Tuesday, March 6, 2012

Cầu Nguyện Trong Phật Giáo

Cầu nguyện trong Phật giáo như vậy hoàn toàn mang tính tự lực, không có bóng dáng của tha lực, nghĩa là không có sự giúp đỡ hay gia hộ theo nghĩa ban phép lành của chư Phật và các vị thánh hiền. Vậy thì người phật tử thường cầu nguyện chư Phật và các vị Thánh hiền gia hộ cho mình và người khác mang ý nghĩa gì? Sự gia hộ ở đây có nghĩa là chư Phật và các vị Thánh hiền truyền sức mạnh niềm tin và cảm xúc hứng khởi cho người cầu nguyện hành động thánh thiện trong cuộc đời. Bất cứ khi nào ta nhận được niềm tin và cảm xúc hứng khởi từ hành động và nhân cách cao thượng của ai đó rồi hành động thiện lợi trong cuộc đời thì khi đó ta có thể nói rằng người đó đã gia hộ cho ta. Martin Luther King, nhà lãnh đạo phong trào vận động quyền công dân tại Hoa Kỳ mà ngày nay cả nước Mỹ tôn vinh, đã chịu ảnh hưởng sâu sắc nguyên lý bất bạo lực hay còn gọi là bất hại được nhà lãnh đạo độc lập người Ấn độ Mohandas Gandhi đề xướng với tên gọi Chấp trì chân lí trong cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân đế quốc Anh. Ta có thể nói rằng sự thành công trong phong trào đấu tranh bất bạo động giành quyền công dân của Martin Luther King là nhờ sự gia hộ của Mohandas Gandhi.

Cầu nguyện là một hoạt động tinh thần phổ biến của con người, có từ buổi sơ khai của nhân loại. Ngay khi có ý thức về sự bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên, trước sự tồn tại bấp bênh và sự chết chóc không thể kiểm soát được, con người bắt đầu bày tỏ sự cầu xin, ngợi ca và tạ ơn các đối tượng họ cho là thiêng liêng, có sức mạnh chi phối cuộc sống của họ.

Ngày nay trong các tôn giáo, hình thức bảy tỏ sự cầu xin, ngợi ca, và tạ ơn vẫn hiện hữu như là nhu cầu tinh thần của con người, tuy nhiên cầu nguyện còn là một hình thức thực tập tâm linh. Đối với các tôn giáo hữu thần, cầu nguyện tuy có nhiều cấp độ ý nghĩa mang tính thực tập tâm linh, nhưng ý nghĩa căn bản và truyền thống nhất là thể hiện đức tin tuyệt đối vào đấng tạo hóa toàn năng có quyền ban phước giáng họa để được nhận phúc lành sống bình an hạnh phúc trong cõi thế này. Chúng ta hãy nghe lời của một Linh mục viết về ý nghĩa cầu nguyện trong Cơ Đốc giáo như thế này: “Chúng ta quỳ gối trước mặt Thiên Chúa là một cử chỉ để tuyên xưng lòng tin, để tôn vinh uy quyền của Thiên Chúa. Quỳ gối, tức là chúng ta đã đặt mình trước Ðấng Tối Cao, tự nhận mình là nhỏ bé, quỳ gối tôn thờ. Cầu nguyện trước tiên là đến với Chúa, mà đến với Chúa như một con người nhỏ bé đến trước Ðấng Toàn Năng. Cử chỉ quỳ gối là một cách biểu lộ lòng tin, biểu lộ sự nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng Toàn Năng.” Cầu nguyện trong Phật giáo có một ý nghĩa hoàn toàn khác như thế.

Phật tử cũng quỳ gối trước đức Phật và các vị Bồ tát thánh hiền, cũng tỏ lòng tôn kính nhưng không phải để tuyên xưng lòng tin hay tôn vinh uy quyền của Phật và các vị Bồ tát thánh hiền mà chỉ để quán chiếu các đức tính hiền thiện của chư Phật và Bồ tát thánh hiền với trái tim khát khao được hoàn thiện những đức tính đó trong chính tự thân của mình nhằm thành tựu nhân cách cá nhân và hành động xây dựng xã hội toàn thiện. Mỗi lần quỳ gối hay đứng trước chư Phật và Bồ tát, phật tử cũng cảm thấy mình nhỏ bé, nhưng không phải nhỏ bé trước một đấng toàn năng đầy quyền uy thưởng phạt và sinh sát mà cảm thấy nhỏ bé trước công hạnh cao cả và nhân cách hoàn thiện của các ngài.

Như một hệ quả tự nhiên, cầu nguyện vói trái tim khát khao hoàn thiện các đức tính của chư Phật và Bồ tát thánh hiền, người phật tử tự động quán chiếu lại bản tâm mình để trừ khử những xấu ác và làm phát khởi những đức tính hiền thiện trong chính tự thân mình, vì theo Phật giáo tất cả những đức tính hiền thiện của chư Phật và Bồ tát đều hiện hữu trong con người dưới dạng tiềm năng. Do vậy, cầu nguyện trong Phật giáo là tìm một phương pháp và sự chỉ dẫn hành trì để đoạn trừ các bất thiện pháp và làm phát khởi tiềm năng trong chính tự thân chứ không phải tìm cầu sự giúp đỡ bên ngoài thay cho hành động của mình. Hay nói cách khác, cầu nguyện trong Phật giáo không phải là những ngôn từ cầu xin mà những lời chỉ dẫn tu tập, chuyển hóa tâm hồn.

Tụng kinh, niệm Phật, trì chú, thiền định trong Phật giáo là một hình thức cầu nguyện, mục đích là nhằm chuyển đổi quan niệm mê lầm xấu ác trở nên trong sáng lương thiện. “Cầu nguyện vì thế chính là phương pháp nhìn lại con người thật của mình, quan sát tâm mình và trừ khử khát vọng phàm tình, ích kỷ, ỷ lại, yếu đuối. Cầu nguyện là một cách định tâm định ý để chuyển hóa lòng mình, lòng người” (Thích Tịnh Từ) Hay nói bằng ngôn từ khác, “cầu nguyện là tiến trình làm phát khởi trạng thái cao thượng nhất là Phật tính của chúng ta. Một tiềm năng mà mọi người đều sở hữu bình đẳng như nhau. Phật tính là năng lượng sự sống căn bản và yêu thương vốn có trong vũ trụ. Cầu nguyện là tiến trình chuyển hóa những xung lực ham muốn ích kỷ thành tình thương vị tha”.(www.sgi.org/buddhism/buddhist-concepts/prayer-in-buddhism html)

Cầu nguyện trong Phật giáo như vậy hoàn toàn mang tính tự lực, không có bóng dáng của tha lực, nghĩa là không có sự giúp đỡ hay gia hộ theo nghĩa ban phép lành của chư Phật và các vị thánh hiền. Vậy thì người phật tử thường cầu nguyện chư Phật và các vị Thánh hiền gia hộ cho mình và người khác mang ý nghĩa gì? Sự gia hộ ở đây có nghĩa là chư Phật và các vị Thánh hiền truyền sức mạnh niềm tin và cảm xúc hứng khởi cho người cầu nguyện hành động thánh thiện trong cuộc đời. Bất cứ khi nào ta nhận được niềm tin và cảm xúc hứng khởi từ hành động và nhân cách cao thượng của ai đó rồi hành động thiện lợi trong cuộc đời thì khi đó ta có thể nói rằng người đó đã gia hộ cho ta. Martin Luther King, nhà lãnh đạo phong trào vận động quyền công dân tại Hoa Kỳ mà ngày nay cả nước Mỹ tôn vinh, đã chịu ảnh hưởng sâu sắc nguyên lý bất bạo lực hay còn gọi là bất hại được nhà lãnh đạo độc lập người Ấn độ Mohandas Gandhi đề xướng với tên gọi Chấp trì chân lí trong cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân đế quốc Anh. Ta có thể nói rằng sự thành công trong phong trào đấu tranh bất bạo động giành quyền công dân của Martin Luther King là nhờ sự gia hộ của Mohandas Gandhi.

Khi ta tụng đọc kinh sách tìm hiểu lời dạy, cuộc đời, công hạnh và nhân cách của Phật và các vị thánh hiền là ta cầu nguyện với các vị đó. Và khi nhân cách, công hạnh và những lời dạy của các vị đó tạo cho ta niềm tin và cảm xúc hứng khởi hành động theo lẽ phải, thánh thiện thì các vị đó đã gia hộ cho ta vậy. Trong đạo Phật, cuộc đời, công hạnh, nhân cách và lời dạy của đức Phật Thích Ca và các vị Bồ tát, các vị tổ sư là nguồn cảm hứng vô tận cho vô số người trên thế giới từ quá khứ đến hiện tại noi theo và hành theo. Nguồn cảm hứng của các ngài cho chúng sanh là vô tận thì sự gia hộ của các ngài cho chúng sanh cũng là vô biên. Nhưng đôi khi ta không nhận được sự gia hộ của các ngài là vì khi ta cầu nguyện Bồ tát Quán Thế Âm, ta không biết Quán Thế Âm là gì hay khi ta cầu nguyện đức Phật Thích Ca, đức Phật A Di Đà, ta không biết đức Phật Thích Ca, đức Phật A Di Đà là ai, đã có những công hạnh gì. Cho nên khi cầu nguyện với Phật với Bồ tát, ta phải biết cuộc đời, công hạnh, nhân cách và biểu tượng ý nghĩa của các vị đó nữa.

Ví dụ khi ta cầu nguyện với Bồ tát Quán Thế Âm, ta phải biết Quán Thế Âm là vị Bồ tát giàu lòng bi mẫn, chuyên hạnh lắng nghe tiếng khổ của thế gian để cứu khổ. Nhưng quan trọng hơn hết ta phải hiểu Bồ tát Quán Thế Âm là hiện thân của từ bi, là biểu tượng của từ bi. Bất cứ ai giàu lòng bi mẫn, rung cảm chân thành trước nỗi đau của cuộc đời và hành động bằng tất cả khả năng của mình để giúp đời đều là hiện thân của Bồ tát Quán Thế Âm. Đây cũng chính là ý nghĩa thị hiện ba mươi hai thân tướng của Bồ tát Quán Thế Âm được nói trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn. Đọc kinh chúng ta có thể không tin có một vị Quán Thế Âm đầy thần thông biến hóa, đi mây về gió, nhưng chúng ta không thể không tin sự hiện thân của vị Bồ tát này, vì sự thực trong cuộc đời có rất nhiều người với tấm lòng từ bi nhân ái đang giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn và đau khổ. Chính những người này là nguồn cảm hứng để ta phát khởi tình thương và hành động bằng tình thương. Và ngang qua hành động bằng tình thương, chúng ta sẽ “cảm nghiệm được hạnh phúc và niềm hạnh phúc ấy được gọi là sự gia hộ của Bồ tát Quán Thế Âm”

Trên đây là cầu nguyện mang tính thực tập tâm linh, còn cầu nguyện theo nghĩa cầu xin thì thế nào. Cầu xin để thỏa mãn mong ước nào đó như sức khỏe, giàu có, thành công, hạnh phúc, an bình đều là những nhu cầu chính đáng của con người. Đạo Phật không hề khước từ những nhu cầu đó. Nhưng cầu nguyện trong đạo Phật phải đi đôi với hành động. Cầu nguyện không phải là dịp để chúng ta làm biếng, đùn đẩy công việc cho các đấng Thánh hiền. Cầu nguyện chỉ là chất xúc tác tinh thần tạo niềm tin và sức mạnh để người cầu nguyện hạnh động mà thôi.

Mới đây, một nghiên cứu của các nhà khoa học tại đại học Graz, Áo và các đồng nghiệp của họ ở Đức cho thấy cầu nguyện trước khi làm điều gì đó sẽ mang lại kết quả tốt đẹp hơn. Họ tuyển tám mươi sinh viên chia thành hai nhóm, một nhóm được yêu cầu cầu nguyện và nghĩ về tổ tiên, nhóm khác nghĩ về việc mua sắm. Kết quả khảo sát về mức độ tự tin và làm một số bài kiểm tra về trí tuệ, nhóm cầu nguyện về tổ tiên tỏ ra tự tin hơn và điểm trung bình, điểm tuyệt đối của họ cũng cao hơn nhóm nghĩ về hoạt động mua sắm. Lý giải cho điều này, tiến sĩ Peter Fischer nói: “Tổ tiên chúng ta đã vượt qua hàng loạt thử thách trong cuộc sống của họ, như bệnh tật hiểm nghèo, chiến tranh, nỗi đau do mất người thân, suy thoái kinh tế. Vì thế khi nghĩ tới họ, chúng ta nhận ra rằng những con người giống hệt chúng ta về mặt di truyền có thể vượt qua nghịch cảnh đáng sợ nhất. Nhờ đó mà chúng ta cảm thấy tự tin hơn”. Cầu nguyện với tổ tiên đã có sức mạnh niềm tin vượt trội như vậy, thì khi cầu nguyện với Phật, các vị Bồ tát, các vị thánh hiền chúng ta sẽ có nhiều sức mạnh niềm tin hơn nữa, nhất là trong việc nổ lực hoàn thiện nhân cách bản thân và hành động tìm kiếm hạnh phúc tối hậu, vì Phật, Bồ tát và các vị thánh hiền đều là con người như chúng ta, trải qua bao rèn luyện khó khăn gian khổ, cuối cùng thành tựu được nhân cách và đạt được hạnh phúc tối hậu. Tóm lại, cầu nguyện sẽ tạo nên sức mạnh niềm tin, mà hạnh động với một niềm tin mạnh mẽ có thể mang lại những thành công thần kỳ.

Trên đây chúng ta mới chỉ nói đến phương diện tâm lý trong cầu nguyện, còn khía cạnh siêu hình của cầu nguyện, tức là kết quả cầu nguyện xảy ra một cách kỳ diệu mà ta hay gọi là sự linh ứng mầu nhiệm của Phật, các vị Bồ tát thánh hiền. Ví dụ có những người bệnh tật chữa hoài không hết hoặc bác sĩ đã “chê”, thành tâm cầu nguyện đức Phật Dược Sư, trong hai tháng tự nhiên họ khỏe mạnh trở lại. Hoặc có những người gặp lúc hoạn nạn, thành tâm cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ tát, họ thoát nạn một cách thần kỳ. Chúng ta giải thích như thế nào về khía cạnh siêu hình này. Chúng ta không thể cho rằng người cầu nguyện đạt được những kết quả thần kỳ như vậy là do họ thành tâm, vì ai gặp lúc hoạn nạn, nguy bách đến tính mạng đều chí thành cầu nguyện cả, nhưng sao người đạt được, người thì không. Cho nên chúng ta chỉ có thể lý giải những hiện tượng kỳ diệu đó bằng luật nghiệp báo.

Thực ra cái mà ta gọi là sự linh ứng mầu nhiệm khi cầu nguyện không thuộc tài sản của riêng tôn giáo hay hệ thống tín ngưỡng nào. Nó xảy ra khắp mọi nơi trong mọi nền văn hóa và tôn giáo. Những câu chuyện linh ứng mầu nhiệm trong Phật giáo, Cơ Đốc giáo hay Hồi giáo là một minh chứng. Đôi lúc không cầu nguyện, sự kỳ diệu vẫn xảy ra như thường. Chẳng hạn đứa bé bốn tháng tuổi bị cuốn khỏi tay mẹ khi cơn sóng thần khủng khiếp ập đến thị trấn Ishimomaki ven biển Sendai trong thảm họa động đất ở Nhật Bản ngày 11/3 vừa qua nhưng vẫn sống khỏe mạnh dưới ngôi nhà đổ nát là một điều kỳ diệu. Tất cả những điều này chứng minh cho một quy luật khách quan chi phối toàn bộ nhân sinh và vũ trụ. Đó là quy luật nhân quả nghiệp báo. Luật nhân quả nghiệp báo giải thích cho ta về những trường hợp kỳ diệu trong cuộc sống. Tại sao trong vụ tai nạn máy bay kinh hoàng xảy ra ngày 12/5/2010 cướp đi sinh mạng của 103 người, chỉ duy nhất một cậu bé mười tuổi thoát chết. Điều này luật nghiệp báo lý giải rằng 103 người tử nạn kia trong các kiếp sống quá khứ họ có thể đã cùng thực hiện một việc ác lớn nào đó hoặc là việc ác riêng lẽ từng người nhưng tính chất quả báo giống nhau và có mối nhân duyên với nhau nên đưa đẩy họ cùng đi trên một chuyến bay. Còn cậu bé chỉ có mối nhân duyên nào đó với họ mà không có nghiệp ác lớn tạo tác trong quá khứ nên thoát chết một cách thần kỳ như vậy. Vai trò nghiệp báo quyết định vận mệnh an nghuy của cuộc đời như vậy thì vấn đề cầu an, cầu siêu trong Phật giáo có tác dụng như thế nào?

Cầu an là mong ước bình an, sức khỏe và hạnh phúc cho mình và tha nhân, là nhu cầu được an ổn tự thân, đồng thời thể hiện sự quan tâm yêu thương đến người khác. Khi cầu nguyện mà trong ta có niềm tin, tình yêu thương, lòng chân thật và sự khiêm tốn thì chắc chắn cảm ứng được Phật lực gia hộ cho ta được an bình. Cầu nguyện với năng lượng niềm tin, tình yêu thương, lòng chân thật, tính khiêm tốn là một hình thức của tư duy tích cực, yếu tố quan trọng dẫn đến hành động tích cực, mà hành động tích cực là chìa khóa của thành công và hạnh phúc an lạc.

Với sức mạnh niềm tin và năng lượng tình thương, ta hướng tâm đến người ta cầu nguyện thì sẽ có tác dụng ảnh hưởng lên người đó. Tâm thức của ta có khả năng thiết lập mối quan hệ tương tác với tâm thức người khác, thậm chí là với loài vật và thực vật. Một thí nghiệm của bác sĩ Randolph Byrd cho ta hiểu thêm về tác dụng của cầu nguyện này. Ông chia 393 bệnh nhân đau tim thành hai nhóm. Một nhóm được một số người hằng ngày cầu nguyện cho mau lành bệnh, nhóm kia thì không nhưng cả hai nhóm đều được điều trị cùng một bác sĩ và thuốc men như nhau. Kết quả là nhóm được cầu nguyện bệnh tật cải thiện tốt hơn năm lần so với nhóm không được cầu nguyện.

Thực ra tác dụng có thật của cầu nguyện không phải là điều mới mẽ đối với cộng động Phật giáo, vì từ lâu giới phật tử đều biết đến tác dụng này qua những câu chuyện trong kinh sách. Ví dụ trong kinh Angulimala, thuộc Trung Bộ Kinh, thuật lại câu chuyện tôn giả Angulimala cầu nguyện cho một sản phụ đau đớn vì khó sanh. Chuyện kể rằng một hôm trên đường đi khất thực tôn giả Angulimala gặp một sản phụ khó sanh, đau đớn, nguy kịch, Tôn giả cảm thương trở về bạch với đức Phật. Đức Phật dạy tôn giả đến cầu nguyện cho sản phụ đó bằng những lời cầu nguyện thế này: “Thưa chị, kể từ khi tôi tái sanh trong Thánh đạo đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sinh, với sự thực ấy tôi nguyện cầu chị được an toàn và sanh đẻ được an toàn”. Quả thật sau khi cầu nguyện xong, người sản phụ đó được mẹ tròn con vuông!

Qua lời cầu nguyện mà đức Phật đã chỉ dạy cho tôn giả Angulimala, rõ ràng ta thấy người cầu nguyện cần phải có năng lượng tích cực thì sự cầu nguyện mới có hiệu nghiệm. Cụm từ “kể từ khi tôi tái sanh trong Thánh đạo đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sinh” nói lên sự thật rằng tôn giả Angulimala đã có công năng tu tập và tích lũy công đức từ khi bước vào đời sống xuất gia. Vậy nên khi cầu nguyện cho ai, ta phải có năng lượng tích cực của tự thân, được tạo ra bởi tình yêu thương, lòng thánh thiện và những việc làm công đức.

Một câu chuyện khác, đúng hơn là một sự kiện, được ghi lại trong Vinaya Pitaka, phần Cullavagga, mục 26-27, nói lên rằng tâm thức con người có khả năng thiết lập mối tương quan giao cảm với các loài động vật. Nhân sự kiện một vị tỳ kheo tu tập trong rừng bị rắn cắn chết, đức Phật nói rằng nếu vị tỳ kheo đó quán niệm từ tâm đối với các loài rắn thì chắc chắn sẽ không bị rắn cắn chết và ngài dạy một bài kệ[i] để các tỳ kheo thực hành rải từ tâm đến không chỉ với loài rắn mà tất cả các sinh vật khác. Quả nhiên, khi các vị tỳ kheo tụng đọc bài kệ đó với tâm lượng từ bi rải khắp các loài động vật thì không còn bị rắn, rết, bò cạp đến quấy nhiễu nữa.

Nếu chúng ta có ác tâm, gây tổn hại cho kẻ khác thì kẻ khác cũng trở nên có ác tâm và gây tổn hại lại chúng ta. Cho nên trong thế giới cộng tồn tương sinh này, cách tốt nhất để bảo vệ chúng ta khỏi bị hại là không làm hại kẻ khác. Mối nguy hiểm, bất an lớn nhất đe dọa cuộc sống chúng ta chính là chúng ta không có từ tâm với nhau. Cho nên sống mà có tâm yêu thương đến tất cả chúng sanh là cách tốt nhất để giữ gìn bản thân, bảo vệ bản thân và hộ trì bản thân. Đây cũng chính là ý nghĩa cầu an trong Phật giáo. Vậy cầu siêu thì như thế nào?

Cầu siêu cũng là mong ước cho người thân của mình được an lành hạnh phúc nhưng không phải với người còn sống mà với người đã quá vãng. Chính vì đối tượng cầu nguyện là những người quá vãng nên danh từ sử dụng là cầu siêu, siêu dộ, siêu sanh, siêu thoát, với ý nghĩa mong muốn người quá vãng được “siêu vượt lên trên”, tức là từ những cảnh giới tối tăm đau khổ đọa đày được thoát sanh lên các thế giới an lành sung sướng hơn, vì theo thế giới quan Phật giáo, có rất nhiều cảnh giới sống khác nhau, trong đó có những thế giới khổ đau, thiếu thốn, bức bách như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và những thế giới có đời sống an vui sung sướng hơn như các cõi thiên, đặc biệt sung sướng và an lạc nhất là thế giới cực lạc của Phật A Di Đà.

Giống như hiệu nghiệm của cầu an, cầu siêu cũng có tác dụng hiệu quả của nó. Bởi lẽ con người chết đi nhưng tâm thức vẫn tồn tại. Tâm thức của người còn sống và tâm thức của người đã chết vẫn có khả năng thiết lập sự tương tác ảnh hưởng lẫn nhau, dù chúng ở hai thế giới khác nhau. Bằng năng lượng tình thương, sức mạnh tâm linh do rèn luyện đạo đức và thiền định cộng với những việc làm công đức, chúng ta hướng toàn bộ năng lực này đến những người quá cố nguyện cầu họ được siêu thoát về các cảnh giới an lành thì chắc chắn có tác dụng hỗ trợ tích cực. Kinh Vu Lan thuật lại trường hợp bà Thành Đề, mẹ của ngài Mục Kiền Liên, nhờ oai lực cầu nguyện của chư Tăng thoát khỏi cảnh giới địa ngục, thác sanh lên cõi trời là một thí dụ điển hình.

Thế nhưng, trong kinh Tương Ưng, ta bắt gặp những lời dạy khác của đức Phật. Để trả lời câu hỏi liệu đức Phật có thể cầu nguyện cho những người đã chết sanh vào các thiện xứ và thiên giới, điều mà các đạo sĩ Bà La Môn đương thời tự cho là họ có khả năng làm như vậy, của thôn trưởng Asibandakaputta (A Tư La Thiên), đức Phật hỏi lại vị thôn trưởng này: Này thôn trưởng, ông nghĩ thế nào, một người khi sống đã tạo nhiều ác nghiệp như sát sanh, trộm cướp, tham lam, dối trá… cho đến sống theo tà kiến, lúc chết được nhiều người chắp tay cầu nguyện, mong rằng người này được sanh lên thiện thú, thiên giới và cõi đời này, thì có phải do nhân cầu nguyện ấy mà người đó được sanh lên thiện thú, thiên giới không? Thôn trưởng trả lời không thể có chuyện như vậy được. Có vẻ như để tăng thêm tính thuyết phục cho quan điểm của mình, đức Phật nêu lên một ví dụ:

Ví như một tảng đá lớn được ném xuống hồ nước rồi mọi người đứng trên bờ chắp tay cầu nguyện, van xin, mong rằng tảng đó ấy nổi lên. Này thôn trưởng, ông nghĩ có phải nhờ vào sự cầu nguyện đó mà tẳng đá ấy nổi lên không? Thôn trưởng trả lời đó là chuyện không tưởng, không thể nào xảy ra được.

Đến đây đức Phật kết luận: Này thôn trưởng, một người sống theo tà kiến, làm mười ác nghiệp thì khi chết dù được đông đảo quần chúng cầu nguyện sanh thiên vẫn phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ và địa ngục.

Dựa vào lời dạy trên của đức Phật, một số người cho rằng cầu nguyện trong cầu siêu là vô ích, không có tác dụng gì. Nhưng nếu như vậy thì giải thích thế nào về trường hợp bà Thanh Đề nhờ năng lực cầu nguyện của chư Tăng mà thoát khỏi cảnh giới khổ đau, sanh lên thiên giới. Phải chăng lời Phật mâu thuẫn? Tôi nghĩ kinh Phật không hề mâu thuẫn nếu ta xem xét trong bối cảnh mà bài kinh đó được nói ra.

Nhân duyên dẫn thôn trưởng Asibandakaputta đến hỏi đức Phật xem ngài có khả năng làm cho những người đã chết sanh thiên hay không là vì các đạo sĩ Bà La Môn thời đó tuyên bố họ có thể cầu nguyện cho những người đã chết bằng cách gọi tên và dẫn họ vào thiên giới. Trong thâm tâm thôn trưởng Asibandakaputta, ông cho rằng cầu nguyện như vậy đồng nghĩa với sức mạnh quyền năng, mà đức Phật thì chưa bao giờ tự nhận mình là một người có quyền năng. Cho nên ý nghĩa cầu nguyện mang tính quyền năng như vậy không được đức Phật chấp nhận. Ngài phủ nhận là phủ nhận chính điểm này, chứ không phải phủ nhận hoàn toàn vai trò cầu nguyện trong tiến trình siêu độ vong linh.

Năng lực cầu nguyện không phải là sức mạnh quyền năng muốn đẩy ai xuống địa ngục thì đẩy, muốn đưa ai lên thiên đường thì đưa. Xuống địa ngục hay lên thiên đường là tùy vào nghiệp lực của mỗi người. Khi một người đã chết mang theo nhiều nghiệp bất thiện, thì cầu nguyện chỉ đóng vai trò trợ duyên, soi sáng và thức tỉnh tâm thức người đó để họ tự chuyển hóa nghiệp duyên của mình mà thăng hoa lên các cõi lành. Đây chính là ý nghĩa cầu siêu trong Phật giáo.

Cầu nguyện trong Phật giáo, tóm lại, dù với mục đích nào, thực tập tâm linh, thực hiện một điều ước, hoàn thành một tâm nguyện, đạt được một thành tích hay gì gì đi nữa, thì tất cả đều phải được đặt trên sự tự nỗ lực bản thân, đối tượng mà ta cầu nguyện chỉ đống vai trò đánh thức niềm tin và truyền cảm hứng cho ta nỗ lực hành động mà thôi.


[i] Với các loài không chân, tôi có tâm yêu thương

Với các loài hai chân, tôi có tâm yêu thương

Với các loài bốn chân, tôi có tâm yêu thương

Với các loài nhiều chân, tôi có tâm yêu thương

Xin các loài không chân đừng làm hại tôi

Xin các loài hai chân đừng làm hại tôi

Xin các loài bốn chân đừng làm hại tôi

Xin các loài nhiều chân đừng làm hại tôi

Hết thảy chúng sinh, tất cả sinh vật

Và tất cả sinh linh

Nguyện cầu tất cả đều được an lành

Nguyện cầu tất cả không gặp điều ác hại.

Hoàng Nguyên

Theo daophatngaynay.com

Sunday, March 4, 2012

Người ngu & người trí

Triết gia La Rochefoucauld đã nói: “Có ba thứ ngu dốt: không biết điều phải biết, biết bậy điều đáng biết, và biết điều không nên biết”. Có thể người nào cũng đều có ba thứ ngu dốt đó. Bởi có những điều cần biết nhưng ta chưa biết, có nhiều điều tuy biết mà lại biết sai bậy… Trong khái niệm thông thường, người ngu là người dại, không hiểu biết gì cả. Nhưng trong học thuật, danh từ người ngu lại có nhiều khái niệm, phân loại khác nhau. Cho nên, không phải hễ thấy người không biết gì rồi mặc nhiên gán cho họ là loại người ngu được.

Kinh điển Phật giáo cũng có đề cập đến loại người ngu. Khái niệm về người ngu được định nghĩa qua kinh tạng Nguyên thủy như sau: “Này các Tỳ-kheo, có ba đặc điểm, đặc tướng, và đặc ấn này của người ngu. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỳ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ và hành các ác hạnh. Này các Tỳ-kheo, nếu người ngu không tư duy ác tư duy, không nói lời ác ngữ, không hành ác hạnh, thời làm sao kẻ trí biết được người ấy: Người này là người ngu, không phải là chân nhân? Và vì rằng, này các Tỳ-kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ, hành ác hạnh, do vậy, người trí biết người ấy: Người này là người ngu, không phải là chân nhân” (kinh Hiền Ngu). Lời kinh chỉ ra ba đặc điểm của loại người ngu: tâm ý tư duy điều ác, miệng nói lời ác, thân làm các điều ác.

Tư duy là suy nghĩ, nhận thức của một người về biểu tượng, khái niệm, phán đoán. Người tư duy ác tư duy là người chuyên nghĩ đến điều ác, gây đau khổ, tai họa cho người khác như: nghĩ đến việc hãm hại người, nghĩ đến việc trả thù người, nghĩ đến việc cạnh tranh hơn thua, nghĩ đến việc những khát khao ái dục... Người nói lời ác ngữ là nói những lời lẽ gây đau khổ, tai họa cho người khác như: mắng chửi, nói lời hận thù, nói lời dua nịnh, nói lời gây rối, nói lời tục tĩu, nói lời khiêu khích,... Người hành ác hạnh là người làm những việc gây đau khổ, tai họa cho người khác như: dùng vũ lực đánh người, hãm hại người yếu hơn mình, dùng sức mạnh để cưỡng đoạt, trộm cướp của người,... Tóm lại, người ngu ba nghiệp cả thân miệng ý đều ác.

Ngược lại với người ngu là người có trí. “Trời và đất, này các Tỳ-kheo, là sự việc thứ nhứt rất xa, rất xa với nhau. Bờ biển bên này, này các Tỳ-kheo với bờ biển bên kia, là sự việc thứ hai rất xa, rất xa với nhau. Pháp của hạng người bất thiện, này các Tỳ-kheo, với pháp của hạng người thiện, là sự việc thứ tư rất xa, rất xa với nhau” (kinh Tăng Chi Bộ). Người trí là người có khả năng nhận thức, ghi nhớ, suy nghĩ, phán đoán… đúng đắn, chính xác về các phương diện trong đời sống xã hội. Những tính chất của người trí biểu hiện ở các phương diện như trí nhớ, trí khôn, trí lực, trí năng, trí óc, trí thức, trí tuệ. Theo Phật giáo, người trí là người biết phát huy tuệ giác biết rõ thiện và ác cùng nguyên nhân của nó; biết rõ Nhân quả, biết rõ Bốn sự thật khổ tập diệt đạo; biết rõ Duyên khởi (kinh Chánh Tri Kiến). Tóm lại, người trí ba nghiệp của thân miệng ý đều hiền thiện.

Tu học là vận dụng tuệ giác để biết rõ Nhân quả nên tạo nhân tốt để tránh quả báo khổ đau. Kinh Tạp A-hàm, số 281, nói đến quả báo của người ngu làm ác như sau: Đa văn Thánh đệ tử ở chỗ vắng vẻ trong rừng, dưới bóng cây, tu học như vầy, tư duy như vầy: Ác hành của thân này, đời này và đời sau phải chịu báo ác. Nếu ta hành động với ác hành của thân, chắc phải tự sanh chán nản, hối hận, bị người khác chê trách, Đại sư cũng chê trách, những người phạm hạnh cũng chê trách ta; tiếng ác đồn khắp mọi nơi, thân hoại mạng chung thì sẽ rơi vào địa ngục”. Và, kinh Tăng Chi Bộ, cũng nói đến sự nguy hiểm tà kiến, của sự tư duy không chơn chánh:“Những Tỳ-kheo nào, này các Tỳ-kheo, nêu rõ phi pháp là pháp, sở hành của những vị ấy, này các Tỳ-kheo, đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài người. Và hơn nữa, này các Tỳ-kheo, những Tỳ-kheo ấy tạo điều vô phước, và khiến cho diệu pháp biến mất”.

Kinh Hiền Ngu cũng dẫn dụ rất nhiều về hậu quả của người ngu, cảm thọ ba loại khổ ưu ở kiếp hiện tại, sau khi chết bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ba loại khổ hiện tại của người ngu, thứ nhất là bị gièm pha, chê cười: “Này các Tỳ-kheo, nếu người ngu ngồi giữa hội chúng, hay ngồi bên đường có xe cộ qua lại, hay tại ngã (ba, tư) đường, tại đấy có nhiều người nghĩ đến câu chuyện thích hợp về người ấy” (kinh Hiền Ngu). Nỗi khổ thứ hai, ví như một tên trộm bị bắt. Nếu người ngu thấy một tên trộm bị bắt, chịu nhiều hình phạt khác nhau rất đau đớn cho đến bị tử hình, người ngu biết mình cũng là tên trộm, liền sợ bị bắt, bị phát hiện nên hắn thấy lo lắng, sợ sệt, không yên. Nỗi khổ thứ ba, người ngu gieo ác nghiệp sẽ bị ác nghiệp đeo đuổi, giống như người bị treo, bị cái gì đó đè nặng lên người, người ấy sợ bị đọa ác thú vì nghĩ mình không làm điều gì phước thiện, người ấy rơi vào tâm trạng sầu muộn, đấm ngực, rên la, than van… không thể an ổn được. “Phàm có sự sợ hãi nào khởi lên, tất cả sự sợ hãi ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí” (kinh Tăng Chi Bộ).

Như vậy, người ngu không chỉ gây hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Đức Phật đã chỉ ra hậu quả mà người ngu phải gánh chịu: Tự sanh chán nản, hối hận, bị người khác chê trách, tiếng ác đồn khắp, chết rơi vào địa ngục, làm thân súc sanh, khi tái sanh ở cõi người sẽ sinh vào nhà hạ tiện. “Muốn nói một cách đúng đắn về địa ngục, phải nói rằng, địa ngục hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý… Đây là địa xứ hoàn toàn viên mãn của kẻ ngu” (kinh Hiền Ngu).

Đối với chư vị đệ tử của Phật, “Duy tuệ thị nghiệp” là điều luôn tâm niệm để hướng đến thành tựu. Nếu không chuyển hóa ba đặc điểm của người ngu thì hệ quả sẽ là “tạo điều vô phước” cho bản thân đồng thời làm cho “diệu pháp” của Phật biến mất trên thế gian này. Ngày nay trên bước đường hoằng pháp độ sanh, các bậc tôn túc phải tiếp nhận môn đồ để duy trì mạng mạch Phật pháp và kế thừa tông môn. Công tác tiếp Tăng, độ chúng thật không dễ dàng, nếu quá dễ dãi và thiếu chọn lọc thì về sau đạo pháp sẽ không có nhân tài trí tuệ kế thừa, đó là chưa kể đến hậu quả đạo hạnh người tu xuống cấp, Phật pháp suy đồi.

Trong xã hội có nhiều hạng người khác nhau, nhưng tóm lại có hai hạng người: người ngu và người trí. Người trí đem lại sự an vui cho cá nhân và cho cả xã hội. Người ngu thì trái lại, gây khổ đau cho bản thân, gia đình và làm ảnh hưởng sự phát triển tích cực của xã hội. Không có người ngu thì xã hội hoàn toàn an lạc, con người văn minh, đời sống hòa bình, không có gì phải lo sợ.

Ngày nay, các vấn đề như trộm cướp, giết người, bạo hành phụ nữ và trẻ em, kinh doanh gian dối, tham nhũng, ma túy, xung đột, ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm, mua bán bằng cấp, v.v… khiến mọi người ưu tư, lo lắng chính là những biểu hiện của người “ngu”, bị tham ái vô minh chi phối. Muốn chuyển hóa si mê và tham ái của những hạng người này không gì hơn là nâng tầm nhận thức của họ bằng giáo dục đạo đức, tin sâu Nhân quả, phát huy tuệ giác để nhận chân sự thật, thấy rõ lợi ích của mình cũng chính là lợi ích cộng đồng. Điều này đòi hỏi sự cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức của cá nhân, gia đình và xã hội trong mối tương quan với nhau vì sự phát triển, vì hòa bình và niềm an lạc của số đông.

Kinh điển Phật giáo là một kho tàng về giáo dục và nghệ thuật sống an lành. Người Phật tử chân chính cần nên học tập, nhận thức đúng đắn về bản chất của con người và thế giới xung quanh để sống tích cực, lợi mình và lợi người. Nếu như trong cuộc sống thường ngày, người Phật tử không thể sửa đổi được những tật xấu, không thể hóa giải được những sân hận, si mê, không thể xả bỏ được lòng ham muốn vị kỷ, kiêu mạn, tự đắc,… thì người ấy chưa phải là đệ tử đích thực của Đức Như Lai, vẫn còn là người “ngu” trong thế gian này. Hiện tại người ấy bị phiền não trói buộc, mai sau chẳng thể nào giải thoát khỏi dòng khổ đau sinh tử vô tận.

Diệp Thiên

Theo giacngo.vn

Saturday, March 3, 2012

Hôn nhân theo... Đức Phật

Mặc dù giáo lý của Đức Phật là hướng mọi người đến sự giải thoát nhưng vẫn đặt nền tảng là hướng và giúp con người có được hạnh phúc trong cuộc sống.
Hôn nhân là sự kết nối tình yêu
Người Phật tử tìm đến Phật môn (nhà chùa - PV) để thực hiện lễ thành hôn tức là biết cách sửa soạn tốt cho đời sống hôn nhân của mình. Có những chỉ dẫn hết sức căn bản trong giáo lý đạo Phật mang lại nhiều lợi lạc có khả năng chắp cách cho tình yêu và khiến hôn nhân thêm hạnh phúc vững bền.
Một lễ hằng thuận (đám cưới - PV) theo đúng nghi thức và lời Đức Phật dạy.

Theo Đức Phật thì hôn nhân chính là sự mở đầu tiến trình thể hiện tâm tưởng đồng thuận trong đời sống lứa đôi, nghĩa là sự gặp gỡ đồng cảm giữa hai tâm hồn yêu mến nhau, quyết tâm cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình. Tâm tưởng đồng thuận càng được thể hiện thì hạnh phúc hôn nhân càng thêm sâu bền.
Đức Phật xem hôn nhân không chỉ là nhân duyên để con người kết nối hạnh phúc thương yêu mà còn là cơ hội cho cá nhân (vợ, chồng) hoàn thiện chính mình.
“Bốn đức tính: đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ như là điều kiện giúp cho con người xây dựng hạnh phúc hôn nhân vững bền. Hôn nhân chính là khởi điểm của tiến trình hoàn thiện bản thân hướng đến giác ngộ.
Ở đó hai tâm hồn luôn gắn kết song hành với nhau trong tình thương yêu và trong sự nỗ lực cùng thực hành Phật pháp, không chỉ trong đời này mà còn nhiều đời tiếp theo, cho đến lúc cả hai cùng đạt đến mục tiêu hoàn thiện hay giác ngộ” - trích lời Phật dạy về hôn nhân trong kinh tạng.
Nếu người Phật tử, cùng mở tâm chia sẻ bố thí, cùng nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ giác ngộ thì đó là mối lương duyên kết nối hạnh phúc hôn nhân trong nhiều đời kiếp không tách rời.
Như vậy, theo lời dạy của Đức Phật thì hôn nhân chính là sự kết nối tình yêu hướng thượng. Ở đấy, tâm hồn con người càng trở nên trong sáng, nhu nhuyễn và hiền thiện, phẩm giá con người càng được nâng cao và tỏa sáng.
Nhưng phải theo nguyên tắc... đạo đức
Hôn nhân là chuyện bình thường trong cuộc sống nhưng để có được chuyện bình thường ấy thì lại không dễ dàng.
Đức Phật không bao giờ cấm đệ tử tại gia kết hôn với nhau, tuy nhiên đã kết hôn thì phải sống với nhau theo các nguyên tắc đạo đức xã hội thì mới có được sự hạnh phúc, bình an.
Để có được hạnh phúc trong hôn nhân, trong cuộc sống gia đình thì cả người vợ và người chồng phải yêu thương nhau, phải có những điểm tương đồng với nhau thì mới gọi là vợ chồng “xứng đôi vừa lứa” theo tinh thần của Phật giáo.
Đôi vợ chồng, nếu đồng đẳng nhau về đức tin, về giới hạnh, về sự xả tài và về trí tuệ thì cả hai người sẽ sống hạnh phúc trong cuộc sống gia đình ở hiện tại và nếu có ước nguyện gặp nhau ở kiếp lai sinh (kiếp sau - PV) thì vẫn có thể được.
Có rất nhiều việc quan trọng mà người nam và người nữ nên lưu ý trước khi tính đến chuyện hôn nhân, xây dựng một mái ấm gia đình. Để đến với nhau, sống chung với nhau thì mình phải tìm kiếm "một nửa" của mình sao cho phù hợp.
Vì thế, ai cũng tự vẽ cho mình một hình ảnh người phụ nữ lý tưởng, người đàn ông lý tưởng để mình kiếm tìm và chung sống. Vậy thì đâu là thước đó cho những mẫu người lý tưởng đó?
Theo đạo Phật, vợ và chồng có 5 bổn phận với nhau. Chính vì thế, việc hoàn thành những bổn phận và trách nhiệm đối với nhau là điều thiết yếu để tạo nên một mối quan hệ hôn nhân hòa thuận và hạnh phúc. Đó là điều mà bất cứ đôi vợ chồng nào cũng mong muốn để có được trong cuộc sống hôn nhân gia đình.
Trong cuộc sống hôn nhân đó, tuy có muôn vàn cạm bẫy và khó khăn nhưng phải biết thương yêu nhau và cùng nỗ lực dắt dìu nhau bước đi trên con đường thánh thiện của Phật, cùng đồng tâm hiệp lực xây dựng mái ấm gia đình đúng như lời Phật dạy thì hạnh phúc càng bền lâu và tình thương càng trở nên cao thượng.
5 bổn phận của vợ
1. Xử lý việc nhà một cách tốt đẹp
2. Gần gũi đối đãi tốt với những người giúp việc thay chồng
3. Không ngoại tình
4. Giữ gìn tiền bạc tài sản cho chồng
5. Siêng năng tháo vát trong mọi công việc
5 bổn phận của chồng
1. Tôn trọng vợ
2. Không khinh thường vợ
3. Trung thành với vợ
4. Giao cho vợ quyền hạn
5. Mua trang sức cho vợ
Bùi Hiền
Theo bee.net.vn

“Bí ẩn” về họ Thích của người xuất gia

Những người xuất gia sử dụng chữ Thích làm tộc danh cho mình nhưng vấn đề lịch sử của chữ Thích vẫn còn nhiều điều “bí ẩn” và không phải ai xuất gia cũng mang họ Thích ngay.

Vấn đề lịch sử... nước ngoài, nước ta

Theo lịch sử Phật giáo Trung Quốc thì việc sử dụng chữ Thích làm tộc danh cho người xuất gia và lâu nay nhiều người cho rằng do Thích Đạo An (năm 312 - 385 đời Tây Tấn) thiết định ra.

Tăng đoàn đầu tiên của Đức Phật đang đi truyền đạo

Trong sử chép thì vào thời Đạo An, tạng Luật chưa truyền đến Trung Quốc, nề nếp sinh hoạt của Tăng già chưa có định hướng chung. Do vậy, ngài Đạo An đã soạn ra những thanh quy, điều lệ làm cương lĩnh tu tập của Tăng già (người xuất gia - PV), trong đó có quy định dùng chữ Thích làm họ.

Nhưng vấn đề là ngài Đạo An đã dựa vào những cơ sở nào để đặt ra quy định này, cũng như những trường hợp sử dụng chữ Thích trước thời Đạo An sẽ giải thích ra sao?

Do đó, để có thể trở thành một quy định được Tăng già nồng nhiệt đón nhận và có sức sống lâu bền đến ngày nay, việc vận dụng chữ Thích dành cho những người xuất gia nhất định phải xuất hiện trước ngài Đạo An rất lâu và trở nên thịnh hành trong thời Ngài song có thể còn mang tính rời rạc, tự phát.

Theo lịch sử Phật giáo Ấn Độ, trong thời Đức Phật, không có một bằng chứng nào cho thấy vấn đề Pháp danh đã từng được đặt ra. Điều này có thể khẳng định qua việc khảo sát danh tính những đệ tử tiêu biểu của Đức Phật lúc bấy giờ.

Từng con người cụ thể, lịch sử đều ghi nhận về tên tuổi, gia cảnh, đời sống… trước khi theo Đức Phật, cũng như quá trình tu tập giải thoát sau khi về với Phật nhưng tuyệt nhiên không thấy lịch sử đả động gì đến việc họ được Đức Phật đặt cho một tên mới sau khi theo Ngài.

Tên của họ vẫn là tên được cha mẹ đặt cho từ lúc sinh ra cho đến lúc từ giã cõi đời. Nhưng như vậy không có nghĩa là Pháp danh mà chúng ta sử dụng rộng rãi ngày nay không có một liên hệ nào bắt nguồn từ thời Đức Phật.

Sau khi thành Đạo, Ngài ra đi thuyết giáo, thâu nhận môn đệ, thành lập giáo đoàn và có một tên là Sa môn Thích tử mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong Kinh tạng Nam truyền cũng như tạng Luật. Đây là danh xưng chính thức của giáo đoàn.

Như vậy, tên bộ tộc Thích Ca của Đức Phật được dùng làm biểu tượng của giáo đoàn.

Còn về lịch sử Phật giáo Việt Nam, ngay trong thời của Đức Phật, chữ Thích đã được dùng một cách chính thức và phổ cập, tuy nhiên chưa được sử dụng cho từng trường hợp cụ thể.

Vào khoảng năm 220 - 300 có một nhà sư hiệu là Trúc Đạo Thanh hay còn gọi là Đạo Hinh, đặc biệt vị sư này còn có một tên gọi khác rất quan trọng đối với vấn đề mà chúng ta đang tìm hiểu, đó là Thích Đạo Thanh.

Với niên đại nói trên, ngài Đạo Thanh phải qua đời ít nhất 12 năm trước khi ngài Đạo An ra đời. Như vậy, rõ ràng trước ngài Đạo An, chí ít là tại Việt Nam, chữ Thích đã chính thức được dùng làm họ của người xuất gia.

Nhưng không phải ai đi tu cũng được mang ngay họ Thích

Bởi quá trình được mang họ Thích phải qua những giai đoạn tu học khác nhau. Không đơn thuần là cứ đi tu là có họ Thích ngay.

Người mới đi tu vào chùa, sau một thời gian thử thách, được Thầy của người đó thế phát (cạo tóc - PV). Khi đó người ấy được gọi là chú Tiểu hoặc chú Điệu và được Thầy ban cho một Pháp danh.

Sau khi hoàn tất chương trình học tại chùa khoảng 2 năm chú được Thầy cho đi thọ giới Sa Di do Giáo hội Phật giáo tổ chức và lúc này Thầy sẽ ban cho Pháp Tự.

Trong thời gian làm Sa Di, chú phải hoàn tất chương trình tu học ít nhất là 5 năm sẽ được Thầy cho đi thọ giới Tỳ Kheo tại Đại Giới Đàn do Giáo hội Phật giáo tổ chức gọi là Tuyển Phật Trường. Nếu đỗ, chú Sa Di được thọ giới Tỳ Kheo. Khi thọ giới Tỳ Kheo mới là chính thức trở thành một tu sĩ của Phật Giáo. Bây giờ, chú được Thầy đặt Pháp hiệu. Lúc này mới được dùng chữ Thích đứng trước.

... và không phải tu sĩ nào cũng dùng họ Thích

Mặc dù Đức Phật mang dòng họ Thích nhưng không phải tất cả tu sĩ Phật giáo khắp nơi trên thế giới đều mang chung họ Thích, ngay cả ở Việt Nam cũng có ngoại lệ bởi vì việc lấy họ Thích không phải là một quy luật chung áp dụng cho tất cả.

Vấn đề này, còn tùy theo đặc tính và sở thích của mỗi người. Không phải ai cũng đặt cho mình là họ Thích, ít ra là về cách xưng hô cũng như trên những văn kiện giấy tờ.

Thực tế, đã có rất nhiều nhà sư, kể từ khi xuất gia cho đến khi viên tịch, các Ngài không bao giờ lấy chữ Thích. Ví dụ như cố Đại Lão Hòa Thượng Hành Trụ, Ngài thường để là Sa Môn Lê Phước Bình hoặc còn nhiều vị khác chỉ để Pháp danh hay Pháp hiệu mà Thầy Tổ hoặc người đời đặt cho như Thiền sư Vạn Hạnh, Pháp sư Tịnh Không... chứ các Ngài không tự xưng mình là họ Thích.

Bùi Hiền
(Tài liệu: Đại tạng kinh Việt Nam, Lịch sử Phật giáo, báo Giacngo Online).

Theo bee.net.vn

Thursday, March 1, 2012

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TP.QUY NHƠN NHIỆM KỲ V. (2012 – 2017)

Đại hội Đại biểu Phật giáo Tp. Quy Nhơn lần thứ V Nhiệm kỳ 2012 – 2017 đã diễn ra 2 ngày 26 và 27 tháng 2 năm 2012 tại Tổ Đình Minh Tịnh – Văn phòng Ban Đại Diện Phật giáo Tp. Quy Nhơn.

+ Ngày 26/2, vào lúc 08g30’ Khai mạc Trại Hỗ trợ Đại hội do Ban Đại diện GĐPT Tp. Quy Nhơn tổ chức. Trại đã qui tụ trên 150 Huynh trưởng và Đoàn sinh thuộc các Đơn vị GĐPT trong Tp. Quy Nhơn.
Cùng ngày vào lúc 14g00’ BTC đại hội tổ chức phiên hộp trù bị với sự hiện diện đông đủ Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử. Phiên hộp đã thông qua các Thông tư hướng dẫn, công văn, văn bản và Tờ trình của các cấp Giáo hội, Công văn của UBND Thành phố Quy Nhơn về việc cho phép tổ chức Trại Hỗ trợ Đại hội của GĐPT Tp. Quy Nhơn và chấp thuận về việc Tổ chức Đại hội. Thông qua chương trình và các văn kiện của Đại hội chính thức, thông qua kế hoạch tổ chức Đại hội.
Để Thiện Tín Phật tử hiểu rõ về tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, BĐD đã cung thỉnh HT. Thích Tịnh Nhãn, Trưởng Ban Hoằng Pháp Tỉnh thuyết giảng đề tài Đại hội Đại biểu Phật giáo các cấp qua các thời kỳ và đề tài thứ 2 là Pháp môn Niệm Phật và việc hộ niệm cho người lâm chung như thế nào là đúng chánh pháp.
Buổi giảng đã thu hút gần 200 Thiện Tín Phật tử tham dự thính pháp. Hòa thượng đã bồi dưỡng cho Phật tử nhiều kiến thức quí báu về Giáo lý Phật Đà và Tổ chức hành chánh Giáo hội.
Kết thúc ngày thứ nhất là đêm văn nghệ chào mừng Đại hội do Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT. Tp. Quy Nhơn biểu diễn.
+ Sáng ngày 27/2 trong không khí nắng xuân ấm áp, dưới bầu trời quang đản. Đại hội chính thức được long trọng diễn ra vào lúc 08g00’ tại Hội trường Tổ Đình Minh Tịnh.
Đại hội đã trang nghiêm cung đón Đại Lão Hòa thượng thượng Thiện hạ Nhơn TV.HĐCM, UV.HĐTS/GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự tỉnh Giáo hội Phật giáo Bình Định quang lâm chứng minh và ban đạo từ.
Đại hội rất hân hạnh đón tiếp Quí vị quan khách Chính quyền, MTTQ, Công An và các Cơ quan, Ban, Ngành, Đoàn thể trong Tp. Quy Nhơn và phường Ngô Mây đến tham dự. Ông Phạm Ngọc Đông, Phó Chủ tịch Ủy Ban MTTQVN Tp. Quy Nhơn phát biểu chúc mừng.
Đại hội rất vui mừng đón tiếp nhị vị chức sắc Tôn giáo Cao Đài đến tham dự trên tinh thần thân ái và đoàn kết.
Đại hội đã qui tụ gần 100 Đại biểu chính thức và đông đảo Phật tử dự thính thuộc 62 cơ sở Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất trong Thành phố Quy Nhơn về tham dự.
HT. Thích Trí Giác, UV Ban Nghi Lễ TW, Trưởng Ban Nghi Lễ tỉnh GHPG Bình Định, Chánh Đại Diện PG. Tp. Quy Nhơn, Trưởng Ban Tổ chức đọc diễn văn khai mạc với nhiều ý nghĩa sâu sắc:
“Trong quá trình du nhập và phát triển Đạo Phật trên mảnh đất Quy Nhơn, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc và tích cực đóng góp công sức của mình để hộ quốc an dân, xây dựng nền tảng văn hóa tâm linh và đạo đức, nhân văn cho xã hội trên tinh thần hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh”
“Năm 1975, đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Tăng Ni, Phật tử 2 miền đoàn kết hòa hợp cùng nhau thực hiện tâm nguyện và ý chí là thống nhất Phật giáo mà các thế hệ tiền bối đã dày công tạo dựng. Đây cũng là duyên khởi của việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đúng như tâm nguyện : Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo toàn quốc đã diễn ra từ ngày 04 đến ngày 07 tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã qui tụ 09 tổ chức Giáo hội và Hệ phái Phật giáo trong cả nước lập thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến hôm nay”
“Trong nhiệm kỳ 4 (2007 – 2012) nhờ tính chất ưu ái, thông thoáng của Nhà nước qua tinh thần Pháp lệnh tín ngưỡng Tôn giáo và Nghị định 22 của Thủ tướng chính phủ đã khẳng định niềm tin vững chắc của Tăng Ni, Phật tử vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nhờ các chủ trương, chính sách về tự do, tín ngưỡng Tôn giáo đã góp phần cho Phật giáo Thành phố Quy Nhơn phát triển mạnh về cơ sở vật chất Tự, Viện và chương trình sinh hoạt tu học của Tăng Ni và Phật tử nhất là Thanh, Thiếu niên”
Sau đó Hòa thượng đã đón nhận Bằng Tuyên Dương Công Đức của Ban Trị Sự GHPG tỉnh Bình Định tặng cho tập thể Ban Đại Diện PG. Tp. Quy Nhơn NK 2007 – 2012 và 15 lẵng hoa cùng nhiều phần quà của các cơ quan chính quyền, các Ban, Ngành trong Giáo hội và các Tự, Viện, Tịnh xá trong Tp. Quy Nhơn.
ĐĐ. Thích Quảng Giác, Ban Kiểm soát Đại hội đọc Nội qui của Đại hội.
TT. Thích Đồng Quả, P.Ban Đại Diện đọc báo cáo tổng kết Phật sự nhiệm kỳ IV và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ V (2012 – 2017) gồm 10 điểm :
1. Tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, rút ra những kinh nghiệm tốt, những ưu điểm để thực hiện cho nhiệm kỳ mới.
2. Triển khai và thực hiện tốt sự chỉ đạo của Ban Thường Trực Ban Trị Sự tỉnh Giáo hội Phật giáo Bình Định.
3. Tăng cường củng cố, kiện toàn tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Đại Diện theo sự hướng dẫn tại điểm 2, mục b, phần cuối của Thông tư số 317/TT – HĐTS ngày 23/8/2011 của HĐTS/GHPGVN.
4. Duy trì các phiên hợp Ban Thường Trực Ban Đại Diện và hợp mở rộng được qui định tại phiên hợp đầu tiên của tân Ban Đại Diện.
5. Tiếp tục lập danh sách trình Ban Trị Sự tỉnh khắc dấu tròn cho các cơ sở Tự, Viện chưa có con dấu.
6. Lập danh sách các cơ sở Tự, Viện mới xây dựng trình xin Ban Trị Sự tỉnh công nhận để có đủ pháp lý sinh hoạt Phật sự trong Giáo hội.
7. Hoạch định chương trình làm kinh tế để gây quỹ cho Ban Đại Diện nhằm nâng cao các hoạt động Phật sự.
8. Mở các lớp học Nghi Lễ, Giáo lý và lớp học dành cho các Ban Hộ niệm nhằm thống nhất các nghi thức hộ niệm lúc lâm chung.
9. Mở các Khóa tu mang tính giáo dục đạo đức nhân văn dành cho Thanh, Thiếu niên Phật tử.
10. Tất cả Thành viên Ban Đại Diện hoạt động theo phương châm: Lấy tinh thần Lục hòa cọng trụ làm nền tảng, lấy Hoằng pháp lợi sanh làm sự nghiệp để xây dựng, phát triển Giáo hội và hướng dẫn cho Phật tử tu học đem lại lợi ích cho Đạo và Đời.
Ban Đại Diện NK IV. 2007 – 2012 tuyên bố mãn nhiệm kỳ và Ban Kiểm soát giới thiệu danh sách nhân sự Tân Ban Đại Diện NK V. 2012 – 2017 đã được Ban Trị Sự tỉnh công nhận gồm nhị vị Hòa thượng Chứng minh và 15 thành viên Ban Đại Diện.

HT. Thích Nguyên Chơn – Trú trì chùa Liên Hoa, Tp. Quy Nhơn.
HT. Thích Đồng Chơn – Trú trì chùa Bình An, Tp. Quy Nhơn.

HT. Thích Trí Giác Trú trì chùa Minh Tịnh, P. Ngô Mây Chánh Đại Diện
TT. Thích Đồng Quả Trú trì chùa Phước Hưng, Nhơn Lý Phó Ban Đại Diện
NT.TN. Hạnh Nghiêm Trú trì chùa Lộc Uyển, P. Q. Trung Phó Ban Đại Diện
ĐH. Thị Kiện 265 Hoàng V Thụ, Tp. Quy Nhơn Thư ký
ĐĐ. Thích Đồng Đức Trú trì chùa Sơn Long, Nhơn Bình Uỷ viên
ĐĐ. Thích Quảng Giác Trú trì chùa Hải Long, P.Hải Cảng Uỷ viên
ĐĐ. Thích Giác Hạnh Trú trì chùa Nguyễn Huệ, Tp.Q. Nhơn Uỷ viên
ĐĐ. Thích Giác Trực Trú trì Tx. Ngọc Nhơn, P. Đống Đa Uỷ viên
ĐĐ. Thích Quảng Châu Trú trì chùa Hiển Nam, P. Ngô Mây Uỷ viên
ĐĐ. Thích Đồng Định Trú trì chùa Giác Hải, xã Nhơn Hải Uỷ viên
NS.TN. Hạnh Minh Trú trì chùa Tăng Quang, P. Lê Lợi Uỷ viên
SC.TN. Liên Liên Trú trì Tx. Ngọc Nhuận, P.Trần H Đạo Uỷ viên
Cư sĩ Thiện Hải 07 Phó Đức Chính, Tp. Quy Nhơn Uỷ viên
HTr. Nguyên Trân 26 Thành Thái, Tp. Quy Nhơn Uỷ viên
Cư sĩ Nguyên Long 351 Lê H Phong, Tp. Quy Nhơn Uỷ viên


Tân Ban Đại diện ra mắt trước Đại hội với sự hân hoan và tràng vỗ tay nồng nhiệt chúc mừng.
Thay mặt BĐD. PG huyện Tuy Phước, TT. Thích Đồng Tịnh phát biểu chúc mừng, Ông Phạm Ngọc Đông, Phó Chủ tịch Ủy Ban MTTQVN Tp. Quy Nhơn phát biểu chúc mừng: “Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung bảng báo cáo tổng kết Phật sự nhiệm kỳ IV và đường hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ V của Ban Đại Diện Phật giáo thành phố Quy Nhơn, tôi đánh giá cao tinh thần cống hiến của Phật giáo cho nền hòa bình dân tộc và những đóng góp về mặt giáo dục đạo đức nhân văn cho xã hội cùng với công tác từ thiện của Phật giáo đã hoạt động trong thời gian qua. Tôi chúc mừng Tân Ban Đại Diện hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ V, chúc Đại hội thành công tốt đẹp ”
Cư sĩ Nhựt Tế trưởng Ban CSPT Quy Nhơn và Huynh trưởng Cấp Tấn Huỳnh Đình Phương, UV.PBHD.GĐPT.BĐ, Trưởng Ban ĐD.GĐPT Quy Nhơn thành tâm chúc mừng và đọc bài tham luận.
ĐĐ. Thích Giác Hạnh, Ủy viên BĐD đọc Nghị quyết của Đại hội:
1/ Thông qua báo cáo tổng kết Phật sự nhiệm kỳ IV và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ V (2012 – 2017)
2/ Suy tôn nhị vị Hòa thượng chứng minh Ban Đại Diện Phật giáo Tp. Quy Nhơn Nhiệm kỳ V (2012 – 2017).
3/ Suy cử Ban Đại Diện Phật giáo Tp. Quy Nhơn Nhiệm kỳ V (2012 – 2017) gồm 15 Thành viên, trong đó Ban Thường Trực Ban Đại Diện là 05 Thành viên.
4/ Thông qua danh sách đề cử Đại biểu Ban Đại Diện tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Định gồm 05 vị (danh sách đính kèm).
5/ Đại hội ghi nhận nội dung tham luận của Ban CSPT và GĐPT Thành phố Quy Nhơn đã trình bày trước Đại hội.
6/ Đại hội kính đề nghị Ban Thường Trực Ban Trị Sự tỉnh GHPG Bình Định xem xét bỏ bớt 02 từ “Đại Diện” trong danh xưng “Ban Đại Diện GĐPT Thành phố Quy Nhơn”, còn lại là : Ban GĐPT Thành phố Quy Nhơn, giống như Ban CSPT Thành phố Quy Nhơn hiện tại.
7/ Giao Ban Thư ký tổng hợp các ý kiến của Đại biểu mang tính khả thi và được Đại hội đồng thuận để bổ sung vào chương trình hoạt động Phật sự của nhiệm kỳ mới.
8/ Đại hội đề cao và khuyến khích các Thành viên Ban Đại Diện cùng Tăng Ni Phật tử các Tự, Viện, Tịnh xá… trong Thành phố Quy Nhơn, tăng cường phát huy tinh thần hòa hợp đoàn kết, nhất quán cộng hành tất cả Phật sự nhằm thực hiện có hiệu quả những điểm trong phương hướng hoạt động của Nhiệm kỳ mới.
9/ Đại hội nguyện ghi nhớ và thực hiện lời đạo từ khuyến giáo của Hòa thượng Trưởng Ban Trị sự Tỉnh GHPG Bình Định.
10/ Giao Ban Thư ký lập Tờ trình báo cáo kết quả Đại hội và danh sách nhân sự Ban Đại Diện Phật giáo Tp. Quy Nhơn nhiệm kỳ V (2012 – 2017) lên Ban Thường Trực Ban Trị Sự tỉnh GHPG Bình Định theo tinh thần Công văn số 13/CV – PGBĐ .
Cuối cùng Hòa thượng Chánh đại diện trưởng Ban tổ chức tuyên bố bế mạc Đại hội và cảm tạ Chư tôn đức, Đại biểu cùng quan khách.
Đại hội đã kết thúc thành tựu viên mãn vào lúc 11g30’ ngày 27/2/2012 trên tinh thần hoan hỷ hòa hợp.

CHÙM ẢNH CỦA ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO THÀNH PHỐ QUY NHƠN.

BTC đại hội tổ chức phiên hộp trù bị.

BĐD đã cung thỉnh HT. Thích Tịnh Nhãn, Trưởng Ban Hoằng Pháp Tỉnh thuyết giảng

đề tài Đại hội Đại biểu Phật giáo các cấp qua các thời kỳ và đề tài thứ 2 là Pháp môn Niệm Phật

Sáng ngày 27/2 trong không khí nắng xuân ấm áp, dưới bầu trời quang đản.

Đại hội chính thức được long trọng diễn ra vào lúc 08g00’ tại Hội trường Tổ Đình Minh Tịnh.

Chư tôn đức niệm phật cầu gia bị

Chư tôn đức trong bản tỉnh cùng quý quan khách về tham dự

Chư phật tử dâng hoa cúng dường đại hội.

Các cấp chính quyền và tôn giáo bạn tặng hoa chúc mừng.

HT. Thích Trí Giác, UV Ban Nghi Lễ TW, Trưởng Ban Nghi Lễ tỉnh GHPG Bình Định,

Chánh Đại Diện PG. Tp. Quy Nhơn, Trưởng Ban Tổ chức đọc diễn văn khai mạc

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn trao Bằng Tuyên Dương Công Đức của Ban Trị Sự GHPG tỉnh Bình Định

cho tập thể Ban Đại Diện PG. Tp. Quy Nhơn NK 2007 – 2012

Hòa thượng chứng minh Ban Trị Sự tỉnh công nhận Tân ban đại diện.

Tân Ban Đại diện ra mắt trước Đại hội

( THIỆN HẢI )