Wednesday, April 10, 2013

Thừa hưởng gia tài Phật giáo



Là Phật tử, có lẽ ai cũng biết là đạo Phật do đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập và truyền bá ở đất nước Ấn Độ cách đây hơn 26 thế kỷ. Suốt 45 năm thuyết pháp, chân lý do Phật giảng dạy được xác định là nhằm đem lại lợi ích, hạnh phúc, và an lạc cho chư Thiên và loài người.[1] Nói cách khác, đạo Phật là vì mọi người, cho mọi người chứ không phải cho riêng thành phần cá nhân nào. Sau khi đức Phật nhập diệt, giáo pháp ấy được hàng đệ tử tiếp tục duy trì và phát triển khắp đất nước Ấn Độ và khắp năm châu như hiện nay bằng cách thực hành và phổ biến đến những người người chưa biết. Sự nghiệp hoằng pháp như thế không phải và không thể chỉ một mình Tăng bảo thực hiện, mặc dù Tăng bảo là thành phần cốt yếu trong hàng đệ tử đức Phật. Bài biết này sẽ trình bày về sự thừa hưởng gia tài Phật giáo và trách nhiệm tự nguyện trong việc duy trì và bảo vệ gia tài ấy. Bài viết sẽ đề cập bốn vấn đề có liên quan với nhau.
Gia tài Phật giáo không phải của riêng ai
Như phần giới thiệu đã đề cập, Phật giáo không phải là tài sản độc quyền của riêng cá nhân nào. Chân lý Phật giáo được chứng đạt và truyền bá cho tất cả những ai hữu duyên. Đức Phật chưa từng tuyên bố Ngài độc quyền chân lý về mặt thể nghiệm và tận hưởng. Giáo pháp Tứ Diệu Đế và các giáo pháp cốt lõi khác được Phật thể nghiệm phát minh ra và truyền dạy cho các đệ tử. Nếu bất cứ ai thực hành đúng các giáo pháp ấy thì đều có thể trải nghiệm sự an lạc hạnh phúc như chính đức Phật. Hạnh phúc tối hậu trong Phật giáo được gọi là cứu cánh Niết bàn được đức Phật đề cập trong rất nhiều bài kinh.[2] Tất cả những vị A-la-hán được xác định trong kinh điển đều trải nghiệm được hạnh phúc Niết bàn, tức sự an lạc khi đã dập tắt hết tham, sân, si.[3]
Ở mức độ phàm phu, việc nương tựa tam bảo, thực hành năm điều đạo đức, thập thiện, giáo lý nhân quả có thể đem lại lợi ích, an lạc thiết thực hiện tại và tương lai. Đó là sự bình an trong cuộc sống hiện tại và sau khi chết được tái sanh cõi lành.[4] Không ai có thể ngăn cản kết quả đạt được khi chúng ta tu tập các giáo pháp trên một cách đúng đắn. Đặc biệt, phương pháp thiền định ở mức độ căn bản có thể giúp làm điều hòa thân tâm, cứu lành sự đau của thân và nỗi khổ của tâm. Thực tập thiền làm giảm căng thẳng, lo âu, phiền muộn, … và giúp điều phục tâm. Từ đó, con người có thể đối thoại nhau bằng ngôn ngữ dễ nghe, thương yêu và chia sẻ. Những phương pháp như thế ai cũng có thể thực tập được bất luận là theo tôn giáo nào, chủng tộc nào, già hay trẻ, nam hay nữ, và cả giới thứ ba.
Đức Phật nhập diệt nhưng giáo pháp vẫn còn giá trị nguyên vẹn và xứng đáng làm thầy dẫn đường cho hàng hậu thế.[5] Tăng bảo tuy có lúc thịnh lúc suy, cá nhân Tăng Ni có lúc thực tập thành công, có khi thất bại nhưng gia tài Phật giáo không phải thế mà giảm giá trị về bản chất. Bởi vì Phật giáo không phải của riêng ai, bản chất của giáo pháp không hề phụ thuộc vào một tổ chức hay cá nhân nào, mặc dù tổ chức hay cá nhân là hình ảnh minh họa sống động của giáo pháp. Do đó, hãy cẩn trọng và không nên đánh đồng Phật giáo với một số cá nhân Tăng Ni để rồi mất niềm tin vào chánh pháp. Hậu quả của nó sẽ là sự thất bại chung: tăng đoàn mất tín đồ ủng hộ nên việc tu tập đóng góp trí đức cho đời bị ảnh hưởng, cư sĩ tại gia mất cơ hội thực tập giáo pháp vì bất mãn từ bỏ, không thân cận học hỏi các vị minh sư khác, Phật giáo suy yếu vì mất đồng thuận giữa các chúng, và xã hội ít nhiều bị ảnh hưởng xấu bởi thiếu người tu tập. Do vậy, đừng để bị đánh lừa vì thiên kiến ấy và trách nhiệm trước hết thuộc về tăng bảo.
Trách nhiệm hàng tăng bảo
Tăng bảo là biểu hiện sống động của chánh pháp. Đó là trách nhiệm trước tiên và trên hết của hàng xuất gia. Hoàn thành trách nhiệm ấy không gì khác hơn là thực hành chánh pháp đúng đắn. Sự chứng ngộ của hàng xuất gia là lý tưởng để giữ gìn chánh pháp tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, khi sự chứng đắc trở nên khó đạt hoặc khó nhận biết thì ít nhất hàng xuất gia cũng phải là biểu tượng của đạo đức. Bởi vì, hình ảnh Tăng Ni có ảnh hưởng nhất định đến niềm tin của tín đồ Phật tử nhất là những vị đến với đạo Phật vì tín ngưỡng.
Hàng xuất gia còn có trách nhiệm quan trọng nữa là hoằng pháp. Đây là nhiệm vụ được xác định ngay khi tăng đoàn được thành lập.[6] Đúng ra, chánh pháp được truyền bá phải giống nhau về cơ bản. Tuy nhiên, thực tế lại có các quan niệm khác nhau về đạo Phật. Khi nghe hàng cư sĩ thường khen tặng quý Tăng Ni tụng kinh, đọc sớ hay; cúng kiến thật kỹ lưỡng; giỏi về phong thủy, ngày giờ thì chúng ta có thể biết là Tăng Ni đang phổ biến đạo Phật tín ngưỡng. Hàng cư sĩ phải đáng được hướng dẫn về giá trị của chánh pháp bên cạnh phục vụ tín ngưỡng. Sự hứa hẹn dùng phương tiện để giáo hóa lâu nay vẫn còn bỏ ngõ nên hàng cư sĩ chưa thấy được giá trị đích thực của chánh pháp. Do đó, họ trở nên thích cúng bái, cầu xin, thần tượng Tăng Ni thay vì Phật và chánh pháp. Điều nguy hại của nó là nếu nhỡ thần tượng sụp đổ thì họ không biết chánh pháp để nương tựa và vì vậy xa lìa sự tu tập. Đó là điều đáng tiếc xảy ra đây đó hiện nay.
Một Tăng Ni nào đó phạm giới hay nội quy thì tất yếu bị xử theo giáo luật. Họ có thể bị phạt sám hối hay cao nhất là buộc hoàn tục. Đó là bản án thích ứng họ phải chịu. Tăng đoàn, tất nhiên, cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng vì thiếu nghiêm khắc, nhưng nhân đó, tăng đoàn điều chỉnh tốt hơn. Đây là quá trình giáo dục được thực hiện từ thời đức Phật đến nay. Tăng Ni phải truyền bá cho hàng cư sĩ hiểu nguyên tắc Phật dạy này để họ thấy được giá trị của giáo dục, và biết thể hiện tâm khoan dung khi thực hiện giáo dục. Hàng cư sĩ có quyền chỉ trích Tăng Ni khi họ phạm giới nhưng mục đích của nó phải nên là để chỉnh đốn và xây dựng. Khi vụ án đã xử lý đúng luật thì sự chỉ trích nên khép lại. Đó là cách hành xử của những người hộ pháp đích thực. Nhân cơ hội một vị Tăng Ni nào đó phạm lỗi để công kích Phật giáo và từ bỏ thực hành chánh pháp thì thật là không nên. Nhiệm vụ này thuộc về hàng cư sĩ.
Vai trò hàng cư sĩ
Hàng cư sĩ là thành phần không thể thiếu trong ngôi nhà Phật pháp. Người cư sĩ ngoài việc hộ trì cho Tăng Ni đời sống vật chất còn có trách vụ bảo vệ tăng đoàn. Cúng dường vật chất thì hầu như cư sĩ ở đâu cũng sốt sắng nhưng bảo vệ tăng đoàn thì chỉ có ở các nước Phật giáo Nam tông như Thái Lan, Lào…Hàng cư sĩ trở nên thờ ơ với việc bảo vệ tăng đoàn như vậy là một điều không tốt cho Phật giáo và đó là biểu hiện của sự chưa đồng thuận trong các chúng của đức Phật. Tình trạng này có thể giải quyết khi có sự phân định rõ ràng vai trò của Tăng Ni và cư sĩ, cũng như thẩm định và công nhận rõ ràng tinh thần Bồ tát nhập thế.
Duy trì cộng đồng Phật giáo cần vai trò của hàng cư sĩ. Trước nay, hàng cư sĩ đều cho rằng trách vụ duy trì Phật pháp là ở Tăng Ni. Điều đó đúng nhưng chưa đủ bởi nếu hàng cư sĩ không thực hành bổn phận người cư sĩ thì nhân sự đâu kế thừa. Hàng cư sĩ trước hết là duy trì nồi giống và tiếp nối đạo truyền thống của cha ông. Một gia đình mà từ trên xuống dưới đều là Phật tử thì gia đình ấy đang duy trì cộng đồng Phật giáo. Tiếc thay, rất nhiều gia đình tự xưng là Phật tử nhưng không làm được điều này. Ông bà, cha mẹ tự xưng là Phật tử nhưng không dám quy y, không dám thừa nhận tư cách Phật tử thì làm sao con cháu noi gương. Đây là sự mất mát của Phật giáo nói chung và của chính bản thân các gia đình nói riêng. Không là Phật tử nên không hiểu giáo pháp, không biết tu tập để chuyển hóa khổ đau. Đó không phải là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội hay sao?! Nếu cho rằng làm Phật tử hiểu và hành trì chánh pháp không đem lại lợi ích cho bản thân và gia đình thì chí ít cũng không ảnh hưởng xấu nào đến đời sống người cư sĩ. Huống chi, sự thật minh chứng rõ ràng là rất có lợi ích. Vậy thì tại sao rất nhiều Phật tử không dám thừa nhận tư cách của mình?! Có lẽ một phần là do Phật giáo chủ quan, thụ động và thiếu nhân sự có năng lực để truyền thụ chánh pháp. Cộng đồng Phật giáo suy giảm bắt nguồn từ đây.
Hàng cư sĩ góp phần duy trì chánh pháp. Phật giáo tại Ấn Độ bị diệt vong nhiều thế kỷ vì không có tăng đoàn và hàng cư sĩ không duy trì Phật giáo. Nếu như hàng cư sĩ tiếp tục hành trì lời Phật dạy và biết hộ trì chánh pháp như tín đồ các tôn giáo khác thì có lẽ Phật giáo không đến nỗi mất hết dấu tích nơi đất Ấn nhiều thế kỷ. Tăng đoàn có thể bị giết chết nhưng hàng cư sĩ thì không. Họ có thể giữ đạo bằng nhiều cách mà không ai có thể cấm được. Đáng tiếc là không mấy ai có tinh thần ấy. Ở Việt Nam, Phật giáo trải qua nhiều thăng trầm nhưng chưa mất vì suốt chiều dài lịch sử các tôn giáo ở Việt Nam có thể sống chung, dù cũng có lúc cạnh tranh. Thế nhưng, khi các tôn giáo độc tôn bắt đầu tấn công để cải đạo thì sự tồn vong của Phật giáo đáng được đặt ra. Trách nhiệm của Tăng Ni là tất yếu vì họ đã phát nguyện dấn thân. Tuy nhiên, nếu không có hàng cư sĩ vì đạo Phật, biết giữ gìn truyền thống gia đình theo đạo Phật, biết hướng dẫn con cháu theo đạo gốc, thì dù Tăng Ni có nỗ lực kết quả cũng khó đạt được như ý. Phật giáo là tài sản chung lẽ nào chỉ phó thác cho một chúng.
Điều kiện phát triển Phật giáo bền vững
Như vậy, giải phảp đặt ra là phải tìm cách phát triển Phật giáo bền vững. Thăng bằng là điều kiện để duy trì và phát triển một tổ chức như Phật giáo. Con chim muốn bay cao, bay xa cần phải có đôi cánh cân bằng và khỏe. Phật giáo muốn phát triển thì hai chúng phải đồng thuận nhau, cùng chia nhau trách nhiệm chung. Để đạt được mục đích ấy thì không gì khác hơn là hãy làm đúng chức năng của mỗi giới (tu sĩ và cư sĩ).
Tăng Ni phải quay về công việc thực hành và truyền bá chánh pháp thay vì chỉ phục vụ tín ngưỡng. Trong khi một vị Tăng hay Ni có thể thuyết một thời pháp để giáo hóa cho vài chục, vài trăm, vài ngàn người và nhiều hơn thì nghịch lý lại xảy ra là nhiều Tăng Ni tập trung lại chỉ để độ một người chết mà không ai dám chắc kết quả ra sao. Một người nói nhiều người có thể nghe chứ nhiều người nói làm sao một người nghe. Có ai từng đặt câu hỏi hương linh ấy nghe ai và nghe như thế nào không!? Thật sự tín ngưỡng đã ăn sâu và vô hình trung biến Phật giáo thành đạo tín ngưỡng. Có lẽ, Tăng Ni phải nên quay về độ người sống, giúp họ hiểu rõ tinh thần nhân quả của Phật giáo và thực hành đúng giáo lý ấy thì khi họ ra đi không cầu họ vẫn siêu.
Phật giáo rất cần sự hy sinh của chư tôn đức Tăng Ni. Phật giáo xưa nay mạnh là nhờ sự tu tập nhất là từ hàng xuất gia. Một hội chúng xuất gia làm biểu tượng đạo đức rất cần thiết trong thời đại ngày này. Nên chăng, các trụ sở giáo hội từ trung ương đến địa phương phải được đưa về đúng vị trí và chức năng của nó. Chư tôn đức trưởng lão hãy hy sinh chùa chiền riêng của mình để cùng tụ hội về sống chung trong các cơ sở giáo hội ấy dưới bậc thầy chánh pháp. Ở đó, mọi Phật sự đều thực hiện theo tinh thần yết ma thay vì cá nhân như ở chùa. Một mặt, chư tôn đức dễ dàng tập trung cho công tác Phật sự; mặt khác, làm biểu tượng cho hàng tứ chúng quay về nương tựa tu học. Làm được như thế thì lý nào hàng cư sĩ mất niềm tin nơi tăng bảo.
Hàng cư sĩ cần củng cố vai trò hộ pháp của mình. Trước hết, hàng cư sĩ nên tham vấn Tăng Ni để xác định rõ đâu là tín ngưỡng, đâu là đạo Phật nguyên chất để từ đó hạn chế dần niềm tin tín ngưỡng cầu xin và tu tập đúng pháp. Thứ hai, khẳng định tư cách Phật tử của mình và hướng cả gia đình theo truyền thống Phật giáo. Có như vậy vai trò cư sĩ của mình mới phát huy hiệu quả, bằng không thì cũng như ‘gió chiều nào ngã theo chiều đó’. Thứ ba, không đánh đồng Phật giáo với Tăng Ni hay giáo hội. Bởi vì, Tăng Ni hay giáo hội có thể thay đổi còn Phật giáo hay chánh pháp thì không hề đổi thay về giá trị cứu khổ của nó. Hãy thừa hưởng gia tài Phật giáo vì nó nào phải của riêng ai!


[1] Kinh Tương Ưng I, tr.128.

[2] Kinh Tứ Niệm Xứ, Trung Bộ I; Kinh Bất Động Lợi Ích, Trung Bộ III;

[3] Nyanatiloka, Từ điển Phật học, tr. 106.
[4] Kinh Tăng Chi V, số 33,145,171.
[5] Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ 16.
[6] Tạng Luật, Đại Phẩm I, chương 1.

No comments:

Post a Comment