Sunday, September 11, 2011

Phát triển Tông An Nam ở Thái Lan: Cơ hội và thử thách

Tông An Nam là tông phái Phật giáo Bắc truyền ở Thái Lan có nguồn gốc từ Việt Nam và từ An Nam là tên gọi trước đây của Việt Nam. Theo các sử liệu nghiêu cứu, tông này được hình thành vào thời kỳ khởi nghĩa Tây Sơn – Nguyễn Ánh, tức hơn 200 năm trước. Lúc bấy giờ, ở Việt Nam do tình hình chính trị và xã hội bất ổn, nhiều người Việt đã chạy sang Thái Lan (tức nước Xiêm lúc bấy giờ) để lánh nạn và tìm cuộc sống mới. Được sự ưu ái của các vua Thái, cộng đồng người Việt được phép thành lập, được cấp đất cho làm ăn sinh sống, và từ đó những ngôi chùa Việt cũng dần dần được xây dựng để phục vụ cho nhu cầu đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt và cả người địa phương. Tông An Nam khởi thủy từ đời vua Rama IV, nhưng chính thức được công nhận và cho phép sinh hoạt từ đời vua Rama V đến ngày nay.

Trải qua thời gian hơn 200 năm, tông An Nam đã phát triển được 19 ngôi chùa trên nước Thái trong đó Bangkok chiếm 7 ngôi. Số lượng chư tăng thuộc tông An Nam hiện nay khoảng 400 vị. Sự thành tựu Phật sự của chư tổ tại ngoại quốc như thế là một thành công đáng trân trọng. Tiếp nối sự nghiệp của chư tổ, các thế hệ sau không ngừng nỗ lực để duy trì và phát huy tông phái. Trong bối cảnh hiện nay, khi nền khoa học kỹ thuật phát triển, nhu cầu hưởng thụ vật chất của con người tăng cao, cộng với việc giao thương giữa Việt Nam và Thái Lan trở nên bình thường, thì tông An Nam cần phải có chiến lược để thích ứng và phát triển lâu dài. Đó là cơ hội và cũng là thử thách của tông này. Ta thử tìm hiểu những yếu tố là cơ hội và đâu là thử thách để định ra hướng đi thích hợp.

Cơ hội:

Thái Lan là nước có số tín đồ Phật giáo chiếm khoảng 95 phần trăm. Điều đó cho thấy số người thuần thành và tôn kính đạo Phật chiếm tỉ lệ rất cao so với các nước khác. Đây là một lợi thế lớn để Phật giáo nói chung và tông An Nam nói riêng có thể đóng góp vai trò của mình cho xã hội trong nhiều lĩnh vực như sau:

Giáo dục:

Hiện nay tông An Nam chỉ có hai trường Phật học, một trường phổ thông ở Bangkok đào tạo chư tăng thuộc tông phái và một trường thuộc chi nhánh của Đại học Mahachulalongkorn ở Hatyai. Cùng với sự phát triển xã hội, nhu cầu giáo dục đang ngày càng tăng. Do đó, nếu đủ nhân sự tông An Nam có thể xin phép mở trường đào tạo cho cả chư tăng và cư sĩ nhằm phục vụ nhu cầu học tập và xây dựng vị thế của tông phái trong lòng xã hội.

Từ thiện xã hội:

Đặc điểm nổi bậc của Phật giáo Bắc truyền là “Phật pháp bất ly thế gian giác” nhằm nói tinh thần nhập thế của đạo Phật. Cho nên, tông An Nam có thể phát huy nhiều hơn vai trò của mình thông qua công tác từ thiện. Công việc này có thể thực hiện tốt vì khả năng tài chánh các chùa tại Bangkok tương đối dồi dào. Thông qua sự bố thí, chia sẻ lòng từ bi, chư tăng có thể khơi dậy trong tâm những người nghèo khó hình ảnh tích cực của Phật giáo và tông phái.

Hướng dẫn tu học:

Xã hội ngày càng phát triển nhưng đồng thời khủng hoảng tinh thần cũng tăng theo. Cho nên, nhu cầu tu học của hàng Phật tử là rất lớn. Việc mở các khóa tu học hàng tuần cho cư sĩ là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Cộng với các kênh phát thanh hiện có, các chùa có thể giảng dạy Phật pháp cho tín đồ để tạo sự liên hệ gắn bó và trợ giúp họ trong sự tu học. Ở đây, vì đa số là người Hoa nên pháp môn Tịnh Độ kết hợp với Thiền sẽ thích hợp.

Thách thức:

Tuy nhiên để thực hiện được những cơ hội trên đòi hỏi tông phái phải phấn đấu, nỗ lực, kiên trì mới có đủ khả năng vượt qua những thử thách có thể nói là rất lớn hiện nay.

Ngôn ngữ:

Trước khi nói về vấn đề khó khăn này thiết nghĩ ta cũng nên khâm phục và kính trọng chư vị tổ sư, những bậc thầy đã giữ gìn và truyền thừa đến ngày hôm nay. Trải qua hơn 200 năm, đọc tụng kinh điển bằng âm tiếng Việt vẫn được hành trì hằng ngày. Đó là một điều đáng được ghi nhận và suy nghĩ. Đối với Phật giáo Nam tông, tuy đọc tụng kinh tiếng Pali nhưng họ có thể hiểu ý kinh qua ngôn ngữ chuyển dịch, giải nghĩa. Trong khi đó, các bản kinh tông An Nam hành trì toàn chép bằng chữ Hán (như vài chục năm trước chư tăng Việt Nam thường dùng), và hiện tại có thêm các bản phiên âm bằng chữ Thái. Ở bản chữ Hán, nếu vị thầy nào giỏi tiếng Hoa thì có thể hiểu ý nghĩa kinh điển để giảng dạy và hành trì đúng tinh thần kinh dạy nhưng xem ra rất hiếm có những vị có thể hiểu ý kinh. Còn ở bản chữ Thái thì việc tìm hiểu ý nghĩa thật là khó khăn. Lý do thứ nhất là chưa có bản dịch và giải thích nào bằng tiếng Thái (chẳng hạn như quyển Nhị Khóa Hiệp Giải ở Việt Nam) để chư tăng tìm đọc. Thứ hai, khi phiên âm tiếng Việt ghi bằng chữ Thái có nhiều âm trại hoặc sai làm cho cơ hội hiểu trở nên khó khăn thêm. Do đó, hầu như chư tăng tông An Nam chỉ biết đọc tụng chứ không hiểu ý nghĩa kinh dạy điều gì mặc dù thuộc không thiếu một chữ. Một số vị có xu hướng tụng pha lẫn giữa âm Việt và Hán.

Nặng nghi thức cúng bái:

Có thể nói tông An Nam sống chủ yếu phụ thuộc vào cộng đồng người Hoa vì các chùa An Nam đa số nằm ở khu người Hoa và thường xuyên phục vụ nhu cầu cúng bái của họ. Người Hoa thì rất nặng hình thức cúng kiến nhất là tang ma nên khi phục vụ nhu cầu của họ sự sinh hoạt Phật giáo trở thành tôn giáo hữu thần, tín ngưỡng hơn là bản chất vốn có của đạo Phật. Đáng tiếc rằng đây lại là sinh hoạt chính và là nguồn sống chính của chư tăng thuộc tông này. Một mặt do ảnh hưởng của Phật giáo Nam truyền, một mặt vì không ai có đủ khả năng cải tiến bớt những điều không phù hợp nên hình thức sinh hoạt này vẫn còn duy trì đến ngày nay. Đây là một thách thức lớn của tông An Nam trong sự phát triển lâu dài.

Nhân sự:

Theo phong tục Thái, việc xuất gia rồi hoàn tục trở thành một Phật tử, một công dân tốt là chuyện bình thường. Sự hoàn tục diễn ra trong nhiều trường hơp, có khi là vài tháng, vài năm hay thậm chí hai ba chục năm sau khi xuất gia. Do ảnh hưởng của truyền thống tu tập mang nặng hình thức tự độ, khép kín nên khi vị nào càng lớn tuổi trừ vị trụ trì thì càng đơn độc thiếu người giúp đỡ nhất là khi bịnh tật. Cho nên, có nhiều vị sau một thời gian lâu ở chùa, chuẩn bị đủ điều kiện rồi thì hoàn tục về gia đình. Đề cập việc này để nói lên tính thừa kế trở nên khó khăn vì thiếu nhân sự nhất là những vị có khả năng có thể hiểu và giảng dạy Phật pháp. Đây là vấn đề lớn mà chư tôn đức tông An Nam có tâm huyết luôn trăn trở nhưng đến nay cũng chưa thực hiện được.

Thời gian đầu, cộng đồng người Việt đông cộng với sự qua lại từ Việt Nam tương đối dễ nên tông An Nam có người Việt trụ trì. Tuy nhiên, kể từ sau năm 1945 do tình hình chính trị phức tạp, dòng người Việt chạy qua lánh nạn quá đông khiến chính quyền Thái có nhiều chính sách hạn chế và kiểm soát. Do đó, từ năm 1964 về sau không còn người gốc Việt nào trụ trì ở chùa An Nam. Đó cũng là một khó khăn dẫn đến thiếu nhân sự biết tiếng Việt trong tông phái. Đồng thời, một khó khăn khác là các vị trụ trì hiện nay không biết tiếng Việt như đã đề cập, nhưng khi người Việt đến xin ở thì họ cũng e ngại vì sợ rằng sẽ bị chiếm chùa, mặc dù việc nhập tịch và xin visa vào không dễ chút nào.

Một số ý đóng góp:

Ta biết rằng bất cứ sự nghiệp gì muốn thành tựu thì yếu tố con người phải là yếu tố quyết định. Ở đây nhân sự thừa kế là yếu tố sống còn của tông phái này. Chính con người mới có thể giải quyết tất cả những thử thách và tận dụng cơ hội trên để phát triển tông phái. Vậy thì nhân sự ở đâu?

Người Thái:

Mở chương trình dạy tiếng Việt nhất là phương diện kinh điển tông phái hành trì cho chư tăng người Thái để họ có thể hiểu khi kế thừa sự nghiệp trong tương lai. Trong trường hợp những vị ấy không tiếp tục tu nữa thì cũng nên sử dụng cho việc giảng dạy cho các lớp sau.

Người Việt:

Mạnh dạn cung thỉnh chư tăng người Việt có khả năng thông hiểu Phật pháp và thông thạo tiếng Thái qua giảng dạy theo định kỳ.

Để đạt được mục đích này thì việc hợp tác trao đổi sinh viên là việc cấp bách và nên xúc tiến nhanh. Cần thành lập ban phụ trách để giới thiệu và hướng dẫn các thủ tục cho sinh viên theo học.

Khi nhân sự đủ thì tiến hành phát triển giáo dục và các hoạt động xã hội. Cải cách bớt những nghi thức mang đậm nét bản địa Trung Hoa, xây dựng môi trường tu học cho chư tăng và Phật tử.

Dịch nghĩa và giải thích các nghi thức hành trì để giảng dạy cho chư tăng và làm tài liệu cho tông phái.

Trở ngại hiện nay

Tuy nhiên, thách thức và cũng là trở ngại chính hiện nay là không có cộng đồng người Việt sinh sống quanh chùa hay chí ít đến chùa sinh hoạt. Chùa tồn tại và sinh hoạt được đều nhờ vào cộng đồng người Hoa. Do vậy, chư tăng dù có biết tiếng Việt cũng không sử dụng được vì không mấy ai đến chùa ngoại trừ thi thoảng có khách hành hương, du lịch từ Việt Nam đến tham quan, lễ bái ở một vài chùa.

Chính quyền và Phật giáo Thái quản lý Giáo hội, tông phái, chùa chiền rất chặt chẽ. Không một tu sĩ ngoại quốc nào được phép xây chùa trên đất Thái vì tất cả các chùa đều do Giáo hội và nhà nước quản lý. Để một ngôi chùa mới được hình thành và sinh hoạt, nó phải được đưa vào trong hệ thống quản lý Giáo hội và sinh hoạt theo sư quản lý ấy.

Đã có một số người Việt có nhã ý thành lập một ngôi chùa nơi đất Thái để bà con Việt kiều và người Việt khi đến Thái Lan có nơi sinh hoạt ấm cúng nhưng đó chỉ là ước mơ. Hiện tại, chưa có một chính sách nào cho phép việc này xảy ra. Thái Lan không cho tu sĩ ngoại quốc nhập tịch (chưa biết có ngoại trừ đặc biệt nào không) và chỉ cấp visa dài nhất là 1 năm cho các trường hợp du học sinh và sinh hoạt tôn giáo (có giấy bảo lãnh). Do vậy, không có tu sĩ Việt nào có đủ tư cách pháp nhân để đứng ra xây dựng và quản lý, sinh hoạt một ngôi chùa trên đất Thái. Trừ khi có sự hợp tác giữa chính phủ hai nước, may ra trường hợp trên có thể thành hiện thực.

No comments:

Post a Comment