Sunday, December 2, 2012

Thông Bạch Ngày Tiếp Nối 2012 của HT Thích Nhất Hạnh

"Nếu quý vị, trong mỗi bước chân, trong mỗi hơi thở mà có pháp lạc của Thầy thì quý vị trên hình thức tuy mặt mũi không giống Thầy mà trong nội dung lại là sự tiếp nối đích thực của Thầy. Cho nên pháp môn vô tướng trong tam giải thoát môn là rất quan trọng để ta chúng ta nhận diện được thế nào là sự tiếp nối đích thực"
Các con đã tiếp nối Thầy được bao nhiêu?
Ở Làng Mai, chúng ta không nói “Mừng ngày sinh nhật” mà nói “Mừng ngày tiếp nối” (Continuation Day). Tiếp nối cái gì? Và ai tiếp nối ai? Hôm nay chúng ta quán chiếu về sự tiếp nối của Thầy trong Thầy và trong các con của Thầy, xuất sĩ cũng như cư sĩ. Các con tiếp nối Thầy nghĩa là sao? Sự tiếp nối có hai phần, nơi thân tâm mình và nơi thân tâm những người được tiếp nhận những gì mình truyền trao. Bụt có dạy về trao truyền như sau: người trao truyền, người nhận trao truyềnvật được trao truyền là một. Tam luân không tịch. Không có chủ thể trao truyền, không có người nhận trao truyền, chỉ có sự trao truyền, thế thôi.
Trao cái gì? Trước nhất là trao bước chân. Các con đã đặt được trên mặt đất từng bước chân chánh niệm hay chưa? Thầy muốn nói đến chùa Tổ Từ Hiếu là nơi Thầy được Sư Cố là Hòa Thượng Chân Thật giao cho trách nhiệm Trụ Trì. Thầy mong rằng quý thầy và quý sư cô bên chùa Tổ thực hiện ngay được sự tiếp nối của Thầy trong từng bước chân và hơi thở của mình. Các con hãy đặt từng bước chân chánh niệm từ phòng ngủ đến nhà vệ sinh, từ nhà vệ sinh đến nhà trà, từ nhà trà lên thiền đường. Các con phải thực sự tiếp nối Thầy trong từng hơi thở và từng bước chân. Suốt sáu mươi năm qua Thầy đã liên tục trao truyền những kinh nghiệm, những thao thức và những hoài vọng của Thầy cho bao nhiêu người qua cách Thầy nói năng, đi đứng, ăn uống và chấp tác trong chánh niệm, qua những cuốn sách Thầy đã viết, qua những lời Thầy thuyết giảng, hoặc trước quần chúng đông đảo, hoặc cho từng nhóm nhỏ hoặc cho từng người. Các con đã tiếp nối Thầy được đến bao nhiêu rồi?

Thiền đi trong Tịnh độ
Thầy đã trao truyền Tịnh Độ Hiện Tiền. Thiền đi trong Tịnh Độ. Xin chùa Tổ đừng xao nhãng sự thực tập Thiền Đi trong Tịnh Độ mỗi ngày. Mọi người cùng đi trong chánh niệm ngoài trời, mỗi ngày một lần, đó là buổi thực tập thiền hành chung. Ngoài ra còn đi riêng từ phòng mình đến nhà ăn, từ nơi này đến nơi kia, từ tăng xá đến nơi chấp tác... Trong giờ Thiền Đi Trong Tịnh Độ xin không nên vắng mặt bất cứ ai. Trong giờ thiền tọa cũng thế. Xin ghi lý do vắng mặt khi phải vắng mặt. Thầy đã trao truyền chánh niệm, năm phép thực tập chánh niệm và hơi thở ý thức mỗi khi có cảm xúc mạnh hay có cảm thọ buồn tủi hay đau đớn phát hiện để mà ôm ấp, nhìn sâu, làm phát khởi lòng từ bi và chuyển hoá.
Vào ngày chánh niệm khi các vị cư sĩ  đến tham dự thì mình cùng đi Tịnh Độ với các vị ấy. Để mọi người có thể thấy được là cõi Tịnh Độ nói trong kinh không phải là một mơ ước xa vời mà là cái có thể đạt được ngay trong giây phút hiện tại. Sau pháp thoại ngày Chủ nhật, xin đề nghị mọi người nghỉ ngơi chừng mười lăm phút rồi tập họp trước chánh điện để cùng Đi Tịnh Độ. Chúng ta có thể đi ngang hồ Sao Hôm, hồ Sao Mai rồi lên đồi Dương Xuân để cùng ngồi xuống trên Tịnh Độ, thở và thấy được sự có mặt của cõi Tịnh Độ bây giờ và nơi đây. Mình cũng ý thức và cảm nhận được sự có mặt của nhau, đó là mình đang thật sự ngồi chơi với nhau trong Tịnh Độ. Chúng ta đã làm được điều này trong các chuyến về của Thầy vào những năm 2005, 2007 và 2008. Mỗi người trong chúng ta đều đã có kinh nghiệm về điều đó. Chúng ta phải tiếp tục, phải hướng dẫn cho kỹ lưỡng mỗi khi có người Phật tử cư sĩ tới chùa. Phải có một tập sách hướng dẫn để mọi người đọc, hiểu và đi được trong Tịnh Độ. Người xuất sĩ hay người cư sĩ nào tới chùa Tổ cũng có thể làm được việc đó, đi trong Tịnh Độ bây giờ và ở đây.

Không cần xây tháp cho Thầy
Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao? Thầy nhiều hơn cái nắm tro đó. Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy. Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích. Sư Thầy Đàm Nguyện đã xây cho Thầy một cái tháp ở chùa Đình Quán. Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ: “Trong này không có gì.” Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. “There is nothing inside”. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa “Ngoài kia cũng không có gì.” Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là “Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn.” Đó là điều Thầy căn dặn các Thầy các sư cô ở chùa Đình Quán Hà Nội và ở Tổ Đình. Đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy.

Tổ Đình cần tu học theo pháp môn Làng Mai một trăm phần trăm
Đứng về phương diện tu học, Thầy muốn Tổ Đình phải theo pháp môn Làng Mai một trăm phần trăm. Pháp môn ấy là công trình của Thầy đã xây dựng nên. Có nhiều tôn túc đã xây nên những ngôi phạm vũ thật huy hoàng. Đó là công trình lớn lao của quý ngài. Nhưng công trình của Thầy không phải là một tòa phạm vũ nguy nga mà là những pháp môn tu học có công năng chuyển hoá và trị liệu được cho người đương thời.

Ngôi tháp của Thầy: các pháp môn tu tập
Các pháp môn tu tập ấy chính là cái tháp của Thầy. Ở Pháp Vân hay ở Tổ Đình đều phải có cái Tháp ấy. Không phải một cái tháp bằng gạch, bằng xi măng mà là một cái tháp của sự thực tập. Tất cả các thầy, các sư cô, các sư chú và các vị Phật tử cư sĩ tới, ai cũng được mời đi vào cái tháp đó. Nghĩa là phải học đi trong chánh niệm, uống trà trong chánh niệm, biết nói năng cho từ ái và biết lắng nghe nhau.

Phương cách quản trị
Thầy không muốn Tổ Đình được quản trị theo phương cách cổ điển. Thầy muốn Tổ Đình được chăm sóc, quản trị theo tinh thần mới, trẻ và dân chủ. Và sau này chức vụ Trụ Trì sẽ được hội đồng tỳ kheo công cử mỗi ba hoặc năm năm. Công cử người nào có khả năng sống chung hạnh phúc với cả chúng, có khả năng tiếp xúc và đến được với mọi người. Công cử một vị nào mà cả chúng tin cậy và thương yêu, dù vị đó còn trẻ tuổi như Thầy Pháp Hữu ở Xóm Thượng. Thầy muốn Tổ Đình sẽ tổ chức theo mô thức của Làng Mai. Phải có một Hội Đồng Tỳ Kheo để quyết định tất cả những gì cần quyết định ở Tổ Đình. Đó là cơ quan lập pháp tối cao của Tổ Đình. Mọi quyết định đều phải do Hội Đồng Tỳ Kheo đưa ra. Bất cứ một vị tỳ kheo nào cũng phải nói lên tiếng nói về cái thấy của mình trong Hội Đồng Tỳ Kheo. Đồng ý và quyết định xong thì là vị tỳ kheo  đã làm xong nhiệm vụ. Cái quyết định tối hậu là do Tác Pháp Yết Ma của Hội Đồng Tỳ Kheo làm ra. Thầy muốn Tổ Đình bắt đầu tổ chức như vậy ngay từ bây giờ. Tổ Đình cử ngay một Ban Chăm Sóc (Care Taking Council – CTC) hoặc gọi cách khác là Ban Điều Hành.
Nhân dịp này, Thầy muốn công cử Thầy Từ Hải đứng ra thành lập ban ấy, tức là Ban Chăm Sóc của Tổ Đình. Thầy Từ Hải tuy còn trẻ nhưng được các Thầy trong chúng tin tưởng và yêu mến. Xin Thầy Từ Hải đứng ra lập ngay một Ban Điều Hành trong đó có nhiều chức vụ. Và ban ấy sẽ làm việc dưới sự chỉ đạo của Hội Đồng Tỳ Kheo. Hội Đồng Tỳ Kheo quyết định cái gì thì Ban ấy chấp hành và làm theo quyết định đó. Các Thầy lớn, các sư anh lớn, các sư chị lớn đều sẽ đứng sau lưng để yểm trợ. Đó là cơ quan hành pháp của Tổ Đình, chung cho cả Từ Hiếu và Diệu Trạm. Nếu cần phải tiếp một vị Tôn Túc hoặc chủ tọa một buổi lễ lớn thì Ban Chăm Sóc có thể thỉnh mời các vị lớn tuổi như Hòa Thượng Chí Mãn hay Thượng Tọa Từ Đạo v.v… Thầy muốn Tổ Đình đi theo mô thức đó. Lâu lâu nếu cần thì phải ngồi lại để bổ túc và thay đổi nhân sự của Ban Điều Hành. Sau ba, bốn năm hoặc năm năm thì Hội Đồng Tỳ Kheo có thể đề nghị một vị khác thay thế. Nếu vị trưởng ban làm việc giỏi quá thì có thể lưu lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Tuy Thầy chưa viết xuống những điều này thành văn bản, tuy đây không phải là lời di chúc nhưng đó là tuệ giác của Thầy, là những ước muốn đích thực của Thầy khi Thầy còn sống. Nếu quý vị có thương Thầy, có tin Thầy thì phải lập tức làm theo. Còn nếu không làm theo thì sau này việc xây tháp, cúng giỗ, kỷ niệm, đọc điếu văn v.v... đều là những điều vô nghĩa. Thầy nghĩ rằng cách thức này là cách thức hay nhất để mình tổ chức một tu viện.
Ở Tây phương, các tu viện lớn của Cơ Đốc Giáo cũng đã bắt đầu tổ chức như vậy. Chính họ bầu lên vị lãnh đạo của họ và cứ  ba năm hay năm năm thì bầu lại một lần. Những thầy nào, những sư cô nào, những sư chú nào không thực hành theo quy chế và mệnh lệnh của Đại tăng, không chịu đi theo quy luật của tu viện thì sẽ không được ở lại Tổ Đình. Bởi vì nếu để họ ở lại thêm ở Tổ Đình thì sẽ làm hư những người khác. Đó là những điều Thầy muốn chia sẻ chiều nay. Nếu muốn tiếp nối Thầy thì đó là cách tiếp nối hay nhất. Còn nếu không làm được những cái đó thì đừng có chúc thọ, đừng hát Happy Continuation Day, vì như thế thì không có nghĩa gì hết. Thầy muốn Tổ Đình đi theo pháp môn của Làng Mai. Đó là công trình xây dựng của Thầy sau sáu mươi năm tìm tòi và phát triển, đó là một cái tháp mà Thầy đã dựng lên.
Hôm nay chúng ta hãy sống với nhau cho có hạnh phúc, hãy đi đứng, nói cười và tiếp xử với nhau cho có hạnh phúc thì đó mới chính là good continuation. Điều đó phải xảy ra từng ngày. Đám mây sẽ không có đau buồn gì khi nó không còn mang hình tướng của đám mây tại vì nó biết rằng nó đã thành mưa, mà thành mưa thì nó vẫn tiếp tục đời sống phụng sự của nó. Và khi đám mưa không còn nữa thì mình lại thấy có dòng suối và dòng suối lại tiếp tục sứ mạng của cơn mưa. Và vì vậy cho nên không có cái gì chết, không có cái gì mất đi cả.

Tiếp nối vô tướng
Chúng ta thường kẹt vào hình tướng quen thuộc. Vì vậy cho nên ta hay khóc thương khi thấy cái hình thức quen thuộc ấy không còn nữa. Khoa học bây giờ có thể dùng phép cloning để có thể tạo ra một ngàn đứa bé giống hệt như  hồi Thầy còn bé. Chỉ cần lấy ra vài ngàn tế bào của Thầy là làm được chuyện này. Một ngàn đứa bé ấy sẽ giống nhau như đúc và giống như Thầy hồi còn bé. Cũng giống như hai chị em sinh đôi của sư cô Thi Nghiêm là Thuận với Thảo. Các vị có thể thích thú nhìn các cậu bé ấy chơi đùa, nói cười rất giống Thầy hồi còn bé. Nhưng những cậu bé ấy không phải đích thực là Thầy, dù trong mỗi đứa cũng có những hạt giống tốt và những hạt giống không tốt của Thầy. Nếu chúng không gặp minh sư, không có môi trường tu học, không đi qua những thử thách như Thầy thì chúng cũng không phải là sự tiếp nối đích thực của Thầy. Nhưng nếu quý vị, trong mỗi bước chân, trong mỗi hơi thở mà có pháp lạc của Thầy thì quý vị trên hình thức tuy mặt mũi không giống Thầy mà trong nội dung lại là sự tiếp nối đích thực của Thầy. Cho nên pháp môn vô tướng trong tam giải thoát môn là rất quan trọng để ta chúng ta nhận diện được thế nào là sự tiếp nối đích thực.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

No comments:

Post a Comment