Monday, January 14, 2013

Buồn vui chuyện tặng quà



Ngày xưa khi còn bé ở quê nghèo, tôi cũng như bao trẻ thơ khác háo hức chờ đợi ngày Tết đến. Đối với trẻ nghèo chúng tôi, món quà Tết chỉ là một bộ đồ mới thậm chí có khi là đồ sửa lại từ đồ cũ của anh, một cái nón (mũ), và đôi dép mới. Quà Tết của chúng tôi thường chỉ có thế. Về việc ăn uống, mặc dù gia đình cũng sắm sửa đủ món theo phong tục gồm bánh, mức đủ loại, đồ kho mặn lạt…nhưng có lẽ chúng tôi còn nhỏ nên không quan tâm lắm. Với riêng tôi, niềm vui Tết là được nghe tiếng pháo và được đốt pháo, và tất nhiên được nhận bao lì xì nhưng thật ra cũng chẳng mấy ai lì xì. Quê nghèo là thế.

Nói về pháo tôi lại nhớ về nó và cũng nhớ về cách sống . Khi pháo chưa bị cấm, cận Tết là tha hồ nghe tiếng pháo nổ phát đi từ các đám cưới, đám tất niên. Và rồi, nhà nào cũng cố gắng tìm mua một phanh pháo đốt cho vui nhà, vui cửa lúc giao thừa hay sáng mồng một Tết. Nhà tôi thì có năm có pháo có năm không có vì pháo không phải do mua mà do người ta biếu. Ba tôi làm nhân viên hợp tác xã nông nghiệp, lương không đủ sống có đâu mà dư ra để mua pháo. Má tôi thì tiết kiệm nên không bao giờ chi tiền cho khoảng chi phí này. Thế nên, tôi chỉ biết trông đợi vào quà biếu của người khác mà thôi.

Ba tôi không giàu tiền bạc nhưng lại giàu tình cảm. Ông có thể bỏ bê gia đình thiếu thốn nhưng lại rất ‘xộp’ với bạn bè và người xóm giềng. Chơi với bạn bè, ông không bao giờ tính toán so đo. Những lúc không có đồng nào trong túi ông cũng cố gắng mượn hay chịu nợ để vui vẻ với bạn bè rồi sau đó kiếm trả lại cho người ta. Sự vui vẻ với bạn bè của ông chỉ là lai rai vài xị rượu đế giải sầu, rồi tán dóc chứ không phải ăn chơi gì ghê gớm. Ông có cái tật là không bao giờ uống rượu bia một mình. Rượu bia để trong tủ cả năm ông cũng không đụng tới nếu không có bạn bè đến thăm. Vì tính hòa đồng với bạn bè nên ông được nhiều người quý mến. Do đó, quà biếu mà tôi nói trên là xuất phát từ tình cảm này. Và từ khi ấy, tôi biết đến món qùa biếu Tết. Nó là phẩm vật thể hiện tình cảm con người với nhau trong mối quan hệ bạn bè, làng xóm.

Sau này lớn lên, tôi sống trong một môi trường khác và tôi lại có dịp cảm nhận lại sự biếu quà. Sự biếu qùa lúc này không chỉ đơn thuần là phẩm vật để sử ngay trong dịp Tết mà còn có thêm kim tiền, và mục đích của nó không chỉ là tình nghĩa con người với nhau mà còn là sự mưu tính, đổi chát. Do đó, bên ngoài chúc tụng cười vui hớn hở mà trong lòng không biết rằng mỗi bên đang suy nghĩ gì. Sự biếu quà, vì thế, trở nên biến tướng và làm mất ý nghĩa cao đẹp của nó. Đó là lý do nhà nước nhiều lần ra văn bản ‘cấm biếu quà’ dịp Tết nhưng mà làm sao hết được tình trạng này khi cơ chế xã hội không chịu thay đổi. Cấm kiểu này thì nó biến thành kiểu khác, tinh vi hơn mà thôi. Vả lại, biếu quà theo cách như tôi kể ở trên là nét văn hóa đẹp trong cách cư xử thì sao lại bị cấm. Như vậy, cái gốc của vấn đề là phải làm sao tạo ra cơ chế xã hội tốt để con người sống tốt với nhau, tin tưởng nhau, và biết thể hiện ân nghĩa lẫn nhau.

Thời phong kiến ở nước ta, người dân thường mang quà biếu các quan, hay quan nhỏ biếu quà cho quan lớn. Dụng ý của họ có thể là để tưởng nhớ đến công ơn của những bậc được xem là ‘dân chi phụ mẫu’, nhưng cũng không tránh khỏi trường hợp là để mua chức tước hay lấy lòng quan để thực hiện mục tiêu nào đó. Lịch sử hiếm khi ghi lại hình ảnh quan trên biếu quà cho các quan nhỏ hay các lính phục vụ.

Nếu như các quan hết lòng vì nước vì dân, không có của dư nhiều thì sự biếu quà thật sự là vì tình nghĩa và các quan đáng nhận phẩm vật ấy. Tuy nhiên, khi các quan giàu có, tiền của quá nhiều mà luôn nhận quà biếu của kẻ dưới nhưng lại không hề quan tâm tặng lại họ thì sự biếu tặng này không thể hiện tình nghĩa con người. Hiện tượng này rất phổ biến trong xã hội ta ngày nay.

Năm nào cũng vậy, cứ Tết đến là Thầy tôi tất bật chạy tiền để sắm phẩm vật đi tặng biếu các cơ quan, thầy bạn, và không quên nhân viên, đệ tử. Tôi kính trọng tấm lòng bao la của Thầy nhưng cũng không khỏi đượm buồn cho thời thế. Lễ nghĩa hình thức nặng nề đã làm nhạt nhòa ý nghĩa nhân văn vốn có của sự tặng biếu. Vì đâu nên nỗi?!

No comments:

Post a Comment