Thursday, September 13, 2012

Vương đạo và bá đạo

Vương đạo:
Vương đạo là con đường chơn chánh của bậc Thánh Vương thời cổ, dùng đức và nghĩa mà hóa dân trị nước.
Vương đạo chỉ chuộng Nhơn nghĩa, không dùng quyền uy võ lực hay mưu mô xảo trá mà bức hiếp người để đạt mục đích.
"Đem cả nước mà hô hào làm việc lễ nghĩa và không làm gì hại đến lễ nghĩa. Làm một điều bất nghĩa, giết một người không có tội, mà được cả thiên hạ thì kẻ nhân giả không làm. Cứ giữ vững lòng mình mà giữ nước. Được như thế thì thật là vững chắc lắm vậy.
Những người cùng với mình làm việc ấy đều là nghĩa sĩ. Những hình pháp đem bày ra cho quốc gia đều là pháp nghĩa. Những điều mà nhân chủ đã thật tin và đem quần thần qui hướng cả về đó đều là cái ý chú vào việc nghĩa.
Như thế, kẻ dưới lấy nghĩa mà trông cậy người trên, ấy là cơ bản định vậy. Cơ bản đã định thì nước định, nước định thì thiên hạ định….
Không bởi cớ gì khác, chỉ bởi cái cớ cố làm cho nên việc nghĩa. Ấy là việc nghĩa lập mà làm Vương vậy.
Người muốn làm Vương cả thiên hạ thì phải: Phát cái chánh trị ra, thi hành những điều nhân, khiến kẻ ra làm quan ở trong thiên hạ ai cũng muốn đứng ở triều nhà vua, kẻ cày ruộng ai cũng muốn cày ở đất của nhà vua, kẻ buôn bán ai cũng muốn đến ở trong chợ của nhà vua, người đi đường ai cũng muốn đi đường của nhà vua. Được như thế, ai chống lại mình được nữa."


Bá đạo:
"Đức tuy chưa đến cùng cực, nghĩa tuy chưa nên hẳn, song cái lý của thiên hạ cũng được có tiết tấu. Hình pháp thưởng phạt làm tin cho thiên hạ, kẻ bề tôi ở dưới đều hiểu rõ mà biết những điều yếu ước. Cái chính lệnh đã bày ra thì dẫu thấy rõ điều lợi của mình hỏng, nhưng cũng không lừa dối dân, đã kết ước với nước nào thì dẫu thấy rõ điều lợi của mình hỏng, nhưng cũng không lừa dối người.
Như thế thì binh mạnh, thành bền, nước địch sợ mình, cả nước một nền, dân với nước đều tin. Tuy ở nơi hẻo lánh, cũng có uy với thiên hạ. Song không phải là hết lòng sửa cái gốc ở sự chính và sự giáo, không phải là lấy văn lý làm căn bản, không phải là làm cho lòng người ta phục.
Làm điều gì thì xu hướng về phương lược, xét việc gì thì dùng thuật dĩ dật đãi lao, nghiêm cẩn sự súc tích, sửa sang việc chiến bị, trên dưới một lòng tin nhau, thiên hạ không ai dám đương đầu với mình. Ấy thế gọi là Tín lập mà làm Bá vậy."
Con đường Bá đạo thì chuộng quyền lực uy vũ, mưu kế tài tình để đạt mục đích làm Bá chủ thiên hạ, thống trị và áp bức chư Hầu.
Vương đạo thì bền vững lâu dài, Bá đạo chỉ tồn tại khi quyền lực còn. Vương nghiệp thì thống nhứt cả nước, Bá nghiệp thì làm lãnh tụ chư Hầu.
Trong truyện Hán Sở tranh hùng, Lưu Bang thi hành Vương đạo, còn Hạng Võ thi hành Bá đạo. Do đó, Lưu Bang đoạt được thiên hạ, thống nhứt nước Tàu; Hạng Võ thì chỉ làm Sở Bá Vương một thời gian rồi phải chịu thảm bại tiêu diệt.
Nhà Nho nào cũng muốn thực hành Vương đạo, nhưng nếu không thực hành nổi Vương đạo thì vạn bất đắc dĩ mới phải dùng Bá đạo. Sử chép, Vệ Ưởng đến yết kiến Hiếu Công, thuyết về Vương đạo. Hiếu Công không nghe, nên Vệ Ưởng phải thuyết về Bá đạo. Thế là Hiếu Công chịu nghe. Khi về nhà, Vệ Ưởng phàn nàn rằng: đức của nhà vua khó mà sánh với đời Ân, đời Chu được.
Những bậc Thánh nhân như Đức Khổng Tử, Mạnh Tử, suốt đời đi chu du liệt quốc, khát khao tìm một ông vua biết thi hành cái đạo của mình, mà hễ gặp vua nào không có cái chí theo Vương đạo thì liền bỏ đi, chớ không chịu nói về Bá đạo.
(Sưu tầm)

No comments:

Post a Comment