Sunday, January 31, 2010

Tập làm Bồ tát

Hầu như, khi vào các ngôi chùa ở Việt Nam mọi người đều thấy hình tượng Bồ Tát Quán Âm lộ thiên. Đây là hình ảnh của một vị Bồ tát rất phổ biến trong lòng mọi người bởi lòng từ bi cứu độ chúng sanh vô lượng của Ngài. Hình ảnh ấy là bài học vô giá về giá trị đạo đức mà bao người cầu mong được gia hộ. Với đức tính ấy, chúng ta có thể thực hành được không và hành như thế nào?

Bồ tát là một danh xưng dùng để chỉ cho những vị thánh đệ tử Phật trong Phật giáo Đại thừa-người đang thực hành hạnh từ bi cứu độ chúng sanh. Bồ tát có nghĩa là “Giác Hữu Tình” là tự giác ngộ cho chính bản thân vượt qua mọi phiền não khổ đau và giúp cho tất cả chúng sanh cùng giác ngộ như mình. Với ý nghĩa trên thì bất cứ ai cũng khả năng trở thành Bồ tát, Bồ tát bằng xương thịt hiện hữu ngay trong cuộc sống này. Vậy chúng ta hãy tập làm bồ tát trong nhân gian.

Bồ tát Quán Âm với những câu chuyện “Quán Âm Thị Kính, Quán Âm Diệu Thiện” có lẽ Phật tử đều đã biết. Sở dĩ chú tiểu Thị Kính hay công chúa Diệu Thiện trở thành Bồ tát là vì lòng từ bi và sự nhẫn nhục cứu độ những người thân mê muội. Vì thực hành hạnh nguyện một cách trọn vẹn nên ngài trở thành Bồ tát lớn (Ma ha tát) và luôn là chỗ dựa tinh thần cho chúng sanh nương theo học tập. Và còn rất nhiều Bồ tát như vậy được miêu tả trong kinh Phật như Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Thường Bất Khinh…

Gần gũi hơn và dễ thấy hơn là Bồ tát Quảng Đức, một vị Bồ tát Việt Nam vì pháp thiêu thân để thức tỉnh chế độ độc tài giác ngộ trước những hành động sai trái của mình. Và mỗi vị thánh tử đạo là mỗi vị Bồ tát đóng góp cho sự giải phóng của dân tộc. Chư vị tiền bối, những bậc trưởng thượng vào đời hướng dẫn chúng sanh tu tập đều là những tấm gương của những Bồ tát sống động.

Như vậy, để trở thành Bồ tát thì hành giả phải thực hành đức tính từ bi cứu độ chúng sanh-một đức tính có sẵn trong mọi người. Thực hành đức tính ấy một cách hoàn mỹ thì thật khó nhưng ở cấp độ nhân sanh, thiết nghĩ tất cả chúng ta ai cũng có thể trở thành Bồ tát, một tiểu Bồ tát ở nhân gian.

Như trên đã nói, Bồ tát là ý niệm từ bi cứu đời. Một bác sĩ với lòng từ bi cứu bệnh nhân thoát khỏi cơn bịnh hiểm nghèo thì vị ấy là một một vị Bồ tát sống. Đối với bệnh nhân được cứu thì chắc chắn bác sĩ ấy là Bồ tát vì đã cứu đựơc mạng sống của mình thoát khỏi tử thần. Đây là bồ tát hiện thực ngay trong hiện tại mà vị ấy có thể thấy. Thầy giáo là Bồ tát đối với học sinh khi tận tâm giúp học trò vượt qua khó khăn trong học tập nhất là khi họ đủ khả năng vượt qua được những kì thi khó và có thể giúp ích cho xã hội. Một công chức là Bồ tát đối với dân khi vị ấy tận tuỵ trong công việc, hết lòng giúp đỡ, giải quyết những khó khăn của họ trong cuộc sống. Ở bất cứ vị trí nào trong xã hội, chúng ta đều có thể trở thành Bồ tát hiện thực. Đó là ý nghĩa Bồ tát Quán Âm thị hiện ngàn tay ngàn mắt và vô lượng thân để cứu độ chúng sanh. Chúng ta làm được một việc tốt là đang trở thành một ứng thân của Bồ tát rồi.

Đối với Phật tử, những hành giả học và hành theo con đường của Phật và Bồ tát thì cơ hội trở thành Bồ tát hiện thực rất gần trong gang tấc. Thông thường, Phật tử đi chùa thường cầu nguyện Bồ tát bên ngoài linh thiêng gia hộ để làm ăn giàu có, gia đình bình an…và sự cầu nguyện ấy trở thành thói quen ỷ lại và phó thác. Họ nghĩ rằng cúng dường một ít tài vật là đủ để được đáp ứng theo ý muốn. Do đó ở khắp nơi, nghe đồn chùa nào linh thiêng thì họ liền đến để cầu xin, để được Bồ tát thương xót vì sự khổ công lặn lội xa xôi để cầu nguyện của họ. Bồ tát lúc nào cũng linh thiêng nhưng dù có linh hiển cũng không thể giúp thay đổi gì cho họ ngoại trừ chính họ tự thay đổi mình qua lời dạy của Ngài.

Bồ tát dạy giáo lý nhân quả rõ ràng và bất cứ ai thực hành đúng như lời dạy của Ngài thì đều được an lạc. Chúng ta mong muốn hạnh phúc cho chính mình thì người khác cũng vậy. Do đó, tìm hạnh phúc cho mình trước hết phải không làm tổn thương người khác. Một lời nói, một cử chỉ với ý niệm thoả mãn lòng ích kỷ, ganh tỵ đều không thể đem lại an lạc và không phải là Bồ tát. Cuộc sống biết bao điều cần sự giúp đỡ của chúng ta. Một hành động với tâm niệm vì mọi người thì đó là việc làm của bồ tát cho dù chúng ta đang quét sân, cắm hoa hay đang nấu ăn, hay làm bất cứ điều gì. Một lời pháp giúp người khác vượt qua phiền muộn cũng là một Bồ tát hiện thân độ người vậy.

Những vị Bồ tát như thế xuất hiện càng nhiều thì cuộc sống càng an vui hạnh phúc. Không còn tâm niệm chúng sanh len lõi vào tâm thì mọi việc làm dù là gì và dù ở đâu cũng đều đem lại sự an vui cho cuộc sống. Chúng ta hãy đi tìm những Bồ tát linh thiêng như vậy để cầu nguyện hơn là tìm Bồ tát ở đâu xa. Hãy suy gẫm và mong rằng không có sự hiểu lầm về ý niệm bồ tát nhân gian. Cầu mong Bồ tát hiện thực thịnh trị xã hội chúng ta.

Mùa xuân lại về, cũng là dịp kỷ niệm đức Phật Bổn Sư thành đạo, Phật Di Lặc đản sanh. Tất cả mọi người đang tất bật để hoàn tất những việc cuối năm và hân hoan chào đón những niềm vui của năm mới. Tâm niệm hướng thượng trong mỗi con người như đang trổi đây và được chờ đợi biểu hiện thành những bông hoa cuộc sống. Hãy làm cho những bông hoa tươi đẹp của tâm hồn nở rộ để dâng lên cúng dường chư Phật và làm lợi lạc quần sanh.

Suy nghĩ về An Cư

Trời lại đổ cơn mưa mang theo hơi mát làm giảm đi cái nóng của xứ “mặt trời”. Gọi là xứ “mặt trời” vì ở Bangkok mặt trời mọc sớm, lặn muộn và không khí khá nóng. Trời mưa mùa hạ gợi tôi nhớ những mùa mưa Sài Gòn, những mùa an cư nơi quê hương ân tình. Mùa an cư lại trở về là dịp để người con Phật cùng nhau quy hội về một nơi cùng tu tập, chia sẻ những kinh nghiệm và những kỉ niệm vui buồn trong thời gian hoằng pháp. Mùa an cư cũng là dịp để hàng Phật tử gieo duyên với tam bảo để mãi mãi là người Phật tử thuần thành với Phật pháp dù trong hoàn cảnh nào. Thật quý biết bao khi truyền thống an cư vẫn còn được tuân giữ đúng tinh thần Phật dạy.

Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, sau ngày kỉ niệm đức Bổn Sư Từ Phụ đản sanh là ngày vào hạ an cư của chư Tăng Ni. Thế là, bao chuyện hóa duyên tạm thời gát lại để tập trung vào công việc quan trọng: “quán sát tự tâm, suy tầm giáo nghĩa” nhằm kiểm soát và đánh giá lại quá trình hành đạo hay học tập thời gian qua và trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để tiếp tục hành trình mới.

Thời đức Phật còn tại thế, mùa an cư là thời gian rất quan trọng đối với chư Tăng. Bởi vì, đó là thời gian chư Tăng hạn chế việc hóa duyên để tập trung tu tập và được gần gũi bậc đạo sư. Nhờ sự chuyên tâm và nhờ sự ảnh hưởng của bậc đạo sư cũng như các vị trưởng thượng mà cứ mỗi sau mùa an cư là có nhiều vị chứng đắc quả giải thoát và hầu hết đều được tăng trưởng phước huệ.

Nhận thức được tầm quan trọng và lợi lạc của pháp an cư nên truyền thống ấy được duy trì đúng theo tinh thần Phật dạy. An cư ngày nay không phải với ý nghĩa đơn thuần: “tránh giẫm đạm côn trùng mùa mưa” mà là “trụ thân, tịnh tâm, đình ý”. Vấn đề trụ thân để tạo điều kiện tốt cho việc “tịnh tâm và đình ý” mới là vấn đề cốt lõi của an cư và dù bất cứ ở đâu thời gian nào cũng phù hợp với lời Phật dạy cả. An cư là sống trong môi trường tốt và ổn định ít bị các chướng duyên làm trở ngại. Trong ba tháng ở một chỗ, có thể nói đó là môi trường khá tốt cho hành giả bởi mọi điều kiện đều thuận duyên. Nhờ đó, việc học tập trau dồi tri thức và kinh nghiệm được dễ dàng và thăng tiến.

Thời đức Phật, chư Tăng an cư hoặc là cùng với đức Phật hoặc chí ít cũng cùng với các bậc trưởng lão đã chứng đạo giải thoát. Như ý nghĩa của nó, an cư là để tu tập trau dồi trí tuệ. Do đó, đạo tràng an cư không thể thiếu hình ảnh chư vị tôn túc trưởng thượng đủ đạo hạnh và kinh nghiệm. Các vị tỳ kheo dễ chứng quả giải thoát hay đạt nhiều an lạc bởi vì được gần gũi với các bậc thầy trưởng thượng và được hướng dẫn trực tiếp từ các vị ấy. Yếu tố này rất quan trọng vì thiếu nó kết quả đạt được sẽ rất khiêm tốn. Một người học trò khó có cơ hội thành công nếu vị ấy không được sự hướng dẫn của các bậc thầy. Đôi khi vị ấy có thể đi lạc lối mà chính bản thân mình không hay biết.

Bậc đạo sư là những vị khai thông cho học trò những khi cần thiết. Quá trình ấy diễn ra có thể là khi học trò thỉnh vấn hay bậc đạo sư thấy được và chỉ dạy. Dù cách nào thì sự truyền dạy như vậy là cần thiết và rất hữu ích. Vì tính quan trọng đó mà các mùa an cư chư Tăng thường tìm về nơi đức Phật ở để nương tựa tu tập. Ngày nay, không còn Phật tại thế thì nơi nào có chư tôn túc thì nơi đó có thể lập đạo tràng cho chúng tăng nương tựa an cư. Chính Phật đã giúp cho Ngài Mục Kiền Liên và nhiều vị khác đúng lúc để trợ duyên cho các vị này chứng quả A-la-hán. Cũng vậy, hành giả tu tập cũng rất cần sự khai trí từ các vị giáo thọ trong quá trình tu tập. Làm sao bậc thầy có thể thấy rõ những điểm yếu của từng vị trong chúng mà hướng dẫn họ? Chỉ có cách sinh hoạt chung trong một đạo tràng thì mới có cơ hội nhìn thấy và khai thông, còn chỉ dạy gián tiếp thì kết quả thường là khiêm tốn.

Bên cạnh sự gần gũi bậc trưởng thượng, hành giả an cư còn có cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa đồng môn pháp lữ. Sẽ thật là hữu ích khi có sự hòa hợp, đoàn kết và hiểu nhau giữa các huynh đệ. Vì rằng có chia sẻ thì mới hiểu, mới cảm thông nhau. Chia sẻ ý tưởng là cách phổ biết để có thể truyền học lẫn nhau về kinh nghiệm cuộc sống. Có lẽ, không còn dịp nào tốt hơn và thuận lợi hơn là mùa an cư – dịp để hội họp và tu tập bên nhau. Nếu nơi nào duy trì và thực hành tốt “sự tự do tư tưởng” như đức Phật dạy thì nơi ấy hành giả an cư sẽ thấy được lợi lạc vô cùng.

Trong kinh “Thừa Tự Pháp” đức Phật dạy đệ tử của Ngài không nên kế thừa tài vật mà nên kế thừa giáo pháp. Rồi Ngài Xá Lợi Phất giảng giải rộng ra những pháp nên và không nên theo. Thừa hưởng ngũ dục, không nghe lời dạy của bậc đạo sư và lười biếng là ba điều Phật chê trách và không nên thừa kế. Sống tri túc, nghe lời dạy của bậc đạo sư và siêng năng tinh cần là điều đáng khen và nên kế thừa. Bài pháp đọc qua có vẻ đơn giản nhưng chứa đựng bao thâm ý ẩn tàng về giá trị giải thoát.

Đạo tràng an cư được mở với mục đích như đã nói là để “thúc liểm thân tâm trau dồi giới đức” đồng thời là nơi học tập giáo pháp. Hành giả an cư do đó là những người đệ tử đang kế thừa pháp chứ không phải tài vật. Kế thừa không chỉ diễn ra theo cách “cho-nhận” mà hơn nữa còn là một quán trình chuyển hóa nội tâm, một quá trình thực tập pháp đúng mực. Nguồn an lạc bắt nguồn từ pháp sẽ mãi mãi tuôn chảy từ người này sang người khác và nhiều thế hệ. Nguồn an lạc ấy không bị chi phối bởi định luật vô thường và không bao giờ gây khổ đau cho bất cứ chúng sanh nào. Cái gọi là hạnh phúc từ tài vật sẽ chóng tàn theo định luật sinh diệt và luôn là nguồn tội cho chúng sanh mê muội, bởi chúng sanh thường đắm vào đó mà tranh đấu quyền lợi. Do đó, Phật không bao giờ khuyên thừa kế loại hạnh phúc ấy.

Có thể nói một điều may mắn là nơi quê hương chúng ta có cơ hội để an cư tu tập trong thời gian dài như thế. Không có nơi nào trên thế giới mà cộng đồng Tăng Ni người Việt có thể an cư trong thời gian dài như vậy và nếu có thì đó là một điều hy hữu. Việc ấy cũng là một việc bình thường vì mỗi xã hội có những điều kiện hoàn cảnh khác nhau. Nói như vậy không có nghĩa là so đo tự ngã mà là nói lên một niềm hạnh phúc khi ta có cơ hội để thực hiện một truyền thống giá trị mà đức Phật đã dạy. Những người rời quê hương dù là định cư hay du học cũng đều ít có cơ hội như vậy.

Ở Thái Lan, mặc dù phái Annam nikaya (tức tông phái Phật giáo theo truyền thống bắc tông Việt Nam) vẫn tồn tại và sinh hoạt hơn hai trăm năm qua, vẫn còn duy trì pháp an cư hằng năm như ở Việt Nam nhưng nội dung và ý nghĩa không thực còn tồn tại. Điều trở ngại lớn nhất là do chư Tăng không thông ngôn ngữ Hán – Việt nên không nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của an cư cũng như các nghi thức hành trì. Dẫu sao còn giữ được dù chỉ là hình thức cũng là đáng quý vậy.

Những suy nghĩ về an cư được viết ra đây như là một sự bày tỏ cảm nghĩ hay một chút tình cảm của bản thân. Những suy nghĩ ấy hãy coi như là những lời chia sẻ cùng chư huynh đệ trong mùa an cư này. Đó là những tình cảm, những ưu tư có lẽ không riêng của một ai. Ánh bình minh đã rọi sáng trên đỉnh linh sơn bắt đầu một ngày mới. Mọi vật như hồi sinh sau một đêm trường yên nghỉ và giờ đây tiếp tục hành trình.

Trên một chuyến xe

Dưới cái nắng gắt của mùa hè nơi các tỉnh duyên hải, chiếc xe Ford chở đầy hành khách chạy như bay. Trong xe không còn chỗ ngồi nào nhưng bác tài xế vẫn thỉnh thoảng dừng lại để đón khách. Tiếng qua lại của nhà xe, tiếng thở dài của hành khách. Những âm thanh ấy phần nào phản ánh cuộc sống của người dân quê, cuộc sống khắc khổ và sự chịu khó của họ.

Miền Trung, mùa hè bao giờ cũng nắng gắt và rất nóng. Cái oi bức ấy cộng với gió Lào hanh khô thật là khó chịu. Người dân nơi đây giải nắng dầm mưa riết rồi cũng phải quen. Nói quen vậy chứ sức ngừơi âu cũng giới hạn. Cho nên, nhiều người không kham nổi cũng phải ra đi lưu trú nơi xa xứ. Nghĩ ra cũng hơi buồn nhưng đó lại là quy luật tất yếu. Quy luật của sự thích nghi, quy luật sinh tồn.

Chiếc xe chỉ 16 chỗ nhưng có khi hành khách gần gấp đôi. Cái chật chội và đầy hơi người dưới cái nắng nóng bức không dễ chịu chút nào. Cố lòng hành khách phải chịu đựng và mong cho mau tới bến. Có lẽ nhiều người tự hỏi tại sao có sự nghịch lý xảy ra như thế?! Câu trả lời thật đơn giản “Ấy là vấn đề của cuộc sống.”

Thật ra nhà xe cũng không muốn vất vả dừng đón và chở quá tái nhưng vì cạnh tranh thị trường và vì lợi nhuận. Có lẽ nhà xe sẽ nghỉ sớm nếu chạy theo quy định ở những tỉnh lẻ xa xôi. Hơn nữa, hành khách đóng góp phần không nhỏ. Cái khó nhọc của cuộc sống làm cho con ngừơi quen với sự chịu đựng. Chịu đựng để giảm bớt những phần chi tiêu chứ thật lòng thì ai cũng thích thoải mái cơ mà.

Cuộc sống vẫn diễn ra như thế cho dù sự nguy hiểm vẫn luôn rình rập và mạng người vẫn bị xem rẻ. Điều còn lại là suy nghĩ của mỗi người chúng ta.

Chiếc xe dừng lại, hành khách bước xuống an toàn và cảm thấy đó là một điều may mắn. Sư lo lắng, nỗi nhọc nhằn bởi cái chật chội và nóng bức tạm qua đi. Mỗi người tiếp tục cuộc sống của mình. Nhìn theo chiếc xe chạy xa dần, tôi thầm khấn nguyện cho họ bình yên.

Vài suy nghĩ về tổ chức sinh nhật

Khi đời sống con người được cải thiện, bên cạnh những nhu cầu căn bản người ta bắt đầu tổ chức các hình thức sinh hoạt mang tính lễ nghĩa nhằm nâng cao giá trị cuộc sống về mặt hưởng thụ cũng như giải trí hay tâm linh. Tổ chức sinh nhật là một trong những sinh hoạt được phổ biến trong xã hội Việt Nam những năm gần đây nhất là những nơi đô thị lớn. Nguồn gốc của nó xuất phát từ đâu, khi nào có lẽ là một vấn đề khó ai biết rõ. Còn về ý nghĩa, việc tổ chức ấy đem lại lợi ích gì và nên tổ chức như thế nào để có giá trị thiết thực là điều thiết nghĩ chúng ta cũng nên quan tâm. Bài viết này, chúng tôi xin được chia sẻ vài suy nghĩ của mình về sinh hoạt này với mong muốn rằng nó sẽ góp phần cho việc tổ chức có ý nghĩa hơn.

Theo một số tác giả nghiên cứu về nguồn gốc của ngày sinh nhật thì nó bắt nguồn từ nước Ba Tư và sau đó được các binh sĩ truyền đi các nơi khác trong thời hoàng đế La-mã. Người Hy lạp và người La-mã tin rằng mỗi người có một vị thần bảo hộ cho mình nên tổ chức lễ sinh nhật là để tỏ lòng tôn kính vị thần ấy.[1] Dần dần phong tục ấy lan truyền ra nhiều nước trên thế giới và trở thành sinh hoạt không thể thiếu đối với các nước phương tây nơi xem trọng ngày sinh. Còn phương đông như Việt Nam, do ảnh hưởng trong thời hội nhập nên dần dần sinh nhật cũng trở thành sinh hoạt quen thuộc nhất là nơi đô thị lớn có điều kiện sống khá giả.

Thông thường khi tổ chức sinh nhật người ta thường nghĩ rằng là để kỷ niệm sự có mặt của một con người mới và để mừng người ấy thêm một tuổi. Do đó, người thân hay bạn bè chuẩn bị các loại quà tặng hay tiệc tùng để đón mừng. Nhân dịp đó, người được tổ chức sẽ được những người thân và bạn bè chia sẻ bằng những lời chúc tốt đẹp và cùng chung vui vẻ tiệc tùng. Tổ chức sinh nhật như thế thường gặp ở những người trẻ hay bạn bè với nhau.

Đối với những người làm ăn lớn, bên cạnh mục đích tiệc mừng thì đó cũng là dịp để họ thể hiện mối quan hệ trong công việc kinh doanh làm ăn. Hình thức tổ chức vì thế sẽ quy mô hơn và long trọng hơn với lượng khách mời khá đông đảo. Như vậy, tổ chức sinh nhật trở thành dịp để vui chơi và tạo thêm mối quan hệ trong kinh doanh. Giá trị có được sẽ làm thoả mãn nhu cầu hưởng thụ và tạo thêm mối quan hệ tốt trong làm ăn nhưng nếu dừng lại ở đó thì giá trị ấy chưa thật trọn vẹn.

Làm sao để có một sinh nhật có ý nghĩa và giá trị cần có? Trước hết, hãy nói về lễ sinh nhật của người lớn, tức đồng nghĩa với lễ mừng thọ. Lễ này mang truyền thống và ý nghĩa của đạo hiếu nên là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với ông bà cha mẹ. Sự thể hiện hiếu thảo thông qua nhiều hình thức như dâng những đoá hoa, món quà lên người được chúc mừng. Tuy nhiên, món quà có giá trị và ý nghĩa nhất vẫn là bằng chính cuộc sống hiếu thảo hằng ngày của những người con, cháu đối với người lớn trong gia đình. Nhân đây, các con, cháu cũng được dịp nghe những lời tâm huyết của ông bà về giá trị đạo đức, hiếu kính để làm bài học cho cuộc sống hiện tại và sau này. Như vậy, lễ sinh nhật sẽ là dịp để ôn lại những giá trị đạo đức về lòng hiếu thảo để mọi người cùng nhau sống tốt hơn và thể hiện vai trò, chức năng trong gia đình. Truyền thống tốt đẹp ấy, do đó, vẫn được giữ gìn mặc dù không được phổ biến lắm.

Thứ đến là tổ chức sinh nhật cho con cháu hay cho bản thân những người trẻ. Hầu như, sinh nhật chỉ là dịp để vui chơi, tiệc tùng, hưởng thụ giá trị vật chất chứ ít khi được đề cập đến giá trị đạo đức như lễ mừng thọ. Vì chú trọng hưởng thụ vật chất hay thoả mãn mục đích kinh tế nên giá trị đạo đức vốn dĩ cần thiết lại bị lãng quên. Sinh nhật như đã nói là kỷ niệm ngày ra đời của một con người. Sự ra đời ấy là kết quả của cả một quá trình khổ nhọc của cha và mẹ. Do đó, sẽ là một thiếu sót khi chúng ta chỉ biết vui vẻ về sự có mặt của một con người mà quên đi vai trò giáo dục cho con người ấy về giá trị đạo đức. Đó là giá trị về công ơn sanh thành dưỡng dục và lo lắng của cha mẹ; là sự quan tâm chia sẻ, giúp đỡ của những người thân và bạn bè; là sự quan tâm của xã hội v.v... Để từ đó, họ ý thức được giá trị cuộc sống và sẽ sống tốt hơn, học tập và làm việc chăm chỉ hơn. Sinh nhật như thế sẽ không chỉ là dịp để nhận quà cáp mà là cơ hội để thể hiện tình cảm giữa người thân và bạn bè; để học hỏi lẫn nhau và quan trọng hơn là ý thức được giá trị của việc tổ chức ấy.

Ở Thái Lan, người Thái xem ngày sinh nhật như là cơ hội để làm phước. Họ tổ chức sinh nhật để bà con bạn bè cùng dự và cùng làm phước. Trong ngày ấy, họ cúng dường phẩm vật cho các vị tôn đức và bố thí thức ăn cho những người nghèo để hồi hướng phước báo cho cha mẹ. Dù cha mẹ qua đời hay còn hiện tiền, dù hình thức tổ chức lớn hay nhỏ thì ý nghĩa của sự biết ơn không thể thiếu trong ngày ấy. Ngày sinh nhật với họ như là ngày tri ân và báo ân vậy.

Để cho ngày sinh nhật được đầy đủ ý nghĩa và vẫn giữ được niềm vui, thiết tưởng chúng ta nên quan tâm cả hai mặt như đã nói. Đối với người không theo đạo Phật thì có thể tổ chức hình thức theo sở thích nhưng làm sao thông qua sinh hoạt ấy, chúng ta phải nói lên được sự giáo dục về giá trị đạo đức hiếu kính và tôn trọng tình bạn bè cho các thế hệ. Đối với Phật tử, để cho ngày sinh nhật có ý nghĩa thì chúng ta nên tổ chức sao cho phù hợp với văn hoá Phật giáo nghĩa là xem ngày ấy như là cơ hội để cùng nhau tu tập và chia sẻ. Những người thân, bạn bè đến dự nên cùng nhau tụng kinh cầu nguyện cho người được tổ chức và chính bản thân để đem phước báo ấy hồi hướng cho cha mẹ nhằm báo đáp công ơn và làm lợi ích cho mọi người. Như thế thì sinh nhật vừa vui vẻ, có ý nghĩa giáo dục và vừa là nhân lành cho mọi người tham dự. Mong rằng sinh nhật như thế sẽ được phổ biến ở Việt Nam.