ thờ tượng Phật Thích ca gồm nhiều kiểu thế, tượng Phật bốn mặt (ảnh hưởng bà la môn giáo); một số chùa có cả tượng Di Lặc và Quán thế âm do phật tử người Hoa dâng cúng. Chùa Việt có nhà tổ, có thờ các vị hòa thượng tiền nhiệm, có thờ linh, có tháp cốt.

Còn Chùa Thái không có nhà Tổ, không thờ các vị tổ sư, các hòa thượng qua đời, không có bàn thờ linh. Đồ cúng lễ là hoa quả, thức ăn chay, trà nước, hương nến và vàng mã.

Trong một nghi lễ được tổ chức gần đây tại chùa Wat Kusol Samakorn - Chùa Phổ Phước - sư thầy Thích Nguyên Chơn nói: “Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, bất cứ dân tộc nào tinh thần hiếu đạo luôn luôn đặt lên hàng đầu.

Việt Nam tự hào về đất nước hàng ngàn năm lịch sử, văn hiến lâu đời, người dân luôn biết giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Và chúng ta càng tự hào hơn nữa khi thấy rằng, trong suốt quá trình phát triển lâu đời ấy, bất cứ nhà nào cũng đều có bàn thờ, để thờ cúng tổ tiên ông bà, cha mẹ hay những người thân đã qua đời.”

Trong khế kinh, đức Phật dạy “Tâm hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật.”

Do đó, đạo Phật đi vào cuộc đời cũng không ngoài tinh thần hiếu hạnh. Hiếu hạnh đã trở thành một chuẩn mực đạo đức trong nền văn hóa nhân loại, đó chính là nền văn hóa tình người.

Sư thầy Thích Nguyên Chơn cho biết thêm tinh thần hiếu hạnh của đạo Phật không chỉ dừng lại ở việc báo hiếu cha mẹ trong hiện tại, mà còn báo hiếu cho đa sanh phụ mẫu trong bảy đời. Vì thế lễ hội tại chùa đã vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo thuần túy, để trở thành một Lễ hội thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Phật giáo đã trở thành một tôn giáo truyền thống của người Việt từ xưa đến nay. Chính vì thế, những ngôi chùa Việt dần dần được “di cư” theo rất nhiều kiều bào xa xứ và có hàng trăm ngôi chùa của người Việt đã được dựng lên, trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh của cộng đồng kiều bào.

Thời gian đã góp thêm những giá trị tâm linh cao cả và cũng tô điểm đẹp hơn cho một nét văn hóa của người Việt ở nơi “đất khách quê người”./.



Ngọc Tiến (Theo Vietnam+)






Thursday, February 23, 2012

Nghĩ về quyết định ‘cấm’

Trong xã hội có bao nhiêu vấn đề bất cập thì con người tìm ra ít nhất là bấy nhiêu giải pháp để giải quyết chúng. Giải pháp thì rất đa dạng vì tùy theo từng trường hợp cụ thể khác nhau, mức độ phức tạp và tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, một trong những giải pháp dễ quyết định nhất, phổ biến nhất và mau có kết quả nhất hiện nay ở Việt Nam là giải pháp ‘cấm’, bất kể kết quả của nó là tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực.

Có lẽ các bạn ngạc nhiên và hơi bị sốc nhưng hãy đọc lại những tin tức gần đây và ngẫm nghĩ thì sẽ thấy quả thật có như thế. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở bên ngoài xã hội mà ngay trong Phật giáo cũng đang được áp dụng.

Gần đây Giáo hội Phật giáo hai tỉnh miền trung thuộc loại nghèo nhất nước và một số tỉnh miền Bắc có bước ‘đột phá’ cấm không cho tăng ni ngoại tỉnh vào sinh hoạt, đặc biệt không cấp phép trụ trì nếu được Phật tử thỉnh mời. Mặc dù chưa có văn bản chính thức nào ban hành vì nó trái với hiến pháp và hiến chương nhưng lại có hiệu lực trong thực tế. Câu hỏi đặt ra là liệu quyết định ‘cấm tăng ni ngoại tỉnh’ có là giải pháp hay để ổn định giáo hội và truyền bá chánh pháp nhằm bảo vệ Phật giáo trước sự cạnh tranh của các giáo phái hay chỉ là cách làm mang tính địa phương, cục bộ. Phật giáo sẽ như thế nào nếu tất cả các tỉnh thành, nhất là Sài Gòn và Hà Nội ra quyết định tương tự. Đây là câu hỏi dành cho các nhà chức sắc?!

Như chúng ta đã biết, những đề nghị cấm như (xin trích dẫn lại): “Dưới 40 kg không được đi xe máy trên 50 phân khối”[1], “‘Cấm’ xe máy ở nội đô: Đi bằng gì?”[2], “Ô tô biển chẵn không được vào nội thành ngày lẻ?”[3]…. Đây là những đề nghị cấm nếu thực hiện thì có kết quả tức thời nhưng hậu quả như thế nào thì không ai xác định. Do đó, nó gặp sự phản ứng gay gắt từ công chúng và kết quả là không thực hiện được. Đây là sản phẩm của những tư duy thiếu thực tế, xa rời hoàn cảnh xã hội cụ thể.

Trở lại vấn đề của Phật giáo, khi cấm không cho tăng ni ngoại tỉnh vào sinh hoạt thì sẽ có cái lợi là hạn chế sự cạnh tranh từ tăng ni ngoại tỉnh, chùa chiền có thể để dành cho đệ tử sau này, công tác Phật sự cứ như cũ mà theo, không vất vả vì bất đồng văn hóa vùng miền, không mệt nhọc xử lí những bất cập do dân ngoại tỉnh gây ra nếu có. Nhìn chung là sinh hoạt Phật giáo bình lặng, yên ả, không có sự xáo trộn hay thay đổi đột biến nào.

Tuy nhiên, mặc trái của nó là Phật giáo bị ru ngủ vì không có sự cạnh tranh thích nghi, sự phát triển tín đồ không được quan tâm đến thay vào đó là lợi ích cục bộ. Vô hình trung, các vị ấy đang tự cô lập chính mình.

Trong khi đưa ra chính sách quản lý, nhà nước đã dùng nhiều giải pháp như hộ khẩu, thu nhập, nhà ở…để nhằm hạn chế dân miền quê lên thành phố lớn và chính những chính sách ấy đã phân chia công dân Việt Nam thành nhiều hạng. Những chính sách ấy không làm giảm tình hình quá tải mà ngược lại còn làm phức tạp thêm và chính các công dân hạng thấp chịu thiệt thòi ngay trên đất nước của mình.

Giờ đây, thử hình dung nếu Sai Gòn và Hà Nội cũng ra quyết định cấm tăng ni ngoại tỉnh vào thì hậu quả sẽ ra sao. Thực tế, tăng ni ở các thành phố lớn quá đông nhưng Giáo hội cũng đâu có ban hành lệnh cấm nhập cư vì trái luật. Hơn nữa, chính tăng ni xuất thân từ các tỉnh bị cấm vào các thành phố lớn sinh hoạt và họ cũng có đóng góp rất nhiều cho quê nhà của họ.

Liệu rằng chúng ta có thể bế quan tỏa cảng hay chỉ chọn cái dễ cho mình mà không nghĩ đến đại cuộc.

Hoằng pháp bắt nguồn từ nhân sự. Trong khi ta chưa chứng minh được nhân sự của tỉnh nhà là đủ số lượng, là có năng lực để phát huy Phật giáo thì giải pháp cấm cần nên xem lại. Thay vì cấm thì ta nên xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chí khả dĩ cụ thể nào đó và mời hay ủng hộ những ai phù hợp với tiêu chí ấy để cùng sinh hoạt. Như thế về tình về lý đều trọn vẹn, vừa hạn chế tiêu cực mà cũng phát triển Phật giáo tỉnh nhà. Kính mong!

Hư Thật Mộng




[1] http://vnexpress.net/gl/doi-song/2008/10/3ba076da/

[2] http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/43177/-cam--xe-may-o-noi-do--di-bang-gi-.html

[3] http://bee.net.vn/channel/1987/201104/TPHCM-o-to-bien-chan-khong-duoc-vao-noi-thanh-ngay-le-1795336/