Sunday, December 22, 2013

10 quy trình của GS Châu

Chiều 16/12, GS Ngô Bảo Châu, GĐ khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã có buổi trò chuyện với với hơn 500 nhà khoa học trẻ, SV các chương trình chiến lược của ĐH Quốc gia Hà Nội xung quanh chủ đề “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học”.
 GS Ngô Bảo Châu-cố vấn chiến lược của ĐHQG Hà Nội cho rằng tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học (NCKH) được thể hiện ở hai điểm chính đó là quy trình và phẩm chất.
Từ kinh nghiệm, GS đúc rút và chia sẻ 10 quy trình chuyên nghiệp.
1. Xác định phạm vi, lĩnh vực nghiên cứu. Điều này phụ thuộc vào khả năng chuyên môn. Thường là lĩnh vực nghiên cứu mà người đó được coi là chuyên gia, có thành tích trong lĩnh vực đó.
Một sinh viên, người nghiên cứu mới vào nghề phải có người hướng dẫn. Cũng có trường hợp người đó có chuyên môn nhất định trong lĩnh vực khác với lĩnh vực anh ta lựa chọn. Nhưng cả 2 trường hợp đều phải có hành trang: có người hướng dẫn, xác định được hành trang để tự tin chứ không phải đi tay không đến xứ sở mới.
2. Xác định vấn đề nghiên cứu. Theo đó tìm ra câu hỏi ban đầu là chốt quan trọng.
Để tìm ra câu hỏi đúng thì cần có kinh nghiệm nghiên cứu.
Trong môi trường hiện đại, tính chuyên nghiệp cao, sinh viên tự xác định được câu hỏi là việc khó vì chưa có kinh nghiệm thì khó xác định đó có phải vấn đề thời sự không, có trong khả năng giải quyết không. Vấn đề trong khả năng giải quyết thì không còn thời sự, vấn đề thời sự thì nằm ngoài khả năng. 
Cách nhanh nhất để xác định những vấn đề nóng hổi và không tưởng là phải tham gia các hội thảo khoa học, nghe báo cáo để nắm vững các vấn đề khoa học, xem khoa học đang đi về đâu, vấn đề gì mấp mé mà sinh viên có thể làm được. 
3. Cập nhật thông tin bằng việc tìm 1cuốn sách và 10-20 bài báo xuất hiện trong 2-3 năm gần đây có liên quan đến vấn đề đặt ra, trong đó có 5 bài báo kinh điển.
Quy trình này là bước quan trọng là nên có một nhóm bạn/đồng nghiệp tham gia theo hướng tự nguyện phi vụ lợi, cùng người nghiên cứu khám phá vấn đề mới sẽ tạo nên môi trường NCKH và gắn kết mọi người với nhau.
4 Xác định hướng giải quyết vấn đề, gồm lập kế hoạch về nhân sự, tài chính bằng việc sử dụng phương pháp đương đại. Ở bước này rất cần sự minh bạch trong việc hợp tác số người cùng NCKH ngay từ đầu.
5. Giải quyết. Làm khoa học thì có rủi ro nhưng trong đầu người leader (dẫn đầu) phải lường trước những khó khăn.
6. Gói lại công việc. Ít khi thực hiện được 100%, đến 1 mức nào đó cần gói ghém lại, làm rõ những việc làm được và chưa làm được. Quan trọng là thực sự bàn về cái gì đó mới. Bước này cũng phải chỉ ra những cái chưa làm được. Đó là tiền đề cho khoa học tiếp theo.
7. Viết bài báo khoa học. Kinh nghiệm của tôi là chọn 2 - 3 bài báo cảm thấy chuẩn thì chép tay lại, mình sẽ hiểu phong cách trình bày bài báo như thế nào. 
8. Viết xong thì có thể luân chuyển, gửi bạn bè, đồng nghiệp, xin ý kiến, trình bày ở hội nghị để nhận phản hồi. Sau đó viết lại bài báo.9. Chỉnh sửa bài báo.
10. Gửi bài báo cho tạp chí. Ở quy trình này, GS Châu đưa ra lời khuyên, nên chọn ban biên tập có quan tâm và thực sự hiểu đề tài mình thực hiện. Không nên vì bài báo của mình phù hợp được dùng ở tạp chí được xếp hạng số 10 nhưng lại gửi ở tạp chí số 3 như thế sẽ mất công và mất thời gian.
Cùng với 10 quy trình, 3 phẩm chất của công trình NCKH được GS Ngô Bảo Châu đúc kết đó là: đúng và trung thực; mới; hay, quan trọng.
Trong phẩm chất mới, điều quan trọng nhất là kết quả mới và tiếp đó là phương pháp mới. Phương pháp mới được đánh giá cao khi nó tìm ra được kết quả mới.
Theo GS Châu, điều quan trọng đối với người làm nghiên cứu khoa học đó là sự liêm chính. 

Theo vietnamnet.vn

No comments:

Post a Comment