Saturday, April 30, 2011

Quy Nhơn – Quy Nhơn – Quy Nhơn

Quy Nhơn hai tiếng dễ thân thương

Nhiều chốn về đây nên phố phường

Biển cát xưa kia ai khám phá

Núi sông nay đã trở thành đường

Chùa tháp dựng xây nhiều thế kỷ

Dân cư un đúc khó mà lường

Trải bao năm tháng mưa và nắng

Phố cảng ngày nay đã an khương

HT Thích Trí Giác Trụ trì Tổ đình Minh Tịnh cảm tác

Tổ đình Minh Tịnh

Chùa Minh Tịnh trải qua hằng thế kỷ

Đã gắn mình với biển núi thiên nhiên

Nơi có anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ

Và nhà thơ Hàn Mặc Tử lưu danh

Công đức ngài tổ sư Chơn Phước

Đã lập nên Minh Tịnh bảo danh

Hàng môn nhơn đã vươn mình trong ánh đạo

Tiếp nối nhau để hóa độ quần sanh

Nguyện điểm tô cho đạo màu rạng rỡ

Cùng Quy Nhơn lớn đẹp mãi về sau

HT Thích Trí Giác Trụ trì Tổ đình Minh Tịnh cảm tác

Wednesday, April 20, 2011

HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ PHÁP (1887 – 1975)


Hòa thượng Thích Huệ Pháp, thế danh Nguyễn Lộ, sinh ngày 13 tháng 8 năm Đinh Hợi 1887, tại thôn Bồ Đề, xã Đức Quang, nay là xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Thân sinh là cụ Nguyễn Vĩnh, một bậc lão nho tinh thông cả Dịch lý, toán số, suốt đời mở lớp gia giáo phổ biến Nho học, cả vùng Mộ Đức – Đức Phổ có đến hàng trăm môn đệ của Người, người dân Quảng Ngãi đương thời không ai là không nghe đến tên cụ; Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Long, con của một lão nho trong làng. Ngài là con trai thứ trong gia đình bốn anh chị em, trưởng huynh mất sớm, chị cả là thân mẫu Hòa thượng Khánh Anh, bậc cao Tăng lương đống của Phật giáo Việt Nam, em gái út lập gia đình.

Thiếu thời Ngài học chữ nho của thân sinh. Ngài thường được cụ bà dắt đi chùa Cảnh Tiên gần nhà để lễ Phật và nghe Đại lão Hòa thượng Hoằng Thanh giảng đạo; Ngài cũng được cụ Nguyễn Vĩnh dắt về Tổ đình Thiên Ấn – Thạch Sơn học hỏi giáo lý của quý Đại lão Hòa thượng Hoằng Tịnh, Hoằng Thạc, Hoằng Đức. Từ môi trường này, Ngài được gặp và tham gia chống Pháp với nhóm cách mạng do nhà chí sĩ Trần Cao Vân và cụ Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo.

Năm Kỷ Dậu 1909, lúc 22 tuổi Ngài xin phép song thân cho xuất gia với Đại lão Hòa thượng Hoằng Thanh tại chùa Cảnh Tiên, được Bổn sư cho thọ giới Sa di và ban pháp danh là Chơn Phước. Ngài tinh cần chấp tác học tập qui tắc thiền môn, ngõ hầu làm long tượng Phật pháp cho tương lai.

Năm Tân Hợi 1911, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Tổ đình Thiên Ấn và là Thủ Sa di tại giới đàn này. Năm ấy Ngài 24 tuổi, được truyền Tổ ấn với pháp tự là Đạo Thông. Sau khi đắc giới, Ngài tiếp tục tu học tại Tổ đình Thiên Ấn – Thạch Sơn.

Năm Giáp Dần 1914, Ngài đi vào Bình Định để tham học với Quốc sư Phước Huệ và Pháp sư Phổ Huệ. Duyên lành đã đến, Ngài gặp hai Phật tử Trừng Quế, Trừng Qui cúng cho Ngài một thảo am tại đồi cát ở khu 6, thành phố Qui Nhơn để tu học.

Năm Đinh Tỵ 1917, Ngài được chư Sơn thỉnh làm Đệ nhất Tôn chứng Giới đàn chùa Trừng Giác, Tuy Phước, Bình Định. Uy tín và đạo hạnh của Ngài lan rộng, nhờ sự phát tâm của tín đồ nên từ một thảo am, Ngài đã xây dựng thành ngôi Tam bảo Minh Tịnh được trang nghiêm vào năm Mậu Ngọ 1918.

Năm Giáp Tý 1924, Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê tại Giới đàn chùa Linh Phong, Phù Cát, Bình Định. Đến năm Bính Dần 1926, Giới đàn chùa Phước Quang, Quảng Ngãi cung thỉnh Ngài làm Yết Ma A Xà Lê.

Năm Đinh Mão 1927, Ngài được thỉnh làm Chánh Ký trường Hương chùa Long Khánh, Qui Nhơn, kiêm Giáo thọ Sư cùng quý Ngài : Trí Hải chùa Bích Liên; Như Phước chùa Liên Tôn; Hoằng Thông chùa Bạch Sa, dưới quyền Chủ giảng của Quốc sư Phước Huệ. Cùng năm này, Lưỡng Xuyên Phật học đường miền Nam thỉnh Ngài vào làm Chủ giảng, Ngài đã cho Pháp sư Khánh Anh là một học trò ưu tú nhất vào đó để thay Ngài.

Năm Nhâm Ngọ 1942, Ngài được chư Sơn thiền đức tỉnh Bình Định cung thỉnh vào ngôi Yết Ma A Xà Lê trong Đại giới đàn chùa Thiên Đức, huyện Tuy Phước.

Năm Giáp Thân 1944, tức năm Bảo Đại thứ 19, Ngài được triều đình Huế sắc chỉ khâm ban đạo điệp Tăng Cang và sắc tứ Biển Ngạch chùa Minh Tịnh.

Năm Ất Dậu 1945, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Ngài tham gia mặt trận kháng chiến và được bầu làm Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định.

Năm Đinh Hợi 1947, Ngài được cung thỉnh làm Chứng minh giới đàn chùa Thiên Bình, An Nhơn, Bình Định.

Năm Đinh Dậu 1957, tại Đại giới đàn chùa Nghĩa Phương – Nha Trang, Ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới. Cùng năm, Hội Phật giáo Tịnh độ Tông thỉnh Ngài ngôi vị Chứng minh Đại Đạo sư Trung phần.

Năm Kỷ Hợi 1959, Hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thỉnh Ngài làm Chứng minh Đạo sư Trung phần.

Năm Nhâm Dần 1962, chư Sơn thiền đức tỉnh Bình Định tổ chức Đại giới đàn tại Tổ đình Minh Tịnh, cung thỉnh Ngài làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới.

Ngài là vị Pháp sư, Tuyên Luật sư chuyên giảng kinh, luật, luận cho các trường Giới, trường Hạ, trường Hương và được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê, Yết Ma A Xà Lê và Đường đầu Hòa thượng cho nhiều giới đàn khắp nơi Trung, Nam phần.

Ngài đã khai sơn và chủ trương tái thiết, trùng tu hàng trăm tự viện. Đệ tử xuất gia hàng trăm vị, có nhiều vị xuất chúng là bậc long tượng Phật pháp, lãnh đạo Giáo hội. Đệ tử tại gia của Ngài có đến hàng vạn người.

Một phần ba cuộc đời của Ngài tuy có nhiều ảnh hưởng chính trị trong công cuộc chống thực dân Pháp giành độc lập, nhưng nhờ giáo lý Phật đà thấm sâu, Ngài đã hiến trọn vẹn cuộc đời phục vụ cho đạo pháp.

Công hạnh viên mãn, tâm ý hoan hỷ, thân không bệnh tật, Ngài viên tịch lúc 11 giờ ngày 11 tháng 11 năm Ất Mão 1975, thế thọ 89 năm, đạo thọ 65 Hạ lạp. Tháp tàng nhục cốt của Ngài ở hướng Nam chùa Minh Tịnh, thành phố Qui Nhơn.

Theo Danh Tăng Việt Nam

Tuesday, April 5, 2011

Hạn chế mê tín: Giải pháp không thể là tự giác

Khi nói đến ‘quy luật cung cầu’, người ta thường liên tưởng đến nền kinh tế thị trường bởi đó là quy luật tất yếu được áp dụng trong quá trình vận hành và phát triển nền kinh tế của một quốc gia. Nếu suy rộng ra, quy luật ấy cũng có thể áp dụng trong các lĩnh vực khác mà ở đây sẽ đề cập là lĩnh vực tín ngưỡng, tâm linh. Cung trong lĩnh vực này sẽ là những sản phẩm tín ngưỡng bao gồm rất nhiều hình thức từ lễ hội, nghi thức cầu nguyện, cúng bái cho đến các hoạt động bói toán, xin xăm, bói quẻ...; còn Cầu là nhu cầu về tu tập, niềm tin, cầu nguyện, mong ước và ngay cả sự sợ sệt hay lòng tham của con người. Con người có nhu cầu tín ngưỡng là điều không thể chối cãi nhưng tín ngưỡng như thế nào lại là vấn đề cần phải được quan tâm và điều chỉnh cho thích hợp.

Do nhu cầu tín ngưỡng đa dạng và pha tạp nên các hình thức cung ứng cũng rất phức tạp. Sự phức tạp là do nguyên nhân nó được hình thành và tồn tại trải qua nhiều thế hệ dựa trên niềm tin cố hữu và sự truyền lại không chọn lọc. Được xem như là một hình thức văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của một cộng đồng xã hội sẽ phản ảnh ít nhiều về lối sống, hành vi, thái độ ứng xử giao tiếp, v.v… của con người trong cộng đồng ấy. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập một số hình thức tín ngưỡng đã ‘pha tạp’ vào truyền thống Phật giáo và mạo muội đề xuất những giải pháp nhằm hạn chế sự pha tạp ấy.

Có thể nói rằng không có một tôn giáo nào tồn tại mà không ít nhiều bị ảnh hưởng bởi văn hóa hay tín ngưỡng bản địa. Phật giáo xuất phát từ một nguồn gốc xứ Ấn Độ nhưng khi được truyền sang các xứ khác thì Phật giáo trở thành Phật giáo của xứ sở ấy như Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Thái Lan, v.v... Do vậy, tuy cùng theo Phật giáo nhưng ở mỗi quốc gia nét sinh hoạt và sự hành trì Phật giáo có những đặc trưng riêng. Nét riêng ấy một mặt phản ảnh tính tùy duyên của Phật giáo và mặt khác là sự ảnh hưởng của phong tục, tập quán đối với Phật giáo.

Phật giáo nếu được thừa nhận du nhập vào Việt Nam trước tiên từ Ấn Độ thì hình thức sinh hoạt Phật giáo lúc ấy chắc hẳn là giống truyền thống Nguyên Thủy. Tuy nhiên, hình thức sinh hoạt ấy không tìm thấy trong Phật giáo Việt Nam (trước đây và ở miền Bắc hiện nay) mà thay bằng hình thức sinh hoạt ‘tùy duyên’ hay Phật giáo đại thừa được truyền vào từ Trung Hoa. Bằng chứng cụ thể này cho thấy mặc dù Phật giáo Việt Nam được truyền vào từ hai hướng khác nhau nhưng sự ảnh hưởng văn hóa do chính sách đô hộ của Trung Hoa đã biến Phật giáo Việt Nam thành một bản sao của Phật giáo Trung Hoa suốt một thời gian khá dài.

Chúng ta biết rằng ngay trong nội bộ Phật giáo Trung Hoa đã tồn tại rất nhiều loại hình tu tập, hành trì khác nhau được biết qua tôn chỉ ‘pháp môn’ hay ‘dòng thiền’. Điều đó cho thấy Phật giáo luôn ‘tùy duyên’ và nó luôn phụ thuộc vào những vị xiển dương và hành trì nó. Về ngoại tại, Phật giáo được xem là truyền thống ngoại lai so với hai truyền thống Nho giáo và Lão giáo vốn xuất phát ngay trên đất Trung Hoa. Một lần nữa, để thích nghi và tồn tại trên một xứ sở vốn nặng tín ngưỡng bản địa, Phật giáo bắt buộc phải hòa vào dòng văn hóa mới và chịu ảnh hưởng nhất định bởi những hình thức sinh hoạt ấy. Kết quả là về nội dung hay bản chất thì Phật giáo vẫn trung thành với lời Phật dạy nhưng hình thức sinh hoạt thì có thể nói hoàn toàn khác với nguyên thủy của nó. Do vậy, bên cạnh những mặt tích cực của sự thích nghi và phương tiện như lễ nghi, cúng bái…để hoằng pháp có hiệu quả, có rất nhiều thứ tín ngưỡng tồn tại làm giảm giá trị Phật giáo thậm chí biến Phật giáo thành mê tín.

Phật giáo Việt Nam có một thời mang bản sắc riêng nhưng nhìn chung và cuối cùng cũng vẫn là bản sao của Phật giáo Trung Hoa. Những tồn tại của Phật giáo Trung Hoa như thế nào thì Phật giáo Việt Nam hầu như cũng thế ấy. Điều đáng nói là Nho giáo và Lão giáo du nhập từ Trung Hoa nhưng bén rễ rất sâu vào mảnh đất Việt Nam và nghiễm nhiên được người Việt thừa nhận như là truyền thống vốn có của mình. Cho nên, trải qua bao thế kỷ nỗ lực chấn hưng Phật giáo và giảm thiểu những yếu tố mang tính mê tín dị đoan, Phật giáo Việt Nam vẫn chưa thể đạt được kết quả như ý muốn. Đặc biệt thời gian gần đây, Phật giáo Việt Nam có những bước tiến đáng kể về canh tân và giảng dạy giáo lý nhưng sự nặng nề về hình thức tín ngưỡng vẫn còn tồn tại và phổ biến trong Phật giáo. Trong số những vấn đề tồn tại đó, có thể kể đến một số hình thức nổi bậc như cúng sao giải hạn; xin xăm, bói quẻ, xem ngày giờ; đốt vàng mã…

Chúng ta phải thừa nhận rằng nhu cầu tín ngưỡng của người dân là có thật; nhu cầu tham gia các loại hình sinh hoạt tín ngưỡng như trên là rất mạnh và dường như không thể thiếu. Trong bối cảnh quần chúng có nhu cầu như thế, các nhà cung cấp không thể không đáp ứng nhu cầu vì sẽ không làm đạo được nhưng đáp ứng như thế nào và hình thức ra sao thì cần phải suy ngẫm để thực thi có hiệu quả.

Phật giáo không chủ trương cầu nguyện van xin nhưng cũng không phản đối việc cầu nguyện nếu như nó được thực hành bằng những nghi thức cầu nguyện thích hợp và đúng cách. Bởi vì cầu nguyện đúng cách cũng chính là một thể thức hành trì Phật pháp và không hề mang tính mê tín dị đoan.

Hình thức cúng sao giải hạn

Cúng sao giải hạn là hình thức tín ngưỡng không có trong truyền thống Phật giáo nhưng nó lại tồn tại trong Phật giáo Việt Nam cho đến ngày nay. Vào thời điểm đầu năm, tất cả mọi người đều cầu mong bình an và những điều tốt đẹp cho gia đình suốt cả năm bằng những hình thức thể hiện khác nhau. Phật giáo hướng dẫn tín đồ bằng các nghi thức cầu an tụng kinh, chúc phúc, làm các điều thiện và tránh các điều ác để có thể hưởng quả tốt. Trong khi đó, tín ngưỡng cúng sao giải hạn xuất phát từ Lão giáo cũng đồng thời tồn tại và rất hấp dẫn quần chúng bằng lối giải thích huyền bí thông qua 9 sao, 8 hạn. Không biết từ lúc nào, tập tục này trở thành tín ngưỡng của người Việt và rồi xâm nhập thẳng vào Phật giáo, trở thành một nghi thức cúng bái trong Phật giáo vào dịp đầu năm.

Trải qua nhiều thế kỷ phục vụ tín ngưỡng quần chúng, Phật giáo có những lúc bị lãng quên vai trò truyền bá Phật pháp bằng con đường giảng dạy và sống theo giáo pháp của đức Phật, thay vào đó bị lạm dụng như là phương tiện để mưu sinh. Đành rằng nhu cầu tín ngưỡng cúng bái của quần chúng rất cao nhưng không phải họ không có nhu cầu học và hành chánh pháp. Vả lại, sự lựa chọn cung ứng nhu cầu của đa số quần chúng bằng những nghi thức đơn giản nhưng có hiệu quả về kinh tài thì không dễ mấy ai từ chối để chọn lối cung ứng số ít, khó nhai. Hơn nữa, trong một cộng đồng Phật giáo mà hầu như tăng ni đều dùng phương tiện cúng sao giải hạn để phục vụ cho Phật tử và tín đồ của mình thì hiếm thấy ai tự giác từ bỏ nó. Và dù cho thiểu số phát tâm từ bỏ đi theo con đường chánh pháp thì việc làm của họ cũng ví như một con én có thể gợi cho người ta nhớ mùa xuân nhưng không thể làm nên mùa xuân thật sự.

Vậy thì, giải pháp để làm cho sinh hoạt tín ngưỡng tốt hơn không phải triệt tiêu mà là thay thế; không phải cấm Cầu (vì không thể cấm quần chúng) mà là điều chỉnh Cung (tức các chùa, tăng ni); không phải Tự giác mà là bắt phải Tự giác.

Theo cách làm hiện nay, trước và sau Tết, các chùa lo ghi danh, chấm sao hạn rồi chờ đến ngày tuyên đọc những danh sách ấy. Khi nghe tên mình và thành viên trong gia đình được quý tăng ni tuyên đọc trước chư Phật, tín đồ cảm thấy vui, an tâm và bớt lo lắng nhất là với những người bị phán là gặp sao hạn xấu cùng với những lời giải thích gây hoang mang. Niềm tin như thế dù đúng hay sai vẫn là niềm tin có thật của tín đồ và xét cho cùng nó cũng chẳng có gì là tiêu cực trừ phi bị lợi dụng bởi những người không chân chánh. Tuy nhiên, cách làm như vậy chỉ có thể thỏa mãn nhu cầu quần chúng và thu hút nhiều tín đồ nhưng chưa thực hiện được mục tiêu chính của Phật giáo là giáo hóa. Nói cách khác, cách làm ấy chỉ có thể giải quyết phần ngọn còn phần gốc thì chưa chạm đến.

Để có thể vừa đáp ứng nhu cầu quần chúng vừa vẫn giữ truyền thống Phật giáo không bị ảnh hưởng bởi mê tín dị đoan, các nghi thức cầu an Phật giáo phải được thiết lập để thay thế. Giáo hội hay chí ít Phật giáo các vùng miền nên soạn ra các mẫu sớ cầu an. Khi phát hành các lá sớ này, tín đồ chỉ việc theo hướng dẫn điền tên tuổi và ngay cả tên sao, hạn nếu muốn vào khoảng trống. Sau đó, những lá sớ này sẽ được đem đến đăng ký với nhà chùa để chọn ngày tham dự lễ cầu an tập thể.

Về phần nhà chùa, sau khi phục vụ dân chúng vui chơi ba ngày Tết, các chùa nên thống nhất đồng chọn ngày mồng 4 để khai đàn cầu an ‘Dược sư’ hay đàn cầu an tương ứng tùy theo vùng miền và trì tụng liên tục cho đến hết ngày rằm tháng giêng. Bắt đầu từ ngày khai đàn cho đến ngày hoàn mãn, các chùa sắp xếp danh sách cầu an đầu năm cho Phật tử, tín đồ sao cho số lượng tham dự thích hợp nhằm tránh hiện tượng quá tải như đã xảy ra.

Thay vì chư tăng ni dành thời gian tuyên đọc danh sách cầu an, các vị tăng ni nên hướng Phật tử, tín đồ cùng nhau tụng một thời kinh cầu an như đã sắp xếp. Cuối thời kinh và trước khi hồi hướng, chư tăng ni dành 5 phút để chú nguyện và cầu cho quốc thái dân an, cũng như cầu cho gia đình các tín chủ tham dự được bình an, điều xấu ra đi, điều lành tấn tới.

Trong lúc ấy, tất cả những tín chủ tham dự cũng nhất tâm hướng về tam bảo và đọc thầm tên các thành viên trong gia đình hay những điều mình mong ước, cầu nguyện. Cách làm này thể hiện được sự đồng tâm cầu nguyện của tất cả những người tham dự trong buổi lễ và ắt hẳn hiệu quả sẽ rất thiết thực hơn nhiều. Nó cũng hạn chế tình trạng ‘khoán trắng’ cho tăng ni trong khi người xin cầu an thì không tham dự và thậm chí không hề biết lễ cầu an cử hành khi nào. Riêng các lá sớ thì được đặt vào một cái khay để trước bàn Phật và sẽ được đốt sau thời cầu an.

Cùng với với việc tụng kinh cầu nguyện, các chùa có thể tổ chức phát hành các loại đèn nến để Phật tử, tín đồ phát tâm cúng dường tam bảo. Đèn là biểu trưng của trí tuệ. Khi tất cả mọi người đều cùng thắp lên những ngọn nến trí tuệ thì bóng tối sẽ tan đi, cái ác dần dần tiêu mất và điều thiện, tốt đẹp chắc chắn hiện đến mọi người. Sự bình an của một cộng đồng bao giờ cũng vượt hơn cá nhân và dĩ nhiên là điều mà xã hội mong muốn.

Vấn đề đặt ra là giải pháp trên không thể trở thành hiện thực nếu chỉ là sự kêu gọi tự giác từ chư tăng ni và Phật tử, tín đồ. Một sự cải cách mang tính sống còn cho đời sống các chùa nên không thể giải quyết bằng tự giác mà nhất thiết cần phải có sự điều phối của cơ quan lãnh đạo, ở đây là Giáo hội Phật giáo. Chỉ có Giáo hội mới có đủ thẩm quyền ra các văn bản hướng dẫn phương thức hành trì, cách thức thức tổ chức nghi lễ đồng bộ và chỉ có Giáo hội mới có thẩm quyền chế tài các trường hợp tự phát. Một việc làm chấn chỉnh lại sinh hoạt Phật giáo lành mạnh hơn, hiệu quả hơn và đem lại ổn định, an lạc hơn cho xã hội thì ắt hẳn nhà nước không thể không ủng hộ. Khi nhà nước ủng hộ thì việc truyền tải thông tin hướng dẫn qua các phương tiện truyền thông sẽ rất thuận lợi và hiệu quả có thể suy đoán được.

Không có sự cải cách nào mà không gặp khó khăn bước đầu nhưng kết quả thiết thực của nó có thể tồn tại lâu dài. Việc thay đổi hoàn toàn một truyền thống lâu đời như các tôn giáo nhất thần đã làm tại Việt Nam còn thành công huống gì đây chỉ là sự điều chỉnh phương cách hành trì cho tốt hơn. Một đề xuất có thể gây phản ứng trong quần chúng tín ngưỡng nhưng chắc chắn Phật tử sẽ ủng hộ. Nếu Phật tử đã ủng hộ thì chắc chắn sẽ chuyển hóa được những tín đồ còn lại.

Hình thức xin xăm, bói quẻ, coi ngày

Xin xăm, bói quẻ, coi ngày cũng không phải của Phật giáo nhưng lại được các chùa sử dụng nhiều nhất. Lý do là quần chúng tin tưởng vào chư tăng - những người có thể giúp họ giải quyết những khó khăn trong đời sống tâm linh, lễ nghi phép tắc. Trong khi không ai có đủ thẩm quyền (tu chứng) để có thể chỉ ra sự vô ích của nó thì nó vẫn tồn tại để đáp ứng một bộ phận quần chúng. Do việc cấm cản là không thích hợp nên giải pháp duy nhất vẫn chỉ là giáo dục và trông mong vào sự chân chánh của các vị tăng ni. Nói cách khác là tăng ni – những người được đào tạo và bổ nhiệm Phật sự nên vận dụng nó như là phương tiện để độ sanh thay vì chỉ để mưu sanh.

Hình thức đốt vàng mã

Hiện tượng đốt vàng mã cũng không phải của Phật giáo nhưng lại tồn tại trong các chùa. Gần đây nhà nước đã ‘bậc đèn xanh’ cho Phật giáo dứt điểm phong tục này. Đó là, nhà nước đã cấm đốt vàng mã nơi công cộng mà chỉ cho đốt ở tại nhà. Nhân đây, Phật giáo cũng nên tận dụng cơ hội hướng dẫn tín đồ chấm dứt hình thức này và nếu họ chưa quen thì thuyết phục họ đem về nhà đốt. Thiết nghĩ, nhà nước đã thành công trong việc cấm sản xuất và đốt pháo thì việc cấm sản xuất vàng mã là điều có thể thực hiện được. Khi ấy, Phật giáo không cần làm gì thì tình trạng này vẫn không còn tồn tại.

Ai cũng thừa nhận rằng con người gồm có lý trí và tình cảm và hai yếu tố ấy không phải lúc nào cũng đi song song. Những người học Phật ai cũng đều hiểu rằng Phật giáo đang tồn tại trong xã hội loài người, dù đó là hình thức Phật giáo Nam tông, Đại thừa, hay Kim cang thừa đều không phải là Phật giáo thuần túy mà là Phật giáo đã pha trộn chất tín ngưỡng. Việc đòi hỏi có một Phật giáo thuần túy chỉ là lý thuyết suông và nó không thể tồn tại trong hiện thực khách quan. Vấn đề mỗi chúng ta có thể đóng góp cho Phật giáo là điều chỉnh phương thức hành trì như thế nào để hạn chế yếu tố mê tín và lành mạnh yếu tố chánh tín. Như trên đã trình bày, nếu các giải pháp được Giáo hội áp dụng sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho vị thế Phật giáo vì Phật giáo đã biến tháng giêng thành dịp lễ hội tu tập cộng đồng một cách thiết thực và lành mạnh. Đó cũng chính là cách cầu an thực tế và hiệu quả nhất.