Sunday, May 30, 2010

Sự kiêu hãnh của đại học Việt Nam

Khi đọc bản báo cáo về kết quả đại học Việt Nam không nằm trong top 200 đại học hàng đầu châu Á đuợc đăng tải trên các mặt báo, những người quan tâm về nền giáo dục nước nhà không khỏi băn khoăn và đặt ra nhiều câu hỏi. Phải chăng trình độ giáo dục của các đại học Việt Nam còn yếu kém? Phải chăng Việt Nam không đủ giáo sư có năng lực để giảng dạy, nghiên cứu và công bố công trình khoa học? Phải chăng còn điều khúc mắc nào đó khiến cho đại học Việt Nam không thể phát huy vai trò của mình để khẳng định vị trí và tầm vóc trên trường quốc tế?... Những câu hỏi xem ra quá cũ rích vì đã được đặt ra bàn luận với nhiều hướng giải pháp khác nhau nhưng rốt cuộc chưa có lời giải đáp thật sự thuyết phục nào từ các nhà chức trách cả. Dường như sự bền vững đáng sợ của nó là một trong những nguyên nhân đưa đến kết quả không thể tránh khỏi như trên chăng?! Là một học sinh đúng ra theo cách giáo dục ở Việt Nam thì không dám hay nói đúng hơn là không được phép nói những vấn đề to tát như thế này vì luôn được khuyến khích lo học những gì đã được dạy, còn những chuyện to lớn có các ‘quan’ lo rồi. Học đòi phong cách học tập của các sinh viên ở các nước tiến bộ, người viết làm liều viết vài sự thật đang vẫn tồn tại ở Việt Nam hiện nay. Qua đó có thể suy ra phần nào nguyên nhân dẫn đến kết quả đã đề cập ở trên.

Hệ thống giáo dục ở Việt Nam xem qua có vẻ thật chặt chẽ và bài bản từ cấp thấp nhất đến đại học. Học sinh phải gồng mình học tập cả ngày lẫn đêm, cả chính quy và phụ đạo để có thể theo kịp chương trình bộ đã đề ra. Khi hết một cấp học, học sinh phải chạy tìm những trường chất lượng với những điều kiện nhập học rất ‘tiêu chuẩn’ để mong có thể phát huy năng lực của mình. Cho đến trước khi vào đại học, học sinh lại một phen khổ luyện ‘tụng những kinh điển bảo bối’ để có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh mà hiên ngang bước vào cổng trường đại học. Nhìn thấy thời lượng học tập và quá trình phấn đấu như thế các nhà giáo dục trên thế giới không khỏi thán phục và thậm chí bái phục vì họ còn lâu mới theo kịp lịch học dày đặc và sự cạnh tranh khắc khe như thế. Thế thì tại sao đại học Việt Nam lại tụt hậu? Câu trả lời dành cho các quan giải quyết.

Một hiện tượng nữa làm đau đầu không biết bao nhiêu sinh viên và các nhà giáo dục. Ở Việt Nam, quy định của bộ giáo dục về quản lý các trường đại học theo một kiểu mẫu sáng tạo theo phong cách Việt Nam. Ở đó, các trường đại học được nổi tiếng nhờ cái tên và sự bảo trợ của ‘bậc cha mẹ’ và do đó nó luôn tự hào là vượt trội hơn các trường, viện khác. Sự vượt trội dễ thấy nhất của nó là nó không chấp nhận bất cứ một cái gì mà các trường, viện khác đào tạo nhưng nó có quyền đòi tất cả trường, viện khác chấp nhận cái sản phẩm của nó. Kết quả là các sinh viên từ các trường, viện chưa có chương trình mà sinh viên ưa thích, hay chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ muốn học lên tiếp thì chỉ biết ngậm ngùi vì quyền sinh viên của mình bị tước đoạt. Cùng một hệ thống giáo dục nhưng tại sao lại có sự nghịch lý như thế và cái nghịch lý này sao bao nhiêu năm nay vẫn tồn tại vững chắc vậy?! Nghịch lý hơn là các sinh ấy lại được các trường đại học ở các nước như Ấn độ, Thái Lan, Úc, và một số nước ở châu Âu, châu Mỹ chấp nhận đào tạo tiếp tục. Phải chăng vị trí các trường đại học ấy ở Việt Nam có chất lượng quá cao? Thế thì tại sao kết quả vừa qua lại không chịu đánh giá đúng cái giá trị ấy nhỉ!

Lại nữa, quy trình để các đại học, học viện ở Việt Nam được chấp nhận đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thật là khắc khe đến mức việc xin giấy phép mất thời gian 5 đến 10 năm mà vẫn còn phải xếp hàng chờ đợi. Mặc dù có những trường, viện đáp ứng tiêu chuẩn quy định về số lượng tiến sĩ - những giảng viên giảng dạy tại trường nhưng cũng vẫn chưa được cấp giấy phép đào tạo. Nếu quy trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ta nghiên túc và khó như thế thì lẽ ra phải sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước và các trường đại học tất nhiên phải nổi tiếng như là một hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, một thực tế hơi thất vọng là trong khi các trường đại học được cho là nghiêm khắc đào tạo cấp sau đại học sản sinh ra nhiều thành quả chưa đạt chất lượng thì bộ lại hạn chế cơ hội cho các trường viện khác được phép tham gia đào tạo cấp sau đại học một cách công bằng như quyền của nó được hưởng. Đây là một sự lãng phí của ngành giáo dục, một sự oan ức của sinh viên không có cơ quan nào giải đáp thỏa đáng.

Những trăn trở trên là của cá nhân và cũng là của nhiều sinh viên trong cùng cảnh ngộ - những người mong muốn nâng cao tri thức để phát huy khả năng của mình nhằm đóng góp cho xã hội nhưng không có được cơ hội để thực hiện uớc mơ ấy ở trong nước. Uớc mơ ấy chỉ có thể thực hiện ở nước ngoài nhưng khổ nổi ‘cơm, áo, gạo tiền’ đâu phải ai cũng có thể kiếm được. Mong rằng một ngày rất gần ‘các bậc cha mẹ’ (bộ giáo dục) rũ lòng thương xót, quan tâm đồng đều các đứa con của mình (các trường đại học, học viện) thì may ra phận sinh viên bớt vất vả.


No comments:

Post a Comment