Hầu như ai cũng biết đạo Phật có
nguồn gốc từ Ấn Độ và từ quê hương ấy, đạo Phật dần dần được giới thiệu đến các
nơi khác. Những nơi đạo Phật đặt chân đến lần đầu tiên, ít nhất theo đạo Phật,
là những vùng đất mới. Và Việt Nam là một trong những số đó.
Trước hết, vùng đất mới có thể
được hiểu theo hai cách. Đó là nơi xa xôi, hẻo lánh, nơi mới thành lập và ít
người biết đến. Nó cũng có thể được hiểu là nơi ta chưa từng đặt chân tới hay
chưa từng biết đến cho dù nó ở xa hay gần quanh ta. Trong trường hợp này, vùng
đất mới là nơi Phật giáo chưa từng được giới thiệu đến và người dân chưa từng
biết đến đạo Phật, hay cụ thể hơn là các tông phái Phật giáo.
Tựa đề ‘Hoằng pháp ở những vùng
đất mới’ gợi cho bạn đọc nghĩ về những cơ hội và thách thức mà những nhà truyền
đạo, hay hoằng pháp viên theo ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam, phải dự tính để tận
dụng và đương đầu để giải quyết. Bài viết này không đi vào nội dung cơ hội và
thách thức mà trình bày kinh nghiệm hoằng pháp của chư vị tiền nhân và sự nghiệp
hoằng pháp hiện tại. Qua đó, chúng ta có thể đối chiếu để rút ra những bài học
và bổ sung vào những chỗ khiếm khuyết để xây dựng một chương trình hoằng pháp thích
hợp và khả thi cho thời đại hiện nay. Có lẽ, đó cũng là điều đáng nên làm cho
Phật giáo.
Theo sử liệu Phật giáo, đạo Phật
đã có mặt tại Việt Nam trên dưới 2000 năm. Do đó, trong phạm vi nhỏ này, người
viết chỉ sẽ đề cập kinh nghiệm hoằng pháp của tiền nhân trong hai giai đoạn:
giai đoạn Phật giáo được giới thiệu vào Việt Nam và giai đoạn thế kỷ 17. Mỗi
giai đoạn chỉ đề cập những điểm trọng yếu có liên hệ và ảnh hưởng đến hoằng pháp
hiện tại.
Giai đoạn Phật giáo được giới thiệu vào Việt Nam
Trong quyển ‘Việt Nam Phật Giáo
Sử Luận’, Giáo sư Nguyễn Lang cho rằng Phật giáo được giới thiệu lần đầu tiên ở
Việt Nam là do các thương buôn người Ấn và sau đó mới có các Tăng sĩ Ấn Độ. Giả
thuyết này có tính khả thi vì lúc ấy các Tăng sĩ vô sản không thể tự sắm thuyền
đi truyền đạo mà chỉ có thể theo các thương buôn – những người đến Việt Nam chỉ
vì mục đích buôn bán. Từ đó, có hai giả thuyết đặt ra về sự có mặt của các Tăng
sĩ Ấn là họ được các thương buôn mời đi theo đoàn để cầu nguyện cho chuyến đi
bình yên;[1]
hoặc họ tháp tùng đi theo vừa để cầu nguyện cho đoàn, vừa nhân cơ hội này để
truyền bá chánh pháp. Dù là động cơ nào thì sự có mặt của họ tại Việt Nam vào
những thế kỷ trước sau Tây Lịch là sự thật.
Cũng theo sử liệu này, các
thương buôn người Ấn Độ là những cư sĩ có thực hành Phật giáo đại thừa. Họ tổ
chức sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo bao gồm thờ cúng Phật Nhiên Đăng và Bồ tát
Quán Thế Âm để che chở an lành ngoài biển khơi, giữ gìn tam quy và năm giới, bố
thí cúng dường….[2] Thời
ấy, việc đi lại phải nhờ vào gió mùa nên có khi đi về phải mất cả năm trời.
Trong thời gian ở lại Việt Nam để buôn bán và chờ đợi, họ có sự trao đổi với
người bản xứ và do đó, sinh hoạt của họ dần dần ảnh hưởng đến người Việt. Phật
giáo chưa được thuyết giảng bằng lời qua các nhà truyền đạo đã có những bước đầu
nảy nở, cho dù mang hình thức tín ngưỡng.
Khi các Tăng sĩ Ấn đến Việt Nam,
họ lập am cư ngụ để cầu nguyện cũng như hướng dẫn các thương buôn tu tập và dần
dần các người bản xứ tìm đến. Hẳn nhiên, các Tăng sĩ phải học ngôn ngữ Việt để
hướng dẫn người Việt. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ theo đạo Phật trong khi họ
cũng có tín ngưỡng riêng? Những giải thích có thể chấp nhận được như sau. Thứ
nhất, Phật giáo tín ngưỡng có sự tương đồng và về nhiều mặt nổi trội hơn tín
ngưỡng bản địa. Ví dụ, đức Phật được xem
như là một vị có phép thần thông hiểu rõ lòng người, có tình thương rộng lớn
luôn cứu giúp người hiền, không phạt kẻ ác như ông Trời của họ. Thứ hai, những quan
niệm về nhân quả thiện ác, luân hồi, từ bi rất hợp với niềm tin và mong muốn của
người Việt lúc ấy.[3] Thứ
ba và quan trọng nhất là các Tăng sĩ và thương buôn đã đem đến người bản xứ những
thứ họ cần.
Từ trường hợp này, chúng ta có
thể rút ra ba điểm như sau: sự quan trọng của những người tiền trạm, sự chuẩn bị
cơ bản của một người truyền đạo và sự dấn thân của một Tăng sĩ hoằng pháp. Điểm
thứ nhất, chính các thương buôn là những người tạo điều kiện thuận lợi (về đời
sống và môi trường) cho Tăng sĩ. Thứ hai là việc sử dụng ngôn ngữ và hiểu biết văn
hóa Việt. Có lẽ các Tăng sĩ Ấn lúc bấy giờ phải khổ công để học ngôn ngữ. Thứ
ba là các Tăng sĩ tự nguyện ở lại truyền đạo nơi vùng đất mới và họ đã sinh sống
cùng với người Việt trong một thời gian dài nhất định để cảm hóa người Việt
theo Phật giáo.
Giai đoạn thế kỷ 17
Suốt chiều dài lịch sử truyền đạo
ở Việt Nam, Phật giáo đã đón tiếp rất nhiều Tăng sĩ người Ấn cũng như người Hoa
và nhiều người trong số họ đã đóng góp rất to lớn cho sự hình thành và phát triển
đạo Phật Việt Nam. Những người có công giới thiệu và tạo nền tảng cho việc duy
trì tông phái Phật giáo vẫn còn ảnh hưởng mạnh hiện nay không thể không kể đến
thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch và thiền sư Minh Hải Pháp Bảo. Cả hai đều là
thiền sư người gốc Hoa, thuộc dòng Lâm Tế.
Thiền sư Nguyên Thiều thuộc đời
thứ 33 dòng Lâm Tế ở Trung Hoa. Năm 1677, Ngài theo thuyền buôn đến phủ Quy
Ninh (Quy Nhơn), Bình Định cư trú. Đến năm 1683 tức 6 năm sau, Ngài lập xong
chùa Di Đà Thập Tháp để truyền bá Phật pháp. Sau đó, Ngài ra Thuận Hóa lập chùa
Hà Trung, chùa Quốc Ân và tháp Phổ Đồng. Ở đây, Ngài được chúa Nguyễn Phúc Thái
kính trọng và thỉnh cầu sang Trung Hoa để thỉnh mời các danh tăng, Phật tượng
và pháp khí. Ngài tịch năm 1728, truyền bá Phật pháp tại Việt Nam được 51 năm.[4]
Như vậy, Ngài là người đầu tiên giới thiệu dòng thiền Lâm Tế ở Việt Nam. Ngài
có rất nhiều đệ tử nên dòng thiền này được
duy trì và truyền bá khắp các tỉnh Trung, Nam bộ cho đến ngày nay.
Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo thuộc
đời 34 dòng Lâm Tế. Năm 1695, Ngài qua Việt Nam cùng với phái đoàn tăng sĩ do
thiền sư Thạch Liêm làm trưởng đoàn theo lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn. Sau khi
Phật sự tổ chức giới đàn ở Thuận Hóa xong, Ngài và một số đồng môn không về nước
mà ở lại Việt Nam để hoằng pháp. Năm 1696, thiền sư đã lập thảo am ở Hội An,
sau này trở thành tổ đình Chúc Thánh, để tu tập và truyền đạo. Sau 50 năm hoằng
hóa chánh pháp tại Việt Nam, Ngài tịch vào năm 1746. Ngài đã đào tạo một thế hệ
đệ tử xuất sắc có thể duy trì và phát triển thiền phái Chúc Thánh rộng khắp Việt
Nam và hải ngoại như hiện nay.[5]
Sự nghiệp truyền bá chánh pháp của
hai vị thiền sư – tổ sư để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Thứ nhất, sự
truyền đạo của hai Ngài ở Việt Nam (vùng đất mới đối với hai Ngài) là hoàn toàn từ tâm nguyện độ sanh, bất vụ lợi.
Thứ hai, cả hai Ngài đều xây dựng sự nghiệp bằng sự dấn thân và tài đức do tu tập.
Thứ ba, hai Ngài đào tạo thế hệ đệ tử xuất sắc cho tương lai. Do đó, hai Ngài
được giới lãnh đạo kính trọng và quần chúng ngưỡng mộ quy tụ về tu học.
Hoằng pháp ngày nay
Sự nghiệp hoằng pháp của Phật
giáo Việt Nam hiện nay dựa vào Tăng Ni và cư sĩ nói chung và Ban Hoằng pháp nói
riêng. Vì Ban Hoằng pháp được thành lập để chuyên trách về truyền bá chánh pháp
nên bài viết chỉ tập trung phân tích cơ cấu và sự hoạt động của ban này trong
vai trò hoằng pháp ở những vùng đất mới.
Theo quyết định chuẩn y nhân sự
bổ sung Ban Hoằng pháp Trung ương nhiệm kỳ (2007-2012), có tất cả 59 thành viên
chính thức và 52 ủy viên dự khuyết.[6]
Danh sách này cho thấy hầu hết các ủy viên chính thức và dự khuyết đều là những
vị trụ trì hoặc ít nhất có một phận sự khác. Như vậy, chúng ta có thể suy luận
rằng mục đích của Ban Hoằng pháp chỉ là giảng dạy giáo lý cho các đạo tràng đã
có sẵn và không thể thích hợp hoằng pháp ở vùng đất mới (vì chưa có đạo tràng để
giảng và các ủy viên khó lòng mà bỏ bổn tự để dấn thân lâu dài xây dựng đạo
tràng vùng đất mới), trừ trường hợp Ban Hoằng pháp có mối quan hệ với các nhà
lãnh đạo địa phương để có thể được mời thuyết giảng.
Để khắc phục, Ban Hoằng pháp nhiều
năm qua đã nỗ lực đào tạo hàng trăm giảng sư bậc cao và trung để bổ sung đội
ngũ giảng sư nhưng cũng chỉ nhằm mục đích thuyết pháp. Trong số những vị này,
có nhiều vị chưa trụ trì hay có chức vụ cố định nên đã dấn thân đến những vùng
xa xôi và vùng đất mới để hành đạo. Sự dấn thân của họ có thể quy vào hai trường
hợp: hoặc có tâm nguyện phục vụ cộng với sự thỉnh mời của tín đồ, hoặc tự thân
đến những nơi xa xôi tìm nơi hành đạo. Trường hợp thứ hai hiếm xảy ra vì điều
kiện chủ quan lẫn khách quan hiện tại không cho phép.
Về hoạt động, Ban Hoằng pháp
chưa có một kế hoặch cụ thể nào cho việc hoằng pháp ở vùng đất mới bao gồm nhân
sự, mục đích, phương pháp, v.v... Sự hoạt động của Ban Hoằng pháp hiện tại là hầu
như dựa trên tinh thần tự nguyện cá nhân nhằm duy trì và tăng thêm tín đồ ở những
nơi Phật giáo đã từng tồn tại hơn là mở rộng và thu nhận tín đồ ở những vùng đất
mới. Tóm lại, sự nghiệp hoằng pháp ở những vùng đất mới còn bỏ ngõ.
Những kinh nghiệm tiền nhân và đề xuất
Qua sự trình bày trên, một số
kinh nghiệm có thể được rút ra khi hoằng pháp ở những vùng đất mới. Thứ nhất,
phải tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa và nhu cầu của người địa phương trước khi tiếp
cận, và khi tiếp cận phải tạo cho họ có thiện cảm với Phật giáo (như trường hợp
1). Thứ hai, để gieo trồng những hạt mầm mới thì nhà hoằng pháp phải có kiến thức
cần thiết, có trải nghiệm tu tập nhất định, và phải dấn thân sinh hoạt với người
bản địa theo kiểu “mưa dầm thấm đất” (như cả hai trường hợp ở trên). Thứ ba, sự
đóng góp quan trọng của cư sĩ trong việc phổ biến đạo Phật (trường hợp 1), sự
trợ giúp cần thiết của chính quyền địa phương (trường hợp 2), và nhất là của
giáo hội Phật giáo trong thời hiện tại.
Để đáp ứng điều kiện trên, Ban
Hoằng pháp nên cơ cấu nhân sự theo mô hình 2 thành phần: thành phần chính gồm
những vị có chức vụ, đang trụ trì các chùa và đang tham gia thuyết giảng; và thành
phần cơ hữu có thể bổ nhiệm đi hoằng pháp khắp nơi gồm những vị tốt nghiệp các
lớp giảng sư và những vị có khả năng thuyết giảng bao gồm cư sĩ với điều kiện tất
cả phải cam kết theo quy định Ban Hoằng pháp. Theo đó, thành phần chính ngoài
phận sự thuyết giảng phải xây dựng chương trình hoằng pháp, đào tạo nhân sự, lập
quỹ tài trợ hoằng pháp, và đặc biệt xây dựng chính sách cho các thành viên.
Thành phần cơ hữu có trách nhiệm theo sự phân công của ban: hoặc tham gia hoằng
pháp ngắn hạn theo đoàn, hoặc dấn thân hoằng pháp ở một nơi xa nào đó theo nhiệm
kỳ hay trọn đời. Những vị này phải được hỗ trợ nhất định và nếu không ở trọn đời
nơi đó thì khi hoàn tất nhiệm kỳ phải được những quyền lợi ưu tiên cụ thể như bổ
nhiệm trụ trì, tham gia công tác, v.v…
Một chương trình như thế xem ra
khó thực hiện ngay hiện nay. Tuy nhiên, nếu không sớm thực hiện thì dù đạo Phật
được cho là vàng, kim cương nhưng khó tiếp cận thì cũng không bằng đồng, chì, kẽm…được
cung cấp khuyến mãi có thể sử dụng ngay. Thiết nghĩ, những người con Phật có
tâm hoằng pháp không thể không suy ngẫm.
[1] Nguyễn Lang. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận. Nhà xuất bản
văn học Hà Nội, 2000, trang 26.
[2] Sđd, tr.44.
[3] Sđd, tr.47-50.
[4] Sđd, tr.586-9. Nguyễn Tài
Thư. The History of Buddhism in Vietnam.
USA: The Council for Research in Values and Philosophy, 2008, tr. 198.
[5] http://www.lamtechucthanh.com.vn/index.php?cmd=act:tieusu
No comments:
Post a Comment