Tuesday, March 22, 2011

Tưởng niệm GS Trần Phương Lan: Học hành chi lạ rứa

Vào những giờ học Anh văn Phật pháp tại Học viện Phật giáo Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh từ khóa I cho đến khóa V, nếu ai tình cờ đi ngang qua lớp học chắc sẽ nghe được giọng đọc đậm chất Huế vang lên và tiếp theo là âm vang đồng thanh của cả lớp. Đó là những âm thanh thực hành quen thuộc trong giờ học Anh văn Phật pháp của Giáo sư Phương Lan và những học trò của Cô. Là một nhà giáo mẫu mực và nổi tiếng với sự nghiêm khắc nhưng lại rất có tâm và có tình, Cô đã để lại trong lòng các thế hệ học trò của mình những kỷ niệm thật ấn tượng và khó quên.

Hai tiếng gọi ‘Madam’ Phương Lan dường như đã trở nên quen thuộc với anh em tăng sinh chúng tôi khi còn ngồi trên ghế Học viện và cũng quen thuộc ngay cả với Cô giáo nữa. Nó là biệt hiệu mà chúng tôi đặt để tặng cho Cô bởi Cô vừa là người dạy tiếng Anh, vừa là người đặc biệt làm chúng tôi không thể nào quên vì sự nghiêm khắc và sự tận tâm của Cô. Mỗi khi nghe gọi hai tiếng ‘Madam’ cô mỉm cười từ ái bởi Cô cũng hiểu những người học trò của mình cũng có chút tinh nghịch khi phải đối mặt với môn học ‘khó nuốt’ mà Cô đảm trách. Và rồi, hai tiếng ‘Madam’ trở thành thuật ngữ riêng, thân mật cho tình Cô trò chúng tôi.

Có lẽ, ai cũng biết rằng học thêm một ngoại ngữ nhất là ngoại ngữ chuyên môn là một sự nỗ lực rất lớn bởi nó đòi hỏi khả năng sử dụng trí nhớ rất cao. Không nhớ từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc câu thì không tài nào có thể diễn đạt ý tưởng của mình được. Hơn nữa thuật ngữ chuyên môn, ngay cả ngôn ngữ mẹ đẻ cũng vất vả lắm mới có thể nhớ hết, huống gì là ngoại ngữ. Tuy nhiên, hiểu được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ chuyên môn và ý nguyện phụng sự Phật pháp mai sau, Cô trò không còn cách nào khác hơn là mỗi bên đều làm tốt công việc của mình. Cô đã làm rất tốt vai trò khi chính Cô đã biên soạn bộ giáo trình giảng dạy Anh văn Phật pháp rất công phu và chuẩn cho những sinh viên của Cô và cho cả những ai có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu Phật pháp bằng Anh ngữ. Đó là một nỗ lực rất lớn và cũng là tấm lòng tận tụy, mong mỏi những người học trò của mình học tốt hơn khi có bộ giáo án này. Còn phần chúng tôi, thật là khó nói quá!

Cứ trước mỗi buổi học, Cô đều căn dặn thật kỹ mỗi chúng tôi chuẩn bị bài vở trước khi đến lớp. Cô mở sách ra và chỉ từng phần cụ thể để không bị chúng tôi ‘chối cãi’. Và trước giờ học khá sớm, khi những sinh viên chúng tôi chưa đến hay đang đến thì Cô đã đón xe đến trước và ngồi chờ sẵn ở văn phòng rồi. Cô làm việc rất đúng giờ khi vào cũng như khi ra lớp dù cho có những lúc chúng tôi rất mong muốn về sớm. Đó là một trong những tính cách chuẩn mực của Cô.

Trong giờ học, Cô hướng dẫn phát âm chính xác từng chữ, từng câu và sẵn lòng gọi bất cứ ai trong lớp lập lại điều Cô dạy. Cây thước kẻ thon thon, nho nhỏ mà Cô thường dùng để gõ vào bàn làm hiệu lệnh sinh viên đọc theo, có lẽ là vật kỷ niệm một đời dạy học của Cô. Những lúc Cô kiểm tra bài hay trắc nghiệm khả năng học hành của học trò, Cô cười thật tươi như mãn nguyện khi thấy các trò của mình có nhiều tiến bộ hay chăm chỉ học hành; nhưng Cô lại buồn khi thấy các trò chưa đạt yêu cầu hay nói đúng hơn là còn giãi đãi. Những lúc buồn bực vì các trò ‘hơi bị lười biếng’, Cô thường nói những câu khuyên răn vừa như trách cứ nhưng lại thấy đáng thương làm sao! Một trong những câu nói đậm chất Huế của Cô làm cho tất cả chúng tôi đều nhớ mãi là ‘học hành chi lạ rứa’.

Ở trong một căn nhà nằm trong một con hẻm nhỏ yên tĩnh ở quận Gò vấp, Cô sống một mình với niềm vui phiên dịch kinh điển và hành trì Phật pháp. Cách đây vài năm, có dịp chúng tôi được ghé thăm và được Cô đón tiếp rất tận tình. Cô đưa chúng tôi tham quan ngôi nhà của mình với những tài sản quý giá là các bộ từ điển, những quyển sách tiếng Anh và các công trình phiên dịch của Cô. Ngoài ra, Cô cũng giới thiệu thêm tài sản tự nhiên của Cô gồm các loại bonsai và hoa được Cô chăm sóc trên sân thượng. Khi đàm đạo với chúng tôi, Cô luôn bày tỏ những ưu tư về thế hệ kế thừa làm công tác phiên dịch, nhất là chuyên ngành tiếng Anh Phật pháp. Cô trao đổi những kinh nghiệm quý báu cho chúng tôi về việc nghiên cứu và phiên dịch kinh điển. Với Cô, để cho việc nghiên cứu có kết quả đáng tin cậy, phải tìm đọc và học những bộ từ điển, những bộ sách chuẩn và đáng tín cậy. Thật ra, đó là điều không mới lạ nhưng ở môi trường Việt Nam, lời khuyên ấy thật có ý nghĩa với chúng tôi. Trong nụ cười rạng rỡ, Cô cũng không quên ‘khoe’ với chúng tôi về những thầy cô tăng ni đang du học các nước như Miến Điện, ấn Độ…với tâm trạng thật hoan hỉ. Cô nói họ là những bông hoa tương lai của Phật giáo Việt Nam và Cô mong mỏi tất cả chúng tôi đều như thế.

Với lối sống giản dị và mang nhiều chất thiền, trong suốt quảng đời từ khi biết đạo và có nhân duyên phụng sự đạo pháp qua con đường giảng dạy và phiên dịch kinh điển, người đệ tử tận tâm, tận tụy của Hòa thượng nguyên Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam chứng tỏ là một trong những vị giáo sư Phật tử hiếm thấy, người đã có nhiều đóng góp cho Phật giáo Việt Nam thời hiện tại. Viết lại những dòng chữ này như là một sự ôn lại những kỷ niệm khó quên của một thời được ‘thọ giáo’ với vị giáo sư mẫu mực và cũng là để tỏ lòng tưởng niệm và tri ân sâu sắc. Thân tứ đại thuận lẽ vô thường hòa vào dòng chảy của chúng nhưng những công hiến của Giáo sư Phương Lan vẫn còn hiển hiện nơi đây và tồn tại về sau. Xin được đốt nén tâm hương kính cầu nguyện Hương linh Giáo sư Cao đăng Phật quốc.

Người đi, tứ đại người đi

Âm vang bài giảng vẫn còn đâu đây

Trở về quê cũ trời Tây

Công trình nghiên cứu đựng đầy tủ kinh

Friday, March 18, 2011

Sự tiếp nhận giá trị Phật giáo ngày nay

Ngày nay, thế giới như nhỏ lại nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Ngồi một chỗ, chúng ta có thể biết được những gì đang xảy ra trên thế giới. Sự kỳ diệu của khoa học ví như một loại thần thông đang được sử dụng để làm cho con người gần lại nhau hơn, sống đầy đủ hơn. Tuy nhiên, thật trớ trêu là mặc dù thừa hưởng thành quả ngoạn mục ấy, con người ngày càng khủng hoảng về mặt đời sống tinh thần. Thực trạng ấy khiến nhân loại đang lẩn quẩn đi tìm những giải pháp để giải quyết nó. Và rồi nhiều người đã tìm đến những trò chơi giải trí, hưởng thụ dục lạc, theo đuổi lý tưởng siêu nhiên và đặc biệt là tìm đến các tôn giáo như là giải pháp đáng tin cậy nhất. Được xem như là một tôn giáo, Phật giáo đã đóng vai tích cực trong việc hướng con người đến một đời sống tâm linh lành mạnh trên toàn cầu từ xưa đến nay. Vai trò này đang phát triển rất mạnh ở các nước tiên tiến nhưng lại có phần chậm lại ở những nơi đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta thử tìm hiểu vài nguyên nhân về vấn đề này như thế nào?

Có lẽ ai cũng thừa nhận rằng xã hội Âu - Mỹ là nơi phát triển đỉnh cao về khoa học và hưởng thụ vật chất nhưng cũng là nơi có nhiều nỗi bất an nhất về tinh thần. Nhờ khoa học phát triển, đời sống vật chất của cư dân ở đây đã đạt mức sống khá cao. Tuy nhiên, khoa học chưa thể làm họ thỏa mãn về đời sống tâm linh bởi sự giới hạn của nó. Vả lại, đa số họ theo truyền thống tôn giáo đặt trọn niềm tin vào một vị thượng đế tối cao có thể ban phước hay giáng họa cho nên họ cũng không có nhiều cơ hội để được hướng dẫn những giải pháp cho những vấn đề mà họ thắc mắc. Do đó, mặc dù đời sống vật chất dồi dào, tri thức được nâng cao nhưng họ lại thấy bất an về đời sống tinh thần. Họ nhận thấy rằng vật dục vẫn không thể phủ lấp những lo âu và chỉ có niềm tin vào thượng đế không thể nào thỏa mãn nhu cầu tìm tòi và giải quyết những khủng hoảng mà họ thường đối mặt. Để thỏa mãn sự đam mê nghiên cứu cũng như giải quyết những bất an hằng ngày, họ đã tìm học triết lý, học thuyết, tôn giáo cả Tây lẫn Đông. Sau những năm nghiên cứu và thực nghiệm, các nhà trí thức đã tìm thấy ở Phật giáo một kho tàng văn hóa tâm linh quý giá. Chính giá trị tâm linh này đã đáp ứng sự tìm cầu của họ cũng như có thể giúp họ giải quyết triệt để những bất an mà họ đang đối mặt trong cuộc sống. Do đó, họ đã đến với đạo Phật như là một truyền thống tôn giáo thứ hai, thậm chí chuyển hẳn thành Phật tử. Hiện tượng này đã rất phổ biến khắp các nước phương Tây trong thời đại ngày nay.

Ngược lại, xã hội Á đông hạn chế về phát triển khoa học kỹ thuật nhưng phát triển rất đa dạng về tín ngưỡng và tôn giáo có giá trị tinh thần rất cao. Trong các tôn giáo tồn tại hiện nay, có thể nói Phật giáo có sự ảnh hưởng sâu rộng khắp các nước Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam, Phật giáo đã du nhập và phát triển hơn 20 thế kỷ qua và đóng góp rất nhiều giá trị văn hóa, đạo đức, tâm linh cho dân tộc. Chỉ cần đọc lại lịch sử dân tộc thì chúng ta có thể thấy rõ được điều đó một cách cụ thể và rõ ràng. Do đó có thể nói rằng Phật giáo không ngừng đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào của đất nước cho đến thời đại hiện nay.

Song song với sự phát triển xã hội hiện đại trong thời hội nhập, các nền văn hóa ngoại lai được tự do giao lưu và có tầm ảnh hưởng nhất định đối với đời sống người Việt. Văn hóa vật chất, hưởng thụ vốn là ước mơ của những xã hội chậm phát triển đã từng bước thâm nhập vào các tầng lớp xã hội, nhất là giới trẻ Việt Nam. Hệ quả của nó đã làm thay đổi cách sống, lối suy nghĩ và niềm tin của giới trẻ một cách nhanh chóng. Những giá trị truyền thống trong đó có giá trị đạo Phật cũng ít nhiều bị trầm xuống bởi sự hào nhoáng, hấp dẫn của vật chất, điều mà giới trẻ đang quan tâm, mong ước; và bởi sự thiếu hiểu biết hay thiếu thông tin thiết thực về những giá trị ấy. Điều mâu thuẫn là trong khi chúng ta hô hào quay về giá trị truyền thống mà lại thiếu phương tiện thông tin hay cách truyền bá, giáo dục; còn khuyến khích hạn chế sự tai hại của vật dục thì chính chúng được quảng bá nhang nhảng suốt ngày đêm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là một trong những mặt trái của nền kinh tế thị trường mang lại.

Chúng ta có thể tự hỏi rằng tại sao trong xã hội văn minh lại có nhiều người bất an về tinh thần như thế? Trong khi các nhà khoa học miệt mài làm việc để phát minh ra những điều mới nhằm phục vụ cho con người và giúp cho nhân loại có cuộc sống tốt hơn thì nhu cầu thỏa mãn của con người cũng không ngừng gia tăng. Do đó, mặc dù nhiều tiện nghi vật chất được đưa vào sử dụng và đời sống con người cũng không ngừng được cải thiện nhưng khoảng trống về tinh thần dường như ngày càng rộng thêm. Càng thỏa mãn đời sống vật dục con người càng cảm thấy khủng hoảng về đời sống tâm linh. Sự khủng hoảng ấy không thể giải quyết nếu như tiếp tục theo đuổi vật dục và không có sự quay về với sự bất an nội tâm. Ý thức được nỗi bất an, nhiều người đã tìm chỗ nương tựa và tôn giáo là chỗ đáng tin cậy nhất. Khác với những tôn giáo hữu thần dạy con người đức tin mãnh liệt vào thượng đế, đạo Phật dạy họ con đường đưa đến chấm dứt khổ đau có thể đạt được ngay trong hiện tại bằng cách thực hành “bát chánh đạo”. Giáo lý này càng được khẳng định giá trị khi văn minh khoa học càng phát triển. Đây là nền tảng khiến cho các học giả trí thức tìm đến đạo Phật ngày càng đông ở các nước phương tây.

Xã hội Việt Nam đa phần phụ thuộc vào nông nghiệp và thiên nhiên. Sự ảnh hưởng của nền văn hóa nông nghiệp khiến nhiều người tìm đến tín ngưỡng, tôn giáo phần lớn là để cầu nguyện, van xin. Trong quá trình hội nhập, Phật giáo cũng bị ảnh hưởng và cũng phải sử dụng các yếu tố tín ngưỡng, văn hóa bản địa để hướng con người đến với giáo lý chính thống. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, những người đến với Phật giáo để học hỏi giáo lý và tu tập thật là hiếm trong khi phần lớn là lễ bái và cầu xin. Giá trị cao tột của Phật giáo ít được quan tâm trong khi những hình thức lễ nghi, huyền bí thì lại thu hút rất nhiều người. Những hình thức thu hút quần chúng không phải là không tốt nhưng nó chỉ là bề mặt nổi, bề ngoài của vấn đề. Nó không thể giúp cho con người vượt qua khổ đau hay bất cứ điều gì bất an mà con người có thể đối mặt xét về lâu dài.

Trước hiện trạng đạo Phật đang bị hình thức hóa quá nhiều, các nhà chức trách phải lựa chọn hình thức nào cho thích hợp nhất và phải đề xuất hướng đưa đạo Phật về đúng vị trí của nó. Bên cạnh phục vụ nhu cầu lễ bái, cầu xin bình an của người dân, Phật giáo cần hạn chế những hình thức tín ngưỡng bị ảnh hưởng bởi văn hóa bản địa và cúng cấp những hình thức mới phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Vè trước mắt có thể nhiều người chưa quen với cái mới nhưng trải qua một thời gian chúng sẽ trở thành nề nếp. Để thực hiện vần đề lớn này, không thể là các cá nhân mà phải là toàn thể Phật giáo mà trước hết là cơ quan lãnh đạo. Nếu không thì các đoàn thể cá nhân chỉ như con én mùa xuân, có thể làm cho con người nghĩ về Phật giáo thuần túy nhưng vĩnh viễn không thể đưa Phật giáo về giá trị thực của nó.

Sunday, March 13, 2011

Kỳ vọng từ Hội thảo Hoằng pháp

Những ngày qua, khi đọc những thông tin về ‘Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc’ diễn ra tại Bình Dương những người con Phật không ai là không hân hoan và mong mỏi những thành tựu đạt được từ cuộc hội thảo ngay hiện tại và tương lai. Hình thức tổ chức, địa điểm tổ chức, truyền thông đưa tin, số người tham dự…khá ấn tượng. Điều đó cho thấy sự thành công trước nhất của nó là một trong những sự kiện Phật giáo được nhiều người quan tâm nhất, một dịp hiếm có để quy tụ hơn 1000 đại biểu từ hầu hết các tỉnh thành trong cả nước về tham dự và đóng góp trí tuệ của mình cho Phật sự truyền bá chánh pháp. Trong niềm vui chung ấy, người viết cũng một lòng hướng về cầu nguyện cho Hội thảo thành công tốt đẹp và nhân đây cũng xin bày tỏ một vài suy nghĩ với hy vọng chia sẻ và học hỏi từ chư tôn, thiện hữu tri thức.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại Ban hoằng pháp đã tổ chức được bốn cuộc Hội thảo Hoằng pháp và số bài tham luận đóng góp cho Hội thảo cũng lên đến con số hàng trăm. Về mặt số lượng thì đây là một thành công lớn. Bởi lẽ, hằng năm cụ thể là từ năm 2008 đến nay, Ban hoằng pháp liên tục tổ chức được những cuộc Hội thảo lớn với số lượng tham dự đông đảo. Đặc biệt, Hội thảo năm 2010 và năm nay 2011 được tổ chức rất quy mô và có tầm ảnh hưởng rộng lớn đối với Phật giáo và xã hội. Đồng bào Phật tử địa phương và những vùng lân cận có cơ hội tham dự, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật văn hóa và những chương trình văn nghệ Phật giáo đặc sắc. Các bạn trẻ có cơ hội tham gia tình nguyện viên phục vụ cúng dường và học hỏi Phật pháp sống động từ chư tôn đức và các đại biểu, từ đó tăng thêm kinh nghiệm sống cho bản thân. Những người nghèo khó cũng được thừa hưởng phước báo từ Hội thảo với những món quà vật chất và những bài pháp tinh thần từ chư tôn đức. Đó là thành tựu trước mắc trước mắt, dễ thấy.

Từ bốn lần Hội thảo, chắc chắn Ban hoằng pháp sẽ rút ra kinh nghiệm rằng Hội thảo Hoằng pháp tiếp theo sẽ tổ chức hằng năm hay 2-3 năm một lần để sao cho hiệu quả của nó tốt nhất; rằng tất cả những bài tham luận sẽ được tập hợp in ra ngay hay đúc kết và biên tập lại rồi xuất bản làm tài liệu cho hoằng pháp viên. Ban hoằng pháp chắc chắn cũng đánh giá được những thành tựu và hạn chế từ việc áp dụng những kết quả của Hội thảo trước đây vào thực tế cuộc sống để điều chỉnh chương trình Hoằng pháp sắp tới cho thích hợp với điều kiện mới.

Đã bốn kỳ Hội thảo rồi, có lẽ Ban hoằng pháp đã xây dựng cho mình một chương trình hay kế hoạch Hoằng pháp cụ thể cho từng vùng miền và những chính sách hỗ trợ thiết thực cho các Hoằng pháp viên có tâm phụng sự chúng sanh nhưng thiếu phương tiện. Trong các phương tiện ấy phải kể đến là sự trợ giúp của chính quyền sở tại, Ban đại diện Phật giáo sở tại và phương tiện đi lại nếu có thể. Nếu như Hoằng pháp viên cầm giấy giới thiệu của Ban hoằng pháp đến đâu bất kể Nam hay Bắc đều được trợ giúp đến đó thì Ban hoằng pháp đã thành công về mặt tổ chức, còn ngược lại thì dễ hiểu.

Về kế hoạch Hoằng pháp, hai vấn đề lớn không thể thiếu của người tu nói chung và Hoằng pháp viên nói riêng là giáo lý và thực hành. Thực hành là cốt tủy của người tu nên có lẽ không cần phải bàn. Hơn nữa, thực hành là biểu hiện của đạo đức, là thân giáo, là điều kiện không thể thiếu của Hoằng pháp viên. Điều cần bàn ở đây là giáo lý, là phương pháp hỗ trợ thực hành sao cho có hiệu quả nhất. Ví dụ, tổ chức các lễ hội, nghi thức tụng kinh… là chúng ta đang hành trì nhưng hình thức và cách thức tổ chức như thế nào để thu hút tín đồ và có thể truyền dạy giáo lý thì cần phải học hỏi. Đây là điều Ban hoằng pháp cần trợ giúp các tự viện, ít nhất là phương pháp cơ bản.

Đối với Hoằng pháp viên, có thể họ thông kinh điển và có kinh nghiệm Hoằng pháp nhưng đa số các vị trụ trì thì không phải như vậy. Do đó, việc biên soạn và phát hành giáo trình Hoằng pháp cơ bản cho tất cả tăng ni và Phật tử là điều hết sức bức thiết. Lý do là một tập thể hơn 1000 người với kinh nghiệm dày dặn truyền lại những kinh nghiệm và phương pháp qua giáo trình sẽ giúp cho tăng ni đỡ tốn rất nhiều thời gian băn khăn tìm đi lối thoát cho Phật sự Hoằng pháp. Giáo trình ấy như kim chỉ nam để tăng ni và Phật tử có thể sử dụng mà không phải lo lạc lối khi truyền bá chánh pháp. Được như vậy thì thành tựu của hội thảo sẽ vang vọng đi xa trong cũng như ngoài nước.

Không ai trong những người con Phật nghĩ rằng hội thảo chỉ là ‘đến hẹn lại lên’, xong rồi mọi thứ đâu vào đấy mà luôn mong mỏi rằng mỗi lần Hội thảo là mỗi lần Ban hoằng pháp đánh giá và rút kinh nghiệm để đưa ra những chương trình mới thích hợp hơn, là mỗi lần tìm ra giải pháp để khắc phục những khó khăn và tìm sự hợp tác mới. Sau kỳ Hội thảo này, những mong mỏi thiết tha trên có thành hiện thực không, chúng ta hãy chờ đợi.

Monday, March 7, 2011

Cải đạo và những động cơ

Khái niệm ‘cải đạo’ được hiểu một cách phổ quát là bỏ đạo mình đang theo để chấp nhận một đạo mới. Hiện tượng ‘cải đạo’ chỉ có thể xảy ra khi có ít nhất hai đạo cùng tồn tại trên cùng một lãnh thổ nào đó.

Theo hiến pháp Việt Nam, việc theo hay không theo một tôn giáo[1] là quyền tự do của công dân và không ai có quyền xâm phạm quyền ấy. Điều đó có nghĩa là, công dân được quyền quyết định niềm tin của mình một cách tự nguyện mà không bị áp lực từ bên ngoài. Những hành vi hay thủ đoạn mua chuộc, ép buộc, lừa đảo bằng bất cứ hình thức nào đều được xem là xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng. Vậy thì, sự ‘cải đạo’ cũng có thể xem là quyền tự do của con người và nó đã xảy ra khắp nơi trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Không ai có quyền cấm người khác cải đạo khi họ có những lý do chính đáng, nhưng chúng ta có quyền tư vấn, can thiệp và thậm chí phản đối khi những động cơ đưa đến sự cải đạo không lành mạnh xuất phát từ một trong hai phía hay cả hai.

Cũng như bác sĩ chẩn đoán bịnh nhân để tìm căn nguyên của nó, việc tìm hiểu động cơ cải đạo là ta đang chẩn đoán nguyên nhân của hiện tượng này. Nhận thức rõ tướng trạng của động cơ cải đạo thì ta mới hy vọng sẽ tìm ra giải pháp ‘cứu chữa’ hay ít nhất là ngăn chặn không cho chúng lan tràn thêm nữa. Dĩ nhiên, vi khuẩn mầm bịnh thì luôn luôn thay đổi nên công viêc ‘chẩn đoán’ cũng phải không ngừng hoạt động. Có thể nói rằng, đây là công việc không của riêng giới nào mà là công việc chung của mọi giới – những người đang quan tâm theo dõi sự thay đổi hàng ngày của hiện tượng cải đạo và những hậu quả đáng lo ngại cho đất nước Việt Nam chúng ta. Do vậy, mọi người đều có thể đóng góp công sức nhỏ bé của mình bằng những khả năng và phương tiện có thể. Trên phương diện truyền thông, việc xuất bản và phổ biến những thông tin về động cơ của việc cải đạo và hậu quả của nó gây ra được xem là một đóng góp tích cực mà nhiều vị đã và đang thực hiện, và mọi người đều có thể làm được. Những nhân chứng cụ thể và những sự kiện lịch sử chứng thực sẽ hiển lộ những động cơ không trong sáng của việc cải đạo và do đó sẽ bị đối phương phán ứng bằng nhiều hình thức quy chụp, đã kích khác nhau. Tuy nhiên, kết của tích cực của những thông tin chính xác sẽ giúp cho những người đang bị cải đạo hiểu rõ được bản chất của nó và thoát khỏi cạm bẫy. Âu cũng là việc nên làm vậy.

Theo lịch sử Việt Nam, tất cả các tôn giáo được nhà nước công nhận đều có nguồn gốc từ ngoài lãnh thổ Việt Nam. Phật giáo được truyền vào Việt Nam rất sớm và phát triển rõ ràng nhất là vào hạ bán thế kỷ thứ II khi trung tâm Phật giáo Luy Lâu được hình thành.[2] Suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, Phật giáo Việt Nam chứng tỏ thực sự là một đạo từ bi vì không hề khởi xướng tranh giành quyền lực, tín đồ dẫn đến đến cảnh đau thương, chết chóc, chia rẽ, thù hận, v.v…như các tôn giáo khác đã và đang làm. Ngay cả dưới hai thời đại Lý và Trần khi Phật giáo là quốc giáo, Phật giáo cũng hòa đồng với các giáo phái khác và do đó mới có câu nói ‘tam giáo đồng nguyên.’

Lão giáo và Nho giáo cũng được cho rằng truyền vào Việt Nam khoảng thế kỷ thứ I – II nhưng vai trò ảnh hưởng của hai đạo này không lớn đối với xã hội Việt Nam mãi cho đến thế kỷ XI khi mà Nho giáo có vai trò chính yếu trên vũ đài chính trị kéo dài tới thế kỷ XIX. Lão giáo và Nho giáo nên xem là hệ thống triết lý hơn là tôn giáo và do đó từ ‘đạo’ có vẻ thích hợp với hai giáo phái này. Lão giáo thì không có hệ thống tổ chức giáo hội và tồn tại chỉ là các ‘hội quán’ hay nhóm nhỏ thực hành đạo lý hướng về cõi thần tiên. Nho giáo thì chủ trương thực hành thuyết ‘tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’ nên chú trọng vào đời sống hiện thực thay vì đề cập đến thế giới bên kia. Đặc biệt, Nho giáo đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống chính trị phong kiến ở nước ta từ thế kỷ XI cho đến đầu thế kỷ XX. Cả hai giáo phái này đều không có đề cập về việc cải đạo.

Thiên chúa giáo lấy năm 1533 làm mốc lịch sử truyền giáo vào Việt Nam.[3] Suốt 361 năm kể từ khi truyền vào Việt Nam đến năm 1884, Thiên chúa giáo có nhiều nỗ lực trong việc truyền giáo nhưng kết quả thật khiêm tốn. Thậm chí, tôn giáo này còn bị nhà nước cấm hay hạn chế sự truyền đạo. Tuy nhiên, sau khi triều đình Huế phải ký hòa ước công nhận Pháp đô hộ Việt Nam vào năm 1884, Thiên chúa giáo tại Việt Nam được tự do và công khai truyền đạo. Dưới sự ủng hộ của thực dân Pháp, Thiên chúa giáo phát triển rất mạnh về cơ sở vật chất lẫn tín đồ. Đặc biệt, dưới thời Ngô Đình Diệm, được sự bảo trợ của chính quyền, Thiên chúa giáo đã gây nhiều tổn thương cho Phật giáo nhằm mục đích phát triển tín đồ. Sau khi đất nước độc lập, Pháp và Mỹ đã rút khỏi Việt Nam, Thiên chúa giáo Việt Nam vẫn còn là một bộ phận của Giáo hội Công giáo Roma (Roman Catholic Church) và tồn tại đến ngày nay.

Một tôn giáo khác cũng có nguồn gốc từ Cơ Đốc giáo là Tin lành. Tin lành là phong trào kháng cách (Protestantism) tách ra từ Giáo hội Công giáo Roma xảy ra vào thế kỷ XVI ở châu Âu. Sau đó, tôn giáo này được truyền đi các châu lục khác và hiện nay rất thịnh hành ở Hoa Kỳ. Tin lành là tôn giáo sau cùng được truyền vào Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ thứ XIX trong thời kỳ Pháp đô hộ. Đầu tiên là các mục sư Tin lành thuộc Giáo hội Tin lành Pháp và sau đó là các mục sư đến từ tổ chức CMA thuộc Bắc Mỹ. Hiện nay, hệ thống tổ chức của các Giáo hôi Tin lành ở Việt Nam không phụ thuộc vào tổ chức Tin lành ở nước ngoài nhưng được hậu thuẩn rất mạnh về tài chính nhất là từ Hoa Kỳ. Cả Thiên chúa giáo và Tin lành đều có chủ trương và áp dùng nhiều hình thức để cải đạo nhằm mục đích phát triển tín đồ và nhiều lý do khác.

Một tôn giáo nhất thần khác cũng có chủ trương cải đạo rất ráo riết trên khắp thế giới là Hồi giáo. Tuy nhiên, Hồi giáo ở Việt Nam chiếm tỷ lệ tín đồ rất ít nên chiến lược cải đạo chưa thấy biểu hiện rõ ràng cho đến hiện tại.

Hai đạo còn lại là Cao Đài và Phật giáo Hòa hảo được thành lâp tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Nhìn chung, giáo lý của hai đạo này gần gũi với truyền thống Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Họ cũng có những quy định để bảo vệ và phát triển tín đồ. Tuy nhiên, phần lớn tín đồ theo hai đạo này là tự nguyện hơn là vì vật chất hay mua chuộc.

Sau khi sơ lược về các tôn giáo được công nhận tồn tại ở Việt Nam, chúng ta có thể xác định được tôn giáo nào có chủ trương cải đạo và từ đó tìm hiểu những mô thức mà họ đã và đang áp dụng và mục đích cuối cùng của họ là gì? Trước hết, chúng ta cần phân biệt rõ rằng tìm hiểu thêm về triết lý hay đạo đức của một truyền thống khác, ngoài truyền thống của mình không phải là cải đạo vì chúng ta không hề bỏ đạo gốc của mình; rằng hợp tác với các tôn giáo khác vì mục đích lợi ích chung (nếu có thể) cũng không phải cải đạo; và rằng ngay cả trường hợp nam nữ tiến đến hôn nhân nhưng vẫn tôn trọng truyền thống riêng của mỗi người cũng không gọi là cải đạo. Như vậy, việc cải đạo chỉ có thể xảy ra khi chúng ta chấp nhận từ bỏ đạo gốc của mình, từ bỏ truyền thống tâm linh, tổ tiên của mình để theo một cái hoàn toàn mới. Cũng cần lưu ý rằng, tiếp thu học hỏi những điều mới để làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần, và tâm linh của mình không phải là cải đạo.

Vào thời Nho giáo thịnh hành ở nước ta, nhiều người chạy theo Nho giáo để có cơ hội thăng quan tiến chức, rồi quay sang công kích Phật giáo. Tuy nhiên, họ cũng không hoàn toàn bỏ truyền thống của họ và do đó không ai cho rằng họ cải đạo. Ngược lại, thời Pháp đô hộ Việt Nam và thời Mỹ - Diệm, nhiều người cũng muốn tiến thân trên con đường tương tự nhưng họ không có quyền lựa chọn như trước. Nghĩa là họ phải chấp nhận cải đạo để theo Thiên chúa nếu họ muốn mau đạt mục đích. Và từ đây vấn đề cải đạo trở nên phổ biến với nhiều động cơ khác nhau từ hai phía. Động cơ chủ yếu của các tín đồ là hưởng lợi và một phần niềm tin cứu rỗi, còn động cơ của các nhà truyền giáo là lợi dụng sự ủng hộ của tín đồ để củng cố sức mạnh chính trị của họ. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, người ta buộc phải lựa chọn lối sống cho mình, và nhiều người đã đi theo con đường mới.

Sau khi đất nước độc lập và thống nhất, con đường quan quyền của người dân không còn phụ thuộc vào bất cứ tôn giáo nào mà nằm ở những người cộng sản. Vậy thì động cơ của việc cải đạo là gì? Đối với các tín đồ, động cơ cải đạo trước hết là con đường tiến thân vì họ được giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần, điều kiện học tập, và vì đạo lý ơn nghĩa của người Việt. Kế đến là sự yên tâm, chắc chắn sẽ được cứu rỗi bởi đã được các nhà truyền giáo viện dẫn kinh thánh hứa hẹn như thế. Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp mua chuộc bằng vật chất, hù dọa về tinh thần và đặc biệt là chiến thuật ‘mạnh hiếp yếu’. Nghĩa là, nếu một vài người người Phật tử sống trong xóm đạo thì sớm hay muộn gì cũng phải cải đạo hay chuyển đi nơi khác. Làm sao có thể sống trong một môi trường mà sự tính toán cải đạo luôn là ý niệm thường trực của nhiều người.

Trường hợp của những người thuộc dân tộc thiểu số ở tây nguyên thì sao? Động cơ của họ là cần sự cứu rỗi của Chúa hay sự cứu rỗi của những nhà truyền giáo. Có lẽ họ cần cả hai nhưng sự cứu rỗi của những nhà truyền giáo thực tế hơn là sự cứu rỗi của Chúa trời vì chính những người này mới đem của cải vất chất đến để thay đổi cuộc sống nghèo khổ của họ hiện tại. Họ cũng có ‘ông Giời hay ông Giàn’ để cầu nguyện nhưng đời sống của họ cứ nghèo. Vì lẽ đó, khi được giới thiệu một đấng quyền năng hơn, có thể làm cho họ thoát nghèo qua sự trợ giúp của các nhà truyền giáo thì việc chấp nhận Chúa trời cũng là dễ hiểu. Marx nói ‘vật chất quyết định ý thức’ có lẽ là đây. Tuy nhiên, cái lợi trước mắt có thể là mối hiểm họa lâu dài khi mà ‘ông Giời’ của họ không còn đất sống (mất đi văn hóa dân tộc) thì họ trở nên mất gốc, thành nô lệ của cái mới. Đây chính là điều lo ngại của chúng ta.

Công bằng mà nói, động cơ cải đạo của tín đồ không hẳn hoàn toàn như trên đã nói mà cũng có những trường hợp tích cực đáng suy ngẫm. Đó là khi họ không tìm thấy trong truyền thống của họ những điều họ mong muốn, những điều có thể giúp họ giải quyết nỗi khổ niềm đau của họ, nhưng họ lại tìm thấy ở truyền thống khác. Nguyên nhân là họ không gặp được thầy lành, bạn tốt cùng đạo với họ, có thể giúp đỡ họ; trong khi đó họ lại được giúp đỡ tận tình bởi những người từ tôn giáo khác. Tính thiết thực của tôn giáo đã thuyết phục họ chứ không phải những giáo lý cao siêu huyền diệu đọc thì không hiểu mà hành thì không ai hướng dẫn. Đó chính là điểm yếu của Phật giáo hiện nay. Đức Phật là một người ‘nói và làm’ thiết thực nhất trên thế gian này nhưng tiếc rằng đệ tử học và hành theo đức Thế Tôn thì quá ít. Đây là nguyên nhân sâu xa khiến cho kho tàng Phật pháp vô giá khó có thể đến với quần chúng bình dân ở những nước đang phát triển và do đó không giữ chân họ lại được khi có biến cố xảy ra với họ.

Nếu động cơ của tín đồ có thể sơ lược như trên thì động cơ của các nhà truyền giáo là gì? Theo nguyên lý, các nhà truyền giáo chân chính khi giới thiệu một nền giáo lý mới cho người khác thì ắt hẳn giáo lý ấy phải có giá trị giúp đời, đem lại lợi ích cho con người. Cái giá trị ấy như thế nào thì tùy ở mỗi tôn giáo. Vì ý niệm giúp đời, các nhà truyền giáo đã không ngại gian lao dấn thân khắp nơi để truyền bá đạo lý của mình. Việc làm ấy nếu chỉ đơn thuần như thế thì còn gì cao quý cho bằng. Hẳn nhiên, động cơ giúp đời phải dựa trên nền tảng tự do và tự nguyện. Nghĩa là mình truyền giáo nhưng phải tôn trọng quyền tự do chọn lựa của người khác và nếu họ muốn theo đạo của mình thì đó phải hoàn toàn là sự tự nguyện của họ. Động cơ như thế đáng trân trọng biết bao. Ngoài ra, những sự trợ duyên vật chất và tinh thần mà các nhà truyền giáo đem đến cho những người dân còn thiếu thốn cũng là nguồn an ủi lớn lao và đáng trân quý. Với động cơ cao thượng như thế thì sẽ không có một nhà truyền giáo chân chính nào có tâm niệm tìm cách cải đạo hay mua chuộc tín đồ; sẽ không có vị nào nghĩ đến tranh giành tín đồ để thực hiện mục đích riêng cho mình. Động cơ cao đẹp này được tất cả các vị giáo chủ của các tôn giáo lớn dạy và hành như thế. Ngày này, các nhà truyền giáo nếu muốn tìm đủ mọi cách để cải đạo thì đó là hành động trái ngược với lời dạy của vị giáo chủ của mình và trái với đạo đức con người. Đem vật chất cứu giúp để tỏ ra thương hại người và lợi dụng vào đó để cải đạo thì đâu phải là động cơ của những nhà truyền đạo chân chính. Đáng buồn là nó lại đang xảy ra trên đất nước Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng trước khi Thiên chúa giáo và Tin lành truyền vào Việt Nam thì không có chuyện cải đạo hay nói đúng hơn là tranh giành tín đồ. Ngoại trừ hai tôn giáo này cộng với Hồi giáo có chủ trương và đường lối cải đạo, Phật giáo và các tôn giáo còn lại không hề có quan niệm này. Sự truyền giáo là đem đến cho tín đồ những giá trị đạo đức và tâm linh để giúp họ vượt qua nỗi khổ niềm đau, lý giải những bế tắc trong cuộc sống. Do vậy, cùng lúc họ có thể thực hành nhiều truyền thống vẫn không có mâu thuẩn gì. Tuy nhiên, khi các tôn giáo nhất thần truyền vào thì vấn đề trở nên phức tạp và đôi khi căng thăng. Từ đó, chúng ta có thể lý giải phần nào bản chất của các tôn giáo này.

Con người có quyền chọn lựa cuộc sống hạnh phúc về vật chất và tâm linh cho mình. Khi họ tìm thấy nơi đâu đáp ứng nhu cầu thì họ đi theo là chuyện không có gì lạ. Tuy nhiên, hậu quả trước mắt và lâu dài của việc cải đạo cần phải phân tích rõ ràng để mọi người cùng thấy. Ba vấn đề chúng ta cần quan tâm là liệu rằng cải đạo có đem đến: chia rẻ tình đoàn kết dân tộc, phá vỡ nền văn hóa Việt và đánh bậc gốc rễ thế hệ trẻ không?! Mỗi người hãy cùng suy ngẫm.

Trước tình trạng cải đạo không lành mạnh thì Phật giáo cần làm là gì? Phật giáo không thể làm một cách rập khuôn theo các tôn giáo khác mà hãy phát huy những giá trị vốn có của mình cộng với phương thức lãnh đạo thích hợp. Trước hết, Phật giáo cần phải có một quyển kinh nhỏ, ngắn gọn nhưng tương đối đầy đủ về nội dung giáo lý Đức Phật để phân phát cho tất cả tín đồ. Điều thiếu sót hiện nay là rất nhiều Phật tử sau khi quy y rồi cũng không có được một quyển kinh nào để biết trì tụng huống gì những người chỉ đến chùa mà chưa quy y. Thứ hai, củng cố đoàn hoằng pháp. Phải có một nguồn tài chánh cho ban hoằng pháp để ban này có thể cử nhân sự đi khắp mọi miền đất nước thuyết pháp. Chúng ta không thể mong mỏi ban hoằng pháp làm việc tốt hơn trong khi mọi thứ họ phải tự lo từ đầu đến cuối. Hơn nữa, ban hoằng pháp cũng chỉ có thể làm tốt khi các chùa cơ sở được tổ chức tốt. Giáo hội phải quan tâm, hướng dẫn và trợ duyên cho họ thực hiện công tác tổ chức này thay vì để họ tự nguyện. Thứ ba, cải cách công tác từ thiện. Ban từ thiện phải nên hợp tác với ban hoằng pháp để vừa giúp vật chất vừa trao giáo pháp. Các dự án từ thiện phải có tính hệ thống, lâu dài nhất là vấn đề y tế, hướng nghiệp cho cộng đồng Phật giáo và người dân thay vì chỉ bố thí vật chất một cách tự phát. Tất nhiên, công việc ấy cũng có lợi ích nhưng nếu chỉ vì vật chất thì Phật giáo sẽ tụt hậu.

Việc cải đạo diễn ra phức tạp và tinh vi. Do vậy, tiếng nói của mỗi người con Phật là đang đóng góp bảo vệ và duy trì ngôi nhà chánh pháp. Hy vọng Đại hội hoằng pháp sắp đến sẽ có nhiều giải pháp thiết thực hơn.



[1] Tôn giáo (tiếng Anh gọi là religion) là thuật ngữ dùng để chỉ chung cho các truyền thống tâm linh, đặt biệt là các tôn giáo nhất thần phát triển mạnh ở phương tây. Trong các văn bản pháp lý, người ta gọi chung các ‘đạo’ là tôn giáo để có sự thống nhất trong công việc hành chánh hay quan hệ giao tiếp. Thật ra, từ ‘đạo’ mang nhiều ý nghĩa hơn và có thể biểu đạt nội hàm tương đối đầy đủ hơn so với từ tôn giáo, và do đó nó thích hợp với các truyền thống phương đông. Hơn nữa, từ ‘đạo’ không gây hiểu lầm về hệ thống tín điều như các tôn giáo nhất thần sử dụng.

[2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, quyển 1.

[3] Theo Sách trắng tôn giáo Việt Nam