Vấn đề lịch sử... nước ngoài, nước ta
Theo lịch sử Phật giáo Trung Quốc thì việc sử dụng chữ Thích làm tộc danh cho người xuất gia và lâu nay nhiều người cho rằng do Thích Đạo An (năm 312 - 385 đời Tây Tấn) thiết định ra.
Tăng đoàn đầu tiên của Đức Phật đang đi truyền đạo |
Trong sử chép thì vào thời Đạo An, tạng Luật chưa truyền đến Trung Quốc, nề nếp sinh hoạt của Tăng già chưa có định hướng chung. Do vậy, ngài Đạo An đã soạn ra những thanh quy, điều lệ làm cương lĩnh tu tập của Tăng già (người xuất gia - PV), trong đó có quy định dùng chữ Thích làm họ.
Nhưng vấn đề là ngài Đạo An đã dựa vào những cơ sở nào để đặt ra quy định này, cũng như những trường hợp sử dụng chữ Thích trước thời Đạo An sẽ giải thích ra sao?
Do đó, để có thể trở thành một quy định được Tăng già nồng nhiệt đón nhận và có sức sống lâu bền đến ngày nay, việc vận dụng chữ Thích dành cho những người xuất gia nhất định phải xuất hiện trước ngài Đạo An rất lâu và trở nên thịnh hành trong thời Ngài song có thể còn mang tính rời rạc, tự phát.
Theo lịch sử Phật giáo Ấn Độ, trong thời Đức Phật, không có một bằng chứng nào cho thấy vấn đề Pháp danh đã từng được đặt ra. Điều này có thể khẳng định qua việc khảo sát danh tính những đệ tử tiêu biểu của Đức Phật lúc bấy giờ.
Từng con người cụ thể, lịch sử đều ghi nhận về tên tuổi, gia cảnh, đời sống… trước khi theo Đức Phật, cũng như quá trình tu tập giải thoát sau khi về với Phật nhưng tuyệt nhiên không thấy lịch sử đả động gì đến việc họ được Đức Phật đặt cho một tên mới sau khi theo Ngài.
Tên của họ vẫn là tên được cha mẹ đặt cho từ lúc sinh ra cho đến lúc từ giã cõi đời. Nhưng như vậy không có nghĩa là Pháp danh mà chúng ta sử dụng rộng rãi ngày nay không có một liên hệ nào bắt nguồn từ thời Đức Phật.
Sau khi thành Đạo, Ngài ra đi thuyết giáo, thâu nhận môn đệ, thành lập giáo đoàn và có một tên là Sa môn Thích tử mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong Kinh tạng Nam truyền cũng như tạng Luật. Đây là danh xưng chính thức của giáo đoàn.
Như vậy, tên bộ tộc Thích Ca của Đức Phật được dùng làm biểu tượng của giáo đoàn.
Còn về lịch sử Phật giáo Việt Nam, ngay trong thời của Đức Phật, chữ Thích đã được dùng một cách chính thức và phổ cập, tuy nhiên chưa được sử dụng cho từng trường hợp cụ thể.
Vào khoảng năm 220 - 300 có một nhà sư hiệu là Trúc Đạo Thanh hay còn gọi là Đạo Hinh, đặc biệt vị sư này còn có một tên gọi khác rất quan trọng đối với vấn đề mà chúng ta đang tìm hiểu, đó là Thích Đạo Thanh.
Với niên đại nói trên, ngài Đạo Thanh phải qua đời ít nhất 12 năm trước khi ngài Đạo An ra đời. Như vậy, rõ ràng trước ngài Đạo An, chí ít là tại Việt Nam, chữ Thích đã chính thức được dùng làm họ của người xuất gia.
Nhưng không phải ai đi tu cũng được mang ngay họ Thích
Bởi quá trình được mang họ Thích phải qua những giai đoạn tu học khác nhau. Không đơn thuần là cứ đi tu là có họ Thích ngay.
Người mới đi tu vào chùa, sau một thời gian thử thách, được Thầy của người đó thế phát (cạo tóc - PV). Khi đó người ấy được gọi là chú Tiểu hoặc chú Điệu và được Thầy ban cho một Pháp danh.
Sau khi hoàn tất chương trình học tại chùa khoảng 2 năm chú được Thầy cho đi thọ giới Sa Di do Giáo hội Phật giáo tổ chức và lúc này Thầy sẽ ban cho Pháp Tự.
Trong thời gian làm Sa Di, chú phải hoàn tất chương trình tu học ít nhất là 5 năm sẽ được Thầy cho đi thọ giới Tỳ Kheo tại Đại Giới Đàn do Giáo hội Phật giáo tổ chức gọi là Tuyển Phật Trường. Nếu đỗ, chú Sa Di được thọ giới Tỳ Kheo. Khi thọ giới Tỳ Kheo mới là chính thức trở thành một tu sĩ của Phật Giáo. Bây giờ, chú được Thầy đặt Pháp hiệu. Lúc này mới được dùng chữ Thích đứng trước.
... và không phải tu sĩ nào cũng dùng họ Thích
Mặc dù Đức Phật mang dòng họ Thích nhưng không phải tất cả tu sĩ Phật giáo khắp nơi trên thế giới đều mang chung họ Thích, ngay cả ở Việt Nam cũng có ngoại lệ bởi vì việc lấy họ Thích không phải là một quy luật chung áp dụng cho tất cả.
Vấn đề này, còn tùy theo đặc tính và sở thích của mỗi người. Không phải ai cũng đặt cho mình là họ Thích, ít ra là về cách xưng hô cũng như trên những văn kiện giấy tờ.
Thực tế, đã có rất nhiều nhà sư, kể từ khi xuất gia cho đến khi viên tịch, các Ngài không bao giờ lấy chữ Thích. Ví dụ như cố Đại Lão Hòa Thượng Hành Trụ, Ngài thường để là Sa Môn Lê Phước Bình hoặc còn nhiều vị khác chỉ để Pháp danh hay Pháp hiệu mà Thầy Tổ hoặc người đời đặt cho như Thiền sư Vạn Hạnh, Pháp sư Tịnh Không... chứ các Ngài không tự xưng mình là họ Thích.
Bùi Hiền
(Tài liệu: Đại tạng kinh Việt Nam, Lịch sử Phật giáo, báo Giacngo Online).
Theo bee.net.vn
No comments:
Post a Comment