Saturday, August 10, 2013

Những lợi ích khi là Phật tử


Sẽ là một thực tế khi có ai đó đặt câu hỏi trở thành Phật tử (gồm cả tại gia và xuất gia nhưng ở đây dùng cho người Phật tử tại gia) sẽ được gì hay nói cách khác là có lợi ích gì? Thế nhưng, có lẽ ít ai đặt câu hỏi ấy trực tiếp hay gián tiếp trong quá trình trở thành Phật tử, thậm chí trước hay sau khi trở thành Phật tử bởi dường như Phật tử nào ít nhiều đều hiểu giá trị đạt được khi là Phật tử. Lại nữa, cũng sẽ là thiết thực hơn nếu có ai hỏi rằng Phật tử phải làm gì để được lợi ích? Hai vấn đề quyền lợi (lợi ích) và trách nhiệm (bổn phận) luôn song hành và có tác động lẫn nhau. Hỏi lợi ích tức bao gồm bổn phận.
Được gì hay lợi ích ở đây có thể được hiểu ở hai khía cạnh là quả - phước báu hay sự an lạc mà cao tột là giác ngộ, giải thoát do thực hành giáo pháp và quả - phần thưởng khích lệ bằng vật chất hay tinh thần do tổ chức Phật giáo hay chùa chiền nơi vị ấy sinh hoạt ban tặng. Trong khi khía cạnh một là mục tiêu hàng đầu bất cứ Phật tử nào cũng cầu mong và phấn đấu để đạt được nhưng ít người đạt được hay đạt được mà chưa cảm nhận hay chưa thỏa mãn về nó, thì khía cạnh thứ hai lại rất dễ dàng cho tất cả mọi người thấy được. Rõ ràng lợi ích luôn có thật nhưng làm cách nào để có thể nhận được nó một cách xứng đáng lại là vấn đề mỗi người Phật tử cần phải suy nghĩ.
Trước hết, chúng ta hãy tạm chấp nhận khái niệm Phật tử qua hai quan điểm. Thứ nhất, Phật tử chính thức tức là những người đã quy y (nương tựa) Tam bảo và phát nguyện thực hành năm giới (năm điều đạo đức Phật giáo). Thứ hai, Phật tử tự nhận tức là những người không quy y Tam bảo nhưng thực hành lời dạy của đức Phật như hành thiền, tụng kinh, v.v…(nói cho đúng thì họ đã quy y Nhị bảo vì họ nương vào giáo pháp do đức Phật dạy mà thực hành).
Theo truyền thống Phật giáo, một người trở thành Phật tử chính thức khi vị ấy lập lại ba lần trước vị thầy rằng: ‘con xin quy y Phật/Bụt, con xin quy y Pháp, con xin quy y Tăng’ trừ trường hợp hai vị Phật tử đầu tiên tên Tapassu va Bhallika chỉ quy y Phật và Pháp (vì lúc ấy chưa thành lập Tăng già). Nghi thức này cũng ví như nghi thức nhập môn của các tín đồ các tôn giáo khác. Sau khi đã quy y Tam bảo xong, vị ấy sẽ được giảng giải về năm giới và được khuyến khích phát nguyện thực hành càng nhiều càng tốt năm giới ấy.
Thật là ngạc nhiên khi không có điều luật nào trong Phật giáo bắt buộc người đã quy y phải tuân thủ thực hành đầy đủ năm giới. Nói cách khác, không có điều luật nào trong Phật giáo quy định nếu không giữ đủ năm giới thì sẽ không được công nhận là Phật tử hay có hình thức kỷ luật tương xứng. Như vậy, trở thành Phật tử là một sự tự nguyện tích cực sau khi nhận thấy được giá trị thiết thực của chánh pháp. Do đó, quy y là nền tảng đầu tiên và cũng là con đường phải nương tựa suốt cuộc đời của người Phật tử thực hành chánh pháp. Lợi ích cao quý nhất tất yếu có được sẽ bắt đầu từ nền tảng ấy.
Lợi ích theo khía cạnh một:
Ngược thời gian trở về thời đức Phật, chúng ta biết được câu chuyện hai vị cư sĩ cúng dường đức Phật ngay sau khi Ngài chứng ngộ đạo giải thoát và cầu xin Phật để được quy y Ngài và giáo pháp; hay chuyện chàng cư sĩ Thiện Sinh xin quy y Tam bảo sau khi được đức Phật giảng dạy về ý nghĩa lễ lạy sáu phương và các điều đạo đức có thể đưa đến an lạc, hạnh phúc đời này và đời sau nếu được thực hành. Tại sao họ lại quy y và họ đã đạt được điều gì? Rất dễ dàng nhận ra là họ bị thuyết phục bởi năng lực phi thường cũng như trí tuệ siêu phàm của đức Phật và lợi ích mà họ có được là phước báu do cúng dường và sự hiểu biết phương cách đưa đến hạnh phúc đời này và đời sau.
Trải qua hơn 2500 năm lịch sử, số người tìm đến quy y do kính trọng Tam bảo cũng có, mà do niềm tin sẽ được Phật gia hộ bình an, khỏi đọa tam đồ, siêu sanh cõi lành cũng không thiếu. Quy y do kính trọng Tam bảo diễn ra khi vị ấy thấy được tấm gương vĩ đại của đức Phật và kính phục xin noi theo Ngài; khi vị ấy hiểu được giá trị thiết thực của giáo pháp là có thể đem đến an lạc, hạnh phúc hiện tại và tương lai; và khi vị ấy chứng kiến sự an lạc thật sự của tăng đoàn và tin tưởng khả năng hướng dẫn của họ. Sau khi quy y chính thức hay không chính thức, người Phật tử tiếp tục học hỏi và không ngừng hành trì chánh pháp thông qua sự hướng dẫn của tăng đoàn và sự soi sáng từ những đức tính của đức Phật. Những người theo con đường này hiện có mặt khắp Đông Tây và lợi ích thiết thực mà họ nhận được biểu hiện qua đời sống an lạc hằng ngày của họ. Mối quan hệ tương duyên nhân - quy y, hành trì chánh pháp và quả - sự an lạc được chứng minh rõ ràng qua nỗ lực tự thân của họ.
Ngược lại, quy y do niềm tin sẽ được Phật gia hộ và sẽ được phước báu vãng sanh cõi lành phần lớn dựa vào niềm tin và tha lực. Đa số Phật tử hiện nay đi theo con đường này. Họ quy y bởi họ tin rằng đức Phật là bậc cao tột có năng lực vượt hẳn tất cả các thần linh và luôn từ bi ban phước và gia hộ; tin rằng chánh pháp là điều nhiệm mầu có thể làm tăng phước báu và sự linh thiêng khi trì tụng; và tin rằng tăng đoàn có thể giúp họ đạt được ý nguyện nhờ phước đức của Tăng và các nghi lễ cầu nguyện mà họ thực hiện. Lợi ích trong trường hợp này là không thể xác định cụ thể vì nó còn phụ thuộc vào chánh nhân mà họ thực hiện. Tùy theo chánh nhân có tu tập hành trì, hoặc chỉ dừng lại ở niềm tin và cầu nguyện hay thậm chí không theo chánh pháp mà kết quả sẽ đến tương xứng. Những người thuộc nhóm này thường dễ dao động bởi các yếu tố linh thiêng mầu nhiệm và huyền bí siêu hình. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là nhờ đức tin vào sự phù hộ của đức Phật và chư vị Bồ tát mà nhiều người tìm đến đạo Phật và phát tâm làm việc thiện.
Lợi ích theo khía cạnh hai:
Khi chưa phải thánh nhân sống đời tự tại, thoát vòng đối đãi, thì yếu tố ngoại duyên mang tính khích lệ tinh thần tu học của người Phật tử rất cần được chú trọng. Sự khen tặng bằng món quà tinh thần hay sự giúp đỡ bằng phương tiện vật chất cho những Phật tử trong các trường hợp như tinh tấn tu tập, có nhiều đóng góp, gặp hoàn cảnh thiếu thốn là điều không quá khó khăn để thực hiện. Ta hãy tìm hiểu, xưa và nay, sự quan tâm như thế được thể hiện như thế nào trong Phật giáo?
Có thể nói Phật giáo là một tôn giáo không có chủ trương phát triển tín đồ, đặt biệt là không thấy đề cập vai trò và bổn phận truyền bá chánh pháp của người Phật tử. Trong khi mỗi tín đồ của các tôn giáo lớn khác dù là tu sĩ hay thế tục đều có bổn phận bắt buộc phải là nhà truyền giáo, thì Phật giáo chỉ thấy đề cập vai trò và bổn phận này đối với người xuất gia ngay sau khi Tăng đoàn được thành lập. Phải chăng đức Phật không xác nhận vai trò này đối với người cư sĩ hay vì Phật chưa nói vì nhân duyên chưa đủ? Phải chăng Phật tử chỉ làm công việc “thiền môn hưng thịnh do đàn việt pháp tâm” như chư tăng ni thường lập lại trong các lễ trai tăng cúng dường? Sự thờ ơ của cư sĩ trước sự tăng giảm tín đồ Phật giáo, có thể nói, là hậu quả của việc độc quyền vai trò truyền bá chánh pháp. Sự thật có đúng như vậy không và lợi ích nào dành cho họ trong trường hợp này?
Đọc trong kinh sử Phật giáo, ta thấy rằng, mặc dù đức Phật không giao phó bổn phận truyền bá chánh pháp cho hàng tại gia nhưng Phật cũng không phủ nhận vai trò của họ đối với công việc này. Nữ cư sĩ Visakha khéo léo đưa cả gia đình nhà chồng theo Phật giáo, bác sĩ Jivaka khéo đưa vua A-xà-thế đến với đức Phật sau khi vua đã phạm tội lớn, v.v… là những ví dụ cho thấy Phật tử tại gia đóng vai trò quan trọng, trực tiếp trong việc phổ biến đạo Phật và làm tăng thêm bạn tu. Lợi ích họ có được trong trường hợp này là được Phật tán thán và tất nhiên là tăng trưởng phước báu theo đúng tinh thần nhân quả. Như vậy, ngay thời Phật tại thế, lợi ích – sự tán thán khích lệ tinh thần cho người tu gồm cả xuất gia và tại gia khi họ phổ biến chánh pháp đã được thực hiện và mang lại kết quả thiết thực. Số người tu chứng và số lượng Phật tử không ngừng gia tăng.
Ngày nay, những người cư sĩ làm công việc truyền bá chánh pháp không phải là hiếm thấy. Điều đó có nghĩa là nhiều người cư sĩ vẫn tự ý thức được vai trò của họ trong việc tu tập và hộ trì Phật giáo. Điều đáng nói là các tổ chức Phật giáo dường như quên lãng việc tán thán khích lệ những người cư sĩ làm công tác truyền bá đạo Phật. Hiếm có chùa nào thống kê số lượng Phật tử quy y hàng năm và tổng số tín đồ gia tăng trong 5 năm, 10 năm…. Hiếm có chùa nào hướng dẫn cư sĩ kỹ năng truyền bá chánh pháp cho những người chưa là Phật tử. Càng hiếm thấy chùa nào quan tâm tán thưởng những người có đóng góp trong việc giới thiệu nhiều người vào đạo tu tập.
Như vậy, lợi ích tinh thần cho những người cư sĩ hoằng pháp chưa được thực hiện bởi Phật giáo chưa có chương trình đề cập vai trò và trách nhiệm hoằng pháp của mỗi người cư sĩ. Kết quả là đa số cư sĩ không biết hay biết mà không có kỹ năng thực hiện vai trò truyền bá chánh pháp của mình. Cho nên, nhiều gia đình cha mẹ là Phật tử nhưng không hướng được con cháu đến với đạo Phật để trở thành Phật tử mà để chúng theo các tôn giáo khác hay không theo tôn giáo cụ thể nào. Phật giáo vì vậy trở nên thiếu sức sống và người Phật tử trở nên thờ ơ với sự sống còn của đạo Phật.
Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng thiếu sức sống của Phật giáo và sự thờ ơ của Phật tử. Một trong những nguyên nhân phổ biến hiện nay là sự lý tưởng hóa đạo Phật và thiếu sự tương trợ trong tổ chức Phật giáo. Các nhà hoằng pháp thường hay lý tưởng hóa Phật giáo bằng cách trích dẫn, giảng giải những giáo lý vô ngã, tinh thần bồ tát…nhưng thực tế chẳng mấy ai đủ năng lực thực hành được một phần những giáo lý ấy. Do đó, Phật giáo trở giáo thuyết đẹp lý tưởng, linh thiêng hơn là mang tính thực hành.
Về sự tương trợ, tổ chức Phật giáo thiếu hẳn chương trình và mục tiêu này từ cấp cao nhất cho đến cấp cơ sở. Về mặt hình thức, các ban ngành đều có đầy đủ nhưng trên thực tế thì mạnh ai nấy làm. Kết quả là Phật giáo đóng góp rất nhiều (chứ không phải là thiếu tài chánh) nhưng chính những người Phật tử nghèo thiếu không được hưởng, những cơ sở Phật giáo thiếu thốn (các chùa ở thôn quê) không được hỗ trợ, chương trình hoằng pháp xa xôi bế tắt vì không có kinh phí…Phật giáo không có khả năng tổ chức để giúp đỡ con em Phật tử nghèo thì làm sao họ mang ơn Phật để mà theo Phật. Trong khi đó, các tôn giáo khác nhân danh đấng tối cao đem đến cho họ cuộc sống khá hơn thì lẽ nào họ từ chối?!
Tóm lại, Phật tử tinh tấn tu tập thì tất nhiên có sự an lạc giải thoát; Phật tử đóng góp vật chất thông qua bố thí cúng dường hay truyền bá chánh pháp thì tất nhiên hưởng phước báu và đáng được nhận sự khích lệ tinh thần từ các tổ chức Phật giáo; và Phật tử nghèo thiếu, bịnh tật, gặp khó khăn thì cũng đáng được nhận sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện Phật giáo. Khi Phật tử được sự quan tâm, trợ duyên thì họ sẽ gắn bó với Phật giáo, sẽ có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ Phật giáo. Sự trợ duyên lẫn nhau giữa người xuất gia và tại gia; giữa Phật tử giàu và nghèo sẽ tạo mối liên kết, gắn bó trong cộng đồng Phật giáo. Đó là điều kiện quan trọng làm cho Phật giáo tồn tại lâu dài và lớn mạnh.

No comments:

Post a Comment