Tuesday, June 5, 2012

Sao lại là “Đơn xin An cư kiết hạ”?


Theo truyền thống Bắc tông, ngày 16/4/ âm lịch các tự viện thuộc hệ phái này đều kiết giới tiền An cư bắt đầu cho mùa An cư kiết hạ trong suốt ba tháng. An cư kiết hạ trở thành truyền thống không thể thiếu trong Phật giáo, là điều luật quy định bắt buộc về bổn phận và trách nhiệm của mỗi thành viên trong tăng đoàn Phật giáo. Do đó, mỗi năm hàng Tăng Ni phải đăng ký An cư tập trung hay An cư tại chỗ tùy theo hoàn cảnh ở các trú xứ. Tuy nhiên, một điều người viết và các bạn đồng tu cảm thấy hơi lạ là Đơn xin An cư kiết hạ. Hy vọng rằng điều này sẽ không còn lạ nữa.

Theo thông bạch tổ chức An cư kiết hạ PL 2556, mở đầu thông bạch ghi: “Căn cứ Tỳ Ni Luật tạng Đức Phật chế và truyền thống An cư Kiết hạ, Tăng Ni hằng năm phải An cư ba tháng (hoặc tiền An cư hay hậu An cư) để thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới - Định - Huệ, giữ gìn quy củ tòng lâm, trang nghiêm Giáo hội, lợi lạc tự thân”. Lời mở đầu của thông bạch đã nêu rõ tầm quan trọng của việc An cư kiết hạ và xem đó là bổn phận bắt buộc của mỗi Tăng Ni. Mục đích của An cư kiết hạ cũng được thông bạch nêu rõ là ‘nhằm thúc liễm thân tâm, giữ gìn quy củ tòng lâm…lợi lạc tự thân’. Điều đó có nghĩa là Tăng Ni phải có bổn phận An cư trong ba tháng theo quy định trong Luật tạng.
Vấn đề đặt ra là Luật tạng và thông bạch đã xác định việc An cư kiết hạ là bổn phận của mỗi Tăng Ni, là pháp hành hàng xuất gia phải tuân giữ; nghĩa là An cư kiết an là pháp mỗi Tăng Ni phải hành trì và nếu không hành trì thì chưa thật sự là người xuất gia theo truyền thống Phật giáo. Thế nhưng, Giáo hội lại đưa ra mẫu đơn gọi là “Đơn xin An cư kiết hạ”. Nếu An cư kiết hạ là bổn phận, là pháp hành mỗi Tăng Ni phải tuân giữ theo Luật định thì việc An cư kiết hạ là điều hiển nhiên được chấp nhận trong Phật giáo. Chúng ta hiểu như thế nào về “đơn xin An cư kiết hạ”. Phải chăng thực hiện bổn phận của người xuất gia tức An cư kiết hạ cũng phải xin phép?! Nếu như đơn xin xuất gia, đơn xin thọ giới là chính đáng vì cần có sự xin – cho thì đơn xin An cư kiết hạ có điều gì đó chưa ổn. Lẽ nào tu tập, thực hành bổn phận người xuất gia cũng phải xin – cho nữa sao?!
Trong thông bạch hướng dẫn có đề cập Đơn đăng ký. Có lẽ đơn này khả dĩ vì hành giả xuất gia phải đăng ký địa điểm hoặc đơn vị An cư tập trung hoặc đơn vị An cư tại chỗ để Giáo hội quản lý và trợ duyên cũng như để chính quyền hỗ trợ vấn đề an ninh. Như vậy, hành giả An cư, Giáo hội và chính quyền đều bình đẳng theo chức năng và nhiệm vụ trong việc thực hành giáo Luật và pháp luật. Vấn đề xin – cho là cần thiết nhưng nếu áp dụng không đúng chỗ sẽ tạo ra nghịch lý mà trường hợp trên là một ví dụ. Mong rằng chư vị tôn đức hữu trách và chư vị cao minh xem xét và chỉ giáo thêm.

No comments:

Post a Comment