Monday, October 21, 2013

SỰ KHÁC NHAU GIỮA PHẬT GIÁO VÀ ĐẠO NHẤT THẦN

Tâm Diệu biên soạn
Có người cho rằng “đạo nào cũng là đạo”. Câu nói này thoạt nghe qua có vẻ hợp lý và là một ý tưởng hấp dẫn.  Nếu hiểu theo một cách đơn giản, trong phạm trù luân lý đạo đức là đạo nào cũng dạy con người làm lành tránh dữ, thì câu này rất hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta cần phải suy xét và nhận định lại quan niệm đó qua lăng kính tôn giáo.
Trước hết có thể nói ngay rằng câu “đạo nào cũng là đạo” hay “đạo nào cũng tốt” chỉ là một câu nói xã giao thông thường hoặc để làm vừa lòng khách, vui lòng bạn hay có thể do sự thiếu thông tin về sự khác biệt giữa các tôn giáo.  Trong phạm vi bài này người viết thu gọn về sự khác biệt căn bản giữa hai tôn giáo lớn có đông đảo tín đồ tại Việt Nam là Kitô Giáo [01] và Phật Giáo để giúp cho những người đang đứng ở giữa ngã ba đường tầm Đạo với ấn tượng đạo nào cũng tốt để nhận thấy con đường nào phải lựa chọn. Việc chọn lựa là quyền của mỗi người. Dĩ nhiên mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Người viết chỉ xin chúng ta suy nghĩ đến sự thật.
Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta cần ghi nhận rằng, Phật Giáo là một tôn giáo hoàn toàn khác biệt với các tôn giáo khác trên thế giới về mặt tư tưởng triết học.  Phật Giáo không chấp nhận giả thuyết có một vị Trời hay một vị Thượng Đế sáng tạo, không có giáo điều, không có một linh hồn bất tử vĩnh hằng, và không có một đấng quyền năng sáng tạo nào ngự trị trong cái gọi là định mệnh hay số mệnh của mỗi con người. Vì thế, điểm then chốt trong việc phân biệt giữa Phật giáo với các truyền thống tín ngưỡng lớn trên thế giới là vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo? Đối với Phật giáo, ý niệm về một “nguyên nhân đầu tiên” không hề được đặt ra để lý giải do bởi ý niệm về tánh không và duyên khởi.
Điểm khác biệt căn bản đầu tiên giữa hai đạo là Niềm TinTôn Giáo:
Đối với Kitô Giáo, Đức Tin là cốt lõi của đạo. Nếu không tin thì không thể trở thành một Kitô hữu được. Không tin thì không thể thực hành những gì mà đạo Kitô đòi hỏi được.  Đức Tin được ghi trong bản Kinh Tin Kính của các Tông Đồ (Apostle's Creed) thường gọi tắt là Kinh Tin Kính. “Tôi tin kính Thiên Chúa, là Cha toàn năng, là Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. [02]
Đối với Phật Giáo, vị sáng lập tôn giáo này – Đức Phật Thích Ca – khuyên những người muốn theo Ngài chớ có tin một điều gì chỉ vì điều đó đã được một bậc đạo sư của mình nói ra, được phát xuất từ nơi có uy quyền, được kinh điển truyền tụng hay theo truyền thống từ xưa để lại; mà phải dùng lý trí và sự thông minh của mình để cứu xét và chỉ chấp nhận điều gì khi đã trải nghiệm được hạnh phúc an lạc. Ngài nói rằng Ta không dạy ai đến để tin, nhưng đến để thấy và thực hành”. Điều này đã khuyến khích những người muốn đi theo Ngài hãy nghiên cứu kỹ càng những lời dạy của Ngài và để cho họ tự do quyết định là có nên chấp nhận những điều chỉ dạy đó không. Ngài không bảo ai đến và chấp nhận tôn giáo này nếu họ chưa hiểu những lời dạy của Ngài.[Kinh Kalama] [03].
Nói gọn lại Kitô Giáo là tôn giáo của “đức tin” (faith) và Phật Giáo là tôn giáo của “lý trí” (trí tuệ). [4]
Điểm khác biệt thứ hai giữa Kitô Giáo và Phật Giáo là quan niệm về giải thoát
Đối với Kitô Giáo, thì sự giải thoát là sự "giải thoát khỏi tội lỗi qua một Đấng Cứu Rỗi". Giáo lý giải thoát này được đặt trên căn bản một số tín điều mà các tín hữu Kitô Giáo phải tin, và đức tin này là tuyệt đối, bất khả tranh cãi, bất khả luận bàn. Vì thế muốn được giải thoát, tín hữu Kitô Giáo phải tin vào nhiều tín điều được ghi trong Kinh Tin Kính của các Tông đồ (Apostle’s Creed).  Chúa Giê-xu là nền tảng, là Tác giả và là Đấng duy nhất có quyền ban cho sự Cứu Rỗi (Rôma 3:24, 25; 5:21; Công Vụ 4:12; Hêbơrơ 12:2). Những ai không tin nhận Chúa Giê-xu sẽ không được tha thứ tội lỗi và sẽ chịu phạt nơi hoả ngục.
Đối với Phật Giáo, đạo Phật cho rằng cuộc đời này là giả tạm và chúng sinh cứ phải sống trong đau khổ vì lòng tham dục vô bờ bến, khiến con người tự mình trói buộc với những xung đột và khổ đau do không bao giờ thoả mãn, nên phải luân hồi triền miên trong vòng sinh tử.  Do đó nếu muốn, con người có thểtự mình giải thoát khỏi khổ đau, sinh tử luân hồi bằng các nỗ lực tu tập bản thân: làm lành, tránh ác và tự thanh tịnh hoá tâm ý.Bốn chân lý nền tảng của Phật giáo (Tứ Diệu Đế) cho rằng mọi khổ đau của chúng sinh đều có một hay nhiều nguyên nhân gây nên, chúng có thể bị giải trừ và có con đường để giải trừ khổ đau đó. Con đường đó chính là con đường giải thoát, là Bát Chánh Đạo trong giáo lý căn bản của nhà Phật. Giáo lý này được qui thành ba môn học: Giới, Định và Tuệ. Thực hành Giới và Định là đưa tới trí Tuệ, là giải thoát khỏi sự mê muội, lòng ích kỷ và khổ đau, là đạt tới cảnh giới Niết Bàn.
Đó là nét đại cương sự khác biệt giữa giải thoát trong Phật Giáo và trong Kitô Giáo. Cái căn bản khác biệt này là, một bên là tha lực tức nhờ sự cứu rỗi, bên kia là tự lực, tự mình thắp đưốc lên mà đi.  Với Phật Giáo, triết lý của đạo này là một triết lý sống, bởi vì nó là một chân lý giải thoát mà chỉ có ai thực hành nó mới đạt được nó, hiểu được nó trọn vẹn, người Phật tử phải tự mình tu tập để tiến tới giải thoát.  Chính Đức Phật dạy, "Không ai có thể cứu vớt chúng ta bằng chính bản thân chúng ta”.  Đức Phật chỉ là người dẫn đường. Ngài chỉ dạy cho chúng ta con đường tạo ra nguyên nhân và hậu quả. Số phận của chúng ta nằm trong tay chúng ta, không phải trong tay của Trời/Thượng Đế cũng không phải trong tay của Đức Phật. Với Kitô Giáo, vì là một tôn giáo cứu rỗi, con người chỉ cần đặt tất cả vào một niềm tin duy nhất ở một đấng siêu nhiên để mong cầu được giải thoát cho mình: "Thiên Chúa quá thương yêu thế gian đến nỗi ban con duy nhất (sic) của Ngài, để những ai tin vào Người sẽ không bị luận phạt, nhưng được sống đời đời." (Crossing The Threshold of Hope, trang 76),
Điểm khác biệt thứ ba giữa hai đạo là thuyết Sáng Tạo:
Kitô giáo tin có một Thiên Chúa duy nhất, và là Đấng Tạo Hóa toàn năng, đã dựng nên và điều khiển toàn thể vũ trụ hữu hình và vô hình.  Cuốn Genesis (Sách Sáng Thế), một trong những kinh Thánh Cựu Ước viết rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ và muôn vật và loài người trong 7 ngày.  Vì thế tín hữu Ki Tô giáo tin rằng mọi thứ trên đời đều có một nguyên nhân, từ đó, cứ truy tầm lên mãi sẽ phải có một nguyên nhân đầu tiên, và Chúa Trời của họ chính là nguyên nhân đầu tiên đó.
Đối với Phật Giáo, tất cả mọi sự mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp mà hiển hiện, biến đổi vô thường. Thế giới này, về bản chất, chỉ là một dòng biến ảo vô thường, không do một Đấng toàn năng nào sáng tạo. Sở dĩ vũ trụ vạn vật biến hóa vô thường chính là do vạn vật trong vũ trụ chịu sự chi phối của luật nhân quả. Cái nhân nhờ có duyên mà trở thành quả, quả lại là nhân mới, nhờ có duyên trợ giúp mà trở thành quả mới… Cứ như vậy, vạn vật trong thế giới cứ sinh hóa biến hiện không ngừng theo quá trình thành, trụ, hoại, không.
Điểm khác biệt thứ tư giữa hai đạo là vị sáng lập ra tôn giáo.
Đối với Kitô Giáo, Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa toàn năng, đã sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài.
Đối với Phật Giáo, Đức Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử có thật, có một tiểu sử rõ ràng được cả thế giới công nhận. Ngài đã thực sự sống trên thế giới này, Ngài không tự xưng mình hay các đệ tử của Ngài tôn xưng Ngài là đấng toàn năng, đấng tạo hóa hay là Thượng Đế v.v.  Ngài là người đã giác ngộ hoàn toàn và triệt để (toàn giác), là vị Đạo sư đã tự mình tìm ra được con đường giải thoát ngang qua kinh nghiệm bản thân, không có ai truyền dạy cho Ngài, không có ai ban phép cho Ngài, không phải do thần khởi, cũng không phải là hiện thân hay hóa thân của một đấng thần linh nào. Ngài là một người như mọi người khác, nhưng chính nhờ nỗ lực tu tập cá nhân, Ngài đã tìm ra được con đường giải thoát.  Sau khi giác ngộ, Ngài đã giảng dạy giáo pháp cho mọi người, nếu ai có nhân duyên thực hành giáo pháp, kể từ vua quan cho đến thứ dân, kẻ khốn cùng đều được giác ngộ như Ngài.  Cho nên Ngài đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.”  Ngài là người hướng đạo, chỉ dẫn đường lối cho những ai muốn tu tập, Ngài không thể tu tập thay cho chúng sinh mà con người phải tự mình tu tập mới giải thoát được khỏi khổ đau phiền não do tham sân si trói buộc, mới ra khỏi sinh tử luân hồi được.  Cho nên Ngài đã nói: “Các người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.  Ngài khuyên hãy nên nương tựa vào chính mình và đi theo con đường giải thoát bằng nỗ lực của chính bản thân mình.
Nói tóm lại, điểm then chốt trong việc phân biệt giữa Phật giáo với Kitô Giáo nói riêng, các truyền thống tín ngưỡng lớn khác trên thế giới nói chung là vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo? Đối với Phật giáo, tất cả mọi sự mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp (duyên sinh), do đó không hề có một Đấng Sáng Tạo. Ngoài ra, với Kitô Giáo, Thiên Chúa chính là Chân Lý, là hơi thở, là con đường giải thoát, bất cứ ai đến với Ngài, tin nơi Ngài sẽ được cứu rỗi. Với Phật Giáo, Đức Phật Thích Ca là bậc Đạo Sư đã tìm ra con đường giải thoát, hướng dẫn những ai muốn giải thoát khỏi đau khổ trầm luân, hãy đi theo con đường mà Ngài đã kinh qua. Ngài chỉ là người dẫn đường, còn người đi theo phải tự mình làm chủ, tự mình tu tập để đi đến giải thoát chứ không nương nhờ ở bất cứ đấng Thần quyền nào để được giải thoát.
Tâm Diệu
[01] Kitô giáo bao gồm nhiều truyền thống tôn giáo với các dị biệt văn hóa cũng như hàng ngàn xác tíngiáo phái khác nhau. Trải qua hai thiên niên kỷ, Kitô giáo tự hình thành nên ba nhánh chính: Công giáo Roma, Chính Thống giáo Đông phươngKháng Cách (Protestantism). Tính chung, đây là tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 2,1 tỉ tín hữu (chiếm khoảng 34% dân số thế giới). (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
[02] Kinh Tin Kính các Tông Đồ, cũng gọi là Biểu Tín các Tông Đồ, là kinh Tin Kính xưa nhất, có từ thế kỷ thứ II. Bản này tổng hợp các công thức đã có trước đó. Từ thế kỷ thứ VI, bản này có hình thức như ngày nay. Đây là bản tuyên xưng những tín điều chính yếu nhất khi chịu phép Rửa.
[3] Kinh Kalama (trong Kinh Tăng Chi Bộ III.65)
[4] Theo định nghĩa trong tự điển thì Faith hay Đức Tin là "sự tin chắc vào một cái gì đó mà không chứng minh được cái đó có thực" (Firm belief  in something for which there is no proof.)   Định nghĩa của Reason hay Lý Trí trong tự điển là "khả năng có những tư tưởng hợp lý, suy lý, hoặc phân biệt" (The capacity of rational thought, inference, or discrimination) hay "suy xét đúng, phán đoán hợp lý" (good judgment, sound sense).   Theo những định nghĩa trên thì hiển nhiên là Đức Tin Ki-Tô Giáo và Lý Trí của Phật Giáo là hai từ có nghĩa loại trừ hỗ tương (mutual exclusive), có cái này thì không có cái kia.  Thật vậy, khi chúng ta dùng lý trí để xác định và chấp nhận một điều gì thì chúng ta không cần đến đức tin, và khi chúng ta tin vào điều gì mà không cần biết, không cần hiểu, thì lý trí trở nên thừa thãi.

Wednesday, October 9, 2013

Hai quyến rũ lớn trong lịch sử tư tưởng Phật giáo

Trong lịch sử phát triển tư tưởng của Phật giáo luôn luôn có hai khuynh hướng hay hai quyến rũ (temptation) rất lớn theo nhu cầu của đại đa số quần chúng. Nhu yếu đầu là:
Tôn giáo hóa đạo Bụt
Ban đầu đạo Bụt không hẳn là một tôn giáo mà là một nghệ thuật sống, một công phu thực tập giải thoát bằng trí tuệ. Người ta phải căn cứ rất nhiều vào sức mạnh của cá nhân, của tự lực, cũng như khi đói thì phải tự mình ăn, người khác ăn giùm mình không được. Đó là tinh thần của Phật giáo Nguyên thỉ: Phải sử dụng thân, phải sử dụng hơi thở của mình để tự chuyển hóa và giải thoát.
Nhưng đó là công việc của một thiểu số, còn đa số chỉ muốn có một đức tin, một tha lực. Người ta có nhu yếu muốn biến Phật giáo thành ra một tôn giáo, một sự thực tập tín ngưỡng (practice of devotion) gọi là bhakti. Con đường trí tuệ là một con đường và con đường đức tin là một con đường khác. Đức tin cũng đem lại cho chúng ta an ủi rất lớn. Chúng ta không tự tin nơi mình nhưng tin vào một tha lực, tha lực đó trong trường hợp của Phật giáo là Bụt.
Đại Chúng Bộ (Mahāsanghika) đi tiên phong trên đường này, đã phát triển ra một Phật thân quan (佛 身 觀) làm đối tượng cho sự tín ngưỡng của con người. Phật thân quan tức là quan niệm về thân Bụt. Hầu hết tất cả các phật tử đều có nhu yếu hướng về một vị Bụt như thế, một vị Bụt pháp thân còn mãi, còn hoài, không mong manh, không sinh diệt như hóa thân Bụt.  Người ta không bằng lòng với một vị Bụt sắc thân, một con người sinh ra ở thành Ca tỳ la vệ, tu học, tới năm 35 tuổi thành đạo rồi tịch năm 80 tuổi. Đó là khuynh hướng đi về tôn giáo. Theo Đại Chúng Bộ, 5 uẩn, 12 xứ và 18 giới của Bụt thuộc về xuất thế gian (lokottara), không phải là thế gian (loka). Cái đó sau này được gọi là pháp thân (dharmakāya).
Đó là khuynh hướng cung cấp một đối tượng cho sự thờ phụng, một tín ngưỡng mà chúng ta gọi là The Living Buddha tức Bụt ngàn đời. Đây là công trình của Đại Chúng Bộ. Bên cạnh các từ pháp thân và hóa thân, sau này Pháp tướng học thêm vào một thân nữa làbáo thân.
Trong kinh nguyên thỉ cũng có nói tới pháp thân nhưng chữ pháp thân trong kinh Nguyên thỉ có nghĩa khác. Khi Bụt tới thăm thầy Vakkali, Ngài hỏi thầy:
-       Thầy Vakkali ơi, thầy có tiếc nuối gì không?
-       Con không tiếc nuối gì cả. Con chỉ tiếc một chuyện là con bệnh quá nên không đi nghe pháp thoại của đức Thế Tôn trên núi Thứu để được chiêm ngưỡng dung nhan của Ngài.
Bụt nói:
-       Hình hài này không quan trọng! Nhục thân của tôi không quan trọng! Thầy đã có pháp thân của tôi rồi thì tại sao thầy lại còn nuối tiếc như vậy? Pháp thân mới là cái quan trọng!
Danh từ pháp thân (dharma teaching) đã có từ thời Phật giáo Nguyên thủy, và có nghĩa là toàn bộ giáo lý của đức Thế Tôn. Sau này chữ pháp thân có ý nghĩa thực chất hơn. Ví dụ bông hoa này cũng là một phần của pháp thân tại vì sự biểu hiện của nó là một bài pháp về vô thường, vô ngã và tương tức. Điều đó rất hay, rất thi ca. Đó là một sản phẩm của Đại thừa.
“Nụ hoa nào, hạt sỏi nào, ngọn lá nào cũng thuyết Pháp Hoa kinh"
(thơ Nhất Hạnh)
Cái hay là, các nhà Đại thừa, trong khi xiển dương và phát triển giáo lý của Đại thừa đã không bóp méo giáo lý của Tiểu thừa. Họ chỉ chê Tiểu thừa là chỉ thấy được một phần của sự thật. Cái thấy của Tiểu thừa đúng nhưng không đủ. Người Đại thừa nhìn bằng con mắt của một vị Bồ tát và thấy giáo lý của Bụt vĩ đại hơn nhiều. Các nhà Đại thừa không cố tình bóp méo tư tưởng của Tiểu thừa. Họ chỉ nói: “Các anh chỉ mới thấy được chừng đó thôi. Đúng nhưng còn thiếu sót vô cùng!" Nếu nhớ câu đó thì chúng ta thấy Đại thừa là sự tiếp nối của Tiểu thừa.
Từ Đại Chúng Bộ trở về sau chúng ta thấy khuynh hướng muốn làm thỏa mãn nhu yếu thờ phụng và kính ngưỡng rất rõ ràng. Thực tập thờ phụng và kính ngưỡng thì mình thấy trong lòng mình khỏe ra, nhẹ ra, tại vì mình có một đối tượng để bám víu vào. Chúng ta không thể nào không bị cuốn theo khuynh hướng đó. Nhưng nếu bị cuốn theo nhiều quá thì chúng ta sẽ bỏ mất sự thực tập. Chúng ta trao hết thân mạng mình, hạnh phúc của mình, sự giải thoát của mình cho một lực lượng linh thiêng. Chúng ta không còn có sự cố gắng cá nhân.
Cơ đốc giáo có giáo lý như thế: Những cố gắng của con người không đi đến đâu. Nếu Thượng đế không ra tay cứu giúp thì đừng hòng (the teaching of justification by faith only). Chỉ có đức tin mới chở mình qua bên kia được còn những cố gắng cá nhân thì cũng không đi đến đâu. Đó hoàn toàn tín ngưỡng, là bhakti (devotion).
Tinh thần của Phật giáo Nguyên thỉ không phải vậy. Có lần Bụt nói:
-      Khi đứng bên này bờ sông thì mình đừng cầu nguyện “bờ bên kia ơi, qua đây cho tôi bước lên”. Mình phải làm bè rồi ngồi lên mà bơi qua sông.
Đức Thế tôn đã nói rõ như vậy. Đó là tinh thần của Phật giáo Nguyên thỉ. Trong khi đó, nhu yếu của quần chúng đẩy các thầy và các vị truyền giáo sáng tạo ra một đối tượng của sự thờ cúng, sự tín ngưỡng. Đó là một quyến rũ lớn nhất trong lịch sử tư tưởng Phật giáo. Nhiều khi chúng ta đã đi quá đà đến nỗi ta hoàn toàn không trông cậy vào tự lực, ta chỉ trông cậy vào tha lực mà thôi. Điều đó không đúng với bản hoài của đức Thế Tôn. Tuy Bụt - Pháp - Tăng đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tu học của mình nhưng Bụt - Pháp - Tăng cũng biểu hiện trong ta và ta phải có tự lực mới được. Chúng ta hãy nhìn lại xem trong nước ta, trong chùa ta, sự thực tập căn cứ trên tự lực có được mấy phần và căn cứ trên tha lực có được bao nhiêu phần? Với cái thấy đó chúng ta có thể cải biến sự thực tập về Tịnh độ. Sự thực tập Tịnh độ cũng có thể là sự thực tập tự lực tại vì niệm Bụt cũng là sự thực tập chánh niệm. Niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới đều là Phật giáo Nguyên thỉ. Niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới để có thể đem tịnh độ, an lạc và hạnh phúc ngay bây giờ. Đó là giáo lý Nguyên thỉ. Niệm Bụt để chán bỏ giây phút hiện tại, để treo hy vọng vào một nơi khác trong tương lai, điều đó không phù hợp với giáo lý Nguyên thỉ. Nếu chúng ta thực tập tịnh độ với nhận thức rằng niệm Bụt để đem lại niệm - định - tuệ, để mở mắt cho chúng ta thấy hạnh phúc, an lạc và tịnh độ đang có mặt trong giây phút hiện tại, thì tịnh độ này vẫn phù hợp với giáo lý Nguyên thỉ. Nếu ta chán ghét cõi đời hiện tại, mong đi qua cõi Tịnh độ trong tương lai thì đó là cầu mong tương lai, là đi ngược lại với bản hoài của đức Thế Tôn.
Trong lịch sử tư tưởng trên 2500 năm của Phật giáo, chúng ta thấy khuynh hướng đi về phía tín ngưỡng rất mạnh, có thể là khó có thể chống lại được tại vì quần chúng ở ngoài đời đòi hỏi như vậy. Nếu buông xuôi hoàn toàn thì chúng ta sẽ mất đi cái gốc rễ quí nhất của đạo Bụt là sự thực tập căn cứ trên những cố gắng của bản thân mình.
Thiết lập một cái ngã thường còn
Chúng ta cũng có nhu yếu thiết lập ra một cái gì đó thường còn mà mình có thể nắm giữ được. Nếu tất cả đều vô thường, đều sinh diệt trong từng giây phút như trong Phật giáo Nguyên thỉ nói thì chúng ta khó mà nắm bắt được. Những người có căn cơ, có thể nắm được giáo lý sát na diệt rất ít. Sự quyến rũ thứ hai rất mạnh: đó là muốn đi tìm một thực thể nào đó nằm ở dưới mọi chuyển biến, nó bảo đảm cho một sự liên tục để mình có thể nắm lấy.
Trước hết, Độc Tử Bộ đưa ra cái gọi là thắng nghĩa Bổ đặc già la. Nếu không có cái ngã thường còn và liên tục thì làm sao giải thích được nhân quả, nghiệp báo, tu chứng? Đó là sự hấp dẫn rất lớn. Cố gắng đầu tiên của Độc Tử Bộ là lập ra thắng nghĩa Bổ đặc già lavà muốn cho đừng trái chống với giáo lý của đức Thế Tôn thì chủ trương rằng cái pudgala (person) ở đây không phải là cái ngã trong kinh Vệ đà của Ấn độ giáo. Nó là thắng nghĩa, là bất khả tư nghì, là không thể quan niệm được.
Đại Chúng Bộ sản xuất ra Căn bản thức 根 本 識 (mula-vijñāna), Hữu Bộ có Tế ý thức 細 意 識, Thượng Tọa Bộ sáng tạo ra Hữu phần thức 有 分 識 (bhavānga). Trong Pháp tướng duy thức học nó là A lại da thức (Alaya-vijñāna), trong Tam luận là giáo lý Không 空 (sunyata), là Chân như 眞 如 (suchness), rồi tới Phật tính 佛 姓, Pháp thân 法 身 và Như lai tạng 如 來 藏. Tất cả đều là sự tìm kiếm để thiết lập ra một cái gì thường còn nằm ở chiều sâu bên dưới hiện tượng để người ta bám vào. Dù nói tới pháp thân hay phật tính hay như lai tạng hay chân như v.v.. thì người ta vẫn cho rằng cái ấy thường còn nhưng không xa lìa, không phải là cái gì ở ngoài những phiền não và những sinh diệt biến dị. Họ tìm cách để chứng minh rằng giáo lý đó vẫn trung kiên với giáo lý vô thường và vô ngã của đức Thế Tôn. Nếu chúng ta không khéo thì những quan niệm về như lai tạng, về phật tính, về chân như, về không, v.v… có thể được nhận thức như một cái ngã. Điều kỵ nhất trong Phật giáo Nguyên thỉ là cái ngã.
Kinh luận về Duy thức có nói: Thức A nà đa rất tế nhị, rất sâu sắc. Các chủng tử trong ấy trôi như một dòng nước dốc. Đối với những căn cơ tầm thường tức phàm phu thì tôi (Bụt) không muốn nói cho họ nghe vì sợ những người đó nắm lấy và chấp đó là ngã. Ngay cả Duy thức học cũng thấy nguy hiểm khi đưa ra A lại da thức, sợ người ta nắm lấy nó và chấp đó là một cái ngã.
Khuynh hướng đi tìm và nắm lấy một cái ngã là khuynh hướng rất phổ cập. Trong khi đó giáo lý căn bản của đức Thế Tôn là vô ngã. Người ta có nhu yếu phải thiết lập một cái gì đó để làm nền tảng cho nhân quả, cho nghiệp báo, cho sự chứng ngộ. Nhưng làm công việc này rất nguy hiểm. Nếu không khéo ta sẽ đi ngược lại bản hoài của đức Thế Tôn. Trong suốt lịch sử 2500 năm của Phật giáo đã có sự vật lộn và tranh đấu như thế, và có khi người ta đã đưa đạo Bụt gần tới cái gọi là thần giáo.
Trong Mật tông có quan niệm Đại Nhật Như Lai (Vairochana). Đại Nhật Như Lai trở thành gần như một vị Thượng đế. Thế giới này là sự biểu hiện của Đại Nhật Như Lai. Đó là một hình thức của thần giáo. Nó có thể đánh mất đi những nét đặc thù của Phật giáo. Đạo Phật không phải là một thần giáo.
Tại sao trong thời của đức Thế Tôn, Ngài không cần hai nhu yếu trên mà vẫn tu chứng được? Tại sao sau đó người ta lại cần đến chúng? Đó là những công án lớn mà chúng ta phải tìm cách trả lời. Hồi thời đức Thế Tôn, Ngài không có chủ ý lập ra những chủ thuyết. Ngài giảng dạy và đưa ra những phương pháp thực tập rất đơn giản và rõ ràng. Nhưng sau này càng ngày giáo lý của Ngài càng mang tính hình nhi thượng học. Người ta đã lập ra những thuyết này, thuyết kia để chứng minh cái này, cái nọ, chứng minh nhân quả rồi chứng minh luân hồi, v.v… Đó như là một sự thật tất yếu. Nếu chúng ta không thấy, không nắm được điều này thì chúng ta không mở được đường cho tương lai và sẽ đi vào dấu chân sai lầm của những người đi trước.
Bụt không phải là một vị thần linh. Bụt chỉ là một vị đạo sư và chúng ta có niềm tin nơi Ngài, nơi trí tuệ và khả năng của Ngài. Chúng ta không thờ cúng Ngài như một thần linh. Đức Thế Tôn trước hết là một con người bằng da, bằng thịt, bằng năm uẩn như chúng ta. Vì có tuệ giác cao, có từ bi lớn nên người đã trở thành một vị đạo sư. Chúng ta thương mến, cung kính bậc thầy đó của chúng ta.
Sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, vì người ta không còn một đối tượng cụ thể để cung kính cho nên mới sinh ra khuynh hướng thần thánh hóa con người của Thích Ca Mâu Ni. Đạo Phật trở thành ra một tôn giáo và yếu tố tôn giáo đã đi vào đạo Phật rất nhiều. Chúng ta phải công nhận cái sự thật là đạo Phật đã trở thành một tôn giáo.
Tôn kính và thờ phụng một đấng giáo chủ có quyền năng có thể làm êm dịu những khổ đau của con người. Nó có thể cung cấp cho con người một nơi nương tựa, nhưng nó không phải là điểm quan trọng nhất trong đạo Bụt. Điểm quan trọng nhất trong đạo Bụt là những giáo lý, những pháp môn giúp cho chúng ta chuyển hóa và giải thoát. Trên quá trình hành đạo, chúng ta cũng có thể phát triển khía cạnh đức tin, tôn giáo. Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng đó không phải là phần chủ chốt nhất của đạo Bụt. Phần chủ chốt nhất của đạo Bụt là phần tu tập để chuyển hóa, trị liệu thân và tâm của mình.
Đại Chúng Bộ là bộ phái đầu tiên đưa Bụt lên địa vị một vị siêu nhân để kính ngưỡng và thờ phụng. Theo Đại Chúng Bộ, đức Thế Tôn không còn là một con người nữa, đức Thế Tôn là một hiện tượng xuất thế gian. Tất cả những gì thuộc về Ngài đều không nằm trong phạm vi của thế gian (mundane) mà nằm trong phạm vi xuất thế gian (supramundane). Có sự phân biệt giữa thế gian và xuất thế gian. Đức Thế Tôn trở thành ra Bụt ngàn đời (the living Buddha) làm đối tượng kính ngưỡng, nương tựa của biết bao nhiêu thế hệ. Trong những năm sau Niết Bàn, giáo đoàn của Bụt, trong đó có các nghệ sĩ, đã rất cẩn thận, không dám tạc tượng của Ngài. Họ chỉ tạc ra cây bồ đề và chỗ ngồi của Bụt. Mãi cho đến mấy trăm năm sau người ta mới bắt đầu tạc tượng Bụt. Nếu quán chiếu thì chúng ta thấy có nhiều lý do:
-       Dù có tài ba cách mấy thì chúng ta cũng không thể nào diễn tả được cái đẹp của Bụt là đại bi và đại trí.
-      Lý do thứ hai sâu sắc hơn, nếu đi tìm Bụt qua hình sắc, âm thanh thì chúng ta có thể đi lạc. Có một cái nhìn vô tướng về đức Thế Tôn thì mình mới có thể tiếp xúc được thật sự với Ngài.
Ngoài ra còn có những lý do khác nữa. Có những bộ phái khác phát xuất từ Đại Chúng Bộ như Thuyết Xuất Thế Bộ (Lokottaravāda) đã đưa tư tưởng này đi rất xa. Tới đây chúng ta có một quan niệm về một vị Bụt hoàn toàn xuất thế và điều này có thể tạo ra sự chia cách giữa chúng ta và Bụt. Bụt thuộc về một thế giới khác mà chúng ta, những người trong thế gian, không với tới được. Vì vậy xảy ra hiện tượng là chúng ta càng ngày càng xa Bụt. Có sự kính ngưỡng, có sự nương tựa, nhưng Bụt là Bụt, còn ta là ta. Đọc kỹ cuốn “Đường xưa mây trắng”, quý vị sẽ thấy đây là một cố gắng lấp lại hố ngăn cách để giúp chúng ta thấy được Bụt trước hết là một con người. Trong “Đường xưa mây trắng”, Bụt hiện ra như một con người. Chúng ta cảm thấy gần gũi Bụt hơn, Bụt không còn là một thần linh. Nếu cuốn “Đường xưa mây trắng” có chút công đức nào chính là nhờ điểm đó: Đưa Bụt xuống đất ngồi chung với chúng ta. Chúng ta không còn mặc cảm. Bụt là người, Bụt làm được như vậy thì ta cũng làm được như vậy.
Đại Chúng Bộ cũng như Thuyết Xuất Thế Bộ đóng góp nhiều cho sự thành lập thuyết ba thân sau này. Theo Đại Chúng Bộ, sắc thân của Bụt chỉ là một hóa thân. Hóa thân của Bụt rất nhiều, nhiều hằng hà sa số. Thích Ca Mâu Ni chẳng qua chỉ là một hóa thân thôi, không phải là thân quan trọng nhất. Đối tượng của sự kính ngưỡng của Đại Chúng Bộ được dời tới một nơi khác, đó là pháp thân. Đó là sự đóng góp của Đại Chúng Bộ cho sự phát triển tư tưởng về tam thân. Theo Thượng Tọa Bộ, Thích Ca Mâu Ni là Bụt, là thầy, là đối tượng của sự cung kính. Sau này Pháp Tướng Tông đưa ra giáo lý về tam thân, ngoài hóa thân, pháp thân chúng ta còn có báo thân.
Đại Chúng Bộ chiếm đa số trong tăng đoàn. Trong tăng đoàn Nguyên thủy có sự phân biệt giữa La hán và không La hán, giữa hữu học và vô học. Hữu học là những người còn phải thực tập và học hỏi. Vô học là những người đã thông rồi, không cần phải thực tập và học hỏi nữa. Đại Chúng Bộ chủ trương, không phân biệt hữu học và vô học, không phân biệt giữa La hán và không La hán. Căn cứ trên tiêu chuẩn nào mà ta cho thầy này là La hán còn thầy kia chưa phải là La hán, thầy đó là vô học còn thầy kia còn là hữu học? Đó là chủ trương căn bản của Đại Chúng Bộ. Đôi khi cũng có La hán giả, có vô học giả, vì vậy không phải là Đại Chúng Bộ không có lý của họ.
Trong số những tông phái lưu xuất từ Đại Chúng Bộ có một tông phái gọi là Đa Văn Bộ (Bahuśrutīya). Đa văn có nghĩa là học hỏi rất nhiều. Bộ phái này chủ trương nương tựa vào trí tuệ và lý luận, cho rằng: Luận tạng quan trọng hơn Kinh tạng và Luật tạng. Nếu chúng ta giải thoát được là nhờ vào sự thông minh và lý luận sắc bén của mình hơn là nhờ vào sự giữ giới hay việc đọc tụng kinh nhiều. Vì vậy nên họ có tên là đa văn. Đa Văn Bộ xuất hiện hơi chậm, có khuynh hướng tổng hợp các tư tưởng Tiểu thừa với tư tưởng Đại thừa. Đa Văn Bộ cũng chủ trương như thầy Harivarman trong tác phẩm Thành Thật Luận (Satyasiddhiśāstra). Trong tác phẩm này thầy Ha lê bạt ma chủ trương: Ngã đã không rồi mà pháp cũng là không. Đó là do ảnh hưởng của Đại thừa. Đa Văn Bộ đã mở vòng tay ra ôm lấy chủ trương của Thành Thật Luận. Có thể nói, Đa Văn Bộ là một trong những bộ phái có khuynh hướng tiếp nhận Đại thừa.
Ngày xưa trong Phật học viện, sau khi học xong Câu Xá Luận (Abhidharmakośa-śāstra) thì học tăng phải học Thành Thật Luận. Câu Xá Luận là của Hữu Bộ, chủ trương: Ngã không, pháp hữu. Trong khi đó thầy Harivarman chủ trương: Ngã không, pháp không.
Đứng về phương diện Thượng Tọa Bộ (Sthavira) chúng ta thấy có một bộ phái lưu xuất từ Thượng Tọa Bộ rất sớm là Chánh Lượng Bộ (Sammitīya). Từ Chánh Lượng Bộ phát sinh ra Độc Tử Bộ (Vātsīputrīya).
Độc Tử Bộ chủ trương phải có một cái gì liên tục mới có thể giải thích được nghiệp báo và sự chứng ngộ. Nếu tất cả các pháp sinh diệt không ngừng thì làm gì có một chủ thể để tiếp tục tu học, để chứng ngộ, để gây ra nghiệp và thọ lãnh nghiệp? Đó là quyến rũ thứ hai trong lịch sử tư tưởng Phật giáo. Nếu không có con người thì ai tu, ai chứng, ai tạo nghiệp và ai thọ ứng nghiệp đó? Đây là yếu tố hấp dẫn thứ hai, đóng một vai trò rất lớn trong sự thúc đẩy chế tác ra những giáo lý, những lý thuyết mới trong đạo Bụt.
Hàng chục thế kỷ sau hai nhu yếu trên vẫn còn và còn cho tới ngày hôm nay. Tiếng súng thần công đầu tiên nổ ra để nêu lên sự đòi hỏi đó là do Chánh Lượng Bộ và Độc Tử Bộ.
Trong khi đó Bụt nói rất rõ: “Không có một chủ thể nào cả! Không có ngã! Bờ bên kia, chúng ta không thể bảo nó đi qua bên này cho mình bước lên mà mình phải tự bơi qua.” Nếu tu học mà để hai quyến rũ này kéo đi hoàn toàn thì chúng ta sẽ đánh mất đạo Bụt Nguyên thỉ, một bảo vật quí giá của đức Thế Tôn. Nếu hành đạo mà quá chiều theo hai nhu yếu đó, nhu yếu tín ngưỡng và nhu yếu có một chủ thể thường còn, thì tuy chúng ta giúp được nhiều người nhưng chúng ta có thể đánh mất cái quí giá nhất của đạo Bụt.
Tới khoảng 200 năm sau Niết Bàn có một sự phân phái thứ hai thành ra Hữu Bộ (Sarvāstivāda) và Thượng Tọa Bộ có một tên mới là Phân Biệt Thuyết Bộ (Vibhajyavāda). Sự phân phái này xảy ra vào thế kỷ thứ ba trước Thiên chúa giáng sinh. Lúc đó vua A Dục (Asoka) đã thống nhất toàn cõi Ấn Độ. Theo truyền thống Nam tông còn tồn tại ở Tích Lan thì vua A Dục có vẻ thích Phân Biệt Thuyết Bộ và nghĩ Hữu Bộ hơi đi lạc ra ngoài. Hữu Bộ vì vậy đã tìm cách di cư lên miền Bắc và đóng đô ở Kashmir. Sau đó có thêm hai trung tâm nữa ở Gandhara và Mathura.
Hữu Bộ trở thành một tông phái nổi tiếng vào bậc nhất nhờ lý thuyết: Tam thế thật hữu, pháp thể hằng hữu. Ảnh hưởng của Hữu Bộ về tới tận trung tâm Patna, tức cái nôi của Phật giáo.
Lúc đầu đạo Bụt chỉ có một vòng đai ở trung Ấn. Chính nhờ vua A Dục mà đạo Bụt đi xuống miền Nam và đi lên miền Bắc. Vua A dục có người con trai đầu tên Mahindra. Mahindra xuất gia và nguyện đem đạo Bụt về đảo Tích Lan. Một nhánh của Phân Biệt Thuyết Bộ đi về Tích Lan và trở thành Đồng Diệp Bộ (Tamrasātiya), Đồng Diệp Bộ là phái Theravāda bây giờ. Các vị khất sĩ của Theravāda mặc áo màu hỏa hoàng tức màu đồng đỏ. Lâu lâu họ cũng tự xưng là phái Phân Biệt Thuyết Bộ.
Phân Biệt Thuyết Bộ là Thượng Tọa Bộ, Hữu Bộ cũng là Thượng Tọa Bộ, Đồng Diệp Bộ cũng là Thượng Tọa Bộ. Nhưng sau đó Thượng Tọa Bộ có tên khác là Hóa Địa Bộ (Mahīsasāka). Người chủ trương Hóa Địa Bộ là một ông vua bỏ hết giang sơn để xuất gia nhưng còn uy tín rất lớn nên đã đem đạo Bụt làm đẹp cho đất đai. Gọi là Hóa Địa nghĩa là hóa độ được địa phương của mình.
Phân Biệt Thuyết Bộ truyền tới Tích Lan. Tích Lan là một hòn đảo, không bị ảnh hưởng nhiều của các tông phái khác nên còn giữ lại tính cách của Thượng Tọa Bộ nhiều hơn là Hóa Địa Bộ. Hóa Địa Bộ cũng từ Phân Biệt Thuyết Bộ đi xuống nhưng bị ảnh hưởng của Đại thừa và của các tông phái khác. Trong khi đó thì Đồng Diệp Bộ tuy cùng một gốc với Hóa Địa Bộ nhưng còn giữ được tính Nguyên thỉ của Thượng Tọa Bộ ngày xưa.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Nguồn: Làng Mai

Thursday, October 3, 2013

Nội ngữ!!!

Đi đâu thì nói "đi mô"
"O nớ" ám chỉ "Cái Cô" chung trường
"Ốt dột" khi tui nói thương
... Có nghĩa "mắc cỡ" má vương nụ hồng.

"Khôn" là đồng nghĩa với không
Chẳng muốn lấy chồng, "khôn muốn lấy dôn"
"Đoản hậu" là "Ác" en ni
Tui đã ... im lặng cứ đi theo hoài

Nhà tui còn khoảng đường dài
Có chi noái nấy, ngày mai hết rồi
Trên cao thì nói "trên côi"
"Đi rượng" là lúc sóng đôi như chừ

"Phủ phê" là lúc thặng dư
Như là tình cảm "đã nư", no đầy
"Như ri" có nghĩa như vầy
Mô Tê Răng Rứa, em quây ... mòng mòng.
"Ở nể" đồng nghĩa ở không
Trai hông lí dzợ., không chồng "ế dôn"
Ngu ngu thì nói ""khôn khun"
Dại dại mô tả "đù đù" mặt ra

Còn trẻ thì nói chưa "tra"
Tới tuổi già già khú đế là "ôn"
Có cô thiếu nữ lấy "dôn"
Lấy được ông chồng thăng chức "mụ o"

"Răng chừ" đồng nghĩa ""khi mô"
"Khi mô" có nghĩa khi nào đó thôi
"Khi mô" có cặp có đôi
"Răng chừ" hết cảnh tuổi đời bơ vơ

Đơn côi "cái trốt" dật dờ
Là ôm đầu bạc ""cà ngơ" một mình
Lặng yên thì nói "mần thinh".
Để nghe len lén duyên tình giăng tơ.

"Mua lửa" thì thật phải lo
Vì là mua chịu ai cho "lửa" hoa`i
"Mắc lửa" là thiếu nợ dài
"Lửa" chi không thiếu, chẳng phai "lửa tình"

"Sáng mơi" là lúc bình minh
Của ngày kế tiếp, nong tình đem phơi
"Bữa tê" em hẹn lại chơi
Quên bẵng cái việc em mời bữa kia

"Bữa tề" mang lịch ra chia
"Bữa tể" là trước bữa kia hai ngày
"Bữa ni" là bữa hôm nay
Là lúc đương nói hàng hai đây nì

"Mần chi" ai hỏi làm chi
Em muốn làm gi`, "răng hoải mần chi?"
Thế này thì nói "ri nì"
"Rứa tề", thế đó mần chi đây hè?

Cái cây thì noái cái "que"
Còn ở trước hè lại nói cái "cươi"
Cái "ôn" bản mặt tươi tươi
Ưa đi tán bậy là người "vô duyên"

Lấy chồng răng gọi mụ o ?
Anh trai lấy vợ, mình thành mụ o
mụ o hiền hậu khỏi lo
mụ o nhiều chuyện là mụ o "dọn" mồm

Tối qua thi` noa'i "khi hôm"
Hoàng hôn : "Chạng vạng, nghe run qua' trời
Sớm mơi mang "chủi xuốt cươi"
Sài Gòn nghe thấy thì cười bò lăn

Lỡ ưng rồi, biết mần răng !
Cái giọng trọ trẹ.....cũng muốn ăn chung một nồi
Con gái chưa noái đã cười
Bị người ta noái là người vô duyên


Sưu tập

Tuesday, October 1, 2013

Lạy và lễ lạy


Hậu duệ của danh sĩ Hồ Tông Thốc gốc người xứ Nghệ là Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương (1622 - 1681), hiệu Thọ Mai, lập nghiệp ở làng Hải Thượng, tỉnh Hải Dương, ngụ ở huyện Thọ Xương. Ông làm quan đến chức Tham tụng kiêm Thượng thư Bộ Công, sung Tổng tài Quốc Sử quán. Với ý thức độc lập dân tộc, ông đã vận dụng kinh điển phương Đông soạn sách Thọ Mai Gia Lễ phù hợp với truyền thống và phong tục Việt Nam.Gia lễ thì có nhiều nhưng cốt lõi là 4 lễ chính: Hôn, Quan, Tang, Tế. Tế tức là những nghi thức tế tự, thờ cúng tổ tiên. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết sách Thanh Thuận Gia Lễ, nhưng chỉ nói về TangTế, không đề cập đến Hôn là lễ cưới hỏi và Quan là lễ đội mũ (do chữ quan có nghĩa là cái mũ) khi con trai đến tuổi trưởng thành. Có thể nói trong các lễ nghi cổ truyền không có lạy thì không thành lễ vì dân tộc ta rất tôn trọng lễ giáo
Nhớ cha ông đã sống hồn rất thực,
Sống bện mình vào thớ đất quê hương.
                                                       (Huy Cận)
Nội dung bài viết chỉ trình bày hai hiện tượng: Lạy và Lễ lạy liên quan mật thiết đến việc thờ cúng tổ tiên mà từ lâu đời mặc nhiên coi như phù hợp với bất cứ tín ngưỡng nào. Chết không phải là hết vì dân tộc ta xem “sự tử như sự sinh”, bao giờ cũng “kỉnh như tại” đối với người thân đã khuất bóng.
I. LẠY
Trong dân gian còn truyền tụng nhiều câu ca dao đầy ý nghĩa:
Lạy Trời, lạy Phật, lạy Vua
Để tôi sức khỏe tranh đua giữa đời.
Hoặc:
Cùng nhau giao bái một nhà
Lễ là đủ lễ, đôi đà xứng đôi.
                                     (Truyện Kiều)
Chữ “lạy” đi liền với “bái”, với “tạ”, với “khấn”, với “quỳ”, với “vái”:
Chấp tay vái lạy con sào,
Sông sâu chẳng biết, thấp cao chẳng từng.
Chữ Hán viết “bái” () dịch nôm là “lạy”. Theo Từ điển Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị của Lê Ngọc Trụ thì chữ “lạy” được chuyển hóa từ chữ “Lễ” (). “Nghe lời sửa áo cài trâm/ Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghĩa trùng” (Truyện Kiều). Thì ra, người Việt giàu suy tưởng có lễ có lạy, phải lạy mới thành lễ như đã luận giải ở phần vào bài. Thông thường, chữ “lạy” viết bằng chữ Nôm theo cách hội ý gồm chữ “lễ” () và chữ “bái” ().
Lại nữa, lạy vừa là danh từ vừa là động từ - Là danh từ khi hiểu nghĩa “theo văn cảnh” chỉ trỏ sự lạy hoặc việc lạy; khi hiểu nghĩa là động tác thể hiện lòng cung kính mang ý nghĩa hoặc sắc màu thiêng liêng. Thực hiện nghĩa cử “lạy” thì người lạy phải chân thành, có niềm tin trong sáng và chính đáng - Sách Gia Lễ do các tác giả gồm Cử nhân Hán học Bùi Tấn Niên và Nguyễn Hữu Duệ, Lý Thái Anh xuất bản năm 1972, thì “bái là lạy” theo lối phủ phục toàn thân. Đó là một tiểu tiết trong tục tế lễ thần thánh, tế tổ tiên. Lẽ tất nhiên trong động thái này có việc quỳ gối mà chữ Hán viết là “quỵ”. Khi xướng âm người đọc nghe mơ màng như “quỳ”.
Không thể hiện lòng nhân, nghĩa tín thành trong tế lễ thì dù mâm cao cổ đầy chỉ là cách phô trương hình thức bên ngoài mà thôi. Minh triết dân gian dạy rõ:
Trứng rồng lại nở ra rồng,
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.
Có cha sinh mới ra ta,
Làm nên thời bởi mẹ cha vun trồng.
Khôn ngoan nhờ ấm cha ông,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.
Đạo làm con chớ có hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm.
Sách Luận Lý Giáo Khoa Thư dành cho lớp Sơ đẳng (lớp 3 ngày nay) do Nha Học chính Đông Pháp ấn hành lần thứ 5 năm 1931 tại Hà Nội, có bài dạy “Thờ phụng Tổ tiên”, với bài tiểu dẫn “Lòng nhớ tổ tiên”, nguyên văn như sau:
Đời vua Minh Mạng, có một người ở Bắc kỳ đổ cử nhân, được bổ vào làm Hành tẩu trong kinh. Nhưng vì nhà nghèo và không quen biết ai, cho nên mãi không được thăng bổ chức khác. Người ấy làm hành tẩu đến mười lăm, mười sáu năm trời, lương bổng không đủ ăn, mà muốn về cũng không được. Tình cảnh tuy khổ sở như thế, mà đến ngày giỗ ông, giỗ cha cũng cố dành được ít tiền, mua hương hoa bày lên cúng lễ.
Một hôm, gặp ngày giỗ cha, người ấy soạn đồ cúng xong, ngồi ngâm thơ mà khóc. Chợt khi vua vi hành đi qua đến cửa, nghe thấy than khóc, mới vào hỏi:
- “Sao mà thầy than khóc thế?”
Người ấy nói rằng: “Hôm nay là ngày giỗ cha tôi. Tôi học hành đã đỗ lên được, mà bao nhiêu lâu nay, không làm nên gì cho vẻ vang đến ông cha, thậm chí đến ngày giỗ cha, cũng không có gì mà cúng, cho nên tôi nghĩ mà tủi thân, ngâm mấy câu thơ cho giải phiền.
- Vua nói: Tôi là người làm việc ở trong Nội, có được thân các cụ Thượng, vậy thầy có muốn gì, tôi có thể giúp cho thầy được.
- Người kia nói: Tôi chỉ muốn Triều đình cho tôi trở về quê hương để kiếm nghề làm ăn mà phụng thờ tổ tiên”.
Vài hôm sau, người ấy quả nhiên nhận được giấy trong Bộ cho về quê quán. Về đến nhà, lại liên tiếp được sắc nhà vua bổ đi làm quan to.
Ấy cũng vì người ấy có lòng hiếu nghĩa mà cảm động được lòng vua và được hiển vinh.
II. PHÉP TẮC VÀ SỐ LẦN LẠY TÙY THEO LỄ
Tục ngữ có câu nói: “Thờ thì dễ, giữ lễ thời khó”. Trong khi hành lễ nếu biết rõ được ý nghĩa linh thiêng của từng lễ, từng tiểu tiết nghi thức thì ý vị biết dường nào và thấm thía lòng dạ biết bao. Người xưa đã ví von người không biết lạy bái đúng cách thì khác nào như con cóc lạy trời vậy. Nói “xưa bày nay làm” là câu đưa đẩy thể hiện sự tù mù làm giảm đi ý nghĩa thiêng liêng. Cách lạy vừa là mặc ước vừa là quy định theo lễ, theo tình huống mà ứng xử sao cho phải lẽ.
a. Lạy 2 lạy:
Trong tang ma, khách đến lễ khi linh cữu còn quàn tại nhà thì chỉ lạy 2 lạy theo lễ đối với người sống. Nếu chôn cất xong rồi, mới lạy 4 lạy trước bàn thờ hoặc nấm mồ còn thơm mùi đất mới.
Tang chủ đáp lễ thì khách lạy 2 lạy mình lạy 1 lạy; khách lạy 4 lạy, mình lạy 2 lạy.
Trong cưới hỏi, ở lễ hợp cẩn, người vợ trải chiếu, lạy chồng 2 lạy người chồng đáp lại bằng cách vái 1 vái.
Nói cho dễ hiểu theo lối rút gọn: lạy người sống 2 lạy, lạy người chết chưa chôn cũng 2 lạy (vì linh cữu còn quàn ở dương thế), khi chôn quan tài dưới đất xong thì mới lạy 4 lạy.
b. Lạy 3 lạy:
Mỗi làng đều có chùa, thậm chí mỗi thôn cũng có chùa, thành thử nhiều làng có đến ba hoặc bốn chùa. Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt, hoặc lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng.
Lạy Phật 3 lạy như lạy tiên thánh, thành hoàng. Con gái lạy cha 3 lạy và 1 quỳ trước giờ lên xe hoa về nhà chống:
Lạy cha ba lạy một quỳ,
Lạy mẹ bốn lạy, con đi lấy chồng.
Lý giải cho việc lạy 3 lạy nói trên, người xưa vận dụng số 3 như một pháp số. 3 biểu tượng cho Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng); Tam cương (quân, sư, phụ hoặc đạo vua-tôi, cha-con, vợ-chồng). Phải giữ cho các giềng mối vững vàng và bền vững như thế đứng của đỉnh đồng 3 chân. Đó cũng là thế chân vạc như núc kiềng nấu bếp 3 chân vậy. Sách Thiền Tông chỉ nam của vua Trần Thái Tông với lời tựa như sau:
“Tiên Thánh và Đại Sư không khác gì nhau. Coi đó là biết đạo giáo của Phật tổ, còn phải mượn sức Tiên Thánh mới truyền bá được với đời”. (Ngô Tất Tố dịch)
c. Lạy 4 lạy:
Ơn cha nghĩa mẹ nặng sâu dày. Gặp thời không có Phật thì cha mẹ là Phật. Trước khi đi lấy chồng, trước giờ theo họ trai rước dâu, con gái lạy cha 3 lạy thêm 1 quỳ và lạy mẹ 4 lạy với ý nghĩa mong cho con giữ trọn đạo làm dâu nhà chồng, theo phép tam tòng tứ đức.
Trong nghi tiết lễ tế, người xướng đến 34 động thái, còn gọi là tiểu tiết. Lời xướng thứ 8: Tham thần cúc cùng bái có nghĩa là lạy 4 lạy theo nhịp xướng; lời thứ 12: Phủ phục, hưng bái có nghĩa là chủ tế khấu đầu, lạy 2 lạy; lời thứ 32: Hành tạ  lễ cúc cùng bái thì chủ tế và bồi tế lễ tạ 4 lạy…
d. Lạy 5 lạy:
Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Xã hội đất nước thái bình. Trên hòa dưới thuận, trên thuận dưới hòa là hợp lẽ với lý thái hòa. Vua ngự điện Kính Thiên dưới triều Hậu Lê, Vua Nguyễn ngự điện Thái Hòa ở Phú Xuân, quan văn từ tứ phẩm và quan võ tam phẩm trở lên đều lạy vua 5 lạy. Theo Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú, phần Lễ Nghi Chí đã viết “lạy vua 5 lạy 3 vái”. Dễ dàng tìm thấy ở nhiều trang. Cụ thể ở “Nghi thức ban chiếu khi vua lên ngôi”, có lời dịch như sau: “Rước ngự giá ra, quan phủng bảo bưng quốc bảo, các tướng sĩ hộ vệ theo hầu đúng như nghi thức, rước đến sân điện Kính Thiên… Rước ngự giá ra đến bệ ngai. Quan phủng bảo đặt quốc bảo trên án…Thông tán xướng: “Cúc cùng bái, hưng (5 lạy 3 vái), bình thân”.
Về “Nghi thức kim sách tấn tôn cho Thái phi” được dịch: “… Hoàng thượng ngự đội mũ xung thiên, mặc áo bào vàng, đai ngọc ngự ra. Các viên chấp sự vâng triệu đến trước làm lễ 5 lạy 3 vái, rồi lui ra đứng chỗ cũ, ai giữ việc nấy…”.
III. LỄ LẠY Ở QUỐC CÔNG TỪ
Từ là miếu thờ thần. Sống làm tướng chết trở thành thần. Còn có nghĩa là nhà thờ tổ tiên, nhà thờ họ tộc. Quan văn có phẩm hàm cao cũng gọi là tướng công chớ không đợi gì đến quan võ. Đền Đức Quốc Công thờ Thái bảo Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng và Quốc Thái phu nhân tức thân sinh và thân mẫu của Chương Hoàng hậu; tức Đức Bà Từ Dũ húy là Phạm Thị Hằng (Nga). Đền ở thôn Vạn Xuân, làng Phú Xuân, huyện Hương Trà (nay thuộc phường Kim Long, thành phố Huế), được xây dựng năm Tự Đức thứ 2 (1849).
Trong khuôn viên thoáng rộng của đền thờ, ở tay phải nhìn từ trong ra ngoài mặt tiền đường Kim Long, có dựng đền thờ Phạm Tộc lấy tên là Tích Thiện Đường ( ). Ẩn ý của bức hoành phi khắc sơn son thếp vàng ấy được treo ở gian giữa đền thờ ngày trước có nguồn từ tứ tự thành ngữ “Tích thiện phùng thiện”, có nghĩa làm nhiều điều lành, lâu ngày tích chứa lại thì sẽ được gặp điều lành. Đó là tích đức - nghĩa thu gọn của 4 chữ Tu Nhân Tích Đức.
Nhân gian nói: Tu nhân tích đức cho con cháu ngày mai. Không có ai trong thiên hạ đều “giàu ba họ khó ba đời” cả:
Người trồng cây hạnh mà chơi
Ta trồng cây đức để đời cho con.
Chữ “Hạnh” () trong thuật ngữ “cây hạnh” đồng âm với chữ “hạnh” trong tiếng đôi “hạnh phúc” mà người Pháp dịch là bonheur. Người nước ngoài cũng dịch chữ hạnh hoặc chữ phúc trong thuật ngữ “hạnh phúc” là bonheur.
Thiết nghĩ, trong “hạnh” đã có phúc, trong phúc đã có “hạnh”.
Uyên áo thay tiền nhân đã xếp đặt 3 chữ đúc “Tích Thiện Đường” khiến cho người đời sau xây dựng nhà thờ tổ tiên, thậm chí tư gia đã chọn chữ nghĩa như khuôn vàng thước ngọc mà đặt tên cho nhà thờ họ tộc hay làm thành hoành phi để đi chúc mừng lạc thành hoặc khánh thành nhà mới.
Ngày nay con hư, gái cũng như trai, một phần là do ông bà, cha mẹ không quan tâm nhiều đến việc giáo dục con cháu non dại, hoa mắt trước vẻ hào nhoáng của văn minh vật chất, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa rặc màu duy lý. Cho nên tuổi trẻ dễ sa vào vòng vong thân dễ dàng trở thành vong bản vì “giấy rách không giữ lấy lề”.
Vong thân vì thiếu lễ, không biết lễ do học lễ như học vẹt, vì “thiếu hành”. Lời người xưa còn vang vọng đọng lại ca dao như gia huấn ca:
Dạy con từ thuở tiểu sinh
Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi.
Học cho cách vật trí tri,
Văn chương chữ nghĩa nghề gì cũng thông.
Ngày Tết, ngày giỗ chạp mà con cháu không lo sửa soạn bàn thờ, mua sắm hương hoa vật phẩm; lạy tổ tiên, cha mẹ, anh em sớm khuất bóng là thiếu lễ, là bất hiếu.
Ngày xưa, Tết đến sau lưng, ông vãi thì mừng, con cháu thì lo. Ngày giỗ mà con cháu, dâu rễ không đến hay đến cho có lệ mà không biết lạy là đắc tội với tiên linh.
Ngày 30 anh không đi Tết,
Sáng mồng một chẳng đoái bàn thờ
Hiếu trung chi nữa mà đợi với chờ uổng công.
Vì những lo ngại con cháu giòng tộc Phạm Đăng và đồng hương ở làng Nam Trung gốc Nam Bộ ra kinh đô lập nghiệp, xa quê hương đất tổ cho nên Đức Bà Từ Dũ và các vị bô lão trong họ tộc đã thiết lập Tích Thiện Đường ngay ở phía bên hữu đền thờ Quốc Công và ai nấy đều đồng thuận như một khoán ước bất thành văn là đặt ra Lễ Lạy vào ngày Tết và ngày giỗ chạp để cho con cháu nội ngoại giòng tộc Phạm Đăng đến lễ bái Tổ tiên.
Tuyệt nhiên, giòng tộc Phạm Đăng là thế gia vọng tộc, nếu con cháu muốn cậy quyền cậy thế xin xỏ điều gì có lợi do lòng tham thì đều bị khước từ và lại bị khiển trách không những cá nhân ấy mà ngay cả cha mẹ liên đới chịu tội “không biết giáo hóa tử đệ”, coi thường phép nước: Pháp bất vị thân. Ngay cả việc dân gốc Nam Bộ, huyện Gò Công xin đất để lập làng Nam Trung. Đức Bà Từ Dũ đề nghị cấp đất ở vùng sâu vùng xa nguyên đất hoang hóa ở xa kinh thành chớ không có gì ưu tiên để con cháu tự lực cánh sinh, tuyệt nhiên không có máu cậy quyền cậy thế theo lối “một người làm quan, cả họ được nhờ”. “Đất có lề, quê có thói” là thế ấy. Lẽ tất nhiên trong hàng con cháu có người chưa thuần thành thì đã được các bậc trưởng thành uốn nắn ngay từ móng niệm nẩy sinh trong trứng nước.
Lễ đứng hàng đầu trong ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín xét về mặt giáo huấn và nghi thức. Lễ dạy cho tuổi trẻ thành người có nhân cách, sống có bản lĩnh biết sai-đúng, trái-phải, trên-dưới, thiện-ác… Giữ lễ thì khó khác nào giữ gìn con ngươi của đôi mắt Con Người vậy.
Xin đừng xem việc lạy là chuyện nhỏ và bình thường rồi cho qua một cách hồn nhiên trong việc giáo hóa con cháu trong gia đình và giòng tộc.
Năm Rồng hiện điềm Rồng. Con Rồng cháu Tiên biết giữ lễ làm điểm tựa để điều chỉnh thế đứng mà vươn cao bay xa xứng đáng với lời chúc phúc “Thiên hạ thái bình” đồng nghĩa với “Hạnh phúc như ý” đầu Xuân mới năm Nhâm Thìn, 2012. 
Tác giả Lê Quang Thái