Wednesday, February 2, 2011

Cái Tết tuổi thơ

Tết trong tâm trí của tôi lúc còn tuổi thơ thật là trong trắng, ngây ngô và thơ mộng. Những tâm trạng chờ đợi, háo hức, mong mỏi cái Tết như ngự trị trong tâm khi những ngày mùa xuân sắp đến. Hình bóng của bộ quần áo mới, chiếc mũ, đôi dép và bao mừng tuổi của người lớn tặng cho hiển hiện trong đầu như là một giấc mơ bình dị. Âm thanh nổ giòn của những trái pháo năm nào cũng vang vọng bên tai nghe thật vui tươi và rộn rã. Và đặc biệt hơn, sự mong mỏi được về quê nội – một vùng quê nghèo sao mà da diết và mãnh liệt. Có lẽ, chính những điều giản đơn ấy làm cho Tết trở nên thiêng liêng và ấm cúng trong lòng thơ ấu của tôi.

Rồi năm tháng trôi qua, dòng đời như một thứ thuốc tẩy vô hình làm phai mờ đi bao tâm trạng của một thời đáng nhớ. Chúng đã cùng với thời gian cất cánh bay đi để nhường chỗ cho những tâm tư mới. Những suy niệm về thế sự đổi thay, về sự thăng trầm của kiếp sống, và ý niệm về văn hóa tổ tông đang ẩn hiện trong tôi như đóm than hồng trong bếp lửa. Do vậy, tôi đón Tết với một tâm trạng có một chút lạnh nhạt, nhưng vẫn giữ tâm thế bình yên quán sát những sự kiện xảy ra để hiểu thêm về cuộc sống, về lòng người xưa nay, và về truyền thống văn hóa Việt.

Ngày ấy, khi tôi còn nhỏ. Trước Tết cả tháng là chúng tôi đã nghĩ đến cái Tết và những món quà nho nhỏ. Chúng tôi nghĩ đến cái Tết cũng phải thôi vì đó là dịp hiếm có để chúng tôi có thêm một bộ đồ mới, một đôi dép và cái mũ mới. Ở vùng quê, ba mẹ quanh năm lam lũ làm ăn để nuôi mấy anh em chúng tôi được cắp sách đến trường đã vất vả lắm rồi. Tết đến, ba mẹ lại thêm gánh nặng lo âu về cái lễ nghĩa và cái ăn cái mặc cho con cái. Biết thế, chúng tôi có dám đòi hỏi gì đâu bởi có đòi cũng chắc gì đã có. Tôi còn nhớ năm ấy, mẹ tôi bảo đem cái quần của anh tôi may lại mà vận. Thế rồi, bà tháo chỉ ra và bảo tôi đem đến tiệm may nhờ họ cắt may lại theo số đo của tôi. Đợi gần cả tháng rồi cái quần ấy ấy cũng may xong. Nó không phải là thứ vải mới hoàn toàn nhưng nó lại mới mới tôi và tôi nhận nó, sử dụng một cách mãn nguyện. Cái hạnh phúc tuổi thơ sao mà đơn sơ quá.

Những ngày cận Tết, quê tôi có tục cúng tất niên để tạ ơn những người vô hình ẩn hiện đâu đó gia hộ cho gia đình bình yên. Không biết phong tục được truyền lại từ bao giờ mà cứ mỗi lần cúng như thế bà và mẹ tôi đều phải chuẩn bị ít nhất một con vịt để tế lễ. Những con vật tế lễ này có khi được nuôi trước đó vài tháng để chuẩn bị hay được mua từ chợ về. Đến khi bắt đầu cắt tiết canh (cắt cổ), bà và mẹ tôi đều miệng đọc lâm râm những lời đại khái: tôi vì cúng bái tế lễ nên mới sát sanh; đây là việc tôi không thể không làm, chỉ mong các vị tha thứ cho. Thế rồi, họ mới tiến hành. Có những lúc cắt tiết canh xong, con vịt vẫn vùng lên chạy thêm vài bước như thể là nó muốn thoát chết hay là vì đau đớn lắm chăng? Có lẽ chính nó mới biết được điều đó cụ thể nhất. Những lúc ấy, tôi thường có mặt để giúp bà và mẹ khi cần. Tôi đứng nhìn với tâm trạng thương hại của một đứa trẻ nhà quê ngây ngô. May là bà và mẹ tôi chưa bảo tôi làm việc đó nên tôi cũng chưa cắt cổ bao giờ. Lớn lên, tôi xa nhà nên tôi cũng không biết hàng năm mẹ tôi còn làm điều đó nữa không. Tôi biết rằng trong lòng bà và mẹ tôi vẫn luôn ẩn tạng tâm thiện ngay trong lúc sát sinh. Nhân gian mấy ai toàn thiện. Cái quý là khi làm việc gì mình biết nó thế nào cũng tốt lắm rồi. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ rằng mẹ tôi bây giờ không còn tế lễ theo phong tục ấy nữa.

Ngày 30 Tết cũng là ngày chạp mả quê nội tôi. Do vậy, con cháu tập trung về trước thăm viếng, thắp hương mồ mả ông bà để tưởng nhớ, sau là anh em bà con gặp nhau thăm hỏi sau những ngày dài làm ăn vất vả. Sau khi dâng cúng ông bà tổ tiên xong, bữa cơm ấm cúng của dòng họ được bày ra để cùng nhau thưởng thức. Ngày trước, việc đốt pháo còn chưa cấm. Quê nội tôi tuy nghèo nhưng thích đốt pháo cho vui nhà vui cửa và năm nào cũng ráng dành tiền để đem về vài ba dây pháo. Tôi thì mê pháo đến nổi năm nào cũng đòi về quê nội cho được để thưởng thức tiếng pháo và nhặt những viên pháo còn sót lại. Có lần, tôi nhặt được mấy viên pháo lớn và tôi thích lắm. Tôi đặt nó bên dưới rồi để tấm tole kê bên trên. Tôi bắt đầu châm ngòi nổ và một tiếng nổ lớn làm văng tấm tole lên cao rồi rơi xuống từng mảnh. Cái trò nghịch ngợm của tôi làm mọi người hú vía và tôi cũng không khỏi bị một trận ‘nổ giòn’ từ các anh bà con.

Từ ngày tôi xa nhà thì những kỷ niệm trên cũng dần đi vào dĩ vãng. Đã lâu lắm rồi tôi chưa có dịp để thưởng thức lại khung cảnh sum họp ấm cúng ngày xưa. Mà tôi nghĩ nếu bây giờ sum họp lại, có lẽ tâm trạng tôi cũng khác bởi sự thay đổi của thời gian và hoàn cảnh xung quanh. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ý nghĩa về nguồn cội tổ tông sẽ không mất đi mà vẫn thiêng liêng và cần gìn giữ nó. Nó là sợi dây liên kết giữa chúng ta với tổ tiên và với thế hệ con cháu mai sau.

Bao mùa xuân trôi qua, tôi thấy mình cũng trưởng thành lên. Mỗi lần Tết đến tôi lại có cảm nhận khác nhau về cuộc sống. Với trẻ thơ, Tết là mùa an vui và hạnh phúc trong tà áo mới du xuân. Với người lớn, tâm trạng buồn vui lẫn lộn không sao miêu tả hết bởi cái vui của người này lại là cái buồn của người kia, cái được của vị này là nỗi âu lo của kẻ khác. Nhưng tôi thấy trong họ vẫn có cái chung là sự mong cầu cuộc sống tốt đẹp hơn, bình yên hơn và thịnh vượng hơn. Sự mong cầu là mẫu số chung nhưng con đường đi tới trăm ngả, ngàn phương.

Còn tôi thì chỉ mong ước mọi người có cuộc sống ấm no, sống thân thiện hơn, biết hưởng thụ vừa phải và biết chia sẻ với cộng đồng xung quanh. Sự sang trọng xa hoa của ta có ý nghĩa gì khi mà bao kẻ lầm than đói rách đang sống quanh ta. Tôi tự nghĩ, lẽ nào tâm hồn con người thời hiện đại cũng trở nên thờ ơ và chai lì, không còn rung động trước nổi khổ của nhân sinh. Tết đến rồi, mùa xuân an vui lại về. Cầu mong mọi người được sống an lạc.

No comments:

Post a Comment