Wednesday, August 18, 2010

Thái Lan: Đất nước và con người

Thái Lan là một đất nước đa văn hóa với sự pha trộn nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau trong đó Phật giáo chiếm phần lớn. Từ nền văn hóa đa dạng ấy, đặc biệt là giáo lý Phật đà đã sản sinh ra những người dân hiền hòa, lịch sự và yêu chuộng hòa bình. Với những gì nhìn thấy từ thực tế và hiểu biết qua học hỏi, người viết muốn ghi lại một vài suy nghĩ của mình về đất nước này như là một sự tham khảo. Quan điểm ở đây mang tính tương đối trong cái nhìn và hiểu biết giới hạn và mong sẽ có nhiều đóng góp khác hay hơn và đầy đủ hơn của chư thiện hữu.

Cũng như các nước trong khu vực, Thái Lan cũng từng chiến tranh và bị chiến tranh. Tuy nhiên, hòa bình đến với Thái Lan tới nay đã khá lâu. Đó là nhờ chính sách ngoại giao linh động cũng như sự lãnh đạo khôn khéo của nhà nước. Thiên nhiên ở đây cũng khá ưu đãi với vùng đồng bằng rộng lớn phì nhiêu thích hợp cho phát triển nông nghiệp, với khí hậu nhiệt đới ôn hòa quanh năm và tương đối ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai so với các nước trong khu vực có biển đông. Tất cả những ưu thế đó tạo cho Thái Lan phát triển tương đối nhanh và là một tiên phong trong khu vực. Thái Lan cũng nổi tiếng là xứ chùa tháp với rất nhiều ngôi chùa trải khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là còn khá nhiều khu chùa cổ hàng trăm năm được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Chùa ở Thái mang đặc trưng kiến trúc Thái với màu vàng biểu trưng cho sự linh thiêng của Phật giáo và sự bình an của cuộc sống. Phải chăng vì lí do đó mà hàng năm có rất nhiều du khách khắp nơi trên thế giới đến tham quan và thưởng thức vẻ đẹp và sự thanh bình ở xứ này!?

“Đất lành chim đậu” là trường hợp đúng với Thái Lan cũng như nhiều nước khác. Theo dòng thời gian, có rất nhiều dân tộc từ các nước đến sinh sống và trở thành người Thái bao đời nay. Nhiều nhất phải nói đến là người Hoa với dân số người Thái gốc Hoa hiện nay chiếm gần phân nửa, rồi dòng người từ Ấn Độ, Việt Nam, Cam pu chia, Lào, Miến Điện, Malaysia, …. Mỗi dân tộc mới này đóng góp thêm vào nền văn hóa bản địa những truyền thống mới tạo nên một đất nước Thái đa dạng về tín ngưỡng và tôn giáo. Tuy nhiên, tất cả đều hòa nhập và phát triển trong sự an bình. Người Thái bản xứ mặc dù cùng sống và sinh hoạt chung với cộng đồng các dân tộc khác nhưng ở họ vẫn có nét khác để có thể nhận ra. Đó là vẻ hơi thô về hình dáng nhưng bản chất thì mộc mạc. Phải chăng chính mảnh đất hiền hòa này tạo cho họ tính cách ấy?!

Nói đến Thái Lan mà không nói đến đạo Phật sẽ là một thiếu sót lớn. Đạo Phật theo đoàn người truyền giáo đến các nước châu Á trong đó có Thái Lan từ rất sớm. Với tính ưu việt của giáo lý Phật đà là lòng từ bi và ưa chuộng hòa bình, Phật giáo đã dễ dàng đi vào lòng người Thái và trở thành quốc giáo trong nhiều thời kì. Phật giáo đã ảnh hưởng và đóng góp gì trong xã hội Thái để được chấp nhận và duy trì lâu dài như thế? Đó là câu hỏi thiết thực đặt ra cho tất cả các nước theo truyền thống Phật giáo. Việt Nam cũng từng có một thời Phật giáo vàng son dưới hai triều đại Lý, Trần nhưng sau đó theo dòng lịch sử thăng trầm, Phật giáo đã đánh mất vai trò cho đến ngày nay. Tìm hiểu nguyên nhân thì cũng chính là giải pháp. Có lẽ do nhiều yếu tố từ địa lợi, nhân hòa ...tạo nên nhưng ở đây phải kể đến yếu tố căn bản là đạo Phật, một tôn giáo đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định và phát triển xã hội Thái.

Đức Phật đã dạy và để lại cho nhân loại một nền đạo đức Phật giáo từ nhân gian cho đến siêu việt phù hợp với tất cả mọi thành phần xã hội. Thừa hưởng nền đạo đức vô cùng quý giá ấy, đất nước Thái đã đưa giáo dục đạo đức Phật giáo vào tất cả các trường ở mọi cấp học. Đặc biệt, hầu như các ngôi chùa lớn ở Thái đều có trường học bên cạnh để cho các thế hệ con em có cơ hội học cả văn hóa và đạo đức. Như vậy, đạo Phật đã đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người, góp phần xã hội hóa giáo dục. Bên cạnh việc trao cho học sinh kiến thức, thầy cô mà quan trọng là các nhà sư trực tiếp dạy các em về những giá trị đạo đức để các em có thể áp dụng vào những tình huống ứng xử trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ sự giáo dục liên tục của nhà trường từ các cấp học cộng với sự quan tâm của gia đình và xã hội, tâm tánh người Thái trở nên khá hiền lành. Đạo đức ở Thái được chú trọng trong quá trình học tập và nhất là những kì thi lên các chương trình cao, kết quả đạo đức đóng vai trò rất cần để một sinh viên có thể được chấp nhận hay không. Điều đó làm cho họ ý thức nhiều hơn và nỗ lực trau dồi nhân cách của họ trong cuộc sống thường nhật.

Là một nước đa số theo truyền thống Phật giáo nên ngay khi còn rất nhỏ các em đã được cha mẹ hướng dẫn gần gũi các chùa và học những lễ nghi sơ đẳng. Danh hiệu Đức Phật Thích Ca và bài phát nguyện quy y bằng tiếng Pali hầu như Phật tử đều biết. Người Thái rất kính trọng chư tăng và bất cứ ở đâu, khi thấy chư tăng họ đều kính lễ và nhường chỗ. Trong lòng của mỗi người Thái được gieo hạt giống Phật pháp nên khi gặp chùa hay tượng Phật họ tự động chắp tay xá với lòng cung kính. Với họ, có sự phân biệt rõ ràng giữa chư tăng và Phật tử. Không khi nào Phật tử dám ngồi ăn chung với chư tăng mà thường ăn sau hay ăn ở nơi khác nếu cùng lúc. Người nữ thì không bao giờ dám đụng vào áo vàng của chư tăng, và thường khi họ cúng phẩm vật cho chư tăng đều qua gián tiếp như để trên bàn hay nhờ người nam giúp. Người Thái chú trọng vào niềm tin Phật pháp và với họ thì làm phước để cầu sanh về cảnh an lành là chính yếu. Họ hầu như không có tư tưởng tu để thành Phật như Phật giáo Đại thừa. Tuy nhiên, niềm tin của họ rất mạnh và biết bảo vệ đạo pháp.

Như đã nói, người Thái có niềm tin vào phước báo rất mạnh nên họ rất thích bố thí cúng dường. Nhiều người dù nhà không khá nhưng cũng cố gắng mỗi ngày cúng dường thức ăn vào bát cho chư tăng. Đó là một sự thực tập hằng ngày của họ. Thỉnh thoảng, Phật tử cũng đến chùa tụng kinh tu tập nhất là vào các ngày Bát Quan Trai. Ngoài ra, theo truyền thống Nam tông, tu thiền là phương pháp hành trì chính. Do đó, nhiều trường thiền mở ra và chư tăng Phật tử đều có thể tham gia. Ngày nay, càng có nhiều Phật tử khắp nơi đến tu các khóa thiền, ngay cả những quan chức cấp cao, cảnh sát, nhân viên …cũng tham gia các khóa tu này. Phật tử Thái chú trọng vào sự an lạc hiện tại bằng sự hành trì qua những lời kinh đơn giản dễ hiểu mà không thích lý luận những vấn đề cao siêu. Có lẽ đó cũng là hệ quả tất yếu bởi Thái là một nước Phật giáo Nam truyền vậy.

Trong kinh Du Hành thuộc bộ Trường A Hàm, đức Phật dạy bảy pháp làm cho một quốc gia hưng thịnh và an ổn. Trong đó, bài kinh có đề cập đến những hạnh như hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng, tôn trọng tông miếu, kính nể quỷ thần, thờ kính sa môn, ủng hộ người trì giới tu hành.[1] Những yếu tố vừa nêu được người Thái xem như là bổn phận thiêng liêng của mình. Do đó, cũng không quá ngạc nhiên khi thấy đất Thái hòa bình và phát triển. Kết quả tất yếu ấy sẽ đến với bất cứ nơi đâu mà người dân còn gìn giữ những giá trị ấy. Từ đó chúng ta nhìn và ngẫm nghĩ về xã hội nơi chúng ta đang sống để có thể tìm ra hướng đi thích hợp cho một tương lai phát triển phồn vinh, thịnh vượng và an bình.



[1] Trang chủ. www.quangduc.com/kinhdien/223truongaham02.html. [truy cập ngày 18/12/2007]

Phật giáo và nhu cầu xã hội

Sự ra đời một tập sách nhỏ để ôn lại những thời gian bên nhau, kể cho nhau nghe những kỷ niệm hay kinh nghiệm trong cuộc sống là một điều phấn khởi có lẽ không riêng cá nhân ai trong khóa 5 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hưởng ứng tinh thần đề xuất của những vị có tâm huyết – những người đã tạo điều kiện hết mực cho sự gắn bó lâu dài giữa các thành viên trong khóa, người viết cũng xin được góp vài ý nhỏ góp nhặt từ những suy nghĩ nông cạn với hy vọng tô thêm một chút màu vào vườn hoa tâm linh đa sắc, lung linh và huyền diệu – vườn hoa của khóa 5 Học viện.

Khi nói đến Phật giáo, chúng ta không thể không nói đến giá trị giáo dục, nhất là giáo dục tâm linh mà đạo Phật đóng góp cho nhân loại. Phật giáo là con đường hay phương pháp huấn luyện tâm linh, huấn luyện lối sống đạo đức cho con người trong xã hội loài người. Thông qua những lời dạy của đức Phật để lại trong các bộ kinh và dựa vào phương pháp áp dụng của những nhà giáo dục tâm linh, giá trị giáo dục Phật giáo được phát huy ở mức độ khác nhau. Lời Phật dạy thì không thay đổi, phương pháp hành trì đa dạng nhưng cũng tương đối rõ ràng, chỉ còn lại yếu tố quan trọng là con người – những người biết áp dụng phương pháp sao cho thích hợp và sáng tạo để đem đến kết quả tốt nhất. Điều này đặt ra cho tất cả những nhà giáo dục tâm linh một câu hỏi lớn và buộc phải nghĩ ra giải pháp hữu hiệu nhất cho bản thân khi hành đạo.

Ở đây, người viết chỉ đề cập chia sẻ những điều thấy được từ thực tế Phật giáo nước láng giềng. Có lẽ ai cũng biết rằng Phật giáo Thái Lan được xem như là quốc giáo bởi tín đồ theo đạo Phật chiếm tỉ lệ hầu như gần hết và văn hóa Phật giáo từ xưa đã hòa nhập và trở thành văn hóa Thái. Thành tựu ấy là kết quả tuyệt vời của nền giáo dục Phât giáo đem lại. Phương pháp giáo dục có vẻ như đơn giản, hình thức, chấp chặt nhưng lại rất có hiệu quả. Ở Thái, vai trò và trách nhiệm của người xuất gia và tại gia được phân biệt rõ ràng về mọi mặt. Riêng về mặt tu tập tâm linh thì họ xác định rằng chỉ có người xuất gia mới có thể thành tựu quả vị thánh. Người tại gia chủ yếu tu tập để tích tụ công đức và phước báo, do đó, việc chứng thánh quả với họ không phải là vấn đề để họ bàn luận.

Có lẽ đọc qua quan điểm trên, chúng ta có những suy nghĩ đánh giá khác nhau hoặc tích cực hay tiêu cực và nếu nhìn từ góc độ thiết thực sẽ có điều chúng ta cần tham khảo. Phải thừa nhận rằng đối tượng mà Phật giáo nhằm đến không ai khác hơn là con người, mà con người ở đây là con người trong xã hội tức là quần chúng thuộc mọi tầng lớp xã hội. Trong đó, thành phần cư sĩ tại gia chiếm đại đa số chứ không phải những bậc xuất gia trong bất cứ thời đại nào và quốc gia nào. Do đó, trong khi giáo hóa độ sanh, đức Phật khuyến khích đời sống xuất gia nhưng Ngài lại tập trung nhiều vào đối tượng tại gia vì đây là thành phần chiếm số đông và cần được nhận sự quan tâm của đức Phật nhiều nhất. Hiểu rõ được lời dạy ấy, Phật giáo Thái đã đi đúng đường, đúng phương pháp khi họ biết áp dụng chúng để giáo hóa những người Phật tử.

Nhu cầu của người tại gia không thể là nhu cầu của người xuất gia nên không thể hấp dẫn họ nếu chỉ giới thiệu những lý thuyết lý tưởng cao siêu mà thiếu cái thực tế, gần gũi cần thiết hàng ngày. Phật giáo Thái không dạy nhiều về lý tưởng Bồ tát nhưng chính tinh thần từ bi thông qua bố thí cúng dường lại là hóa thân của Bồ tát; thay vì thuyết phục bằng ngôn từ trừu tượng họ dùng những tấm gương có thực bằng những con người thật để nhiếp hóa. Qua những điều thực tế và cụ thể, Phật tử hiểu và xác định được vị trí, nhiệm vụ, nhu cầu của họ nên họ theo đó để đóng góp và phát triển tâm linh. Họ dường như không thích bàn luận quá nhiều lý thuyết Phật giáo mà chỉ quan tâm những pháp thực hành cụ thể. Cho dù những pháp ấy đôi khi hình thức và chấp mắc, nhưng nó vẫn có gí trị giáo dục tích cực hơn nhiều so với sự bàn luận lý thuyết cao siêu mầu nhiệm nhưng chỉ là sự bàn luận suôn.

Cách giáo dục như thế được áp dụng một cách cụ thể. Ngay từ khi còn là một cậu bé hay cô bé tí xíu, chúng đã được dạy về đạo đức Phật giáo. Đó là sự tôn kính Tam bảo, kính trọng cha mẹ, những người lớn, biết lễ phép, biết chắp tay chào hỏi…. Sự giáo dục ấy diễn ra đồng thời ở gia đình, học đường và môi trường xã hội, nên chúng ta cũng không quá ngạc nhiên khi thấy các thế hệ người Thái hiền hòa và mang đậm chất Phật giáo như thế. Cũng ngay từ nhỏ, các em nhỏ được tập cho tham gia vào trong các sinh hoạt Phật giáo như lễ hội, tụng kinh, làm phước v.v…Đây là một cách giáo dục huân tập có ý thức về nhu cầu và bổn phận của chúng. Ví dụ thông qua việc cúng dường tạo phước, thay vì chỉ có những người lớn đại diện thì ở Thái tất cả các thành viên trong gia đình đều tham dự. Tâm lý chung khi tham gia một sinh hoạt, nếu trong đó có bổn phận của mình thì chúng ta sẽ thích thú hơn và sẵn sàng hơn. Đây cũng là điều cần suy nghĩ khi chúng ta tổ chức bất cứ sinh hoạt gì, đối tượng phục vụ phải là yếu tố để ý đầu tiên.

Phật giáo thật cao thâm nhưng cũng rất gần gũi với đời thường. Với mọi thành phần xã hội, Phật giáo đều có thể đáp ứng và đem lại lợi lạc nếu được áp dụng đúng phương pháp. Xác định được đối tượng và nhu cầu của đối tượng thì các nhà giáo dục tâm linh sẽ có cơ hội thành công trong quá trình áp dụng cách giáo dục. Đây lại cũng là một vấn đề đặt ra cho tất cả chúng ta - những người có nhiều ưu tư đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nói chung và cho sự hưng thịnh Phật giáo nói riêng.

Ý nghĩa Lễ Dâng Y

Ngày nay, hình ảnh dâng y trở nên quen thuộc đối với những người con Phật. Mỗi dịp tháng 7 âm lịch khi mà chư Tăng sắp mãn hạ, Phật tử lại có dịp tham dự và dâng pháp y cúng dường chư tôn đức Tăng Ni. Ý nghĩa dâng pháp y luôn được chư tôn Hoà thượng giải thích nhân dịp lễ nhưng có lẽ cũng còn nhiều người cần biết hay tìm hiểu thêm. Do đó, bài viết này nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu cùa quý Phật tử. Từ sự hiểu biết ấy, hy vọng rằng các lễ dâng pháp y sẽ trang nghiêm hơn và đông đảo hơn.

Theo truyền thống Phật giáo, mỗi năm vào mùa mưa chư Tăng đều phải câu hội về một trú xứ để An cư, thúc liễm thân tâm trau dồi tam vô lậu học (giới, định, tuệ). Nhờ sự tu tập tinh nghiêm, sau 3 tháng có nhiều vị chứng đắc quả vị giải thoát cao hay ít nhất cũng được nhiều an lạc. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, An cư kiết hạ được thi hành từ thời đức Phật cho đến ngày nay. Mặc dù thời gian, hình thức đôi khi có thay đổi nhưng ý nghĩa và giá trị thiết thực của nó vẫn được duy trì. Do vậy, tuy không đạt được quả vị giải thoát như thời đức Phật nhưng kết quả lợi lạc sau 3 tháng là điều không thể phủ nhận. Sự thành tựu đạo nghiệp ấy là cơ duyên cho hàng Phật tử gieo trồng cội phước và chư Tăng được ví như ruộng tốt lành để hàng Phật tử gieo trồng hạt giống phước báo hầu mong được hạnh phúc hiện tại và tương lai. Chiếc y của chư Tăng được ví như là ruộng phước và việc cúng dường y trở thành một truyền thống trong Phật giáo.

Cũng theo truyền thống, việc dâng y chỉ được thực hiện khi mãn hạ và vị được nhận y là vị thiếu y, vị trưởng lão hay vị xuất sắc trong tu tập. Chiếc y ấy có tên gọi là kathina nghĩa là y công đức, y thưởng thiện phạt ác, y kiên định, y che thân khi nắng mưa v.v…, trong đó nghĩa y công đức được sử dụng phổ biến hơn cả. Theo Yết Ma Yếu Chỉ y kathina là loại vải thô cứng được dùng để may y phục. Luật Tứ Phần nói: sau khi tự tứ, các vị Tỳ kheo đi đảnh lễ Phật. Trên đường đi, họ gặp mưa ướt hết nên đi lại rất nặng nề (vì y quá lớn và bị ướt). Sau khi đảnh lễ xong, đức Phật hỏi thăm về tình hình tu tập của các Tỳ kheo. Biết sự việc trên, Phật cho phép các Tỳ kheo được phép nhận y công đức sau khi mãn hạ. Đó là nhân duyên có lễ dâng y kathina hay y công đức mà thường gọi là lễ dâng pháp y.

Như vậy, thọ y có ý nghĩa là phần thưởng xứng đáng cho các Tỳ kheo đã tu tập tinh tấn trong ba tháng An cư, là vinh hạnh to lớn trong đời sống tu tập và là tấm gương tinh thần có giá trị soi sáng và ảnh hưởng tốt đến đại chúng. Do đó, thọ nhận y không mang ý hưởng thụ vật chất mà là một phần thưởng tinh thần khích lệ cho việc tu trì.

Theo thời gian, truyền thống dâng y được lễ hội hoá với hình thức tổ chức trọng thể và việc dâng y được thực hiện cho tất cả chư Tăng Ni hiện diện trong đạo tràng tu tập. Vì vậy, lễ dâng y được tổ chức với phạm vi lớn hơn, rộng rãi hơn. Phật tử tham dự lễ đội trên đầu mình chiếc y và đi nhiễu theo sự hướng dẫn của ban tổ chức. Vì kết hợp giữa nghi thức truyền thống và lễ hội nên lễ dâng y thu hút sự quan tâm của quần chúng Phật giáo đồ. Đó cũng là nhân duyên hướng họ đến với những giá trị đích thực mà đạo Phật mang lại.

Một điều làm Phật tử không được vui là khi dâng y cúng dường. Vì số lượng Phật tử tham dự và dâng y bao giờ cũng nhiều hơn là chư Tăng Ni nhận y nên có sự tranh giành dẫn đến người vui kẻ buồn. Do không hiểu ý nghĩa cúng dường hay do lòng khát ngưỡng khá cao mà nhiều người muốn chính mình được dâng chiếc y lên chư tôn đức. Đó là một mong muốn tốt nhưng nếu vì đó mà cố chấp thì lại là sự sầu khổ. Bởi vì người trực tiếp dâng y hay người gián tiếp nếu tâm thanh tịnh cúng dường y đều có phước báo như nhau. Do đó, lời khuyên với quý Phật tử là hãy giữ tâm cúng dường thanh tịnh và hoan hỉ dù có được duyên đội y dâng hay không để hưởng phước báo trọn vẹn nhất.

Lớp trưởng lớp tôi

Lớp Trưởng Lớp Tôi

(Kính tặng Thầy

Cựu lớp trưởng lớp Tăng 1)


Trong lớp học bao giờ cũng có một người đại diện mà ta thường gọi là lớp trưởng. Lớp tôi cũng có lớp trưởng và ở thầy có nhiều điểm mà chúng tôi rất cảm phục. Đó là tinh thần vì tập thể cũng như sự đóng góp to lớn trong hoạt động đưa lớp đi lên.

Khi viết bài này chúng tôi không phải vì mục đích đề cao hay tâng bốc mà chỉ là những cảm nhận thực tế chúng tôi thấy được rất khách quan. Qua đó một mặt nói lên sự diễm phúc đối với tập thể lớp, một mặt là để nhắc nhở chính chúng tôi xem đó như là điều đáng trân trọng để học tập và áp dụng vào cuộc sống tự thân của mỗi người.

Với vai trò là người đứng đầu do sự tín nhiệm của tập thể đề cử, thầy ý thức được trọng trách của mình đối với lớp. Sự ý thức ấy được biểu hiện qua những việc làm cụ thể. Đó là nỗi lo toan làm sao đưa tập thể vững mạnh về mọi mặt từ học tập cho đến vui chơi, tham quan, giải trí. Khi đề ra bất cứ chương trình gì thầy đều vì tập thể trước tiên và dù việc làm ấy ảnh hưởng đến bản thân thầy cũng không màn đến, miễn sao tập thể tốt là được. Đó là tinh thần đáng ghi nhận trong bất cứ tổ chức nào.

Có thể nhiều người cho rằng đó là chuyện rất bình thường mà bất cứ người nào ở vị trí ấy cũng như vậy. Nhận xét ấy sẽ quá thiển cận vì thực tế được mấy người thực sự như vậy. Khi gặp thử thách thì nhiều người thường nản lòng dẫn đến bỏ bê công việc. Nhưng với thầy thì thầy đã cố gắng vượt qua tất cả để đứng vững lo chu toàn công việc. Thực tế đâu phải việc tốt nào cũng được mọi người ủng hộ hoàn toàn mà luôn luôn bên cạnh sự ủng hộ là sự phản đối hay bất đồng. Sự phản đối phải chăng là cơ hội tốt để làm tăng thêm những phẩm chất tốt vốn có của thầy.

Tinh thần tập thể còn thể hiện ở chỗ thầy luôn đặt lợi ích vì tập thể. Thầy âm thầm gánh vác những trách nhiệm đã được giao và chịu mọi khiển trách nếu có mà không một chút phàn nàn. Đã nhiều lần thầy can thiệp vào việc học tập nhằm giúp cho tập thể học tốt hơn và có hiệu quả hơn. Dù kết quả không như mong muốn nhưng thầy không vì thế mà nản lòng. Vì tất và là cái chung cơ mà…

Nói về sự đóng góp thì càng trân trọng hơn. Ở đây dường như ta thấy được bóng dáng của người đang hành bồ tát đạo. Hằng ngày, thầy bỏ nhiều công sức và tiền bạc để lo tài liệu cho lớp. Tuy nhỏ nhoi nhưng phần nào cũng ảnh hưởng tốt đến niềm tin yêu của tập thể. Có những lúc túng thiếu thầy phải lặn lội xa xôi để xin sự trợ duyên từ những Phật tử tín tâm. Những hy sinh ấy đôi lúc bị tai tiếng nhưng thầy cũng vẫn nhẫn nhịn và hoan hỷ.

Những ai đã từng trải qua những việc làm như vậy thì sẽ dễ dàng cảm thông và chia sẻ. Tất cả những gì thầy làm đâu phải vì danh lợi mà chỉ vì mong muốn đóng góp một chút gì đó làm cho tập thể đoàn kết và học tập tốt hơn. Đó là động lực chính thúc đẩy thầy hoàn thành sở nguyện và tấm lòng ấy thật đáng quý, đáng được trân trọng biết bao.