Thursday, February 23, 2012

Nghĩ về quyết định ‘cấm’

Trong xã hội có bao nhiêu vấn đề bất cập thì con người tìm ra ít nhất là bấy nhiêu giải pháp để giải quyết chúng. Giải pháp thì rất đa dạng vì tùy theo từng trường hợp cụ thể khác nhau, mức độ phức tạp và tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, một trong những giải pháp dễ quyết định nhất, phổ biến nhất và mau có kết quả nhất hiện nay ở Việt Nam là giải pháp ‘cấm’, bất kể kết quả của nó là tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực.

Có lẽ các bạn ngạc nhiên và hơi bị sốc nhưng hãy đọc lại những tin tức gần đây và ngẫm nghĩ thì sẽ thấy quả thật có như thế. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở bên ngoài xã hội mà ngay trong Phật giáo cũng đang được áp dụng.

Gần đây Giáo hội Phật giáo hai tỉnh miền trung thuộc loại nghèo nhất nước và một số tỉnh miền Bắc có bước ‘đột phá’ cấm không cho tăng ni ngoại tỉnh vào sinh hoạt, đặc biệt không cấp phép trụ trì nếu được Phật tử thỉnh mời. Mặc dù chưa có văn bản chính thức nào ban hành vì nó trái với hiến pháp và hiến chương nhưng lại có hiệu lực trong thực tế. Câu hỏi đặt ra là liệu quyết định ‘cấm tăng ni ngoại tỉnh’ có là giải pháp hay để ổn định giáo hội và truyền bá chánh pháp nhằm bảo vệ Phật giáo trước sự cạnh tranh của các giáo phái hay chỉ là cách làm mang tính địa phương, cục bộ. Phật giáo sẽ như thế nào nếu tất cả các tỉnh thành, nhất là Sài Gòn và Hà Nội ra quyết định tương tự. Đây là câu hỏi dành cho các nhà chức sắc?!

Như chúng ta đã biết, những đề nghị cấm như (xin trích dẫn lại): “Dưới 40 kg không được đi xe máy trên 50 phân khối”[1], “‘Cấm’ xe máy ở nội đô: Đi bằng gì?”[2], “Ô tô biển chẵn không được vào nội thành ngày lẻ?”[3]…. Đây là những đề nghị cấm nếu thực hiện thì có kết quả tức thời nhưng hậu quả như thế nào thì không ai xác định. Do đó, nó gặp sự phản ứng gay gắt từ công chúng và kết quả là không thực hiện được. Đây là sản phẩm của những tư duy thiếu thực tế, xa rời hoàn cảnh xã hội cụ thể.

Trở lại vấn đề của Phật giáo, khi cấm không cho tăng ni ngoại tỉnh vào sinh hoạt thì sẽ có cái lợi là hạn chế sự cạnh tranh từ tăng ni ngoại tỉnh, chùa chiền có thể để dành cho đệ tử sau này, công tác Phật sự cứ như cũ mà theo, không vất vả vì bất đồng văn hóa vùng miền, không mệt nhọc xử lí những bất cập do dân ngoại tỉnh gây ra nếu có. Nhìn chung là sinh hoạt Phật giáo bình lặng, yên ả, không có sự xáo trộn hay thay đổi đột biến nào.

Tuy nhiên, mặc trái của nó là Phật giáo bị ru ngủ vì không có sự cạnh tranh thích nghi, sự phát triển tín đồ không được quan tâm đến thay vào đó là lợi ích cục bộ. Vô hình trung, các vị ấy đang tự cô lập chính mình.

Trong khi đưa ra chính sách quản lý, nhà nước đã dùng nhiều giải pháp như hộ khẩu, thu nhập, nhà ở…để nhằm hạn chế dân miền quê lên thành phố lớn và chính những chính sách ấy đã phân chia công dân Việt Nam thành nhiều hạng. Những chính sách ấy không làm giảm tình hình quá tải mà ngược lại còn làm phức tạp thêm và chính các công dân hạng thấp chịu thiệt thòi ngay trên đất nước của mình.

Giờ đây, thử hình dung nếu Sai Gòn và Hà Nội cũng ra quyết định cấm tăng ni ngoại tỉnh vào thì hậu quả sẽ ra sao. Thực tế, tăng ni ở các thành phố lớn quá đông nhưng Giáo hội cũng đâu có ban hành lệnh cấm nhập cư vì trái luật. Hơn nữa, chính tăng ni xuất thân từ các tỉnh bị cấm vào các thành phố lớn sinh hoạt và họ cũng có đóng góp rất nhiều cho quê nhà của họ.

Liệu rằng chúng ta có thể bế quan tỏa cảng hay chỉ chọn cái dễ cho mình mà không nghĩ đến đại cuộc.

Hoằng pháp bắt nguồn từ nhân sự. Trong khi ta chưa chứng minh được nhân sự của tỉnh nhà là đủ số lượng, là có năng lực để phát huy Phật giáo thì giải pháp cấm cần nên xem lại. Thay vì cấm thì ta nên xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chí khả dĩ cụ thể nào đó và mời hay ủng hộ những ai phù hợp với tiêu chí ấy để cùng sinh hoạt. Như thế về tình về lý đều trọn vẹn, vừa hạn chế tiêu cực mà cũng phát triển Phật giáo tỉnh nhà. Kính mong!

Hư Thật Mộng




[1] http://vnexpress.net/gl/doi-song/2008/10/3ba076da/

[2] http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/43177/-cam--xe-may-o-noi-do--di-bang-gi-.html

[3] http://bee.net.vn/channel/1987/201104/TPHCM-o-to-bien-chan-khong-duoc-vao-noi-thanh-ngay-le-1795336/

No comments:

Post a Comment