Sunday, June 27, 2010

Phật giáo và tiếp biến văn hóa

Nói về Phật giáo, có lẽ không thể phủ nhận rằng đó là nguồn tư liệu đồ sộ nhất và có thể ứng dụng nhiều nhất trong thời đại ngày nay. Phật giáo ban đầu không phải là tôn giáo vì không có đấng giáo chủ. Đức Phật chỉ nhận mình là thầy chỉ đường, là đại y vương mà không hề xưng là đấng sáng thế có đầy đủ quyền năng thưởng phạt. Tuy nhiên, hiện nay không ai phủ nhận Phật giáo là một tôn giáo vì nó có đủ mọi yếu tố mà theo bất cứ định nghĩa nào cũng đáp ứng được. Sở dĩ Phật giáo trở thành tôn giáo vì sự thích ứng của nó trong quá trình tiếp biến văn hóa. Do đó, ở đây chúng ta phải đánh giá và nhận định Phật giáo – tôn giáo một cách khách quan như những gì đang xảy hơn là theo lý luận giáo lý thuần túy duy tâm.

Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, đức Phật đã hoạt động không mệt mỏi mà chưa có ai trên thế gian này sánh bằng cho đến hơi thở cuối cùng với mục đích là giáo hóa chúng sanh. Giáo pháp Ngài dạy rất đa dạng và phù hợp với tất cả các hạng người nhưng tựu trung cũng lấy chữ tâm làm trung tâm điểm. Vì rằng ‘Phật tại tâm, tâm tức Phật, ngoài tâm tìm đâu ra Phật’. Chỉ có một vấn đề là huấn luyện tâm mà Ngài đã chịu bao gian khổ đến nổi suýt bỏ mạng nơi rừng sâu nước độc để cuối cùng nhận ra con đường đi đến mục đích chính là con đường trung đạo (bát chánh đạo). Vậy thì không phải ngẫu nhiên mà Ngài có thể chứng ngộ chân lý và tuyên bố con đường trung đạo như thế. Đó là quá trình trải nghiệm với cái giá rất đắt. Những người đi sau Bậc đạo sư giác ngộ có được may mắn là không phải nhọc công đi tìm chân lý mà chỉ việc thực hành theo con đường trung đạo để thể nghiệm chân lý. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của nhân loại.

Chân lý đã được trình bày và giải thích, con đường đi đến đích cũng đã được chỉ dẫn thế nhưng ngày nay mấy ai đạt được mục đích ấy. Ta thử so sánh số thánh giả trong thời gian 45 năm hay 49 năm khi Phật còn tại thế với số thánh giả sau hơn 2550 năm kể từ khi Phật Niết bàn. Thật ngạc nhiên là trong vòng có mấy chục năm mà số thánh giả nhiều hơn gấp trăm ngàn lần số thánh giả trong thời gian hơn 25 thế kỷ. Có thể ví von rằng số năm khi Phật còn tại thế bằng số thánh giả sau này và số thánh giả vào thời đức Phật tại thế bằng, thậm chí hơn số năm sau khi Phật Niết bàn. Tại sao trong thời gian ngắn lại có số lượng thánh giả nhiều như thế và ngược lại. Tại sao có vị chỉ cần một, hai tuần như ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên có thể chứng được thánh quả, còn đương thời chúng ta dành cả đời mà mấy ai chứng đắc. Cho nên, nói ‘Phật tại tâm tu đâu cũng đuợc’ là về mặt lý thuyết còn để trải nghiệm Phật tâm ấy không phải đơn giản và không dễ gì đạt được nếu không có môi trường tu tập thích hợp. Số lượng thánh giả hiện thời đã chứng minh điều đó.

Tại đây chúng ta thử luận bàn câu nói: ‘thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa’ để hiểu ý các bậc tiền bối gởi gắm điều gì. Có thể khẳng định rằng câu nói trên không do Phật hay Tổ nói vì không tìm thấy nó trong bất cứ các kinh điển hay ngữ lục nào. Đây thực chất chính là kết quả của những kinh nghiệm, của sự tiếp biến văn hóa của người Việt. Trong dân gian, chúng ta cũng có câu ca dao đại loại tương tự như thế ‘tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu’. Khi đã xác định nguồn gốc của câu nói trên, ta hãy phân tích ý nghĩa câu nói ấy thế nào.

Khi đề cập câu nói trên, nhiều người cho rằng vị trí không gian được sắp xếp theo thứ tự trước sau như vậy là phản ảnh thứ bậc tu tập từ khó đến dễ theo thứ tự tại gia, chợ, chùa. Nói cách khác, họ cho rằng khó khăn nhất là tu tại gia vì môi trường gia đình nhiều rắc rối, kế đến là tu chợ nơi xảy ra nhiều điều phức tạp, và cuối cùng là tu chùa nơi được cho là bình yên nhất và dễ thực tập nhất. Nhận xét này phản ảnh hai ý nghĩa. Một là, nó nói lên môi trường tu tập. Hai là, nó gợi ý cho hành giả cách chọn môi trường tu cho phù hợp. Như vậy, có hai cách chọn lựa. Một là phải đối đầu với cái khó trước vì đó là hoàn cảnh bắt buộc của người tại gia và kết quả hoặc là thành công hoặc là thua cuộc. Hai là chọn con đường từ thấp đến cao theo trình tự. Lý thuyết thì có vẻ hợp lý nhưng thực tế không ai có thể chia thời khóa tu tập cho từng môi trường cụ thể. Người cư sĩ khó lòng có thể thành công nếu chỉ ‘tu tại gia’ nếu không muốn nói là thất bại và họ cũng khó lòng mà tu theo thứ tự vì môi trường đâu có tách biệt rõ ràng. Do đó, quan niệm cho rằng ‘Phật tại tâm nên ở đâu tu cũng được’ và sự viện dẫn câu nói trên để bác việc đến chùa, việc tìm cầu bậc minh sư và những thiện hữu tri thức để cùng nhau sách tấn tu tập là điều cần xét lại đối với những hành giả thực tâm muốn tu học.

Từ chỗ lý giải chưa thỏa đáng theo cách hiểu phân biệt cấp độ môi trường tu tập cũng như ý niệm ‘Phật tại tâm tu đâu cũng được’ không có cơ sở vững chắc cho hành giả hành trì, chúng ta thử hiểu bằng một cách lý giải khác. Chúng ta phải thừa nhận rằng hầu hết hành giả là người cư sĩ tại gia và tất nhiên họ phải dành hầu hết thời gian ở gia đình với những người thân của họ. Thế thì ‘thứ nhất tu tại gia’ là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh sống của họ vì họ sống cả ngày mà không áp dụng lời Phật dạy thì làm sao gọi là tu và làm sao có kết quả. Tu là áp dụng những lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày thông qua ba nghiệp thân, khẩu, ý của mỗi người. Giống như anh chàng bác sĩ phải áp dụng những gì đã học từ nghề y để chữa cho các bịnh nhân hằng ngày thì mới hữu ích. ‘Thứ hai tu chợ’ có nghĩa rằng người cư sĩ còn phải làm ăn, phải tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau, nên phải dành thời gian khá nhiều cho công việc ngoài xã hội. Nếu không áp dụng lời Phật dạy qua thái độ, hành vi ứng xử trong công việc thì cũng chưa gọi là tu, và tất nhiên cũng không có kết quả. ‘Thứ ba tu chùa’ tức là thời gian người cư sĩ dành để tu tập ở chùa là ít hơn hết. Đó là một sự thật. Tuy thời gian ngắn nhưng rất quan trọng. Nó như là điều kiện cần thiết để nạp năng lượng, để huấn luyện những kỹ năng cần thiết cho người người cư sĩ có thể thành công khi ra chợ hay về nhà. Sự phân chia như thế là nói lên độ dài thời gian hơn là sự quan trọng hay khó khăn trong tu tập.

Như vậy, có hai giả thuyết được đặt ra. Một là hiểu và trình bày theo cấp độ tu tập từ dễ đến khó. Hai là nói về độ dài thời gian mà một cư sĩ tại gia tu tập ở ba vị trí không gian khác nhau. Theo giả thuyết thứ nhất, thì người Phật tử muốn vượt qua khó khăn trong hai môi trường đầu thì phải tham gia tu tập nhiều hơn nữa ở môi trường thứ nhất để tạo cho mình nội lực tâm linh đủ mạnh để vượt qua sóng gió ở môi trường gia đình và xã hội. Với giả thuyết thứ hai thì người Phật tử phải tận dụng quỹ thời gian trong ngày của mình để áp dụng lời Phật dạy để đem lại cuộc sống an lạc cho bản thân và gia đình. Dù hai giả thuyết có khác nhau nhưng vẫn gặp nhau ở một điểm chung. Đó là việc áp dụng lời Phật dạy vào đời sống tu tập hằng ngày. Để hiểu và áp dụng đúng lời Phật dạy không thể không tìm cầu minh sư học hỏi cũng như không thể không cần một cộng đồng tu tập hay ‘tăng thân’ – tức môi trường tu tập. Những trợ duyên này không chỉ có thể tìm nơi môi trường thứ nhất – tức chùa. Chùa ở đây nên hiểu là nơi tu tập hơn là một địa điểm không gian cố định nào đó. Điều này hoàn toàn đúng với những gì đức Phật đã trải qua. Do vậy, việc ngụy biện ‘tu tại gia’ là khó nhất và quan trọng nhất và không cần tìm cầu tham học với các bậc chân tu là vấn đề cần suy xét và cần cẩn trọng, nhất là với những người chưa hiểu Phật pháp và những người mang trong mình bản ngã thâm căn cố đế.

Tóm lại, cả ba hoàn cảnh là sự hỗ tương nhau và không nên nhầm lẫn tách rời ra khi mà chưa ai sống tách rời xã hội. Gia đình, xã hội và nơi giáo dục tâm linh là mô hình khép kín không thể tách rời nhất là xã hội ngày nay. Tự tách rời là tự chúng ta cô lập chính mình, cũng tức là tự sát mà không cần súng đạn, gương đao. Câu nói trên chỉ nên hiểu như là lời khuyến khích động viên cho hàng cư sĩ tại gia còn nhiều ràng buộc nơi gia đình và xã hội để họ ý thức những khó khăn mà họ đang đối mặt trong đời sống và biết tìm môi trường thích hợp trau dồi nội tâm mình. Hiểu và hành như vậy thì may ra đem đến lợi lạc cho bản thân và những người xung quanh, và may ra làm hài lòng ý chỉ của những bậc tiền bối xưa kia.

Sunday, June 20, 2010

Lược sử Sắc tứ Tổ đình Thiện Hòa, Bình Định

LƯỢC SỬ SẮC TỨ TỔ ĐÌNH THIÊN HOÀ

chuathienhoa.jpg

Sa Môn Thích Đỗng Quán

I. VỊ TRÍ, ĐỊA THẾ

Chùa Thiên Hoà tuy đã trùng tu, tái thiết và cải hiệu nhiều lần nhưng vẫn toạ lạc trên vị trí từ xưa đến nay.
Nguyên địa danh lúc Tổ khai sơn là: Ấp Tri Thiện, thôn Hoa Tây, tổng Vân Dương, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nay là thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Vị trí chùa về hướng Đông Nam thị trấn Bình Định, cách cầu Tân An 1 cây số về hướng Đông.
Địa thế vùng này thuộc bình địa. Nhờ phù sa của lưu vực sông Côn, thuộc nguồn La vĩ bồi đắp hàng năm nên đất đai rất màu mở. Vườn chùa hình chữ nhật 40m X 65m.
Xưa kia chùa đứng độc lập, chung quanh không có nhà cửa đồng bào áp gần. Nay trong tình trạng nhân mãn, cộng vào đấy vị trú trì tiền nhiệm (Thích Quảng Nguyên) đã nhân khi tu bổ chùa, bán hết ¼ đất vườn chùa phía Đông và Đông Nam. Nên nay nhà cửa của đồng bào cất chen chúc chung quanh vườn chùa làm mất sự yên tĩnh và trang nghiêm.
Đối diện chùa Thiên Hoà là Tháp Bánh Ít, nơi toạ lạc Tu Viện Nguyên Thiều với Phật Đài lộ thiên uy nghiêm. Án ngữ mặt tiền là sông Tân An (Côn) cùng đường liên hương. Mặt hậu chùa là nhà cửa của nhân dân thôn Tri Thiện. Áp vách hậu Tổ là vườn chùa với không gian thoáng mát.

II. KHAI SÁNG, CẢI HIỆU, TRÙNG TU

Nguyên có một phật tử thọ Ưu bà di giới pháp danh Toàn Đức tên Trần Thị Thìn cúng dường Đức Tổ Viên Quang, tự Luật Phong, huý Pháp Tịnh 2 sào đất trồng dâu (chưa tìm được tài liệu tra cứu để biết thên về thân thế, sự nghiệp và sinh quán của cụ bà ở đâu, chỉ căn cứ vào cựu khế của chùa). Đầu tiên Tổ Pháp Tịnh đến lập một thiền thất hiệu là Khánh Thiện để tu và truyền bá Thiền tông. Ngài Pháp Tịnh lập thiền thất vào năm nào ta chưa có sử liệu tra cứu để biết chắc chắn. Nhưng căn cứ vào những thế hệ tương đương và những tự viện Chư Tổ sáng lập cùng đời hiện còn đầy đủ tài liệu chứng minh, ta được phép dự đoán Thiền thất Khánh Thiện (tiền thân chùa Thiên Hoà) sáng lập vào những năm của niên hiệu Vĩnh Thạnh – từ năm 1705 đến năm 1719 – Sau đó phật tử Toàn Đức cúng cho Ngài một Đại Hồng Chung, đồng thời phát nguyện tái thiết Thiền thất Khánh Thiện và cải hiệu là Hưng Thiện tự. Khi phật sự viên hoàn Ngài phi tích vào Nam hoá đạo.

Đến đời Tổ Chánh Trực, húy Hải Yến, Ngài được thiện tín cung thỉnh về trú trì chùa Hưng Thiện. Đến năm Giáp Ngũ (1774), niên hiệu Cảnh Hưng, năm thứ 35, Ngài tái thiết chùa Hưng Thiện và cải hiệu thành Thiên Hoà tự cho đến ngày nay.
Đến năm Mậu Tuất (1778) từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 4, Ngài Chánh Trực cùng thiện tín, sắc hào, binh sĩ, cung thỉnh Hoà thượng Thiên Khánh, huý Tánh Tôn, đương kim trú trì Tổ Đình Long Khánh, Quy Nhơn, quang lâm chứng minh Đại lễ Trai đàn 3 ngọ, đúc lại quả Đại Hồng Chung, hiện còn tại chùa. ( Qủa Đại Hồng Chung do phật tử Toàn Đức cúng bị vỡ trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn).
Đến năm Bính Tý (1816) niên hiệu Gia Long thứ 15 – Sử thường gọi thời kỳ Gia Long phúc quốc – Có phật tử thọ Ưu Bà Di giới pháp danh Thanh Quang (thường gọi là bà Điêu) tên là Lê Thị Viên, phát Bồ đề tâm tài trợ kinh phí để Ngài Chánh Trực tái thiết quy mô ngôi Tam bảo Thiên Hoà, bắng vật liệu nhẹ, theo kiểu chữ môn.
Đến năm Tân Mão (1891) niên hiệu Thành Thái thứ 3, dưới sự chứng minh của Tổ Chương Hiệp, Ngài Ấn Bình đã tái thiết lại ngôi Tam Bảo Thiên Hoà. Nước gỗ của chùa hiện nay và toàn bộ hoành, liễn, trướng, đối đều do Ngài Ấn Bình hiệu Bửu Quang sáng tạo.
Trong đời trú trì của Hoà thượng Trí Thắng, huý Chơn Cảnh, vào năm Nhâm Tuất (1922) chùa bị hoả hoạn. Khi đó Ngài đứng ra xin đơn phổ khuyến. Đến ngày 15 tháng 4 năm Quý Hợi (1923) khởi công tái thiết lại toàn bộ ngôi Tam Bảo Thiên Hoà, bằng vật liệu nhẹ, đượm vẻ trang nghiêm cổ kính. Ngoài ra các đời thừa kế như: Đời thầy Chơn Huệ thay tranh lợp ngói vào năm Kỷ Hợi (1959). Trong dịp trùng tu này thầy đã bán 2 mẫu 6 sào ruộng của chư Tổ mua để lại cho chùa (thiên thu hương yên kỵ lạp) và ¼ vườn chùa. Toàn bộ pháp khí , tự vật cũng đều thất thoát, có lẽ vị duyên cớ giặc giả ?

III. PHỔ HỆ TRUYỀN THỪA

1. Tổ khai sáng: Khai sáng chùa Thiên Hoà là Ngài Viên Quang, tự Luật Phong, huý Pháp Tịnh, đời 36. Ngài là đệ tử Tổ Ân Triêm, tự Chánh H iển, huý Thiệt Dinh, sáng lập Tổ Đình Phước Lâm tại Hội An, Quảng Nam. Ngài Viên Quang đến lập Thiền Thất tính đến nay (1986) gần 300 năm. Rất tiếc không có sử liệu để biết thân thế, sự nghiệp, tánh danh và sanh chánh quán của Ngài.
Theo Long vị thờ Ngài tại chùa Thiên Hoà, không ghi năm sinh, thị tịch, chỉ ghi kỵ Ngài ngày mùng 8 tháng 2 hàng năm và bảo tháp cung phụng Ngài hiện ở chùa nào trong Nam chưa truy tầm.

2. Kế thừa: Tổ Chánh Trực, huý Hải Yến, đời 40 (Theo Pháp phái Tổ Thiệt Diệu, Tổ Đình Thiền Tôn, Huế). Ngài là đệ tử của Tổ Thiên Khánh, huý Tánh Tôn, đời 39, Tổ Đình Long Khánh, Quy Nhơn. Ngài Chánh Trực là vị Tổ đóng góp nhiều công đức nhất. Ngoài công đức tái thiết, trùng tu, cải hiệu, đúc Đại Hồng Chung, Ngài còn mua 1 mẫu 5 sào 7 thước 5 tất đất trồng dâu, theo cựu khế ghi Thiên Hoà Tam Bảo tự điền.
Long vị thờ Ngài tại chùa không ghi rõ ngày tháng năm sanh và thị tịch, nên hằng năm kỵ Ngài vào ngày kỵ Tổ Khai sơn.
3. Kế thừa: Ngài Tịnh Quang – đệ tử cầu pháp của Tổ Chánh Trực- theo cựu khế , Ngài có công khai phá bãi sa bồi trước mặt chùa thành đất sản xuất hoa màu (tục gọi soi chùa). Trong đời trú trì của Ngài, có phật tử thọ Ưu bà di giới pháp danh Chương Lạc, tên là Lê Thị Thường, sinh quán ấp Luật Chánh, huyện Tuy Phước cúng 7 sào 8 thước đất trông dâu và 2 phật tử Bùi Văn Nguyện, Lê Thị Điền cúng 10 thước 5 tất đất vườn chùa - theo cựu khế ghi niên hiệu Minh Mệnh thứ 21, Canh Tý (1840) – Long vị Ngài thờ tại chùa.

4. Kế thừa: Ngài Chánh Nhơn, huý Ấn Bảo, đời 39. Ngài trú trì dưới sự giám hộ của Bổn sư là Tổ Chương Hiệp. Đời Ngài không có tự tích, công đức đặc biệt. Ngài sinh năm Kỷ Hợi (1889) thị tịch giờ Hợi, ngày 26 tháng 3 năm Nhâm Ngũ (1932), thọ 44 tuổi, tháp Ngài hướng Tây Bắc chùa.

5. Kế thừa: Ngài Bửu Quang, huý Ấn Bình, tự Như Cẩn. Sinh chánh quán ấp Lương Lộc, huyện Tuy Phước. Thế danh Nguyễn Như Cẩn, dòng dõi của Ngài đều tôn sùng Đạo Phật. Ngoài công đức trùng tu, tái thiết. Năm Mậu Tuất (1898) niên hiệu Thành Thái thứ 10, Ngài mua 5 sào 5 thước đất trồng dâu – Theo cựu khế ghi Thiên Hoà Tam Bảo tự điền – Ngài rất rành y dược, dịch lý, toán số, Ngài mở trường gia giáo. Đồng sư của Ngài có: Ngài Chí Thành, huý Ấn Phước sáng lập chùa Tây Thiên, huyện An Nhơn, Ngài Ấn Sinh, Ấn Đoan trú trì chùa Phổ Bảo. Quý Ngài chữ Ấn đều là đệ tử của Tổ Chánh Trì (Tổ Chánh Trì là đệ tử Tổ Toàn Ý đời 37, sáng lập Tổ Đình Phổ Bảo). Trong thời gian Ngài Ấn Bình trú trì, Ngài cung thỉnh Ngài Chương Hiệp về an dưỡng tại chùa Thiên Hoà. (Ngài Chương Hiệp khai sơn chùa Huỳnh Long, ấp Huỳnh Mai. Ngài sinh năm Quý Tỵ (1833) tịch ngày 4 tháng 10 năm Mậu Ngọ (1911) thọ 78 tuổi. Tháp Ngài hướng Đông Nam chùa Thiên Hoà.
Ngài Ấn Bình sinh năm Quý Hợi (1863), tịch giờ Tỵ ngày 27 tháng Giêng năm Tân Dậu (1921) thọ 58 tuổi. Tháp Ngài hướng Đông Nam chùa Thiên Hoà.

6. Kế thừa: Ngài Trí Thắng, húy Chơn Cảnh, đời 40, đệ tử Tổ Ấn Bình, thế danh Nguyễn Khắc Đôn. Ngài sinh chánh quán ấp Lương Lộc. Trong đời trú trì của Ngài, năm 1922 chùa bị hỏa hoạn, năm 1923 Ngài phổ khuyến và tái thiết toàn bộ chùa. Năm Bính Dần (1926) Quản Đạo tỉnh Ninh Thuận thỉnh Ngài đứng sáng lập chùa Thiên Hưng, ấp Văn Sơn, Phan Rang. Ngài rành Hán, Việt, Pháp, Y dược, Dịch lý. Ngài sinh năm Tân Mão (1891), tịch giờ Ngọ, ngày 13 tháng 5 năm Ất Mão (1975) thọ 85 tuổi. Tháp Ngài ở hướng Đông Bắc chùa Thiên Hưng, Phan Rang.

7. Kế thừa: Đại Đức Thích Vĩnh Thạnh, tự Cát Bảo, húy Như Tuyên, đời 41, đệ tử Ngài Chơn Diệp chùa Thiên Trúc, huyện Tuy Phước. Thầy trú trì nổi tiếng vì sản xuất kinh tế tự túc, không có tự tích tái thiết, tạo mãi gì lưu lại. Long vị thờ của Thầy cũng không ghi năm tháng ngày giờ thị tịch. Tháp Thầy hướng Đông Nam vườn chùa.

8. Kế thừa: Đại Đức Thích Quảng Nguyên, huý Chơn Huệ (sau cầu pháp với Ngài Chơn Tịnh, hiệu Cao Minh, sáng lập chùa Tịnh Liên, An Nhơn), đời 41, thế danh Phạm Thông, sinh chánh quán tại thôn Tri Thiện, xã Phước Quang. Đại Đức trú trì năm Quý Dậu (1933), năm Kỷ Hợi (1959) thay tranh lợp ngói. Đến ngày 20 tháng 11 năm Nhâm Tý (25-12-1972) vì tuổi già cáo bệnh, mời Chư tăng Môn phái về giao Tổ Đình Thiên Hoà lại để Môn phái trạch cử trú trì khác. Môn phái đã mời Đại Đức Thích Đỗng Quán về trú trì, kế thừa Tổ Đình Thiên Hoà.
Đại Đức Quảng Nguyên sinh năm Giáp Thìn (1904) tịch giờ Sửu ngày 26 tháng 3 năm Quý Sửu thọ 70 tuổi. Tháp ở phía Đông Nam chùa Thiên Hoà.

9. Kế thừa: Hoà thượng Thích Đỗng Quán, tự Hạnh Nhơn, huý Thị Quảng, đời 42, đệ tử Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Tân, huý Như Thọ, trú trì chùa Thiền Lâm, Phan Rang.
Tổ Đình Thiên Hoà từ nội viện cho đến ngoại viện được chỉnh đốn khang trang như ngày nay đều do công đức lớn lao của Hoà thượng.
Hoà thượng Thích Đỗng Quán sinh năm Bính Dần (1926) tại thôn Quan Quang, xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hoà thượng là người quảng bát, hoạt động phật sự không biết mệt mõi, danh tiếng trong và ngoài nước biết đến.
Hoà thượng thị tịch ngày 26 tháng Giêng năm Kỷ Sửu (2009), thọ 84 tuổi, tháp Ngài toạ lạc trước mặt chùa về hướng Đông Nam. (Đoạn này mới thêm vào sau ngày Hoà thượng viên tịch).

Tổ Đình Thiên Hoà từ Tổ Pháp Tịnh khai sơn cho đến nay, Tổ Tổ tương truyền, hiện còn tự tích minh bạch. Trải qua các thế hệ đều được sự hỗ trợ của hương quyền, tộc thuộc các phái với tư cách là những phật tử thuận thành.

Cung lục Xuân Ất Sửu 1985.
Sa Môn Thích Đỗng Quán

Sơ lược Tiểu sử Hòa thượng Thích Quảng Tâm

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG TÂM
TRỤ TRÌ TỔ ĐÌNH SẮC TỨ TỪ LÂM – QUẢNG NGÃI
VIỆN CHỦ TU VIỆN VĨNH ĐỨC QUẬN 2 – TP. HỒ CHÍ MINH
-----oOo-----
I. Thân Thế
Hòa thượng Thích Quảng Tâm, húy Như Hảo, thế danh Lê Tấn Quang, sinh ngày 12 tháng 8 năm Đinh Hợi (1947) tại làng Thạch Trụ huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình nhiều đời thâm tín Tam Bảo và có truyền thống xuất gia tu học. Thân phụ là cụ ông Lê Hạnh, về sau cụ ông cũng xuất gia hành đạo và khai sơn chùa Từ Quang huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, tức Hòa thượng Thích Pháp Bửu. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Trầm, pháp danh Chơn Hương. Hòa thượng được sinh ra và lớn trong gia đình gồm 7 anh chị em. Ngài là con thứ 5 trong gia đình và rất hiếu thảo với cha mẹ. Tánh tình của Ngài hài hòa và rất nhanh nhẹn trong mọi công việc, đặc biệt có tiếng thông minh, hiếu học. Hòa Thượng có một người chị xuất gia, hiệu là Ni trưởng Thích Từ Hương, trụ trì chùa Từ Thuyền, quận Thủ Đức.
II. Thời Kỳ Xuất Gia Tu Học
Vốn sẵn túc duyên sâu dày với Phật pháp, khi vừa tròn 14 tuổi (năm 1962), Ngài được Sư phụ và Thân mẫu cho phép xuất gia và đã được Đại lão Tăng cang Hòa thượng Thích Trí Hưng thâu nhận làm đệ tử và ban cho Pháp tự là GIẢI TÂM. Từ đó, Ngài theo Thầy học đạo tại Tổ đình Sắc tứ Từ Lâm, tỉnh Quảng Ngãi. Cũng năm này, Hòa thượng Bổn sư vân du hóa độ tại miền Nam, Ngài đã được Hòa thượng cho phép theo hầu và tu học tại chùa Thiên Tôn, Quận 5, Sài Gòn – Chợ Lớn.
Năm 1963, Ngài theo Hòa thượng Bổn sư đến Viện Hành Đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng – Lục Hòa Phật tử ở đường Lục Tỉnh, Phú Lâm – Chợ Lớn để hoằng đạo. Hai năm sau, Hòa thượng Bổn sư của Ngài khởi công trùng kiến ngôi chánh điện và đổi tên thành chùa Thiền Lâm.
Năm 1964 - 1965, được sự cho phép của Hòa thượng Bổn sư, Ngài vào nội trú tu học tại Phật học viện Giác Sanh do Hòa thượng Thiện Thành làm Giám viện và theo học Trung học Đệ nhất cấp. Cuối năm 1965, Ngài được Bổn sư cho phép thọ giới Sa di tại Giới đàn Phật học viện Huệ Nghiêm do Hòa thượng Thích Thiện Hòa làm Đàn đầu truyền giới. Cũng tại Giới đàn này, Ngài được sự thương mến của Hòa thượng Đàn đầu nên đã ban cho Pháp húy MINH ĐỨC, hiệu THÍCH QUẢNG TÂM và cho theo học tại Phật học viện Huệ Nghiêm (1966 – 1968) do Hòa thượng Thích Bửu Huệ làm Giám viện.
Sau tết Mậu Thân (1968), Ngài được Ban giám viện chuyển ra Phật học viện Nguyên Thiều - Bình Định để hoàn tất chương trình Trung đẳng Phật học. Đến năm 1969, Ngài lại được Ban giám viện chuyển vào Phật học viện Hải Đức - Nha Trang để học chương trình Cao đẳng Phật học do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám viện và cũng tại đây Ngài đã tốt nghiệp Tú Tài toàn phần năm 1971.
Sau khi tốt nghiệp chương trình Phật học và thế học, năm 1972, Ngài được Ban giám viện và Hòa thượng Bổn sư cho phép đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Phước Huệ do Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm Đàn đầu Hòa thượng, chính thức dự vào hàng Cập đệ, nối dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 41 và được ban Pháp hiệu AN ĐỨC. Từ đó, Ngài để tâm nghiên tầm Phật lý và nâng cao nghiệp vụ làm hành trang trên bước đường hoằng hóa.
III. Thời Kỳ Hành Đạo
Thực hiện chí nguyện của Thích tử Như Lai là hoằng pháp độ sanh được un đúc từ bấy lâu, năm 1972, Hòa thượng đã về vùng quê Thủ Đức mua một mảnh đất khoảng 500m2 lập thảo am nhỏ với tên gọi là chùa Vĩnh Đức, dân làng thường gọi là Chùa Lá. Sau năm 1975, Hòa thượng đã tích cực tham gia nhiều công tác Phật sự. Tại đây, Hòa thượng chuyên trì tụng Kinh Pháp Hoa và tham gia nhiều công tác từ thiện xã hội như: mở Ký nhi viện, mở các lớp học tình thương và giảng dạy miễn phí cho học sinh nghèo trong vùng.
Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, Hòa thượng vẫn tiếp tục có những đóng góp tích cực cho Phật giáo tại địa phương.
Năm 1982, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo được thành lập, Ban Đại diện Phật giáo huyện Thủ Đức thành lập, Ngài được bổ nhiệm chức vụ Phó Ban đại diện Phật giáo huyện Thủ Đức trong VI nhiệm kỳ từ năm 1981 – 1997.
Năm 1989, Ngài cùng nhị vị Thượng tọa lúc bấy giờ là Thượng tọa Thích Đạt Niệm, Thượng tọa Thích Thông Kinh vận động mở trường Cơ bản Phật học Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở II tại chùa Thiên Minh, huyện Thủ Đức và được Ban giám hiệu mời tham gia với chức vụ Phó Văn phòng của bản trường. Cũng trong năm này, do nhu cầu tu học của Tăng sinh trẻ ở các tỉnh tựu hội về, Hòa thượng xin phép trùng tu và đổi tên chùa thành Tu viện Vĩnh Đức, làm nơi tiếp Tăng độ chúng cho khoảng 100 Tăng sinh yên tâm tu học. Tu viện Vĩnh Đức luôn là trú xứ tu học của chư Tăng trẻ từ khắp mọi miền đất nước, dưới sự bảo bọc, chở che trong đạo tình bao dung, rộng mở của Hòa thượng. Đồng thời, để thực hiện tình thần Tỳ ni tạng trụ, nơi đây hằng năm Hòa thượng đều dạy chư Tăng kiết giới An cư tại chỗ; tuy là An cư tại chỗ nhưng số lượng hành giả An cư có năm lên đến hàng trăm vị, tất cả đều tuân theo thanh quy thiền môn.
Năm 1997, huyện Thủ Đức chia thành ba cơ sở hành chánh. Hòa thượng được sự tín nhiệm của Tăng, Ni và Phật tử cung thỉnh Ngài làm Chánh Đại Diện Phật giáo Quận 9. Để tiếp tục trong sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ Tăng - Ni trẻ, Ngài mở lớp Sơ cấp Phật học liên tiếp và làm Chủ nhiệm trong 5 khóa, mỗi khóa đào tạo trên 200 Tăng Ni sinh. Với những cống hiến lớn lao đối với Đạo pháp và nhân sinh, năm 1997, Ngài được Giáo hội Tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa. Trong nhiệm kỳ này, Hòa thượng đã đóng góp rất nhiều Phật sự quan trọng như: mở khóa An cư kiết hạ tại chùa Thiên Minh cho chư Tăng và Ni viện Phước Long cho chư Ni để chư Tăng, Ni tấn tu tam vô lậu học, tạo điều kiện cho hành giả An Cư có dịp giao lưu thi diễn giảng, viết báo tường qua đó nhằm phát hiện những nhân tố mới cho Giáo hội. Đồng thời, để đáp ứng những nhu cầu tu học này, Ngài tiến hành tu bổ, xây dựng mới một số hạng mục tại chùa Thiên Minh như: đài Quan Âm lộ thiên, cổng tam quan, xây dựng Tăng xá và văn phòng Ban Đại diện Phật giáo Quận 9, v.v… và đẩy mạnh các hoạt động Phật sự quận nhà.
Từ năm 2002 đến ngày viên tịch, Hòa thượng được sự tín nhiệm của quý cấp Giáo hội nên Ngài đã đảm nhiệm qua các chức vụ như: Ủy viên Ban Trị sự, Phó Thư ký kiêm phó Văn phòng, Ủy viên pháp chế rồi đến Phó Ban pháp chế Thành hội Phật giáo Tp Hồ Chí Minh. Trong mỗi Phật sự, Ngài luôn hoàn thành tốt đẹp xứng đáng với sự tin tưởng mà Giáo hội giao phó. Với tinh thần“Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức” trong những lần tổ chức đại giới đàn của Thành hội Phật giáo, Ngài được mời tham gia Ban quản giới tử, Phó Thư ký ban kiến đàn.
Mặc dù bận nhiều Phật sự tại Tp.Hồ Chí Minh, song với tâm nguyện, Hòa thượng vẫn luôn hướng về Phật giáo tại quê nhà, đặc biệt là Môn phong Tổ đình Sắc tứ Từ Lâm, Hòa thượng đã động viên chư Tăng tập chúng An Cư kiết hạ. Năm 2007, Tổ đình Sắc tứ Từ Lâm được khôi phục, Hòa thượng đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban quản trị Môn phong kiêm Trụ trì và tổ chức hai khóa An Cư kiết hạ đã tạo niềm chánh tín Tam Bảo cho hàng thiện tín và đem lại sự khởi sắc cho Phật giáo tại quê nhà.
Tháng 01 năm 2010, Hòa thượng làm Phó Ban kiến đàn cùng Chư tôn đức trong Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi tổ chức Đại giới đàn Pháp Hóa cho hơn 300 giới tử Tăng Ni cầu thọ giới pháp đã được thành tựu viên mãn. Đây là sự kiện mà sau hơn 40 năm qua chưa có điều kiện thực hiện. Trong dự nghiệp hoằng hóa lợi sanh, Hòa thượng đã để lại trong lòng Tăng Ni Phật tử những hình ảnh thân thương từ hòa khả ái. Với dáng dấp ốm gầy nhưng tràn đầy nghị lực hướng tâm vì Phật pháp, Hòa thượng đã dang đôi tay từ hòa hóa độ hàng trăm Tăng Ni, có những vị đã thành tựu được sở học và ra hành đạo khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước. Đối với hàng Phật tử tại gia, Hòa thượng là người tận tụy hướng dẫn tham gia các công tác Phật sự, đặc biệt là công tác từ thiện xã hội và cúng dường các trường hạ trong những mùa An Cư; do vậy, có cả hàng ngàn Phật tử quy hướng về Ngài.
IV. Những Ngày Cuối Đời
Với hoài bão “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh,” Ngài sẵn sàng xả ái tài kể cả sức lực để góp phần trang nghiêm ngôi nhà Chánh pháp, làm cho ngọn đèn thiền sáng tỏa tại nhân gian, góp sức đôi tay cho đạo pháp huy hoàng, chúng sanh an lạc. Tuy chí nguyện khôn cùng nhưng sức người có hạn, Hòa thượng đành gửi lại hoài bão của mình cho hàng đệ tử kế thừa. Nỗi bâng khuâng lớn nhất cuối cuộc đời Ngài là sự giáo dưỡng những huynh đệ nhỏ dại, mới xuất gia tu học và việc xây dựng ngôi chánh điện Tu viện Vĩnh Đức đang còn dang dở.
Ôi ! Năm tháng phù sinh diệt kiếp người,
Cuộc đời tựa như áng mây trôi,
Thỏng tay nhẹ gót về cảnh Phật,
Chín phẩm sen vàng tỏa ngát hương.
Thế là Hòa thượng đã thuận thế vô thường, an nhiên viên tịch lúc 15 giờ 15 phút, ngày 21 tháng 4 năm Canh Dần (nhằm ngày 03 tháng 6 năm 2010) trong sự hộ niệm chí thành và niềm kính tiếc vô hạn của Tứ chúng đệ tử. “Hạc vàng nay đã bay xa, thiền môn tứ chúng lệ nhòa trong tâm”, Ngài trụ thế 64 năm, trải qua 38 mùa An Cư kiết hạ.
Sự viên tịch của Hòa thượng là niềm tiếc thương vô hạn của Giáo hội, là sự thiếu vắng một pháp lữ đồng hành trong Chánh pháp, là sự mất mát vô cùng lớn lao của Môn phong Tổ đình Sắc tứ Từ Lâm và trong nhân gian không có sự mất mát lớn lao nào hơn đối với Môn đồ đệ tử. Môn đồ tứ chúng từ đây vĩnh viễn không sao tìm lại được một bậc Thầy từ hòa khả kính. Để truy niệm công đức và đạo hạnh của Ngài, Môn phong và Môn đồ đệ tử kính ghi lại đôi dòng tiểu sử của Hòa thượng. Kính nguyện giác linh Hòa thượng thùy từ nhã giám.

Nam Mô Từ Lâm Tế Chúc Thánh Tông Tứ Thập Nhất Thế, Sắc Tứ Từ Lâm Tổ Đình Phú Pháp, Khai Sơn Vĩnh Đức Tu Viện Đường Thượng, Pháp Húy NHƯ HẢO, Tự Thượng GIẢI Hạ TÂM, Hiệu AN ĐỨC, Đạo Hiệu QUẢNG TÂM, LÊ CÔNG Hòa Thượng Giác Linh.

Friday, June 18, 2010

Mãnh lực niềm tin

Niềm tin là một nhu cầu không thể thiếu đối với những người có ý thức. Nó là hiện tượng tâm lý có thể nhìn thấy được qua hình thức thể hiện giữa chủ thể và đối tượng. Niềm tin diễn ra trong thế giới hữu hình như là những quy ước giữa con người với nhau để cùng nhau hợp tác làm ăn hay chung sống. Khi niềm tin diễn ra trong thế giới vô hình thì nó trở thành ý chí, động lực hay thậm chí ma lực thôi thúc con người hành xử hoặc đi lên theo chiều hướng thiện hay đi xuống theo chiều hướng bất thiện. Do sự phức tạp của niềm tin nơi thế giới vô hình, tín ngưỡng tôn giáo bắt đầu xuất hiện như là một quy luật tất yếu để đáp ứng nhu cầu cần thiết của con người. Nhu cầu về niềm tin của con người trong thế giới hiện đại ngày nay không hề thuyên giảm mà còn có chiều hướng gia tăng nhiều hơn. Đó là hệ quả tất yếu của một thế giới mà lòng tham con người chưa bao giờ biết dừng, và sự bất an từ thiên nhiên và chính con người tạo ra luôn luôn rình rập khiến con người đang sống trong lo âu sợ sệt. Tìm hiểu và đánh giá đúng đắn về gốc rễ niềm tin sẽ giúp con người tìm ra những giải pháp thích hợp để hạn chế những tiêu cực mà chính niềm tin mang lại cũng như lành mạnh hóa môi trường sinh hoạt văn hóa tâm linh, phi vật thể trong xã hội con người. Có lẽ đó là vấn đề lớn mà các nhà văn hóa, tâm linh đã và đang dày công nghiên cứu. Nơi đây, người viết chỉ trình bày một số khía cạnh về cách nhìn nhận và đánh giá hiện tượng niềm tin qua các hoạt động được xem là ‘mê tín’ phổ biến trong xã hội Việt nam hiện nay.

Để hiểu rõ hiện tượng mê tín, chúng ta cần lược qua những giải thích về khái niệm này. Theo từ điển wikipedia, “Mê tín là một niềm tin không dựa trên lý do, kiến thức, kinh nghiệm gì cả. Nó thường dùng để chỉ các tín ngưỡng và thực tiễn xung quanh sự may mắn, lời tiên tri và các lực lượng thần linh, đặc biệt là niềm tin vô lý rằng các sự kiện trong tương lai có thể bị ảnh hưởng hoặc báo trước bằng các sự kiện xảy ra trước không liên quan.”[1] Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Mê tín là lòng tin không căn cứ, cho rằng có những sự việc nhất định đem lại hạnh phúc hoặc gây ra tai họa.[2] Hòa thượng Thanh Từ thì giảng giải: “Mê tín là lòng tin mù quáng, sai lầm, không có lẽ thật. Việc mê tín không chỉ có người nhà quê dốt nát, mà cả giới trí thức cũng có như thường. Gốc rễ của mê tín là do lòng tham, sự sợ hãi và si mê.”[3] Qua sự giải thích và định nghĩa trên, mê tín có thể hiểu là niềm tin sai lầm không có căn cứ, mù quáng không có kiến thức, không đúng lẽ thật. Nguyên nhân gốc rễ của nó được đưa ra là do lòng tham, sợ hãi và si mê. Trên cơ sở khái niệm này, chúng ta hãy tìm hiểu một số sinh hoạt tiêu biểu được cho là mê tín đang phổ biến trong xã hội hiện nay thông qua ba nhóm hiện tượng như sau:

Hiện tượng xin xăm, xem quẻ, xem tướng số, xem ngày giờ tốt xấu, bói toán…

Hiện tượng cầu tài, cầu lộc, vay tiền …

Hiện tượng tế lễ, cầu cơ, lên đồng, đốt vàng mã, chữa bịnh bằng bùa chú…

Nhóm thứ nhất đánh vào tâm lý sợ sệt những người tin vào số kiếp do tiền định an bày, tin vào sự chi phối của các lực lượng thiên nhiên như tinh tú, thần núi, sông v.v…. Ở đây không nên nhầm lẫn giữa mê tín do các thầy bói bày ra và niềm tin dựa vào môn khoa học đông phương do các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm lập ra. Các thầy bói phần lớn dựa trên tâm lý và những sự kiện đã xảy ra để phán đoán sự việc cho tương lai, trong khi đó môn khoa học phương đông dựa trên chu kỳ tuần hoàn của thuyết âm dương với những tính toán có cơ sở khoa học. Thật ra, ngày giờ không phải tốt hay xấu mà là thích hợp hay không thích hợp cho công việc này hay công việc khác. Việc vận dụng đúng nguyên tắc thời gian hỗ trợ rất tích cực cho ngành y học phương đông, nhất là khoa châm cứu. Điểm hạn chế của môn này là chỉ trình bày những sự kiện xảy ra trong quá khứ đến hiện tại, và có thể phỏng đoán tương lai nhưng không thể nói đúng hoàn toàn cho tương lai, và đặt biệt không đề cập đến lộ trình phát triển tâm linh. Đó là lý do tại sao thầy bói toán nào cuối cùng đều có chung lời khuyên là hãy tu tâm, tích đức, tránh ác, làm thiện.

Nhóm thứ hai là biểu hiện của lòng tham con người. Lòng tham là động cơ thúc đẩy nhiều người đến các miếu, đền, đình và thậm chí các chùa nơi thờ các thần thánh như Bà Chúa Xứ, Bà Đen (ở miền nam), Bà Chúa Kho (ở miền bắc), v.v... Mục đích của những người tới những nơi này là cầu xin làm ăn phát đạt, mau chóng phát tài, thăng quan tiến chức...

Nhóm thứ ba vừa thể hiện lòng tham, tâm lý lo sợ, vừa mong mỏi báo đáp công ơn theo quan niệm tín ngưỡng dân gian. Tế lễ là một loại mê tín nếu nó mang tính chất sát hại giáo điều cho dù nó được xã hội hóa trở thành các lễ hội văn hóa của một số dân tộc hay nhóm người. Trong nhóm này, đốt vàng mã ảnh hưởng người Việt nhiều nhất và cũng là điều bị phản ánh nhiều nhất trong xã hội.

Còn một nhóm thứ tư cũng có thể bị xem là mê tín nếu mục đích giống như ba nhóm trên, nhưng nó lại là pháp môn tu tập nếu người hành trì đúng cách với mục đích thanh tịnh hóa thân tâm và lòng mong mỏi an lạc hạnh phúc cho mọi người. Đó là sự lễ bái, cúng kiến, cầu nguyện. Ranh giới của nó nằm ở tâm suy nghĩ người hành trì. Do đó, nhóm này thường dễ bị nhầm lẫn và dễ bị lạm dụng nhất.

Sau khi tìm hiểu sơ lược các dạng mê tín và nguyên nhân căn bản dẫn đến sự tồn tại của chúng, vấn đề quan trọng đặt ra là làm thế nào để đánh giá đúng những tiêu cực và những giá trị nếu có thông qua các hiện tượng này. Cho đến nay, chúng ta chỉ lên án mà chưa tìm ra giải pháp thay thế hữu hiệu vì thực tế hoạt động này càng ngày gia tăng. Hơn nữa, dựa vào tiêu chí nào để đánh giá tính tiêu cực của những hiện tượng này xem ra chưa có câu trả lời xác đáng. Chưa có một nghiên cứu nào chứng minh hậu quả tiêu cực nghiêm trọng do những hiện tượng được cho là mê tín đem lại trừ việc chữa bịnh bằng bùa chú.

Trước hết, ta thử làm một bài toán so sánh giữa hậu quả của các hiện tượng này với hậu quả của các hoạt động giải trí được cho là tiến bộ để thấy kết quả thế nào? Mục đích của sự so sánh này là để tìm ra những tiêu cực do mê tín đem lại so với các hoạt động khác. Có thể đưa ra 5 điểm như sau:

Tốn kém: Chi phí cho các hoạt mê tín như cầu tài, đốt vàng mã, xem tướng số…sẽ không thể nào vượt qua các chi tiêu cho các hoạt động của những người đến những nơi giải trí như vũ trường, casino…

Tội phạm: Số tội phạm nếu có trong những người hoạt động mê tín sẽ không thể nào nhiều hơn so với tội phạm xuất phát từ những người sinh hoạt ở những nơi ăn chơi giải trí.

Đạo đức: Những người mê tín cho dù phạm tội thì việc lễ bái, cầu xin vẫn là cơ hội để họ ăn năn tội lỗi, nó vẫn tốt hơn là những tội phạm dùng tiền để ăn chơi xa xỉ.

Văn hóa: Có những sinh hoạt mê tín nhưng vẫn để lại nét văn hóa cho cộng đồng xã hội nơi mọi người đến chia sẻ tín ngưỡng như lễ hội Bà Chúa Xứ - An Giang, Bà Đen Tây Ninh, Bà Chúa Kho Bắc Ninh, v.v…

Giáo dục: Dù bị cho là mê tín, những hoạt động ấy vẫn có giá trị góp phần giáo dục con cháu hướng đến điều thiện vì những người bị cho là mê tín vẫn còn biết tránh ác, làm lành, còn biết dạy con cháu noi theo phong tục tốt.

Như vậy, tiêu cực của những hoạt động mê tín chưa cho thấy dấu hiệu nào quá đáng để dẫn đến tội phạm trừ một số trường hợp do những người trục lợi xúi giục gây nên. Do đó, có lẽ chưa công bằng khi chúng ta dùng tư duy chủ quan để đánh giá, phê phán hoạt động tín ngưỡng (được cho là mê tín) mà chưa tìm ra giải pháp thay thế thiết thực nào. Mỗi người là mỗi hoàn cảnh và một học giả chưa hẳn là không mê tín bởi cái mê tín của họ vi tế và khó nhận ra. Ta cứ thử điều tra về niềm tin của các học giả ngay cả những nơi được cho là văn minh nhất thì sẽ rõ. Hơn nữa, một người có điều kiên thuận lợi không thể so sánh với người đang gặp nghịch cảnh để đánh đồng sự sinh hoạt của họ. Nếu ta đặt vị trí mình vào hoàn cảnh của những người dân lam lũ, khổ cực, luôn lo sợ những bất an xảy ra thì hy vọng ta sẽ hiểu rõ họ hơn và có thể giúp họ nhiều hơn.

Cuộc sống không đơn thuần diễn ra theo đường thẳng trên một mặt phẳng nên không thể đánh giá đơn thuần là đúng hay sai rồi phê phán chỉ trích. Mỗi hoạt động trong xã hội là một biểu hiện của xã hội. Nếu ta nghiên cứu kỹ các hiện tượng trên sẽ thấy những điểm tiêu cực và giá trị của nó để từ đó điều chỉnh, uyển chuyển sao cho nó thay đổi dần theo chiều hướng tích cực. Có lẽ đó là điều chúng ta mong muốn.

Muốn đạt được mục tiêu ấy không có gì khác hơn là phải có phương thức giáo dục con người về nhận thức. Hiện nay, khi ta chưa thể thực hiện ở phạm vi rộng vì nền giáo dục chưa ổn định thì ít nhất việc giáo dục văn hóa ứng xử ở những nơi diễn ra lễ hội là điều có thể thực hiện được. Ở những nơi tôn nghiêm thuộc Giáo hội quản lý thì chính các tăng ni và nhân viên phục vụ phải là những người có trách nhiệm hướng dẫn khách hành hương lễ bái, cầu nguyện và thể hiện cách ứng xử có văn hóa. Thay vì để khách hành hương cầu nguyện theo cách bị cho là mê tín thì tăng ni hãy làm các bài sám nguyện hay sớ để phát cho khách biết phương pháp thực hành. Cách làm như thế vừa giúp tín đồ hành trì đúng vừa không cần phải e ngại và lên án việc viết sớ mướn mà các báo đề cập. Sự hướng dẫn về các lễ phẩm dâng cúng, cách lễ bái cầu nguyện và thái độ hành xử nơi tôn nghiêm như cúng dường, xử lí rác thải, bảo vệ môi trường, v.v…. là việc không phải là quá khó. Những thiền viện của Hòa thượng Thanh Từ xây dựng chẳng phải là những minh chứng cụ thể về cách quản lý sao?!

Đối với những nơi thờ ông, thờ bà, thờ thánh mẫu; những nơi thờ các vị có công với đất nước, hay những nơi diễn ra các lễ hội thì chính những người quản lý phải hiểu rõ về giá trị văn hóa và tâm linh ở những nơi ấy. Họ cần phải biết cách ứng xử có văn hóa và là người hướng dẫn khách ứng xử như vậy. Những nơi cúng tế có ý nghĩa biết ơn tổ tiên, người có công với đất nước thì phải có sử liệu phổ biến về lịch sử công lao của các vị ấy. Những bài văn cúng tế các vị ấy cũng nên được soạn và phổ biến cho khách hành hương. Đó là trách nhiệm không thể thiếu của những người quản lý. Thực hiện được điều ấy sẽ giảm thiểu tồn tại bấy lâu nay là ‘người quản lý chưa có ý thức về những giá trị văn hóa, sự biết ơn đến những bậc được tôn thờ nhưng lại đòi hỏi khách hành hương, lễ bái có ý thức về điều đó.’

Sở dĩ việc giáo dục ý thức chưa thực hiện có hiệu quả là do chúng ta đặt nặng về lợi ích vật chất, tranh đua vì lợi nhuận hơn là bảo vệ và phát triển giá trị tinh thần. Một khi vấn nạn này chưa được giải quyết thì sự hô hào hay lên án chỉ có tác động dư luận trong khoảnh khắc nào đó rồi sự việc đâu cũng vào đó. Để chỉnh đốn vấn nạn này thì không gì khác hơn là phải tuyển chọn đúng nhân sự vào bộ máy quản lý từ trực tiếp đến gián tiếp. Những người được tuyển chọn phải được đào tạo, phải hiểu và thể hiện sự hiểu về giá trị văn hóa qua cách hành xử chính họ. Khi ấy may ra sự tuyên truyền có thể đem đến kết qủa nào đó.

Riêng về Phật giáo, do quá trình tiếp biến văn hóa và ảnh hưởng qua lại giữa các phong tục tập quán, đạo Phật từ chỗ chỉ là con đường tâm linh thuần túy, trở thành tôn giáo tín ngưỡng. Dù chúng ta có phủ nhận quan điểm này thì thực tại những gì xảy ra đối với đạo Phật vẫn cho ta thấy là như thế. Không chỉ Phật giáo phát triển bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa mà ngay cả Phật giáo nguyên thủy cũng vậy. Sự thật Phật giáo ở các nước Nam tông chứng minh rất rõ quan điểm này. Từ cơ sở này chúng ta sẽ dễ dàng nhìn nhận tình trạng Phật tử sinh hoạt như thế nào hiện nay.

Đa số Phật tử có lòng tin Tam bảo và hiểu nhân quả nhưng những gì xảy ra trong thực tế đôi khi là sự đấu tránh khốc liệt giữa cái thiện và cái ác, cái đúng là cái sai. Sự khó khăn của cuộc sống và lòng tham của con người đã thúc đẩy họ đi cầu xin. Đạo Phật thì luôn khuyến khích con người tự lực, tin sâu nhân quả nhưng con người thì luôn cảm thấy yếu đuối và cần nương tựa, cầu nguyện, che chở. Nếu Phật không ban lộc thì họ tự tìm đến những nơi khác để cầu xin thần thánh ban cho. Lòng tin của họ thúc đẩy họ đi dù họ vẫn biết và hiểu những lời khuyên không quy y thiên thần quỷ vật. Đó là nhu cầu bức thiết của con người và xét cho cùng cũng không phải là tội ác hay xấu xa nếu như chỉ là cầu xin.

Sự tiếp biến văn hóa cùng với nhu cầu tín ngưỡng của những người bình dân đã thôi thúc các vị tổ sư phương tiện đưa ra nhiều cách giáo hóa. Sự ra đời của nhiều vị Phật, nhiều vị Bồ tát thần thông với hạnh nguyện cứu khổ độ sanh là sản phẩm tất yếu trong một xã hội nặng về tín ngưỡng. Đó là một sự sáng tạo rất tinh tế vừa đáp ứng cho số đông quần chúng vừa là pháp tu cho những hành giả tu tập. Hiểu được những ẩn ý của các vị tổ thì chúng ta không còn suy nghĩ cứng nhắc và đánh giá theo cảm tính chủ quan. Những người làm công việc hoằng pháp thiết nghĩ cũng nên hiểu rõ điều này.

Ngày xưa, người ta theo đức Thế Tôn không phải chỉ vì giáo pháp Ngài hay mà chính vì Ngài là người đủ năng lực che chở và đem hạnh phúc đến cho họ. Chỉ cần ở cạnh bên Ngài là họ đủ thấy an ổn và hạnh phúc rồi. Vậy thì họ đâu cần cầu xin ai làm gì nữa. Những vị tổ kế tiếp cũng thể hiện được đều đó. Cho đến ngay nay, những vị đạo cao đức trọng, những vị lãnh đạo Giáo hội có đức độ trực tiếp hướng dẫn tín đồ thì số người tham gia cầu đảo cũng ít hơn nhiều so với tín đồ ở những chùa thiếu thầy hướng dẫn. Xét cho cùng những người lãnh đạo, những bậc đạo sư thật là quan trọng và là yếu tố giúp giảm đi mê tín. Giáo pháp có hay thế nào đi nữa mà không có người hiểu và hướng dẫn đúng thì nó cũng như xác chết quý giá. Cũng như có nhiều thuốc tốt mà không có bác sĩ giỏi thì thuốc cũng chỉ là thuốc quý mà thôi. Do đó, trách nhiệm của chúng ta là tạo ra được những con người lãnh đạo như thế tốt hơn là phê phán và chỉ trích những hiện tượng xảy ra mà không có giải pháp hữu hiệu, cụ thể nào.

Wednesday, June 16, 2010

Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Đỗng Quán




HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỖNG QUÁN

TRƯỞNG BAN ĐIỀU HÀNH LÂM THỜI THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH - TRÚ TRÌ SẮC TỨ TỔ ĐÌNH THIÊN HÒA



I. THÂN THẾ

Hòa Thượng Thích Đỗng Quán thế danh Đỗ Châu Đức sinh năm Bính Dần (1926) tại thôn Quan Quang, xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hoà thượng sinh trưởng trong gia đình có truyền thồng nhiều đời thâm tín Tam Bảo. Thân phụ là cụ ông Đỗ Hoạch, thân mẫu là cụ bà Trần thị Tú. Thân sinh Hoà thượng có 5 người con, hai trai ba gái, hai người con trai xuất gia và trở thành một trong những danh tăng có nhiều đóng góp cho Phật giáo miền Trung và cả nước, đó là Hoà thượng Thích Đỗng Quán và Hoà thượng Thích Đỗng Minh. Tuy gia đình Hoà thượng sống ở nông thôn, nhưng song thân của Ngài rất chú trọng đến giáo dục và học hành của con cái, nên từ thuở thiếu thời Hoà thượng đã được song thân cho theo học chữ Hán với các nhà nho tại địa phương đồng thời theo học tiểu học. Hoà thượng đã đậu tiểu học năm 1940.

II. XUẤT GIA HỌC ĐẠO.

Tuy tuổi nhỏ nhưng nhờ túc duyên từ trước do vậy Hoà thượng sớm nhận thức cuộc đời là vô thường, thế gian tạm bợ cho nên tâm nguyện xuất gia lúc nào cũng hun đúc trong lòng. Ngày rằm tháng 8 năm 1941, Ngài đến chùa Khánh Vân, thôn Văn Quang, xã Phước Quang xin tập sự sống đời sống xuất gia với cố Hoà thượng Chơn Quang (là chú ruột).

Năm 1942 cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Thắng đưa Ngài vào chùa Thiền Lâm, Phan Rang. Nơi đây Ngài lạy Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Tân làm Bổn sư và được cho pháp danh : Thị Quảng, tự Hạnh Nhơn, hiệu Đỗng Quán, Hoà thượng là vị đệ tử xuất gia đầu tiên của Ngài Huyền Tân

Năm 1943, sau khi xuất gia một năm, vì sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, đào tạo tăng tài nên Hoà thượng Bổn sư gửi ngài về Bình Định theo học lớp Phật pháp tại Tổ đình Long Khánh, Quy Nhơn.

Từ năm 1946 đến năm 1953, Hoà thượng tu học tại chùa Hưng Long theo học chương trình Trung học tại trường Thị Nại ở Biểu Chánh, cũng trong thời gian này Hoà thượng cùng một số huynh đệ trong tỉnh Bình Định tiến hành một số công việc Phật sự.

Năm 1950 vâng lời Đại lão Hoà thượng Thích Giác Tánh, Hoà thượng cùng một số chư tăng trẻ Bình Định thành lập chúng Lục Hòa tại chùa Tịnh Liên, do Hoà thượng Giác Tánh lãnh đạo.

Sau ngày phân chia đất nước 1954. Từ năm Giáp Ngọ 1954 đến năm Mậu Tuất 1957, Hoà thượng cùng một số pháp hữu như: Hoà thượng Thích Đồng Thiện, Hoà thượng Thích Tâm Hiện, Hoà thượng Thích Liễu Không, Hoà thượng Thích Từ Hạnh, Hoà thượng Thiện Nhơn, Hoà thượng Thích Tâm Lâm …. theo học lớp Trung đẳng Phật học tại Tăng học đường Trung Việt do Tổng Hội Phật giáo Trung phần tổ chức tại chùa Long Sơn, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, do Hoà thượng Thích Huyền Quang làm Giám đốc.

Năm 1957 Hoà thượng thọ Tỳ kheo tại Đại giới đàn chùa Long Sơn Nha Trang do Đại lão Hoà thượng Thích Giác Nhiên làm đường đầu. Cũng trong thời gian này Hoà thượng được Hội Phật giáo Trung phần đề cử đi thuyết giảng Phật pháp tại các tỉnh: Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi Hoà thượng là một trong số các vị giảng sư xuất sắc đương thời.

Do nhu cầu phát triển chung của giáo dục Phật giáo, từ năm 1957 Phật học đường Long Sơn Nha Trang và Phật học đường Báo Quốc Huế hợp nhất thành Phật học Viện Trung phần, đặt tại chùa Hải Đức, Nha Trang, nơi đào tạo tăng tài cho cả nước.

HT Thích Đỗng Quán cùng chư tôn Trưởng Lão môn phái Chúc Thánh Minh Hải Bình Định

tại Chùa Hưng Khánh (ảnh PGĐC chụp năm 1998)

I. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO

1. Công tác hoằng dương chánh pháp

Năm 1958 sau khi học xong khóa học tại Tăng học đương Long Sơn, Nha Trang, Hoà thượng cùng các pháp hữu trở về Bình Định cùng khởi xướng chương trình giáo dục và đào tạo tăng tài trong tỉnh.

Vì sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, báo Phật ân đức, Hoà thượng cùng một số Chư Tôn đức tỉnh Bình Định khởi xướng thành lập Tu viện Nguyên Thiều và được sự hưởng ứng tham gia của hầu hết Chư Tôn thiền đức trong tỉnh. Ngày 15 tháng 8 năm Mậu tuất (27-9-1958) Tu viện Nguyên Thiều được thành lập, Hoà thượng là một trong 12 thành viên sáng lập gồm quý Hoà thượng: Hoà thượng Thích Giác Tánh, Hoà thượng Thích Tâm Hoàn, Hoà thượng Thích Huyền Quang, Hoà thượng Thích Bảo An, Hoà thượng Thích Quang Ngọc, Hoà thượng Thích Minh Quang, Hoà thượng Thích Bửu Quang, Hoà thượng Thích Đồng Thiện, Hoà thượng Thích Đỗng Quán, Hoà thượng Thích Liễu Không, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Hoà thượng Thích Như Bửu, đồng thời Hoà thượng cũng là thành viên Ban quản trị Tu viện trong những ngày đầu thành lập.

Cuối năm 1963, Hội đồng quản trị Tu viện Nguyên Thiều quyết định thành lập trường Bồ đề Nghĩa Thục xây dựng tại đồi Tháp Bạc (trước Tu viện Nguyên Thiều). Sau vì chiến tranh trường Bồ đề Nghĩa Thục được dời về Thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, lấy tên là Trường Trung học tư thục Bồ đề Nguyên Thiều Diêu Trì, Ban quản trị nhất trí đề cử Hoà thượng làm Giám đốc.

2. Dịch thuật và biên soạn.

Mặc dù đang bận nhiều công tác Phật sự, Hoà thượng vẫn dành thời gian tham cứu Phật pháp, đặc biệt Hoà thượng rất đắc ý với môn Duy thức học, Hoà thượng đã trước tác quyển: Khái quát về nhân minh nhập chánh lý luận. Ngoài ra, Hoà thượng còn bỏ nhiều công sức sưu tầm, nghiên cứu lịch sử Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

Hoà thượng đã biên soạn và dịch một số tác phẩm như sau :

Những tự viện khai sáng, tái thiết, hoằng dương theo hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh đã được truy tầm.

Nhân Minh luận giáo khoa.

Kinh Kim Cang giáo khoa.

Lược sử các Tổ đình.

Tiểu sử Danh tăng.

Đồng thời Hoà thượng còn cộng tác với Ban biên tập Tiểu sử Danh tăng Việt nam thế kỷ 20.

3. Xiển dương Môn phái.

Thuở sinh thời, Hoà thượng thường rất ưu tư về Tông môn Hệ phái nhất là Thiền phái Chúc Thánh do Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo khai sáng tại Việt Nam và truyền thừa khắp miền Nam. Thời gian trước năm 1975 dù có rất nhiều công việc Phật sự cần phải làm, Hoà thượng đã thu thập tài liệu về Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh

Từ năm 2000 Hoà thượng dành nhiều thời gian đi thăm viếng khắp các tỉnh miền Trung và miền Nam, vận động Chư tôn đức trong môn phái Lâm Tế Chúc Thánh thành lập Ban điều hành của Môn phái. Sau nhiều năm kiên trì vận động, đến năm 2004 Ban điều hành lâm thời được hình thành và Hoà thượng được mời làm Trưởng ban điều hành lâm thời cho đến ngày viên tịch.

Ngày 17-12-2004 (1.11.Giáp Thân) ngày kỷ niệm Tổ khai sơn viên tịch, Hoà thượng được Môn phái Chúc Thánh suy cử làm Trưởng Ban trùng tu Tổ đình Chúc Thánh tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

4. Xây dựng và trùng tu.

Năm 1958 Tu Viện Nguyên Thiều được thành lập, Hoà thượng là người có nhiều đóng góp to lớn cho công tác xây dựng Tu viện.

Cuối năm 1963 xây dựng trường Trung học tư thục Bồ Đề Nguyên Thiều, tại thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước.

Năm 1971, Hoà thượng khởi công tái thiết chùa Sắc tứ Tịnh Liên do Đại lão Hoà thượng Cao Minh khai sơn, tại thôn Liêm Trực, Thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Năm 1972 Môn phái đề cử Hoà thượng đảm nhận chức vụ trú trì chùa Sắc tứ Thiên Hòa, thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sau khi nhận trú trì Hoà thượng dự kiến và chuẩn bị đại trùng tu chùa, trong khi chuẩn bị các mặt cho việc trùng tu thì gặp phải giai đoạn xã hội thời cuộc thay đổi, kinh kế ngày một khó khăn, do vậy ý định trùng tu phải tạm thời dừng lại. Mãi đến năm 2000 khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, kinh kế dần dần ổn định công việc trùng tu mới bắt đầu tiến hành. Tuy nhiên, chùa thuộc vùng nông thôn, đồng bào Phật tử tại địa phương ít và kinh tế hạn cuộc nên việc trùng tu phải kéo dài nhiều năm chùa Thiên Hòa mới được khang trang như ngày hôm nay.

Suốt thời gian tu học, hành đạo, Hoà thượng đã ở nhiều nơi nhưng có lẽ chùa Thiên Hòa là nơi Hoà thượng dừng chân lâu nhất, đồng thời chùa Thiên Hòa được như ngày hôm nay có sự đóng góp lớn lao của Hoà thượng

Để ghi nhận và tán dương những đóng góp của ngài với Đạo pháp và Giáo hội, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ V, 2002–2007 ngài đã được Đại hội tấn phong lên hàng giáo phẩm Hoà thượng.

5. Nhiếp hóa đồ chúng.

Trong công cuộc truyền đăng tục diệm Hoà thượng đã hóa độ chúng đệ tử xuất gia và tại gia khá nhiều, đồng thời Hoà thượng làm chỗ nương tựa tinh thần cho hàng Phật tử xa gần nhất là nhân dân ở thôn Tri Thiện.

Hoà thượng có một đặc tính là hay chu du thăm viếng nhiều nơi, từ miền Nam miền Trung cho đến miền Bắc, từ thành thị cho đến nông thôn, từ miền trung du cho đến miền núi, Hoà thượng thăm viếng bất kể nơi đâu từ ngôi Tổ đình to lớn cho đến ngôi chùa nhỏ bé ở tận xa xôi, không phân biệt Sơn môn, hệ phái, không so sánh vị đó là Hoà thượng, Thượng tọa hay người thủ tự hương khói cho chùa, dù tăng, ni hay cư sĩ Phật tử, dù người đó là một vị cao tăng hay vì thiếu duyên đã hoàn tục. Hoà thượng thường tâm sự với các huynh đệ: Nếu đầy đủ nhân duyên tôi muốn được đi nhiều nước để tìm hiểu thêm về các nước khác.

HT Thích Đỗng Quán cùng chư Tăng môn phái Lâm Tế Chúc Thánh

tại Tổ Đình Chúc Thánh - Hội An, Quảng Nam (ảnh PGĐC chụp năm 2004)

IV. THỜI GIAN VIÊN TỊCH.

Hơn tám mươi năm hoằng pháp lợi sinh, tựa như một cỗ xe đến thời kỳ hư hoại, và cũng là quy luật tất yếu của kiếp người, sanh lão bệnh tử, Hòa thượng đã lâm bệnh. Mặc dù được Môn phái, cũng như môn đồ pháp quyến và các y, bác sỹ bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định tận tình chăm sóc chữa trị, nhưng tuổi cao sức yếu Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch vào lúc 14h 30 ngày 26 tháng Giêng năm Kỷ Sửu (nhằm ngày 20 tháng 02 năm 2009) tại Sắc tứ Tổ đình Thiên Hòa, thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, trụ thế 84 năm, 53 hạ lạp.

Cuộc đời và sự nghiệp của Hoà thượng có nhiều đóng góp thiết thực cho Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Bình Định nói riêng trong nhiều lĩnh vực, nhất là phương diện kiến tạo cơ sở giáo dục cũng như kiến thiết, trùng tu nhiều ngôi chùa làm nơi sinh hoạt, tu học cho nhiều thế hệ tăng ni, Phật tử. Đặc biệt, Hoà thượng rất linh hoạt trong ứng đối và xây dựng, nhất là xây dựng chùa chiền và các công trình cổ kính. Sinh tiền Hòa thượng tính tình thẳng thắn, ít khi chịu quy lụy bất cứ ai. Cuộc đời của Hoà thượng là tấm gương sáng là bài học lớn cho hậu thế.

Suốt cuộc đời của Hòa thượng từ lúc xuất gia tu học đến lúc viên tịch, lúc nào cũng nghĩ đến Đạo pháp và Dân tộc, nhất là luôn nghĩ đến việc đào tạo tăng tài, Hòa thượng đã cưu mang, giúp đỡ tạo mọi thuận duyên cho nhiều tăng ni trên đường tu học, hành đạo. Bằng khả năng của mình Hoà thượng đã có những đóng góp thiết thực cho đạo pháp, luôn mong muốn Đạo pháp cửu trụ ở cõi Ta bà.

Theo định luật vô thường Hòa thượng đã xả bỏ báo thân nơi cõi Ta bà, nhưng pháp thân của Hòa thượng mãi còn ở thế gian này, trong hàng đệ tử xuất gia và tại gia của Hoà thượng và luôn tiếp nối hạnh nguyện lợi tha, hoằng dương Đạo pháp lợi lạc chúng sanh.

Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Nhị Thế, Thành Viên Sáng Lập Tu Viện Nguyên Thiều, Trùng Tu Tịnh Liên, Thiên Hòa, húy Thượng Thị hạ Quảng, tự Hạnh Nhơn, hiệu Đỗng Quán Hoà thượng Tôn Sư chứng giám.

MÔN ĐỒ PHÁP QUYẾN

Soạn theo ghi chép của Sư Ông

Cùng tham khảo các tư liệu khác

Một góc Phật điện Chùa Thiên Hoà - Tuy Phước, Bình Định (ảnh PGĐC chụp năm 2004)