Wednesday, March 31, 2010

Saturday, March 27, 2010

Truyền thống khất thực

Nếu ai đã một lần đến các nước theo truyền thống Phật giáo nam truyền, hẳn sẽ nhìn thấy hình ảnh các vị sư với chiếc y màu vàng đang đi khất thực vào buổi sáng sớm. Sẽ có bạn tự hỏi (nhất là những bạn không hiểu về Phật giáo nam truyền) tại sao họ lại đi khất thực và khất thực là gì mà ở xứ mình hiếm thấy? Phải chăng đó là hình thức ‘xin ăn’ như những ‘cái bang’ đang tích cực thi hành khắp nơi ở Việt nam? Nếu để ý kỹ hơn, có thể bạn sẽ nói rằng dường như có cái gì đó khác hơn vì những vị sư nhận phẩm vật trong sự tôn kính của người cúng dường. Nó hoàn toàn khác với hình ảnh tranh đua của những ‘cái bang’ khi được tài vật. Thế thì, điều gì làm nên sự khác biệt ấy và ý nghĩa của khất thực là gì?

Khất thực là một thuật ngữ Phật học mà nếu ta dịch nghĩa sẽ dễ bị hiểu lầm như là ‘xin ăn’ bình thường. Khất thực là một sinh hoạt thường nhật của tăng đoàn thời đức Phật. Đó là một cách hành trì, một hạnh nguyện của các vị xuất gia theo Phật giáo nam truyền (nguyên thủy). Khất thực là phương cách có thể đem lại nhiều lợi lạc thiết thực cho vị khất sĩ cũng như Phật tử cúng dường; là cách truyền bá và duy trì Phật pháp hiệu quả thông qua hình ảnh tăng đoàn hành khất. Tuy nhiên, những giá trị lợi lạc ấy chỉ có thể đạt được khi pháp này được hành trì đúng mục đích.

Ảnh: thaiworldview.com

Quay về quá khứ cách nay hơn 25 thế kỷ, nơi xứ Ấn độ linh thiêng và đầy màu sắc tôn giáo, người ta nhận thấy có một tăng đoàn hành khất đo đức Phật Thích Ca Mâu Ni lãnh đạo. Hình ảnh đoàn hành khất thật trang nghiêm và thanh tịnh đã gây xúc động không biết bao nhiêu con tim và tạo nên tình cảm kính quý vô vàn trong lòng xã hội từ vua chúa cho đến thứ dân. Hình ảnh ấy biểu trưng cho sự giải thoát của những bậc đã giải thoát mà đức Phật là vị khai sáng. Họ đã giải thoát khỏi sự ràng buộc bởi vật chất và tình cảm thế gian và sống một đời sống tâm linh thanh thoát ngay trong cuộc đời lắm sự trói buộc này. Có lẽ, không ai nghĩ rằng đức Phật khất thực vì cái ăn bởi vì ai cũng biết rằng Ngài xuất thân từ địa vị thái tử của một nước giàu có. Vậy thì, mục đích thực hành hạnh nguyện này, theo lời Phật đáp lại yêu cầu của vua cha, là theo truyền thống của chư Phật. Là vị Phật, Ngài cũng phải kế thừa truyền thống ấy và cũng để làm tấm gương mô phạm hướng dẫn tăng đoàn đệ tử cũng như giáo hóa chúng sanh.

Ảnh: travel.mongabay.com

Thoạt nhìn qua hình ảnh tăng đoàn khất thực, nhiều người cho rằng đây là hành động tiêu cực vì chỉ đi nhận phẩm vật của người khác như cách nhìn của người phương Tây. Tuy nhiên, khi phân tích sâu vào bản chất của pháp hành trì thì chúng ta sẽ thấy được những giá trị rất có ý nghĩa của nó. Sẽ không phải là hành trì hạnh khất thực nếu như vị hành khất chỉ đi để nhận phẩm vật với tâm mong muốn mà không vì mục đích tu tập. Chỉ đi để mong nhận phẩm vật thì ý nghĩa của nó không khác mấy so với việc làm của những ‘cái bang’. Với tâm mong cầu thì chắc chắn vị ấy có tâm thích và không thích, những mầm móng của tâm tham và sân. Cho nên, đó không phải là pháp hành trì của vị khất sĩ. Ngược lại, vị khất sĩ đầu ‘đội trời’ chân ‘đạp đất’ là biểu trưng cho sự thực hành hạnh xả bỏ bản ngã và thể hiện tấm lòng từ bi hướng đến với mọi người. Không phân biệt sang hèn, phẩm vật ngon dỡ, nhiều ít thì làm gì có tâm tham và sân khởi lên khi nhận phẩm vật. Sự thanh tịnh của tâm sẽ chế tác nên năng lượng công đức và phước báo để có thể nuôi lớn tâm vị hành khất và mặt khác hồi hướng cho các Phật tử cúng dường. Có thể nói đây là một nghệ thuật sống, một phương pháp thực tập mà đức Phật đã thực hành khi còn tại thế, và giờ đây truyền thống ấy vẫn còn giữ ở một số nơi. Hình ảnh những vị khất sĩ bước đi những bước khoan thai, thảnh thơi trong chánh niệm, bước đi theo thứ tự từng nhà một mà không phân biệt giàu nghèo là biểu trưng của lòng bình đẳng và sự an lạc.

Ảnh:thuvietphatpahp.com

Ở Việt nam, hình ảnh chư tăng khất thực cũng rất phổ biến trong cộng đồng người theo Phật giáo nam truyền ở các tỉnh tây nam bộ, Sài Gòn và một số tỉnh khác. Tuy nhiên, do có hiện tượng thật giả lẫn lộn nên Giáo hội đã có biện pháp tạm ngưng sinh hoạt khất thực ở Sài Gòn và một số tỉnh khác. Việc tạm ngưng là để tìm ra giải pháp và quy định cụ thể cho việc hành trì hạnh nguyện thiêng liêng này nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy sự phục hoạt trở lại.

Đã có nhiều vị giảng sư Phật giáo có uy tín, vì nhìn thấy được giá trị lợi lạc của hạnh khất thực, thấy được giá trị thiết thực của nhiệm vụ hoằng pháp qua hình ảnh tăng đoàn khất thực, đã mạnh dạn đề nghị Giáo hội nên cho phép chư tăng khất thực với những quy định cụ thể. Những vị ấy đã gợi ý là nên cấp thẻ cho những vị phát nguyện hành trì hạnh khất thực và quy định thời gian nhất định, cũng như là phải khất thực thành từng đoàn. Như thế, những vị sư giả sẽ dễ bị phát hiện và việc khất thực không làm ảnh hưởng xấu đến Phật giáo. Thiết nghĩ, những đề xuất trên có tính khả thi và mong rằng Giáo hội sẽ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể cho những hành giả tu tập theo truyền thống này. Có lẽ, đây cũng là mong mỏi chung của những người con Phật mong muốn nhìn thấy hình ảnh truyền thống có ý nghĩa của Phật giáo được duy trì.

Trong khi chờ đợi, thiết nghĩ, những vị sư bên tăng đoàn nam truyền và những vị phát nguyện hành trì hạnh nguyện này nên có những đề xuất và có chương trình cụ thể để trình Giáo hội xin phép được tiếp tục hành trì. Như vậy, việc phục hoạt sẽ sớm trở thành hiện thực hơn là chúng ta cứ trông chờ từ Giáo hội trong khi Giáo hội có rất nhiều việc phải giải quyết. Điều đó cũng thể hiện ý chí của những hành giả Phật giáo không khuất phục trước những khó khăn để vượt qua những thách thức mà Phật giáo đối mặt cũng như góp phần phổ biến Phật giáo trong nhân gian. Đó là cách hành xử tích cực hơn nhiều so với sự thất thủ, lùi bước an toàn mỗi khi có những khó khăn hay thử thách xảy đến.

Ảnh:thuvietphatpahp.com

Trên tinh thần hoằng pháp về văn hóa tâm linh, hình ảnh tăng đoàn khất thực hôm nay sẽ tạo nên bức tranh sinh động về một hình ảnh tăng đoàn thời đức Phật, tạo nên một nét văn hóa Phật giáo truyền thống. Song song với các hình thức tổ chức lễ hội Phật giáo, nên chăng chúng ta cũng tổ chức ít nhất mỗi năm 2 lần khất thực tập thể như tăng đoàn thời đức Phật vào tuần lễ Phật đản và mùa Vu lan. Sẽ thật có ý nghĩa về giá trị văn hóa nếu Phật giáo Việt nam thực hiện được điều này trong thời gian sắp tới.

Monday, March 15, 2010

Sự thiêng liêng của sứ mệnh Hoằng Pháp

Hoằng pháp là một nhiệm vụ thiêng liêng và quan trọng mà bất cứ hành giả Phật giáo nào cũng phải có vai trò đóng góp. Bản thân từ hoằng pháp đã chứa đựng một ý nghĩa bao quát và khá rộng. Nó bao hàm tất cả các lĩnh vực trong mọi sinh hoạt của đời sống con người. Hoằng pháp có thể áp dụng và đem lại hiệu quả nhất định trong mọi lứa tuổi, giới tính hay chủng tộc. Tuy hoằng pháp không giới hạn bởi những yếu tố này nhưng phương cách thực hiện lại cần áp dụng cho từng đối tượng khác nhau. Có thể nói, phương cách là chìa khóa để mở cửa thành công cho nhiệm vụ hoằng pháp. Một số khía cạnh liên quan đến hoằng pháp xin được chia sẻ nơi đây.

Xưa nay, đa phần chúng ta quen với cách hiểu hoằng pháp là gồm có đạo tràng và có giảng sư thuyết pháp. Những vị giảng sư được thành lập thành giảng sư đoàn và có nhiệm vụ đi khắp các tỉnh thành, những nơi có nhu cầu học hỏi giáo lý để giảng dạy. Đó là mặt nổi dễ thấy nhất và cũng là phương pháp khá hiệu quả trong tình hình hiện nay khi mà đa số các vị trụ trì vì không đủ điều kiện hay khả năng để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này. Nếu nhìn qua tôn giáo bạn, ta sẽ thấy rõ ràng đây là một sự khác biệt rất lớn và cũng là khuyết điểm đáng ngại mà Phật giáo đang trải qua và đối mặt. Nếu ta thử khảo sát các chùa nơi có thể đáp ứng nhiệm vụ này thì cách thực hiện hoằng pháp của họ như thế nào và hiệu quả của nó ra sao trong thời gian qua? Đó là một vấn đề cần nghiên cứu nghiêm túc để tìm hiểu và đánh giá thực trạng của công việc trọng yếu này.

Hoằng pháp như vừa nêu là đáp ứng nhu cầu của những Phật tử từ thanh thiếu niên trở lên, tức là những người có thể nghe và hiểu những lời giảng dạy từ giáo lý Phật đà qua các vị giảng sư. Hoạt động này góp phần rất quan trọng vì đã mang đến cho mọi người những phương pháp có thể hóa giải nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống hằng ngày của họ. Nhờ hoằng pháp mà có không biết bao nhiêu người tìm được lại hạnh phúc mà bấy lâu nay họ quên mất hay không có cơ hội nhận ra. Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao cho cả người làm công tác hoằng pháp và hành giả tu tập. Cái mặt nổi này đã đóng góp rất nhiều thành tựu cho việc phổ biến Phật pháp và khẳng định được vị trí nổi bậc và ưu thế của nó trong nhiệm vụ thiêng liêng này. Tuy nhiên, vẫn còn có những hình thức hoằng pháp khác cũng cần lưu tâm.

Để khắc phục nhược điểm phải có đạo tràng và thời gian nhất định, các kinh sách, báo chí cũng như các băng đĩa bằng âm thanh và hình ảnh được lưu lại và truyền tải khắp nơi qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Giải pháp này đã mang Phật pháp đến tận nhà các hành giả từ thành thị đến thôn quê hẻo lánh, từ trong nước đến ngoài nước, nhằm giúp cho mọi người có cơ hội học và tu tập. Nó đóng vai trò như kim chỉ nam góp phần định hướng con đường chân chánh đưa đến an lạc giải thoát mà một hành giả tu tập cần phải có. Hình thức này đang được thực hiện rất đa dạng. Những cách thức phát hành kinh sách, băng đĩa v.v…bao gồm khuyến khích ủng hộ tài chính cũng như phát tâm ấn tống cúng dường đang rất phổ biến hiện nay. Đó là một trong những phương thức hoằng pháp gián tiếp có hiệu quả đáng kể trong việc phổ biến Phật pháp.

Ví như khi thức ăn đã bày biện sẵn trên bàn rồi thì việc tiếp theo là thưởng thức chúng. Cũng vậy, khi đã tiếp nhận được nguồn diệu pháp của đức Phật rồi thì hành giả cũng phải biết thật chứng về nó, tức là nương vào những lời dạy của Phật để thấy được giá trị đích thực của cuộc sống - giá trị hạnh phúc thật sự. Nói một cách dễ hiểu là hành giả phải tự trải nghiệm bằng chính bản thân mình về những chân lí mà Phật đã dạy. Để thưởng thức món ăn, thực khách chính hiệu phải biết cách thưởng thức và thực khách chỉ có thể cảm nhận sự ngon ngọt các món ăn bằng chính những giác quan của bản thân. Tương tự, hành giả muốn trải nghiệm về chân lí hay thực tại cuộc sống cũng phải biết cách nhận diện và thấy rõ những cảm thọ của thân tâm. Đây là một quá trình phức tạp và khó khăn, đòi hỏi hành giả phải có sự hỗ trợ của các bậc minh sư, thiện hữu tri thức. Các đạo tràng tu tập nơi có những vị đã trải qua kinh nghiệm hành trì sẽ là nơi thích hợp nhất cho các hành giả có thể tìm đến để thực hiện ý nguyện cao đẹp của mình.

Thế thì, ngôi chùa tự nó đã phải là nơi linh thiêng và cũng là nơi để hoằng hóa chánh pháp cho tín đồ Phật tử. Ngôi chùa trở thành nơi tu tập không thể thiếu đối với những người con Phật bởi nơi đó có đủ điều kiện nhất cho việc phát triển tâm linh, và thể nghiệm Phật pháp. Như vậy, vị trụ trì có vai trò rất lớn trong việc truyền dạy Phật pháp cho tín đồ. Vị trụ trì tăng hay ni dù không có khả năng nói pháp lưu loát vẫn có thể hoằng pháp một cách rất hiệu quả. Vị trụ trì không chỉ giảng pháp bằng những lời nói mà còn giảng bằng chính hành động của thân và ý của mình. Vị ấy hoằng pháp qua cách thức hành trì tụng kinh, bái sám và qua tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật. Vị trụ trì và tín đồ Phật tử cùng tu tập, cùng trao đổi kinh nghiệm sống trong môi trường tâm linh thì lo gì không cảm nhận ít nhiều an lạc giải thoát. Hãy nhìn các tôn giáo khác, các vị tu sĩ chỉ việc giảng dạy đức tin và những điều căn bản về đạo đức rập khuôn mà có thể thu hút bao nhiêu tín đồ tập trung mỗi ngày hay mỗi tuần. Nếu như tất cả các ngôi chùa ở Việt nam, các vị trụ trì có thể làm được như họ thì sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo rất xán lạn! Vậy thì, đâu phải do không giảng pháp giỏi nên không hoằng pháp được bởi hoằng pháp xưa nay vốn bắt nguồn bản tâm, từ nguồn gốc hành trì cơ mà?! Rõ ràng, bất cứ tu sĩ hay cư sĩ điều có thể đóng góp cho sự nghiệp hoằng pháp qua cách hiểu này.

Để ngôi chùa phát huy được vai trò tích cực trong sự nghiệp hoằng pháp và trở thành trung tâm văn hóa tâm linh thì ngôi chùa phải có những chương trình sinh hoạt cụ thể có tính linh hoạt và bất biến. Linh hoạt là sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với môi trường con người xung quanh; còn bất biến là trong bất cứ sự thay đổi điều chỉnh nào vẫn phải giữ được mục đích của Phật pháp. Bởi vì đối tượng tham gia bao gồm mọi lứa tuổi, mọi thành phần nên chương trình tu học tất yếu cũng có sự khác biệt nhất là chương trình dành cho thanh thiếu niên – một thành phần ít được quan tâm. Hiện tại, thành phần tham dự các khóa tu hay tụng niệm thường là các vị ở độ tuổi trung và cao niên bởi họ đã ít nhiều trải nghiệm những khổ đau của cuộc sống và mong muốn tìm cầu sự an lạc tâm linh. Phần lớn, thành phần thanh thiếu niên chưa quan tâm nhiều đến giá trị đạo đức tâm linh bởi vì họ một mặt không thừa hưởng được truyền thống tâm linh từ tổ tiên của họ, và một mặt vì sự hấp dẫn quá mạnh của vật dục.

Do vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể thu hút giới trẻ quan tâm đến nền đạo đức tâm linh Phật giáo. Theo thiển ý cá nhân thì thiết lập một niềm tin vững chãi cho thế hệ trẻ là yếu tố thiết thực cần phải thực hiện cấp thời. Bởi lẽ, có niềm tin là có tất cả và mất niềm tin thì cũng chẳng còn gì.

Nếu thử so sánh các tín đồ của các tôn giáo trên thế giới, một kết quả thú vị là các tôn giáo có tín đồ nhiều nhất đều là các tôn giáo dựa trên niềm tin, và lý do các tín đồ đến với tôn giáo nhiều nhất cũng là niềm tin. Dù rằng hiện nay, ở các nước Âu, Mỹ, các tín đồ không thường xuyên tới các nhà thờ do nhận thức của họ đã thay đổi nhưng trong lòng họ vẫn giữ niềm tin vào chúa như là một truyền thống văn hóa của họ. Dù họ biết rằng chúa (một thực thể sáng tạo thế giới) không thực có nhưng họ vẫn giáo dục các thế hệ con em có một niềm tin, một điểm tựa lý tưởng trong cuộc sống phàm tục này. Vậy thì, giá trị giáo dục vẫn phát huy tác dụng dù rằng niềm tin chưa hề được trải nghiệm chứng đắc.

Trở lại với đạo Phật, chúng ta luôn tự hào Phật giáo là ‘đến để mà thấy’ chứ không phải đến để mà tin. Tuy nhiên, ở khoảng giữa của đến và thấy ta vẫn tìm thấy sự có mặt của niềm tin (saddha). Bởi nếu không có niềm tin thì đức Phật không nói chi phần ‘tín’ đầu tiên trong ngũ căn và ngũ lực thuộc 37 phẩm trợ đạo, và kinh Hoa Nghiêm cũng không có câu nói ‘niềm tin là mẹ các công đức lành’. Có điều là niềm tin trong đạo Phật không phải là niềm tin mù quáng, mặc khải mà các tôn giáo khác chủ trương truyền bá. Niềm tin trong Phật giáo được đề cập khá rõ ràng học qua sáu đề mục niệm. Đó là tin Phật – bậc giác ngộ hoàn toàn, bậc có đầy đủ lòng từ bi cứu đời, bậc cứu khổ mầu nhiệm; là tin Pháp – những lời dạy của Phật, những phương pháp có thể đưa chúng sanh đến giác ngộ giải thoát; là tin Tăng – một đoàn thể những người xuất gia thanh tịnh có thể giảng dạy chánh pháp của đức Phật; là tin Thí tức tin sự thực hành của việc bố thí sẽ mang lại kết quả lành tất yếu; là tin Giới tức những điều đạo đức đưa đến đời sống trong sạch; và tin Chư Thiên tức những bậc có phước báo và phẩm chất đạo đức cao hơn con người.

Xuyên qua sáu đề mục niệm hay niềm tin cơ bản này, các nhà hoằng pháp bằng sự sáng tạo của mình vận dụng để thiết lập cho thế hệ trẻ một niềm tin vững chãi về cuộc sống, về giá trị đạo đức xã hội, về đạo hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, về nhân quả công bằng của những hành động, và đặc biệt là niềm tin tâm linh Phật giáo. Để đạt được những mục đích này, không có cách nào hữu hiệu hơn là cần có sự phối hợp của gia đình và nhà chùa. Gia đình các Phật tử nên quan tâm đưa con em mình đến chùa để huân tập đức tin tâm linh ngay từ khi chúng còn nhỏ hơn là chờ cho đến khi chúng lớn. Chờ cho con em đến tuổi trưởng thành mới cho tìm hiểu đạo lý là chúng ta vô tình đánh mất cơ hội tiếp nhận đời sống tâm linh của chúng và vô tình tạo điều kiện cho các thế giới vật dục bên ngoài xâm nhập. Khi giới trẻ đã có thói quen vọng ngoại rồi thì gia đình sẽ ít có cơ hội thành công trong việc hướng dẫn chúng tu tập đạo đức tâm linh.

Về phía chùa, các vị trụ trì nên tổ chức những nghi thức cầu an chúc phước vào một thời điểm thích hợp cho tất cả các con em Phật tử khi chúng được sinh ra. Kết hợp với gia đình hãy hướng dẫn trẻ quy ngưỡng Phật, biết kính lễ Phật và đặt trọn niềm tin kiên định vào đức Phật thông qua sự giới thiệu một đức Phật từ bi và mầu nhiệm, luôn luôn lắng nghe và thương chúng trong mọi lúc. Khi quý thầy cô đề xướng cách thức đem đến sự bình an và lợi lạc như thế, thiết nghĩ, Phật tử sẽ rất hưởng ứng. Làm như vậy, các con em chúng ta sẽ có nhiều cơ hội gieo duyên với Phật pháp và qua đó cũng thể hiện sự quan tâm săn sóc giữa chùa và tín đồ. Hơn nữa, chùa cũng phải tạo môi trường tốt cho các con em trẻ sinh hoạt bằng những buổi sinh hoạt kể chuyện Phật pháp, những bài ca vui tươi, cách cư xử với nhau, v.v…Khi những ấn tượng tốt đẹp ban đầu đã gieo vào cuộc đời trẻ thơ thì chúng sẽ nhớ mãi và sẽ có nhiều cơ hội phát triển cho dù khi chúng không có nhiều cơ hội đến chùa. Chúng ta vẫn nghe đâu đây rất nhiều Phật tử khi tỉnh ngộ than rằng, ‘phải chi chúng con biết đạo Phật sớm thì đỡ khổ biết mấy.’ Vậy thì sự gieo vào tâm thức trẻ thơ những hạt giống Phật pháp chẳng phải là hữu ích ư?!

Sẽ còn rất nhiều phương cách được ứng dụng trong quá trình hoằng pháp mà một vị giảng sư, một vị trụ trì và ngay cả hành giả Phật tử tại gia có thể sáng tạo ra. Điều đó sẽ dành cho các bậc tôn đức kinh nghiệm về hoằng pháp. Trong phạm vi nhỏ này chỉ nêu vài ý về các phương cách hoằng pháp phổ biến hiện nay. Sự hợp tác giữa các vị trụ trì tổ chức đạo tràng tu tập và chư vị giảng sư thuyết pháp là sự phối hợp rất cần thiết. Vấn đề giáo dục về đạo đức tâm linh, về truyền thống đạo hiếu cho giới trẻ nơi nhà chùa cần được quan tâm nhiều hơn bởi quý thầy cô và phụ huynh Phật tử. Nhiệm vụ hoằng pháp sẽ góp phần đáng kể trong việc định hướng niềm tin và lối sống vững chãi cho các thế hệ tương lai, và là người bạn đồng hành trên bước đường tu tập của tất cả những hành giả Phật giáo.

Sunday, March 7, 2010

Pháp phục đồng bộ cho Tăng Ni Việt Nam

Chúng ta thường nghe câu nói: ‘chiếc áo không làm nên thầy tu nhưng thầy tu không thể thiếu chiếc áo.’ Hình thức không thể nói được hết nội dung của một tổ chức nhưng để tổ chức được nhìn nhận và công nhận đòi hỏi nó phải tạo cho nó một hình thức riêng dễ nhận diện. Hình thức riêng này thường được nhận biết qua các nhãn hiệu, thương hiệu, trang phục, v.v…Trong những năm qua, Phật giáo Việt nam đã nỗ lực không ngừng để phát triển và thích ứng với những thay đổi của thời đại. Phật giáo đã tổ chức nhiều lễ hội, hội nghị quan trọng với sự sáng tạo về cách truyền bá những hình ảnh độc đáo của mình. Bên cạnh những thành tựu đáng kể, còn một điều mà bấy lâu nay đã được chư tôn đức bàn thảo nhiều nhưng chưa thấy hiện hữu. Đó là pháp phục đồng bộ hay ‘hình thức riêng’ cho tăng ni Việt Nam.


giacngo.vn

Vào thời đức Phật, cuộc sống tăng ni thật là đơn giản gồm ba y, một bình bát và vài vật dụng cần thiết khác. Pháp phục của các vị ấy là những chiếc y được chắp vá may lại từ những mảnh vải nhỏ có khi là do nhặt được. Nhìn hình dáng và màu y phục của tăng đoàn, dân chúng có thể nhận ra và phân biệt sự khác nhau giữa hàng sa môn Thích tử và những tu sĩ của những giáo phái khác mà lúc bấy giờ tăng sĩ đạo Bà la môn rất thịnh hành ở xứ Ấn độ. Pháp phục như thế trở nên quen thuộc và là hình thức mặc định cho sự nhận biết một vị sa môn Thích tử. Do đó, không cần thêm một điều quy định nào về vấn đề pháp phục hay đồng phục cho tăng ni. Vào thời ấy, mặc dù không nặng về hình thức bởi uy tín của đức Phật và sự chứng đạo của chư vị thánh đệ tử ảnh hưởng rất sâu rộng trong quần chúng tín đồ nhưng hình thức không phải vì thế mà không được quan tâm. Điều đó được thể hiện qua cách thức tạo y phục và màu sắc của một chiếc y tương đối thống nhất cho chư vị sa môn Thích tử.

Theo dòng lịch sử phát triển, Phật giáo được chia ra thành nhiều tông phái và được truyền bá đi khắp nơi. Để tiếp biến và hội nhập vào những nơi có truyền thống văn hóa khác nhau, Phật giáo buộc phải chuyển mình thay đổi cách thức giáo hóa mà hình thức là điều dễ nhận thấy nhất. Ví như một nghệ sĩ diễn xuất nhiều vai diễn cần phải hóa trang cho thích hợp với vai ấy, Phật giáo khi du nhập vào những xã hội với văn hóa khác nhau cũng phải thay đổi về hình thức sinh hoạt để thích ứng và có thể truyền tải nội dung giáo lý Phật đà đến mọi người. Tu sĩ Phật giáo do đó cũng bắt đầu có sự khác nhau về hình thức sinh hoạt cũng như cách truyền đạo. Có thể nói đó là nguồn gốc và khởi đầu cho sự khác biệt về các kiểu pháp phục của tăng ni trên toàn cầu cho đến ngày nay.

Nói về pháp phục tu sĩ Phật giáo, ta có thể nhìn nhận sự khác biệt ở ba tông phái Phật giáo lớn hiện nay là Bắc tông (Mahayana), Nam tông (Theravada), và King Cang thừa hay tông (Vajrayana). Sự khác biệt về pháp phục bao gồm kiểu cách và màu sắc nhưng màu sắc là yếu tố dễ nhận biết nhất. Phật giáo Tây tạng nơi Kim Cang thừa phát triển mạnh đã để lại những dấu ấn rất riêng biệt, và trong số những nét riêng ấy là màu sắc pháp phục của các vị tu sĩ. Chúng ta rất dễ dàng nhận biết tu sĩ Tây tạng qua màu sắc đỏ đậm của những chiếc y mà các vị ấy vận, cùng với hình ảnh của những chiếc mũ hình rẽ quạt màu đỏ hay màu vàng đặc trưng của Phật giáo Tây tạng. Do đó, khi các vị tu sĩ Tây tạng đi du hóa ở đâu, hình ảnh của họ gây sự chú ý và rất khó nhầm lẫn với các tông phái Phật giáo khác.

Phật giáo Nam tông được mệnh danh là Phật giáo nguyên thủy bởi cách sinh hoạt hầu như giống với cách sinh hoạt của tăng đoàn thời đức Phật. Trong đó, y phục của các tu sĩ Nam tông được mô phỏng giống với y phục của chư tăng thời Phật còn tại thế. Điều đó có nghĩa là, các sư Nam tông quấn y thay vì ‘đắp y’ hay ‘vận y’ bởi chiếc y của các sư là một tấm vải lớn được may lại từ những mảnh vải nhỏ. Trong quá trình phát triển Phật giáo, mặc dù vẫn giữ được tính nguyên thủy của chiếc y nhưng chúng ta vẫn có thể nhận thấy sự khác biệt chút ít từ những chiếc y của các sư đến từ các nước theo Phật giáo Nam tông khác nhau. Yếu tố màu sắc vẫn là điểm dễ phân biệt nhất. Những màu y có thể phân biệt rõ nhất là từ những chiếc y của các sư đến từ Miến Điện, Thái Lan, và Srilanka. Chiếc y của các sư Miến Điện thì màu vàng nghệ (saffron) dễ nhận diện. Y của các sư Thái Lan có màu phổ biến là vàng kim loại và có thêm dây thắc bụng. Còn y của các sư ở Srilanka thì màu vàng cam.

Nếu như trong truyền thống Nam tông khó phân biệt y phục giữa những vị sư đến từ các nước khác nhau thì y phục trong Phật giáo Bắc tông rất dễ dàng nhận ra. Y phục của tăng ni Trung Quốc và Đài Loan đặc trưng bởi kiểu dáng và màu sắc. Kiểu y phục được cách điệu từ kiểu y phục của vua chúa nên gọi là y hậu và hoàn toàn khác với y của các sư bên Nam tông. Màu sắc thì cam cháy hay màu đồng. Cộng thêm, họ mang vớ và giày nên không bị nhầm với những nơi khác. Y phục của chư tăng Nhật với kiểu dáng và màu xanh hay đen cũng rất đặt trưng kiểu cách Nhật. Y phục của tăng ni Hàn Quốc với kiểu áo choàng, màu áo lam, màu y hồng hay hồng đỏ cũng mang màu sắc rất văn hóa xứ Hàn. Còn y phục của tăng ni Việt nam thế nào?

Việt nam trải qua ngàn năm đô hộ của Trung Quốc nên Phật giáo Việt nam phần lớn chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Phật giáo Trung Quốc. Hầu như mọi sinh hoạt trong Phật giáo Việt nam từ kinh điển chữ Hán, giáo lý hành trì, nghi thức tụng niệm, y phục v.v…, đều bị ảnh hưởng từ Trung Quốc. Mặc dù từ ngày Pháp đô hộ đến nay đã hơn 150 năm, và mặc dù sau khi độc lập thống nhất đất nước Phật giáo Việt nam đã có nhiều nỗ lực để cải cách và thích nghi với hoàn cảnh mới nhưng Phật giáo Việt nam vẫn chưa chứng tỏ được những nét đặc trưng riêng biệt của mình. Về y phục, ngoài chiếc áo ‘nhật bình’ thì các kiểu y phục còn lại đều mô phỏng từ Trung Quốc. Việc tạo ra một kiểu y phục đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt nam xem ra chưa thực hiện được cho đến thời điển hiện tại. Vấn đề có thể làm được cấp thời là chọn màu sắc y phục như thế nào để tạo nét riêng và dễ nhận diện cho văn hóa Phật giáo Việt nam.

Hiện tại, màu chiếc y và áo hậu của chư tăng cũng như màu chiếc y của chư ni rất là đa dạng và chưa có tính đồng bộ. Giáo hội đã có khuyến khích về vấn đề đồng phục cho tăng ni nhưng cũng chỉ thực hiện ở một số trường hạ lớn. Do đó, màu vàng nào thống nhất cho y hậu của tăng ni vẫn là điều còn bỏ ngỏ. Lý do chính là ý thức mang tính tự phát và vấn đề hình thức không được quan tâm.


giacngo.vn

Trong khi đó, màu lam của những chiếc áo tràng dành cho Phật tử và chư ni rất là đặc trưng của Phật giáo Việt nam. Chất liệu và màu sắc của nó thanh tao, hiền hòa, và dễ mến. Kế đến, chiếc áo đi đường ‘áo thông y’ màu nâu (đà) của chư tăng (có khi chư ni và Phật tử cũng dùng) cũng là màu đặc trưng riêng của Phật giáo Việt nam. Áo thông y màu nâu đã rất phổ biến ở Việt nam bởi hầu như chư tôn đức tăng đều sử dụng hàng ngày, nhất là khi đi làm Phật sự. Trong hai màu đặc trưng này, chỉ có màu lam được giữ gìn và sử dụng trong cũng như ngoài nước. Màu áo nâu tuy vẫn được sử dụng phổ biến nhưng dường như nó đang bị thay thế dần bằng màu vàng bởi vì ngày nay chư tôn đức có vẻ chuộng màu vàng hơn là màu nâu. Nếu ở trong nước thì việc sử dụng ‘áo thông y’ màu vàng hay nâu ít ai để ý nhưng nếu sử dụng nó ở phạm vi ngoài quốc gia thì lại khác. Khi ấy, hình thức y phục màu vàng của chư tăng Việt nam vô hình chung bị đồng hóa bởi y phục truyền thống Trung quốc. Đó là chưa nói mặt hạn chế của Phật giáo Việt nam là không làm nổi bậc tính riêng biệt của mình. Từ đó, câu hỏi đặt ra là chúng ta muốn hòa đồng với màu vàng để rồi bị đồng hóa bởi Trung Quốc hay chúng ta còn e ngại, sợ sệt không dùng màu áo nâu đặt trưng của mình. Nếu hòa đồng với màu vàng thì các tăng sĩ đến từ Tây Tạng, Hàn Quốc, Nhật Bản là lập dị chăng?! Còn tâm lý sợ sệt thì có thể bởi tiềm năng của Việt nam chưa được sử dụng đúng mức để chứng tỏ xứng tầm với thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, nên chăng Giáo hội phải có chủ trưng và hướng dẫn cụ thể. Thiết nghĩ, Ban tài chánh và Ban văn hóa có thể phối hợp để thực hiện nét đẹp văn hóa này. Việc chọn chất liệu vải và màu sắc thống nhất để phân phối cho các tự viện trên toàn quốc với giá tương đối rẻ (vì làm với số lượng lớn) sẽ thu hút sự quan tâm và ủng hộ của chư tôn đức tăng ni. Nếu thực hiện được công việc này thì trong vòng 5 năm chúng ta sẽ thấy một diện mạo khác của Phật giáo Việt nam về hình thức y phục. Thứ đến, trong khi chưa tìm ra kiểu y phục đặc trưng riêng của Phật giáo Việt nam thì việc sử dụng chiếc áo nâu khi tham dự các hội nghị quốc tế là điều nên thực hiện. Trong một thời gian ngắn, Phật giáo Việt nam sẽ có tầm ảnh hưởng quốc tế nhất định ít nhất là về hình thức vì chúng ta có lợi thế từ hình ảnh tăng thân Làng Mai mang đậm nét Việt nam. Chư tăng ni Việt nam ở hải ngoại vẫn có thể đóng góp về hình ảnh văn hóa này.

Những ý trên chỉ đề cập đến Phật giáo Việt nam theo truyền thống Bắc tông và là những suy nghĩ cũng như mong đợi từ cá nhân người viết. Xin được chia sẽ cùng chư vị tôn đức tăng ni và độc giả quan tâm đến Phật giáo Việt nam.