Có lẽ cuộc đời thật trớ trêu khi hiện tượng ‘thừa mà thiếu’ luôn tồn tại. Trong tự nhiên, đó là sự mất cân bằng của thiên nhiên, thời thiết: nơi thì nóng như lửa đốt, chỗ thì lạnh giá buốt xương; vùng thì bão lũ ngập tràn, xứ thì đồng khô cỏ cháy… Trong xã hội, nó được biểu hiện qua nhiều mặt như mật độ dân số: nơi thì đông đúc không chỗ chen chân, chỗ thì thưa thớt không bóng người; hay sự phân chia vật chất: người thì giàu sang ăn không hết, kẻ thì nghèo cùng, đói khát, còi xương…Đây là vấn đề muôn thuở và con người luôn tìm cách cân bằng nó nhưng xem ra kết quả còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân tạo nên hiện tượng trên có sự góp phần của con người và trong nhiều trường hợp chính con người gây ra hiện tượng đó. Chia sẻ về điều này, người viết đề cập đến hai vấn đề ‘thừa mà thiếu’ trong Phật giáo mà nguyên nhân và cách giải quyết phần lớn phụ thuộc ở những người con Phật. Đó là ‘thừa tăng ni mà thiếu sự phân bổ’ và ‘thừa gia tài Phật pháp mà thiếu sách giáo trình, giáo khoa, nhất là sách giáo lý cho người Phật tử tại gia’. Mục đích của bài viết là tìm hiểu một số khía cạnh về nguyên nhân, giải pháp cũng như mong mỏi sự quan tâm của tất cả mọi giới nhằm đóng góp khắc phục khiếm khuyết này.
Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì số lượng tăng ni cả nước khoảng 45 ngàn (trên tổng số dân hơn 85 triệu người) với số cơ sở tự viện khoảng 17 ngàn. So với chư tăng ở Thái Lan khoảng 400 ngàn (trên tổng số dân khoảng 65 triệu) thì tăng ni Việt Nam chỉ bằng 1/9. Theo sách trắng tôn giáo (xuất bản năm 2006) công bố thì vào năm 2005 tín đồ Phật giáo bao gồm tăng ni và Phật tử chỉ khoảng 10 triệu. Con số này ít hơn rất nhiều so với con số 45 triệu tín đồ đã quy y do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống kê. Việc chênh lệch về con số như thế cho thấy sự thống kê tín đồ trong Phật giáo còn bất cập do sự quản lý hành chánh chưa đồng bộ và thống nhất. Giả sử số liệu thống kê của GHPGVN đúng thì trung bình mỗi tăng hay ni sẽ hướng dẫn 1000 Phật tử và mỗi cơ sở tự viện chăm lo cho khoảng 2650 Phật tử; còn số liệu của Ban tôn giáo đúng thì mỗi tăng hay ni chỉ hướng dẫn khoảng 222 Phật tử và mỗi cơ sở tự viện đảm trách khoảng 600 Phật tử. Với số tỉnh thành cả nước là 63 thì trung bình mỗi tỉnh thành có khoảng 270 cơ sở tự viện và trung bình mỗi cơ sở tự viện có khoảng 2,65 tăng ni. Nhìn vào con số từ phép tính bình quân thì có vẻ khá lý tưởng với con số của GHPGVN đưa ra và đáng lo ngại với con số của bên nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không như vậy.
Hiện nay, cả nước có 63 tỉnh thành nhưng chỉ thành lập được 55 Ban trị sự Phật giáo. Các tỉnh chưa có Ban trị sự vì số lượng tăng ni và cơ sở tự viện chưa đủ hoặc chưa có. Trong 55 tỉnh thành còn lại, đa số tăng ni tập trung ở các thành phố lớn dẫn đến tình trạng ‘thừa mà thiếu’ về nhân sự. Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng chủ yếu vẫn là phụ thuộc vào điều kiện sinh hoạt. Ở các đô thị, cuộc sống văn minh hơn, sự ủng hộ của Phật tử mạnh hơn, điều kiện tiến thân dễ hơn, đời sống đỡ vất vả hơn….
Ta thử hình dung, là con người có ai không mong muốn có đời sống tương đối đầy đủ, đỡ vất vả nhất là những người ở miền quê. Hiện tượng di cư từ nông thôn ra thành thị phản ảnh rõ ràng nhu cầu mong muốn ấy cho dù nhiều người không muốn bỏ quê và chán cảnh ngộp ngạt của thành phố. Ta cũng thử hình dung có bao nhiêu người bỏ gốc thành phố để về thôn quê sống cảnh thanh nhàn, đạm bạc. Có chăng chỉ là những người về an dưỡng, về đầu tư kinh doanh khi họ đã có cơ sở ở thành thị, về công tác do sự phân bổ theo thời hạn và được ưu đãi nhất định,… và hầu hết họ là những người xuất thân từ các tỉnh, nặng tình với quê hương.
Với trường hợp các tăng ni, họ cũng là con người nên không thể phủ nhận nhu cầu trên. Tuy nhiên, họ vượt trội hơn những người thế tục là nhờ vào đức tính dấn thân phụng sự xã hội, thực hành lý tưởng bồ tát vì lợi lạc số đông. Xem ra, để thực hiện tinh thần ấy sự thử thách không phải nhỏ nếu họ quyết định hành đạo các vùng quê nhất là tăng ni gốc thành thị. Ta thử khảo sát một số nguyên nhân để tìm hiểu sự bất cân bằng về nhân sự trong Phật giáo.
Xuất gia trở thành tăng ni là một hiện tượng đặt thù, khác hoàn toàn với sự phát triển dân số. Dân số thì phân tán khắp nơi, tỉnh nào cũng có và sự tăng giảm nhanh chậm tùy địa phương, trong khi sự xuất gia của tăng ni thì không theo nguyên lý như vậy. Có nơi thì người xuất gia rất đông nhưng có nơi thì đốt đuốc đi tìm cũng chẳng ra. Đây là nguyên nhân thứ nhất dẫn đến sự mất cân bằng nhân sự.
Thứ hai, sau khi xuất gia, tăng ni thường phải tìm đến các thành phố lớn, nơi có các trường Phật giáo để học tập, trau dồi tri thức. Sau khi hoàn tất chương trình, số tăng ni tìm cách trụ lại không phải là nhỏ dẫn đến thừa nhân sự nơi các thành phố lớn.
Tại sao nhân sự không được phân bổ cân bằng? Một số trường hợp tham khảo như sau:
Trường hợp trở về chùa tổ, nơi xuất gia:
Nếu thầy tổ có nhiều đệ tử thì tất cả họ về chùa sẽ làm gì khi mà Phật sự tại một ngôi chùa dù to lớn cũng không nhiều. Nếu thầy tổ quan tâm giới thiệu các cơ sở hiện còn ở địa phương cho đệ tử thì chắc chắn khả thi nhưng hiện tại nhiều tỉnh thành đâu còn chùa mà giới thiệu. Nếu họ chịu về quê lập cơ sở hành đạo thì việc xin phép xây dựng cơ sở mới là một điều vô cùng khó cả về hành chính lẫn tài chính. Xem ra, các tỉnh thành có tăng ni xuất gia nhiều thì dường như đã bão hòa nên sự có mặt của họ không đóng góp gì nhiều trừ phi họ là người xuất chúng. Do đó, nhiều người không muốn quay về, nhất là khi họ có điều kiện sống mới tốt hơn.
Trường hợp đến địa phương khác hành đạo:
Một số tăng ni được Phật tử quen biết, quý mến về đạo hạnh nên thỉnh về các chùa ở tỉnh để hướng dẫn họ tu tập. Trong trường hợp này, để được chấp nhận hành đạo nơi quê hương mới, vị ấy ít nhất phải hội đủ 3 điều kiện: Phật tử hay ban hộ tự tán thành ủng hộ, chính quyền ủng hộ, và đại diện Phật giáo địa phương thông qua. Để đáp ứng các điều kiện trên, bản thân tăng ni phải trải qua một giai đoạn thử thách bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Nếu vị nào vượt qua thử thách này thì xem như thành công để tiếp tục Phật sự nơi quê hương mới. Cần nói thêm rằng, hiếm có trường hợp đại diện địa phương giúp đỡ tận tình, vô tư cho những vị mới đến như tinh thần đạo Phật chỉ dạy.
Trường hợp tự lực cánh sinh:
Sau thời gian tu học tại chùa và trải qua quá trình đào tạo ở các trường, một số tăng ni đã trải qua nửa đời người và quyết định tìm hướng đi riêng cho mình. Lý do là họ không có thầy tổ quan tâm, hay thầy tổ không còn, hoặc họ thích tự lập nên tự nỗ lực tìm nơi an cư lạc nghiệp mà hành đạo. Có hai con đường lựa chọn: hoặc là tự đi đến nơi nào có nhu cầu làm Phật sự, nơi nào có chùa mà chưa có trụ trì bất kể xa gần để xin được ở phụng sự Phật pháp, hướng dẫn tín đồ; hoặc tự tìm cho mình một khu đất xây tịnh thất hay sang lại chùa tư gia nào đó rồi cải tạo lại để sinh hoạt. Con đường thứ nhất hiếm thấy xảy ra vì xác xuất thành công quá mơ hồ trong khi con đường thứ hai thì dễ dàng hơn nhiều nếu họ có một ít tài chánh.
Câu hỏi đặt ra là tại sao họ không đem vốn liếng ấy đến xây dựng ở những vùng xa có nhu cầu Phật sự?! Hỏi như thế cũng giống như hỏi tại sao các công ty, nhà máy không chọn đầu tư ở vùng xa mà chỉ chọn ở các thành phố lớn hay các tỉnh kề cận.
Thời đại ngày nay nếu không ‘thân, thế’ thì ai dám tin tưởng, chấp nhận cho một người lạ đến ở sinh hoạt nơi quê hương của mình. Liệu có tăng ni nào một thân một mình, tự lực cánh sinh đến ở một nơi xa lạ, không quen một ai, không một người hỗ trợ, và có thể bị mời làm việc vì di cư bất hợp pháp. Giữa sự lựa chọn còn mơ hồ và sự lựa chọn nắm chắc phần thành công thì bao giờ người ta cũng chọn phần dễ thành công. Tạo dựng tịnh thất hay chùa ở thành phố hay các nơi lân cận vừa tiện việc đi lại sinh hoạt, vừa tiện cho việc tiếp xúc gặp gỡ những Phật tử thân quen để được hỗ trợ qua lại. Họ tự lo cho họ như vậy là sai chăng?!
Nói như thế không có nghĩa là không có những vị phát nguyện dấn thân đến những nơi xa xôi, đem cả cuộc đời của mình phụng sự chúng sanh. Tiếc rằng con số ấy quá khiêm tốn. Điều đó cũng dễ hiểu bởi một thân một mình với ít vốn kiến thức và chút kinh nghiệm tu tập khó có thể tự lập nơi xa xôi không người thân thích. Muốn ý nguyện của họ thành hiện thực cần phải hội đủ điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần là năng lực của mỗi vị tăng ni còn điều kiện đủ là nơi cư trú ổn định và đời sống vật chất tương đối chấp nhận được. Thời đại ngày nay đâu thể sống rày đây mai đó như thời đức Phật mà một khi đã trụ ở đâu thì coi như suốt đời ở đó rồi. Một lựa chọn quyết định cả đời đâu phải chuyện chơi, chuyện lý tưởng.
Thông thường, một người con ra ở riêng là được gia đình tạo kiện giúp đỡ trong thời gian đầu cho ổn định; hay một gia đình di cư đến vùng kinh tế mới cũng được nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ ban đầu. Cũng vậy, tăng ni phát nguyện dấn thân nơi xa xôi cũng cần sự trợ giúp về pháp lý lẫn vật chất trong thời gian đầu để họ ổn định. Tiếc thay, chương trình hỗ trợ vẫn chưa được xây dựng để khuyến khích và hỗ trợ Phật sự chính đáng này. Đây là một thiếu sót trong chính sách nhân sự và cũng chính là điều tăng ni và Phật giáo đang mong mỏi.
Trường hợp luân chuyển nhân sự:
Trường hợp bổ nhiệm, luân chuyển nhân sự trụ trì theo nhiệm kỳ như cách làm của đạo thiên chúa không được áp dụng trong Phật giáo Việt Nam hiện nay vì cơ cở tự viện được cho là tài sản của Giáo hội nhưng thực chất là của vị trụ trì hay tín đồ nơi đó. Do vậy nên hiện tượng rất nhiều chùa ở các tỉnh phía Bắc không có trụ trì hay một vị phải đảm trách nhiều ngôi nhưng không ai được quyền vào để gánh vác Phật sự là điều dễ hiểu. Hậu quả trước mắt của nó là nghịch lý: tăng ni thì có dư, nhưng chùa thì vẫn cứ thiếu nhân sự.
Giải pháp cụ thể nào để giải quyết vấn đề trên thật sự là chưa có ngoại trừ những lời kêu gọi tự giác dấn thân, nỗ lực tự thân thực hành hạnh bồ tát. Giải pháp mà chỉ bằng kêu gọi thì khó lòng có kết quả vì chẳng có sự tự giác nào lại không cần quy định luật pháp. Tự giác mà không cần luật pháp hay giới luật thì Phật đâu cần chế giới làm gì!
Thừa gia tài Phật pháp thiếu sách giáo trình, giáo lý
Đức Phật để lại cho nhân loại kho tàng kinh điển có giá trị tâm linh bậc nhất. Đó là niềm hạnh phúc của nhân loại nói chung và những người con Phật nói riêng. Tuy nhiên, vì giáo pháp bao hàm nhiều lĩnh vực và cấp độ khó dễ khác nhau nên không phải ai cũng có thể hiểu và hành trì đúng lời Phật dạy, chưa kể sự chứng đắc. Đứng trước rừng giáo lý, người học Phật sơ cơ nhất là Phật tử bình dân sẽ choáng ngộp, không biết lối nào để vào nếu không có người hướng dẫn. Do vậy, nhiều người Phật tử hết lời khen ngợi giáo pháp cao siêu nhưng hỏi ra thì không biết cốt yếu của đạo Phật là gì. Điều đó cũng giống như chúng ta chiêm ngưỡng kim cương nhưng không biết nó cấu tạo thế nào và công dụng để làm gì.
Hiện nay, mặc dù hệ thống giáo dục Phật giáo khá quy mô gồm nhiều cấp đào tạo nhưng chưa có bộ sách giáo khoa thống nhất nào cả. Mỗi trường làm theo mỗi kiểu và có khi chương trình sơ cấp còn cao hơn trung cấp. Lý do đơn giản là giáo thọ sư muốn dạy gì thì tùy ý mỗi vị. Kết quả là tăng ni sinh học nhiều mà hiệu quả lại không tương xướng.
Do đó, xây dựng một chương trình cụ thể và tạo một bộ sách giáo khoa thống nhất từ thấp đến cao là điều hết sức cần thiết bởi nó định hướng cho tăng ni sinh con đường đi đúng đắn trong khi đang học tại trường cũng như nghiên cứu về sau, và giúp tránh bớt tình trạng lý giải giáo lý mỗi người một kiểu không ai kiểm chứng. Công việc này đòi hỏi công sức của cả một tập thể chứ không thể một vài cá nhân. Vấn đề là ban nào thực hiện và khi nào thực hiện thì chưa có lời giải đáp.
Đối với Phật tử tại gia, Phật giáo dường như quên họ hay không quan tâm đến họ. Hầu hết Phật tử không được giảng dạy giáo lý Phật giáo trừ thời gian gần đây ở một số tỉnh thành đang thực hiện. Phật tử sau khi quy y chỉ được khuyên kính tam bảo, giữ năm giới và nhận phái quy y xem như phao cứu hộ. Ngoài ra, họ không nhận một quyển giáo lý Phật pháp căn bản hay băng đĩa nào trừ một số chùa mới thực hiện gần đây. Tuy nhiên, vẫn chưa có quyển sách giáo lý căn bản chung nào dành cho Phật tử được Giáo hội phát hành. Sách giáo lý thì không thiếu nhưng thiếu cái nhất quán từ Giáo hội. Nếu Giáo hội với tư cách là cơ quan Phật giáo duy nhất và cao nhất chọn bộ sách giáo lý căn bản chuẩn rồi phát hành rộng rãi cho tất cả Phật tử thì quý hóa biết mấy. Nó có thể được xem như là sách gối đầu giường của mỗi Phật tử, cũng giống như các tôn giáo bạn trang bị kinh thánh cho tất cả tín đồ của họ. Nhờ kinh thánh mà tín đồ của họ liên kết chặt chẽ thì lẽ nào chúng ta chẳng chịu học điều hay này ư! Thay vì kêu gọi ấn tống các bộ kinh chỉ để chưng trong tủ cho đẹp thì nên ấn tống sách giáo lý này để phân phát cho tất cả Phật tử và những người yêu mến tìm hiểu Phật giáo. Đó không phải là cách hoằng pháp hữu hiệu sao!
Chúng ta luôn kêu gọi bài trừ mê tín dị đoan nhưng lại thiếu sự giáo hóa bài bản, có hệ thống. Cứ cung cấp cho Phật tử những phương tiện để họ hiểu giáo lý Phật giáo thì dần dần họ sẽ tự bỏ dần mê tín thay vì chỉ kêu gọi suông, trong khi vẫn tồn tại tình trạng thầy thì bài xích, thầy thì thực hành dẫn đến Phật tử chẳng biết tin ai, ngoại trừ cái gì cũng theo với quan niệm hên xui may rủi, có làm hơn không. Đây là cách mà đức Phật của chúng ta đã làm cách đây 26 thế kỷ chứ có mới mẻ gì đâu.
Đã đến lúc chúng ta nhìn lại chính mình mà điều chỉnh nền giáo dục Phật giáo cho thích hợp theo tinh thần khế lý, khế cơ. Đừng bao giờ tự mãn rằng gia tài tâm linh cao siêu sẽ thu hút Phật tử như kim cương thu hút khách hàng mà hãy làm sao chuyển gia tài ấy từ trong tàng kinh các ra ngoài đời sống hiện thực. Nếu không làm được thì dù mong muốn giữ gìn Phật giáo, giữ chân Phật tử cũng chỉ là vô ích. Tinh thần bài pháp Tứ Diệu Đế cần áp dụng ngay tại đây.
No comments:
Post a Comment